Năm 2023 Việt Nam "quản lý xung đột" "tốt" hơn Phi ?
Đây là một câu hỏi trong bài phỏng vấn học giả Biển Đông của Việt Nam trên RFA.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam ở Hoàng Sa
So sánh, năm 2023, một bên là Phi dồn mọi nỗ lực để dành lại đá Scarborough tọa lạc trong vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý) của Phi mà Trung Quốc đã chiếm năm 2012 (bằng thủ đoạn bội ước). Phi cũng đang tìm cách củng cố "tiền đồn" của mình trên bão Cỏ Mây, thực chất là một tàu chiến mắc cạn, bất chấp những cản trở của tàu hải giám Trung Quốc.
Thành công hay không chưa biết. Nhưng ít ra Phi đã nỗ lực làm những chuyện mà họ có thể làm.
Còn Việt Nam. Việt Nam đã làm gì đối với các đảo Hoàng sa (Trung Quốc chiếm năm 1974), hay các đảo đá ở Trường Sa bị Trung Quốc cướp năm 1988 ?
Việt Nam không làm bất cứ chuyện gì.
Việt Nam đã có động thái nào để đấu tranh với Trung Quốc để dành quyền khai thác các mỏ dầu khí tại bờ rìa bồn trũng Nam Côn sơn hay tại bãi Tư chính ? Các lô dầu khí 5.0, 5.2, 6.1, 6.2, 131, 132, 134… Việt Nam khai thác được cái gì ? Việt Nam phải đền Repsol hàng tỉ đô la, vì bị Trung Quốc áp lực. BP, ExxonMobil, thậm chí Rosneft... vì bị Trung Quốc hù dọa phải "bỏ của chạy lấy người". Các mỏ Cá rồng đỏ, Lan tây, Lan đỏ, Phong lan dại… phải lấp lại chờ thời…
Tức là Việt Nam đã không làm được gì với Trung Quốc để dành lại quyền khai thác trên thềm lục địa chính đáng của mình.
Vì vậy ai đó nói rằng Việt Nam quản lý tranh chấp với Trung Quốc "tốt" hơn Phi là chuyện không hề có, là chuyện "nói lấy được".
Thực tế cho thấy, từ tháng 12 năm 2020, Việt Nam đã ban hành luật về "bí mật nhà nước của đảng". Trong đó luật qui định các vấn đề liên quan đến "chủ quyền lãnh thổ, biển đảo" từ nay thuộc "bí mật nhà nước" của đảng.
Thực tế cũng cho thấy, từ tháng 12 năm 2020 đến nay, báo chí trong nước im lặng tuyệt đối trên các vấn đề lãnh thổ, hải phận Biển Đông. Viết về các đề tài này tác giả có thể bị chụp mũ "tiết lộ bí mật nhà nước của đảng".
Người dân không ai biết việc khai thác các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam đã phát triển ra sao ?
Mỏ Kèn bầu (lô 114) được cho là "khủng", lớn nhứt lịch sử dầu khí Việt Nam, hợp tác với Ý năm 2020, đến nay phát triển tới đâu ?
Mỏ Cá Voi xanh, cũng được cho là "khủng", hợp tác khai thác với ExxonMobil đến nay thế nào ? Hai mỏ khí đốt này không bị đường chữ U của Trung Quốc vắt qua, tức là "không có tranh chấp".
Năm qua miền Bắc bị "thiếu điện". Người ta đổ thừa "ông trời", vì hạn hán khiến các đập thủy điện ngưng hoạt động. Cá nhân tôi không hề biết từ khi nào Việt Nam là quốc gia "thủy điện" ? Rốt cục Việt Nam mua điện của Trung Quốc và Lào về bù trừ. Tức là không hề có mét khối gaz nào được đưa về từ các mỏ ngoài khơi để "chạy" các nhà máy nhiệt điện.
Việt Nam một nước lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nhưng lại bị Trung Quốc đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam khấu đầu với Trung Quốc để cùng Trung Quốc "xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai". Không có vụ "ngoại giao cây tre" với "quốc phòng 4 không". Việt Nam như con cá bị dính lưới, không vùng vẫy đi đâu được hết cả.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 25/02/2024
Từ trung tuần tháng 11, Việt Nam xuất hiện trên sân khấu thế giới trong vai nước chủ nhà, niểm nở đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia tới Đà Nẵng dự hội nghị APEC- Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Ngay sau khi APEC bế mạc, Hà Nội lần lượt đón tiếp 2 vị khách qúy lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới. Trước tiên là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chính thức đi thăm Việt Nam. Cùng ngày Tổng thống Mỹ lên máy bay về nước, Hà Nội lại trải thảm đỏ, bắn đại bác long trọng đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng đàng sau 21 phát đại bác và những lời phát biểu hòa hoãn nêu lên tinh thần đoàn kết giữa hai nước anh em cộng sản láng giềng, nhiều người Việt, kể cả trong chính quyền, vẫn lo ngại về ý đồ của nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông, vẫn quyết tâm thực hiện "giấc mơ Trung Hoa". Một nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á phân tích mối đe dọa do Trung Quốc đặt ra đối với Việt Nam.
Là một nước nhỏ nằm sát cạnh một nước khổng lồ, việc Việt Nam bị Trung Quốc chi phối trong nhiều lĩnh vực là điều khó tránh khỏi, nhất là khi cường quốc lớn nhất khu vực, dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, có tham vọng trở thành bá chủ thế giới và đang từng bước thực hiện ‘giấc mơ Trung Hoa’.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói mối đe dọa đến từ Trung Quốc không chỉ hiện diện trên Biển Đông, mà có phần còn nguy hiểm hơn trên đất liền. Ông nói thái độ e dè lo lắng của nhiều người dân và chủ trương của giới lãnh đạo Việt Nam phải mềm dẻo với Trung Quốc, cũng có cái lý riêng của nó.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long giải thích :
"Nếu mang ra so sánh, thì mối đe dọa của Trung Quốc ngay ở trên đất liền còn nguy hiểm hơn mối đe dọa trên Biển Đông rất là nhiều. Mình không muốn làm cho Trung Quốc quá phật lòng trong khi những nước có thể giúp Việt Nam hiện nay còn có vẻ hơi thờ ơ. Việt Nam chúng ta có câu "nước xa mà lửa gần". Nếu lửa bốc cháy nhà mình mà nước không gần thì rất là khó, thành ra tôi hiểu vì sao chính quyền Việt Nam trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình".
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam nên tận dụng cánh cửa cơ hội khi thế giới chú ý tới mình sau sự kiện APEC, để cải thiện hình ảnh của đất nước, và đẩy mạnh vai trò trong khu vực và trên trường quốc tế hầu có thể củng cố thế đứng của mình.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long :
"Việt Nam đang được chú ý đến thì nên đẩy mạnh vai trò tích cực của mình không những đối với các nước trong khu vực và thế giới, mà thường thường một nước muốn được kính trọng là mình phải đối đãi với dân của mình như thế nào, chính sách trong nước của mình như thế nào, thì lúc đó cái chiến lược của mình đối với nước ngoài nó mới được bảo vệ và đẩy mạnh hơn".
Làm cách nào tận dụng các mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và Việt Nam với Trung Quốc để phục vụ tốt nhất các lợi ích của Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long :
"Trải thảm đỏ là một hình thức, một cách khác là làm sao để cho sức mạnh nội bộ của Việt Nam càng ngày nó càng phát triển thêm để dân chúng Việt Nam cùng nhau bảo vệ đất nước, thì tôi nghĩ trong đó nhân quyền và dân quyền là rất quan trọng dù cho ông Trump hay các nước khác không đề cập đến ngay trong lúc này. Chính Việt Nam phải làm sao để cho dân chúng ở trong nước cảm thấy rằng họ cần đóng góp cho tương lai của đất nước".
Về đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ làm trung gian điều giải giữa Việt Nam và Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhà nghiên cứu nhận định khi đưa ra đề xuất đó, ông Trump có lẽ không nắm vững vấn đề Biển Đông cho lắm.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói :
"Ông Trump ông ấy nói câu này là hoàn toàn sai, là bởi vì đây không phải là một vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay giữa Việt Nam và một số nước khác trên thế giới. Vấn đề Biển Đông là vấn đề chung của thế giới, vấn đề chung của khu vực. Mỹ có bổn phận ở Biển Đông cũng như có bổn phận ở Tây-Thái Bình Dương. Bây giờ ông Trump nói Mỹ sẽ đứng giữa, tìm cách nối nước này với nước kia như vậy thì tất nhiên là Mỹ từ bỏ trách nhiệm của mình. Mà đây không phải là trách nhiệm mới, mà có cả trăm năm rồi. Mỹ đã tham dự 4 cuộc chiến ở Châu Á -Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh ở đó cũng như để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Bây giờ tự nhiên tách rời Mỹ ra rồi bảo tôi sẽ đứng ngoài, và giúp cho các ông nói chuyện với nhau thì thật là vô lý !"
Mặc dù thái độ hòa hoãn hơn giữa các nước tranh giành chủ quyền trên Biển Đông sau hội nghị APEC cho phép lóe lên một tia hy vọng về triển vọng nối lại các cuộc đàm phán để đạt một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển vào đầu năm tới, có phần chắc vụ tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này thể nào cũng có ngày sẽ bùng lên trở lại, bởi vì không có nước nào trong cuộc có ý định nhượng lại chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình, trong khi khó có thể thuyết phục Trung Quốc từ bỏ giấc mơ nước lớn của họ.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 22/11/2017