Các Khôi nguyên Giải thưởng Môi trường Goldman vào ngày 14/9/2022 đã gửi thư cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc về trường hợp Chính phủ Việt Nam kết án tù đối với một số nhà hoạt động môi trường bằng tội danh "trốn thuế" như bà Ngụy Thị Khanh và ông Đặng Đình Bách.
Chuyên gia môi trường Ngụy Thị Khanh công bố chỉ số chất lượng không khí ngay tại văn phòng của mình ở Hà Nội (năm 2018) - Reuters
Căn cứ của chính quyền : nhận tài trợ mà không khai báo
Trên truyền thông Nhà nước Việt Nam, người ta có thể tìm thấy một mô tả tương đối chi tiết về tội "trốn thuế" của ông Bách. Tuy nhiên, người ta khó tìm thấy các mô tả chi tiết về tội danh "trốn thuế" của bà Khanh.
Trao đổi với RFA, một luật sư thông thạo về môi trường pháp lý của Việt Nam và thấu tỏ trường hợp bà Ngụy Thị Khanh, xin giấu tên và cho biết rằng không có bằng chứng bà Ngụy Thị Khanh hay ông Đặng Đình Bách vi phạm các thủ tục hình sự :
"Chính quyền không áp dụng Nghị định 80 mà áp dụng Luật Quản lý thuế đối với bà Khanh. Bà Khanh đã nhận 200.000 USD (tương đương khoảng hơn 4,5 tỷ đồng) tài trợ từ Giải thưởng Môi trường Goldman vào tài khoản của mình nhưng không kê khai nộp thuế (10%).
Tại phiên tòa, bà Khanh cho rằng bà hiểu nhầm là tiền sử dụng vào mục đích công ích nên không phải nộp thuế. Vì vậy, họ áp dụng Điều 200 , Bộ Luật hình sự (tội trốn thuế) đối với bà.
Trên thực tế, trong những trường hợp tương tự, bạn chỉ phải nộp thuế (bị truy thu thuế) và phải nộp phạt.
Ngoài ra không có bằng chứng vi phạm thủ tục hình sự. Tất cả đã được thực hiện một cách hoàn hảo.
Đối với trường hợp của ông Đặng Đình Bách : Cũng cùng một kịch bản với bà Khanh, chỉ là vụ bị khép vào án trốn thuế do tổ chức của anh ấy thực hiện nhưng anh Bách là giám đốc.
Trường hợp của Mai Phan Lợi cũng vậy. Đó là lý do tại sao cả hai tổ chức buộc phải đóng cửa trong khi GreenID của bà Khanh vẫn còn.
Nghĩa vụ khai thuế cá nhân và tổ chức NGO ở Việt Nam và Mỹ
Ở Mỹ, Cục Thuế Liên bang quy định các tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế nhưng phải khai báo nguồn thu và chi để được hoàn thuế (ngoại trừ các tổ chức tôn giáo và thuộc chính phủ). Các trường hợp làm sai sẽ bị truy thu thuế và nộp phạt. Những trường hợp lừa dối thì bị xử lý hình sự.
Ở Việt Nam, như vị luật sư nêu trên cũng đã chỉ ra, trường hợp không kê khai nguồn thu để nộp thuế, thông thường chỉ bị phạt và truy thu thuế. Biện pháp hình sự chỉ áp dụng khi có biểu hiện lừa dối rõ ràng.
Nhưng đối với những tổ chức xã hội dân sự như Green ID của bà Ngụy Thị Khanh, chính quyền không truy thu thuế mà bỏ tù người lãnh đạo của tổ chức, theo Bộ Luật Hình sự. Theo vị luật sự nêu trên, bà Khanh dùng tài khoản cá nhân để nhận 200.000 USD tiền giải thưởng của Giải thưởng Môi trường Goldman và không khai thuế (10%). Số tiền bà nhận từ Giải thưởng Môi trường Goldman được chính quyền tính là thu nhập cá nhân.
Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam quy định : Cá nhân "trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng" thì "bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm". Ở đây, Luật hình sự để ngỏ hai khả năng : phạt tiền hoặc bỏ tù. Cơ quan chức năng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xử phạt hành chính hoặc hình sự hóa. Bà Ngụy Thị Khanh bị xử ở mức hình sự.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, nếu "quên kê khai thuế", ở Việt Nam thông thường người ta chỉ truy thu thuế và phạt tiền chứ không hình sự hóa. Ví dụ mới đây, truyền thông Nhà nước cho hay có "38 cá nhân có thu nhập 'khủng' từ Google bị phạt, truy thu thuế tới 169 tỷ đồng". Câu hỏi đặt ra là tại sao những người làm kinh doanh kiếm lợi nhuận mà quên kê khai thuế thì được truy thu thuế và nộp phạt, còn những nhà hoạt đông môi trường và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thì bị bỏ tù, thay vì truy thu thuế, trong khi cơ quan công tố không cho thấy họ có vi phạm thủ tục hình sự khi chi tiêu số tiền đó cho tổ chức.
Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia trên thế giới (Anh, Mỹ, Canada…) và Giải thưởng Môi trường Goldman đã phản đối bản án hình sự đối với bà Ngụy Thị Khanh và ông Đặng Đình Bách. Họ cho rằng tội danh "trốn thuế" là một cách thức Chính phủ Việt Nam sử dụng để kiểm soát các nhà hoạt động môi trường.
Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc tổ chức phi chính phủ BPSOS, cho rằng có sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong quản lý thu nhập của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Cả hai nước đều yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận kê khai nguồn thu, nhưng Mỹ sẽ miễn thuế còn Việt Nam đánh thuế thu nhập 10% đối với các khoản tài trợ họ nhận được. Ngoài ra, Việt Nam yêu cầu các tổ chức dân sự (có phép) phải nộp hồ sơ xin phép nhận tài trợ, và phải được phê duyệt thì mới được nhận (Nghị định số 80/2020/NĐ-CP). Khi các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận không báo cáo số tiền nhận tài trợ để nộp thuế 10%, Việt Nam kết án tù lãnh đạo và đóng cửa tổ chức này.
Theo Tiến sĩ Thắng, các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, dù được cấp phép hay không, phải học bài học về minh bạch tài chính. Ông khẳng định rằng minh bạch về tài chính là điều kiện tiên quyết để có một nền dân chủ thực sự. Tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài chính tại các tổ chức NGO là phải bảo đảm khả năng có thể truy vấn cụ thể việc thu và chi trong tổ chức, có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, khoa học. Nói cách khác, các hoạt động thu và chi phải được một tổ chức kiểm toán chuyên nghiệp và độc lập kiểm tra.
Cũng theo Tiến sĩ Thắng, bạch hóa thông tin vẫn chưa phải là minh bạch. Ông lấy ví dụ trường hợp các nghệ sỹ làm từ thiện. Họ nhận hàng chục tỷ đồng do người dân đóng góp, tự mang đi phân phát. Có những tiếng nói tố cáo, công an vào cuộc điều tra rồi kết luận họ không có tội. Họ đã in sao kê ngân hàng để chứng minh thu và chi. Thực ra bản sao kê đó chưa đủ để xác minh thu và chi của một hoạt động từ thiện. Chỉ khi có một tổ chức kiểm toán độc lập xem xét hoạt động thu chi đó bằng các nghiệp vụ kiểm toán thì mới rõ ràng được.