Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 24 septembre 2022 10:16

"Con rắn ngậm phong bì"

Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội hôm 10 tháng 9 năm 2022. Khoảng một tuần sau, trên các trang mạng xã hội lan truyền logo của Bộ Y tế tại buổi lễ với con rắn quay sang phải, chỉ quấn một vòng chữ S và miệng ngậm phong bì. Thay vì logo chính thức của Bộ Y tế là hình ảnh con rắn quấn hai vòng quanh cây gậy và quay sang trái.

yte1

Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân trong một bệnh viện công. Ảnh minh họa. AFP

Trao đổi với báo chí Nhà nước, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay trong buổi chiều sau lễ khai mạc, Bộ đã nhận được thông tin sai logo và đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ.

Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông :

"Thực ra chuyện này thì không nói ra người ta cũng biết, nhưng mà không phải ở đâu cũng thế ; không phải bác sĩ nào cũng thế ; không phải cơ sở nào cũng thế. Không chỉ ngành y tế mà ngành nào qua cửa quan mà muốn êm xuôi thì phải có "bôi trơn". Ngành giáo dục cũng có, công an, cảnh sát giao thông trấn đường đòi hối lộ… Những chuyện đó đầy nhưng không phải tất cả mọi nơi mọi chỗ đều thế hết.

Đã nói ngành nghề thì có con người. Mà con người ở mọi cấp khi người ta đã tha hóa thì quyền lực trở thành phương tiện kiếm tiền. Tức là quyền lực lẽ ra để phục vụ thì quyền lực lại trở thành phương tiện trấn áp Nhân dân và là phương tiện để làm giàu. Thời nào cũng có".

Lên tiếng với truyền thông Nhà nước, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội Y học Việt Nam) cho rằng, logo bị làm sai lệch có ngụ ý bêu xấu ngành y tế, làm tổn hại đến công lao đóng góp của ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Không những thế nó còn là vấn đề mang tính chính trị.

Thực tế, thời gian gần đây, uy tín của ngành y tế bị xuống cấp nghiêm trọng với hàng chục lãnh đạo cấp bộ, thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành bị bắt, khởi tố do liên quan đến vụ án ở Công ty Việt Á. Trong đó có nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tình trạng vi phạm trong ngành y tế không chỉ gây thiệt hại vô cùng lớn về tài sản của Nhà nước, mà còn gây thất thoát tiền thuế của người dân, làm tổn hại đến đạo đức ngành y.

Theo kết quả điều tra được Bộ Công an công bố năm 2020, vụ nâng giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai khiến mỗi ca mổ não bị nâng giá 16,5 triệu đồng. Cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS đã nâng giá thiết bị robot Rosa có giá khoảng 7,4 tỉ đồng lên thành 39 tỉ đồng làm tăng chi phí khám chữa bệnh, móc túi bệnh nhân hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra, vụ tham nhũng mua tròng mắt ngoại nhập xảy ra tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh cũng gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và cả người bệnh với tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng...

yte3

Logo rắn ngậm phong bì tại Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức của Bộ Y tế ở Đại học Y Hà Nội ngày 10/9/2022 

boyte2

 và trên bìa tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế. Hình : PLO

boyte1  

Trong khi logo chính thức của Bộ Y tế biểu hiện rõ ràng chức năng của ngành y : con rắn Hippocrate

Dư luận cho rằng, hình ảnh con rắn ngậm phong bì được ai đó thiết kế đã phản ánh thực trạng "văn hóa phong bì" trong ngành y tế Việt Nam. "Văn hóa phong bì" ở bệnh viện từ lâu bị cho là đã trở thành một vấn nạn phổ biến của ngành y bởi ai tới bệnh viện công khám, chữa bệnh phải chuẩn bị sẵn phong bì để lót tay cho bác sĩ. Hành vi đưa và nhận phong bì trong việc khám, chữa bệnh là hành vi bị nghiêm cấm ở góc độ pháp lý. Nhưng thực tế nó vẫn diễn ra.

Tháng 11 năm 2013, Chính phủ ra Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, bác sĩ nhận phong bì trong khám, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA :

"Ý nghĩa logo con rắn ngậm phong bì phản ánh một thực tế khá phổ biến ở Việt Nam. Tất nhiên không phải bác sĩ nào cũng nhận phong bì. Bản thân tôi vào bệnh viện nhiều lần tôi biết chắc chắn như vậy.

Phong bì cũng có hai dạng. Dạng thứ nhất là vòi vĩnh, hạch sách ; dạng thứ hai là hối lộ. Một thực tế không chỉ trong ngành y tế, đó là "văn hóa phong bì" trở thành "văn hóa giao tiếp" của người Việt Nam từ mấy chục năm nay rồi. Không có phong bì, không có "dầu mỡ bôi trơn" thì mọi việc đều ách tắc. Chuyện đó ai cũng biết, chỉ có điều vụ nào mà phe cánh đánh nhau lộ ra thì nó mới bung bét ra thôi.

Ở Việt Nam thì chuyện "bao thư" rất phổ biến và nó ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư của Việt Nam. Nó gây trở ngại, khó khăn không được như tiềm năng mong muốn, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn".

Một số người nói vui rằng, dùng hình tượng phong bì trên logo không chuẩn lắm vì bây giờ người ta làm ăn quy mô lớn, phong bì nào chứa cho nổi !

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu rằng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Trong triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ : Chủ trì rà soát, làm rõ nội dung quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ y tế. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

Lên tiếng với báo chí trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế và các bệnh viện luôn khẳng định chủ trương "nói không với phong bì" trong bệnh viện và yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Thậm chí có bệnh viện công khai kêu gọi người dân "tôn trọng cán bộ y tế, tuyệt đối không đưa phong bì bồi dưỡng cho cán bộ y tế, nếu vi phạm sẽ bị mời ra khỏi bệnh viện".

Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận, dẹp nạn phong bì trong ngành y là một cuộc chiến lâu dài vì đã trở thành một căn bệnh nan y trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải, lương nhân viên y tế thấp, chế độ đãi ngộ còn kém.

Nguồn : RFA, 21/09/2022

Published in Việt Nam

Nạn hành hung y, bác sĩ tại các bệnh viện : vì sao ngày càng nhiều ?

RFA, 16/08/2022

Hôm 9/8/2022, Bộ Y tế ra văn bản số 4245/BYT-KCB về việc tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện. Bộ Y tế liệt kê một số trường hợp người nhà, người bệnh tấn công y, bác sĩ ngay tại bệnh viện và đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội) những người hành hung bác sĩ.

yte6

Bên trong một bệnh viện công ở Thành phố Hồ Chí Minh. Reuters

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh ; thiết lập đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện để kịp thời hỗ trợ trước các tình huống nguy hiểm.

Có thể kể ba trường hợp người nhà, người bệnh hành hung y bác sĩ chỉ trong khoảng 10 ngày. Vụ thứ nhất xảy ra hôm 27/07/2022 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ bị người nhà một bệnh nhi dùng lời lẽ lăng mạ, đe dọa và bóp cổ, tấn công vì cho rằng bệnh viện không cứu chữa kịp thời cho bệnh nhi bị hóc xương. Vụ thứ hai xảy ra ngày 30/07/2022, tại khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế. Vụ thứ ba xảy ra ngày 6/08/2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.

Lên tiếng với truyền thông nhà nước, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh viện đã đề xuất với công an phường nghiên cứu cung cấp chiếc khiên để tại khoa cấp cứu của bệnh viện để nhân viên y tế có cái để đỡ khi bị tấn công. Cơ quan công an có thể cấp mũ có mặt nạ và áo giáp để bộ phận bảo vệ sử dụng khi tiếp cận người dùng hung khí tấn công nhân viên y tế, trong khi chờ công an tới.

Vì sao lại có hiện tượng người nhà bệnh nhân, hay chính bệnh nhân tấn công người đang cứu chữa cho mình như thế ?

Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông :

"Phải nói thẳng bệnh viện là một cái xã hội thu nhỏ. Ngoài xã hội có cái gì thì trong bệnh viện có cái nấy. Người nhà bệnh nhân cũng có người nọ người kia. Người ta đang ở trạng thái thứ nhất là người nhà đang bị bệnh cấp cứu, tâm lý họ bị kích động. Thứ hai, bản thân một số người trình độ có hạn, xuất xứ nhân thân thì có người tử tế có người không. Thứ ba, cách ứng xử của người bác sĩ và nhân viên y tế không khéo khiến người ta bức xúc. Đó gọi là kỹ năng mềm.

Bệnh viện nào cũng có người bảo vệ. Người bệnh vào khám bình thường thì khác nhưng vào cấp cứu thì chỉ người bệnh mới được vào. Những người khác không liên quan thì ở ngoài chờ. Khi cần bác sĩ sẽ gọi. Phải cách ly người ta ra thì kể cả người ta có muốn cố tình gây sự cũng không có cơ hội. Người ta chỉ đánh được mình khi người ta có cơ hội tiếp cận mình thôi. Chặn họ không cho tiếp cận thì làm sao họ đánh mình được".

Là một người thường xuyên đưa mẹ già đi bệnh viện, cô Tuyết nêu trường hợp cô tận mắt chứng kiến người bệnh lớn tiếng chửi bới nhân viên y tế :

"Những người có bảo hiểm y tế thì chỉ phải trả 20% cho bệnh viện, 80% còn lại bệnh viện phải chờ lấy từ công ty bảo hiểm nên bệnh viện không thích. Họ chỉ ưu tiên cho những người chi trả 100% chi phí tại bệnh viện, tức những người không có bảo hiểm y tế. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. 

Những người nghèo phải phụ thuộc bảo hiểm thì họ mặc kệ, cho đợi hoài nên người ta bức xúc người ta chửi, thậm chí đánh nhân viên y tế luôn". 

Văn bản số 4245 mà Bộ Y tế mới ban hành cũng hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện ; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh. 

Theo Bác sĩ Nguyễn Viên, làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, việc nhân viên y tế, bác sĩ bị hành hung không phải là chuyện mới. Nguyên nhân phần lớn là do sự quá tải của bệnh viện công gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân. Thêm vào đó là luật pháp chưa nghiêm minh. Ông nói :

"Trước đây cũng đã từng xảy ra những sự việc đó nhưng bây giờ nó nhiều hơn. Theo tôi, những thành phần mà tấn công nhân viên y tế và bác sĩ là những người hồ đồ, là thành phần bất hảo. Một người bình thường luôn có sự tôn trọng đối với nhân viên y tế hay bác sĩ. Mặc dù hệ thống y tế công quá tải nên sự chăm sóc không chu đáo, bệnh nhân phải chờ đợi lâu, thêm vào đó, có những trường hợp cấp cứu nhưng nhân viên y tế không nhận ra khiến bệnh nhân bực bội. Nhưng dù sao cũng không thể chấp nhận người nhà bệnh nhân dùng hành động côn đồ để tấn công bác sĩ. Đó là chuyện không thể chấp nhận được và pháp luật cũng phải nghiêm túc trong việc này".

Để ngăn chặn tình trạng này, theo bác sĩ Nguyễn Viên, chính mạng xã hội là một kênh có thể truyền tải những ý kiến lên án nhưng hành động sai trái của cả người nhà bệnh nhân lẫn nhân viên y tế. Chính những ý kiến khác biệt mới là điều tốt cho xã hội phát triển. Các bác sĩ, nhân viên y tế phải học hỏi cách ứng xử lịch sự, văn minh từ các bệnh viện tư để cạnh tranh, vì thực chất bệnh viện công phải tự chủ về tài chánh rất nhiều.

Mỗi khi xảy ra một vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung thì dư luận lại bày tỏ sự phẫn nộ. Một loạt các đề xuất được đưa ra song dường như đâu lại vào đấy.

Năm 2018, khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành bác sĩ tại bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải đề nghị lực lượng công an lập chốt trong bệnh viện.

Nguồn : RFA, 16/08/2022

***************************

Không có tiền ai dám vào bệnh viện ?

Song May, BBC, 12/08/2022

Không có tiền chẳng ai dám vào bệnh viện. Đó là một thực tế từ nhiều năm nay, nhưng càng gần đây tôi lại thấy giá khám chữa bệnh ở bệnh viện lên nhanh và lên rất cao, khiến người ta phải "tự điều trị".

yte1

Cha mẹ đưa con đi chữa bệnh thuê võng 20 ngàn một ngày - đặt cọc 500 ngàn - ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh

Ai cũng biết Việt Nam có các bệnh viện công và tư. Cả hai loại này đều mở khu khám dịch vụ "chất lượng cao". Thế nhưng, người nghèo không quan tâm việc các bệnh viện trang bị tiện nghi đến cỡ nào, họ chỉ biết nếu mình bệnh mà không có tiền thì… cứ ra các nhà thuốc gần nhà khai bệnh mua thuốc uống theo ngày. Bởi vậy, các nhà thuốc tây ở Việt Nam đều kiêm luôn việc chữa trị, vì có cầu ắt có cung.

Thực tế này khiến các công ty lớn đua nhau đầu tư mở chuỗi các nhà thuốc tây, vì thị trường dược phẩm ở Việt Nam ước tính lên đến gần 6,5 tỷ USD một năm, được tổ chức UQVIA Institute xếp vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới.

Phòng khám và bệnh viện đông vì dân tỉnh đổ về

Các bệnh viện nổi tiếng ở Sài Gòn thường đông đúc bệnh nhân tại chỗ lẫn bệnh nhân các tỉnh. Anh chị tôi ở Tây Ninh mỗi lần bệnh nặng đều thuê xe xuống bệnh viện Đại học Y Dược (Quận 5) từ lúc nửa đêm để bốc số chờ. Mỗi chuyến đi, anh chị tôi phải chuẩn bị ít nhất từ 5 - 10 triệu đồng, tương đương một – hai tháng lương.

Hiện nay tiền lương thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 20.000 đồng – 25.000 đồng/giờ (khoảng trên dưới 1 USD), còn mức lương trung bình mà người lao động nhận được chỉ khoảng 5 triệu đồng (200 USD). Mức lương hưu của đại đa số dân Việt cũng tầm đó, dù trong độ tuổi nhiều bệnh tật.

Một thống kê từ Hội nghị Lão khoa quốc gia tổ chức cuối năm 2021 tại Hà Nội cho biết thời gian người Việt sống khỏe mạnh chỉ 64 năm, sau đó 96% đều bệnh tật, từ 65 trở lên mắc ba bệnh, còn trên 80 mắc hơn sáu bệnh.

Anh rể tôi năm 2017 bị lao màng não suýt chết ở bệnh viện tỉnh Tây Ninh và khi đưa anh xuống bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở Thành phố Hồ Chí Minh điều trị, chị tôi phải vay một cây vàng (khoảng 37 triệu đồng). Sau một năm điều trị lao anh khỏi bệnh và đến nay vẫn khoẻ mạnh. Chị tôi thường nói : "Nếu không có tiền đem anh xuống Sài Gòn chữa chắc anh đã chết rồi".

Tuy nhiên không may mắn như chồng, mới đây chị tôi bị viêm khớp chân và đi lại khó khăn. Đã hai lần chị thuê xe đến bệnh viện Đại học Y Dược và bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, mỗi lần tốn kém hơn 3 triệu đồng để nhận một bọc thuốc uống trong một tháng. Thế mà bệnh không thuyên giảm mà còn trở nặng, khiến chị phải bốc thuốc nam sắc uống.

yte2

Bệnh nhân và thân nhân ngủ tạm trên cầu đi bộ nối khu khám bảo hiểm và khu khám dịch vụ của Bệnh viện Bình Dân

Giữa tháng 8/2019, trên xe từ Sài Gòn đến huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vào buổi trưa, tôi gặp sáu người quê huyện Châu Đức vừa đi khám bệnh trở về. Anh bạn ngồi kế bên tôi kể : "Tui đi từ lúc hai giờ sáng đến bệnh viện Bình Dân, ngồi chờ đến bảy giờ được khám và nội soi dạ dày, kết quả bao tử chưa loét nhưng có vi khuẩn phải mua thuốc giá hơn hai triệu đồng".

Hỏi anh sao không mua thẻ bảo hiểm y tế khám ở bệnh viện tỉnh mà đi Sài Gòn chi cho cực, anh cười :

"Nếu có bảo hiểm y tế thì cũng cần thêm giấy chuyển viện từ bệnh viện tỉnh mới sử dụng được, chưa kể khám bảo hiểm y tế bác sĩ cho thuốc dở lắm, uống không hết, thôi thì trả tiền khám dịch vụ cho rồi. Bệnh nhẹ thì tui đến trạm xá chứ bệnh nặng thì lên Sài Gòn. Bệnh viện tỉnh xây to đẹp nhưng ít bệnh nhân lắm".

Một anh bạn tôi ở Phan Thiết mua bảo hiểm y tế ở bệnh viện tỉnh Bình Thuận nhưng năm 2017 khi bị đau tim đã tức tốc đến bệnh viện Chợ Rẫy đóng 210 triệu đồng để phẫu thuật can thiệp mạch vành. Bác sĩ chỉ định thay 3 mạch, tùy anh chọn loại 50 triệu đồng - 70 triệu đồng và anh đã chọn loại tốt nhất.

yte3

Các bệnh viện công giờ đều có khoa thẩm mỹ bắt kịp xu hướng 'đập mặt xây lại' của nữ giới đủ mọi lứa tuổi

Thẻ bảo hiểm y tế chỉ đỡ được một phần

Người bệnh ở Việt Nam dù có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn có những tình huống không sử dụng được hoặc được trừ cũng chẳng là bao.

Cha tôi hơn 80 tuổi được Nhà nước cho thẻ bảo hiểm y tế chữa tại bệnh viện huyện gần nhà. Khi ông bị thoát vị bẹn và phải phẫu thuật, chúng tôi quyết định đưa ông đến một bệnh viện tư ở Sài Gòn, xét nghiệm các kiểu 3 triệu rưỡi và đặt cọc nhập viện 5 triệu đồng. Hồi phục sau ba ngày nằm bệnh viện, cha tôi xuất viện và phải trả 23 triệu rưỡi, vì bảo hiểm nhà nước chỉ trả 3 triệu đồng.

Một người thầy của tôi tuổi gần 80 cũng bị thoát vị bẹn, dù có bảo hiểm y tế tại bệnh viện Nguyễn Trãi nhưng vì thầy đã từng bị mổ đặt stent mạch vành, một bác sĩ – học trò của thầy – khuyên thầy nên đến bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả ca phẫu thuật thành công và thầy bảo : "Tổng cộng ca phẫu thuật hơn 20 triệu đồng, nhờ có bảo hiểm y tế bớt được mấy triệu, thầy phải đóng 18 triệu đồng".

Đến ngay cả tôi, khi đi khám chữa bệnh thông thường ở bệnh viện mua bảo hiểm y tế, cũng phải thủ sẵn vài triệu đồng, vì bất kỳ chỉ định nào của bác sĩ cũng phải cầm phiếu đi đóng tiền trước rồi mới được khám.

Chẳng hạn, khám bệnh 180.000 đồng, có thẻ đúng tuyến được bớt 34.500 đồng (-19%), siêu âm tim 480 ngàn, được bớt 37%, điện tim 185 ngàn đóng đủ 100%, xét nghiệm máu 1,3 triệu được bớt 250 ngàn…

yte4

Bảng giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh tại Viện Y Dược Học Dân Tộc, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 - Ảnh minh họa

Muốn khám chữa nhanh thì chọn dịch vụ, còn nhập viện phải đặt cọc

Bệnh viện công nào ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có khu khám dịch vụ riêng với hai bảng giá : bảo hiểm và dịch vụ. Thậm chí trong giá dịch vụ sẽ còn chia tiếp : giá thấp (với bác sĩ thường) và giá cao (với bác sĩ có chức danh và đương chức). "Khám dịch vụ" là người bệnh phải đóng nhiều tiền hơn để được khám nhanh, với những bác sĩ giỏi và được phục vụ tốt hơn.

Chẳng hạn bệnh viện Nhi Đồng 2 xây khu khám dịch vụ rộng rãi ở đường Nguyễn Du, với giá 150.000 đồng/lần khám theo yêu cầu – 300.000 đồng/lần khám chất lượng cao.

yte5

Muốn khám chữa bệnh cho trẻ em nhanh thì trả tiền khám dịch vụ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) còn chia nhiều hạng mục hơn : khám theo yêu cầu từ 80.000 đồng – 500.000 đồng ; khám chuyên gia 150.000 đồng ; khám nội trú (trưởng/phó khoa) 200.000 đồng ; khám bệnh ban giám đốc 300.000 đồng.

Tại Bệnh viện Bình Dân, giá khám dịch vụ bên khu thường 100.000 – 200.000 đồng, còn khám bên khu chất lượng cao 150.000 – 250.000 đồng.

Bạn đừng tưởng bỏ tiền khám cao mà kết quả như ý. Một thiếu niên 13 tuổi mà tôi biết sau khi phẫu thuật tái tạo han quang năm 2019 với giá 100 triệu đồng tại khu kỹ thuật cao của bệnh viện này, sau đó đã phải nong niệu đạo đến lần thứ hai mới có thể tiểu qua đường bình thường được, vì lần đầu bệnh viện nong thất bại. Điều đáng nói là gia đình cháu phải trả tiền cả hai lần, mỗi lần gần 20 triệu đồng.

Tại khu dịch vụ sạch đẹp của Bệnh viện Hùng Vương, nữ giới muốn khám phụ khoa phải đặt cọc 600.000 đồng, khi ra về phải tự nhớ quay lại tính toán xem có dư đồng nào không. Đáng nói là phòng khám không có chỗ kín đáo thay đồ, lại lùa bệnh nhân vô nhiều người một lúc thiếu sự riêng tư ; phòng siêu âm thì thay đồ xong phải cầm theo vì không biết để đâu ; phòng vật lý trị liệu thì vừa không có chỗ kín đáo thay đồ vừa không có chỗ để đồ, đúng kiểu "dịch vụ nửa vời".

Việc khám chữa bệnh phân biệt bảo hiểm y tế và dịch vụ ngay trong bệnh viện công cũng kỳ quặc y như việc các trường tiểu học và trung học công lập kêu gọi phụ huynh đóng góp để lớp học của con cái mình tiện nghi và đầy đủ trang thiết bị hơn.

Không chỉ khổ vì bị đối xử phân biệt, thủ tục phải đặt tiền cọc khi nhập viện khiến người nghèo phải lờ bệnh. Tiêu biểu như Bệnh viện Ung Bướu : người lớn muốn chữa trị phải đặt cọc năm triệu đồng, còn trẻ em bị ung thư phải đặt cọc hai triệu đồng. Cho con nhập viện Nhi Đồng 2 thì thân nhân phải đặt cọc hai triệu đồng.

Có khi chỉ vì không có vài triệu đồng đặt cọc mà người ta có thể lờ đi căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn đầu, để mặc nó phát triển đến mức di căn rồi chết. Có khi chỉ vì không có hai, ba triệu đồng đặt cọc, người mẹ nghèo sẽ ngậm ngùi đưa con về uống thuốc nam… cầm cự cho qua ngày.

Những con số nói trên vẽ ra bức tranh đau buồn của bệnh nhân Việt Nam.

Song May

Nguồn : BBC, 12/08/2022

Cây bút tự do Song May, hiện sống ở Sài Gòn.

Published in Diễn đàn

Những con số báo động của ngành y tế tại Sài Gòn

Mai Lan, VNTB, 06/08/2022

Lương bác sĩ ra trường còn thấp hơn nhân viên trung cấp. Mong sao các lãnh đạo nhìn ra được những bất cập trong hệ thống tiền lương của Việt Nam.

yte0

Lương y như từ mẫu, nhưng lương y mà đói khổ thì sao mà thực hiện nhiệm vụ của từ mẫu nỗi.

Sáng 5/8, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ và động viên cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng tiếp tục lên tiếng cảnh báo như rất nhiều lần đăng đàn cảnh báo trước đó là tuy hiện dịch Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát, nhưng ngành y tế của thành phố này lại gặp những thách thức, khó khăn mới. Đó là dịch chồng dịch như sốt xuất huyết, dịch Covid-19, bệnh mới nổi…, thiếu thuốc và vật tư y tế, biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, cùng sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc và vật tư y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó các nguyên nhân ngoài khả năng của hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay lại ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn ; một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraine như Methotrexat (sản xuất tại Belarus) và một số thuốc do Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán.

"Tôi có hai con cũng đã là nhân viên của ngành y tế. Khi con bước vào ngành này, một trong những điều đầu tiên tôi nói là nếu con muốn làm giàu thì hãy chọn ngành khác, đừng chọn ngành y tế, bởi ngành y tế con chỉ có thể giàu tình thương, sự chia sẻ.

Bác sĩ đã học nhiều năm, điểm thi rất cao, nhưng ra trường lương chỉ có 7/8 triệu đồng/tháng. Có thể chấp nhận được trong 2 năm, 5 năm nhưng 10 năm, 20 năm thì không thể. Tôi biết là thành phố phải chịu sự trói buộc rất nhiều chính sách, nhưng mong thành phố có những cơ chế hỗ trợ thêm, để mỗi nhân viên y tế yên tâm cống hiến lâu dài và đặc biệt là hãnh diện khi làm việc cho ngành y tế thành phố" – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết giám đốc bệnh viện Hùng Vương, cho biết như vậy.

Một ghi nhận cập nhật thời sự cho biết về xếp hạng học phí y khoa niên khóa 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết vị trí quán quân thuộc về Y đa khoa của Đại học Hồng Bàng, với hệ tiếng Việt là 105 triệu đồng/ học kỳ, 2 học kỳ là 210 triệu x 6 năm sẽ tương đương 1 tỷ 260 triệu đồng. Nếu chọn hệ tiếng Anh thì 6 năm học là 1 tỷ 500 triệu đồng.

Vị trí á quân thuộc về Đại học Văn Lang với 221 tín chỉ, đơn giá mỗi tín chỉ là 4.480.000 đồng, vị chi để hoàn thành chương trình, sinh viên cần phải chi trả mức học phí tối thiểu là 990.080.000 đồng.

Với khoa Y của Đại học Tân Tạo, giá bình quân mỗi năm học là 150 triệu đồng/ sinh viên.

Sinh viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có mức học phí là 74.800.000 đồng/ năm/ sinh viên. Khoa Y của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 66 triệu đồng/ năm/ sinh viên…

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức, nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc. Theo thống kê, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người, số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 42.608 người. Như vậy, từ giai đoạn cuối năm 2021 đến thời điểm hiện nay, số nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập đã giảm 306 người.

Tuy số nhân viên y tế nghỉ chênh lệch không nhiều, nhưng đã gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập, vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, có kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận câu hỏi sau đây đang rất cần sự đóng góp về giải pháp của tất cả các bên liên quan, đó là phải làm sao để bác sĩ trong hệ thống y tế của Sài Gòn yên tâm chữa bệnh cứu người mà không phải lo lắng không chỉ về tài chính cho mâm cơm gia đình, cho tiền học phí của con cái, mà là đủ cả thuốc men đáp ứng kịp thời cho yêu cầu điều trị ngay tại bệnh viện.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã dẫn một kết quả khảo sát 500 bác sĩ, nêu ra 6 nguyên nhân khiến họ nghỉ việc tại cơ sở y tế công lập. Đó là lương thấp, không hài lòng với môi trường làm việc, cường độ làm việc quá cao, không có cơ hội học hỏi nâng cao tay nghề, không hài lòng với giám đốc hay cấp trên…

Mai Lan

*************************

Không phải đãi ngộ mà cần công bằng

Hiền Vương, VNTB, 05/08/2022

"Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã xây dựng đề án tăng cường năng lực cho y tế cơ sở. Trong đó có trợ cấp về hệ số lương cho cán bộ y tế cơ sở. Nhưng hiện anh em chưa nhận đồng nào bởi vì tất cả phải thông qua các thủ tục giấy tờ rất nhiều" – bà Phạm Khánh Phong Lan, người từng là phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

yte2

Thu nhập của nhân viên y tế ở khu vực công thấp không tương xứng với công sức bỏ ra, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Đây không phải là đãi ngộ mà là sự công bằng về tiền lương. Chính sách bao gồm nhiều thứ : lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao… đối với người làm trong ngành y.

Ngoài vấn đề tiền lương, nhiều nhân viên y tế cho rằng lý do khác dẫn tới quyết định nghỉ việc là không có thời gian để nâng cao tay nghề. Một nhân viên y tế cho biết phải chịu trách nhiệm một lúc 5/6 đầu việc nên phải làm hết sức mới đáp ứng được. Do vậy nên dù nhân viên y tế này đã nhiều lần dự định học chuyên tu lên bác sĩ nhưng không có thời gian.

Hơn nữa, muốn tiếp tục học lên, nhân viên đó phải học chuyển đổi từ y sĩ sang cử nhân điều dưỡng, hoặc thi lại đại học theo quy định mới của Bộ Y tế. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng thì nhân viên y tế đó đã quyết định chia tay nghề y.

Việc nhân sự ngành y "rũ áo" là một báo động đỏ nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy một giải pháp tình thế cho đến căn cơ nào được giới quản lý chuyên trách đưa ra. Trong tình cảnh đó nên quả là rất đáng lo khi ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây cho thấy số ca Covid-19 tăng nhẹ, khi bệnh nhân khám bệnh có yếu tố dịch tễ đã xét nghiệm ra Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay so với những tuần trước, khoa chỉ có 8 – 10 bệnh nhân thì trong tuần đầu tháng tám số ca bệnh tăng gấp đôi. Hiện khoa điều trị 20 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC), còn lại đều có triệu chứng nhẹ.

Bàn về chuyện không cần đãi ngộ mà cần sự công bằng trong chính sách, theo bà Phạm Khánh Phong Lan thì lâu nay ở bệnh viện công lập đang tồn tại hai giá : Giá bảo hiểm y tế và giá dịch vụ tự nguyện.

"Chuyện này rất vô lý, không nước nào như thế. Nhà nước nên thống nhất một giá và trợ giá cho khám bảo hiểm để người dân được khám chữa bệnh chất lượng, còn bệnh viện được thu theo đúng chi phí thực tế. Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng vậy, chúng tôi cực kỳ khổ sở. Chúng ta vẫn tìm mọi cách năm sau phải rẻ hơn năm trước. Thậm chí nơi này trúng thầu, ký hợp đồng rồi nhưng nơi khác trúng giá thấp hơn, lại phải áp theo. Nếu không thì bảo hiểm không thanh toán. Thử hỏi : Xăng tăng giá, mọi thứ tăng theo, vậy bảo hiểm có thanh toán không ?

Chúng ta nhìn y tế công đâu cũng thấy tội phạm, trong khi lẽ ra phải nhận thức rằng mục tiêu cao nhất phải là người bệnh có thuốc, vật tư y tế đảm bảo chất lượng với giá hợp lý. Trong khi đó, ở các bệnh viện tư, tiền của họ, dịch vụ tự nguyện, rất đơn giản.

Cơ chế mua sắm thế này, thiệt hại nhất là nhân lực. Bác sĩ, nhân viên y tế đâu phải được đào tạo về đấu thầu, vì cơ chế ấy mà bận rộn với đủ thứ chi tiết, làm sao chăm lo cho chuyên môn nghề nghiệp. Chưa kể, làm sai thì bị bắt. Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm nhưng cũng phải xem xét bây giờ chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa ?" – bà Phạm Khánh Phong Lan từng nhiều lần bức xúc như vậy mỗi khi có dịp đăng đàn lên tiếng.

"Y tế công lập nhằm phục vụ bình dân, người nghèo. Chảy máu chất xám thế này thì người nghèo, người yếu thế, người chỉ có điều kiện khám bảo hiểm y tế là thiệt thòi nhất, hưởng dịch vụ hạng hai. Chậm sửa đổi ngày nào, hệ thống y tế càng bị bào mòn và người dân sẽ phải trả giá" – bà Phạm Khánh Phong Lan, cảnh báo.

Tiếc là bà quyền bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vẫn chưa thấy động tĩnh gì kể từ sau ngày bà được đảng đặt ngồi vào ghế quyền lực này từ hôm 15/7/2022.

Hiền Vương

************************

Thiếu nhân lực, thiếu thuốc tiếp tục là khó khăn nan giải của ngành y tế

Minh Thảo, Kinh tế Sài Gòn Online, 05/08/2022

Hiện tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được kiểm soát nhưng ngành y tế thành phố vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn như nguy cơ dịch chồng dịch như Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm mùa hè ; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế ; tình trạng thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc…

yte3

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn như nguy cơ dịch chồng dịch, nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế ; tình trạng thiếu nguồn nhân lực và và tình trạng lo lắng kéo dài ở một số bộ phận nhân viên y tế. Ảnh : Minh Thảo

Ngày 5/8, tại buổi gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và cán bộ nhân viên y tế, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tăng Chí Thượng cho biết dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát nhưng ngành y tế vẫn gặp những thách thức và khó khăn chồng chất. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với bốn nguy cơ là dịch chồng dịch, tình trạng thiếu thuốc, biến động nguồn nhân lực và tình trạng lo lắng kéo dài ở một số bộ phận nhân viên y tế.

Trước đây, nhân viên y tế gặp nhau rất vui vẻ, nhưng hiện nay ai cũng lo lắng. Ngành y tế xem đây là nguy cơ và phải có biện pháp giải quyết. "Chúng tôi triển khai công tác lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế tại các đơn vị mỗi tuần, ngoài ra còn có những chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các anh em trong ngành y tế", ông Thượng cho biết.

Trong thời gian vừa qua, một số cơ sở y tế cũng có tình trạng nhân viên nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến động nguồn nhân lực trong ngành y tế.

Về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, ông Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức các cơ sở y tế xin nghỉ việc ; đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc. Theo thống kê, nếu như số người làm việc vào cuối năm 2021 tại các y tế cơ sở công lập trên địa bàn là hơn 42.914 người ; ở thời điểm hiện tại, tổng số người đang làm việc tại các y tế cơ sở công lập là hơn 42.608 người.

Mặc dù tổng số người làm việc giảm không nhiều (306 người) nhưng "điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì những người nghỉ việc là người có thâm niên, nhiều năm kinh nghiệm. Đối với người mới vào là những người vừa tốt nghiệp, cần thời gian để thực hành, làm việc", ông Thượng chia sẻ.

Chia sẻ về tình hình nhân sự tại trạm y tế, bà Kim Nhật Lệ Anh, Trưởng trạm y tế, phường 12, quận Gò Vấp, cho biết trong giai đoạn trước dịch từ năm 2018-2020, trạm y tế phường đã thực hiện trạm y tế mô hình điểm với 10 nhân sự. Tuy nhiên, sau đợt đại dịch Covid-19 (kéo dài từ 2020-2021), trạm y tế rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn nhân lực. Hiện trạm y tế chỉ còn 7 nhân sự (1 cử nhân y tế công cộng, 2 điều dưỡng, 2 y sĩ, 1 dược sĩ đại học và 1 nữ hộ sinh).

Tuy nhiên, nhờ vào Nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trạm y tế đã kịp thời bổ sung thêm được nguồn nhân lực là các bác sĩ từ Bệnh viện Y khoa Phạm ngọc thạch, bác sĩ quân để hỗ trợ cho cho công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế, bà Lệ Anh cho biết.

Trước thực trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị là không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.

Ngành y tế thành phố cần có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành y tế.

Trước mắt cần tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh để ổn định sớm nhân viên y tế, bởi hiện nay, bệnh viện này vẫn chưa có giám đốc, chỉ có ba phó giám đốc. Trước đó, ngày 9-2-2021, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt tạm giam trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại bệnh viện.

yte4

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế. Ảnh : Minh Thảo

Bên cạnh thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc, một trong những nguy cơ được Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Để giải quyết tình trạng này, ông Thượng cho biết đã yêu cầu phòng nghiệp vụ dược triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả trong đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.

Ngành y tế thành phố sẽ luân phiên đấu thầu tập trung các địa phương hai lần mỗi năm tại các bệnh viện tuyến cuối thành phố, huy động nguồn lực của cả ngành y tế tham gia. Đồng thời sẽ tổ chức giám sát tình hình sử dụng thuốc, tổ chức điều phối giữa các bệnh viện, chuẩn bị nguồn lực chuyên trách công tác quản lý và cung ứng thuốc cho bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại y tế cơ sở.

Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng đã có những phương án "biến nguy thành cơ", thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, đặc biệt không để bị động khi dịch sốt xuất huyết bùng phát cùng với dịch Covid-19, ông Thượng nói.

Minh Thảo

Nguồn : Kinh tế Sài Gòn Online, 05/08/2022

Published in Diễn đàn

Bộ Chính trị yêu cầu giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

yte1

Rất nhiều công chức trong ngành y tế chọn việc rời nhiệm sở thuộc Nhà nước để vào làm việc ở các cơ sở tư nhân.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 – 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2021, phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 – 2026.

Bộ Chính trị yêu cầu trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao.

Các nội dung trên được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026.

Trên thực tế thì không chờ chuyện "giảm biên chế", đã có rất nhiều công chức trong ngành y tế chọn việc rời nhiệm sở thuộc Nhà nước để vào làm việc ở các cơ sở tư nhân.

Bác sĩ N.P.T.D., nói rằng dạo gần đây cứ mở báo ra là thấy Ủy ban kiểm tra Trung ương cảnh cáo đồng chí X, rồi công an bắt đồng chí Y, viện kiểm sát phê duyệt bắt khẩn đồng chí Z…

Lướt mạng thì hàng trăm công chức nghỉ việc tỉnh A, bệnh viện B hàng chục bác sĩ nghỉ việc, thành phố C có nhiều đồng chí lãnh đạo vừa xin nghỉ việc dù tuổi đời đang phơi phới, cơ hội thăng tiến còn nhiều… Facebook, Tiktok thì tràn ngập sự nỗi loạn của Gen Z đi làm thì thái độ bất cần, thích thì làm thích thì nghỉ, năng lực thì kém mà đòi lương ngất ngưởng, nhảy việc như tôm sống vào chảo lửa…

Vậy có liên quan gì câu chuyện đốt lò, công chức không còn mặn mà công việc nhà nước, Gen Z đòi hỏi quá đáng, thái độ không chuẩn và ảo giác về năng lực…

"Với tôi, đây là một sự tất yếu của một giai đoạn mà bất kỳ xã hội nào cũng trải qua, đó là giai đoạn quá độ để đưa về giá trị thật của nó, giai đoạn biến đổi về chất để đưa mọi thứ theo đúng quy luật tự nhiên.

Tại sao là nhân quả ? Chắc chắn ai cũng hiểu rằng sự vận hành xã hội luôn theo một quy luật cung cầu của thị trường và đúng bản chất triết học vật chất quyết định ý thức.

Hãy xem đâu là Nhân – Quả để có cái nhìn khách quan về hiện tượng xã hội bây giờ và nhận thấy rằng đây là xu thế tất yếu, là điều lẽ ra thay đổi từ sớm hơn chứ không phải bây giờ mới xảy ra.

Tại sao công chức không còn mặn mà công việc của nhà nước, có những vị trí gọi là mơ ước của nhiều người, có những vị trí mà muốn vào phải lót tay rất nhiều tiền… giờ thì họ rủ bỏ một cách dễ dàng…

Thật phi lý khi một bác sĩ thi vào trường y thì phải là tốp đầu, học gọi là 10 năm mới gọi là biêt chút nghề, chi phí học mỗi năm chắc tầm 200 triệu/ trường công, 350 triệu/ trường tư ! Vậy mà ra trường lương 5 triệu, có hợp lý không ?

Một công chức, tốt nghiệp đại học chính quy danh tiếng, làm việc hơn 20 năm mà lương loanh quanh 10 triệu ? Vậy, lấy gì để nuôi cả một gia đình tại một thành phố đắt đỏ này ? Anh ta phải suy nghĩ nát óc, phải chạy vạy khắp nơi, phải tìm mọi cách để có đủ số tiến 30 – 50 triệu/tháng để cho một gia đình như thế này ? Tiền đó từ đâu ?

Sẽ có một số người làm việc thật sự không lấy vụ lợi từ công việc mình để kiếm tiền, nhưng cũng không ít số còn lại phải lấy lợi thế là công việc mình đang làm để nhũng nhiễu, móc ngoặc, tham ô… từ việc này, anh kiếm được 100 đồng thì xã hội mất 1000.000 đồng… Anh ta lo chu toàn một gia đình thì hàng trăm gia đình khác phải đói nghèo vì việc làm của anh ta…

Vậy khi lò đốt thì bắt họ phải không được làm bậy, phải sống đúng đồng lương mà nhà nước đang cấp ! Sao sống được, phải nghỉ thôi. Đó là sự ra đi của hàng loạt công chức, rồi chúng ta là ầm ỉ lên, chảy máu chất xám, họ ra đi nhưng họ vẫn làm việc ở một nơi mà họ phải lao động đúng sức lực và trả lương hợp lý, và cảm thấy tự hào về sự đóng góp và công việc họ đang làm.

Còn tại sao Gen Z phải nổi loạn, đòi hỏi quá mức, nhảy việc như tôm, năng lực không tương xứng. Khoan vội chụp mũ mà nhìn toàn diện, chúng ta vẫn bình quân, cứ tốt nghiệp đại học là lương theo tiêu chuẩn dăm ba triệu, cứ là một vị trí đã phân định là một mức lương đã sẵn, lương đại học thì phải hơn cao đẳng, cao đẳng thì phải hơn trung cấp… Nhưng chúng ta quên mất rằng tất cả phải trả đúng về bản chất thật, chúng ta chi bao nhiêu tiền của để học, công sức để có một nghề nghiệp, bằng cấp đó có thật sự là bằng có giá trị về năng lực, nhu cầu của xã hội, khả năng đóng góp và thái độ của từng người khi làm việc.

Có những bạn rất trẻ nhưng năng lực và sự đóng góp tạo ra năng suất những người gọi là thâm niên, có những bạn không học đại học nhưng tạo ra năng suất hơn nhiều tiến sĩ.

Bên cạnh đó là sự mất kiểm soát chất lượng và số lượng của rất nhiều trường đại học, trường nghề đã tạo ra một lượng lớn nhân sự nửa vời mà họ ngộ nhận rằng mình cũng có bằng cấp, chứng chỉ hẳn hoi… mà thành phần này không hề nhỏ, nó sẽ kéo tụt và đánh đồng… Và chính chúng ta cũng chưa có những công cụ để đánh giá đúng năng lực nhân sự một cách toàn diện hoặc chúng ta vẫn chưa dám thoát ra khỏi cái nếp cũ để tạo ra sự khác biệt trong quản lý nhân sự.

Chúng ta muốn trong sạch, công bằng nhưng chúng ta vẫn duy trì sự mập mờ, không nhìn nhận sự vận hành của quy luật Nhân – Quả. Lương không đủ sống, cào bằng, thậm chí cướp công, người gánh ngàn cân kẻ tựa vai, vịn tay trong một đám đông mà không phân biệt đâu là sự đóng góp thật, năng lực thật của từng cá thể…" – bác sĩ N.P.T.D, diễn giải, và có lẽ những nội dung trên đã nằm ngoài nội dung mà vị Thường trực Ban Bí thư lúc đặt bút ký yêu cầu về các chỉ tiêu "giảm biên chế".

Hiền Lương

Nguồn : VNTB, 28/07/2022

Published in Diễn đàn