Mỹ và Philippines phản đối Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020
Ngày 2/4, tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Hành động này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ và Philippines đã đưa ra tuyên bố phản đối và kêu gọi Trung Quốc hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tàu cá Việt Nam bị tài hải cành Trung Quốc đâm chìm ngoài Hoàng Sa, Biển Đông - Ảnh : Thanh niên
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 6/4/2020 về báo cáo vụ việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông :
Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước thông tin về việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động kéo dài của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm khẳng định những yêu sách biển trái với pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Kể từ khi bùng phát đại dịch toàn cầu, Bắc Kinh cũng đã công bố "các trạm nghiên cứu" mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng tại Đá Chữ Thập và Đá Subi, đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Vào tháng 7 năm 2016, Đường Chín đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 tuyên bố là yêu sách biển bất hợp pháp, Chính phủ Mỹ có chung quan điểm này.
Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu hiện nay, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng sự sao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách bất hợp pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines về vụ chìm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông
Ngày 8 tháng 4 năm 2020 - Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về về vụ việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm tại Biển Đông hôm 03/04/2020. Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi cho thấy sự việc đã làm mất niềm tin trong tình hữu nghị nhiều như thế nào ; và cũng cho thấy hành động nhân đạo của Việt Nam khi trực tiếp cứu mạng các ngư dân Philippines đã tạo ra nhiều niềm tin như thế nào. Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ ngừng cảm ơn Việt Nam. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đưa ra tuyên bố này nhằm thể hiện sự đoàn kết.
Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và lưu ý rằng những sự cố như vừa qua làm suy yếu tiềm năng của mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc. Với động lực tích cực trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), điều quan trọng là các bên cần tránh những sự cố như vậy và các khác biệt cần được giải quyết bằng biện pháp giúp tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau.
Việc tiếp tục củng cố mối quan hệ khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng theo cam kết chung giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm cùng giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra do đại dịch Covid-19, như được đề cập trong Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch vi-rút corona 2019 (Covid-19), được đưa ra ngày 20 tháng 2 năm 2020.
Việc ASEAN sát cánh bên Trung Quốc trong cuộc họp đã được cả thế giới chứng kiến. Sự ủng hộ của ASEAN đã được chứng minh rất rõ ràng, điều đó được thấy rõ khi Trung Quốc mở rộng sự hỗ trợ rộng rãi cho các quốc gia như Philippines và cả các quốc gia xa xôi như Ý nhằm chống lại Covid-19. Chúng tôi vẫn đánh giá cao điều này. Ở mức độ khiêm nhường, chúng tôi đã hỗ trợ khi cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán ở thời kỳ kịch liệt nhất. Sự giúp đỡ nhỏ nhoi của chúng tôi thực sự không thể so sánh sánh với sự đáp lại hào phóng của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng Covid-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử ; không chỉ ở quy mô thiệt hại tiềm tàng của nó, mà còn ở hy vọng ngăn chặn và loại bỏ đại dịch thông qua hợp tác cởi mở và tin tưởng hoàn toàn giữa tất cả các quốc gia, dựa trên nhận thức rằng nếu bất kỳ quốc gia nào trong chúng ta thất bại thì những quốc gia còn lại sẽ thất bại ; và nếu bất kỳ quốc gia nào trong chúng ta thành công thì thành công đó phải được mở rộng ra toàn thế giới. Hoặc một lần nữa tất cả chúng ta cuối cùng sẽ thất bại và phải hứng chịu hậu quả. Giải pháp của cuộc khủng hoảng này vẫn còn xa vời và giải pháp đó phải áp dụng cho tất cả hoặc là không.
Không bao giờ thích hợp để theo đuổi các hành động khiêu khích ; chúng luôn kết thúc trong thất bại của sự xâm lược hoặc phải trả một cái giá tàn khốc cho chiến thắng. Nhưng sẽ luôn có thời điểm phù hợp để tăng cường bảo vệ và khẳng định chủ quyền của chúng ta, hòa bình và ổn định của khu vực, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Như chúng tôi đã đề cập, việc tạo ra các sự kiện mới trên biển sẽ không bao giờ làm phát sinh quyền hợp pháp ở bất cứ đâu hoặc bất cứ lúc nào. Do đó, chúng tôi kêu gọi sự kiên nhẫn và hành vi đúng mực đối với mỗi chính phủ ; và để mở rộng sự nhẫn nhịn và hành vi đó cho những công dân thuộc phạm vi quyền hạn tương ứng của của chúng tôi.
Covid-19 là một mối đe dọa thực sự, đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau. Đối mặt với nó, cả cá hay những yêu sách lịch sử giả tưởng đều không đáng so với mối nguy hiểm bị châm ngòi từ những sự cố như vậy.
Nghiên cứu Biển Đông (tổng hợp)
***********************
Bộ Quốc phòng Mỹ : Tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
RFA, 09/04/2020
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào ngày 9/4 ra thông cáo về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Chiếc thuyền đánh cá Việt Nam "DNA 90152" bị một tàu Trung Quốc đánh chìm, neo tại một xưởng đóng tàu ở thành phố ven biển miền trung Đà Nẵng. Bức ảnh được chụp vào ngày 2/6/2014. AFP
Bộ Quốc phòng Mỹ nói rõ họ vô cùng quan ngại trước những báo cáo về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại vùng biển lân cận quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tại đó tất cả các quốc gia lớn nhỏ được bảo đảm chủ quyền, không bị ức hiếp và có thể tăng trưởng kinh tế phù hợp với các luật lệ và chuẩn mực quốc tế.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội phát triển kinh tế trên toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 làm rõ tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên căn bản luật pháp. Đây là điều kiện cho phép tất cả có thể giải quyết mối đe dọa chung này một cách minh bạch.
Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, làm xao nhãng việc chống đại dịch toàn cầu, phiêu lưu một cách không cần thiết gây thêm thiệt hại mạng sống và tài sản vật chất.
Thông cáo vừa nêu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao nước Mỹ cũng có tuyên bố tương tự vào ngày 6/4.
Theo tường thuật của chính những ngư dân Quảng Ngãi bị nạn với cơ quan chức năng Việt Nam : vào lúc khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4, Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 Tiến sĩ tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm. Tàu này do ông Trần Hồng Thọ, 33 tuổi ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu.
Ba tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi khi hay tin đã đến để cứu nạn. Ba tàu cá này gồm chiếc QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, chiếc QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ ; và chiếc QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ.
Tuy nhiên đến khoảng 6 giờ sáng ngày 2/4, phía Trung Quốc cho điều thêm 2 tàu hải cảnh 4001 và 4002 đến để vây bắt tàu của hai ngư dân Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh đưa vào đảo Phú Lâm. Tại đó hai tàu này bị lục soát ; trang thiết bị trên tàu bị đập phá, tịch thu.
Trong khi đó tàu cá của ngư dân Đặng Tằm bị tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng truy đuổi làm hư hỏng nhiều tài sản trên tàu và tàu này buộc phải quay về bờ.
Đến chiều cùng ngày phía Trung Quốc trao 8 ngư dân trên tàu bị đâm chìm cho hai tàu cá của ông Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh ; mỗi tàu 4 người rồi đuổi đi, buộc phải rời khu vực Hoàng Sa.
******************
Philippines bày tỏ đoàn kết với Việt Nam về vụ tàu cá Việt bị Trung Quốc đâm chìm
VOA, 08/04/2020
Bộ Ngoại giao Philippines hôm thứ Tư 8/4 ra thông cáo bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam và "quan ngại sâu sắc" về vụ Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại khu vưc quần đảo Hoàng Sa.
Tư liệu : Tàu cá ĐNa 90152 TS bị Trung Quốc đâm chìm ngày 29/5/2019, được trưng tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Photo Báo Đà Nẵng.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines nói hành động của Trung Quốc phương hại đến lòng tin trong khu vực và nhắc lại nghĩa cử của ngư dân Việt Nam, cứu mạng 22 ngư dân Philppines khi họ bị bỏ rơi ở ngoài biển sau khi tàu cá của họ bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 6 năm 2019.
"Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi cho thấy vụ việc đó đã làm mất biết bao nhiêu là niềm tin trong mối quan hệ với nước bạn, và hành động nhân đạo của Việt Nam đã tạo ra niềm tin như thế nào khi ra tay cứu mạng sống của các ngư dân Philippines".
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ sự cảm kích đối với Việt Nam :
"Chúng tôi vẫn cảm ơn và sẽ không bao giờ ngừng cảm ơn Việt Nam. Chính trong tinh thần ấy, chúng tôi ra thông cáo này để nói lên tình đoàn kết với Việt Nam".
Hôm 2/4 tàu cá QNg 90617 trên đó có 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. 8 ngư dân Việt Nam được cứu vớt và đưa về đảo Phú Lâm.
Hôm 3/4, Việt Nam trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động này. Tối ngày 3/4, Trung Quốc trao lại 8 ngư dân cho Việt Nam.
Ngày 6/4, Hoa Kỳ bày tỏ "vô cùng quan ngại" về việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói đây là động thái mới nhất "trong một chuỗi dài các hành động để khẳng định yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển", gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, nhưng quần đảo này trên thực tế đã nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1974, khi Trung Quốc chiếm quần đảo này sau một trận hải chiến đẫm máu với hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
******************
Mỹ ‘hết sức quan ngại’ vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
VOA, 06/04/2020
Mỹ "hết sức quan ngại" về các báo cáo cho hay Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố hôm 6/4.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trong một cuộc phỏng vấn với VOA
Như VOA đã đưa tin, tối 2/4, giới hữu trách tại Quảng Ngãi cho báo chí biết một tàu cá của ngư dân Trần Hồng Thọ, người của tỉnh, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc từ năm 1974.
Một ngày sau vụ việc, vào tối 3/4, Trung Quốc trao trả 8 ngư dân Việt Nam là thuyền viên của tàu cá bị đâm chìm.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, gọi vụ đâm tàu vừa qua là động thái mới nhất "trong một chuỗi dài các hành động" của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển "bất hợp pháp và gây bất lợi" cho các nước láng giềng Đông Nam Á quanh Biển Đông.
Trong bản tuyên bố hôm 6/4, bà Ortagus liệt kê một số hành động được xem như là Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu để khẳng định các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm việc Bắc Kinh "công bố các trạm nghiên cứu mới" đặt trên các căn cứ quân sự được xây dựng trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, và việc cho "máy bay quân sự đặc biệt" hạ cánh trên Đá Chữ Thập.
Vẫn theo lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc cũng đã tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Trường Sa.
Bà Ortagus lưu ý trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ Biển Đông đã bị tuyên là "một tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp" trong phán quyết hồi tháng 7/2016 của một tòa trọng tài được lập ra theo Công ước Luật Biển 1982, và quan điểm này được chính phủ Hoa Kỳ "chia sẻ", nữ phát ngôn viên khẳng định.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng khai thác việc các quốc gia khác bị phân tán tư tưởng hoặc trong trạng thái bấp bênh để bành trướng các tuyên bố phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông", tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Việt Nam lại lên tiếng về tầm quan trọng của Biển Đông (RFA, 07/03/2019)
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tham gia Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 16 (ACDFM-16) diễn ra sáng ngày 7/3 tại Pattaya, Thái Lan.
Thái Lan trao cờ Chủ tịch ACDFM cho Việt Nam. Courtesy of nhandan.com.vn
Tại hội nghị ông này lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và đề nghị lực lượng thực thi pháp luật trên biển và hải quân các bên liên quan tăng cường hợp tác, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định vùng biển trong khu vực.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 7/3, trích phát biểu của Thượng tướng Phan Văn Giang nói thêm rằng những thách thức an ninh trên biển như tranh chấp chủ quyền, tranh chấp tài nguyên, cướp biển… sẽ tiếp tục đe dọa an ninh trên biển khu vực Đông Nam Á.
Tin cho biết, Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch luân phiên của Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN tiếp theo được tổ chức vào năm 2020.
Vẫn liên quan đến tình hình biển Đông, trong cuộc phỏng vấn với đài ABS-CBN ở Manila, Philippine ngày 7/3, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malaysia nói rằng Trung Quốc nên xác định "cái gọi là quyền sở hữu" của mình ở khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông để các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể thu được nguồn lợi từ vùng biển giàu tài nguyên này.
Trung Quốc là nước hiện tuyên bố chủ quyền chừng 90% Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra. Đường này thường được gọi là đường lưỡi bò và bị Manila kiện ra Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA ở La Haye. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, PCA tuyên bố đường đứt khúc 9 đoạn không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử ; tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa như thế.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn có Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cùng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
****************
Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa (VOA, 07/03/2019)
Chiều 6/3, Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, 1 tàu cá của ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Trang VietnamNet loan tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Photo VietnamNet
Báo Thanh Niên trích thông báo của Văn phòng này cho biết sự việc xảy ra lúc 10 giờ 10 phút ngày 6/3, tàu cá tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS với 5 thuyền viên trên tàu đã bị tàu Trung Quốc BKS 44101 đâm chìm.
Truyền thông trong nước dẫn lời người nhà của ngư dân Nguyễn Minh Hùng, chủ tàu QNg 90819TS, cho biết tàu xuất bến ra Hoàng Sa hành nghề lặn mới được 4 ngày thì bị tàu Trung Quốc tông chìm. Tàu của ông Hùng được biết đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ trước đây.
Trước đó, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết tàu đang di chuyển trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách Đà Nẵng khoảng 198 hải lý về hướng đông, thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 6/3.
Tàu chỉ còn nổi phần mũi, 5 ngư dân trên tàu đã bám vào mũi tàu và chờ cứu hộ, theo báo Zing.
Báo VnExpress cho biết đến trưa cùng ngày, 5 ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, và rời khu vực bị nạn.
Vào tháng 5 năm ngoái, 7 ngư dân trên một tàu cá cũng ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị một tàu Hải giám Trung Quốc nhấn chìm trong vùng biển gần đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam tuyên bố là nước đầu tiên chiếm hữu, thực thi chủ quyền liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, Trung Quốc nhiều lần đánh chiếm Hoàng Sa, đến năm 1974 thì chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này, theo VnExpress.
*****************
Tàu cá Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa (RFA, 06/03/2019)
Một tàu cá Quảng Ngãi vào sáng ngày 6 tháng 3 bị một tàu Trung Quốc đâm chìm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của người đánh cá Việt Nam.
Chiếc tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang neo đậu tại một cơ sở sữa chữa tàu ở Đà nẵng. Ảnh minh họa ; chụp hôm 02/6/2014. AFP
Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai & Tìm kiếm Cứu nạn vào tối ngày 6 tháng 3 xác nhận vụ việc vừa nêu với báo chí trong nước.
Tin cho biết vào khoảng 10 giờ sáng ngày 6 tháng 3, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg-90819 của ngư dân Nguyễn Minh Hùng, cư ngụ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đâm chìm tại vùng biển cách thành phố Đà Nẵng chừng 198 hải lý về phía đông. Đây được cho biết là khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trên tàu có 5 ngư dân và họ đã cố bám vào phần nổi của tàu sau khi bị đâm chìm. Sau chừng hai tiếng đồng hồ một tàu cá cũng của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đến cứu 5 nạn nhân.
Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt tại Biển Đông, đặc biệt khu vực Quần Đảo Hoàng Sa, trong những năm qua bị tàu Trung Quốc sách nhiễu, đập phá, cướp hải sản, ngư lưới cụ, đâm chìm và thậm chí bắn chết người từng xảy ra.
Có một giai đoạn, truyền thông Việt Nam chỉ gọi thủ phạm gây nên những vụ việc như vừa nêu đối với ngư dân Việt Nam là ‘tàu lạ’. Trong vụ việc mới xảy ra ngày 6 tháng 3, cơ quan chức năng Việt Nam và truyền thông trong nước gọi đích danh là tàu Trung Quốc.