Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/10/2022

Ngập lụt đô thị, GDP tích cực, Đồng Tâm, Titan Bình thuận

RFA tiếng Việt

Ngập lụt đô thị : trách nhiệm cá nhân hay hệ thống chính trị ?

RFA, 28/10/2022

Một Đại biểu quốc hội mới đây cho rằng cần xác định trách nhiệm cá nhân lãnh đạo khi một thành phố lớn bị ngập lụt. Đại biểu quốc hội Hoàng Đức Thắng, thuộc đoàn Quảng Trị, đưa ra yêu cầu vừa nêu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 27/10/2022.

vn1

Xe máy và xe hơi đi qua đoạn đường ngập nước ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP PHOTO

Ông Thắng cho rằng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được đầu tư lớn, nhưng chưa đủ trước biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu cực đoan. Vì lợi ích trước mắt, các cơ quan bỏ qua những hệ lụy có thể xảy ra, mỗi con đường, mỗi khu dân cư, công trình đô thị mọc lên luôn rình rập sự quá tải của hệ thống thoát nước. Ông Thắng nói thêm : "Như vậy không ngập úng mới là chuyện lạ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai".

Cả thành phố lớn bị ngập lụt đâu thể chỉ do một con đường hay một khu phố, mà là lỗi quy hoạch nhiều chục năm trước, trách nhiệm cả bộ máy, trách nhiệm của thể chế sao có thể bắt một người chịu trách nhiệm ?

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi khí hậu và tài nguyên nước – Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 28/10, cho biết :

"Rất là khó quy trách nhiệm cho một cá nhân nào. Vì cái này là do sự điều hành từ nhiều năm và các cộng đồng đó chưa có thật sự quan tâm chuyện nạo vét các kênh mương thoát nước, hay cống rãnh. Đôi khi cũng là do nhu cầu sức ép dân số quá lớn, nên đô thị phải mở rộng ra, mặt đất phải san lấp bê tông hóa, lúc đó khả năng thoát nước sẽ kém đi".

Liên quan những trận mưa lớn gần đây gây ngập một loạt thành phố lớn ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng mưa cũng không hẳn là nguyên nhân gây ngập :

"Thời gian gần đây có những trận mưa bất thường rất lớn, tập trung trong thời gian rất ngắn, nhưng tôi cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính gây ngập trong các đô thị lớn hiện nay. Đó là do vấn đề các cơ sở hạ tầng thoát nước, tức là hệ thống không đáp ứng được khi lượng nước tập trung nhiều, do các cống rãnh thiết kế cũ, không được mở rộng nâng cấp kịp thời. Một cái nữa là đôi khi mặt đất đã bị bê tông hóa do quá trình đô thị hóa, làm cho nước không ngấm xuống, thoát nước khó khăn, làm tình trạng ngập gia tăng. Đó là chưa kể một số đô thị lớn ví dụ như Sài Gòn, Cần Thơ hay Cà Mau bị lún, làm cho nước thoát đi khó khăn hơn".

Mưa lớn trong những ngày 14 và 15/10/2022 đã gây ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Đơn cử như thành phố Đà Nẵng ngập từ 0,5 đến 1,5 mét, có nơi ngập đến hai mét. Theo thống kê của chính quyền Thành phố Đà Nẵng, mưa lớn đã khiến bốn người chết, gần 3.900 ngôi nhà bị ngập sâu, hơn 200 ngàn hộ dân bị mất điện.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đã có quy hoạch thoát nước mưa và nước thải được phê duyệt từ năm 2001. Đến năm 2008, quy hoạch thoát nước triều và nước lũ tiếp tục được phê duyệt. Từ năm 2011, Thành phố Hồ Chí Minh xác định giảm ngập nước là một trong bảy chương trình trọng điểm cần tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án thực hiện. Tuy nhiên đến nay, tình trạng ngập nước khi mưa hay triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không hề giảm.

Anh Nguyễn Kế Quang, kỹ sư xây dựng, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng :

"Cái gốc vấn đề là quy hoạch. Khi quy hoạch, phát triển một đô thị thì phải tính đến việc xây dựng các công trình hạ tầng. Hệ thống thoát nước mình làm không chuẩn cho nên dù có hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn không hết ngập. Việc quy hoạch liên quan đến ý thức và tầm nhìn của người lãnh đạo. Người lãnh đạo giỏi khi quy hoạch một thành phố phải có tầm nhìn 50, 70, 100 năm sau".

vn2

Ngập lụt sau cơn mưa lớn ở Hà Nội. Reuters.

Không chỉ các thành phố lớn, chỉ một cơn mưa kéo dài hơn 30 phút đổ xuống thành phố Đà Lạt hôm 1/9/2022 đã khiến nhiều tuyến đường, cửa hàng và nhà dân ngập gần một mét. Những hình ảnh phố núi Đà Lạt, với độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển, bị chìm ngập trong nước chỉ sau một cơn mưa cho thấy việc quy hoạch thành phố này rõ ràng có vấn đề.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 28/10 đưa ra nhận định dưới một góc nhìn khác :

"Lúc này Quốc hội mới đưa ra vấn đề trách nhiệm của ai đối với việc ngập nước các thành phố lớn, thì tôi cho rằng đó là điều đáng chê trách đầu tiên và đáng chê trách nhiều nhất với tầm nhìn của một Nhà nước chịu trách nhiệm trước gần 100 triệu dân.

Cái thứ hai, tình trạng ngập lụt ở các thành phố lớn hiện nay diễn ra do đâu ? Đó chính là nhà cầm quyền cộng sản Việt Namdựa trên chủ thuyết Mác-Lênin, từ đó sinh ra nhà nước công nông. Nhà nước này có hai đặc trưng quan trọng thứ nhất là coi thường thậm chí khinh rẻ trí thức nói chung và trí thức trong quy hoạch đô thị nói riêng. Cái đặc trưng thứ hai của nhà nước công nông đó là đặt quyết tâm chính trị lên trên tất cả những quy luật kinh tế, xã hội để quản trị cả một quốc gia. Đó là đặc trưng làm cho cả xã hội ngày càng điêu tàn nói chung và trong vấn đề ngập lụt ở các đô thị nói riêng".

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính vì đặc trưng của nhà nước công nông nên sinh ra tư duy nhiệm kỳ. Mà quy hoạch đô thị không thể có tư duy nhiệm kỳ. Ông Già cho rằng, chính vì tư duy nhiệm kỳ đã phá hết quy hoạch. Ông nói tiếp :

"Một cái nữa kinh khủng nhất, là vấn nạn tham nhũng. Bằng chứng là tất cả các khu đô thị hiện nay nạn tham nhũng đã phá nát hết quy hoạch. Tóm lại nhà nước công nông với hai đặc trưng là coi thường trí thức và đặt quyết tâm chính trị lên trên hết. Cùng ba hệ quả là bản chất nông dân, tư duy nhiệm kỳ và tham nhũng đã phá nát toàn cõi Việt Nam nói chung, cũng như trong lĩnh vực quy hoạch đô thị nói riêng".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nếu còn tồn tại mô hình nhà nước công nông, dù dưới trạng thái nào, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục loay hoay, bế tắc trước thực trạng toàn xã hội nói chung, cũng như thực trạng về quy hoạch đô thị nói riêng. Theo ông Già, điều đó có nghĩa rằng cảnh ngập lụt vẫn triền miên tiếp tục, không có gì thay đổi.

**************************

Fitch đánh giá triển vọng tăng trưởng GDP tích cực đối với Việt Nam, cảnh báo về dự trữ ngoại hối

RFA, 28/10/2022

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings mới đây xếp Việt Nam ở triển vọng tích cực trong Đánh giá Nhà phát hành nợ bằng ngoại tệ dài hạn (IDR), tức ở mức BB.

vn3

Công nhân vận chuyển vật liệu xây dựng trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/9/2022 - AFP

Trong bài phân tích đăng trên trang web của Fitch Ratings hôm 28/10, tổ chức này đánh giá triển vọng tăng trưởng mạnh của Việt Nam phản ánh qua triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn, nợ chính phủ thấp hơn so với các quốc gia tương ứng và hồ sơ nợ bên ngoài tốt. Fitch dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,4% trong năm 2022 do sự phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ của Việt Nam.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn liên quan đến những ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine và các điều kiện cho vay bị thắt chặt hơn trên toàn cầu.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 được Fitch dự đoán sẽ ở mức 6,2%.

Thương mại mở của Việt Nam được Fitch xác định là sẽ khiến quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc. Dự đoán xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 17% trong chín tháng đầu năm nay so với mức tăng 18% trong cùng kỳ năm trước đó.

Một vấn đề khác được Fitch đưa ra trong đánh giá của mình về Việt Nam là mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn dưới 100 tỷ đô la do việc Việt Nam phải bán đô la ra để ổn định tỷ giá tiền đồng và tiền đô la Mỹ thời gian qua. Theo số liệu của Chính phủ được Fitch trích đăng, vào khoảng cuối năm 2021, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam là khoảng 109 tỷ đô la. 

Mức nợ chính phủ nằm dưới mức BB với tỷ lệ nợ trên GDP được Fitch dự đoán là 41,3% trong năm 2022. Mức này ở năm 2021 là 39%. Lý do tỷ lệ này tăng là vì thâm hụt ngân sách tăng và ở mức 4,5% GDP trong năm 2022. 

***********************

Đồng Tâm : Chính quyền xã xây nhà văn hóa trên đất nhà thờ bị người dân phản đối

RFA, 28/10/2022

Hai năm sau biến cố Đồng Tâm, chính quyền xã thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội lại có kế hoạch xây dựng công trình công cộng trên mảnh đất thuộc sở hữu của nhà thờ Thượng Lâm cho dù vấp phải sự phản đối của giáo xứ.

vn4

Các giáo dân đặt tượng Đức Mẹ tại nhà văn xóa xã Đồng Tâm ngày 22/12/2020 - Hội Cờ Đỏ

Theo Fanpage Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội, chính quyền xã Đồng Tâm có kế hoạch xây dựng, cải tạo nhà văn hóa tại khu vực đất Song Bát vào ngày 28/10. Mảnh đất này có diện tích hai mẫu đất (mẫu Bắc Bộ 3.600 mét vuông), thuộc Giáo xứ Thượng Lâm.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thoan, Linh mục chính xứ Thượng Lâm, qua tin nhắn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết, khu đất này thuộc về giáo xứ Thượng Lâm cách đây hơn 100 năm, do Cha Loan (Hội thừa sai) mua để giúp việc dầu đèn nhà thờ.

Theo linh mục này, đến năm 1956 có giấy của ông Nguyễn Chí Trực- Chủ tịch tỉnh Hà Đông (tỉnh cũ) cấp nhằm giúp các ông bõ nhà thờ và dầu đèn, và tránh bị nhập vào quỹ đất Hợp tác xã.

Bản sao giấy Quyết Nghị về việc để lại ruộng đất cho nhà thờ xứ ở xã Đồng Tâm do ông Chủ tịch tỉnh Hà Đông ký vào ngày 27/6/1956 thể hiện, "Ủy ban hành chính tỉnh đồng ý để lại cho nhà thờ xứ ruộng 2 mẫu đất để xử dụng vào việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có điều kiện sinh sống làm việc tôn giáo".

Tuy nhiên, tới năm 1972, chính quyền xã Đồng Tâm tự động chiếm dụng khu đất này, linh mục Thoan cho biết qua tin nhắn :

"Khi linh mục Viên (linh mục Gioan Nguyễn Trọng Viên - PV) về giáo xứ năm 2012, ngài đã làm đơn xin chính quyền địa phương trả lại đất.

Từ khi về quản giáo xứ năm 2018, tôi có 12 lần gửi đơn lên chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị trả lại đất cho giáo xứ để có đủ diện tích sinh hoạt tôn giáo ngoài trời, nhưng chính quyền vẫn không giải quyết. Hiện nay, chính quyền xã Đồng Tâm đang có dự án xây lại nhà văn hóa ở đó".

Một người dân ở thôn Hoành nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết khu đất Song Bát trước kia là ruộng và nhiều giáo dân Thượng Lâm tận dụng để trồng rau muống trước khi chính quyền xã cho người đổ đất san nền và sau đó xây dựng nhà văn hóa xã.

Chính nơi này là địa điểm người dân xã Đồng Tâm dùng để giữ 37 cảnh sát cơ động trong vụ bắt con tin giữa tháng tư năm 2017 khi nhà chức trách Hà Nội đưa lực lượng vào để trấn áp người dân trong xã trong vụ tranh chấp 59 hecta đất ở đồng Sênh.

Một người thuộc giáo xứ Thượng Lâm cho hay, nhà thờ Thượng Lâm thường tổ chức sự kiện tôn giáo ở khu vực Song Bát, nhưng gần đây thường bị ngăn cản bởi chính quyền xã.

Cũng theo bà này, hồi năm 2021, giáo dân dựng rạp, tượng và trang trí Noel ở khu vực này nhưng bị chính quyền đưa người đến tháo dỡ và chở đi nơi khác.

Trong bài viết "Linh mục Nguyễn Văn Thoan cần xem xét lại !" đăng trên trang báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân hồi tháng 12/2020, cho rằng linh mục Nguyễn Văn Thoan - Giám quản Thượng Lâm-Phúc Lâm, cùng một số công dân theo Thiên chúa giáo tại Đồng Tâm ngang nhiên dựng thánh giá, dựng tượng Đức mẹ ở ngoài và trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Hoành.

Cũng theo trang này, điểm sinh hoạt văn hóa của nhân dân thôn Hoành, hoàn toàn không liên quan bất kỳ tôn giáo nào.

Báo Hà Nội Mới trong năm 2020 cũng có bài viết nói UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý về chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình trường học và nhà văn hóa thôn ở xã Đồng Tâm.

Fanpage Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội cho biết, trong buổi sáng ngày 27/10, giáo viên của Trường Phổ thông Trung học Mỹ Đức B đã gặp gỡ các học sinh theo đạo Công giáo ở Đồng Tâm để yêu cầu họ không được tham gia vào việc tranh chấp đất.

Phóng viên nhắn tin và liên lạc với Fanpage trên để xác minh nhưng không nhận được câu trả lời. Chúng tôi cũng gọi điện thoại vào số máy của Trường Phổ thông Trung học Mỹ Đức B và Uỷ ban Nhân dân huyện Mỹ Đức để hỏi về vụ việc trên nhưng không có ai nghe máy.

Đồng Tâm cũng là nơi xảy ra tranh chấp đất đai xung quanh khu vực đồng Sênh có diện tích 59 hecta. Người dân trong xã nói đây là đất của dân địa phương trong khi chính quyền Hà Nội nói đó là đất quốc phòng và có kế hoạch trao nó cho một doanh nghiệp quốc phòng để làm dự án.

Đầu năm 2020, Bộ Công an Việt Nam và Công an thành phố Hà Nội điều động khoảng 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành, bắn chết thủ lĩnh tinh thần là ông Lê Đình Kình, và bắt giữ khoảng 30 người khác.

Những người dân Đồng Tâm này bị tuyên hai mức án tử hình, một án chung thân và nhiều bản án tù khác vì bị cho là tham gia trong vụ làm chết 3 sĩ quan công an.

Hiện mảnh đất đồng Sênh được quây kín và bỏ không, độc lập với khu đất quốc phòng hơn 200 hecta thuộc sân bay Miếu Môn dưới sự quản lý của Quân chủng Phỏng không Không quân.

**********************

Bình Thuận : Công ty khai thác titan thiếu biện pháp an toàn khiến bốn công nhân chết

RFA, 28/10/2022

Ủy ban nhân dân Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận, vào ngày 28/10 họp báo về vụ sạt lở mỏ titan Nam Suối Nhum khiến bốn công nhân tử nạn hôm 15/10 vừa qua.

vn5

Hiện trường vụ sạt lở mỏ titan Nam Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - Báo Nông Nghiệp

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn kết luận điều tra được phó Chủ tịch UBND huyện Bình Thuận Nam công bố tại cuộc họp báo. Theo đó, vào thời điểm tổ chức di dời cát tại bãi thải thuộc khai trường 1, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Cường đã không xây dựng phương án để tổ chức di dời, không có phương án bảo đảm an toàn lao động cho công nhân, công nhân không được trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ an toàn lao động.

Thực tế đó khiến khi xảy ra vụ sạt lở cát vào chiều ngày 15/10, có bốn công nhân bị vùi lấp khi đang làm việc và tử vong.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Cường có trụ sở chính đặt tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Ông Nguyễn Hoàng Trung, ngụ tại Phan Thiết, là Giám đốc và là người chịu trách nhiệm chính khi quyết định áp dụng phương pháp dùng lực nước để di dời cát thải tại bãi thải của khai trường 1.

Việc khai thác quặng titan có trong cát ven biển miền Trung đã tạo ra những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường trong nhiều năm nay.

Vào tháng 11/2013, bùn đỏ từ các khu vực khai thác titan tại huyện Hàm Thuận Nam đã tràn vào khu vực nhà dân, ruộng đồng, làm thiệt hại rất nhiều hoa màu.

Tháng ba, năm 2014, một cuộc biểu tình lớn tại khu khai thác titan ven biển tỉnh Ninh Thuận, đã dẫn tới bạo động, đốt nhà xưởng, và vài người bị bắt.

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)