Ô nhiễm sông hồ tại Hà Nội trị mãi không hết
Thanh Trúc, RFA, 27/08/2020
Tại thủ đô Hà Nội, khi mà 12 hồ nước đã được làm sạch, thì nước trên các sông như Tô Lịch, Nhuệ và Đáy vẫn bị nhiễm bẩn một cách đáng ngại.
Hình minh hoạ. Một người nhặt rác đang lượm những vật tái chế trên một con kênh bị ô nhiễm ở Hà Nội hôm 20/10/2006 - AFP
Báo chí Nhà nước Việt Nam, trích dẫn số liệu khảo sát do Trung Tâm Điều Nghiên Môi Trường thực hiện từ tháng Năm/2020, cho thấy ô nhiễm nước vẫn là vấn nạn đối với thủ đô Việt Nam.
Độ trong sạch, tinh khiết của những vùng nước thiên nhiên như hồ, sông được đánh giá bằng WQI (Water Quality Index) Chỉ Số Chất Lượng Nước. Trên căn bản đó, WQI tại 62 điểm nước trên cả sông Nhuệ và sông Đáy đều dưới mức 50, nghĩa là rất thấp, do bị ô nhiễm nặng.
Chỉ tính riêng khúc sông Nhuệ chảy qua vùng thủ đô, nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng, Chỉ Số Chất Lượng Nước ở đây nằm giữa 10-25 do thường xuyên bị nhiễm bẩn bởi lượng nước thải từ các làng nghề xả xuống.
Về 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đà, chất lượng nước trên 3 dòng chảy này vẫn thấp (trong khoảng 12-28), không có dấu hiệu tốt hơn so với cùng thời điểm năm trước, thậm chí có những nơi mà nước không thể dùng để nấu ăn, tắm giặt hay sản xuất.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, sau là Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, phân giải về tình hình ô nhiễm sông nước ở Hà Nội như sau :
"Người ta không dùng nguồn nước sông Nhuệ và sông Đáy mà dùng nguồn nước sông Hồng và những hồ chứa riêng để tưới. Nước sinh hoạt thì hoàn toàn có chỗ để lấy nước sạch từ sông Đà về, xử lý rồi cho vào nhà máy, bơm vào những đường ống cho dân ở toàn thành phố Hà Nội. Nước tưới tiêu và nước ăn đều có đường ống riêng hết."
"Căn cứ vào mức độ kim loại và chất độc thải ra sông thì tôi cho rằng chính sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nhất. Sông Tô Lịch là nơi mà nước sinh hoạt tại các khu sản xuất, dân sinh, công nghiệp, bệnh viện trong thành phố đều xả ra đấy, từ đó chảy ra sông Nhuệ và từ sông Nhuệ chảy ra sông Đáy."
Sông Hồng ở Hà Nội / Reuters - Ảnh minh họa
Báo chí trong nước từ năm ngoái đưa tin Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội đẩy mạnh công tác làm sạch nước hồ, nâng cấp chất lượng nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày với kết quả đáng khích lệ.
Đó là một kế hoạch trong toàn dự án quan trọng và khó khăn mà thành phố phải thực hiện, bao gồm 280 "họng", thải ra những dòng nước đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Trọng Hồng giải thích tiếp :
"Hà Nội đang có phương án, một là xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Hà Xá thuộc hạ lưu sông Tô Lịch, có nghĩa nguồn nước từ 280 "họng nước" sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch được qui tụ và đưa xuống nhà máy xử lý của Hà Xá, sau đó mới chuyển vào sông Nhuệ và sông Đáy".
"Còn lại thì người ta cũng đang mời Nhật vào nghiên cứu xem thử xử lý tại chổ 280 họng nước như thế nào để cố làm cho sông Tô Lịch sống lại".
Trong nỗ lực làm sạch đẹp môi trường sông nước của Hà Nội, cái khó nhất theo giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng vẫn là :
"Qui tụ tất cả 280 họng nước là phải làm những đường thông mà rất khó có thể nối với nhau được. Tức là cửa thải từ thành phố mà biết bao nhiêu phường nên người ta gọi là 280 cái họng do nước dân sinh, nước sửa chữa xe, máy, rồi nước của bệnh viện thải ra. Cho nên Nhật đã đề nghị phương án xử lý tại chỗ 280 họng nước ấy và đấy là điều khó nhất hiện nay".
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết ô nhiễm môi trường, trong đó có nguồn nước bẩn dẫn đến những dòng sông chết, là vấn nạn chung tại những thành phố lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc của Việt Nam :
"Ngay từ cuối 2001, khi Bộ Tài nguyên và môi trường mới thành lập, 2 lưu vực sông bị ô nhiễm nặng là sông Nhuệ - Đáy ở phía Bắc (gần Hà Nội) và sông Thị Vải - Đồng Nai ở phía Nam (gần Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó thì sông Cầu cũng là một trong những dòng sông có nhiều đoạn ô nhiễm rất nặng".
"Thực tiễn cứ sau 10 năm nhìn lại chỉ thấy là giảm dần được xả thải vào nguồn nước của 2 sông bị ô nhiễm này thôi, chứ còn việc cần làm là rửa sạch, thay nước hoặc rửa bằng công nghệ môi trường thì đều chưa làm được".
"Thứ hai, ô nhiễm nước sông, hồ đặc biệt các sông của Hà Nội như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ đều gần như đã chết. Chính quyền Hà Nội cũng đặt nhiệm vụ tẩy rửa sông đô thị ô nhiễm nặng thành công việc trọng tâm từ nhiều năm nay, nhưng xả thải nước sinh hoạt xuống sông vẫn ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình mở rộng đô thị quá nhanh mà thiếu kiểm soát".
Một đoạn sông Tô Lịch ở Hà Nội với bờ được kè Photo : RFA
Hồ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác bị lấp đi khá nhiều để lấy đất cho các dự án phát triển nhà ở, tiến sĩ Đặng Hùng Võ trình bày tiếp. Theo ông, các hồ điều hoà theo quy hoạch chi tiết đô thị gần như là hạng mục bị điều chỉnh giảm, rồi việc thiếu các "túi trữ nước"cũng là nguyên nhân chính gây ngập lụt đường phố hiện nay.
"Quy hoạch Hà Nội mở rộng đã dựa trên ý tưởng lấy mặt nước làm điểm nhấn trung tâm. Theo ý tưởng này, UBND Thành phố Hà Nội cũng đề nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp khôi phục chất lượng nước các sông đô thị, thử nghiệm cả công nghệ Nhật Bản, thử nghiệm cả giải pháp thay thế nước sông đã ô nhiễm bằng cách bơm nước Hồ Tây vào sông, xây dựng nhà máy xử lý nước sông ô nhiễm khá lớn tại Yên Sở bằng một dự án đổi đất lấy hạ tầng".
Đáng tiếc, vẫn lời tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nhà máy xử lý nước ô nhiễm Yên Sở hoạt động không như yêu cầu đặt ra, việc bơm nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch làm trôi đi cả công trình thử nghiệm theo công nghệ Nhật Bản.
Công việc làm sạch các sông đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông, có kết quả tích cực hơn Hà Nội, điển hình như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi nước thải sinh hoạt được gom lại để xử lý nhờ một dự án do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ.
"Vấn đề xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, nhất là các làng nghề, chưa làm được gì nhiều. Mặt khác, nhiều cơ sở công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải nhưng vẫn vụng trộm xả thải trực tiếp xuống sông. Việt Nam vẫn chưa đủ kế hoạch, giải pháp, kinh phí để làm sạch các con sông bị ô nhiễm. Mặc dù việc xả thải xuống sông đã giảm, điều này có nghĩa là chất lượng nước có tăng nhưng vấn đề chưa giải quyết được tận gốc".
Đối với Hà Nội nói riêng, ô nhiễm nước là vấn đề lớn vì nhiều vùng nước mặt (surface water) đã bị thu hẹp dần, trong lúc không ít con sông hầu như đã chết trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng.
Nếu để tình trạng ô nhiễm sông nước kéo dài như hiện nay, thì cái đẹp, cái hồn, kể cả đà phát triển thịnh vượng mà Nhà Nước thường đề cao, cũng bị ô nhiễm theo. Đó là điều mà không người dân Thăng Long nào muốn có, là kết luận của tiến sĩ Đặng Hùng Võ.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 27/08/2020
***********************
Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp trước nguy cơ vỡ đê
RFA, 27/08/2020
Hôm 27/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp trước nguy cơ vỡ đê do 3 km đê biển Tây bị sóng đánh sạt lở.
22222222222222222222
Đê phòng hộ của tỉnh Cà Mau không còn rừng bảo vệ. Photo : vov.vn
Tuyến đê sạt lở có 4 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, đoạn từ Hương Mai - Tiểu Dừa có hai vị trí dài 610 m và 315 m ; đoạn từ Ba Tỉnh - T25 dài 1.900 m và đoạn đê thuộc xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây dài 500 m. Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Trong đó, tuyến đê biển Tây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp trong vùng cho các hộ dân.
Từ ngày 6 tháng 8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cùng với mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao, tuyến đê biển Tây đã xuất hiện nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khả năng nước biển cũng sẽ tràn vào nội đồng tại những đoạn đê thấp.
Báo VNexpress dẫn lời ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau rằng, trên các đoạn đê này không còn rừng phòng hộ bên ngoài bảo vệ đê. Khi thời tiết cực đoạn diễn ra, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê. Nguy cơ gây vỡ đê rất lớn nên cần bảo vệ khẩn cấp.
Từ năm 2007 đến nay, tình trạng sạt lở khiến địa phương này đã mất khoảng 9.000 ha rừng phòng hộ. Tháng 9 năm 2019, Cà Mau cũng ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp và triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ tuyến đê biển Tây.