Năm 2015, trước phản ứng dữ dội của công chúng, Hà Nội quyết định tạm dừng "Đề án cải tạo, thay thế cây xanh hai bên đường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014 – 2015" - đốn hạ, thay thế 6.708 cây cổ thụ. Sau đó, cây xanh ở Hà Nội tiếp tục được "cải tạo, thay thế" và giờ thì có đại án như đã biết.
Hình ảnh đối lập trên đường Lê Lợi với cảnh quan khác biệt giữa hai chiều đường. Trong khi phần hướng tuyến từ Nhà hát Thành phố về chợ Bến Thành trống trơn, không một bóng cây thì ở hướng ngược lại là một mảng xanh dịu mát. Ảnh VietnamNet
Tuần này, cây xanh ở các đô thị lớn nhất Việt Nam trở thành một trong những chủ đề được bàn tán rôm rả. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì chưa có bóng râm, việc dựng mái che vỉa hè đường Lê Lợi – một trong những trục chính thuộc khu trung tâm - vẫn chưa ngã ngũ. Còn dân chúng Hà Nội thì đang chờ xem sẽ có thêm bao nhiêu cá nhân xộ khám do nâng khống giá trị các dự án phủ xanh thủ đô, chiếm đoạt – chia nhau vài chục tỉ đồng(1).
Tham gia thảo luận về dự tính dựng mái che vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh của Sở Quy hoạch – Kiến trúc (Sở Quy hoạch - kiến trúc) Thành phố Hồ Chí Minh vì có muốn trồng cây cũng phải có thời gian chờ cây lớn, Nguyễn Đình Bổn nhắn :Đừng xạo mấy cha. Ai cũng biết kỹ thuật trồng cây giờ đã có những tiến bộ vượt bậc. Cổ thụ trong rừng còn bứng về trồng ngon lành được mà. Ông Trần Đại Quang hồi còn sống từng "trồng" một cây thị trên trăm tuổi, giờ vẫn còn đó !Vì vậy chuyện bứng các cây đã có tàn rộng nhưng hợp thổ nhưỡng, hợp với đô thị về trồngtại Sài Gòn là chuyện không hề khó, cứhỏi mấy ông nông dân làmnhà vườn họ sẽchỉ cho (2).
Còn Lê Huyền Ái Mỹ thì ôn lại lịch sử mảng xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh :Sợ cái nắng oi bức nhiệt đới nên vừa đặt chân đến Sài Gòn, trong những phác thảo đầu tiên về một lõi đô thị, người Pháp đã cho trồng cây rất dày, cứ năm mét trồng một cây, dọc theo vệ đường. Me, xoài, sao, bàng, rồi cả phượng. Một thời gian, thấy phượng tán thưa, không đủ che mát nên thay phượng bằng me. Rễ cây bàng ăn vô cả vỉa hè, trái rụng làm dơ đường nên cũng bị hạnhưng họ không hạ một lúc mà mỗi năm thay 1/6 số cây trên mỗi con đường. Họ trồng thay thế bằng nhiều loại cây, như trên đường Catinat – Đồng Khởi ngày nay chẳng hạn, tạo bóng mát quanh năm.
Và, tất nhiên hơn trăm năm trước, đụng vô mỗi cái cây người ta cũng cãi nhau ghê lắm. Biên bản của các phiên họp Hội đồng thành phố Sài Gòn ghi lại không sót, mà trong cơn dùng dằng, phe "chặt cây" thường thua cuộc. Đại khái theo kiểu "cuối cùng, không rõ có phải vì thấy dân chúng có óc "mê tín" hoặc "gắn bó" với cây cối hay không mà Hội đồng thành phố tỏ ra ngần ngại và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chứ không đồng ý cho chặt bớt cây ngay" (theo biên bản phiên họp ngày 8/3/1912 của Hội đồng thành phố Sài Gòn – Trần Hữu Quang – Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu – Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhưng, rốt cùng thì vẫn phải hạ, do mật độ dày nên có đề xuất là nâng năm thành cứ mười mét trồng một cây và nhất là với loại cây phát triển có tính "gây hại". Thay vì cái lợi trước mắt lẫn lâu dài cho thành phố.
Hơn trăm năm sau, cây không có để hạ đã đành thì nay phát kiến lắp mái che chống nắng. Vẫn biết là "hy sinh" cho công trình hạ tầng giao thông, ở đường Lê Lợi là trạm metro nhưng ở nhiều công viên, đường hành lang sông cây vẫn bị bứng trụi. Khi đã hoàn công, sao không tính cách để "trả lại" màu xanh, bóng mát và môi trường sống thiên nhiên cho phố. Đâu ai, đâu thể buộc trả một lần, tìm cách mà trả góp, trả dần… Cũng không chỉ là việc của chính quyền, nó còn là trách nhiệm tự thân của mỗi công dân – xanh thành phố, mỗi nhà ươm, trồng một cây xanh, treo một giỏ cây, tạo một bồn cây, như thể "bù đắp" cho chừng ấy cục nóng – máy lạnh mình xả vào môi trường, thiên nhiên. Tôi chỉ đơn giản nghĩ thế, mỗi khi trồng cây.
Hiện giờ, nhiều tuyến đường đã sạch sẽ mạng nhện, rất thoáng đãng. Nhưng nhẵn trụi cây xanh. Cây già thì đã hạ, cây bé cũng không ươm. Cả ký ức lẫn chút trông chờ một ngày không xa, cạn dần, khô khốc.
Tôi sẽ không trích dẫn ra đây nữa những cam kết có trong "nghị quyết" về mật độ cây xanh, chuẩn không gian công cộng, công viên trên mỗi đầu người (công dân thành phố) bởi quan trọng là việc chính quyền thành phố có bắt tay làm hay không, mà cụ thể là trồng cây gây… bóng mát trên mỗi địa bàn cơ sở, tìm cách mà trả lại thảm xanh cho những nơi đã từng bị "mượn" khi vào đợt chỉnh trang, nâng cấp... Khi "lợi ích mười năm" còn không chịu thấy thì đòi hỏi gì "lợi ích trăm năm"... Khi "trồng cây" là ta cũng đang "trồng người" đó thôi (3) !
Từ chuyện không thể chờ cây nên muốn dựng mái che vỉa hè đến chuyện đốn cây ở Hà Nội rồi lập dự án trồng mới để có thứ mà thổi giá lên, Nguyễn Thông bàn :Cây xanh là hình ảnh đặc trưng của vùng nhiệt đới. Nhẽ ra cần phải gìn giữ, bảo vệ, nâng niu nó thì người ta (đám cai trị xứ này) làm ngược lại, cứ phá thật lực, phá cho bằng hết.Lấy danh nghĩa phát triển, thực hiện dự án này nọ, họ không bao giờ tìm giải pháp tốt nhất để cứu cây xanh mà chỉ nhăm nhăm tạo dựng những cục bê tông.
Ví dụ rõ nhất, nếu ai ở Sài Gòn cách nay khoảng chục năm về trước, sẽ thấy tiếc đến ngẩn ngơ oặt người khi họ chặt phá những hàng xà cừ trăm mấy chục tuổi trên đường Cường Để – Đinh Tiên Hoàng cũ (sau được đổi tên thành Tôn Đức Thắng) để làm lại đường. Đứa học trò cũ của tôi tòng sự ở trường Đạihọc Tổng Hợp (cũ) quen với hàng cây suốt nửa đời người, than thở : Thầy ạ, ngó họ văng cái cưa máy vào gốc cây sần sùi u mấu to mấy người ôm, em có cảm giác họ chém ngang người em chứ không phải hạ cây.
Trên đường phố Sài Gòn có những cây dầu, cây sao, cây xà cừ trồng từ thời Pháp, cần được coi như cây di sản, thứ tài sản quốc gia, phải bảo vệ cho bằng được. Chẳng hạn cây dầu vĩ đại trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần ngã tư giao cắt với Hai Bà Trưng (nghe nói có một ông rất to "chiếm" được ngôi biệt thự gần đó, bắt dẹp cả cây xăng ở gần để đảm bảo an toàn cho quan lớn, giờ hết làm to rồi nhưng không thấy trả lại nhà cho nhà nước- nghe tôi kể, lão hàng xóm nhà tôi bảo loại tham quan ấy có mà đầy). Hay con đường có các hàng dầu cổ thụ sóng đôi Minh Mạng cũ, đường Ngô Gia Tự bây giờ, ngang nhà thờ thánh nữ Jeanne d’Arc, kỳ quan chứ không phải chỉ là cây phố bình thường…
Ông bạn tôi, nhà báo Đoàn Xuân Hải, một gã nghiện xê dịch, từng đi khắp thế giới, hộ chiếu đổi xoành xoạch bởi cứ một thời gian là hết chỗ dánvisa có lần kể tôi nghe sự lạ ở Israel. Kể rằng, cái xứ chỉ có cát khô, nóng cháy, sa mạc như thế, người ta quý cây xanh như vàng. Ai mà đụng đến cây xanh bị đi tù chứ chả bỡn. Nước nôi quý hiếm, thiếu thốn, nên người ta tính từng giọt. Mỗi gốc cây đều có đường dẫn nước tới tận nơi, tưới tắm không trượt ra ngoài giọt nào. Trong cái nắng cái nóng dữ dội, cả đất nước thần kỳ này là một màu xanh mát mắt. Chỉ riêng điều đó đã là thứ đẳng cấp mà các quốc gia khác theo được còn khướt.
Nghe lão bạn kể, tôi ngẩn người. Mình chỉ gà què ăn quẩn cối xay, cả đời không đi tới đâu trừ mỗi lần mò sang Thái Lan, hộ chiếu xài một lần rồi hết hạn, thấy phục quá. Tặc lưỡi, khen người Do Thái chẳng khác gì khen phò mã tốt áo, khen mèo dài đuôi.Lại bần thần nghĩ về cây cối xứ mình. Đã có thời việc chặt cây, phá rừng được nhà cai trị ban thành chính sách(4).
***
Số người có liên quan đến việc khai thác kế hoạch phát triển cây xanh ở Hà Nội để phát triển tài sản cá nhân đã vượt quá con số 20. Ngoài 14 bị can, công an đã điểm mặt, chỉ tên hàng chục viên chức của nhiều sở, ngành hữu trách nhưng chưa quyết định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không (?). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất kế phân tích thiệt – hơn của các chuyên gia, dân chúng nhiều giới, Sở Quy hoạch - kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vẫn kiên định với dự tính dựng mái che, thậm chí còn giới thiệu thêm ý tưởng phát triển hệ thống mái che để đồng bộ khu vực tiếp nối quảng trường chợ Bến Thành và đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, kết nối thành một dải phố đi bộ(5).
Còn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ? Chủ tịch thành phố này chưa bảo có cũng chẳng bảo không. Theo ông ta, chuyện này "giống như việc xây một căn nhà, có người muốn làm nhà tròn, có người muốn làm nhà vuông, nhà dài..." và họ đang lắng nghe các ý kiến phản biện từ người dân đến chuyên gia, nhà khoa học như cách vẫn làm từ trước tới nay(6). Năm 2015, trước phản ứng dữ dội của công chúng, chính quyền thành phố phố Hà Nội quyết định tạm dừng "Đề án cải tạo, thay thế cây xanh hai bên đường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014 – 2015" - đốn hạ, thay thế 6.708 cây cổ thụ ở Hà Nội. Sau đó, cây xanh ở Hà Nội tiếp tục được "cải tạo, thay thế" và giờ thì có đại án như đã biết.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/04/2023
Chú thích