Kể từ khi lên nắm quyền, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trương gây áp lực mạnh với Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền. Xâm phạm nhân quyền trầm trọng tại vùng Tân Cương, đặc biệt với chính sách hủy diệt có hệ thống sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, theo cáo buộc của giới bảo vệ nhân quyền, là hồ sơ nhức nhối hàng đầu.
45% polysilicon trên thế giới được sản xuất tại Tân Cương, Trung Quốc. Nguyên liệu chính của pin mặt trời rất có thể thấm nhiều mồ hôi và máu người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh minh họa. © Wikipedia
Ngày 23/06/2021, chính quyền Mỹ ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số công ty Trung Quốc liên quan đến pin mặt trời hoạt động tại Tân Cương, bị cáo buộc "cưỡng bức lao động". Đây được coi là loạt trừng phạt đáng kể đầu tiên nhắm vào ngành công nghiệp điện mặt trời của Trung Quốc, vì các xâm phạm nhân quyền. Loạt trừng phạt này cụ thể ra sao ? Đâu là các giới hạn ?
***
1. Loạt trừng phạt của chính quyền Mỹ đối với các doanh nghiệp bị cáo buộc cưỡng bức lao động ở Tân Cương, Trung Quốc, cách đây ít ngày, có những điểm gì đáng chú ý ?
Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh đến hai mảng chính trong loạt trừng phạt này. Thứ nhất, Nhà Trắng ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm của công ty Trung Quốc Hoshine Silicon Industry, với lý do "theo một số nguồn tin đáng tin cậy, (công ty này) đã sử dụng lao động cưỡng bức, để sản xuất các sản phẩm với silicon". Bộ Thương Mại Mỹ ra một thông báo khác, giới hạn việc xuất khẩu các sản phẩm Mỹ, bao gồm hàng hóa, phần mềm, công nghệ, cho công ty Hoshine và bốn doanh nghiệp khác ở Tân Cương, có hoạt động chính là sản xuất nguyên liệu thô silicon.
Nhà Trắng nêu rõ mục tiêu : "các hành động này cho thấy quyết tâm của chúng ta trong việc buộc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa phải trả giá về các hoạt động sử dụng lao động cưỡng bức, ác độc và phi nhân tính". Chính quyền Mỹ nhấn mạnh : "Lao động cưỡng bức được Nhà nước Trung Quốc bảo trợ tại Tân Cương là một nỗi ô nhục với phẩm giá con người, và một ví dụ tiêu biểu của các hoạt động kinh tế vô đạo đức" (1).
"Lao động cưỡng bức" là một phần trong số những hành động tội ác chủ yếu của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương, cùng với các tội ác khác như bắt giam tùy tiện, tra tấn, cưỡng hiếp, giết người không qua xét xử, hủy diệt nền văn hóa bản địa… , nhắm vào sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, cũng như một số sắc tộc thiểu số khác, mà Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia phương Tây, và nhiều tổ chức quốc tế lên án từ nhiều năm nay. Trước khi tổng thống Biden lên nắm quyền, chính quyền tiền nhiệm đã có những trừng phạt nhằm vào ngành sản xuất bông, dệt may, linh kiện điện tử, mỹ phẩm…, được sản xuất tại Tân Cương, cùng với lý do sử dụng lao động cưỡng bức, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ có các biện pháp trừng phạt quy mô nhằm vào ngành công nghiệp pin mặt trời tại Tân Cương, vì lý do nhân quyền. Loạt biện pháp ngày 24/06/2021 được nhiều phương tiện truyền thông khẳng định như một bước tiến quan trọng.
2. Đâu là một số giới hạn chính của loạt trừng phạt Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến pin mặt trời ?
Ngay sau khi chính quyền Biden thông báo loạt trừng phạt nói trên, nhà phân tích Benjamin Salisbury, công ty tư vấn về thị trường vốn Height Capital Markets, có trụ sở tại Washington, nhận định với hãng tin Bloomberg, rằng quyết định của chính phủ Mỹ sẽ "không có tác động lớn" đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong lĩnh vực này, đây là "một đòn tấn công đầu tiên, đáng kể, nhưng có ý nghĩa chừng mực của chính quyền Biden" ("US blocks some solar materials made in China's Xinjiang region", Bloomberg, ngày 23/06/2021). Đòn tấn công được đánh giá là "chừng mực", nhưng theo Philip Shen, một nhà phân tích cấp cao của ngân hàng đầu tư Roth Capital Partners, việc hạn chế nhập khẩu này có thể có sẽ có "tác động tiêu cực đáng kể đến toàn bộ ngành năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ" (Hoshine Silicon Industry, công ty vừa bị trừng phạt, đứng đầu thế giới về nguyên liệu silicon cho pin mặt trời, với sản lượng 800.000 tấn/năm).
Trên thực tế, trong hiện tại, chính quyền Biden khó có khả năng đưa ra các biện pháp mạnh hơn. Khó khăn chính và cũng là giới hạn lớn được giới quan sát chú ý đầu tiên là việc trừng phạt một cách triệt để các công ty Trung Quốc có liên quan trực tiếp gây trở ngại rất lớn cho chiến lược phát triển mạnh điện mặt trời của chính quyền Biden, một trụ cột trong chủ trương nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế xanh (2).
Trong hiện tại, ngành điện mặt trời thế giới phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất khoảng 70% tấm pin mặt trời toàn cầu. Năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc một phần quan trọng dựa vào các nguyên liệu căn bản, mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khai thác ngay trong nước, trong đó polysilicon là nguyên liệu chính. Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu Bernreuter Research (chuyên về polysilicon, và các vật liệu cho pin mặt trời), Trung Quốc chiếm đến 80% sản lượng polysilicon toàn cầu, trong đó riêng vùng Tân Cương sản xuất đến 45% (các vùng còn lại tại Trung Quốc sản xuất 35%).
Khi buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải "trả giá đắt" cho các hành động xâm phạm nhân quyền, chính quyền Mỹ cũng tự đặt mình trước thách thức khổng lồ : làm thế nào để có được nguyên liệu thay thế cho ngành công nghiệp điện mặt trời, với giá cả tương tự.
Trên Le Monde, cựu nghị sĩ Pháp Pierre-Yves Le Borgn’, giảng viên khoa Luật, Học viện Chính trị Paris, cũng nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ nhân quyền tại Tân Cương không thể không đi kèm với việc thế giới tiếp tục để bị phụ thuộc nặng nề vào pin mặt trời, cũng như nguyên liệu, linh kiện pin mặt trời của Trung Quốc (cựu nghị sĩ nói trên cũng là người chủ trì dự luật thực thi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, của Quốc hội Pháp) (Chine : "Il n’est pas sain que la production mondiale de panneaux solaires ne dépende à ce point d’un seul pays", Le Monde, ngày 15/06/2021).
Để phát triển các ngành công nghiệp mặt trời tại Mỹ độc lập hơn với Trung Quốc không hề dễ. Trong suốt hơn chục năm qua, ngành sản xuất các nguyên liệu cho pin mặt trời, gây ô nhiễm và tốn điện khủng khiếp, đã là điều mà Hoa Kỳ và đa số các nước phương Tây không muốn đảm nhận (một phần quan trọng trong "thế mạnh" của vùng Tân Cương cho đến nay là than đá, vốn là loại nhiên liệu bị lên án là gây ô nhiễm số một). Ông Matthew P. Funaiole, một chuyên gia về chính sách năng lượng Trung Quốc, Center for Strategic and International Studies (CSIS), trong một phân tích cuối tháng trước, cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết giữa tập đoàn năng lượng xanh của Trung Quốc GCL-Poly (có trụ sở tại Hồng Kông) với nước Mỹ, như một trở ngại quan trọng (3).
3. Khả năng nước Mỹ có thể làm được gì hơn trong lĩnh vực này ?
Kỳ vọng bảo vệ nhân quyền, quyết tâm hướng đến một nền kinh tế xanh (4), không dung dưỡng các hành động xâm phạm nhân quyền trong "chuỗi cung ứng" điện mặt trời, đang trở thành một lợi thế tâm lý quan trọng. Nhưng vấn đề kỳ vọng đó, quyết tâm đó có thể trở thành hiện thực hay không hiện vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ.
Khó khăn là chồng chất, nhưng có một điều căn bản là giờ đây, quyết tâm lên án, trừng phạt các doanh nghiệp pin mặt trời của Trung Quốc, do xâm phạm nhân quyền dường như đã trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi trong một bộ phận giới kinh doanh năng lượng Hoa Kỳ. Hiệp hội các ngành Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Mỹ (SEIA) đã hoan nghênh quyết định ngày 23/06/2021 của chính phủ.
Ông John Smirnow, phó chủ tịch phụ trách chiến lược thị trường của SEIA, cho biết trên thực tế các doanh nghiệp Mỹ về năng lượng mặt trời đã thực sự lo ngại về tính "không minh bạch của chuỗi cung ứng ở khu vực Tân Cương và có quá nhiều rủi ro khi vận hành", vì vậy ngay từ tháng 10 năm ngoái, Hiệp hội SEIA đã kêu gọi các công Mỹ rời khỏi Tân Cương, và SEIA cũng đã cung cấp cho các công ty một "thể thức truy vết" (traceability protocol) để "bảo đảm không có việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng" sản phẩm mà các công ty sử dụng.
Tăng cường năng lực sản xuất tại chỗ nguyên liệu polysilicon rõ ràng là thách thức hàng đầu. Đông đảo chính giới Hoa Kỳ cũng như Châu Âu dường như bắt đầu dần dần chấp nhận đối mặt với sự thực và thách thức không dễ vượt qua này.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 28/06/2021
Ghi chú :
(1) Theo thông báo của Nhà Trắng, Bộ Lao động Mỹ đã bổ sung vào "Danh sách các sản phẩm làm ra với lao động trẻ em và lao động cưỡng bức" nhiều sản phẩm có chứa polysilicon, một nguyên liệu chính của pin mặt trời, được sản xuất với số lượng khổng lồ tại Tân Cương (silicon là nguyên liệu chủ yếu để chế tạo polysilicon cho pin mặt trời).
(2) Để chuyển sang nền kinh tế trung hòa về khí thải, hãm lại đà hâm nóng Trái đất, chính quyền Mỹ đặt mục tiêu toàn bộ điện do Hoa Kỳ sản xuất năm 2035, sẽ phải do năng lượng tái tạo. Năm 2019, các năng lượng tái tạo lần đầu vượt than đá, trở thành năng lượng thứ hai sau khí đốt. Tuy nhiên đường đến đích còn xa, bởi các năng lượng tái tạo, gồm năng lượng mặt trời mới, chỉ chiếm một phần tư tổng sản lượng điện quốc gia. Để tăng tốc, cuộc chiến về giá có ý nghĩa quyết định. Hồi tháng 3/2021, chính quyền Biden đề ra mục tiêu giảm giá điện mặt trời 60% trong vòng một thập niên tới.
(3) GCL-Poly là một trong những nhà sản xuất polysilicon lớn nhất Trung Quốc. Hoshine Silicon, công ty vừa bị chính phủ Mỹ trừng phạt, cũng lại là nhà cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho GCL-Poly, để sản xuất polysilicon ("Beyond Polysilicon : The Ties between China’s GCL-Poly and the United States", CSIS, 25/05/2021).
(4) Ngày 04/02/2021, 175 doanh nghiệp điện mặt trời của Mỹ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đứng đầu thế giới, đã ra một tuyên bố chung cam kết chống sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng điện mặt trời ("Solar Companies Unite to Prevent Forced Labor in the Solar Supply Chain", SEIA).
Kim Jong-un dùng "ngoại giao rock Moranbong" để quyến rũ thế giới (RFI, 16/01/2018)
Ngày 15/01/2018, hai miền Nam - Bắc Triều Tiên tiếp tục đàm phán về việc tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Kết quả là Bình Nhưỡng thông báo gởi 140 nghệ sĩ đến biểu diễn tại kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn này. Đáng chú ý là trong phái đoàn nghệ thuật, còn có nhóm nhạc pop nữ nổi tiếng Moranbong. Với báo La Croix (16/01/2018), sự việc cho thấy "Bắc Triều Tiên muốn quyến rũ thế giới tại Thế Vận Hội".
Ban nhạc pop nữ Bắc Triều Tiên Moranbong trong một chương trình biểu diễn ở Bình Nhưỡng, ngày 20/04/2014. Ảnh : AFP / KCNA via KNS
Sau hai cuộc đàm phán, lần thứ nhất vào ngày 09/01 và lần thứ hai 15/01, Bắc Triều Tiên đã quyết định gởi một phái đoàn đến tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông không chỉ có các vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên, pom-pom girls (các nữ hoạt náo viên) mà còn có cả nghệ sĩ.
Phái đoàn nghệ thuật được gởi đi lần này sẽ do ông Kwon, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Văn hóa dẫn đầu. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là sự hiện diện của nữ ca sĩ Hyon Song-wol, ngôi sao nhạc pop và là giọng ca chính của ban nhạc pop nữ nổi tiếng của Bắc Triều Tiên, Moranbong.
(Ở đây RFI tiếng Việt xin lưu ý là năm 2013, tình báo Hàn Quốc từng loan tin là ca sĩ Hyon Song-wol, người yêu cũ của Kim Jong-un đã bị hành quyết. Sự việc đã được báo chí phương Tây loan tin rộng rãi, nhưng hôm nay không thấy đính chính).
La Croix cho biết nhóm nhạc nữ đặc biệt này, được thành lập vào năm 2012 ngay sau ngày Kim Jong-un lên nắm quyền, bao gồm 10 nữ nghệ sĩ, do chính lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyển chọn. Ban nhạc đã làm chao đảo sàn nhạc trong nước, nổi tiếng thể hiện thành công các ca khúc Mỹ và phương Tây như My Way hay bài hát chính cho phim Rocky. Hình ảnh ban nhạc nữ trẻ, đệm đàn violon và chơi guitare điện tràn ngập các màn ảnh TV trong các quán bar, nhà hàng, khách sạn.
Theo tác giả bài viết, ông Dorian Malovic, với việc gởi ban nhạc pop nữ này đến Hàn Quốc, chế độ Bình Nhưỡng đang chơi lá bài "quyến rũ văn hóa" khi cho phô bày hình ảnh một đất nước hiện đại, ngoài sự mong đợi của cả thế giới.
Thế nhưng, theo La Croix, kế hoạch "quyến rũ" của Kim Jong-un cũng có thể gặp nhiều trở ngại. Một số nhạc phẩm trong danh mục của ban nhạc nữ này mang ý nghĩa ngợi ca lãnh tụ và Đảng Lao Động Triều Tiên như "Sinh nhật Mẹ" hay "Chúng tôi gọi ông ấy là Cha". Với Hàn Quốc, những lời lẽ ca tụng này rất có thể sẽ bị xem là vi phạm an ninh quốc gia và có thể bị cấm.
Thêm vào đó là cảnh trí sân khấu. Các nữ nghệ sĩ biểu diễn trên những nền ảnh mang đậm tính "hiếu chiến" như cảnh diễu binh, tập trận, bắn tên lửa ca ngợi vinh quang của Kim Jong-un. Và nhất là giọng ca chính, Hyon Song-wol lại là đại tá quân đội. Đây cũng chính là những lý do vì sao một buổi biểu diễn tại Bắc Kinh đã bị hủy vào năm 2015.
Dù vậy, La Croix cho rằng chủ đề này cũng nhậy cảm như vấn đề hạt nhân và tên lửa. Do đó, nếu muốn nền "ngoại giao rock Moranbong" không bị chết yểu như tại Bắc Kinh, chắc chắn là cả hai bên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ phải có những bước nhượng bộ.
Minh Anh
*******************
Mỹ và đồng minh họp bàn trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 16/01/2018)
Hôm 16/01/2018, ngoại trưởng Hoa Kỳ và đại diện ngoại giao của các đồng minh họp tại Vancouver, Canada, bàn các biện pháp áp dụng hiệu quả lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc biểu quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên lần thứ 9, New York, ngày 22/12/2017. Reuters/Amr Alfiky
Cuộc họp của các đại diện ngoại giao 20 nước do ngoại trưởng Canada và Mỹ đồng chủ trì. Trung Quốc và Nga không tham dự hội nghị.
Những ngày qua, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt phần nào do cuộc đối thoại giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên liên quan đến việc Bình Nhưỡng tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Theo nguồn tin thân cận với chính phủ Canada, vì một số nước vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc áp dụng trừng phạt, nên cuộc họp các ngoại trưởng lần này nhằm bàn các biện pháp sao cho việc áp dụng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng được thực thi đồng đều trong cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, Mỹ cho biết cuộc họp phải đề cập đến vấn đề tăng cường kiểm soát hàng hải để ngăn chặn các tàu Bắc Triều Tiên lách lệnh cấm vận của quốc tế.
Nhật Bản cũng muốn, qua hội nghị này, các nước gia tăng sức ép tối đa bằng mọi cách buộc Bắc Triều Tiên thay đổi chính sách.
Hôm qua, trong cuộc điện đàm với tổng thống Donald Trump, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định lại là các bên cần tiếp tục duy trì tình hình hòa dịu, mà khó khăn lắm mới có được trong những ngày qua trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện nay, đại diện Nam-Bắc Triều Tiên đang có các cuộc thảo luận chi tiết về thể thức cho đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang vào tháng tới. Trong khi đó, theo các cuộc thăm dò dư luận, 70% dân Hàn Quốc không đồng tình với dự định thành lập đoàn thể thao chung của hai miền Triều Tiên tham dự Pyeongchang 2018. Tuy nhiên 80 % hoan nghênh việc Bắc Triều Tiên dự Thế Vận Hội này.
Anh Vũ
Mỹ trừng phạt 13 tổ chức Triều Tiên, Trung Quốc (VOA, 22/11/2017)
Hoa Kỳ vừa áp đặt lệnh trừng phạt đối với 13 tổ chức của Triều Tiên và Trung Quốc mà Washington cáo buộc đã giúp tránh né các hạn chế hạt nhân đối với Bình Nhưỡng và hỗ trợ nước này thông qua việc buôn bán các mặt hàng như than đá, theo Reuters.
Xe vận chuyển than nhập khẩu vào Triều Tiên từ thành phố Đan Đông, Trung Quốc.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra thông báo trên trang web một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.
Biện pháp trừng phạt mới nhất đưa ra danh sách đen 3 công ty Trung Quốc là Dandong Kehua, Dandong Xianghe và Dandong Hongda. Bộ Tài chính cho biết các công ty này đã giao dịch thương mại kết hợp với Triều Tiên hơn 750 triệu đôla trong gần 5 năm, tính đến ngày 31/8.
Các mặt hàng mua bán bao gồm than đá, quặng sắt, chì, kẽm, quặng bạc, kim loại chì và các sản phẩm chứa sắt cũng như máy tính xách tay.
Danh sách đen còn có cả doanh nhân Trung Quốc Sun Sidong và công ty Dandong Donyuan của ông. Theo một báo cáo hồi tháng 6, Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (C4ADS) ở Washington cho biết công ty này là một phần của mạng lưới các công ty Trung Quốc kết nối với nhau, chiếm thị phần lớn trong thương mại với Bắc Triều Tiên.
Chính quyền Hoa Kỳ đã liên tục nhắm mục tiêu vào các công ty và cá nhân từ thành phố Đan Đông của Trung Quốc, nơi giáp với Triều Tiên, nhằm cắt nguồn doanh thu xuất khẩu chính của Bình Nhưỡng trong việc bán các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than đá.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng lặp lại phản đối của Trung Quốc đối với các biện pháp trừng phạt đơn phương của các quốc gia khác, nói rằng nước này có thể tự điều tra về bất kỳ vi phạm luật pháp hay nghĩa vụ quốc tế nào.
"Nếu các bên khác muốn hợp tác hiệu quả với Trung Quốc về vấn đề này và thực sự nắm bắt vấn đề, họ hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin tình báo với Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề một cách hợp lý", Reuters dẫn lời ông Lục nói trong một cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Tư.
Tác động trực tiếp tới các công ty bị nằm trong danh sách đen có thể giới hạn vì thương mại giữa Trung Quốc và nước láng giềng bị cô lập ở phía Bắc đã chậm lại đáng kể kể từ khi Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và thủy sản của Triều Tiên hồi tháng 9.
Vào tháng Hai, Trung Quốc cũng cấm mua than từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một chuyên gia về Triều Tiên, ông Anthony Ruggiero, nói Trung Quốc không áp dụng chặt chẽ các quy định này ở khu vực Đan Đông. Kết quả là Đan Đông trở thành khu vực thu hút các công ty muốn kiếm lợi nhuận qua buôn bán với Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng áp dụng cho một số công ty Triều Tiên xuất khẩu lao động đến các nước như Nga, Ba Lan, Campuchia và Trung Quốc. Chính quyền Hoa Kỳ nói họ đang tìm cách cắt giảm khoản tiền mà Triều Tiên nhận được từ xuất khẩu lao động.
****************
Bắc Triều Tiên : Mỹ đánh vào cả công ty Trung Quốc (RFI, 22/11/2017)
Ngày 21/11/2017, Hoa Kỳ thông báo quyết định trừng phạt thêm Bắc Triều Tiên. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Mỹ xác định Bắc Triều Tiên là một quốc gia yểm trợ khủng bố. Các hành động này không ngoài mục tiêu gia tăng sức ép để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Kim Jong-un "chỉ đạo" về chương trình vũ khí nguyên tử. Ảnh do KCNA cung cấp ngày 03/09/2017. Reuters
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
"Chúng tôi quyết định gia tăng tối đa sức ép kinh tế lên Bắc Triều Tiên để phong tỏa những nguồn thu nhập từ nước ngoài". Trên đây là giải thích của bộ trưởng Tài Chính Mỹ trong bản thông báo các biện pháp trừng phạt.
Tổng cộng có 13 doanh nghiệp nằm trong danh sách đen, trong đó có 4 công ty Trung Quốc, chuyên xuất-nhập khẩu máy tính di động, than, thép, hay bị tình nghi là đã xuất sang Bắc Triều Tiên những linh kiện liên quan đến lò phản ứng hạt nhân. Một trong những tập đoàn bị nhắm còn làm dịch vụ đưa người lao động Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc, Nga, Cam Bốt và Ba Lan.
Washington cũng nhắm vào ngành chuyên chở đường biển của Bắc Triều Tiên : 20 tàu tình nghi là lách các biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bị đưa vào danh sách.
Những biên pháp trừng phạt mới này nằm trong khuôn khổ sắc lệnh mà tổng thống Mỹ đã ký vào tháng 9/2017, cho phép trừng phạt mọi công ty, tập đoàn có quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, hiện giờ thì Hoa Kỳ chưa thực hiện lời đe dọa nghiêm ngặt nhất : Đó là cấm những ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên vào thị trường Mỹ".
Air China ngưng đường bay Trung Quốc - Bắc Triều Tiên
Theo hãng tin AFP ngày 22/11/2017, lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên đã có tác động tức khắc. Công ty hàng không nhà nước Trung Quốc Air China đã ngưng các chuyến bay giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Từ nay, chỉ còn máy bay Bắc Triều Tiên Air Kyoro hoạt động mỗi tuần ba chuyến, nhưng chỉ bay đến Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc.
Mai Vân
******************
Hoa Kỳ đưa những công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Hàn vào danh sách đen (RFA, 22/11/2017)
Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm thứ ba, 21/11 đã ra lệnh cấm buôn bán đối với 13 công ty và tổ chức của Trung Quốc và Bắc Hàn vì đã giúp Bình Nhưỡng tránh được các hạn chế trong chương trình vũ khí hạt nhân và buôn bán hàng hóa với Bắc Hàn.
Hồ sơ của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trên bàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ở Washington DC hôm 20/11/2017. AFP
Danh sách này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/11 đưa Bắc Hàn vào danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết việc đưa ra danh sách này sẽ áp đặt thêm lệnh cấm và trừng phạt đối với Bắc Hàn và các cá nhân có liên quan, giúp cho việc tối đa hóa sức ép của Mỹ nhằm cô lập Bắc Hàn.
Trong danh sách đen mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra có ba công ty đáng chú ý của Trung Quốc đã có những giao dịch buôn bán với Bắc Hàn có trị giá lên đến hơn 750 triệu đô la trong vòng 5 năm qua, tính đến ngày 31/8 vừa qua. Những mặt hàng buôn bán chính gồm than, quặng sắt, chì, kẽm, quặng bạc, máy tính xách tay.
Theo lệnh cấm, những tài sản của các công ty này trên đất Mỹ sẽ bị đóng băng, và người Mỹ không được quyền buôn bán với các công ty này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 4, ngày 22/11 đã lên tiếng phản đối lệnh cấm các công ty và tổ chức của Trung Quốc và Bắc Hàn mà Mỹ mới đưa ra.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc phản đối bất cứ quốc gia nào áp đặt lệnh cấm đơn phương dựa trên luật nội địa và áp dụng các biện pháp sai để thực hiện quyền pháp lý nối dài của mình, ý nói đến việc đóng băng các tài sản của các công ty trên lãnh thổ do Mỹ quản lý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và mọi người đều thấy những nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề này. Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ cung cấp các bằng chứng chắc chắn về những công ty đã vi phạm lệnh cấm buôn bán do UN đưa ra trước đó. Ông cũng nói thêm bất cứ công ty hay cá nhân nào vi phạm luật trong nước đều sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Mặc dù Trung Quốc ủng hộ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Bắc Hàn, nhưng nước này đã không cắt nguồn cung cấp dầu qua ống đến Bắc Hàn vì lo ngại sự sụp đổ của Bắc Hàn sẽ dẫn đến hỗn loạn ở biên giới hai nước.
Một số giới chức Mỹ cho biết một vài ngân hàng và công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục làm ăn buôn bán với Bắc Hàn bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.
*************
Triều Tiên : Mỹ "khiêu khích" và "xâm phạm thô bạo" (VOA, 22/11/2017)
Triều Tiên hôm 22/11 lên tiếng bác bỏ quyết định của Tổng thống Donald Trump liệt kê nước này là "bảo trợ khủng bố", gọi đây là sự "khiêu khích nghiêm trọng và xâm phạm thô bạo", Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Hình ảnh Tổng thống Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un trên màn ảnh truyền hình ở Seoul.
Tổng thống Trump đã đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố vào hôm thứ Hai. Danh sách này cho phép Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp chế tài và nguy cơ gây căng thẳng đối với các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trong một phản ứng đầu tiên đối với quyết định của Hoa Kỳ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước KCNA, phủ nhận Triều Tiên có tham gia vào bất kỳ hành động khủng bố nào.
Ông gọi cái nhãn quốc gia bảo trợ khủng bố "chỉ là một công cụ cho chủ nghĩa độc tài theo phong cách Mỹ, có thể được gắn vào hoặc gỡ bỏ bất cứ lúc nào tùy theo lợi ích".
Giới chức Triều Tiên nói thêm rằng chỉ định của Hoa Kỳ chỉ khiến cho Triều Tiên càng cam kết duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình.
"Chừng nào mà Mỹ còn tiếp tục chính sách chống lại CHDCND Triều Tiên, sự phòng vệ của chúng ta càng được củng cố hơn", giới chức Triều Tiên nói.
"Hoa Kỳ sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả các hậu quả do sự khiêu khích trơ tráo của họ đối với CHDCND Triều Tiên".
Chỉ định được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Trump trở về từ chuyến đi kéo dài 12 ngày đến 5 quốc gia Châu Á, trong đó việc kềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là trọng tâm của các cuộc thảo luận của ông.
Trong khi thông báo về chỉ định, ông Trump nói với các phóng viên Tòa Bạch Ốc rằng : "Ngoài việc đe dọa thế giới bằng hủy diệt hạt nhân, Triều Tiên còn liên tục hỗ trợ cho các hành động khủng bố quốc tế, bao gồm cả các vụ ám sát ở nước ngoài".
****************
Bắc Triều Tiên bị tố vi phạm hiệp định đình chiến (RFI, 22/11/2017)
Bộ chỉ huy quân sự của Liên Hiệp Quốc tại giới tuyến Nam - Bắc Triều Tiên hôm nay 22/11/2017, tố cáo Bình Nhưỡng đã vi phạm hệp định đình chiến khi truy đuổi một binh sĩ miền Bắc vượt biên đào thoát sang miền Nam hôm thứ Hai tuần trước. Seoul đã cho công bố đoạn video cho thấy các binh sĩ Bắc Triều Tiên đã vượt qua giới tuyến phân chia hai miền để cố gắng bắt giữ đồng đội đào ngũ nhưng không thành.
Lính Bắc Triều Tiên đào thoát sang miền Nam bị bắn trọng thương nằm cạnh bức tường ở khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Reuters
Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul tường trình :
Đoạn video cho thấy đó là một cuộc vượt thoát can đảm, nếu không muốn nói là liều lĩnh. Người ta thấy người lính đào tẩu lái chiếc xe jeep lao về hướng biên giới. Cách đường giới tuyến vài mét, chiếc xe của anh ta bị sa lầy vào một cái hố. Người lính Bắc Triều Tiên này tiếp tục chạy bộ và không sợ bị đồng đội bắt.
Đồng đội của anh ta đã nổ súng về phía miền Nam, nhằm thẳng vào người lính đào ngũ. Trong lúc tham gia truy đuổi kẻ đào tẩu, một lính Bắc Bắc Triều Tiên đã vượt qua đường biên, nhưng ngay sau đó anh ta quay trở lại địa phận miền Bắc.
Còn người lính đào thoát tiếp tục chạy bên phía miền nam. Anh ta bị trúng ít nhất 5 viên đạn, ngã gục nằm bất động bên một bức tường. Ba binh sĩ Hàn Quốc, phải bò sát đất tránh đạn, sau đó đã cứu được người lính Bắc Triều Tiên ra.
Bộ chỉ huy quân đội Liên Hiệp Quốc đánh giá hành động nổ súng và vượt biên chớp nhoáng như trên của binh sĩ miền Bắc là vi phạm hiệp hiệp định đình chiến, đồng thời yêu cầu Bắc Triều Tiên họp để thảo luận về vụ này.
Người lính đào ngũ của quân đội Bình Nhưỡng khoảng 20 tuổi đã phải qua phẫu thuật nhiều lần và mới đây đã hồi tỉnh được. Người ta đã phát hiện trong người anh ta có rất nhiều giun sán, điều này chứng tỏ điều kiện sinh sống ở miền Bắc rất khó khăn. Lý do đào thoát của người lính này vẫn chưa được biết.
Anh Vũ