Những ngày qua, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh - vốn được tách nhập từ cái nôi Nghệ Tĩnh - có nhiều chuyện làm cư dân mạng xôn xao bàn tán, nhưng chung quy, cũng là chuyện "thằng chết làm khổ đứa sống".
Lễ khánh thành tượng Lênin ở Thành phố Vinh ngày 16/4/2024 - Ảnh : Doãn Hòa
Vụ thứ nhất, là Nghệ An bỗng nhiên nổi hứng làm cái việc "Chẳng giống ai" không chỉ là trong nước, mà đi ngược cả trào lưu thế giới. Đó là rước tượng Lenin về để "phơi giữa lối mòn" tại Ngã tư đường Thành phố Vinh.
Còn Hà Tĩnh, cũng "chẳng kém phần long trọng" khi bỗng nhiên "làm cho tình hình nổi bật lên" - như lời Hồ Chí Minh đã nói khi về Hà Tĩnh năm nào đó, mà giờ được kẻ thành khẩu hiệu ở nhiều nơi khắp Hà Tĩnh – bằng cách chi hẳn 230 tỷ đồng làm cổng chào, kẻ khẩu hiệu, mua cờ quạt, băng phướn… để kỷ niệm ngày sinh Trần Phú.
Cổng vào khu mộ Tổng bí thư Trần Phú (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ).
Chuyện người chết làm khổ người sống
Chuyện người chết làm khổ người sống thì vẫn diễn ra không chỉ một nơi, một lúc mà xưa nay vẫn thế. Có điều, cái quan niệm "làm khổ" ở mỗi trường hợp có những tính chất, đặc điểm khác nhau.
Chuyện người sống làm ma chay, cúng giỗ, làm những việc để tưởng niệm, để tri ân tiền nhân, ông bà tổ tiên, để nhắc nhở con cháu… thường xuyên là chuyện chẳng ai nói đến, chẳng ai dè bỉu hay dèm pha. Bởi những việc hiếu, việc nghĩa vốn là truyền thống, là nét đẹp văn hóa của Việt Nam xưa nay. Người ta làm những việc đó trong tâm thế tự nguyện, thành kính, hồ hởi khi tưởng niệm, khi nhớ về một ai đó, khi tri ân một người nào đó có công, có ảnh hưởng đến đời sống hiện tại bằng việc để lại cho đời những điều tốt đẹp, để lại đạo đức và luân lý cho đời noi theo.
Thế nhưng, việc bỗng dưng một đám người bốc tiền dân ra để làm những việc "chẳng đâu vào đâu" nghĩa là chẳng cần thiết, chẳng thiết thực mà thậm chí còn đi ngược lại lợi ích, tâm tư cũng như ý nguyện của người dân, là việc đáng bị lên án.
Bởi đó, chính là việc "thằng chết làm khổ đứa sống".
Bởi cái mà dân gian gọi là "thằng chết" ấy, là kẻ không được tôn trọng, không được người dân đáng phải ghi nhớ. Thậm chí, đó là những nhân vật đã mang lại tai họa cho đời sống và mọi mặt của người dân.
Và người dân muốn tống họ đi khỏi trí nhớ, khỏi những dấu ấn không lấy gì làm vui vẻ về một quá khứ mà nhân vật ấy hiện diện hoặc tác quái ở đó.
Vậy nên, khi hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh làm những chuyện mà theo cơ quan tuyên truyền của nhà nước, thì là việc nhằm để "tri ân, giáo dục"… thế hệ sau, nhưng đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận xã hội và nhất là trên cộng đồng mạng xã hội là chuyện đáng chú ý.
Dựng tượng Lenin
Lenin, một nhân vật cộng sản, người góp phần đẻ ra cái lý thuyết Mác – Lenin vô thần đã từng một thời làm thế giới chao đảo, kinh hoàng vì hậu quả của cái mớ lý thuyết này hoành hành.
Và thời gian hơn 1 thế kỷ qua đã chứng minh rằng : Bất cứ ở đâu, xuất hiện và dung dưỡng mớ lý thuyết này, thì ở đó nếm mùi bạo lực, mùi máu và sinh mạng con người được đem ra để thí nghiệm cho cái lý thuyết khát máu ấy không bao nhiêu cho đủ. Hàng trăm triệu người đã sang thế giới bên kia bằng phương tiện chủ nghĩa Mác – Lenin này qua các cuộc chiến tranh, các cuộc thanh trừng nội bộ các đảng cộng sản, các quốc gia cộng sản, với các quốc gia không cùng cộng sản và giữa các quốc gia cộng sản với nhau.
Và mặc dù, cái miệng Lenin leo lẻo khi còn sống là "Tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân" để xây dựng mô hình tập thể, mô hình công cộng… nhưng riêng các lãnh tụ cộng sản mà đặc biệt là Lenin cùng với đám "Học trò xuất sắc" của Lenin, thì việc tôn sùng cá nhân lại là điều bắt buộc.
Và thế là khắp Liên bang Xô Viết và các quốc gia cộng sản, nơi nơi đặt tượng Lenin với đủ mọi thể loại, với đủ mọi kích thước và hình dáng bằng đủ thứ chất liệu. Theo số liệu của Kudinov - một chuyên gia chuyên nghiên cứu về "tượng Lenin" - thì vào năm 1991 trên thế giới có hơn 14.290 tượng đài Lenin. Tổng cộng có khoảng 33 loại hình tượng đài khác nhau. Một hình ảnh phổ biến khác là Lenin giơ tay về phía trước, hình mẫu này đã được nhân bản 200 lần.
Thế rồi, cả thế giới tỉnh ngộ và sau khi hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ, thì Lenin cùng chung số phận với cái chủ nghĩa Mác – Lenin đã mất giá. Thế là phong trào đào thải rác rưởi lịch sử đã bắt đầu. Khắp nơi nơi, người ta đua nhau đập phá các tượng đài Lenin như để đoạn tuyệt với một thời mà người dân phải ngậm miệng ấm ức trước những chính quyền cộng sản vét tiền dân làm những điều trái ngược lòng dân.
Kết quả là đến tháng 1/2021, số lượng đã giảm một nửa - còn 7.194 cái và hiện tượng đập bỏ ngày càng tăng.
Có lẽ đất nước quyết tâm từ bỏ, đoạn tuyệt với một quá khứ đau thương gắn với Lenin, là Ukraine. Ở đó, đất nước, con người Ukraine là cũng nạn nhân của chủ nghĩa Mác – Lenin như nhiều quốc gia khác, tuy nhiên, hậu quả trực tiếp và thảm khốc của hệ thống chủ nghĩa này lên đất nước, dân tộc này quả là ghê gớm và khủng khiếp.
Cả đất nước Ukraine đã ráo riết phá dỡ tượng đài Lenin - Ảnh minh họa
Thế nên, sự thức tỉnh của dân chúng đã dẫn đến hành động. Cả đất nước Ukraine đã ráo riết phá dỡ tượng đài Lenin : từ 5.500 cái năm 1991, đến đầu năm 2020, số tượng đài còn lại là 20, và ngày 21/1/2021, tại làng Starye Troyany, quận Kilisky, vùng Odessa tượng đài cuối cùng trong số 5.500 tượng Lenin đã bị phá bỏ.
Không chỉ tại một quốc gia, mà phong trào trả Lenin về với sọt rác lịch sử đã nổi lên khắp nơi trên thế giới.
Ngay tại nước Nga hiện tại, là quê hương của Lenin, thì Lenin cũng đã mất giá nghiêm trọng và trở thành gánh nặng nợ nần cho người dân Nga.
Dù trên nước Nga hiện vẫn còn khoảng 600 bức tượng Lênin ở nơi công cộng, xác ướp của ông vẫn nằm trong lăng giữa thủ đô Moskva, nhưng hình ảnh của ông ta đang dần bị rơi vào quên lãng. Đa số người Nga, trong đó có cả các dân biểu, lại cho biết họ ủng hộ việc chôn vĩnh viễn xác Lenin.
Thậm chí, chính Putin đã nhắc lại Lênin trong bài diễn văn ngày 22/02/2022, ngay trước cuộc xâm lược, ông Putin đã mập mờ chê trách Lênin là đã trao quá nhiều đất cho Ukraine, một cách nói lên rằng Lenin chẳng là thần thánh như thế giới cộng sản đã tôn thờ.
Mới đây, ngày 21/01/2024 này đánh dấu 100 năm Lênin, cha đẻ cuộc Cách mạng Bolsevich và Liên Bang Xô Viết, qua đời. Không có một hoạt động tưởng niệm của quần chúng cũng như chính quyền được tổ chức nhân dịp này năm nay.
Những thông tin trên cho thấy rằng, trên bình diện thế giới, và ngay cả tại quê hương Lenin, thì Lenin đã chỉ là một hiện tượng quái đản trong lịch sử nhân loại, một giai đoạn đầy đau buồn, nhuốm đỏ máu của quá khứ mà nhân loại muốn quên đi càng nhanh càng tốt như quên đi một cơn ác mộng.
Tại Việt Nam, ở Hà Nội là nơi duy nhất có tượng Lenin, và thật ra cũng tội nghiệp cho Lenin. Bỗng nhiên lôi ông ta về đứng đó để nhận bao lời chế diễu từ nhân dân, rằng :
Ông Lenin ở nước Nga.
Cớ sao lại đến vườn hoa nước này ?
Ông nắm áo, ông chỉ tay.
Ấm no, hạnh phúc... chúng mày còn xa.
Xem gương tày liếp nước Nga
Hơn trăm năm lẻ, đã ra cái gì.
Tưởng rằng với Việt Nam, chỉ một tượng Lenin ấy đã là quá thừa và quá tội nghiệp.
Thế rồi bỗng nhiên, mới đây, Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định dành khu đất hơn 1.000 mét vuông để đặt tượng Lenin tại Thành phố Vinh đã làm dư luận phẫn nộ. Mặc dù vẫn biết lòng dân không ưa, nên để trấn an dư luận, Nghệ An nói rằng cái tượng này được tặng từ tỉnh quê hương Lenin, kể cả công vận chuyển sang Việt Nam.
Nhưng, không vì vậy mà làm dư luận bớt phẫn nộ.
Đến Hà Tĩnh tổ chức ngày sinh Trần Phú
Hà Tĩnh, đến nay vẫn được xếp vào diện những tỉnh "nghèo bền vững" tại miền Trung Việt Nam. Không chỉ có nghèo bởi thiên tai, bởi thiên nhiên, mà còn bởi con người.
Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú
Người ta đặt câu hỏi rằng : Tại sao một tỉnh nhỏ, cũng có rừng, có biển, có đủ mọi thứ tài nguyên vậy mà chỉ lo cho một nhúm dân, Hà Tĩnh vẫn không giải quyết được. Mặc dù Hà Tĩnh được coi là nơi "Địa linh, nhân kiệt" vốn nổi tiếng việc học hành, đỗ đạt bao đời nay.
Người ta tổng kết rằng : Trong bộ máy chính quyền Việt Nam, thì Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ, nhưng đã đóng góp số lượng lớn các Ủy viên Trung ương và nhất là Ủy viên Bộ Chính Trị, đầu não của hệ thống công quyền độc tài hiện tại. Và người ta cũng chỉ ra rằng : Có lẽ chính vì vậy, mà không chỉ Hà Tĩnh nghèo bền vững, mà đất nước này cũng vì thế mà tụt hậu muôn năm.
Hà Tĩnh cũng là nơi sản sinh ra nhiều quái kiệt Cộng sản. Nhiều Tổng bí thư Đảng có nguồn gốc là dân Hà Tĩnh như Hà Huy Tập, Trần Phú và sau này Lê Duẩn dù sinh ở Quảng Trị cũng về Hà Tĩnh nhận họ hàng. Có thể nói rằng Hà Tĩnh là cái nôi sinh ra đám đầu sỏ cộng sản.
Và họ đã làm được gì cho quê hương, đất nước ?
Chẳng cần nói nhiều, cứ nhìn hiện trạng đất nước với bộ máy sâu mọt, tham nhũng khổng lồ không có loại thuốc trừ sâu nào có thể tiêu diệt nổi thì chúng ta biết "thành quả" của đám lãnh tụ cộng sản này để lại.
Chỉ riêng Trần Phú, người được kỷ niệm ngày sinh năm nay, cũng để lại nhiều giai thoại đến muôn đời vẫn được ghi dấu ấn. Điển hình là câu nói : "Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" - nghĩa là các tầng lớp Trí thức, Phú nông, Địa chủ, Cường hào quan lại trong xã hội, cũng có nghĩa là những tầng lớp ưu tú nhất của xã hội thì phải tiêu diệt đến tận gốc rễ - để rồi cho đám "giai cấp Công nhân" lên làm lãnh đạo theo chủ thuyết Mác – Lenin. Để rồi đưa cả nước "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" mà người dân dịch ra là "xuống hàng chó ngựa".
Để rồi ngày nay, đất nước, dân tộc Việt Nam sau cả gần thế kỷ xông vào những cuộc đâm chém, nồi da xáo thịt, xóa bỏ đạo đức dân tộc từ ngàn đời, dung dưỡng mớ lý thuyết bạo lực… để rồi sau khi đã trả giá bằng sinh mạng hàng triệu con người, thì nay đem đến một xã hội suy đồi, hỗn loạn hôm nay. Tất cả có nguồn gốc và "công lao" của Trần Phú.
Vì sao dân phẫn nộ ?
Người ta phẫn nộ bởi nhiều lẽ.
Ngoài điều rất mới, rất cụ thể là Tết vừa qua, Nghệ An là tỉnh gửi đơn ra Trung ương đề nghị cứu đói cho dân và đã nhận số gạo là 1.080,255 tấn từ nguồn dự trữ quốc gia.
Nghệ An là tỉnh gửi đơn ra Trung ương đề nghị cứu đói cho dân và đã nhận số gạo là 1.080,255 tấn từ nguồn dự trữ quốc gia.
Thế nên, việc dựng tượng một nhân vật, vừa là thủ phạm, vừa là nguyên nhân để đến tận bây giờ người dân Nghệ vẫn phải ngửa tay xin cứu đói, thì đó là một sự mai mỉa.
Bởi Tỉnh ủy Nghệ An đã đi ngược dòng thời đại, cố bơi ngụp trong vũng bùn đau khổ mà thế giới đã thoát ra từ đó bằng máu, bằng tính mạng của hàng trăm triệu con người.
Bởi cái mớ lý thuyết hoang tưởng mà Lenin đã góp phần đẻ ra đã không còn hấp dẫn, lừa bịp được ai.
Bởi bản chất nhân vật Lenin, đã bị bóc trần theo thời gian trước nhân loại. cái mảnh áo khoác "thiêng liêng" mà người cộng sản tạo ra cho Lenin đã không còn tác dụng.
Bởi việc dựng tượng là hành động vả vào mồm Lenin, khi chính Lenin đã từng hò hét "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
Bởi người dân Việt Nam đã quá hiểu bản chất của các lãnh tụ cộng sản, đằng sau sự hào nhoáng, những lời ca ngợi là những xác người.
Và cái thâm thúy của người dân cứ Nghệ được dịp lên tiếng. Người ta mỉa mai rằng : "Vậy cũng hay. Để tầng lớp thanh niên Việt Nam nhớ rằng bệnh giang mai là một căn bệnh nguy hiểm cần tránh xa" – với ngầm ý nhắc đến căn bệnh mà vì nó Lenin đã đi theo Các Mác.
Còn việc nhà cầm quyền Hà Tĩnh chi con số 230 tỷ đồng để kỷ niệm ngày sinh Trần Phú là có ý đồ gì ? Liệu có phải là sự "ghi ơn", hay lại thêm một dịp để cho người dân "Bới lên mà ngửi" những "thành tựu của Trần Phú" ?
230 tỷ đồng, bằng số tiền tỉnh này chi cho các mục Dân số, Y tế và Gia đình, cũng bằng số tiền chi cho Thể dục thể thao, phát triển sức khỏe cộng đồng cả tỉnh và nhiều hơn gấp gần 5 lần số tiền chi cho lĩnh vực khoa học Công nghệ của cả tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.
Chưa cần biết số tiền thực chi cho việc cờ quạt, cổng chào, băng phướn là bao nhiêu và nếu làm rõ cụ thể, thì nhà tù lại phải mở rộng bao nhiêu chỗ sau vụ này. Nhưng Trần Phú là cái cớ để quan chức Hà Tĩnh chi số tiền hơn rất nhiều số tiền bảo vệ môi trường Hà Tĩnh trong cả năm 2024. Trong khi Formosa Hà Tĩnh vẫn ngày đêm sản xuất và xả thải. Còn hiện tượng nước biển bỗng dưng đổi màu đỏ vừa qua, chẳng mấy ai quan tâm.
Và người dân Hà Tĩnh vẫn cứ phải sống chung với thải Formosa, với biển độc với biển đổi màu và tượng đài lãnh tụ.
Để rồi người dân, giống nòi dần dần chắc sẽ… biến đổi Gen ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 17/04/2024
Bị phản đối – Nghệ An lên tiếng bác bỏ ‘tin xuyên tạc’ về tượng Lenin
Mới đây, nhà cầm quyền tại Nghệ An đã lên tiếng bác bỏ ‘tin xuyên tạc’ về tượng Lenin ở thành phố Vinh sắp được khởi công xây dựng cho người dân chiêm ngưỡng
Tượng Lenin ở thành phố Ulyanovsk (Nga) cao 3 mét sẽ được đưa về thành phố Vinh khi dự án hoàn thành dự kiến vào cuối tháng 3 năm nay
Tỉnh Nghệ An cho biết tượng Lenin cao 3 mét đúc ở Nga sẽ được đưa về thành phố Vinh khi dự án hoàn thành dự kiến vào cuối tháng 3 năm nay. Theo thông tin công bố của báo Việt Nam hôm cuối tuần qua, đây là công trình "đã được sự đồng ý của Trung ương, của tỉnh Nghệ An" và thành phố Vinh đang triển khai xây dựng.
Dự kiến tượng đài sẽ đặt ở Ngã 5 của thành phố với tổng diện tích dự án khoảng 4.300 m2.
"Tượng có chiều cao 3m, đúc bằng đồng, được chế tác tại tỉnh Ulyanovsk, Liên bang Nga, sau đó vận chuyển Nghệ An", báo Việt Nam trích đăng từ tỉnh ủy Nghệ An.
"Công trình này thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An – quê hương Bác Hồ vĩ đại và tỉnh Ulyanovsk – quê hương của Lênin, vị lãnh tụ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Nga".
Trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua đã có một số ý kiến phê phán công trình này.
Việc đầu tiên bị nêu ra là chi phí cao cho công trình ở một tỉnh nghèo.
Báo Thanh Niên xác nhận rằng kinh phí xây dựng vườn hoa, đài phun nước cho công trình này lên đến hơn 8 tỷ VND.
Nay, báo Việt Nam nói "lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định thông tin trên mạng xã hội những ngày qua không chính xác, xuyên tạc với dụng ý xấu".
Tuy nhiên, tỉnh ủy Nghệ An không nói "thông tin không chính xác" đó là gì.
Tượng Lê nin bị kéo đổ khắp nơi trên thế giới
Lý do thứ hai, theo những người chỉ trích, là sự lỗi thời của nhân vật Lenin, biểu tượng của mô hình cộng sản ưa bạo lực ở Nga sau 1917.
Một bài đăng trên báo tiếng Việt ở Hungary hồi 2014, cho rằng tôn thờ Stalin hay Lenin đều là "sùng bái cá nhân mù quáng".
Ngoài ra, "Lenin trước sau như một ủng hộ sự áp dụng bạo lực cách mạng như một phương tiện cần thiết và tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội và chính trị".
"Sự độc đoán và phi dân chủ đó của ông đã khiến cả những gương mặt lớn, cùng lý tưởng – như Rosa Luxemburg, hay văn hào Maxim Gorky – phải ‘kêu trời".
Sau khi Liên Xô giải tán, nhiều nước cộng hòa từng thuộc liên bang đã cho kéo đổ tượng Lenin, coi đó là biểu tượng của nền thống trị áp bức từ Moscow.
Hồi 2017, nhiếp ảnh gia Niels Ackermann và nhà văn. Sebastien Gober cho ra cuốn ‘Đi tìm Lenin’ nói về hiện tượng hàng nghìn tượng Lenin bị xóa ở Ukraine.
Tuy thế, cũng có hiện tượng "ngược dòng" như hồi 2018 ở Tajikistan.
Theo Radio Ozodi, một pho tượng Lenin từng bị gãy tay ở Shahritus, miền Nam Tajikistan, được hội đồng Hồi giáo địa phương quyên tiền để trùng tu.
Ngoài khu vực Liên Xô cũ, hiện ở Tampere, Phần Lan, vẫn có một bảo tàng Lenin. Còn tại chính nước Nga, dư luận về Lenin vẫn chia rẽ, và một số tiếp tục ủng hộ để thi hài ông trong lăng tại Moscow, nhưng con số đông đảo hơn muốn đưa đi chôn.
Vị trí xây dựng tượng đài gần vòng xuyến giao nhau giữa 5 con đường lớn ở trung tâm TP Vinh
Theo RT.com hồi tháng 9/2017, điều tra dư luận tháng 4 năm đó nói 58% dân Nga muốn đưa Lenin đi cải táng một cách đúng đắn.
Dòng ý kiến này cho rằng cách duy trì xác ướp của người đã quá cố là không phù hợp với phong tục Chính Thống giáo của Nga.
Nhìn chung, di sản tàn khốc của thời kỳ chế độ cộng sản hình thành ở Liên Xô vẫn gây chia rẽ ngay trong dân chúng và trí thức Nga.
Mới đây nhất, thẩm phán Tòa Hiến pháp Nga, Konstantin Aranovsky nói nước Nga ngày nay không nên "tiếp quản các di sản tội ác của chế độ cộng sản thời Liên Xô".
Sự hiện diện của Lenin qua tượng tại Hà Nội và trong sách báo, tranh ảnh của nhà nước Việt Nam lại có ỵ́ nghĩa hơi khác.
Đó là việc khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất, toàn bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức vẫn theo đường lối Leninist.
Về mặt văn hóa, hiện tượng này có vẻ ngày càng mang tính tín ngưỡng bản địa ở Việt Nam hơn là có liên quan đến chuyển biến lịch sử hậu Xô-Viết ở Châu Âu và khu vực Liên Xô cũ.
Bên cạnh hàng ngàn ý kiến chỉ trích dự án bị xem là phi lý, quái gở này, có khá nhiều người soạn Thư ngỏ gửi lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua mạng xã hội. Một trong số đó là nhà văn Đoàn Bảo Châu. Ông Châu giới thiệu cuộc thảm sát gia đình hoàng đế cuối cùng của nước Nga ngày 18 tháng 7 năm 1918 – 11 thành viên hoàng gia bị bắn chết, rồi bị tưới 176 lít acid để làm thi thể biến dạng trước khi dùng 400 lít xăng để đốt – nhằm khắc họa bản chất Lenin, người chỉ đạo cuộc thảm sát tàn bạo này…
Hồi tháng 11/2019, nhiều Facebooker bày tỏ sự ngán ngẩm khi thấy hình ông Hoàng Trung Hải, bí thư Thành Ủy Hà Nội, cùng bộ sậu đến cúi đầu tưởng niệm và dâng hoa tại "thây ma cộng sản" Lênin nhân dịp 102 năm kỷ niệm sự kiện "Cách Mạng Tháng Mười Nga
80 năm sau, Boris Yeltsin – cựu đảng viên cộng sản Liên Xô, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga – xác định : Đó là tội ác đáng ghê tởm. Vụ thảm sát là một trong những điều đáng xấu hổ nhất của lịch sử nước Nga. Yeltsin cho rằng, tổ chức cải táng các nạn nhân vô tội là một cách chuộc lỗi. Vụ thảm sát vừa kể là kết quả của sự cực đoan, chia rẽ xã hội Nga thành "chúng ta" và "họ". Theo Yeltsin, đã đến lúc phải kết thúc thời đại của máu và bạo lực ở Nga…
Sau khi thuật lại một trong những tội ác của Lenin, Đoàn Bảo Châu đề nghị chính quyền Nghệ An cân nhắc : Tại sao nhiều nơi trên thế giới như 14 quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết, các quốc gia khu vực Đông Âu, Mông Cổ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… thi nhau đập bỏ tượng đài Lenin ? Tại sao dân chúng Liên bang Nga hiện nay liên tục đề nghị đưa Lenin ra khỏi lăng từng xây dựng cho ông ta ?... Châu lưu ý, theo thời gian, sự phán xét Lenin sẽ càng ngày càng quyết liệt và thẳng thắn hơn…
Facebook Nhất Chi Mai nói : Lenin là một kẻ tàn bạo, một tội đồ của nhân loại. Chẳng lẽ chính quyền tỉnh Nghệ An dựng tượng Lenin vì tôn thờ bạo lực, giết chóc ? Facebook AB Bùi nhắc lại : Lenin là người khởi xướng mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết. Người ta ước đoán, trong thế kỷ 20, các nhà nước cộng sản đã giết hàng trăm triệu người và Lenin phải chịu trách nhiệm trước nhân loại về tội ác này.
Giống như Đoàn Bảo Châu, ông Nguyễn Ngọc Chu cũng khuyên chính quyền tỉnh Nghệ An nên cân nhắc. Sở dĩ Putin, Tổng thống Nga hiện nay chưa thực hiện mong muốn của dân chúng Nga – đưa Lenin ra khỏi lăng dành cho ông ta vì vẫn còn những người mà quá khứ liên quan đến Lenin. Nói cách khác, việc đưa Lenin ra khỏi lăng là tất yếu nhưng sẽ do các thế hệ lãnh đạo nước Nga sau Putin thực hiện. Dựng tượng – đề cao Lenin vừa làm khó Putin, vừa làm tổn thương dân chúng Nga.
Bà cụ cầm 10k đồng
Ông Chu chất vấn : Tại sao chính quyền tỉnh Nghệ An lại đi ngược chiều với xu hướng chung của cả Nga lẫn thế giới ?
Tại sao lại vinh danh một cá nhân mà đồng bào ông ta muốn gạt bỏ như tẩy xóa một vết nhơ ?
Tại sao không dựng tượng vinh danh tổ tiên mà vinh danh một người như Lenin và tạo thêm khó khăn cho hậu sinh khi chắc chắn con cháu phải dỡ bỏ ?
Tại sao dựng tượng Lenin mà không trưng cầu ý kiến dân chúng Nghệ An xem họ có muốn hay không (3) ?...
Bà Đỗ Thị Hòa – nhận xét : Không chắc chính quyền tỉnh Nghệ An yêu mến Lenin. Vấn đề là kế hoạch thực hiện này được thượng cấp phê duyệt thì thực hiện sẽ có tiền. Bị chỉ trích mà có cơ hội "phết, phẩy" thì vẫn hăm hở làm thôi. Rất nhiều người đồng tình với nhận xét này, chẳng hạn như Hien Ha Ngoc : Đã "ăn mày dĩ vãng" thì không quan tâm đến nguyên vọng của nhân dân, cảm xúc của người khác và xu thế của thời đại !
Bất kể thế nào, chắc chắn sẽ có một tượng đài vinh danh Lenin ở trung tâm thành phố Vinh. Sau khi bỏ thời gian tra cứu trang leninstatues.ru, Trần Hậu cho biết, trước 1991, trên toàn thế giới có 14.290 tượng đài Lenin với nhiều kích thước khác nhau nhưng đến nay thì bị đập bỏ, dọn dẹp và chỉ còn chưa tới một nửa (7.194). Tuy tượng đài Lenin ở Nghệ An sẽ khiến con số này tăng thêm một nhưng thêm một là vì đầu cơ chính trị và tham nhũng chứ không phải vì kính trọng lãnh tụ giai cấp vô sản toàn thế giới.
Đây là hình ảnh trao dê giống cho các hộ nghèo xóm Trung Độ, xã Tân Hợp, Tân Kỳ, Nghệ An
Khi bất bình nhưng không thể cản được các công bộc tìm cách cấu xé tiền của mình, bên cạnh chỉ trích, dân chúng Việt Nam thường bỡn cợt. Những bỡn cợt kiểu như Mậu Nguyễn Đức : Nếu tượng mang tên Lenin mà có diện mạo… Lê Duẩn thì... cũng được ! Cũng cùng họ… Lê và cũng cùng… đảng cộng sản. Tự biết không thể cản được việc xây dựng tượng đài Lenin vì đó là cơ hội cả hệ thống chấm mút, Phạm Thành Hưng mong rằng, xây dựng xong, tượng Lenin hóa ra… tượng cụ Lê Đình Kình !
Sự kiện Nghệ An xây công viên tưởng niệm và dựng tượng Lenin khiến hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau xem lại thông tin, năm 2018, Nghệ An chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ.
Khoản thiếu hụt do chênh lệch thu – chi hơn 11.000 tỉ đồng ấy tất nhiên là tiếp tục đi xin như đã, đang và sẽ còn xin hỗ trợ.
Trung Tran đã thử tính (lấy 11 ngàn tỷ chia cho 365 ngày) và nhắc nhở mọi người : Mỗi ngày, toàn quốc đang phải cấp cho Nghệ An khoảng 30 tỉ đồng để chi tiêu và Nghệ An hăm hở… dựng tượng Lenin.
Hải Yến (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 26/02/2020
Kỷ niệm lần thứ 100 cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đã qua đi mấy ngày. Quan sát những hoạt động xảy ra trên thế giới về sự kiện này, người ta có nhiều suy nghĩ. Trước hết, đó là suy nghĩ về một thứ tư tưởng - tư tưởng cộng sản - mà hầu hết các nơi trên thế giới đã vứt bỏ vào sọt rác nhưng tại sao ở Việt Nam, ĐCS cố bám giữ lấy nó như một thứ bảo bối cho riêng mình.
Bức hình chụp hôm 14/12/2012 cho thấy một đám đông đứng xem các công nhân kéo đổ bức tượng Vladimir Lenin bằng đồng ở Ulan Bator, Mông Cổ sau khi Thị trưởng thành phố gọi Lenin là kẻ giết người. AFP
Ở cái nôi Cách mạng tháng 10
Cần phải ghi nhận rằng đó là một sự kiện "trọng đại" đã làm rung chuyển thế giới. Sự rung chuyển đó như thế nào, theo chiều hướng tốt lên, hay xấu đi lại là chuyện khác. Kể cả việc hai quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và Nagadaki giết chết hàng trăm ngàn người, hay sự kiện Thiên An môn hàng ngàn sinh viên, thanh niên bị sát hại dã man... cũng đều làm thế giới rung chuyển tương tự.
Với những sự kiện kỷ niệm như vậy, nếu cách đây chừng ba chục năm hẳn rằng cả thể giới đã chấn động bởi những hoạt động hoành tráng và tốn kém vô cùng từ các nước "trong phe Xã hội chủ nghĩa". Sẽ là những cuộc diễu binh khổng lồ phô trương sức mạnh bạo lực, sẽ là những điện thư, chúc mừng, là hội họp, mít tinh rầm rộ, sẽ là những cuộc diễu hành đông đúc từ các nước cộng sản.
"Những người bị thảm sát, khủng bố nằm trong số những con người ưu tú và can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó"
(Tổng thống Nga - Putin)
Thế nhưng oái oăm thay, những ngày kỷ niệm sự kiện "trọng đại" này, ngay tại nước Nga, luôn được gọi là "quê hương của Cách mạng Tháng 10 vĩ đại", những hoạt động kỷ niệm đã diễn ra âm thầm, èo uột và thậm chí là những lời tố cáo đanh thép nhất từ Tổng thống Liên bang Nga - Vladimir Putin về một sự kiện mở đầu cho một giai đoạn lấy bạo lực làm phương châm cho mọi hành động xã hội. Xây dựng một xã hội bạo tàn, độc tài và bất chấp quy luật xã hội, đạo đức và văn minh loài người.
Tại nước Nga, thay vì những cuộc duyệt binh, diễu hành được tổ chức ở cấp nhà nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lảng tránh những sự kiện kỷ niệm, ca ngợi Cách mạng Tháng 10/1917.
Trái lại, ông đã tham dự những sự kiện có ý nghĩa khác hơn.
Đó là việc ông dự khai trương một giáo đường mới ở Matxcơva, mà theo ông là "mang nặng ý nghĩa biểu tượng" vì phe cộng sản khi lên nắm quyền năm 1917 đã đàn áp Giáo hội.
Việc Tổng thống đến dự khai trương một Thánh đường để đánh dấu biểu tượng đàn áp tôn giáo thời kỳ nước Nga dưới chế độ cộng sản vô thần cầm quyền nhằm nói lên điều gì nếu không phải là một sự lên án mạnh mẽ một chế độ, một tư tưởng, chủ nghĩa bất nhân.
Ngày 30/10/2017, ông Putin cũng tham dự buổi lễ khánh thành một đài tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp chính trị. Tại đây, ông Putin đã có những lời mạnh mẽ như sau :
"Đối với tất cả chúng ta, đối với các thế hệ tương lai, điều rất quan trọng là phải biết và ghi nhớ thời kỳ bi thảm này trong lịch sử nước ta, khi toàn bộ các tầng lớp, toàn bộ các dân tộc : công nhân và nông dân, kỹ sư và thuyền trưởng, linh mục, quan chức chính phủ, nhà khoa học và nhà văn hóa bị bức hại nghiêm trọng". Và "Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xoá nhòa khỏi ký ức quốc gia, không có bất cứ điều gì, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh cho chuyện đó".
Có lẽ, những lời nói trên đã đủ để người ta hiểu rõ vì sao nước Nga cũng như trên toàn thế giới đã không hồ hởi, tưng bừng kỷ niệm một "sự kiện trọng đại" như vậy trong lịch sử chính dân tộc họ.
Theo một nhà sử học, đa số người Nga đã không thèm nhớ đến có một ngày gọi là Cách mạng Tháng 10, họ như cố quên đi một sự kiện mở đầu một thời kỳ bi thảm, gieo biết bao tai họa cho người dân Nga và các nước theo mô hình cộng sản trên toàn thế giới.
Nếu như trước đây, người Nga kỷ niệm cả ngày Stalin chết, thì ngày hôm nay, người Nga thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin, tham dự một buổi lễ theo nghi thức Giáo hội Chính thống giáo Nga ở Butovo, tưởng niệm các nạn nhân của Stalin.
Nếu như trước đây, Stalin được tôn sùng như một lãnh tụ vĩ đại không chỉ của người Nga, mà của toàn thế giới cộng sản - Đến mức Tố Hữu từ Việt Nam đã có những câu thơ về cái chết của ông ta đến nay đang được lưu truyền như những câu chuyện cười về thói xu nịnh ở tầm vĩ mô - thì ngày nay, Nga tuyên bố Stalin là một tội đồ, một kẻ khát máu đã từng ra lệnh thảm sát hàng vạn người, điển hình là hàng chục ngàn sỹ quan Ba Lan đã bị ông ta ra lệnh giết tại rừng Katyn.
Những nước khác, những kỷ niệm nếu có, chỉ là những cuộc tập trung, truyền thông để nhắc nhở nhân loại về một thời kỳ kinh hoàng, đau thương đẫm máu, nước mắt và con người bị biến dạng dưới thời kỳ cộng sản cai trị.
Thậm chí, đúng ngày đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định lấy ngày 7/11 hàng năm là ngày tưởng niệm các nạn nhân cộng sản mà con số được thống kê ít nhất là là hàng trăm triệu người bị giết hại.
Vẻ vang thế, cao đẹp thế, sáng ngời vậy sao không kỷ niệm ?
Khéo dư nước mắt ?
Thế nhưng, hẳn là ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cho đến người dân thường của Nga sẽ hết sức sửng sốt, giật mình khi biết tin rằng tại một góc trời Đông Nam Á xa xôi, vẫn có một nhóm người đang cầm quyền quyết theo đuổi đường lối bạo lực và cướp bóc, theo đuổi chủ nghĩa vô thần, khủng bố và sát hại chính người dân mình theo mô hình xô viết, đã tưng bừng kỷ niệm "sự kiện" mà không ai có lương tri trên thế giới muốn nhớ lại.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Cả hệ thống chính trị Việt Nam đã có những phát ngôn mà người dân nghe đến chỉ thấy một cảm giác... buồn cười. Hãy nghe những lời mà người dân gọi là "Ngáo đá" từ miệng quan chức cộng sản Việt Nam về sự kiện này.
Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - một sản phẩm đặc trưng của thời kỳ cộng sản xô viết - nói về Cách mạng tháng 10 Nga như sau :
"Sau 100 năm lý tưởng cao đẹp và những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội vẫn luôn tỏa sáng, vẫn luôn là nguồn động lực thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam".
Vâng, nó cao đẹp, nó giá trị, nó ưu việt, nó tỏa sáng như thế nào, thì cả thế giới đã biết và họ đã trả lời bằng hành động cụ thể.
Vâng, nó giá trị, nó to lớn, cái hành vi thành lập bè đảng vì "Không có gì để mất mà được thì được tất cả" thì chỉ có lũ cướp ngày mới đưa lên thành lý tưởng mà thôi.
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Lẽ nào đám quan lại cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng không có mắt để mà nhìn, không có não để mà suy ? Hay là cả thế giới đều ngu, chỉ có mỗi bộ sậu đảng cộng sản Việt Nam mới đủ thông minh để nhìn thấy điều đó ?
Người ta buồn cười, người ta thắc mắc chỉ vì có phải cái tư duy cổ hủ, cái suy nghĩ cứng nhắc đã đóng đinh trong những bộ não xơ cứng này nên không thể tiếp nhận thêm thông tin ?
Hay chỉ vì miếng cơm, manh áo hoặc những đống tiền của, xương máu người dân bị hút sạch bằng quyền lực được tạo ra từ những chiếc ghế ngồi mà chân ghế là đầu, là cổ người dân Việt Nam do chính cái Chủ nghĩa vô thần, vô nhân bản, vô đạo đức, vô luân vô pháp mang tên Chủ nghĩa cộng sản đã đem lại cho họ ?
Có lẽ, hầu hết đều nghiêng về yếu tố thứ hai này.
Thực ra, trong thời đại ngày nay, khi mà thông tin đã đến mọi ngõ ngách, tận rừng sâu thì những lời lừa bịp trên không còn bịp được ai.
Nhưng họ không thể thay đổi mà nói khác đi. Chỉ đơn giản là lấy gì để mà lừa bịp tiếp ?
Kể từ sau khi hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ, đảng cộng sản Việt Nam như người bị ném ra khỏi cộng đồng và bơ vơ giữa rừng. Họ không biết bấu víu vào đâu để có thể tồn tại theo bản năng lệ thuộc và được che chở bởi đàn anh. Trong cơn khủng hoảng toàn diện về mọi mặt từ lý luận, thực tiễn, nhân sự và tổ chức, đảng cộng sản Việt Nam đã hết sức lúng túng trong hướng đi và hoảng hốt lo lắng cho sự tồn tại của mình.
Để tiếp tục bám víu lấy một thể chế vốn đem lại cho họ chỉ có lợi ích mà chẳng mất mát gì, họ đã tìm mọi cách chèo kéo, gắng gượng để giữ lấy cái mà họ đã cướp được : Chính quyền.
Sau khi cái gọi là Lý tưởng cộng sản đã bị chính họ bôi đen và xé nát bằng những hành động của mình, thần tượng Lenin, Stalin đã hiện nguyên hình là những tội đồ khát máu, họ vội vàng dựng lên cái gọi là "Tư tưởng Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên, cái gọi là tư tưởng này đã nhanh chóng bị những học giả, những nhà nghiên cứu vạch rõ rằng chỉ là món "lẩu thập cẩm" được cóp nhặt, suy diễn và bịa đặt nhằm tạo ra một bóng ma, một biểu tượng, một hình nộm nhằm dẫn đàn cừu dân Việt cúi mặt đi theo.
Cũng chính trong sự hoảng loạn ấy, mà Đảng cộng sản Việt Nam đã bí mật tìm kiếm cái phao cứu hộ cho sự tồn tại của mình ở người anh cả là Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp đó cũng là một ổ Mafia công khai vốn vẫn mang nặng tư tưởng bành trướng từ ngàn đời như chính Đảng cộng sản Việt Nam đã xác nhận trước đó. Cũng vì thế mà cái gọi là "Mật ước Thành Đô" đang bị người dân nghi ngờ là một mật ước bán nước thì đảng vẫn giấu hơn cả mèo giấu... phân.
Chính vì thế mà lãnh thổ đất nước, quyền con người của người dân, truyền thống của cha ông ngàn năm dựng nước và đánh giặc giữ nước bị xé bỏ. Cho đến khi họ tổ chức đàn áp người dân yêu nước, rước giặc vào nhà ngang nhiên, thì Đảng cộng sản Việt Nam hiện nguyên hình là một nhóm tay chân của ngoại bang trong cái gọi là Phong trào cộng sản Quốc tế.
Và cứ thế, như cha ông đã nói :
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi
(Kiều)
Vì thế, không có gì lạ khi người cộng sản Việt Nam cứ "dư nước mắt" để khóc cho tổ mối đã bị sụp đổ từ lâu.
Ngày 12/11/201
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 12/11/2017 (nguyenhuuvinh's blog)