Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội hôm 10 tháng 9 năm 2022. Khoảng một tuần sau, trên các trang mạng xã hội lan truyền logo của Bộ Y tế tại buổi lễ với con rắn quay sang phải, chỉ quấn một vòng chữ S và miệng ngậm phong bì. Thay vì logo chính thức của Bộ Y tế là hình ảnh con rắn quấn hai vòng quanh cây gậy và quay sang trái.
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân trong một bệnh viện công. Ảnh minh họa. AFP
Trao đổi với báo chí Nhà nước, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay trong buổi chiều sau lễ khai mạc, Bộ đã nhận được thông tin sai logo và đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ.
Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông :
"Thực ra chuyện này thì không nói ra người ta cũng biết, nhưng mà không phải ở đâu cũng thế ; không phải bác sĩ nào cũng thế ; không phải cơ sở nào cũng thế. Không chỉ ngành y tế mà ngành nào qua cửa quan mà muốn êm xuôi thì phải có "bôi trơn". Ngành giáo dục cũng có, công an, cảnh sát giao thông trấn đường đòi hối lộ… Những chuyện đó đầy nhưng không phải tất cả mọi nơi mọi chỗ đều thế hết.
Đã nói ngành nghề thì có con người. Mà con người ở mọi cấp khi người ta đã tha hóa thì quyền lực trở thành phương tiện kiếm tiền. Tức là quyền lực lẽ ra để phục vụ thì quyền lực lại trở thành phương tiện trấn áp Nhân dân và là phương tiện để làm giàu. Thời nào cũng có".
Lên tiếng với truyền thông Nhà nước, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội Y học Việt Nam) cho rằng, logo bị làm sai lệch có ngụ ý bêu xấu ngành y tế, làm tổn hại đến công lao đóng góp của ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Không những thế nó còn là vấn đề mang tính chính trị.
Thực tế, thời gian gần đây, uy tín của ngành y tế bị xuống cấp nghiêm trọng với hàng chục lãnh đạo cấp bộ, thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành bị bắt, khởi tố do liên quan đến vụ án ở Công ty Việt Á. Trong đó có nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Tình trạng vi phạm trong ngành y tế không chỉ gây thiệt hại vô cùng lớn về tài sản của Nhà nước, mà còn gây thất thoát tiền thuế của người dân, làm tổn hại đến đạo đức ngành y.
Theo kết quả điều tra được Bộ Công an công bố năm 2020, vụ nâng giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai khiến mỗi ca mổ não bị nâng giá 16,5 triệu đồng. Cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS đã nâng giá thiết bị robot Rosa có giá khoảng 7,4 tỉ đồng lên thành 39 tỉ đồng làm tăng chi phí khám chữa bệnh, móc túi bệnh nhân hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra, vụ tham nhũng mua tròng mắt ngoại nhập xảy ra tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh cũng gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và cả người bệnh với tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng...
Logo rắn ngậm phong bì tại Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức của Bộ Y tế ở Đại học Y Hà Nội ngày 10/9/2022
và trên bìa tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế. Hình : PLO
Trong khi logo chính thức của Bộ Y tế biểu hiện rõ ràng chức năng của ngành y : con rắn Hippocrate
Dư luận cho rằng, hình ảnh con rắn ngậm phong bì được ai đó thiết kế đã phản ánh thực trạng "văn hóa phong bì" trong ngành y tế Việt Nam. "Văn hóa phong bì" ở bệnh viện từ lâu bị cho là đã trở thành một vấn nạn phổ biến của ngành y bởi ai tới bệnh viện công khám, chữa bệnh phải chuẩn bị sẵn phong bì để lót tay cho bác sĩ. Hành vi đưa và nhận phong bì trong việc khám, chữa bệnh là hành vi bị nghiêm cấm ở góc độ pháp lý. Nhưng thực tế nó vẫn diễn ra.
Tháng 11 năm 2013, Chính phủ ra Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, bác sĩ nhận phong bì trong khám, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA :
"Ý nghĩa logo con rắn ngậm phong bì phản ánh một thực tế khá phổ biến ở Việt Nam. Tất nhiên không phải bác sĩ nào cũng nhận phong bì. Bản thân tôi vào bệnh viện nhiều lần tôi biết chắc chắn như vậy.
Phong bì cũng có hai dạng. Dạng thứ nhất là vòi vĩnh, hạch sách ; dạng thứ hai là hối lộ. Một thực tế không chỉ trong ngành y tế, đó là "văn hóa phong bì" trở thành "văn hóa giao tiếp" của người Việt Nam từ mấy chục năm nay rồi. Không có phong bì, không có "dầu mỡ bôi trơn" thì mọi việc đều ách tắc. Chuyện đó ai cũng biết, chỉ có điều vụ nào mà phe cánh đánh nhau lộ ra thì nó mới bung bét ra thôi.
Ở Việt Nam thì chuyện "bao thư" rất phổ biến và nó ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư của Việt Nam. Nó gây trở ngại, khó khăn không được như tiềm năng mong muốn, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn".
Một số người nói vui rằng, dùng hình tượng phong bì trên logo không chuẩn lắm vì bây giờ người ta làm ăn quy mô lớn, phong bì nào chứa cho nổi !
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu rằng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Trong triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ : Chủ trì rà soát, làm rõ nội dung quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ y tế. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.
Lên tiếng với báo chí trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế và các bệnh viện luôn khẳng định chủ trương "nói không với phong bì" trong bệnh viện và yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Thậm chí có bệnh viện công khai kêu gọi người dân "tôn trọng cán bộ y tế, tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ y tế, nếu vi phạm sẽ bị mời ra khỏi bệnh viện".
Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận, dẹp nạn phong bì trong ngành y là một cuộc chiến lâu dài vì đã trở thành một căn bệnh nan y trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải, lương nhân viên y tế thấp, chế độ đãi ngộ còn kém.
Nguồn : RFA, 21/09/2022