Những con số báo động của ngành y tế tại Sài Gòn
Mai Lan, VNTB, 06/08/2022
Lương bác sĩ ra trường còn thấp hơn nhân viên trung cấp. Mong sao các lãnh đạo nhìn ra được những bất cập trong hệ thống tiền lương của Việt Nam.
Lương y như từ mẫu, nhưng lương y mà đói khổ thì sao mà thực hiện nhiệm vụ của từ mẫu nỗi.
Sáng 5/8, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ và động viên cán bộ nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng tiếp tục lên tiếng cảnh báo như rất nhiều lần đăng đàn cảnh báo trước đó là tuy hiện dịch Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát, nhưng ngành y tế của thành phố này lại gặp những thách thức, khó khăn mới. Đó là dịch chồng dịch như sốt xuất huyết, dịch Covid-19, bệnh mới nổi…, thiếu thuốc và vật tư y tế, biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, cùng sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc và vật tư y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó các nguyên nhân ngoài khả năng của hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay lại ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn ; một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraine như Methotrexat (sản xuất tại Belarus) và một số thuốc do Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán.
"Tôi có hai con cũng đã là nhân viên của ngành y tế. Khi con bước vào ngành này, một trong những điều đầu tiên tôi nói là nếu con muốn làm giàu thì hãy chọn ngành khác, đừng chọn ngành y tế, bởi ngành y tế con chỉ có thể giàu tình thương, sự chia sẻ.
Bác sĩ đã học nhiều năm, điểm thi rất cao, nhưng ra trường lương chỉ có 7/8 triệu đồng/tháng. Có thể chấp nhận được trong 2 năm, 5 năm nhưng 10 năm, 20 năm thì không thể. Tôi biết là thành phố phải chịu sự trói buộc rất nhiều chính sách, nhưng mong thành phố có những cơ chế hỗ trợ thêm, để mỗi nhân viên y tế yên tâm cống hiến lâu dài và đặc biệt là hãnh diện khi làm việc cho ngành y tế thành phố" – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết giám đốc bệnh viện Hùng Vương, cho biết như vậy.
Một ghi nhận cập nhật thời sự cho biết về xếp hạng học phí y khoa niên khóa 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết vị trí quán quân thuộc về Y đa khoa của Đại học Hồng Bàng, với hệ tiếng Việt là 105 triệu đồng/ học kỳ, 2 học kỳ là 210 triệu x 6 năm sẽ tương đương 1 tỷ 260 triệu đồng. Nếu chọn hệ tiếng Anh thì 6 năm học là 1 tỷ 500 triệu đồng.
Vị trí á quân thuộc về Đại học Văn Lang với 221 tín chỉ, đơn giá mỗi tín chỉ là 4.480.000 đồng, vị chi để hoàn thành chương trình, sinh viên cần phải chi trả mức học phí tối thiểu là 990.080.000 đồng.
Với khoa Y của Đại học Tân Tạo, giá bình quân mỗi năm học là 150 triệu đồng/ sinh viên.
Sinh viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có mức học phí là 74.800.000 đồng/ năm/ sinh viên. Khoa Y của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 66 triệu đồng/ năm/ sinh viên…
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức, nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc. Theo thống kê, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người, số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 42.608 người. Như vậy, từ giai đoạn cuối năm 2021 đến thời điểm hiện nay, số nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập đã giảm 306 người.
Tuy số nhân viên y tế nghỉ chênh lệch không nhiều, nhưng đã gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập, vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, có kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận câu hỏi sau đây đang rất cần sự đóng góp về giải pháp của tất cả các bên liên quan, đó là phải làm sao để bác sĩ trong hệ thống y tế của Sài Gòn yên tâm chữa bệnh cứu người mà không phải lo lắng không chỉ về tài chính cho mâm cơm gia đình, cho tiền học phí của con cái, mà là đủ cả thuốc men đáp ứng kịp thời cho yêu cầu điều trị ngay tại bệnh viện.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã dẫn một kết quả khảo sát 500 bác sĩ, nêu ra 6 nguyên nhân khiến họ nghỉ việc tại cơ sở y tế công lập. Đó là lương thấp, không hài lòng với môi trường làm việc, cường độ làm việc quá cao, không có cơ hội học hỏi nâng cao tay nghề, không hài lòng với giám đốc hay cấp trên…
Mai Lan
*************************
Không phải đãi ngộ mà cần công bằng
Hiền Vương, VNTB, 05/08/2022
"Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã xây dựng đề án tăng cường năng lực cho y tế cơ sở. Trong đó có trợ cấp về hệ số lương cho cán bộ y tế cơ sở. Nhưng hiện anh em chưa nhận đồng nào bởi vì tất cả phải thông qua các thủ tục giấy tờ rất nhiều" – bà Phạm Khánh Phong Lan, người từng là phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nói.
Thu nhập của nhân viên y tế ở khu vực công thấp không tương xứng với công sức bỏ ra, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Đây không phải là đãi ngộ mà là sự công bằng về tiền lương. Chính sách bao gồm nhiều thứ : lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao… đối với người làm trong ngành y.
Ngoài vấn đề tiền lương, nhiều nhân viên y tế cho rằng lý do khác dẫn tới quyết định nghỉ việc là không có thời gian để nâng cao tay nghề. Một nhân viên y tế cho biết phải chịu trách nhiệm một lúc 5/6 đầu việc nên phải làm hết sức mới đáp ứng được. Do vậy nên dù nhân viên y tế này đã nhiều lần dự định học chuyên tu lên bác sĩ nhưng không có thời gian.
Hơn nữa, muốn tiếp tục học lên, nhân viên đó phải học chuyển đổi từ y sĩ sang cử nhân điều dưỡng, hoặc thi lại đại học theo quy định mới của Bộ Y tế. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng thì nhân viên y tế đó đã quyết định chia tay nghề y.
Việc nhân sự ngành y "rũ áo" là một báo động đỏ nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy một giải pháp tình thế cho đến căn cơ nào được giới quản lý chuyên trách đưa ra. Trong tình cảnh đó nên quả là rất đáng lo khi ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây cho thấy số ca Covid-19 tăng nhẹ, khi bệnh nhân khám bệnh có yếu tố dịch tễ đã xét nghiệm ra Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay so với những tuần trước, khoa chỉ có 8 – 10 bệnh nhân thì trong tuần đầu tháng tám số ca bệnh tăng gấp đôi. Hiện khoa điều trị 20 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC), còn lại đều có triệu chứng nhẹ.
Bàn về chuyện không cần đãi ngộ mà cần sự công bằng trong chính sách, theo bà Phạm Khánh Phong Lan thì lâu nay ở bệnh viện công lập đang tồn tại hai giá : Giá bảo hiểm y tế và giá dịch vụ tự nguyện.
"Chuyện này rất vô lý, không nước nào như thế. Nhà nước nên thống nhất một giá và trợ giá cho khám bảo hiểm để người dân được khám chữa bệnh chất lượng, còn bệnh viện được thu theo đúng chi phí thực tế. Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng vậy, chúng tôi cực kỳ khổ sở. Chúng ta vẫn tìm mọi cách năm sau phải rẻ hơn năm trước. Thậm chí nơi này trúng thầu, ký hợp đồng rồi nhưng nơi khác trúng giá thấp hơn, lại phải áp theo. Nếu không thì bảo hiểm không thanh toán. Thử hỏi : Xăng tăng giá, mọi thứ tăng theo, vậy bảo hiểm có thanh toán không ?
Chúng ta nhìn y tế công đâu cũng thấy tội phạm, trong khi lẽ ra phải nhận thức rằng mục tiêu cao nhất phải là người bệnh có thuốc, vật tư y tế đảm bảo chất lượng với giá hợp lý. Trong khi đó, ở các bệnh viện tư, tiền của họ, dịch vụ tự nguyện, rất đơn giản.
Cơ chế mua sắm thế này, thiệt hại nhất là nhân lực. Bác sĩ, nhân viên y tế đâu phải được đào tạo về đấu thầu, vì cơ chế ấy mà bận rộn với đủ thứ chi tiết, làm sao chăm lo cho chuyên môn nghề nghiệp. Chưa kể, làm sai thì bị bắt. Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm nhưng cũng phải xem xét bây giờ chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa ?" – bà Phạm Khánh Phong Lan từng nhiều lần bức xúc như vậy mỗi khi có dịp đăng đàn lên tiếng.
"Y tế công lập nhằm phục vụ bình dân, người nghèo. Chảy máu chất xám thế này thì người nghèo, người yếu thế, người chỉ có điều kiện khám bảo hiểm y tế là thiệt thòi nhất, hưởng dịch vụ hạng hai. Chậm sửa đổi ngày nào, hệ thống y tế càng bị bào mòn và người dân sẽ phải trả giá" – bà Phạm Khánh Phong Lan, cảnh báo.
Tiếc là bà quyền bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vẫn chưa thấy động tĩnh gì kể từ sau ngày bà được đảng đặt ngồi vào ghế quyền lực này từ hôm 15/7/2022.
Hiền Vương
************************
Thiếu nhân lực, thiếu thuốc tiếp tục là khó khăn nan giải của ngành y tế
Minh Thảo, Kinh tế Sài Gòn Online, 05/08/2022
Hiện tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được kiểm soát nhưng ngành y tế thành phố vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn như nguy cơ dịch chồng dịch như Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm mùa hè ; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế ; tình trạng thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc…
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn như nguy cơ dịch chồng dịch, nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế ; tình trạng thiếu nguồn nhân lực và và tình trạng lo lắng kéo dài ở một số bộ phận nhân viên y tế. Ảnh : Minh Thảo
Ngày 5/8, tại buổi gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và cán bộ nhân viên y tế, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tăng Chí Thượng cho biết dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát nhưng ngành y tế vẫn gặp những thách thức và khó khăn chồng chất. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với bốn nguy cơ là dịch chồng dịch, tình trạng thiếu thuốc, biến động nguồn nhân lực và tình trạng lo lắng kéo dài ở một số bộ phận nhân viên y tế.
Trước đây, nhân viên y tế gặp nhau rất vui vẻ, nhưng hiện nay ai cũng lo lắng. Ngành y tế xem đây là nguy cơ và phải có biện pháp giải quyết. "Chúng tôi triển khai công tác lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế tại các đơn vị mỗi tuần, ngoài ra còn có những chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các anh em trong ngành y tế", ông Thượng cho biết.
Trong thời gian vừa qua, một số cơ sở y tế cũng có tình trạng nhân viên nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến động nguồn nhân lực trong ngành y tế.
Về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, ông Thượng cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức các cơ sở y tế xin nghỉ việc ; đồng thời cũng đã có nhiều nhân viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc. Theo thống kê, nếu như số người làm việc vào cuối năm 2021 tại các y tế cơ sở công lập trên địa bàn là hơn 42.914 người ; ở thời điểm hiện tại, tổng số người đang làm việc tại các y tế cơ sở công lập là hơn 42.608 người.
Mặc dù tổng số người làm việc giảm không nhiều (306 người) nhưng "điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì những người nghỉ việc là người có thâm niên, nhiều năm kinh nghiệm. Đối với người mới vào là những người vừa tốt nghiệp, cần thời gian để thực hành, làm việc", ông Thượng chia sẻ.
Chia sẻ về tình hình nhân sự tại trạm y tế, bà Kim Nhật Lệ Anh, Trưởng trạm y tế, phường 12, quận Gò Vấp, cho biết trong giai đoạn trước dịch từ năm 2018-2020, trạm y tế phường đã thực hiện trạm y tế mô hình điểm với 10 nhân sự. Tuy nhiên, sau đợt đại dịch Covid-19 (kéo dài từ 2020-2021), trạm y tế rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn nhân lực. Hiện trạm y tế chỉ còn 7 nhân sự (1 cử nhân y tế công cộng, 2 điều dưỡng, 2 y sĩ, 1 dược sĩ đại học và 1 nữ hộ sinh).
Tuy nhiên, nhờ vào Nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trạm y tế đã kịp thời bổ sung thêm được nguồn nhân lực là các bác sĩ từ Bệnh viện Y khoa Phạm ngọc thạch, bác sĩ quân để hỗ trợ cho cho công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế, bà Lệ Anh cho biết.
Trước thực trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị là không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.
Ngành y tế thành phố cần có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành y tế.
Trước mắt cần tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh để ổn định sớm nhân viên y tế, bởi hiện nay, bệnh viện này vẫn chưa có giám đốc, chỉ có ba phó giám đốc. Trước đó, ngày 9-2-2021, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt tạm giam trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại bệnh viện.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế. Ảnh : Minh Thảo
Bên cạnh thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc, một trong những nguy cơ được Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Để giải quyết tình trạng này, ông Thượng cho biết đã yêu cầu phòng nghiệp vụ dược triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả trong đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.
Ngành y tế thành phố sẽ luân phiên đấu thầu tập trung các địa phương hai lần mỗi năm tại các bệnh viện tuyến cuối thành phố, huy động nguồn lực của cả ngành y tế tham gia. Đồng thời sẽ tổ chức giám sát tình hình sử dụng thuốc, tổ chức điều phối giữa các bệnh viện, chuẩn bị nguồn lực chuyên trách công tác quản lý và cung ứng thuốc cho bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại y tế cơ sở.
Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng đã có những phương án "biến nguy thành cơ", thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, đặc biệt không để bị động khi dịch sốt xuất huyết bùng phát cùng với dịch Covid-19, ông Thượng nói.
Minh Thảo
Nguồn : Kinh tế Sài Gòn Online, 05/08/2022