Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/09/2022

Ông Nguyễn Phú Trọng ‘khuyến khích cán bộ bị khiển trách hãy từ chức’

BBC tiếng Việt

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, vừa ra văn bản nói khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách "mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, tự nguyện xin từ chức".

tuchuc1

Đây là nội dung chủ chốt của kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm

Với các Ủy viên Trung ương Đảng sau khi từ chức, miễn nhiệm nhưng vẫn còn muốn công tác, thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác "phù hợp với từng trường hợp cụ thể".

Với cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương, sau khi từ chức, miễn nhiệm nhưng vẫn còn muốn công tác, thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.

Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên

Với cán bộ cấp cao như Ủy viên Trung ương, thì sẽ do Bộ Chính trị xem xét. 

Cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.

Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Các hình thức xử lý kỷ luật Đảng viên

Khoản 2 Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định các hình thức kỷ luật gồm :

- Với tổ chức Đảng : Khiển trách, cảnh cáo, giải tán ;

- Đảng viên chính thức : Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ;

- Đảng viên dự bị : Khiển trách, cảnh cáo. 

Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì vẫn bị xem xét, kết luận.

Ngoài ra, Quy định 102 năm 2017 khẳng định :

- Đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ ;

- Đảng viên bị Tòa án tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ ; nếu bị phạt bằng hình thức thấp hơn như phạt cải tạo không giam giữ hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, tính chất, tác hại… mà xem xét, thi hành kỷ luật Đảng thích hợp ;

- Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, đoàn thể hoặc các hình thức xử lý khác của pháp luật…

Nguồn : BBC, 20/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 344 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)