Tội trốn thuế - chiêu thức chính trị hóa các vụ án ‘nhạy cảm’ quen thuộc của Việt Nam
Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng của Việt Nam, bà Hoàng Thị Minh Hồng vừa bị kết án 3 năm tù giam với cáo buộc "trốn thuế" từ Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Hoàng Minh Hồng lúc còn tự do
Ngoài án phạt tù, bà Hồng còn phải "khắc phục hậu quả" hay "thực hiện nghĩa vụ thuế" với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Bà Hồng cũng bị tòa án tuyên phạt 100 triệu đồng và phải đóng 90 triệu án phí.
Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (gọi tắt là Trung tâm Change) đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia phương Tây và giới hoạt động quốc tế trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Bà Hồng không phải là người đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự - tranh đấu cho vấn đề môi trường bị kết án.
Trước đó, Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách cũng bị kết án tù giam với cáo buộc tương tự từ Hà Nội.
Mặc dù bị kết án "trốn thuế", nhưng cách thức bắt giữ, tạm giam và các phiên tòa xét xử những cá nhân trên diễn ra trong sự canh gác nghiêm ngặt chẳng kém gì các phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến. Và đó chính là lý do vì sao giới quan sát quốc tế lên án Hà Nội vì đã "chính trị hóa" những vụ án này.
Để đánh thuế một công ty, hay một tổ chức hoạt động theo mô hình như Trung tâm Change, cơ quan chức năng phải xét đến hai yếu tố : lợi tức thu vào và ngành nghề thuộc nhóm phải đóng thuế hay được miễn phí ?
Trung tâm Change do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập theo QĐ số 78/QĐ-LHHVN ngày 28.01.2013 và được Bộ khoa học và công nghệ chứng nhận hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Dựa trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số đăng ký A-1094 do Bộ khoa học và công nghệ thẩm định.
Cả ba nội dung hoạt động của Trung tâm Change không có trong Danh mục ngành nghề kinh doanh do Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành khi triển khai Luật doanh nghiệp các năm 2005, 2014 và 2020.
Vì thế có thể nói, Luật doanh nghiệp không thể đem ra áp dụng để xử lý Trung tâm Change và bà Hoàng Thị Minh Hồng.
Điểm đặc biệt đáng chú ý trong vụ án "trốn thuế" này, bà Hoàng Thị Minh Hồng bị Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh tố cáo đến công an sau khi có văn bản nhờ hướng dẫn về cách tính thuế.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ngày 19/5/2023, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 6289/CTTPHCM-TTTH gửi đến Cơ quan Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để xác minh, xử lý theo quy định. Tại sao Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh lại đi tố cáo bà Hoàng Minh Hồng với công an khi chính Cục thuế có công văn số 3254/CTTPHCM-TTTH ban hành ngày 8/4/2022 hướng dẫn về "chính sách thuế" gửi cho Trung tâm Change
Trong công văn trả lời, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ :
"Trường hợp Trung tâm (CHANGE) được thành lập và hoạt động theo quy định của luật pháp, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê nhận tài trợ sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam thì khoản tài trợ này là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp Trung tâm nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích. Khi nhận tài trợ Công ty lập chứng từ thu (không lập hóa đơn). Trường hợp Trung tâm nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như quảng cáo… thì Trung tâm phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế (thuế giá grij gia tăng, thu nhập doanh nghiệp) theo quy định".
Có thể thấy, Cục thuế đã chọn cách tố cáo đến công an để truy cứu hình sự bà Hồng mà không hề xem xét yếu tố vi phạm lần đầu (nếu có) hoặc không cố tình phạm tội để xử phạt hành chính như luật cho phép.
Bất chấp sự phản đối từ nhiều quốc gia dân chủ, tội danh trốn thuế vẫn được cơ quan chức năng sử dụng như một lá bài hữu hiệu để kết án những người hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự.
Và dường như chiêu thức kết án giới hoạt động trốn thuế mà nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang sử dụng có vẻ như người Việt chả mấy quan tâm vì tâm lý còn thờ ơ với chuyện thuế má ?
Nhiều người cho rằng chuyên trốn thuế rồi bị bắt là chuyện của ai ở đâu xa chứ không phải chuyện của họ.
Thử đặt câu hỏi cho toàn xã hội Việt Nam hiện tại như sau : Trong trường hợp nhà cầm quyền muốn quy chụp tội trốn thuế cho bất kỳ ai nếu họ muốn thì phải chăng mỗi công dân và mỗi doanh nghiệp đều là một tù nhân dự khuyết của tội danh này ?
Bởi phải thành thật và dũng cảm nhìn nhận rằng người Việt dù làm ăn lớn hay nhỏ gì sẽ tính cách để trốn (hoặc giảm, đóng ít thuế) đi bằng cách khai gian, khai giảm thu nhập/doanh số. Nếu chẳng may bị kiểm tra thuế, đa phần người ta sẽ tìm cách lo lót, hoặc chi ra chút đỉnh để giải quyết cho xong.
Vì thế nếu suy nghĩ về việc áp dụng tội danh trốn thuế một cách tùy tiện như cách mà Hà Nội đang làm hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể là mục tiêu kế tiếp.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)
Nguồn : BBC, 06/10/2023
Các Khôi nguyên Giải thưởng Môi trường Goldman vào ngày 14/9/2022 đã gửi thư cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc về trường hợp Chính phủ Việt Nam kết án tù đối với một số nhà hoạt động môi trường bằng tội danh "trốn thuế" như bà Ngụy Thị Khanh và ông Đặng Đình Bách.
Chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh công bố chỉ số chất lượng không khí ngay tại văn phòng của mình ở Hà Nội (năm 2018) - Reuters
Căn cứ của chính quyền : nhận tài trợ mà không khai báo
Trên truyền thông Nhà nước Việt Nam, người ta có thể tìm thấy một mô tả tương đối chi tiết về tội "trốn thuế" của ông Bách. Tuy nhiên, người ta khó tìm thấy các mô tả chi tiết về tội danh "trốn thuế" của bà Khanh.
Trao đổi với RFA, một luật sư thông thạo về môi trường pháp lý của Việt Nam và thấu tỏ trường hợp bà Ngụy Thị Khanh, xin giấu tên và cho biết rằng không có bằng chứng bà Ngụy Thị Khanh hay ông Đặng Đình Bách vi phạm các thủ tục hình sự :
"Chính quyền không áp dụng Nghị định 80 mà áp dụng Luật Quản lý thuế đối với bà Khanh. Bà Khanh đã nhận 200.000 USD (tương đương khoảng hơn 4,5 tỷ đồng) tài trợ từ Giải thưởng Môi trường Goldman vào tài khoản của mình nhưng không kê khai nộp thuế (10%).
Tại phiên tòa, bà Khanh cho rằng bà hiểu nhầm là tiền sử dụng vào mục đích công ích nên không phải nộp thuế. Vì vậy, họ áp dụng Điều 200 , Bộ Luật hình sự (tội trốn thuế) đối với bà.
Trên thực tế, trong những trường hợp tương tự, bạn chỉ phải nộp thuế (bị truy thu thuế) và phải nộp phạt.
Ngoài ra không có bằng chứng vi phạm thủ tục hình sự. Tất cả đã được thực hiện một cách hoàn hảo.
Đối với trường hợp của ông Đặng Đình Bách : Cũng cùng một kịch bản với bà Khanh, chỉ là vụ bị khép vào án trốn thuế do tổ chức của anh ấy thực hiện nhưng anh Bách là giám đốc.
Trường hợp của Mai Phan Lợi cũng vậy. Đó là lý do tại sao cả hai tổ chức buộc phải đóng cửa trong khi GreenID của bà Khanh vẫn còn.
Nghĩa vụ khai thuế cá nhân và tổ chức NGO ở Việt Nam và Mỹ
Ở Mỹ, Cục Thuế Liên bang quy định các tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế nhưng phải khai báo nguồn thu và chi để được hoàn thuế (ngoại trừ các tổ chức tôn giáo và thuộc chính phủ). Các trường hợp làm sai sẽ bị truy thu thuế và nộp phạt. Những trường hợp lừa dối thì bị xử lý hình sự.
Ở Việt Nam, như vị luật sư nêu trên cũng đã chỉ ra, trường hợp không kê khai nguồn thu để nộp thuế, thông thường chỉ bị phạt và truy thu thuế. Biện pháp hình sự chỉ áp dụng khi có biểu hiện lừa dối rõ ràng.
Nhưng đối với những tổ chức xã hội dân sự như Green ID của bà Ngụy Thị Khanh, chính quyền không truy thu thuế mà bỏ tù người lãnh đạo của tổ chức, theo Bộ Luật Hình sự. Theo vị luật sự nêu trên, bà Khanh dùng tài khoản cá nhân để nhận 200.000 USD tiền giải thưởng của Giải thưởng Môi trường Goldman và không khai thuế (10%). Số tiền bà nhận từ Giải thưởng Môi trường Goldman được chính quyền tính là thu nhập cá nhân.
Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam quy định : Cá nhân "trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng" thì "bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm". Ở đây, Luật hình sự để ngỏ hai khả năng : phạt tiền hoặc bỏ tù. Cơ quan chức năng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xử phạt hành chính hoặc hình sự hóa. Bà Ngụy Thị Khanh bị xử ở mức hình sự.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, nếu "quên kê khai thuế", ở Việt Nam thông thường người ta chỉ truy thu thuế và phạt tiền chứ không hình sự hóa. Ví dụ mới đây, truyền thông Nhà nước cho hay có "38 cá nhân có thu nhập 'khủng' từ Google bị phạt, truy thu thuế tới 169 tỷ đồng". Câu hỏi đặt ra là tại sao những người làm kinh doanh kiếm lợi nhuận mà quên kê khai thuế thì được truy thu thuế và nộp phạt, còn những nhà hoạt đông môi trường và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thì bị bỏ tù, thay vì truy thu thuế, trong khi cơ quan công tố không cho thấy họ có vi phạm thủ tục hình sự khi chi tiêu số tiền đó cho tổ chức.
Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia trên thế giới (Anh, Mỹ, Canada…) và Giải thưởng Môi trường Goldman đã phản đối bản án hình sự đối với bà Ngụy Thị Khanh và ông Đặng Đình Bách. Họ cho rằng tội danh "trốn thuế" là một cách thức Chính phủ Việt Nam sử dụng để kiểm soát các nhà hoạt động môi trường.
Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc tổ chức phi chính phủ BPSOS, cho rằng có sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong quản lý thu nhập của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Cả hai nước đều yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận kê khai nguồn thu, nhưng Mỹ sẽ miễn thuế còn Việt Nam đánh thuế thu nhập 10% đối với các khoản tài trợ họ nhận được. Ngoài ra, Việt Nam yêu cầu các tổ chức dân sự (có phép) phải nộp hồ sơ xin phép nhận tài trợ, và phải được phê duyệt thì mới được nhận (Nghị định số 80/2020/NĐ-CP). Khi các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận không báo cáo số tiền nhận tài trợ để nộp thuế 10%, Việt Nam kết án tù lãnh đạo và đóng cửa tổ chức này.
Theo Tiến sĩ Thắng, các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, dù được cấp phép hay không, phải học bài học về minh bạch tài chính. Ông khẳng định rằng minh bạch về tài chính là điều kiện tiên quyết để có một nền dân chủ thực sự. Tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài chính tại các tổ chức NGO là phải bảo đảm khả năng có thể truy vấn cụ thể việc thu và chi trong tổ chức, có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, khoa học. Nói cách khác, các hoạt động thu và chi phải được một tổ chức kiểm toán chuyên nghiệp và độc lập kiểm tra.
Cũng theo Tiến sĩ Thắng, bạch hóa thông tin vẫn chưa phải là minh bạch. Ông lấy ví dụ trường hợp các nghệ sỹ làm từ thiện. Họ nhận hàng chục tỷ đồng do người dân đóng góp, tự mang đi phân phát. Có những tiếng nói tố cáo, công an vào cuộc điều tra rồi kết luận họ không có tội. Họ đã in sao kê ngân hàng để chứng minh thu và chi. Thực ra bản sao kê đó chưa đủ để xác minh thu và chi của một hoạt động từ thiện. Chỉ khi có một tổ chức kiểm toán độc lập xem xét hoạt động thu chi đó bằng các nghiệp vụ kiểm toán thì mới rõ ràng được.
Hoài Nguyễn, VNTB, 04/07/2021
Nhà báo Mai Phan Lợi, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng – viết tắt MEC, bị khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế
Nhìn từ vụ án Hải ‘Điếu cày’
Một vụ án tạm gọi ‘kinh điển’ cho tình huống pháp lý nói trên, đó là vụ án Hải ‘Điếu cày’.
Trung tuần tháng 07/2008, báo chí đồng loạt đưa tin công an quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố đối với ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1952, ngụ tại 57/3-4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, người được biết đến với blog mang tên "Điếu cày" cùng vợ là bà Dương Thị Tân, sinh năm 1958 về tội danh "trốn thuế".
Trước đó, vào ngày 21/4/2008, Công an quận 3 đã thực hiện lệnh khám xét 2 nơi ở của vợ chồng ông Hải. Đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hải, phát lệnh cấm di chuyển khỏi nơi cư trú đối với bà Dương Thị Tân. Lý do, ông Hải cùng vợ đã không kê khai trung thực việc cho thuê hai căn nhà tại địa chỉ 57/3-4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, nhằm trốn thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp…, với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Cái kết của vụ án trốn thuế này, chắc không cần chi tiết ở đây.
Một vụ án khác tại Hà Nội
Ngày 27/12/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Quốc Quân, sinh năm 1971, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam, trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông Quân là luật sư.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Lê Quốc Quân về hành vi trốn thuế theo điều 161 Bộ luật hình sự. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ khi thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam năm 2001 đến 2012, công ty này đã có 13 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lần cuối cùng vào ngày 5/6/2012. Công ty này có ngành nghề kinh doanh là cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu, dịch vụ nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường.
Phía công an nói rằng lợi dụng pháp nhân trên, ông Lê Quốc Quân đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền tìm một số cán bộ, chuyên gia kinh tế để lấy thông tin cá nhân, sau đó làm các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn, cộng tác viên khống nhằm mục đích để hợp thức việc tăng chi phí của công ty, rồi sau đó làm thủ tục kê khai với Cơ quan Thuế nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cho rằng ông Quân đã trốn thuế với tổng số tiền là 437.500.000 đồng.
Ngày 2/10/2013, Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án ông Quân 30 tháng tù vì tội Trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Brad Adams, giám đốc khu vực Á Châu của HRW, trong thông cáo ra ngày 16/2 tuyên bố : "Người dân ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam cặn kẽ hơn bao giờ hết, xem có biến chuyển tích cực gì như nhà nước hứa hẹn hay không".
"Một tòa án thực sự độc lập sẽ bãi bỏ bản án với Lê Quốc Quân, phục hồi toàn bộ quyền hành nghề luật sư của ông và cho phép ông tiếp tục công việc với tư cách một trong những nhân vật bảo vệ nhân quyền quyết tâm nhất Việt Nam".
Thông cáo của HRW cũng chỉ ra rằng ông Quân bị bắt hôm 27/12/2012, chỉ hơn một tuần sau khi ông có bài viết chỉ trích Điều 4 Hiến pháp về quyền lực tối cao của Đảng cộng sản trên BBC Tiếng Việt .
Chuyện hôm nay
Luật sư Đặng Đình Bách, sinh năm 1978, trú tại B6-04 Hateco, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội, là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, đã bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế.
Cùng thời gian này, nhà báo Mai Phan Lợi, sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng – viết tắt MEC, cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp cũng đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
‘Bộ đôi’ Đặng Đình Bách – Mai Phan Lợi thường xuyên có các ý kiến phản biện bài bản về các chính sách của Đảng và Nhà nước. Chọn ‘bịt miệng’ họ bằng tội trốn thuế, có thể là lựa chọn khôn ngoan trong yêu cầu trấn áp.
Tuy nhiên theo những gì mà báo chí nêu ngắn gọn, thì hành vi trốn thuế ở đây là ‘cá nhân’ thực hiện, hay ‘pháp nhân thương mại’ thực hiện ? Nếu là ‘cá nhân’, thì bắt bỏ tù, nhưng có thể bỏ tù ‘pháp nhân thương mại’ bằng cách nào ?
Sự vụ được diễn giải
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật dân sự 2015thì khái niệm pháp nhân thương mại được quy định cụ thể như sau : Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên ; Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ; Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây : Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan ; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự 2015 ; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình ; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều 200 "Tội trốn thuế" của Bộ luật Hình sự (tu chỉnh 2017), có ghi :
"Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau :
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng ;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng ;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm ;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn ;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".
‘Pháp nhân thương mại’ phạm tội thì ai sẽ ở tù ?
Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua các hoạt động của mình, mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân người đại diện hợp pháp của pháp nhân.
Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ, mà nhân danh pháp nhân, tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân.
Như vậy, pháp nhân được xem như là một cá nhân tách biệt với các thành viên và chủ sở hữu của nó.
Nếu pháp nhân một khi không được coi là chủ thể của tội phạm, tức là mọi hành vi, việc làm của pháp nhân cho dù có nguy hiểm cho xã hội đến đâu cũng không được coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự thì các quan hệ xã hội bị xâm hại sẽ không được bảo vệ.
Do vậy, việc đặt pháp nhân vào chủ thể và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu pháp nhân vi phạm theo quy định của luật là hoàn toàn chính xác.
Vậy, câu hỏi được đặt ra, khi pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình thức xử lý và chế tài áp dụng sẽ như thế nào, vì suy cho cùng pháp nhân cũng là một tổ chức, pháp luật không thể "bỏ tù" cả một tổ chức được.
Từ dông dài kể trên, cho thấy rất có thể sau thời gian tạm giam, luật sư Đặng Đình Bách và nhà báo Mai Phan Lợi sẽ được trả tự do, vì nếu có trốn thuế ở đây, thì phải là ‘pháp nhân thương mại’, chứ cá nhân chỉ có thể liên quan đến thuế thu nhập cá nhân mà thôi.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 04/07/2021
**********************
Nhà báo Mai Phan Lợi bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc trốn thuế
RFA, 02/07/2021
Nhà báo Mai Phan Lợi vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt giam hôm 2/7 với cáo buộc trốn thuế theo Điều 200 Bộ Luật Hình sự. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.
Nhà báo Mai Phan Lợi - Facebook nhân vật
Ngoài ông Lợi, Công an Hà Nội cũng khởi tố thêm một bị can khác nhưng danh tính chưa được công bố.
Nhà báo Mai Phan Lợi từng là Phó tổng thư ký toà soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội.
Vào năm 2016, ông Lợi bị thu hồi thẻ nhà báo sau khi tiến hành một cuộc thăm dò trên một diễn đàn trên Facebook về vụ máy bay CASA 212 của quân đội Việt Nam mất tích.
Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc rút thẻ nhà báo của ông Lợi, Bộ này cáo buộc ông Lợi đã "xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo"
Ông Lợi sau đó đã lên diễn đàn Nhà Báo Trẻ trên Facebook mà ông là quản trị viên để thông báo là ông sẽ kiểm điểm một cách thành khẩn, nghiêm túc và chờ đợi những hậu quả khác mà sai lầm do ông gây nên.
Nhà báo Mai Phan Lợi cũng là người thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm trực tuyến trên mạng xã hội Facebook (nhóm Góc nhìn Báo chí - Công dân)với các chuyên gia trong nước về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Mai Phan Lợi cũng một trong sáu người đại diện cho một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội vào tháng 5 năm 2016.
Nguồn : RFA, 02/07/2021