Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/08/2024

Trục xuất về Việt Nam : số phận một người Thượng đang bị đe dọa

RFA tổng hợp

Y Quynh Bdap : "Nếu bị trục xuất tôi chắc chắn sẽ chết"

RFA, 30/08/2024

Y Quynh Bdap khai trước Tòa hình sự Thái Lan hôm thứ Sáu (30/8) rằng ông không liên quan gì đến nhóm người Thượng đã tấn công vào hai trụ sở Ủy ban nhân dân xã ở tỉnh Đắk Lắk vào năm ngoái.

yquynh1

Ông Y Quynh Bdap - FB Y Quynh Bdap

Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ), đang tự bảo vệ mình khỏi bị trục xuất về Việt Nam, nơi ông sẽ phải đối mặt với bản án tù về tội khủng bố, trong phiên điều trần tiếp theo sau phiên điều trần diễn ra hôm 2/8/2024.

"Tôi không phải là người điều hành hay chủ mưu vụ việc", ông Bdap nói với các thẩm phán thông qua phiên dịch viên tại phòng xử án tiếng Việt hôm 30/8, đồng thời bác bỏ quan điểm trong yêu cầu dẫn độ. Phóng viên RFA đã ghi lại sự việc trên.

Ông nói : "Người Thượng có nhiều nhóm nhỏ. Nhóm của tôi không liên quan gì đến vụ việc nổ súng ở Đắk Lắk".

Hội đồng bốn thẩm phán đã nghe lời kể của ông về việc ông bị các công tố viên Thái Lan đại diện cho chính quyền Việt Nam thẩm vấn chéo và đưa ra yêu cầu xét xử ông tại quê nhà.

Trước khi tuyên thệ vào thứ Sáu, ông Bdap, trong trang phục nhà tù màu nâu, cho biết ông từ chối yêu cầu dẫn độ. Ông nói đã bị chính quyền Việt Nam đe dọa chỉ vì thực hành tín ngưỡng tự do tôn giáo.

"Nhà tôi ở Đắc Lắk đã bị công an Việt Nam lục soát và tịch thu máy tính, điện thoại di động và Kinh thánh của tôi",

Tôi không nộp đơn khiếu nại vì sợ cảnh sát sẽ trả thù", ông Bdap nói trước tòa.

Luật sư bào chữa của ông, bà Nadthasiri Bergman cho phóng viên của RFA biết, việc dẫn độ không thể được thực hiện, theo Điều 13 của Đạo luật ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích năm 2022.

Văn phòng tổng chưởng lý cho biết luật này nhằm mục đích chống tra tấn, ngược đãi và cưỡng bức mất tích ở Thái Lan.

Somchai Homlaor, một luật sư nhân quyền, người làm chứng cho ông Bdap, phát biểu tại tòa rằng, luật này được áp dụng cho trường hợp của ông Bdap. Đồng thời, vị luật sư này nói, ông Bdap còn có thể được áp dụng theo nguyên tắc không trục xuất và các luật quốc tế khác.

Luật sư Somchai cho biết ông Bdap được coi là người bảo vệ nhân quyền, người bảo vệ quyền tự do tôn giáo và quyền của người Thượng và là người được Văn phòng Cao ủy của Liên Hiệp quốc về Người tị nạn - UNHCR công nhận là người tị nạn.

Ông nói : "Công ước về người tị nạn ngăn chặn việc dẫn độ người tị nạn theo cách gây tổn hại", mặc dù Thái Lan không phê chuẩn công ước năm 1951.

Ông cho biết người Thượng đã bị phân biệt đối xử và đàn áp trong nhiều thập kỷ.

"Chính quyền Việt Nam sẽ tra tấn và đàn áp Bdap và điều này vi phạm luật chống tra tấn và công ước quốc tế", Luật sư Somchai khẳng định.

Trước phiên điều trần, ông Ddap cho biết mạng sống của ông sẽ gặp nguy hiểm nếu bị trục xuất :

"Tôi chắc chắn sẽ chết. Chính quyền Việt Nam sẽ hành hạ tôi đến chết", ông Y Quynh Bdap nói.

Cho dù Thái Lan và Việt Nam chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, phía Hà Nội vẫn đề nghị Bangkok cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bdap về nước. Thực tế, Cảnh sát Thái Lan thừa nhận bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền này theo yêu cầu từ phía Việt Nam.

Theo Ủy ban Luật gia quốc tế, mục đích của việc dẫn độ là buộc ông Y Quynh Bdap chấp hành bản án 10 năm tù về "khủng bố" theo Điều 299 Bộ luật Hình sự Việt Nam, do Tòa án Nhân dân Đắk Lắk tuyên án vắng mặt trong phiên tòa ngày 20/1 năm nay, vì cho rằng ông có liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở công an của hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 làm chín người đã thiệt mạng và hai người bị thương.

Ông Y Quynh Bdap luôn khẳng định rằng ông đang ở Thái Lan vào thời điểm đó và phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.

Nguồn : RFA, 30/08/2024

*******************************

Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc gửi đơn đến tòa án Thái Lan liên quan đến vụ xử ông Y Quynh Bdap

RFA, 29/08/2024

yquynh2

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ông Y Quynh Bdap hôm 11/6, tròn một năm sau vụ hàng chục người Thượng tấn công vào hai trụ sở cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. FB Y Quynh Bdap

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong khi chống khủng bố đã gửi một lá đơn đến Chánh án Tòa án Hình sự và Tòa án Tối cao Thái Lan về trường hợp của ông Y Quynh Bdap.

Lá đơn amicus curiae (người bạn của tòa án - PV) được giáo sư Ben Saul gửi đi hôm 12/8 và mới được Liên hiệp quốc công khai vào ngày 27/8.

Theo Tòa án quận Columbia (Hoa Kỳ), người bạn của tòa án được định nghĩa là một người không phải là bên trong một vụ án tự nguyện cung cấp thông tin về một vấn đề pháp luật hoặc một khía cạnh nào đó của vụ án để giúp tòa án quyết định vấn đề trước khi nó xảy ra.

Lá đơn này giải quyết ba vấn đề pháp lý : thứ nhất : định nghĩa về "hành vi khủng bố" theo luật pháp quốc tế ; thứ hai : việc chỉ định các tổ chức là "khủng bố" theo luật pháp quốc tế ; và cuối cùng phạm vi của nguyên tắc "không đẩy trả" theo luật pháp quốc tế, bao gồm liên quan đến các hành vi khủng bố.

Trong đơn, báo cáo viên độc lập của Liên hiệp quốc không đề cập đến các dữ kiện liên quan đến ông Y Quynh Bdap do ông Saul đã trao đổi riêng với các nhà chức trách của Việt Nam và Thái Lan vào tháng 4 và tháng 6 năm nay.

Nhà hoạt động nhân quyền người Thượng Y Quynh B Dap, người sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam và đang bị tòa án xét xử.

Tổ chức phi chính phủ chuyên báo cáo tình hình nhân quyền của người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên của ông bị Bộ Công an Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố sau sự kiện ngày 11/6/2023 ở Đắk Lắk, riêng ông bị tòa án xử vắng mặt 10 năm tù về hành vi "khủng bố" dù đã xin tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018 và phủ nhận việc có liên quan đến sự kiện trên.

Trong lá đơn của Báo cáo viên đặc biệt cho rằng, các tổ chức cũng không được liệt kê là khủng bố vì có các bài phát biểu hoặc hoạt động bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả việc vận động tại Liên hợp quốc.

Các nghị quyết khác nhau của Hội đồng Nhân quyền tái khẳng định quyền của mọi người, cá nhân hoặc liên kết với những người khác, được tiếp cận và giao tiếp không bị cản trở với các cơ quan quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, các đại diện và cơ chế của Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân quyền ; và các nghị quyết kêu gọi các quốc gia kiềm chế mọi hành vi đe dọa hoặc trả thù và thực hiện mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn các hành vi như vậy xảy ra.

Ngoài ra, nguyên tắc không đẩy trả nghiêm cấm việc trả lại một người cho một quốc gia khác khi có lý do chính đáng để tin rằng họ sẽ có nguy cơ bị tổn hại cụ thể ở đó.

Mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ đối với việc không trục xuất theo luật tị nạn, nhưng theo luật nhân quyền quốc tế, việc không trục xuất là tuyệt đối và không cho phép có ngoại lệ, theo đơn người bạn của tòa án nêu.

Nguồn : RFA, 29/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)