Thành phố Hồ Chí Minh nhận thêm một triệu liều vắc-xin Sinopharm
RFA, 14/08/2021
Một triệu liều vắc-xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc) vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, vào sáng ngày 14/8/2020, theo thông tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Hà Nội hôm 2/8/2021-AFP
Đây là lô vắc-xin thứ hai của Sinopharm về Thành phố Hồ Chí Minh sau lô một triệu liều đầu tiên về Việt Nam vào ngày 31/7 vừa qua và đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng để tiêm cho người dân.
Ngày 12/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp 44.000 liều vắc-xin Vero Cell của Sinophảm đến các quận, huyện để triển khai tiêm cho dân. Theo truyền thông Nhà nước, trong ngày 13/8, thành phố đã tiêm được 17.916 liều vắc-xin này cho người dân và tất cả đều an toàn. Việc tiêm vắc-xin Verol Cell hiện vẫn đang được thực hiện theo tinh thần tự nguyện.
Thành phố Hồ Chí Minh được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ mua năm triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Sinopharm.
Tuy nhiên, sau khi có tin lô một triệu liều đầu tiên về thành phố, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến nghi ngờ độ an toàn và tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc và bày tỏ ý định không muốn tiêm. Chính quyền thành phố đã phải trấn an dân rằng việc tiêm vắc-xin này là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.
Hôm 13/8, một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam cho thấy đã có những người dân đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng khi nghe thông báo vắc-xin Sinopharm thì liền đứng dậy phản đối và bỏ về. Giới chức thành phố đã xác nhận với báo chí có thông tin này.
Hiện thành phố đông dân nhất Việt Nam và cũng là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh đang đẩy mạnh việc tiêm chủng ngừa Covid-19. Thành phó hiện đã tiêm cho hơn 4,3 triệu người, trong đó có hơn 100.000 người được tiêm hai mũi.
Ngoài vắc-xin Sinopharm, Thành phố Hồ Chí Minh còn được cấp các vắc-xin của các nước khác như Moderna, Pfizer và AstraZeneca.
********************
Thanh Phương, RFI, 14/08/2021
Hôm 13/08/2021, thành phố Sài Gòn tâm chấn của đợt dịch Covid-19 mới, đã bắt đầu chích ngừa với vac-xin Sinopharm của Trung Quốc, nhưng nhiều người dân đã không chấp được tiêm vac-xin này.
Vac-xin Vero Cell ngừa Covid-19 do hang dược Sunopharm Trung Quốc bào chế. AP - Istvan Filep
Để có thể đạt được mục tiêu chích ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành, chính quyền của thành phố Sài Gòn từ hôm qua bắt đầu tiêm ngừa với vac-xin Vero Cell của hãng Sinopharm. Theo báo chí trong nước, hôm qua đã có khoảng gần 18.000 liều vac-xin Vero Cell, Trung Quốc, được tiêm ở Sài Gòn.
Tuy nhiên, một số người dân bỏ về sau khi đến nơi được thông báo là họ sẽ được chích ngừa Covid-19 với một vac-xin Trung Quốc, như trường hợp ở quận 1. Trong một đoạn video được phổ biến trên mạng xã hội Facebook từ hôm qua, người ta thấy một số người dân rất bực tức, vì cán bộ chỉ thông báo chích vac-xin Vero Cell của Sinopharm, mà không nói rõ đó là thuốc tiêm ngừa của Trung Quốc.
Nhiều người dân Việt Nam vẫn không tin tưởng vào chất lượng của những hàng hóa Trung Quốc, cộng thêm tư tưởng bài Trung Quốc, cho nên dứt khoát không muốn được chích ngừa với một vac-xin của Trung Quốc.
Mặc dầu có những phản đối như vậy, hôm nay, nhiều quận huyện tiếp tục tiêm loại vac-xin của hãng Sinopharm cho người dân, "trên tinh thần tự nguyện". Theo tờ Tuổi Trẻ, hôm nay, thêm một triệu liều vac-xin Vero Cell về đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn hôm nay, lô vắc xin Vero Cell này mua được là nhờ nhà tài trợ và Công ty dược Sài Gòn đàm phán thành công và đã được bộ Y Tế "kiểm định kỹ lưỡng", và phải ưu tiên chích cho người dân của thành phố. Theo Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh, so với những ngày trước, tốc độ tiêm chủng ở Sài Gòn đã giảm đáng kể do đã tiêm gần hết số lượng vac-xin được bộ Y Tế phân bổ.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại Sài Gòn vẫn rất nghiêm trọng, với số người chết mỗi ngày hơn 240 ca, theo lời ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, được báo Tiền Phong trích dẫn hôm qua. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Sài Gòn vẫn ở mức trên 3.000 ca.
Thanh Phương
********************
Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận người dân bỏ về, từ chối vắc-xin Trung Quốc
VOA, 13/08/2021
Đại diện Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh xác nhận vào chiều 13/8 rằng đã xảy ra việc một số người dân bỏ về tại một điểm tiêm chủng khi được biết loại vắc-xin tiêm cho họ là của hãng Trung Quốc Sinopharm, VTC News tường thuật.
Người dân từ chối tiêm vắc-xin của Sinopharm tại một điểm tiêm ở Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, 13/8/2021.
Theo tìm hiểu của VOA, hồi trưa cùng ngày, một đoạn video dài 1 phút 20 giây lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, trong đó cho thấy cảnh đấu khẩu to tiếng giữa những người dân với cán bộ y tế về loại vắc-xin ngừa Covid-19 được cung cấp.
"Ở đây chúng tôi chích ngừa Vero Cell của hãng Sinopharm", một nam cán bộ y tế nói trong đoạn video.
Ngay lập tức, có tiếng người dân hỏi lại : "Vero Cell là của nước nào ?". Đồng thời, một số người dân khác nói chen vào "Của Trung Quốc thì nói là Trung Quốc", trong khi đó, cán bộ y tế lúng túng nói gì đó không nghe rõ được.
Bắt đầu từ thời điểm này trong đoạn video, có những người dân nói : "Thôi đi về", và bước ra khỏi địa điểm tiêm chủng. Một người đàn ông nói : "Biết bao nhiêu mạng người ở đây, đâu phải một mạng của ông đâu mà".
Vẫn theo đoạn video, trong khi người dân bỏ đi, nam cán bộ y tế nói qua loa cầm tay : "Giờ có thuốc chích là may rồi, giờ muốn đòi hỏi gì nữa ?"
Cán bộ vừa dứt lời, người đàn ông lúc trước quay lại, lớn tiếng : "Đây mà mày chích mà chết mày chịu không ?". Tiếp lời người này, nhiều người khác bày tỏ tức giận về phát ngôn "có thuốc chích là may rồi" của cán bộ y tế.
Từ đây, đoạn video cho thấy một số người đi ra khỏi điểm tiêm chủng, trong khi vẫn có những người khác ngồi lại.
Theo quan sát của VOA, đoạn video được hàng nghìn người lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lời bình luận.
Chiếm phần đáng kể trong các ý kiến là những lời chỉ trích thái độ bị xem là "mất dạy" của người cán bộ y tế, bày tỏ không tin tưởng vào vắc-xin do hãng Trung Quốc sản xuất, và khen ngợi những người đã bỏ về, không tiêm vắc-xin này.
Nhiều người nhân dịp này nhắc lại lời đề nghị rằng các cán bộ nhà nước cần tiêm vắc-xin Trung Quốc trước làm gương để người dân tin tưởng, làm theo.
VTC : Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận người dân Quận 1 bỏ về, không tiêm vắc-xin của Sinopharm, 13/8/2021.
Trong số những lời bình luận, cũng có một số người cho rằng nhà chức trách cần công bố rõ thông tin về các loại vắc-xin khác nhau và việc chọn vắc-xin nào là quyền của người dân. Một số khác đưa ra quan điểm rằng tiêm vắc-xin Trung Quốc giữa lúc đại dịch Covid-19 ở cao điểm có thể xem là "trong những cái xấu, chọn cái ít xấu nhất".
Xác nhận về đoạn video kể trên, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rằng căn cứ vào thông tin của Ủy ban Nhân dân Quận 1, đó là sự việc "có thật", VTC News đưa tin vào chiều 13/8.
Ban Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh nói : "Sáng nay, quận 1 tổ chức tiêm vắc-xin tại điểm tiêm số 1, Huyền Trân Công Chúa. Vắc-xin được tiêm là AstraZeneca. Tuy nhiên, đến 9h thì tiêm hết loại vắc-xin này, sau đó quận tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vắc-xin Sinopharm thì có một số người dân bỏ về như clip", theo tường thuật của VTC News.
VOA cố gắng liên lạc với đại diện chính quyền Quận 1 để hỏi thêm thông tin nhưng không kết nối được.
Như VOA đã đưa tin, hôm 11/8, Bộ Y tế Việt Nam chính thức đồng ý bằng văn bản cho Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell đã nhập khẩu từ Trung Quốc để tiêm cho người dân.
Cho đến nay, vẫn có nhiều người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác không muốn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc, bất chấp tình trạng khan hiếm vắc-xin.
Các dữ liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy tính đến thời điểm này, đất nước đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 19 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 các loại, gồm 11,5 triệu liều AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, 746.000 liều Pfizer, 1,5 triệu liều Sinopharm và 12.000 liều Sputnik V.
Tính đến ngày 13/8, cả nước đã tiêm chủng hơn 13,2 triệu liều, trong đó tiêm một mũi là hơn 12 triệu người, tiêm mũi hai là gần 1,2 triệu người.
Số người tử vong vì dịch ở Việt Nam lên đến 5.088 vào chiều tối 13/8, trên tổng số gần 256.000 ca dương tính, kể từ đầu đại dịch, theo Bộ Y tế.
Anh Vũ, RFI, 13/08/2021
Báo chí chính thức tại Việt Nam hôm nay 13/08/2021 dẫn lời lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do tình hình dịch Covid-19 tại thủ phủ kinh tế của Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát, thành phố sẽ phải kéo dài thêm hai tuần "giãn cách xã hội" theo chỉ thị 16 của chính phủ.
Tại một giao lộ ở Sài Gòn trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh chụp ngày 26/07/2021. AP - Huu Khoa
Hai ngày trước khi đợt giãn cách hiện hành hết hạn, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc họp thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố. Chủ trì cuộc họp, ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tình hình "dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp xã hội có thể kéo dài".
Ông Mãi cho biết đến Chủ nhật, thành phố sẽ công bố kế hoạch chính thức theo hướng tiếp tục áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 của chính phủ. Mục tiêu thành phố đề ra là đến ngày 15/09 sẽ phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Đợt dịch Covid mới đã bùng lên từ ngày 27/04 tại Việt Nam, với Sài Gòn trở thành tâm dịch lớn nhất nước. Ngay từ ngày 31/05, thành phố đã thực hiện các quy định giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó gần một tháng qua áp dụng mức độ giãn cách cao nhất theo chỉ thị 16 của chính phủ, cùng với lệnh giới nghiêm buổi tối.
Tuy nhiên, đến nay tình hình dịch bệnh vẫn không kiểm soát được, dù thành phố đã nhiều lần thay đổi chiến lược xử lý khủng hoảng y tế, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Số ca nhiễm mới ở Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua có xu hướng giảm, một phần do thành phố ngừng xét nghiệm đại trà. Các bệnh viện, các khoa hồi sức tăng cường vẫn tiếp tục bị quá tải.
Về tình hình chung, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng ở mức cao. Hôm qua cả nước lại ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 2 kể từ đầu đợt dịch này là 9568 ca.
Anh Vũ
**********************
Lãnh đạo ngành y tế lý giải nguyên nhân nhiều người nhiễm Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tử vong
Truyền thông Nhà nước hôm 13/8 dẫn lời Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết có ba nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tử vong bao gồm cả việc quá tải khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tử vong. Lần đầu tiên thành phố này tiếp nhận một lượng bệnh nhân F0 (ca lây nhiễm từ cộng đồng) lớn như vậy.
Xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội -AFP PHOTO
Thứ hai, nhiều trường hợp trở nặng rất nhanh do đặc tính của chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa diễn biến nhanh.
Thứ ba, theo ông Sơn, người bệnh Covid-19 chưa được chăm sóc, điều trị tốt, do điều kiện chuẩn bị về trang thiết bị và con người tại một số đơn vị chưa thật sự đầy đủ.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, muốn giảm tỉ lệ F0 tử vong cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, gồm : tăng cường nhân lực y tế, tăng cơ sở điều trị, phân tuyến điều trị, tăng cường điều trị tại nhà, cấp cứu kịp thời và yêu cầu tất cả cơ sở y tế phải mở cửa tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu
Trong cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị tập huấn trực tuyến về điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 cho biết, đối với những địa phương có số ca nhiễm tăng nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm điều trị tại nhà.
Bộ Y tế cho biết, tính đến tối 13/8, đã có 5.088 trường hợp mắc Covid-19 tử vong, tương đương tỉ lệ 1,95%. Tỉ lệ này trên thế giới là 2,11%. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày gần đây ghi nhận trung bình 261-308 ca tử vong mỗi ngày.
https://youtu.be/E2-SRf0n8J4