Ô nhiễm sông hồ tại Hà Nội trị mãi không hết
Thanh Trúc, RFA, 27/08/2020
Tại thủ đô Hà Nội, khi mà 12 hồ nước đã được làm sạch, thì nước trên các sông như Tô Lịch, Nhuệ và Đáy vẫn bị nhiễm bẩn một cách đáng ngại.
Hình minh hoạ. Một người nhặt rác đang lượm những vật tái chế trên một con kênh bị ô nhiễm ở Hà Nội hôm 20/10/2006 - AFP
Báo chí Nhà nước Việt Nam, trích dẫn số liệu khảo sát do Trung Tâm Điều Nghiên Môi Trường thực hiện từ tháng Năm/2020, cho thấy ô nhiễm nước vẫn là vấn nạn đối với thủ đô Việt Nam.
Độ trong sạch, tinh khiết của những vùng nước thiên nhiên như hồ, sông được đánh giá bằng WQI (Water Quality Index) Chỉ Số Chất Lượng Nước. Trên căn bản đó, WQI tại 62 điểm nước trên cả sông Nhuệ và sông Đáy đều dưới mức 50, nghĩa là rất thấp, do bị ô nhiễm nặng.
Chỉ tính riêng khúc sông Nhuệ chảy qua vùng thủ đô, nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng, Chỉ Số Chất Lượng Nước ở đây nằm giữa 10-25 do thường xuyên bị nhiễm bẩn bởi lượng nước thải từ các làng nghề xả xuống.
Về 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đà, chất lượng nước trên 3 dòng chảy này vẫn thấp (trong khoảng 12-28), không có dấu hiệu tốt hơn so với cùng thời điểm năm trước, thậm chí có những nơi mà nước không thể dùng để nấu ăn, tắm giặt hay sản xuất.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, sau là Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, phân giải về tình hình ô nhiễm sông nước ở Hà Nội như sau :
"Người ta không dùng nguồn nước sông Nhuệ và sông Đáy mà dùng nguồn nước sông Hồng và những hồ chứa riêng để tưới. Nước sinh hoạt thì hoàn toàn có chỗ để lấy nước sạch từ sông Đà về, xử lý rồi cho vào nhà máy, bơm vào những đường ống cho dân ở toàn thành phố Hà Nội. Nước tưới tiêu và nước ăn đều có đường ống riêng hết."
"Căn cứ vào mức độ kim loại và chất độc thải ra sông thì tôi cho rằng chính sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nhất. Sông Tô Lịch là nơi mà nước sinh hoạt tại các khu sản xuất, dân sinh, công nghiệp, bệnh viện trong thành phố đều xả ra đấy, từ đó chảy ra sông Nhuệ và từ sông Nhuệ chảy ra sông Đáy."
Sông Hồng ở Hà Nội / Reuters - Ảnh minh họa
Báo chí trong nước từ năm ngoái đưa tin Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội đẩy mạnh công tác làm sạch nước hồ, nâng cấp chất lượng nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày với kết quả đáng khích lệ.
Đó là một kế hoạch trong toàn dự án quan trọng và khó khăn mà thành phố phải thực hiện, bao gồm 280 "họng", thải ra những dòng nước đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Trọng Hồng giải thích tiếp :
"Hà Nội đang có phương án, một là xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Hà Xá thuộc hạ lưu sông Tô Lịch, có nghĩa nguồn nước từ 280 "họng nước" sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch được qui tụ và đưa xuống nhà máy xử lý của Hà Xá, sau đó mới chuyển vào sông Nhuệ và sông Đáy".
"Còn lại thì người ta cũng đang mời Nhật vào nghiên cứu xem thử xử lý tại chổ 280 họng nước như thế nào để cố làm cho sông Tô Lịch sống lại".
Trong nỗ lực làm sạch đẹp môi trường sông nước của Hà Nội, cái khó nhất theo giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng vẫn là :
"Qui tụ tất cả 280 họng nước là phải làm những đường thông mà rất khó có thể nối với nhau được. Tức là cửa thải từ thành phố mà biết bao nhiêu phường nên người ta gọi là 280 cái họng do nước dân sinh, nước sửa chữa xe, máy, rồi nước của bệnh viện thải ra. Cho nên Nhật đã đề nghị phương án xử lý tại chỗ 280 họng nước ấy và đấy là điều khó nhất hiện nay".
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết ô nhiễm môi trường, trong đó có nguồn nước bẩn dẫn đến những dòng sông chết, là vấn nạn chung tại những thành phố lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc của Việt Nam :
"Ngay từ cuối 2001, khi Bộ Tài nguyên và môi trường mới thành lập, 2 lưu vực sông bị ô nhiễm nặng là sông Nhuệ - Đáy ở phía Bắc (gần Hà Nội) và sông Thị Vải - Đồng Nai ở phía Nam (gần Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó thì sông Cầu cũng là một trong những dòng sông có nhiều đoạn ô nhiễm rất nặng".
"Thực tiễn cứ sau 10 năm nhìn lại chỉ thấy là giảm dần được xả thải vào nguồn nước của 2 sông bị ô nhiễm này thôi, chứ còn việc cần làm là rửa sạch, thay nước hoặc rửa bằng công nghệ môi trường thì đều chưa làm được".
"Thứ hai, ô nhiễm nước sông, hồ đặc biệt các sông của Hà Nội như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ đều gần như đã chết. Chính quyền Hà Nội cũng đặt nhiệm vụ tẩy rửa sông đô thị ô nhiễm nặng thành công việc trọng tâm từ nhiều năm nay, nhưng xả thải nước sinh hoạt xuống sông vẫn ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình mở rộng đô thị quá nhanh mà thiếu kiểm soát".
Một đoạn sông Tô Lịch ở Hà Nội với bờ được kè Photo : RFA
Hồ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác bị lấp đi khá nhiều để lấy đất cho các dự án phát triển nhà ở, tiến sĩ Đặng Hùng Võ trình bày tiếp. Theo ông, các hồ điều hoà theo quy hoạch chi tiết đô thị gần như là hạng mục bị điều chỉnh giảm, rồi việc thiếu các "túi trữ nước"cũng là nguyên nhân chính gây ngập lụt đường phố hiện nay.
"Quy hoạch Hà Nội mở rộng đã dựa trên ý tưởng lấy mặt nước làm điểm nhấn trung tâm. Theo ý tưởng này, UBND Thành phố Hà Nội cũng đề nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp khôi phục chất lượng nước các sông đô thị, thử nghiệm cả công nghệ Nhật Bản, thử nghiệm cả giải pháp thay thế nước sông đã ô nhiễm bằng cách bơm nước Hồ Tây vào sông, xây dựng nhà máy xử lý nước sông ô nhiễm khá lớn tại Yên Sở bằng một dự án đổi đất lấy hạ tầng".
Đáng tiếc, vẫn lời tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nhà máy xử lý nước ô nhiễm Yên Sở hoạt động không như yêu cầu đặt ra, việc bơm nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch làm trôi đi cả công trình thử nghiệm theo công nghệ Nhật Bản.
Công việc làm sạch các sông đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông, có kết quả tích cực hơn Hà Nội, điển hình như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi nước thải sinh hoạt được gom lại để xử lý nhờ một dự án do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ.
"Vấn đề xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, nhất là các làng nghề, chưa làm được gì nhiều. Mặt khác, nhiều cơ sở công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải nhưng vẫn vụng trộm xả thải trực tiếp xuống sông. Việt Nam vẫn chưa đủ kế hoạch, giải pháp, kinh phí để làm sạch các con sông bị ô nhiễm. Mặc dù việc xả thải xuống sông đã giảm, điều này có nghĩa là chất lượng nước có tăng nhưng vấn đề chưa giải quyết được tận gốc".
Đối với Hà Nội nói riêng, ô nhiễm nước là vấn đề lớn vì nhiều vùng nước mặt (surface water) đã bị thu hẹp dần, trong lúc không ít con sông hầu như đã chết trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng.
Nếu để tình trạng ô nhiễm sông nước kéo dài như hiện nay, thì cái đẹp, cái hồn, kể cả đà phát triển thịnh vượng mà Nhà Nước thường đề cao, cũng bị ô nhiễm theo. Đó là điều mà không người dân Thăng Long nào muốn có, là kết luận của tiến sĩ Đặng Hùng Võ.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 27/08/2020
***********************
Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp trước nguy cơ vỡ đê
RFA, 27/08/2020
Hôm 27/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp trước nguy cơ vỡ đê do 3 km đê biển Tây bị sóng đánh sạt lở.
22222222222222222222
Đê phòng hộ của tỉnh Cà Mau không còn rừng bảo vệ. Photo : vov.vn
Tuyến đê sạt lở có 4 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, đoạn từ Hương Mai - Tiểu Dừa có hai vị trí dài 610 m và 315 m ; đoạn từ Ba Tỉnh - T25 dài 1.900 m và đoạn đê thuộc xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây dài 500 m. Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Trong đó, tuyến đê biển Tây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp trong vùng cho các hộ dân.
Từ ngày 6 tháng 8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cùng với mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao, tuyến đê biển Tây đã xuất hiện nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khả năng nước biển cũng sẽ tràn vào nội đồng tại những đoạn đê thấp.
Báo VNexpress dẫn lời ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau rằng, trên các đoạn đê này không còn rừng phòng hộ bên ngoài bảo vệ đê. Khi thời tiết cực đoạn diễn ra, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê. Nguy cơ gây vỡ đê rất lớn nên cần bảo vệ khẩn cấp.
Từ năm 2007 đến nay, tình trạng sạt lở khiến địa phương này đã mất khoảng 9.000 ha rừng phòng hộ. Tháng 9 năm 2019, Cà Mau cũng ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp và triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ tuyến đê biển Tây.
Tháng 10/2017, khi đê Bùi 2 được xây dựng với rất nhiều tiền công quỹ, mới đưa vào vận hành thì đã vỡ ngay sau trận mưa đầu tiên, chính quyền Hà Nội huy động 100 người xúc đá bảo vệ đê ! Chính quyền phủ nhận việc vỡ đê bằng đủ mọi lời trí trá không ai chấp nhận nổi.
Hình chụp hôm 22/7/2018 : một làng ở ngoại thành Hà Nội bị ngập lụt. AFP
Hậu quả là dân Chương Mỹ phải sống trong cảnh "địa ngục trần gian" cả nhiều tháng trời.
Khoảng 21/07/2018 đến nay, nước lũ lại cuồn cuộn đổ về ngập mênh mông cả một vùng Chương Mỹ , chưa kể những huyện khác. Hiện tượng lũ lụt nặng nề như sau vụ vỡ đê năm ngoái. Không thấy nhà cầm quyền thông báo về việc đê có vỡ hay không, hoặc chỗ đê vỡ năm ngoái đã được sửa chữa hay chưa. Nếu sửa thì ai sửa, sủa thế nào và tiền chi là bao nhiêu, ai chi ?
Thống kê từ nhà chức trách cho biết, năm 2017, mưa lũ đã gây ra hơn 61 sự cố trên các tuyến đê đi qua 16 quận huyện HN mà Thành phố Hà Nội chỉ mới cho phép xử lý khẩn cấp 35 sự cố nghiêm trọng (1). Mặc dù vậy, tiến độ thi công 35 dự án này cũng rất chậm trễ, cả năm nay rồi mà nhiều dự án không hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2018 như kế hoạch cam kết.
Còn 28 chỗ hư hỏng sạt lở còn lại, chính quyền vẫn bỏ ngỏ, chỉ là "yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí lục lượng, thường xuyên theo dõi để báo cáo ...", mặc dân sống trong nguy hiểm.
Có thể tin được chuyện tày trời này chăng ? Ai cũng biết, vỡ hay sạt lở đê chỉ tại một điểm thôi là đã đủ cho nước lũ phá toang cả một vùng. Chậm khắc phục, thi công chậm, không đạt chất lượng...đều là những tội không thể tha thứ được trong quản lý đê đập, gây thảm họa không thể lường được đối với tính mạng và tài sản người dân, đặc biệt đây lại là thủ đô Hà Nội.
Công luận từng hết sức phẫn nộ khi chính quyền đã bất chấp sự thật, che giấu và phủ nhận việc vỡ đê Bùi 2 Chương Mỹ vào tháng 10/2017. Những kẻ dối trá trong bộ máy chính quyền cho đến nay vẫn không hề hấn gì. Không ai bị truy cứu trách nhiệm về việc để đê vỡ . Đơn vị thi công công trình đê Bùi 2 kém chất lượng cũng không bị truy cứu trách nhiệm, khắc phục hậu quả và đền bù thiệt hại.
Ngày 2/8/2018, dư luận cũng hết sức ngạc nhiên khi ông Hùng chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để đính chính trước báo chí việc ba trường hợp người dân tử vong trong trận lũ lụt dịp cuối tháng 7 vừa qua là "do dân bất cẩn dẫn đến đuốinước" chứ không phải do lũ cuốn như thông tin mà nhiều người đã đưa !
Khốn khổ thay dân ta, khi dòng lũ đổ vể ngập cả nóc nhà, mạng người như chiếc lá tre trong dòng lũ, làm sao chống đỡ được, đã chết mà lại còn bị nhà chức trách đổ tội bất cẩn !
Đã đủ tàn nhẫn chưa, khi đổ tội bất cẩn cho người chết đuối để che giấu việc lũ đổ về Chương Mỹ, lũ chồng lũ, là do việc xả lũ từ thủy điện Hòa Bình ?! Động cơ nào, lợi ích nào, lệnh ban ra từ ai, khiến nhà chức trách một mực che giấu những tác hại do xả lũ thủy điện ? Gần đây họ đưa ra khái niệm "lũ rừng ngang" – không có trong các khái niệm về lũ của ngành Khí tượng thủy văn để một mực trí trá đánh lừa dư luận ?
Người dân biết cẩn thận thế nào cho đủ đây, khi cả vùng nước lũ mênh mông ngập sát nóc nhà, nhiều vùng bị cô lập cả nửa tháng trời ? Vì sao chính quyền sợ từ "lũ cuốn" đến mức ấy, trong khi rõ ràng là nếu không có lũ thì làm sao trong một thời gian ngắn như vậy mà hàng triệu khối nước lũ đổ về uy hiếp đê Bùi và Hà Nội ?
Đến chiều 2/8/2018, theo thống kê của chính quyền, toàn huyện Chương Mỹ còn 2.839 hộ bị ngập từ 0,5 - 2m. Trong đó, có 6.097 người dân vẫn đang phải sơ tán, chưa thể trở về nhà ổn định lại đời sống.
Người dân đi trong nước ngập ở Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội Võ Thị Hảo
Có thực sự không phải lũ cuốn, khi trong đợt ngập lụt này, Chương Mỹ đã "tổn thất nặng nề nhất về hạ tầng, kinh tế khi ngoài thiệt hại về nhà ở của cư dân, có tới 1.774m tường bao, sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 8.320m đường giao thông nội đồng, 12.110m đường đê hồ đập và 11.860m chiều dài kênh mương và 35 cầu cống đập, 25 công trình đền chùa bị hư hỏng…"(2).
Báo chí hồi hộp theo dõi các hộ đê của thành phố : Đê hữu sông Bùi "bị tràn nước", đê tả sông Bùi luôn đe dọa bị vỡ..., TP huy động 700 người trắng đêm đắp cát ở Chương Mỹ. Cả triệu dân Hà Nội khăn gói lo sợ chuẩn bị chạy lũ khi thấy nhà cầm quyền chỉ đặt bao cát trên mặt con đê mong manh căng nứt trước hàng triệu m3 nước lũ. May mà trời tạm dùng mưa…
Thời công nghệ hiện đại, nhưng để hộ dân thì nhà cầm quyền chỉ có bao cát và ...chờ nước không lên cao nữa...
Đương nhiên, chính quyền không muốn Chương Mỹ bị ngập lụt. Họ cũng đang đau đầu tìm lối thoát. Nhưng chính sự vô trách nhiệm, vô cảm và kém cỏi, dốt nát, tham lam trong quản lý đã khiến nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền đã là tác giả của "địa ngục trần gian" Chương Mỹ.
Bị quy hoạch là vùng "rốn lũ" của Hà Nội, lẽ ra người dân Chương Mỹ phải được chính quyền đền bù thiệt hại do phải nhiều phen chịu đựng nước lũ dồn về ngập nóc nhà, hết lần này tới lần khác bị mất trắng cả cơ nghiệp.
Trước đó, điều đương nhiên phải làm là chính quyền phải cấp chỗ ở, nhà cửa và đất canh tác ở nơi an toàn khác, tốt hơn chỗ cũ, cho dân để ổn định cuộc sống. Nhưng sự thiếu trách nhiệm của chính quyền khiến dân Chương Mỹ từ trận vỡ đê Bùi 2 tháng 10/2017 đến nay liên tục phải sống trong cảnh "địa ngục trần gian".
Không gì có thể bù đắp được những thiệt hại cho người dân Chương Mỹ, khi trận lũ tới, ngoài việc bị mất nhà cửa, tài sản, bị nước lũ cô lập nhiều ngày, điện bị cắt, nước sạch không có, không thể đi ở nhờ mãi được, nhiều người bị đói hoặc phải ăn mì tôm sống.
Để có nước uống và kiếm thức ăn, họ phải ngâm mình lội nhiều khi đến ngực hoặc bơi trong biển nước ngập ngụa xác súc vật chết trương phình trôi dạt.
Quanh họ, tấp vào họ, chực chôn vùi họ là những núi rác thải, cây cối hoa màu rữa nát, phân người, phân súc vật bập bềnh ma quái tấp vào người họ, nhà họ, cứ cố sức đẩy ra rồi chúng lại ập vào ngay theo những đợt sóng lũ hoặc khi gió thổi tới.
Nước cống, hóa chất độc hại tanh tưởi gặm mòn da thịt và sức khỏe họ đêm này qua ngày khác. Hàng trăm, ngàn người chân lở loét và ngứa đến mức chỉ muốn "chặt chân vứt đi cho khỏi ngứa".Vài con chó gà lợn còn sống sót được buộc trên nóc nhà cất tiếng tru và kêu thảm thiết vì đói.
Nước lụt từ ngày 21/7 đến nay vừa rút được vài cm thì đợt lũ mới lại chồng lũ khiến người dân thêm lở loét, nhiễm bệnh, côn trùng rắn rết bò vào tận giường… Điều khủng khiếp nhất là tương lai của họ hoàn toàn vô vọng. Tật bệnh do ô nhiễm và dịch bệnh bùng phát mà không tiền chữa bệnh. Họ đã lâm vào cảnh nợ nần không lối thoát.
Năm 2017, họ đã chịu thảm cảnh này. Họ đã bị đưa ra làm vật hy sinh, làm "rốn lũ" cho Hà Nội nhưng chẳng ai thèm hỏi ý kiến họ hoặc quan tâm đến việc họ cũng cần phải sống và phải được đền bù thỏa đáng.
Một đám tang đi trong nước ngập ở Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội - Ảnh Võ Thị Hảo
Quá ghê sợ cảnh "địa ngục trần gian" mà người Chương Mỹ đã phải quằn quại sống cho đến tận ngày hôm nay và những tháng ngày sau. Không thể quên những đám tang và đám cưới dầm mình trong nước lũ cùng bao cay đắng không lời nào tả xiết. Người dân Chương Mỹ không còn biết đi đâu, lại phải trở về "rốn lũ", gắng gượng sống qua ngày trên mảnh đất cha ông hàng ngàn năm nay bình yên nhưng do quy hoạch sai lầm, thiển cận, do xả lũ thủy điện, họ đã phải làm vật hy sinh cho chính quyền và tiếp tục vật lộn tỏng cảnh địa ngục trần gian của năm 2018 và những năm sau. Nhà cầm quyền luôn tìm cách trí trá thoái thác trách nhiệm và đổ tại trời.
Ông Trần Văn Kỳ, Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ cho biết, số người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ đang tăng nhanh, bởi ít nhất một tháng nữa nước mới rút, khi đó cơ quan chức năng mới có thể tiêu độc, khử trùng (3).
Nhưng như thường lệ, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI , Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trình bày báo cáo chỉ nói đến thành tích : "sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn", không đả động gì đến thảm trạng Chương Mỹ cùng những vùng khác dù việc đó đã và đang xẩy ra.
"Địa ngục trần gian" Chương Mỹ - không thể chối cãi rằng đó là khối ung thư lở lói được che lấp dưới gò má Hà Nội mà nhà cầm quyền cố tô trát phấn son.
Khi "địa ngục trần gian" Chương Mỹ và những nơi khác còn đó, dẫu bao nhiều tòa nhà hào nhoáng và biệt thự lộng lẫy của các quan tham cũng chỉ là sắc màu tương phản, làm nổi bật thêm bản chất đi ngược lại quyền lợi nhân dân của nhà cầm quyền Việt Nam.
Võ Thị Hảo
Nguồn : RFA, 05/08/2018
(1) https://baomoi.com/nhieu-du-an-tu-bo-de-dieu-cham-tien-do/c/26136163.epi
Truyền thông trong nước ngày 9/10 vừa qua dẫn lời đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói rằng nếu Việt Nam cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa thì sẽ góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước.
Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ. Courtesy of news.zing.vn
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo do Bộ Công Thương tổ chức hôm 9/10, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với nguồn năng lượng hóa thạch cạn kiệt như than, khí đốt. Trong khi đó đến năm 2020 Việt Nam phải tìm ra các nguồn điện bổ sung cho lượng thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh và con số này sẽ lên đến 300 tỷ kWh vào năm 20130.
Vì vậy ông Ngãi đề xuất tiếp tục khai thác thủy điện vừa và nhỏ vì chúng mang lại hiệu quả kinh tế và có công suất điện khá cao.
RFA trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, cũng là người đã vận động thành công việc hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai vì những tác động tai hại đến khu vực rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Quan điểm của ông là phản đối việc phá rừng để xây dựng nhà máy thủy điện. Lý do ông đưa ra là ảnh hưởng đến hệ sinh thái :
Nếu làm thủy điện ở những vùng có rừng thì mình sẽ phá rừng để hi sinh làm thủy điện. Các dòng sông làm thủy điện có độ dốc tương đối cao và đa số những nơi đó là còn rừng. Nếu làm như vậy mình phải hi sinh môi trường, đặc biệt là đa dạng sinh học. Rừng không chỉ là cây như chúng ta nhìn vào mà còn nhiều loài khác nhau. Khi mình phá rừng, tổng thể hệ sinh thái phục vụ cho con người, và các loài khác trong chuỗi mắt xích sẽ bị phá hủy. Như vậy sẽ đe dọa đến sự tồn vong của loài người.
Ông nói gần đây Việt Nam xảy ra nhiều trận hán hán, lũ lụt lịch sử mà nguyên nhân một phần lớn là do nạn phá rừng.
Trận lũ lụt đầu tháng 10 vừa qua đã khiến hơn 70 người thiệt mạng, hơn 200 ngôi nhà bị sụp đổ, hơn 40 ngàn ngôi nhà bị ngập, hơn 9000 gia súc và hàng trăm ngàn gia cầm chết đuối. Việt Nam gọi đây là trận lụt lịch sử trong tháng 10 ở Việt Nam.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ cho biết nguồn thủy năng ở Việt Nam hiện nay đã gần cạn kiệt. Nếu làm thêm nhà máy thủy điện thì khả năng lớn là trên các sông suối nhỏ :
Tại vì mình không nắm được các hồ sơ đó nên không biết những nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nằm ở đâu, chiếm bao nhiêu diện tích và bao nhiêu rừng sẽ bị phá để phục vụ chuyện này.
Tôi nghĩ từ 300-400 là nhiều lắm.
Mặc dù hiện tại dự án cụ thể của các nhà máy thủy điện này chưa được công bố nhưng Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói rằng khả năng lớn sẽ được xây dựng ở các khu rừng núi hiểm trở bởi vì ở những địa hình dễ làm Việt Nam đều đã cho tiến hành xây dựng.
Ông nói rằng hiện tại rất khó đánh giá tác động cụ thể của các nhà máy này bởi vì chưa có một thông tin nào được công bố. Tuy nhiên theo ông, các nhà máy thủy điện bấy lâu nay đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học về tác động môi trường và con người, mặc dù chúng cung cấp một lượng lớn điện năng cho cả nước :
Nó có nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, ngoài yếu tố về kinh tế. Ví dụ chuyện di dân, những người sống ở khu vực lòng hồ sẽ phải di dân. Mà thường thường sẽ di chuyển đến chỗ khó khăn hơn chỗ ở cũ. Rồi vấn đề về tái định cư, và sinh kế của người dân ở đó bởi vì họ sống ở dưới thung lũng thì họ dễ dàng canh tác, bắt cá nhưng khi di dời, theo khảo sát của tôi, thì cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoài ra những hồ chứa như vậy phải hi sinh rất nhiều đất rừng. Mà rừng ở Việt Nam càng ngày càng thu hẹp và chất lượng không còn dồi dào như ngày xưa nữa. Nếu tiếp tục xây dựng thủy điện thì diện tích rừng càng ngày càng ít dần.
Ngoài ra, ông cho biết hồ chứa thủy điện sẽ giữ lại phần lớn phù sa trên sông, sẽ làm cho vùng hạ lưu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp nhận phù sa. Bên cạnh đó sẽ cản đường di cư của các loài cá, hay ảnh hưởng đến vấn đề giao thông thủy trên sông.
Một vấn đề quan trọng nữa ông nêu ra đó là khi nhà máy thủy điện vận hành sẽ làm thay đổi các đặc điểm dòng chảy của sông. Dòng sông có lúc phải tích nước lại, có lúc phải xả nước nhiều, chứ không được chảy liên tục như trước đó.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật bổ sung thêm rằng việc xây dựng đập thủy điện có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, văn hóa của người bản địa, đẩy họ vào tình thế vốn đã cô lập nay còn bị tổn thương hơn. Vô hình chung điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình ổn định chính trị để phát triển đất nước.
Một nguy cơ khác có thể xảy ra nếu phát triển quá nhiều nhà máy thủy điện, ông nói tiếp :
Đặc biệt ở Việt Nam luôn làm thiếu tính hệ thống. Vừa rồi ở Lào có vụ việc vỡ đập thủy điện. Nếu đập thủy điện bị vỡ như vậy sẽ tác động đến các đập khác, gây ra hiện tượng vỡ đập liên hoàn. Như vậy người dân ở vùng sâu sẽ không sơ tán kịp và nhiều người sẽ chìm trong vùng lụt, phải chịu mất mát về cả tính mạng con người và của cái vật chất.
Trong buổi Hội nghị về phát triển thủy điện nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng nói rằng nếu Việt Nam có xây thêm nhà máy thủy điện thì cần hạn chế tối đa phá hoại rừng và phải có quy trình chặt chẽ trong việc xây dựng và vận hành hồ chứa.
Xây dựng đập Xayaburi trên sông Mekong hôm 22/1/2014. AFP
Thủy điện là vấn đề gây nhiều tranh luận trong mấy năm trở lại đây. Tại miền Trung cứ đến mùa mưa lũ là các đập thủy điện lại xả lũ vì sợ vỡ đập. Điều này gây ra hiện tượng lũ chồng lũ ở khu vực vốn đã chịu nhiều thiên tai nhất trên cả nước. Những đợt xả lũ như vậy gây nhiều thiệt hại về vật chất và thậm chí là tính mạng của người dân.
Riêng tại Việt Nam hiện nay chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của các đập nước lớn như Sông Đà và Trị An, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ở Lào và Trung Quốc, một ngày nào đó sẽ kết liễu sự sống của đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 5 vừa qua, các chuyên gia Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu hoãn dự án thủy điện Pắc Beng ở Lào để bảo vệ 20 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm bảo vệ ngành thủy điện. Ngay trong buổi hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Thủy điện, Bộ Công Thương, ông Phan Duy Phú cho rằng, thủy điện nhỏ và vừa là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và cần được khai thác hợp lý. Hay ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng nói rằng các công trình thủy điện đã giúp tỉnh này phát triển kinh tế trong thời gian qua.
Trước đó Bộ Công Thương cũng từng đưa ra đánh giá rằng thủy điện nhỏ và vừa có nhiều lợi ích như cung cấp năng lượng, giúp đỡ nông nghiệp, mang lại công ăn việc làm cho dân,…
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói rằng bây giờ còn quá sớm để đánh giá liệu việc xây dựng 300-400 nhà máy thủy điện có khả thi hay không :
Bởi vì số lượng lớn như vậy thì có thể có một số nhà máy khả thi. Nhưng khả thi cho cái gì mới được ? Ví dụ khả thi về mặt kinh tế nhưng đôi khi không khả thi về mặt môi trường hay mặt xã hội. Nên phải có hồ sơ mới đánh giá được tính khoa học, khả thi hay tính bền vững,… Ví dụ nhà máy đó đặt ở vị trí phù hợp hay không, điều kiện nước có bảo đảm hay không, phải hi sinh bao nhiêu rừng, và bao nhiêu người dân phải di tản.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng việc xây thêm số lượng lớn nhà máy thủy điện như vậy sẽ không khả thi khi đưa vào thực tiễn. Ông giải thích :
Quan điểm của Hiệp hội Năng lượng hay Bộ Công thương có thể cho là khả thi. Nhưng khi đưa ra thực tiễn sẽ không khả thi.
Ví dụ đơn giản như hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch từ năm 2001 cho đến năm 2011 là 10 năm. Nhưng đến 2012 Thủ tướng vẫn phải rút lại.
Nó không khả thi ngoài thực tế vì dân những vùng đó sẽ phản đối và công luận cũng sẽ phản đối khi môi trường tự nhiên bị hi sinh để làm thủy điện.
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh nói rằng bản thân ông không phản đối thủy điện, nhưng với điều kiện là phải cân nhắc thật kỹ lưỡng những tác động nó mang lại. Ông cho rằng Việt Nam cũng nên cân nhắc các nguồn năng lượng khác thân thiện với môi trường mà giá thành ngày càng rẻ như năng lượng gió, mặt trời, thay vì cứ chú trọng đầu tư thủy điện truyền thống.
Trong khi đó, tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Tái tạo ông Phạm Trọng Thực lại nói rằng thực tế năng lượng tái tạo chỉ đủ cung cấp thêm cho nguồn điện chứ không thể thay thế các nguồn khác. Khi không có nắng, không có gió là phải dùng năng lượng dự trữ hoặc các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện than, thủy điện để phát điện.
Những ý kiến các chuyên gia đưa ra dẫn đến một câu hỏi rằng liệu Việt Nam có xem xét trận lũ lụt lịch sử này khi đưa ra quyết định xây thêm đập thủy điện hay không ? Và liệu Nhà nước có thảo luận công khai với người dân tại những khu vực được chọn xây nhà máy hay không ?
RFA tiếng Việt
***************
Hà Nội giải trình về phát ngôn ‘vỡ đê có kế hoạch’ : Vấn đề quan trí ? (RFA, 17/10/2017)
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội ngày 17/10 lên tiếng giải trình về phát ngôn "vỡ đê có kế hoạch" của một cán bộ chuyên môn đã gây phản ứng trong dư luận mấy ngày qua. Một nhà bình luận, quan sát tình hình thời sự Việt Nam nói câu chuyện làm nổi bật vấn đề "quan trí" và sự bất nhất trong bộ máy chính quyền.
Nhiều người dân ở huyện Chương Mỹ vẫn phải dùng thuyền để đi lại vào ngày 16/10/2017.
Trước đó vào ngày 13/10, tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ, khi phóng viên đặt câu hỏi về hiện tượng ngập nước ở đê Hữu Bùi (đê Bùi 2), thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là do tràn đê hay vỡ đê, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh nói : "Dân nhìn vào thì nói vỡ, nhưng chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch, vỡ nằm trong khu thoát lũ chứ không bất ngờ".
Đoạn video trên mạng xã hội ghi lại cuộc họp báo cho thấy cả phòng họp đã cười ồ lên sau lời giải thích của giới chức phụ trách đê điều.
Mặc dù hiện tượng ngập úng trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ gây thiệt hại về nông sản, nhà cửa, không ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nhưng có thể thấy phản ứng của công chúng khá mạnh khi đoạn video và các bài viết trên báo chí xoáy vào phát ngôn "vỡ có kế hoạch" của ông Đỗ Đức Thịnh.
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 17/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, đã phải lên tiếng giải trình về phát ngôn này. Ông Nhã thừa nhận không có khái niệm "vỡ có kế hoạch" trong thuật ngữ chuyên môn và đoạn đê bao Hữu Bùi có thể coi là vỡ đê, nhưng thực chất là do nước tràn vào bờ đê bao, gây xói mòn một số đoạn đê.
Một nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng đây là một sự kiện cần được giải thích rõ ràng về mặt chuyên môn, thay vì đưa ra một phát ngôn "gây phản cảm".
Ông nói : "Những cái đê đó là đê phụ, đê quai thôi, để khi nước dâng lên một mức độ nhất định thì sẽ tràn qua đê vào khu vực dự tính để cứu những vùng khác. Đó là cái mà người ta đã dự tính từ khi thiết kế toàn bộ hệ thống đê điều thì có những vùng như thế. Khi ông Cục trưởng nói ‘vỡ có kế hoạch’, có lẽ cách dùng từ của ông ta đã không khéo, gây phản cảm đối với người nghe".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói không chỉ các quan chức ở Hà Nội, mà kể cả các quan chức ở tận trung ương, thỉnh thoảng vẫn có những phát ngôn mà ông gọi là "kỳ lạ" và "ngộ nghĩnh".
"Nào là ‘giết chết tươi’, nào là ‘nhúng chàm’, ‘củi tươi, củi khô’… Tôi nghĩ kỹ năng về truyền thông của các quan chức Việt Nam, họ không bao giờ để ý đến chuyện đó cả. Mà một trong những nhiệm vụ quan trọng của một quan chức nhà nước là trình bày sự việc, chính sách một cách rõ ràng, minh bạch cho dân chúng. Rất đáng tiếng là trình độ quan trí của Việt Nam rất thấp và biểu hiện thiếu kỹ năng truyền thông chỉ là một mặt thôi".
Trong buổi họp "giải trình", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thêm rằng với thiết kế hiện tại, khi nước dâng lên đến mức báo động 2 thì sẽ tự tràn quan thân đê Hữu Bùi. "Còn đê đất tràn đến đâu vỡ đến đấy là rất khó lường", Tiền Phong dẫn lời ông Nhã.
Bắt đầu từ chiều 12/10, nhiều khu vực ở huyện Chương Mỹ đã bị ngập hoàn toàn. Theo báo cáo của huyện, có đến 92 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch và khoảng 842,4 ha cây vụ Đông bị ngập và hư hỏng. Khoảng 63,8 ha ây ăn quả và 125 ha diện tích thủy sản cũng bị chìm trong nước.
Trước mối lo của người dân về hiện tượng ngập úng kéo dài nhiều ngày, giới hữu trách địa phương lại đưa ra thông tin theo kiểu "mỗi người một phách", người nói có vỡ đê, người bảo không, càng khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói điều này phản ánh sự bất nhất quen thuộc trong hệ thống công quyền ở Việt Nam.
Ông nói thêm : "Nó cũng có thể phản ánh sự quan tâm khác nhau của những nhóm lợi ích khác nhau. Một nhóm có thể bảo rằng sự kiện này là bình thường, không có vấn đề gì cả. Nhóm khác có thể bảo rằng cái này rất nguy hiểm".
Gần 1 tuần sau khi đê Bùi 2 vỡ, báo Lao Động cho biết nhiều người dân ở một số xã của huyện Chương Mỹ vẫn phải lội nước trong cái lạnh khoảng 20oC và chèo thuyền đi lại giữa các khu vực. Nhiều người dân phải sự dụng nước ngập để sinh hoạt. Một số người còn đem cả gia súc như heo, gà… vào nhà nuôi vì chuồng trại bị ngập, gây ô nhiễm nặng cho môi trường sống.
Khánh An
***************
Hà Nội thừa nhận vỡ đê (RFA, 17/10/2017)
Nguyên nhân vỡ đê Bùi 2 là do nước tràn qua đê dẫn đến xói mói và không có thuật ngữ "vỡ đê có kế hoạch".
Một dân làng đang chèo thuyền qua các căn nhà bị ngập lụt ở xã Tất Động, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội hôm 16/10/2017 - AFP
Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khi trả lời phóng viên tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội hôm 17 tháng 10.
Cụ thể hơn, theo ông Nhã, lực lượng chức năng không dự đoán được tình huống xảy ra ở đê Bùi 2 đêm 12 tháng 10, khi lượng mưa đổ về từ thượng nguồn và tràn qua bờ đê.
Cũng theo ông, đến nay đoạn đê hữu Bùi 2, là đê bảo vệ nhân dân 3 xã của huyện Chương Mỹ, đã được ổn định.
Vấn đề khác liên quan đến vụ vỡ đê là phát ngôn của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Nội từng nói đê "vỡ có kế hoạch", ông Trần Thanh Nhã phản đối với lý do "trong nghề không có khái niệm này", và đề nghị người phát ngôn phải kiểm điểm về lời nói của mình.
Vào chiều ngày 12 tháng 10, sau khi xảy ra tình trạng vỡ đê, Chủ tịch và Bí thư huyện Chương Mỹ đã phủ nhận với báo chí rằng không có chuyện vỡ đê Bùi 2, mà việc tràn nước là nằm trong phương án tính toán của huyện.