Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc vừa "mất" một trong sáu chiếc tàu ngầm tấn công ? Bắc Kinh từng đánh giá đây là một "tin đồn không có cơ sở". Truyền thông Luân Đôn hôm 03/10/2023 trích dẫn tình báo Anh xác nhận toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng trong "tai nạn tàu ngầm Trung Quốc" xảy ra hôm 21/08 ở Hoàng Hải. Tàu ngầm Trung Quốc bị "mắc bẫy" và "bị kẹt" trong những hàng rào do chính Hải Quân nước này dựng lên để "bẫy" tàu của Mỹ và đồng minh.

XINHUA PHOTOS OF THE DAY

Tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, Trường Chinh 11 nhân một cuộc thao diễn ngoài khơi Thanh Đảo. Ảnh minh họa chụp ngày 23/04/2019. Reuters - JASON LEE

Theo bảng phân loại của NATO, chiếc tàu mắc nạn của Trung Quốc thuộc lớp Hán 093 -417, bắt đầu hoạt động từ 2017. Đây là một tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân, "hiện đại nhất và chạy êm nhất" của Hải quân Trung Quốc.

Ngày 03/10/2023, Daily Mail trích dẫn báo cáo của tình báo Anh cho biết : "55 thủy thủ đoàn Trung Quốc được cho là đã tử vong trong vụ tàu ngầm bị mắc bẫy mà chính Bắc Kinh đã gài đặt xua đuổi tàu của Anh và Mỹ". Trong số các nạn nhân, có 22 sĩ quan của Hải quân Trung Quốc.

"Sự cố đã xảy ra vào lúc 8 giờ 12 phút giờ địa phương trong khu vực Hoàng Hải, ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông". Tai nạn dường như "không vì sự cố kỹ thuật trong lúc tàu đang lặn xuống độ sâu". Tàu ngầm tấn công Trung Quốc đã "đụng phải những rào cản" được dựng lên để bẫy tàu của "Mỹ và đồng minh". Sự cố làm hỏng hệ thống thông gió của tàu Trung Quốc và phải mất đến 6 giờ đồng hồ, tàu mới nổi lên mặt nước. Trong thời gian đó, toàn bộ thủy thủy đoàn đã bị "ngộ độc vì không khí". Báo cáo của Anh không cho biết thêm chi tiết về vụ "ngộ độc" này.

Phía Hoa Kỳ đã từng "báo động" về sự cố nói trên. Đài Loan cũng xác nhận tin này "với tất cả mọi sự thận trọng cần thiết". Trong cuộc họp báo hồi tháng 8/2023, Bắc Kinh đánh giá đây là một "tin đồn vô căn căn cứ". Tuy nhiên, thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc ghi nhận, hôm 22/08, vài giờ sau khi sự cố tàu ngầm được cho là đã diễn ra tại Hoàng Hải, từ Pretoria, Nam Phi đang tham dự thượng đỉnh khối BRICS, chủ tịch Tập Cận Bình đã đột ngột hủy một buổi thuyết trình. Đây được coi là một "sự kiện bất thường" và đã làm dấy lên nhiều câu hỏi : phải chăng ông Tập vắng mặt vì lý do sức khỏe, hay do cần "giải quyết gấp" một vấn đề quan trọng nào đó.

Theo giới quan sát, nếu như Hải Quân Trung Quốc "mất" tàu ngầm tấn công lớp 093-417 thì sẽ là một "vố đau lớn" bởi đây được coi là "một trong những tàu chiến lợi hại nhất" của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ ở khu vực eo biển Đài Loan.

Phát triển tàu ngầm và nhất là tàu ngầm hạt nhân là "một ưu tiên chiến lược của Trung Quốc" theo như báo cáo của Mỹ công bố hôm 29/09, và 3 trong số 6 xưởng đóng tàu của Trung Quốc trực thuộc quân đội nước này chỉ "tập trung" vào công tác lắp ráp tàu lặn cho lực lượng Hải Quân.

Thanh Hà

Published in Châu Á

Úc và Pháp đã khởi động lại quan hệ song phương sau vụ Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. 

ucphap1

Tổng thống Pháp E. Macron (phải) và thủ tướng Úc A. Albanese tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 01/07/2022. AFP – Emmanuel Dunand

Theo nhật báo Anh The Guardian, số ra ngày 20/07/2022, giới chuyên gia Úc báo động "tất cả các tài liệu lưu hành cho thấy Mỹ sẽ không cung cấp tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân cho Canberra" và Anh Quốc "không đủ khả năng đóng tàu cho Úc". Viện nghiên cứu Lowy Institute tại Sydney tin rằng, để thay thế đội tàu Collins cũ kỹ trước năm 2040, thủ tướng Albanese cần nhìn về phía Pháp.

Từ nay đến tháng 3/2023, thủ tướng Anthony Albanese sẽ phải quyết định về thời điểm Hải quân Hoàng gia Úc được trang bị tàu ngầm và trang bị loại nào của Anh và Mỹ, trong khuôn khổ liên minh quân sự ba bên AUKUS, giữa Canberra với Washinbgton và Luân Đôn. Nhưng trước mắt, Úc không thể trông cậy vào Anh và Mỹ.

Theo báo cáo của Hạ Viện Mỹ công bố trong tháng 7/2022 được tờ The Guardian trích dẫn, bản thân Hoa Kỳ "đang gặp nhiều khó khăn và chậm trễ trong việc sản xuất, trùng tu tàu ngầm lớp Virginia", đáp ứng nhu cầu của chính Hải quân quốc gia. Vấn đề càng thêm trầm trọng, do Mỹ "thiếu một số phụ tùng cần thiết và giá vật liệu tăng cao". Ngoài tàu ngầm lớp Virginia, Mỹ còn đang phát triển chương trình mang tên Colombia để thay thế đội tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio.

Vậy Canberra có thể kỳ vọng vào Luân Đôn hay không ? Theo các nhà quan sát của Úc được báo The Guardian trích dẫn, câu trả lời có thể là "không", vì ít nhất ba lý do :

Thứ nhất, các nhà sản xuất của Anh đang chạy nước rút để thay thế 7 chiếc tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân Trafalgar bằng tàu ngầm lớp Astute. Thứ hai, Anh Quốc cũng đang hướng tới một kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Hải quân với những phương tiện tối tân hơn, liên kết các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Anh. Thư ba, các hãng đóng tàu của Anh đang tập trung vào chương trình mang tên loài khủng long "Dreadnought", đóng thêm tàu ngầm hạt nhân có mang theo đầu đạn thế hệ mới lớp Vanguard. Dự án "khủng long" này mới chính là ưu tiên của Luân Đôn.

Úc "nuôi" công nghiệp tàu ngầm cho Mỹ ?

Trong những điều kiện đó, làm thế nào để Canberra có được 8 tàu ngầm nguyên tử như Washington và Luân Đôn đã cam kết tháng 9/2021 trong khuôn khổ hiệp định AUKUS ?

Cựu bộ trưởng quốc phòng Úc Peter Dutton và chuyên gia Marcus Hellyer, thuộc viện nghiên cứu Australian Strategic Policy Institute, đề nghị Mỹ "chuyển nhượng" cho Úc một vài đơn vị tàu ngầm của mình. Đương nhiên đề xuất này đã nhanh chóng bị bác bỏ, bởi hoàn toàn đi ngược lại với chiến lược của Mỹ đang muốn có thêm tàu ngầm, chứ không phải là "chia sẻ", để rồi đội tàu của mình bị thu hẹp lại.

Thêm một vấn đề khác mà chuyên gia người Úc Hellyer nêu lên, đó là bản thân Mỹ đang phải đối phó với hiện tượng khan hiếm phụ tùng và vật giá leo thang, rồi Hoa Kỳ đang chuẩn bị một thế hệ tàu ngầm mới tối tân hơn. Hiển nhiên là hóa đơn của Úc sẽ bị đẩy lên cao và câu hỏi kế tiếp là Canberra muốn trang bị thế hệ tàu ngầm đời mới nhất của Mỹ, hay sẽ chỉ dừng lại ở các kiểu tàu đang hiện hành ? Trong moi trường hợp, tàu ngầm mà Úc mua vào sẽ "đắt hơn nhiều". Viện nghiên cứu chiến lược thẩm định Canberra "sẽ phải chi ra đến 171 tỷ đô la để có được 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử", mà đó sẽ là những loại tàu như "đang hiện hành".

Một chi tiết trong báo cáo của Hạ Viện Hoa Kỳ công bố trong tháng này khiến các nhà quan sát Úc bực mình : nếu Canberra muốn có tàu ngầm "tối tân hơn" thì họ phải đài thọ luôn cả khâu nghiên cứu cho phía Mỹ. Mỗi chiếc tàu đời mới hơn đó đòi hỏi "thêm 3 tỷ đô la Úc". Nói cách khác, các chương trình nghiên cứu và phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, vũ khí của Hoa Kỳ phần nào "sẽ do Úc tài trợ" từ những đồng thuế của dân Úc, như một cựu thượng nghị sĩ và cũng là môt người trong ngành công nghiệp tàu ngầm của Úc, ông Rex Patrick, ghi nhận.

Paris vẫn là một giải pháp

Trong bài tham luận đăng trên mạng của viện nghiên cứu Lowy Institute hôm 14/07/2022, giáo sư Alan J. Kuperman đánh giá "Pháp có thể giúp thủ tướng Albanese điều chỉnh lại hiệp định AUKUS".

Thủ tướng Úc hiện trong thế "trên đe dưới búa" : Trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, Anthony Albanese phải tỏ ra cứng rắn, bắt buộc củng cố liên minh AUKUS, tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. Đồng thời quyết định trang bị tàu ngầm hạt nhân của Anh, Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Canberra. Có hai khó khăn chính : một là khả năng cung cấp tàu ngầm của Anh Mỹ như vừa nêu và hai là thách thức liên quan đến năng lượng nguyên tử với uranium được làm giàu ở nồng độ cao, "tương tự như uranium được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử".

Để tháo gỡ những khúc mắc này, giáo sư Kuperman cho rằng thủ tướng Úc có thể chọn một ba khả năng.

Trong kịch bản thứ nhất, Úc có thể đối ý, quay trở lại với loại tàu ngầm quy ước. Tác giả bài tham luận nêu lên một số lợi thế của giải pháp này, chẳng hạn như tàu sẽ êm hơn, khó phát hiện hơn và cũng có thể hoạt động xa nhà, tuần tra ở Biển Đông trong các chiến dịch ngắn ngày. Tàu ngầm quy ước cũng sẽ rẻ hơn so với các loại dùng năng lượng nguyên tử. Thế nhưng giáo sư Kuperman nói ngay : trong trường hợp này, thủ tướng Anthony Albanese sẽ bị chỉ trích là "trở mặt", gây tổn thất cho thỏa thuận hợp tác an ninh "sâu rộng hơn nhiều" giữa Úc với Anh, đặc biệt là với Mỹ.

Thủ tướng Úc có thể chọn giải pháp thứ nhì là thuyết phục Anh, Mỹ trang bị tàu ngầm nguyên tử có thể dùng uranium được làm giàu ở "mức thấp". Việc này nói thì dễ, nhưng làm thì khó, bởi vì các nhà sản xuất của Anh, Mỹ, đã quá bận rộn vì các chương trình phát triển cho riêng mình, và đang lo không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu của hải quân quốc gia, làm sao có thể chiều ý Canberra ? Hơn nữa các tập đoàn đóng tàu và công nghiệp của Hoa Kỳ và Anh Quốc cũng không có thời gian để nghiên cứu tìm một giải pháp thay thế thích hợp với Úc. Thời hạn để giao tàu cho Canberra được dự trù vào khoảng 2030, 2040 là nhiệm vụ bất khả thi.

Vậy thì có gì ngăn cản Úc trang bị tàu ngầm nguyên tử Pháp, lớp Suffren ? Đó có thể là một ngõ thoát hiểm thứ ba tháo gỡ bế tắc. Trong bài tham luận đăng trên mạng của viện nghiên cứu Úc Lowy Institute, giáo sư Kuperman đi sâu vào chi tiết : Paris sử dụng tàu ngầm nguyên tử với uranium nồng độ thấp và kinh nghiệm của Pháp khá thuyết phục. Về mặt kỹ thuật, Pháp hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của Úc. Lợi thế thứ nhì của Paris là Pháp sẽ giao hàng cho Úc sớm hơn so với Mỹ và Anh. Canberra rút ngắn được thời gian phải chờ đợi để được giao hàng khoảng một chục năm. Một ưu điểm khác nữa là tàu ngầm của Pháp được trang bị hệ thống điều khiển hoàn toàn có thể sử dụng trang thiết bị của Mỹ do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Đương nhiên giải pháp này cũng có những bất cập, chẳng hạn như về khâu tiếp liệu, hay bảo trì.

Cả ba khả năng giáo sư Kuperman vừa nêu đều đòi hỏi Canberra phải vượt qua nhiều trở ngại cả về kỹ thuật, pháp lý, ngoại giao, an ninh … Giải pháp sau cùng này liên quan trực tiếp đến cả Pháp. Trong trường hợp đó, liên minh quân sự Anh, Mỹ, Úc phải đổi tên thành AUKUS+1

Thanh Hà

Published in Châu Á

Chỉ có 6 quốc gia trên thế giới — Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga — hiện đang vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Úc có thể trở thành nước thứ bảy một cách bất ngờ. Trong một tuyên bố đưa ra trong lần xuất hiện chung trên truyền hình vào ngày 15 tháng 9, Joe Biden, Boris Johnson và Scott Morrison, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc, đã công bố điều mà họ mô tả là "quan hệ đối tác an ninh ba bên nâng cao", có tên là AUKUS. Sáng kiến ​​đầu tiên, và là viên ngc trên vương min ca h, s là việc hợp tác phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai cho Hải quân Hoàng gia Úc. Hiệp ước này, sẽ được ký chính thức tại Washington vào tuần tới, phản ánh mối quan ngại chung của họ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, và mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường khả năng quân sự của các đối tác Châu Á.

uc0

Một tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Collins được neo đậu tại căn cứ Hải quân Hoàng gia Australia HMAS Stirling, Australia. NAVY / MASS JEANETTE MULLINAX

AUKUS dựa trên một ý tưởng của Úc. Nó sẽ bao gồm hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nó cũng bao gồm hợp tác về phát triển năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và "các khả năng bổ sung dưới đáy biển", chẳng hạn như cảm biến dưới nước và máy bay không người lái. Tuy nhiên, yếu tố gây chú ý nhất là thỏa thuận về tàu ngầm, được cho là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng nhất thế giới về phát triển năng lực quốc phòng trong nhiều thập kỷ qua. Australia trước đây đã ký một hợp đồng trị giá 90 tỷ đô la với Naval Group, một công ty của Pháp, để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến, nhưng không hài lòng khi công ty này không đầu tư đầy đủ cho các nhà cung cấp địa phương. Bây giờ Australia đang hủy bỏ thỏa thuận đó.

Thay vào đó, họ sẽ mua tàu ngầm hạt nhân, và các đối tác của họ sẽ là Mỹ và Anh, cả hai đều đã vận hành các tàu ngầm như vậy trong nhiều thập niên. "Chúng tôi sẽ tận dụng chuyên môn từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tận dụng các chương trình tàu ngầm của hai quốc gia này, để đưa tàu ngầm của Úc vào hoạt động sớm nhất có thể", tuyên bố chung hứa hẹn. Một số tờ báo của Úc đã đưa tin rằng, Mỹ có thể sẽ vận hành các tàu ngầm tấn công ngoài khơi từ cảng HMAS Sterling, một căn cứ hải quân của Úc ở Perth, trong thời gian chờ đợi.

Việc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ hỗ trợ đáng kể cho hải quân Australia. Chúng lớn hơn và đắt hơn, nhưng cũng nhanh hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn nhiều so với các loại tàu ngầm diesel-điện, như các tàu ngầm lớp Collins hiện nay của Úc, vốn cần phải nổi lên mặt nước định kỳ. Chúng cũng có thể đi biển lâu hơn mà không cần tiếp tế, một yếu tố quan trọng trong một Thái Bình Dương rộng lớn. Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, tính toán rằng trong khi một tàu ngầm diesel-điện đi từ Perth có thể hoạt động trong 11 ngày ở Biển Đông, thì một tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động trong hơn hai tháng.

Theo Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), các tàu mới được đề xuất sẽ cung cấp "sức mạnh tấn công… thực sự", "đó là những gì chúng ta cần để răn đe và đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc". Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc ngày càng trở nên băng giá. Năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đối với nhiều hàng hóa khác nhau của Australia để đáp trả việc nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch coronavirus.

Mối quan hệ hợp tác mới cũng diễn ra vào thời điểm thích hợp đối với ông Biden. Việc ông rút quân khỏi Afghanistan và sự sụp đổ sau đó của chính phủ nước này đã khiến nhiều đồng minh lo ngại về độ tin cậy của Mỹ. Trên lý thuyết, việc rút quân đó là một phần trong quá trình tái định hướng nói chung các nguồn lực ngoại giao và quân sự của Mỹ sang Châu Á. Nhưng trên thực tế, nhiều đồng minh đã tỏ ra nghi ngờ. "Cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho đến nay thiếu sự tập trung và tính cấp bách", một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ (USSC) tại Đại học Sydney hồi tháng trước phàn nàn.

Ashley Townshend, đồng tác giả của báo cáo đó, nói rằng việc ông Biden sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến – "điều mà Mỹ hiếm khi sẵn lòng làm" – là một điều ngạc nhiên đáng hoan nghênh. "Nó gợi ý một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với phòng thủ tập thể". Vào ngày 24 tháng 9, ông Biden cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Bộ tứ, một khối ngoại giao đang phát triển bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Tuy nhiên, hợp tác hạt nhân giữa Mỹ, Úc và Anh không phải là không có vấn đề. Phil Weir, một chuyên gia hải quân cho biết : "Hải quân Mỹ đang thường xuyên thiếu tàu ngầm và tình hình có thể xấu đi trước khi tốt hơn". Ông nói rằng năng lực xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Mỹ và Anh cũng bị giảm sút. Việc xây dựng năng lực bổ sung để hỗ trợ chương trình của Úc sẽ mất nhiều năm. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo vào ngày 15 tháng 9 nói rằng "giai đoạn xác định phạm vi ban đầu" sẽ kéo dài 18 tháng. Vào năm 2017, Marise Payne, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Australia và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao của nước này, thừa nhận rằng một hạm đội tàu ngầm hạt nhân "thuộc chủ quyền Australia" sẽ mất "nhiều hơn một thập niên", và sẽ "có chi phí rất đáng kể so với hạm đội thông thường của chúng tôi".

Năng lượng hạt nhân cũng có ý nghĩa chiến lược rộng hơn. Mặc dù hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cấm các thành viên là nước chưa có vũ khí hạt nhân chế tạo bom, nhưng hiệp định có một lỗ hổng là nó cho phép các nước đưa vật liệu hạt nhân ra khỏi sự giám sát quốc tế chính thức nếu vật liệu này được sử dụng cho tàu ngầm. Tuy nhiên, uranium được làm giàu trong tàu ngầm cũng giống như uranium được sử dụng trong bom hạt nhân. Đáng nói là, nhiên liệu được sử dụng trong cả tàu ngầm của Anh và Mỹ đều được làm giàu đến mức đặc biệt cao.

Mặc dù Úc ít có khả năng muốn có bom hạt nhân cho riêng mình – nước này đã từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân vào năm 1973 – nhưng các quốc gia muốn khám phá về hạt nhân khác có thể coi tàu ngầm là một con đường thuận tiện để có nhiên liệu chế tạo bom. Brazil đang tìm cách phát triển tàu ngầm hạt nhân của riêng mình, và hy vọng sẽ đưa vào sử dụng vào những năm 2030, trong khi Iran đã từng thử nghiệm ý tưởng này trong quá khứ. Hàn Quốc trong tuần này đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thông thường, và cũng sẽ được quốc tế theo dõi chặt chẽ. Trong khi đó, các thủy thủ tàu ngầm Úc sẽ mở nút chai ăn mừng và lấy sách giáo khoa vật lý ra nghiên cứu.

Nguyên tác :"Australia is getting nuclear subs, with American and British help", The Economist, 15/09/2021.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/09/2021

Published in Diễn đàn