Liên quân 10 nước tập trận ở Biển Đông và thông điệp tới Trung Quốc
RFA, 04/10/2023
Hải quân Hoa Kỳ và Philippines hôm 2 tháng 10 bắt đầu cuộc tập trận mang tên "Sama Sama" (nghĩa là sát cánh trong tiếng Tagalog) tại khu vực Biển Đông, cùng với sự tham gia của tám nước đồng minh và đối tác khác. Nhóm này gồm hải quân các nước Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Canada, Malaysia ; cùng quan sát viên từ New Zealand và Indonesia.
Cuộc tập trận SAMA SAMA 2023 giữa Mỹ và Philippines bao gồm các hoạt động diễn tập săn tàu ngầm, tấn công tàu chiến, và tác chiến điện tử, với hơn một ngàn binh lính được điều động. US Navy
Cuộc tập trận này bao gồm các hoạt động diễn tập săn tàu ngầm, tấn công tàu chiến, và tác chiến điện tử, với hơn một ngàn binh lính được điều động.
Tuy là sự kiện được lên kế hoạch từ trước, nhưng cuộc tập trận này diễn ra đúng vào thời điểm Trung Quốc và Philippines đang đối đầu với nhau kịch liệt trên khu vực Biển Đông.
Do vậy, cuộc tập trận đang diễn ra được đánh giá là sẽ tạo ra thông điệp trực tiếp đến với Trung Quốc.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, thạc sĩ Hoàng Việt - chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho biết đây là một cuộc tập trận "đặc biệt", ông nói thêm :
"Cuộc tập trận này không chỉ đơn thuần là một cuộc tập trận mà nó còn là một thông điệp, để thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của những quốc gia sát cánh cùng Philippines trên khu vực Biển Đông, trong đó là Mỹ và Phương tây. Với phương châm tôn trọng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ".
Mới tháng trước, Trung Quốc cho giăng dây thừng và phao nổi ở khu vực Bãi cạn Scarborough, nhằm ngăn cản các tàu của ngư dân Philippines tiếp cận khu vực trên, khiến đích thân tổng thống Philippines đã phải ra lệnh cho lực lượng hải quân nước này thực hiện chiến dịch phá huỷ.
Lực lượng cảnh sát biển của hai nước cũng liên tiếp chạm trán nhau ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa. Tại đây, lính Philippines đang đồn trú trên một chiếc tàu chiến được chủ động cho mắc cạn, và cần phải được tiếp tế thường xuyên, và phía Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản.
Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, những cuộc tập trận thế này là nhằm ngăn chặn và răn đe các hành vi đe doạ sự ổn định do Trung Quốc tạo ra :
"Những cuộc tập trận này nhằm mục đích ngăn ngừa và răn đe các hành vi gây bất ổn ở khu vực, và khiến Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Cuộc tập trận này nằm trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp áp đặt yêu sách chủ quyền của họ, còn Hoa Kỳ thì cố gắng xây dựng một liên minh nhằm răn đe Trung Quốc".
Một nước Đông Nam Á tham gia cuộc tập trận là Indonesia lại không có yêu sách chủ quyền đối với bất cứ thực thể hay hòn đảo nào trên khu vực Biển Đông, nhưng nước này cũng bị đe doạ bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở trên vùng biển mà họ gọi là Biển Natuna, nằm ở phía nam Biển Đông.
Việt Nam, ở mặt khác, lại là một trong những nước có tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo ở khu vực Biển Đông, và trong những năm qua đã bị Trung Quốc liên tiếp gây sức ép, và thậm chí đe doạ. Thế nhưng lại không góp mặt trong cuộc tập trận này.
Lý giải cho điều này, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết quan điểm của ông :
"Trước đây thì Việt Nam cũng tham gia tập trận với Mỹ một số lần, nhưng sau này Việt Nam không tham gia nữa. Nó có nhiều lý do, nhưng rõ ràng thứ nhất là học thuyết quốc phòng 4 Không của Việt Nam, trong đó có việc không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào. Thế nên Việt Nam sẽ tránh.
Gần đây chúng ta thấy quan điểm của Việt Nam đối với cuộc căng thẳng Mỹ - Trung, đặc biệt là từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, thì phía Việt Nam luôn thể hiện cái tư duy mà nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nhắc tới, đó là không thể hiện việc chọn bên.
Chính vì thế mà đối với việc này thì Việt Nam không khuyến khích, nhưng cũng không lên án việc các nước tham gia tập trận với Philippines".
Đó là về mặt quan điểm, và nguyên tắc công khai trong chính sách đối ngoại cũng như quốc phòng của Việt Nam. Còn về mặt thực tế, theo giáo sư Carlyle Thayer, thì Việt Nam sẽ ngầm ủng hộ sự hiện diện của Mỹ và các nước Phương tây ở Biển Đông :
"Tôi cho rằng Việt Nam sẽ muốn những sự kiện như thế này diễn ra hơn là không muốn có bất cứ hoạt động nào. Sự hiện diện thường xuyên của Mỹ có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải chú ý nhiều hơn vào nước Mỹ, còn nếu nước Mỹ không xuất hiện thì Trung Quốc sẽ hướng sự chú ý vào Việt Nam. Và Việt Nam rõ ràng là không muốn điều đó xảy ra".
Cuộc tập trận này dự kiến sẽ kéo dài 12 ngày ở vùng biển gần với phía nam đảo Luzon của Philippines, nơi có căn cứ hải quân Vịnh Subic, từng là một trong những tiền đồn quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nguồn : RFA, 04/10/2023
*************************
Quân đội Trung Quốc tung phim hoạt hình về ‘thống nhất’ Đài Loan
Reuters, VOA, 03/10/2023
Quân đội Trung Quốc đã phát hành một bộ phim hoạt hình vào Ngày Quốc khánh, chiếu cảnh hai phần của một bức tranh cuộn bị xé cách đây hơn 300 năm trước được nối lại, thể hiện quyết tâm của đại lục đưa Đài Loan tự trị về cùng một mối.
Du khách thưởng ngoạn bức tranh "Phú Xuân sơn cư đồ" của danh họa Hoàng Công Vọng thời nhà Nguyên, được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quôc gia ở Đài Bắc, ngày 1/6/2011.
Hai phần của bức tranh "Phú Xuân sơn cư đồ", một trong những bức tranh cổ nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được lưu giữ riêng biệt trong các bảo tàng ở Trung Quốc và Đài Loan, hòn đảo được quản lý dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh của mình và nói là có quyền tiếp quản bằng vũ lực.
Vào ngày Chủ nhật Quốc khánh 1/10, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, được biết đến với các video diễn tập hiếu chiến quanh Đài Loan, đã phát hành một bộ phim hoạt hình ngắn có tên "Giấc mơ thành hiện thực trên sông Phú Xuân", kêu gọi chú ý tới nguồn gốc văn hóa chung của người dân cả hai bờ Eo biển Đài Loan.
Bộ phim có hai nhân vật thần thoại, đại diện cho hai phần của bức tranh của danh họa Hoàng Công Vọng thời nhà Nguyên đã bị một trong những chủ nhân của nó xé rời vào thế kỷ 17.
Ở cuối phim, hai nhân vật đã đến với nhau, tạo nên bức tranh hoàn chỉnh một cách thần kỳ.
Phần tranh ngắn hơn, được gọi là "Ngọn núi còn lại", dài khoảng 51 cm, hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu. Phần tranh dài hơn, 640 cm, được lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan từ những năm 1950.
Hai phần tranh này đã được tái hợp vào năm 2011 khi Trung Quốc cho bảo tàng Đài Loan mượn phần tranh họ giữ trong hai tháng trong thời kỳ quan hệ nồng ấm hơn khi Đài Loan theo đuổi chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Nhưng trong những năm gần đây, khi mối quan hệ nguội lạnh, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm cả các cuộc tập trận trong tháng qua mà Bắc Kinh cho biết là nhằm chống lại lực lượng ly khai.
Đồng thời, Trung Quốc đang soạn thảo các kế hoạch đầy tham vọng nhằm "hội nhập" nền kinh tế của tỉnh Phúc Kiến và Đài Loan, ở cả hai bên Eo biển Đài Loan, tạo cơ hội cho các công ty Đài Loan tham gia vào một kế hoạch phát triển chung, điều mà chính phủ Đài Loan cự tuyệt.
Trong khi Trung Quốc muốn thu hút Đài Loan bằng những hứa hẹn về lợi ích kinh tế, mối đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực vẫn không ngừng gia tăng.
Trong cuộc hành trình của hai nhân vật thần thoại trong phim, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông đã chèn những cảnh quay về đội hình tàu sân bay và máy bay chiến đấu J-20, nhắc nhở người xem về khả năng chiến trường của họ.
Nguồn : VOA, 03/10/2023
****************************
Philippines và đồng minh tập trận hải quân giữa lúc căng thẳng ở Châu Á-Thái Bình Dương
Reuters, VOA, 02/10/2023
Hôm 2/10, các lực lượng từ Philippines, Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung kéo dài hai tuần ở vùng biển Philippines như một màn "biểu dương lực lượng", trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang gia tăng, theo Reuters.
Lễ khai mạc cuộc tập trận "Sama Sama", ngày 2/10/2023.
Với hơn 1.800 người tham gia, cuộc tập trận diễn ra tiếp theo động thái tuần trước của Bắc Kinh nhằm ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực biển có tranh chấp nhất ở Châu Á, bãi cạn Scarborough, do Trung Quốc nắm giữ ở Biển Đông.
Hải quân Philippines cho biết cuộc tập trận "Sama Sama" năm nay được tổ chức ở phía nam đảo Luzon, bao gồm các cuộc tập trận hải quân trong các lĩnh vực như tác chiến chống tàu ngầm, phòng không và tìm kiếm cứu nạn.
Chuẩn Đô đốc Toribio Adaci, tư lệnh hải quân Philippines, phát biểu tại sự kiện khai mạc : "Với màn biểu dương lực lượng và sự tham gia tích cực của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, ‘Sama Sama’ vượt xa các cuộc tập trận quân sự đơn thuần".
"Đây là biểu tượng cho mối quan hệ đối tác lâu dài và cam kết chung của chúng ta đối với an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương".
Trong bài phát biểu của mình, Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết : "Điều quan trọng là tất cả các quốc gia đều có quyền ra khơi và hoạt động ở Biển Tây Philippines, không… bị cưỡng ép, không bị dọa nạt".
Biển Tây Philippine ở Biển Đông là khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Năm tàu, hai chiếc từ Hoa Kỳ và một chiếc từ Anh, Canada và Nhật Bản, đã tham gia cuộc tập trận do Philippines chủ trì kéo dài đến ngày 13/10.
Hải quân Australia, Pháp, Indonesia và New Zealand cũng tham gia bằng cách cử quan sát viên và chuyên gia tới.
Nguồn : VOA, 02/10/2023