Vật tư y tế ‘giá rẻ’ từ Trung Quốc : Nỗi khổ của bác sĩ và rủi ro của bệnh nhân
Sau một thời gian dài thiếu thốn vật tư y tế, các bệnh viện trong nước hiện đối mặt với làn sóng vật tư y tế từ Trung Quốc, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng người nhà bệnh nhân phải tự tìm mua, từ thuốc kháng sinh cho tới thiết bị phẫu thuật, vì, theo các chuyên gia, vật tư y tế Trung Quốc "tuy giá rẻ nhưng đầy rủi ro".
Ảnh tư liệu - Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh phản đối việc bị chậm trả lương suốt 8 tháng.
Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực không muốn nêu danh tính cho VOA biết trong tư thế một bệnh nhân nằm phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Bạch Mai, ông mới thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh khi phải dùng các loại vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc.
"Truyền có mấy hôm mà cái kim dỏm nên sưng hết cả hai tay do bị hỏng ven, phá ven sưng tấy lên. Cái kim luồn nó không ra gì nên tự chọc ra khỏi lòng ven, phá hết ven. Mà đấy là mình nằm phòng VIP 3 triệu/ngày rồi đấy. Cả bệnh viện như thế thì biết làm thế nào được… Mấy ngày sau mình phải đem cái bộ dây truyền tốt từ bên viện mình sang".
Cũng theo ông, vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào hệ thống y tế Việt Nam là kết cục của quá trình thanh tra toàn diện các dự án cung cấp thiết bị và vật tư y tế thời gian qua, từ đó các bệnh viện đồng loạt tiến hành đấu thầu lại.
"Đấu thầu thì Trung Quốc họ vào và thả giá rất thấp, xong rồi về mới sản xuất (theo giá đó) nên giờ 99% là Trung Quốc trúng thầu. Mà Trung Quốc trúng thầu thì chất lượng không ra gì. Đến bây giờ sự hiện diện của hàng Mỹ và hàng Châu Âu tại Việt Nam có lẽ chưa được 1%".
Chuyên gia này cho biết thiết bị vật tư y tế giá rẻ Trung Quốc trúng thầu tại các bệnh viện thì cả bệnh viện lẫn bệnh nhân đều bất lợi, chưa nói đến những vấn đề khác.
"Ví dụ, một lưỡi dao mổ bình thường là 1.000 đồng/chiếc. Nhưng một ca mổ chỉ cần dùng một cái thôi. Nhưng khi đưa cấu hình là phải thế này thế kia, là thép… thì Trung Quốc sản xuất giống hệt và bán giá là 200 đồng. Nhưng một ca mổ lại phải dùng đến 6 lưỡi. Như thế là mặc dù họ trúng thầu nhưng cuối cùng lại đắt hơn. Như thế là bác sĩ khổ mà bệnh nhân cũng khổ vì tốn tiền hơn. Mà chưa kể là mình không giải trình về bảo hiểm cho bệnh nhân được vì bảo hiểm sẽ hỏi là một ca mổ rạch cái gì mà dùng tới 6 lưỡi dao",ông phân tích.
Vẫn theo lời ông, quan trọng hơn là các loại vật tư y tế này không đảm bảo những yêu cầu khắt khe trong đa số các ca mổ khó trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực.
"Nhiều khi bệnh nhân chết mà chắc chắn họ không hiểu lý do tại sao. Hay lấy ví dụ các loại dịch hay kháng sinh. Ngày xưa một lọ kháng sinh có giá từ 70 – 80 nghìn đồng một lọ loại trung bình chứ chưa phải loại tốt đâu. Bây giờ thì được bán với giá 7 – 12 nghìn đồng ; và như vậy thì giá thực chất của nó chỉ 5 nghìn đồng. Một lọ kháng sinh 5 nghìn với 80 nghìn nó phải khác nhau một trời một vực, dù cùng một tên công thức hay cùng một loại hóa chất. Loại của Tây phải 80 nghìn, lọ của Trung Quốc chỉ 5 nghìn thôi mà dùng loại 5 nghìn đấy có khi cả tháng chẳng có tác dụng. Trong khi nếu đánh đúng thì chỉ cần 1 – 2 lọ 80 nghìn là bệnh nhân đã khỏi rồi", vị bác sĩ giải thích thêm.
Một đại diện doanh nghiệp, không muốn nêu tên, đã hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và vật tư y tế cho các bệnh viện trên cả nước nhiều năm qua, chia sẻ với VOA :
"Đồ Trung Quốc cũng có dăm bảy loại. Đồ Trung Quốc mà loại tốt thì cũng đắt chẳng kém đồ Châu Âu hay đồ Mỹ. Nhưng nếu nhập hàng đấy về bán thì lấy đâu tiền ‘đút vào mồm’ cho ‘bọn kia’. Giống như làm đường đấy. Giao cho anh làm mà anh phải ‘phết’ lại mấy chục phần trăm thì lấy đâu còn tiền để anh làm công trình cho tử tế được".
Từ kinh nghiệm của mình, doanh nghiệp này cho biết nếu không có những tiêu cực trong việc đấu thầu, ăn chia phần trăm đó thì thiết bị vật tư y tế giá rẻ của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ hội bán được ở Việt Nam, chứ đừng nói đến chuyện tràn ngập như hiện nay.
"Việt Nam mình nó cơ chế như thế, chứ không phải người Việt Nam mình thích dùng hàng kém chất lượng đâu. Người Việt Nam người ta cực kỳ chịu chi cho đồ hiệu, đồ tốt nhất là trong lĩnh vực y tế. Nhưng cơ chế nó như thế", anh lý giải.
Để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật trong phẫu thuật các ca bệnh nặng, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực cho VOA biết hiện ông phải hướng dẫn người nhà bệnh nhân đến những cơ sở mà ông biết để mua các loại thiết bị vật tư y tế cần thiết.
"Những hãng không đấu thầu vào viện được thì người ta ký gửi tại các nhà thuốc ngoài cổng viện thì người nhà ra đấy mua thôi", ông nói.
Tuy vậy, theo vị chuyên gia này thì đây cũng chỉ là "giải pháp tình thế". Không phải gia đình bệnh nhân nào cũng có điều kiện để mua đầy đủ các loại thiết bị vật tư y tế vốn không hề rẻ này.
"Mình tiếc cái công học hành thì mình theo đuổi làm trong bệnh viện nhà nước nhưng mà chắc năm tới cũng tính chắc là ra bệnh viện ngoài làm thôi. Chứ làm thế này chán lắm. Chẳng có hiệu quả gì cả vì mình làm gì có trang thiết bị mà làm. Còn nếu cố làm mà không cẩn thận để bệnh nhân chết thì… Thôi ra ngoài mổ mấy ca nhẹ mà kiếm tiền", chuyên gia này tâm sự.
Anh N.H.K, một lãnh đạo phụ trách vật tư và trang thiết bị y tế tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội cho biết tình trạng tràn ngập của các loại vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc tại hầu khắp các bệnh viện hiện nay có nguyên nhân từ quy định cách đây 2 năm trong việc chọn lựa nhà cung cấp. "Bây giờ chúng tôi bị bắt phải đấu giá qua mạng. Tức là đưa lên một cái đề bài thì nhà cung cấp sẽ đấu giá và mình chấm ở trên mạng và sau đó ai được thì họ mới mang hàng đến cho mình. Thế là Trung Quốc cứ nhảy vào đấu giá mà đồ Trung Quốc thì làm sao mà tốt được. Nói ví dụ đơn giản thế này : cái lưỡi dao mổ cắt amidan và nạo va của metronic, Mỹ thì có giá 4,8 triệu thế mà bây giờ Trung Quốc họ chào vào có 200 nghìn/lưỡi". Anh K cho biết thêm theo quy định thì cứ ai chào giá rẻ nhất là phải mua nếu không sẽ là làm sai và nhiều khả năng bị thanh tra, kiểm tra.
Anh K cũng cho biết cách đây hơn nửa năm, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết mới cho phép các bệnh viện công lập tự xây dựng giá gói thầu và mua sắm trang thiết bị y tế công nghệ cao từ Mỹ và Châu Âu để vừa đảm bảo giải quyết khó khăn về vật tư thiết bị y tế trong nước, vừa đảm bảo phòng chống tham nhũng nhưng cho tới giờ nghị quyết này vẫn chưa phát huy được hiệu quả vì giờ đây không ai dám "quyết" những gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế với giá cao sau khi cả lãnh đạo Bộ Y tế và nhiều bệnh viện đầu ngành vướng vòng lao lý vì những tiêu cực trong lĩnh vực này.
VOA đã cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Y tế để ghi nhận phản hồi, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 28/11/2023