Nguyễn Gia Việt kể chuyện sau 1975, việc đổi tên cầu Trường Tiền thành Tràng Tiền ở Huế khiến dân Huế nói riêng và dân miền Nam nói chung "chửi nhoi trời" nên sau đó phải lấy lại tên cũ.
Một số tên đường khó hiểu, kỳ quặc tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Tên của những con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh lại trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức sau khi có một số "chuyên gia" cho rằng ở thành phố này có 400 con đường mà tên bị viết sai, bị trùng, tên không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa (1).
Nguyễn Gia Việt - một trong những người phản ứng gay gắt và phản ứng này được nhiều người đồng tình nên chia sẻ lại những góp ý của ông Việt trên trang Facebook của họ - nhấn mạnh :Không thể lấy đặc điểm của miền Bắc áp vào xã hội miền Nam. Tên của những con đường nhưLê Thánh Tôn,Trần Nhân Tôn,Ngô Thời Nhiệm không hề sai. Mấy ông này muốn ngự trên đường lộ ở miền Nam thì tên phải như vậy vì người dân miền Nam đọc tên mấy ổng kiểu đó. Nhập gia tùy tục. Đất lề quê thói. Tất cả đô thị miền Nam đều đặt tên như vậy.Nếu đổi tên là chứng tỏ sự kém hiểu biết nhưng thích áp đặt.
Ai cũng biết sở dĩ có sự khác biệt trong phát âm – ký âm Hán Việt giữa hai miền Bắc Nam là vì những yếu tố liên quan đến lịch sử, địa lý. Tôn sai "tông" mới đúng thì chẳng lẽ phải sửa tên Tôn Đức Thắng ? Nguyễn Gia Việt kể chuyện sau 1975, việc đổi tên cầu Trường Tiền thành Tràng Tiền ở Huế khiến dân Huế nói riêng và dân miền Nam nói chung "chửi nhoi trời" nên sau đó phải lấy lại tên cũ như một bằng chứng. Khác biệt trong phát âm – ký âm Hán Việt đã tạo ra những cặp Vũ – Võ, Huỳnh – Hoàng, Chu – Châu... Nếu lấy miền Bắc như một thứ chuẩn thì có buộc bà Võ Thị Ánh Xuân – Quyền Chủ tịch nước cúng chè đổi tên thành... Vũ Thị Ánh Xuân ?
Sau khi phân tích khá cặn kẽ về "chuẩn" theo tiêu chí miền Bắc mà không chuẩn với lịch sử, sinh hoạt miền Nam. Ví dụ nếu cần phải đổi "Thời" thành "Thì" như Ngô Thời Nhiệm phải đổi thành Ngô Thì Nhậm mới đúng thì có đổi tên huyện Trần Văn Thời thành Trần Văn Thì theo "chuẩn" này không, Nguyễn Gia Việt khẳng định :Đổi tên là không tôn trọng lịch sử miền Nam. Không cần biết là ký húy hay dân đọc như vậynhưng trên 300 năm nay đó là cách đọc của miền Nam, đọc đúng, đọc đàng hoàng trên đất miền Nam này,yêu cầu phải được tôn trọng (2).
Cũng với suy nghĩ như thế, Nguyễn Peng gợi ý :Vì sao Sài Gòn, Cần Thơ,Rạch Giá,Sa Đéc, Đà Lạt,Nha Trang có đường Lê Thánh Tôn nhưng Hà Nội có phố Lê Thánh Tông ? Lê Thánh Tôn là viếttheo kiểu ĐàngTrong, kiểu Nam Kỳ Lục Tỉnh.Trong hơn 150 nămkhác biệt giữa Trịnh với Nguyễn đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa Bắcvà Nam. Sự khác nhau đó dẫn tới ai kêu nước dùng thì cứ kêu,còn ai kêu nước lèo cũng cứ giữnhưng con kinh miền Nam đã bị đổithành con kênh,cầu Gành thành cầu Ghềnh,Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất (3)...
Còn Cù Mai Công nhắc :Ngôn ngữ vùng miền là thực trạngtừ lâu đã khá phức tạp, gần đây lại ít nhiều gây tranh cãi. Có sựnhân danh chuẩn chính tả để đổi cả tên riêng. Chẳng hạn phi trường Tân Sơn Nhứt vốn xuất phát từ tên làng Tân Sơn Nhứt, tức tên riêng. Tên riêng thì không được nhân danh chuẩn chính tả để đổi thành Tân Sơn Nhất như lâu naynhưng xin khoanh lại chuyện lớn lao này vì chắc chắn là sẽ còn tranh luận dài dài - nếu thực sự ngành văn hóa muốn lắng nghe và ứng xử thực sự tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ vùng miềnthì chỉ xin khoanh lại chuyện tên riêng.
Sau khi đề án "Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020" hoàn thành, Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh về 38 tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh không chính xác.Có những tên đường rõ ràng viết sai, nên chỉnh lạinhư đường Nguyễn Văn Tráng- quận 1 bị viết sai, đúngra là phảilà Phạm Văn Tráng, một danh nhântham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp kết án tử hình sau những vụ mưu sát sĩ quan Pháp.Hay như đường Nguyễn Duy Dương là tên sai, đúng ra là Võ Duy Dương (còn được gọi là Thiên Hộ Dương), anh hùng trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1862-1866). Tuy nhiên có tên đường không sai, khác biệt là phát âm miền Namnhư không thể xem Ngô Thời Nhiệm phải là Ngô Thì Nhậm mới đúng. Châu và Chu tiếng Hán viết như nhau, không thể nhân danh chuẩn chính tả để đổi tên các huyện Châu Thành ở miền Tây thành huyện Chu Thành, huyện Nhơn Trạch ở Đồng Nai thành huyện Nhân Trạch. Chánh âm miền Nam là chánh tả miền Nam. Chính âm miền Bắc là chính tả miền Bắc. Đất nước ta đẹp vì đa dạng văn hóa, ngôn ngữ vùng miền. Không nên nhâ n danh chuẩn chính tả để đổi ba má thành bố mẹ, thầy bu… được.Chuẩn chính tả theo ngôn ngữ học, xét cho cùng là chuẩn chính âm của mỗi vùng miền. Sài Gòn hơn ba trăm năm nay chưa bao giờ có bảng tên ghi "phố", "ngõ" donhân danh chuẩn chính tả bỗng xuất hiện tràn lan "phố đi bộ", "đi từng ngõ – gõ từng nhà". Sài Gòn – Gia Định chưa bao giờ có ngoại thành, chỉ có ngoại ô.Tệ hơn là sau 1975, rạch Nhiêu Lộc bỗng dưng thành kênh Nhiêu Lộc. Người ta không phân biệt được kiến thức cơ bản cấp tiểu học của cách gọi tên : sông, suối, rạch là dòng chảy tự nhiên, kinh/kênh, mương… là dòng chảy nhân tạo để đến nỗi bây giờ mấy cây cầu bắc qua mấy con rạch chảy qua đường Mai Chí Thọ (thành phố Thủ Đức) thành cầu Kênh 1, cầu Kênh 2... thay vì tên con rạch nó chảy qua, chí ít là cầu Rạch 1, cầu Rạch 2... Những ví dụ như vầy nhiều như cát sông Hằng, để đến nỗi vô số cuộc tranh cãi trên mạng lâu nay nổ ra có vẻ vô hồi, bất tận. Nó tạo ra những mâu thuẫn ngôn ngữ - cùng là tiếng Việt "bốn ngàn năm ròng rã nổi trôi" - không cần thiết, thậm chí có chiều hướng chính trị hóa không cầ n thiết (4).
Bởi yêu cầu tên đường phải đúng "chuẩn" mà Phan Xuân Trung nửa đùa, nửa thật :Ngô Thời Nhiệm hay Ngô Thì Nhậm không khác nhau mấy, chỉdo cách đọc văn tự chữ Hán khác nhau Thì giờ hay thời giờ là như nhau. Đổi tên đường cũng không khác hơnbao nhiêu.Cái đáng nói là sau này có đổi tên đường Võ Văn Kiệt thành đường Phan Văn Hòa hay không. Danh nhân họ Phan mà vinh danh họ Võ thì hơi bị kỳ.Cũng có danh nhân mang hàng trăm bí danh khác nhau, sau này mà đổi thì bảo đảm rất phiền(5).
Vinh Râu thì nghĩ tớimột "cuộc chiến" giữa những người bảo vệ phương ngữ Nam bộ và những người bài xích việc bảo vệ đó. Theo Vinh Râu : Cuộc chiến này có vẻ ngày càng quyết liệt. Việc xâm thực ngôn ngữ giữa các vùng miền là điều bình thường với điều kiện, nó không phải là hành vi cưỡng bức, có cố gắng cưỡng bức cũng không được. Giống như tên gọi Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh vậy. Trên văn bản hành chính dù buộc phải viết Thành phố Hồ Chí Minh nhưng trong cuộc sống họ vẫn dùng địa danh Sài Gòn. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng điều đó vẫn chưa thay đổi. Còn việc cố tình hay vô ý dùng sai từ trong tên riêng hay địa danh như Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất thì buộc phải sửa để tôn trọng sự thật.
Vinh Râu kể thêm :Khi tôi nghe từ nút giao hoặc vòng xuyến trong phần mềm hướng dẫn giao thông Vietmap, tôi cảm thấy khó chịu vì không quen tai, trong khi nghe từ ngã ba, ngã tư hay bùng binh như bao năm đã qua thì tai tôi rất dễ chịu.Nếu tôi không ưa từ vòng xuyến xa lạ với văn hóa của tôi, ý thức của tôi sẽ đẩy nó ra dù các anh có cố nhét vào lỗ tai tôi. Cần phải tôn trọng phương ngữ trong quá trình chuẩn hóa ngôn ngữ quốc gia(nếu có)mà việc chuẩn hóa này cần những nhà ngôn ngữ học tài giỏi, thành thật, khách quan và không nhuốm quan điểm chính trị(6).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/02/2023
Chú thích
38 con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh bị đặt tên sai
RFA, 25/09/2020
Sở Văn hóa- Thể thao Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết có 38 tuyến đường tại thành phố này được đặt tên không chính xác vì nhiều nguyên nhân như nhầm lẫn, người làm bảng tên phát âm sai, hoặc sợ phạm húy.
Trường hợp đường Kha Vạng Cân, nhóm phải tìm được giấy tờ tùy thân có hình và tên của nhân vật lịch sử này để chứng minh Kha Vạn Cân là tên sai.
Báo chí Nhà nước Việt Nam hôm 25/9 dẫn lời Phó Giáo sư Lê Trung Hoa (nhà nghiên cứu địa danh học, Ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường Thành phố Hồ Chí Minh) rằng, tên đường bị đặt sai một phần do những người làm bảng tên đã phát âm không đúng hoặc nhầm lẫn nên in bảng tên theo cách hiểu của họ hoặc do chính Hội đồng đặt đổi tên đường nhầm lẫn, đặt không đúng. Theo ông, tên đường không đúng cần phải sửa lại để thể hiện sự tôn trọng với nhân vật được đặt tên, với lịch sử.
38 tuyến đường đặt tên không chính xác được Sở Văn hóa và thể thao chia làm 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 5 đường có nhân vật trên bảng tên đường sai so với quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm thứ 2 gồm 6 tên đường sai họ tên nhân vật lịch sử do quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm thứ 3 gồm 8 tuyến đường được đặt tên không chính xác với họ, tên nhân vật lịch sử. Với 3 nhóm này, Sở Văn hóa và thể thao đề xuất thực hiện đổi tên đường theo đúng nhân vật lịch sử.
Nhóm thứ 4 gồm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ và lệ kỵ húy, hoặc đặt theo tên khác của nhân vật lịch sử. Sở Văn hóa và thể thao đề xuất giữ nguyên nhóm này để tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân.
Mặc dù công nhận 38 tên đường bị đặt sai nhưng sau khi lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử thành phố, Sở Văn hóa – Thể thao cho biết chỉ kiến nghị sửa lại 19 tên đường sai. Lý do là sự khác biệt giữa hai cái tên không làm sai nghĩa gốc của từ và không sai với sử sách.
*************************
Đặt sai tên 38 đường ở Thành phố Hồ Chí Minh : 'Sửa để tôn trọng lịch sử'
Thu Hằng, Zingvn, 25/09/2020
Phó Giáo sư tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân cho rằng việc đặt tên đường nhằm tôn vinh nhân vật hoặc thời kỳ lịch sử. Do đó không nên giữ lại những cái tên sai.
Tuyến đường mang tên gọi Trần Khắc Chân (tên đúng là Trần Khát Chân) từ năm 1955 đến nay. Ảnh : P.T.
Là chủ nhiệm đề tài phát hiện ra 38 tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên không chính xác, Phó Giáo sư tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân chỉ biết thông tin Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đổi tên đường khi đọc báo.
"Rất là mừng", bà Trân nói nhưng nữ tiến sĩ không hiểu vì sao đề tài đó đã nghiệm thu 4 năm, đến giờ mới công bố.
Không ngạc nhiên khi phát hiện 38 tuyến đường bị đặt tên sai, bà Trân cho rằng nguyên xuất xuất phát từ việc Thành phố Hồ Chí Minh quá rộng lớn (hơn 2.000 km2) và việc đặt tên được tiến hành qua nhiều thời kỳ khác nhau, theo những tiêu chí riêng.Đề án "Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng đến năm 2020" do Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển thực hiện. Công trình khoa học này được hoàn thành và nghiệm thu từ năm 2016 nhưng đến nay mới chính thức được đưa vào áp dụng.
Trong 3 năm, từ 2013 đến 2016, nhóm của bà đã rà soát 1.389 tên đường khắp thành phố, tham chiếu với từ điển nhân vật, từ điển bách khoa và nhiều chứng cứ lịch sử. "Mình biết là không đúng nhưng phải đưa ra chứng cứ, bằng chứng có tính xác thực mới được", nữ tiến sĩ cho hay.Với những tên đường gây tranh cãi, nhóm phải mở các buổi hội thảo học thuật, họp nhóm chuyên gia và tranh luận để xác định đúng - sai.
Ví dụ trường hợp đường Kha Vạng Cân, nhóm phải tìm được giấy tờ tùy thân có hình và tên của nhân vật lịch sử này để chứng minh Kha Vạn Cân là tên sai. Tên tiếng Hán, tiếng Pháp thì phải tra từ điển và hỏi chuyên gia Hán ngữ, Pháp ngữ.
Hay với tên đường Raymondienne - người phụ nữ đã nằm vắt ngang thân qua đường sắt nhằm đấu tranh chống Pháp tái xâm lược Việt Nam - nhóm phải liên hệ trực tiếp với người phụ nữ này bên Pháp để xin hình ảnh chứng minh tên đúng của bà là Raymonde Dien.
Trước ý kiến cho rằng nên hạn chế đổi tên đường để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tiến sĩ Trân không tán đồng. Bà cho rằng ý nghĩa của việc đặt tên đường là nhằm tôn vinh nhân vật hoặc thời kỳ lịch sử, do đó không nên giữ lại những cái tên sai.
"Nếu muốn con người Việt Nam sống trong sử Việt Nam thì phải cho người dân thấy một lịch sử chính xác. Đó là tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật, sự chính xác và khoa học", nữ tiến sĩ khẳng định.
Cũng trong đề án này, bà Trân đề xuất có thể sử dụng gần 2.000 hải đảo của Việt Nam hay tên của 900 bà mẹ Việt Nam anh hùng để đặt tên đường. Ngoài ra, thành phố có thể dùng cả các mỹ từ như: Hạnh phúc, Độc lập, Tự do… để quỹ tên đường phong phú hơn.
Quyết định này một phần dựa trên góp ý của Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, về đề án trên.Trong 38 tuyến đường được xác định đặt tên không chính xác, Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đề xuất thành phố chỉnh sửa tên 19 tuyến đường. Nửa còn lại được giữ nguyên nhằm tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân. Đây là nhóm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ, lệ húy hoặc tên khác của nhân vật lịch sử.
Theo đó, việc điều chỉnh một số tên đường là không cần thiết, gồm Hà Tôn Quyền (tên hiện tại) - Hà Tông Quyền (tên đề xuất đổi) ; Trần Nhân Tôn (tên hiện tại) - Trần Nhân Tông (tên đề xuất đổi) ; Tôn Đản (tên hiện tại) - Tông Đản (tên đề xuất đổi) ; Lê Thánh Tôn (tên hiện tại) - Lê Thánh Tông (tên đề xuất đổi).
Lê Văn Duyệt là con đường mới nhất được đổi tên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Quang Huy
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, đây là những cái tên được đọc theo lệ kỵ húy của Nhà Nguyễn. Một số từ bị đọc trại đi do kiêng kị trong xã hội giai đoạn trước, ví dụ như chữ "vũ" đổi thành "võ" do Chúa Nguyễn Phúc Khoát là "Vũ Vương".
Nhà nghiên cứu này cho rằng việc đổi tên đường như trên là không cần thiết bởi sự khác biệt giữa hai cái tên không làm sai nghĩa gốc của từ. Đồng thời, cách đọc này được xem là đặc trưng văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung, nơi gắn liền với công lao của triều Nguyễn.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tên đường sẽ gây ra những nhiêu khê hành chính bởi thành phố sẽ phải thay đổi nhiều tên đường, địa danh hành chính, ví dụ như phải thay đổi các từ Tông – Tôn ; Thì - Thời ; Nhậm - Nhiệm ; Vũ – Võ ; Châu – Chu ; Chính – Chánh ; Phúc - Phước ; Cảnh - Kiểng…
Với đề xuất đổi tên Lê Đại Hành thành Lê Hoàn, Hội Khoa học Lịch sử cũng nhận định không cần thiết vì 2 cái tên đều không sai sử sách.
Còn với đề xuất đổi tên đường Nguyễn Siêu thành đường Nguyễn Văn Siêu, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần cho rằng đây là 2 nhân vật lịch sử khác nhau. Cụ thể, Nguyễn Văn Siêu là nhà thơ, nhà văn hóa thế kỷ XIX ; còn Nguyễn Siêu là một sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X.
Trước đó, Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND thành phố về 38 tuyến đường được đặt tên không chính xác. Theo đó, Sở Văn hóa và thể thao chia 38 tuyến đường đặt tên không chính xác làm 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 5 đường có nhân vật trên bảng tên đường sai so với quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm thứ 2 gồm 6 tên đường sai họ tên nhân vật lịch sử do quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm thứ 3 gồm 8 tuyến đường được đặt tên không chính xác với họ, tên nhân vật lịch sử. Với 3 nhóm này, Sở Văn hóa và thể thao đề xuất thực hiện đổi tên đường theo đúng nhân vật lịch sử.
Nhóm cuối cùng gồm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ và lệ kỵ húy, hoặc đặt theo tên khác của nhân vật lịch sử. Sở Văn hóa và thể thao đề xuất giữ nguyên nhóm này để tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân.
Thu Hằng
*****************
Thành phố Hồ Chí Minh có 38 tên đường không chính xác
Zingvn, 23/09/2020
Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố có 38 tuyến đường được đặt tên không chính xác vì những lý do khác nhau.
Tuyến đường mang tên gọi Trần Khắc Chân (tên đúng là Trần Khát Chân) từ năm 1955 đến nay. Ảnh : P.T.
Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo về 38 tuyến đường được đặt tên không chính xác tại thành phố. Việc xác định tên dựa trên kết quả nghiên cứu của Đề án Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng đến năm 2020.
Theo đó, Sở Văn hóa và thể thao chia 38 tuyến đường đặt tên không chính xác làm 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 5 đường có nhân vật trên bảng tên đường sai so với quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh gồm : đường Bùi Hữu Diên (tên theo quyết định) - Bùi Hữu Diện (bảng tên đường hiện tại), Đỗ Cơ Quang - Đỗ Quang Cơ, Nguyễn Trọng Trì - Nguyễn Trọng Trí.
Đối với nhóm này, Sở Văn hóa và thể thao đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Giao thông và vận tải điều chỉnh lại bảng tên cho đúng với tên nhân vật lịch sử trong các quyết định.
Nhóm thứ 2 gồm 6 tên đường sai họ tên nhân vật lịch sử do quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Những tuyến đường sai gồm: Dương Tự Quán (tên theo quyết định) - Dương Tụ Quán (tên đúng), Hoàng Xuân Hoành - Hoàng Xuân Hành, Lê Đình Quản - Nguyễn Đình Quản, Phạm Thị Hối - Phan Thị Hối, Phan Khiêm Ích - Phạm Khiêm Ích, Raymondienne - Raymonde Dien.
Đối với nhóm này, Sở Văn hóa và thể thao đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét điều chỉnh tên đường cho đúng với họ, tên nhân vật lịch sử.
Nhóm thứ 3 gồm 8 tuyến đường được đặt tên không chính xác với họ, tên nhân vật lịch sử như đường Kha Vạn Cân (tên trên bảng) - Kha Vạng Cân (tên đúng), Nguyễn Văn Tráng - Phạm Văn Tráng, Lương Nhữ Học - Lương Như Hộc, Nghĩa Thục - Đông Kinh Nghĩa Thục…
Với nhóm này, Sở Văn hóa và thể thao đề xuất phương án thông qua Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện việc đổi tên theo đúng tên nhân vật lịch sử.
Nhóm cuối cùng gồm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ và lệ kỵ húy, hoặc đặt theo tên khác của nhân vật lịch sử như Trần Khắc Chân (bảng tên hiện tại) - Trần Khát Chân (tên khác của nhân vật), Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông, Hà Tôn Quyền - Hà Tông Quyền, Ký Hòa - Chí Hòa, Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm…
Đối với 19 tuyến này, Sở Văn hóa và thể thao đề xuất giữ nguyên để tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân.
Quang Huy
********************
Người Sài Gòn phải gọi sai tên 70 con đường : do ai, tại ai ?
Vũ Phượng, Thanh Niên Online, 24/10/2016
Sài Gòn hiện có khoảng 70 con đường đang bị gọi tên sai. Vậy tại sao có những cái tên sai này để người Sài Gòn gọi riết thành quen hay còn nguyên nhân nào khác?
Những con đường ở khu trung tâm dù ngắn nhưng vẫn được đặt tên của những nhân vật lịch sử quan trọng / Ảnh : V.P
Để tìm hiểu nguyên nhân khoảng 70 con đường ở Sài Gòn bị gọi tên sai, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư tiến sĩ địa danh học Lê Trung Hoa, nguyên giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) về vấn đề này.
Đường Ngô Thời Nhiệm tên đúng phải là đường Ngô Thì Nhậm - Ảnh : V.P
Quỹ tên đường đang cạn kiệt
Vũ Phượng : Thưa Phó Giáo sư tiến sĩ Lê Trung Hoa, vì sao một số con đường ở Sài Gòn bị gọi sai tên ?
Lê Trung Hoa : Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 60 - 70 tuyến đường đang bị gọi sai tên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, có thể do thợ in bảng tên đường phát âm sai nên in theo cách hiểu của họ. Thứ hai, có một số nhân vật lịch sử mà chính Hội đồng đặt tên đường đặt sai như trường hợp Hoàng Đức Lương bị viết sai thành Hoàng Đức Tương, Tôn Thất Đàm bị viết sai thành Tôn Thất Đạm. Thứ ba, do Hội đồng duyệt tên đường sai sót theo Hội đồng đặt tên đường dẫn đến một số bảng tên đường bị sai.
Vũ Phượng : Tên nhiều tuyến đường ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không đồng nhất với nhau, nguyên nhân của sự "lệch pha" này do đâu ?
Lê Trung Hoa : Bên cạnh một số lý do như đã nói ở trên thì tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh bị sai còn là do sự kiêng kị phạm húy (không được trùng tên vua chúa).
Như trường hợp Ngô Thì Nhậm trùng với tên vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì) nên đặt tên đường là Ngô Thời Nhiệm. Trường hợp khác là đường Lê Thánh Tông trùng với tên thật của vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông, để tránh phạm húy nên sửa thành đường Lê Thánh Tôn,…
Tuy nhiên, những trường hợp phạm húy rất khó đặt lại do nếu đặt lại 1 đường thì phải đặt lại toàn bộ những đường phạm húy khác. Ví dụ không thể đổi Tôn Đức Thắng thành Tông Đức Thắng hay Tôn Đản thành Tông Đản...
Theo tôi, sở dĩ Hà Nội đặt tên đúng là do từ sau 1954, Hà Nội đã không còn kiêng húy nhưng ở miền Nam thì vẫn còn do ảnh hưởng từ chế độ nhà Nguyễn trước đó. Không chỉ riêng việc kiêng húy mà có rất nhiều cái miền Bắc và miền Nam khác nhau nhưng không thể đồng nhất được.
Như trong cách gọi tên đường, miền Nam gọi là đường còn miền Bắc gọi là phố, miền Nam gọi ấp, còn miền Bắc gọi thôn… Đây là do thói quen của người dân ở mỗi nơi.
Vũ Phượng : Với cương vị là cố vấn của Hội đồng đặt tên đường thành phố, Phó Giáo sư cho biết sắp tới thành phố sẽ làm gì để hạn chế tình trạng trùng lặp tên đường ?
Lê Trung Hoa : Hiện nay, Thành phố đang đầu tư nghiên cứu lại khoảng 1.800 tên đường và dự trù thêm 1.800 tên đường mới. Tuy nhiên, nguồn tên đường đang bị cạn kiệt nên thời gian tới có thể sử dụng tên của một số loại trái cây đặc sản Nam bộ như sầu riêng, măng cụt, thốt nốt... các loại cây, hòn đảo... bổ sung cho quỹ tên đường.
Theo dự án này, Thành phố sẽ điều chỉnh những tên đường sai, sắp xếp các tên đường trùng nhau trên nguyên tắc chỉ chọn 1, nghĩa là toàn Thành phố sẽ không có những con đường trùng tên nhau. Ví dụ như hiện nay có đường Nguyễn Huệ ở quận 1 đồng thời có đường Quang Trung ở quận Gò Vấp nhưng hai tên gọi này thực chất là một người nên thời gian tới sẽ điều chỉnh lại theo hướng giữ lại tên Nguyễn Huệ và tìm tên mới cho đường Quang Trung.
Những tuyến đường bị gọi tên sai sẽ được sửa lại trong thời gian tới - Ảnh : V.P
Hiện có 181 tên đường trùng nhau
Vũ Phượng : Theo Phó Giáo sư, tại sao các tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh lại bị trùng nhau ?
Lê Trung Hoa : Thành phố hiện có 181 tuyến đường trùng tên nhau. Nguyên nhân là do trước 1975, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 đơn vị hành chính khác nhau gồm : Chợ Lớn, Sài Gòn và Gia Định tương đương với 3 Hội đồng đặt tên đường khác nhau.
Sau nhập 3 đơn vị hành chính này thành Thành phố Hồ Chí Minh nên một số tên đường bị trùng.
Vũ Phượng : Việc đặt tên đường dựa trên những yếu tố nào thưa Phó Giáo sư ?
Lê Trung Hoa : Đặt tên đường cũng phải có ý nghĩa, ví dụ Võ Nguyên Giáp liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ thì phải đặt tên đường này cắt một đoạn với đường Điện Biên Phủ.
Trường Chinh tham gia Cách mạng tháng Tám nên đường Trường Chinh nối liền với đường Cách Mạng Tháng Tám.
Đường Tôn Đức Thắng phải gắn với khu Ba Son, vì trước đây Tôn Đức Thắng làm việc ở Ba Son. Nói chung tên đường phải gắn với nhân vật và sự kiện.
Đặt tên đường phải dựa trên nhiều yếu tố, đường nằm ở vị trí nào, chiều dài, chiều rộng của đường có tương xứng với nhân vật hay không. Ví dụ tên các nhân vật tầm cỡ như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi,... được đặt ở quận 1 dù những tuyến đường này ngắn.
Vũ Phượng : Theo Phó Giáo sư, phải làm gì với những con đường bị gọi tên sai?
Lê Trung Hoa : Chắc chắn là phải sửa cho đúng để thể hiện sự tôn trọng với nhân vật được đặt tên đường, trừ một số trường hợp bất đắc dĩ. Khi đổi lại tên đường người dân sẽ bị ảnh hưởng dù ít dù nhiều, nhất là trong vấn đề giấy tờ nhưng vẫn phải làm, không thể để lộn xộn như hiện nay được.
Ví dụ, ở quận Gò Vấp có đường Lê Văn Thọ và đường Lê Đức Thọ, hai đường tên gần giống nhau mà đặt gần nhau làm người ta đi lạc hoài.
Cảm ơn Phó Giáo sư !
Vũ Phượng