Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, vừa ra văn bản nói khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách "mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, tự nguyện xin từ chức".

tuchuc1

Đây là nội dung chủ chốt của kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm

Với các Ủy viên Trung ương Đảng sau khi từ chức, miễn nhiệm nhưng vẫn còn muốn công tác, thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác "phù hợp với từng trường hợp cụ thể".

Với cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương, sau khi từ chức, miễn nhiệm nhưng vẫn còn muốn công tác, thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.

Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên

Với cán bộ cấp cao như Ủy viên Trung ương, thì sẽ do Bộ Chính trị xem xét. 

Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.

Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Các hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên

Khoản 2 Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định các hình thức kỷ luật gồm :

- Với tổ chức Đảng : Khiển trách, cảnh cáo, giải tán ;

- Đảng viên chính thức : Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ;

- Đảng viên dự bị : Khiển trách, cảnh cáo. 

Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì vẫn bị xem xét, kết luận.

Ngoài ra, Quy định 102 năm 2017 khẳng định :

- Đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ ;

- Đảng viên bị Tòa án tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ ; nếu bị phạt bằng hình thức thấp hơn như phạt cải tạo không giam giữ hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, tính chất, tác hại… mà xem xét, thi hành kỷ luật Đảng thích hợp ;

- Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, đoàn thể hoặc các hình thức xử lý khác của pháp luật…

Nguồn : BBC, 20/09/2022

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

‘Từ chức’ là hiện tượng các cán bộ lãnh đạo ‘tự nguyện’ rời bỏ chức vụ, quyền hạn hiện có, được cho là ‘chuyện lạ’, ‘hiếm gặp’ trong cơ chế đặc quyền đặc lợi, nhưng gần đây hiện tượng này ‘lây lan’ từ chức vụ cấp thấp đến cao, từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác trong nhiều địa phương phản ánh tình trạng bất ổn của chế độ.

daihoi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) phát biểu trước các Uỷ viên Ban chấp hành trung ương đảng tại lễ bế mạc đại hội đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016 - AFP

Bản chất chế độ đặc quyền có nguồn gốc lịch sử từ nhà nước phong kiến tập quyền, trong đó hiện tượng ‘từ quan’ thường diễn ra trong giai đoạn suy vong của triều đại. Triều đại khác lên thay thế, điều chỉnh chính sách để rồi tiếp tục duy trì chế độ này theo chu kỳ thịnh – suy, mà không thay đổi về bản chất.

Ngày nay, mô hình Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện cũng dựa trên chế độ đặc quyền, đặc lợi cho các lãnh đạo đảng viên. Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường sự tha hóa quyền lực ngày càng nghiêm trọng dẫn tới suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tham nhũng… của ‘bộ phận không nhỏ’ trong giới lãnh đạo. Đảng tiến hành ‘chỉnh đốn’ nội bộ, tự kiểm soát quyền lực để duy trì chế độ, tuy nhiên bối cảnh thế giới tạo ra sự lựa chọn khác : chế độ kiểm soát quyền lực theo hướng dân chủ phù hợp với kinh tế thị trường

‘Suy thoái nghiêm trọng’

Hiện tượng ‘từ chức’, ‘từ quan’ về hình thức là quan chức tự nguyện rời bỏ với những lý do cá nhân, nhưng thực ra thường che giấu ‘sự bất đồng’ hoặc một động cơ có chủ đích, vụ lợi tuỳ bối cảnh.

Khoảng 20 năm trước có một vị vụ trưởng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo từ chức do ‘bất đồng quan điểm’ trong chuyên môn được coi là 'sự kiện lịch sử', gây ‘xôn xao’ dư luận, nhưng nay trong thời kỳ bất ổn thể chế hiện tượng này đang có xu hướng ‘lây lan’, phức tạp, phản ánh tình hình suy thoái nghiêm trọng của chế độ đặc quyền, đặc biệt khi chiến dịch chống tham nhũng được thực thi quyết liệt hơn từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12, năm 2016 đến nay.

Ngày 23/6/2020 truyền thông nhà nước đưa tin, và được cơ quan Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi xác nhận rằng, dàn lãnh đạo tỉnh, gồm đương kim Bí thư và Chủ tịch tỉnh, có đơn xin ‘thôi chức, nghỉ hưu theo chế độ’. Lưu ý rằng chức bí thư tỉnh, theo cơ cấu trong đảng, là ủy viên Ban chấp hành Trung ương’ – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Ngoài ra, vị bí thư này sinh năm 1963, nghĩa là còn 3 năm nữa mới ‘phải’ về hưu theo quy định. Bản tin trên cũng cho biết rằng trước đó hai vị lãnh đạo cấp tỉnh này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì họ đã vi phạm ‘khuyết điểm nghiêm trọng’ về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hai nhiệm kỳ liên tiếp 2010 – 2015, 2015 – 2020.

daihoi2

Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ. Báo Chính Phủ

Việc gửi đơn xin thôi chức của các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, như truyền thông bình luận, cũng ‘na ná’ như các trường hợp xảy ra trước đó không lâu, như vụ ông Võ Kim Cự - cựu Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh – nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Năm – nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thay bà Thanh trong thời gian ngắn... Nhiều ý kiến cho rằng các vị này ‘từ quan’ là ‘bất đắc dĩ’, không còn sự lựa chọn khác, thậm chí để lợi dụng ‘ưu thế đặc quyền’ của chế độ đảng trị hòng mong có thể được giảm nhẹ ‘sự trừng phạt’ của Đảng. Bởi vì theo một số ‘tiền lệ’ có hình thức kỷ luật ‘cảnh cáo’, chỉ bị cắt ‘nguyên’ của chức vụ trong thời gian công tác, và ‘hạ cánh an toàn’ mà không chịu chế tài của pháp luật nhà nước.

‘Chu kỳ thịnh – suy’

Hiện tượng ‘từ quan’ trong lịch sử chế độ phong kiến tập quyền cũng ít được ghi chép tỷ mỷ. Việt Nam đã trải qua lịch sử 13 triều đại, trong đó có hai trường hợp điển hình, được ca ngợi là Chu Văn An và Nguyễn Trãi, các vị quan có công lao với chế độ, có lòng tự trọng và bản lĩnh, ‘lui về ở ẩn’ trong bối cảnh triều đình rối ren, suy đồi. Người đời sau tôn vinh họ và phê phán các ‘nguỵ vương’.

Chu Văn An được ca ngợi là vị quan liêm trực thời nhà Trần (1225-1400), đã soạn ‘Thất trảm sớ’ dâng lên vua để đề nghị chém 7 nịnh thần. Tuy nhiên, vị vua này được lịch sử ghi lại là ‘người ăn chơi, thích tửu sắc hát xướng’, bị o bế bởi cận thần bất tài để lộng hành, không biết ‘trị vì’ để xã hội lâm cảnh nhiễu nhương, dân tình đói khổ. Do ‘Thất trảm sớ’ không được thực thi, ông đã ‘lui về ở ẩn’ tại núi Phượng Hoàng, Hải Dương, sống thanh liêm và dạy học. Ngày nay tượng của ông được đặt thờ trong Văn Miếu Quốc tử giám.

Trường hợp thứ hai là Nguyễn Trãi. Ông là công thần khai quốc nhà Hậu Lê, một văn thần với bài ‘Hịch tướng sĩ’ lưu danh, có nhiều đóng góp trong khởi nghĩa Lam Sơn. Tuy nhiên đến thời bình, trong chính trường ‘đấu đá phức tạp’ nhà Hậu Lê, sự nghiệp của ông lúc thăng lúc giáng vì bất đồng quan điểm với một số đại thần khác, một số kế sách không được dùng. Nguyễn Trãi ‘bất đắc chí và lui về ở ẩn’ năm 1439. Ông là nhân vật lịch sử được cho là ‘oan trái’ trong vụ án Lệ Chi viên, khi bị ‘chu di tam tộc’ (chém đầu 3 họ) vì bị ghép tội giết vua Lê Thái Tông. Sau này, năm 1464, vua Lê Thánh Tông chính thức minh oan cho ông.

Fransis Fukuyama, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của Hoa Kỳ, trong nghiên cứu mới đây có nhận định rằng, chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc có nguồn gốc lịch sử từ chế độ phong kiến tập quyền. Điểm tương đồng chủ yếu của chúng là duy trì chế độ đặc quyền để cai trị và quyền lực tập trung cao độ, dưới thời phong kiến vào các vị vua, chúa hay hoàng đế, và thời nay là lãnh tụ tối cao của Đảng cộng sản. Trong thời kỳ đầu của chế độ cộng sản các vị lãnh tụ thường cai trị suốt đời, cho đến chết. Quan lại trong bộ máy cai tri đòi hỏi phải trung thành và phục tùng tuyệt đối. Bởi vậy, hiện tượng từ quan, từ bỏ ‘ân huệ, đặc quyền’ là hiếm gặp, hơn thế có thể bị nghi ngờ về động cơ và bị giám sát.

Cả hai kiểu chế độ như vậy, về cơ bản đều vận hành theo chu kỳ thịnh – suy tuỳ thuộc vào ‘sự anh minh’ của các vị vua hay ‘hồng và chuyên’ của lãnh tụ cộng sản. chế độ phong kiến tập quyền trước kia không có sự lựa chọn, bởi vậy triều đại này khi suy vong sẽ thay thế triều đại khác tạo nên chu kỳ trong lịch sử hàng ngàn năm tồn tại. Tuy nhiên, trong bối cảnh chế độ phong kiến bị thay thế bởi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tiến bộ hơn, chế độ cộng sản đã có thể có sự lựa chọn khác khi buộc phải ‘mở cửa và cải cách’, chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

‘Sự lựa chọn’

Mô hình Liên Xô đã sụp đổ gần 30 năm trước. Trung Quốc, Việt Nam… tiếp tục duy trì chế độ toàn trị bằng cách ‘mở cửa’ với thế giới để đón nhận vốn đầu tư nước ngoài và ‘cải cách’ thể chế kinh tế theo hướng thị trường. Thành công trong tăng trưởng kinh tế là ‘cứu cánh’ cho tính chính danh của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo kiểu mô hình Trung Quốc cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ của ‘quan chức’ trong chế độ đặc quyền, và Mikhail Gorbachov là tội đồ. Mỗi khi thể chế bất ổn thì sự ‘chỉnh đốn’ nội bộ được tăng cường, mà chiến dịch chống tham nhũng ‘không vùng cấm’ là giải pháp ‘cực chẳng đã’ để quyền lực được tập trung cao hơn. Ngoài ra, bất kỳ sự chống đối nào từ bên dưới hay phe phái đều bị đàn áp. Tính chất chuyên chế là ‘bùa hộ mệnh’ để kiểm soát quyền lực tha hóa và duy trì chế độ theo chu kỳ thịnh – suy.

Tuy nhiên, mâu thuẫn đã diễn ra ngày càng gay gắt giữa quá trình tập trung quyền lực như một đặc tính của chế độ đặc quyền và quá trình phân cấp, phân quyền cho các địa phương, sự tự chủ của các chủ thể kinh tế và cá nhân xuất phát từ các nguyên tắc vận hành của thị trường. Hậu quả là quyền lực bị tha hóa nghiêm trọng, trục lợi, tham nhũng lan rộng. Trong bối cảnh này chế độ Đảng cộng sản toàn trị đề cao các biện pháp ‘tự kiểm soát’ quyền lực trong khi trên thế giới, trong các nước tư bản chủ nghĩa phát triển có chế độ dân chủ, theo đó quyền lực được kiểm soát dựa trên thể chế tam quyền phân lập, hệ thống pháp quyền, xã hội dân sự và đề cao quyền con người.

Đại hội 13 tới đây sẽ bàn thảo về nỗ lực ‘chỉnh đốn đảng’ để ‘đảng và nhà nước cùng mạnh’, thực chất vẫn là duy trì chu kỳ thịnh – suy của mô hình toàn trị dựa vào tập trung quyền lực và trừng phạt quan chức suy thoái. Sự lựa chọn ‘cơ chế kiểm soát quyền lực’ bằng chế độ dân chủ vẫn là thách thức trong tương lai gần.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 29/06/2020

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn

Trong tuần qua, nhiều báo đưa tin về việc, tại phiên chất vấn sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, liên quan đến việc ‘chủ động từ chức khi không còn uy tín’. Trả lời câu hỏi này, ông Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ chức là một vấn đề mới và mang tính tự nguyện, bởi luật chưa quy định rõ ràng.

quydinh1

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên, liên quan đến việc ‘chủ động từ chức khi không còn uy tín’.

Vấn đề từ chức trong hệ thống cán bộ Việt Nam hiện nay là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go và phức tạp, nó không chỉ biểu hiện bằng sự giằng co giữa lợi ích nhóm, mà còn là biểu hiện đặc trưng của tính chất bám rễ trong đời sống chính trị Việt Nam.

Từ dự thảo nêu gương đến ‘mất mát’ trong quy định chính thức

Cách đây không lâu, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương trước hết của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhiều báo sau đó đã đưa những thông tin liên quan đến Dự thảo này, trong đó nổi bật nằm ở Điều 2 (dự thảo chỉ có 4 điều) : 

Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật…

Nguyên lý của quy định nêu gương này sau đó được ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích bằng cụm từ : phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Điều này là nhằm chấn chỉnh lại đạo đức và tác phong cán bộ để ‘tránh đánh mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng’.

Nhưng sau khi kết thúc thảo luận, trong bản chính thức được ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành (25/10/2018), thì nội dung của Điều 2 nêu trên bị cắt bỏ một phần quan trọng, chỉ còn vỏn vẹn : Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, từ quy định tính trách nhiệm cực kỳ cao là ‘bản thân không còn đủ điều kiện, uy tín, để mất đoàn kết, để cấp dưới tham nhũng, lãng phí...’ thì nay chỉ còn dừng ở phạm vi rất chung chung ‘không đủ điều kiện năng lực, uy tín’.

Sự thay đổi này chứng tỏ trở lực của quy định từ chức ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, và càng cho thấy rằng, quá trình chống tham nhũng (khi không gắn với tính trách nhiệm) là cực kỳ khó khăn, gian nan. Hiệu quả chống tham nhũng nếu có (xuất phát từ phong trào ‘đốt lò’ của ông Tổng bí thư) chỉ giải quyết ở mức ngọn, và sẽ tiếp diễn tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’. Hệ quả giám sát của cấp ủy trên đối với cấp dưới trở nên vô nghiệm và không mang tính răn đe cao. Ít nhất, khi mà bản thân lãnh đạo không còn chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cấp dưới, sẽ khiến họ có xu hướng ‘giơ cao đánh khẽ’.

Không đâu xa xôi, tuyên bố của ông Đoàn Ngọc Hải phó Chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã nói ra vào ngày 20/02/2017 về vấn đề trật tự đô thị vẫn là một bài học đáng giá về cái gọi là tự nguyện... từ chức.

‘Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn...’.

Từ chức là tự nguyện hay bắt buộc ?

Ông Phó Thủ tướng diễn giải rằng, sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể thể hóa ở các văn bản quy phạm pháp luật.

Vấn đề mâu thuẫn mà bản thân ông Phó Thủ tướng không thể lý giải được rằng, văn bản quy phạm pháp luật dù cụ thể hóa từ Nghị quyết Trung ương 8, thì nó phải mang tính rõ ràng, ràng buộc, và chế tài. Nhưng tại Quy định số 08 nêu trên, chỉ có cụm từ ‘chủ động xin từ chức’ thay vì ‘từ chức’. Điều này có nghĩa gì, đó là việc từ chức dù cụ thể hóa đến bao nhiêu thì nó vẫn mang tinh thần ‘tự nguyện’, chứ không phải từ Nghị quyết đảng, đi sang văn bản quy phạm pháp luật lại chuyển hóa bản chất của từ chức, bởi điều này không khác gì việc Nghị quyết chỉ đạo một đàng, văn bản quy phạm pháp luật đi theo một nẻo. Ngược lại, muốn ràng buộc trách nhiệm chắc chắn, thì Quy định 08 phải sửa lại câu từ như đề cập bên trên.

Đặt vấn đề rằng, các văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ đầy đủ ý chí của Quy định 08, thì lúc này từ chức trong tinh thần tự nguyện sẽ vẫn là một việc làm cực kỳ khó đối với các quan phụ mẫu xứ Việt Nam này. Ít nhất là về mặt danh dự và nhân cách lãnh đạo vẫn chưa đủ để tiến hành điều đó, trong khi những lợi ích về quyền và tiền nảy sinh từ chức vụ là cực kỳ lớn.

Trong một bối cảnh, tại Thành phố Đà Nẵng đã đề ra chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng cho cán bộ, lãnh đạo tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ trẻ, sắp xếp lại bộ máy. Và vị ‘cán bộ’ đầu tiên thực hành chính sách này là ông Lê Văn Quang - Phó ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố Đà Nẵng. Mặc dù tự nguyện, nhưng vấn đề là ông Quang sinh năm 1959 (tức lúc từ nhiệm ông đã 59 tuổi). Theo Điều 187 Luật lao động, thì độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, và ông Quang cũng không nằm trong trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian công tác theo quy định của Luật cán bộ, công chức. Đồng nghĩa, thay vì ngồi thêm một năm, thì ông Quang có thể nghiễm nhiên lãnh được 160 triệu và được tiếng làm gương.

Sự kiện tại Đà Nẵng cho thấy, ngay cả khi có nguồn tiền được chi ra, thì nguồn tiền đó cũng không tạo đủ sự hấp dẫn cho cán bộ từ chức. Thay vào đó, để cán bộ ‘tự nguyện’ thì cần gắn liền với trách nhiệm quản lý, nếu quản lý yếu kém thì buộc tự nguyện ra đi, nếu không sẽ tiến hành kỷ luật.

Khi chưa làm được điều nêu trên, thì quy định nêu gương vẫn mang tính hình thức là chính, bởi đối với cán bộ Việt Nam, chẳng ai có thể rời nhiệm sở nếu như vẫn còn lợi lộc và mối quan hệ được nảy sinh trên ghế. Nói cách khác, sẽ khó có chuyện 'nêu gương' ở đây.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 03/11/2018

Published in Diễn đàn