Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/10/2023

Tai nạn tàu ngầm hạt nhân : Trung Quốc rơi vào bẫy của chính mình ?

RFI tiếng Việt

Trung Quốc vừa "mất" một trong sáu chiếc tàu ngầm tấn công ? Bắc Kinh từng đánh giá đây là một "tin đồn không có cơ sở". Truyền thông Luân Đôn hôm 03/10/2023 trích dẫn tình báo Anh xác nhận toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng trong "tai nạn tàu ngầm Trung Quốc" xảy ra hôm 21/08 ở Hoàng Hải. Tàu ngầm Trung Quốc bị "mắc bẫy" và "bị kẹt" trong những hàng rào do chính Hải Quân nước này dựng lên để "bẫy" tàu của Mỹ và đồng minh.

XINHUA PHOTOS OF THE DAY

Tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, Trường Chinh 11 nhân một cuộc thao diễn ngoài khơi Thanh Đảo. Ảnh minh họa chụp ngày 23/04/2019. Reuters - JASON LEE

Theo bảng phân loại của NATO, chiếc tàu mắc nạn của Trung Quốc thuộc lớp Hán 093 -417, bắt đầu hoạt động từ 2017. Đây là một tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân, "hiện đại nhất và chạy êm nhất" của Hải quân Trung Quốc.

Ngày 03/10/2023, Daily Mail trích dẫn báo cáo của tình báo Anh cho biết : "55 thủy thủ đoàn Trung Quốc được cho là đã tử vong trong vụ tàu ngầm bị mắc bẫy mà chính Bắc Kinh đã gài đặt xua đuổi tàu của Anh và Mỹ". Trong số các nạn nhân, có 22 sĩ quan của Hải quân Trung Quốc.

"Sự cố đã xảy ra vào lúc 8 giờ 12 phút giờ địa phương trong khu vực Hoàng Hải, ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông". Tai nạn dường như "không vì sự cố kỹ thuật trong lúc tàu đang lặn xuống độ sâu". Tàu ngầm tấn công Trung Quốc đã "đụng phải những rào cản" được dựng lên để bẫy tàu của "Mỹ và đồng minh". Sự cố làm hỏng hệ thống thông gió của tàu Trung Quốc và phải mất đến 6 giờ đồng hồ, tàu mới nổi lên mặt nước. Trong thời gian đó, toàn bộ thủy thủy đoàn đã bị "ngộ độc vì không khí". Báo cáo của Anh không cho biết thêm chi tiết về vụ "ngộ độc" này.

Phía Hoa Kỳ đã từng "báo động" về sự cố nói trên. Đài Loan cũng xác nhận tin này "với tất cả mọi sự thận trọng cần thiết". Trong cuộc họp báo hồi tháng 8/2023, Bắc Kinh đánh giá đây là một "tin đồn vô căn căn cứ". Tuy nhiên, thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc ghi nhận, hôm 22/08, vài giờ sau khi sự cố tàu ngầm được cho là đã diễn ra tại Hoàng Hải, từ Pretoria, Nam Phi đang tham dự thượng đỉnh khối BRICS, chủ tịch Tập Cận Bình đã đột ngột hủy một buổi thuyết trình. Đây được coi là một "sự kiện bất thường" và đã làm dấy lên nhiều câu hỏi : phải chăng ông Tập vắng mặt vì lý do sức khỏe, hay do cần "giải quyết gấp" một vấn đề quan trọng nào đó.

Theo giới quan sát, nếu như Hải Quân Trung Quốc "mất" tàu ngầm tấn công lớp 093-417 thì sẽ là một "vố đau lớn" bởi đây được coi là "một trong những tàu chiến lợi hại nhất" của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ ở khu vực eo biển Đài Loan.

Phát triển tàu ngầm và nhất là tàu ngầm hạt nhân là "một ưu tiên chiến lược của Trung Quốc" theo như báo cáo của Mỹ công bố hôm 29/09, và 3 trong số 6 xưởng đóng tàu của Trung Quốc trực thuộc quân đội nước này chỉ "tập trung" vào công tác lắp ráp tàu lặn cho lực lượng Hải Quân.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 480 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)