Quan chức đi tù "nghỉ dưỡng"
RFA, 22/07/2023
Người dân Việt Nam đang chú ý đến một câu nói của một quan chức chính phủ bị cáo buộc tham nhũng ở Việt Nam so sánh việc ông ta bị đi tù như đi nghỉ dưỡng. Tòa án ở Việt Nam đang xét xử vụ án tham nhũng liên quan đến những chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Có 54 bị cáo hầu tòa trong lần xử án này, trong đó có 25 người là các cán bộ cao cấp trong chính phủ, 21 người bị cáo buộc tội "Tham nhũng".
Nhà tù nghỉ dưỡng của quan chức Chuyến bay giải cứu - Tranh minh họa/RFA
Tuy nhiên, những phát biểu trước tòa của các quan chức tham nhũng đã khiến công chúng vừa buồn cười vừa tức giận như câu nói của Trần Văn Dự - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an. Ông này nói trước tòa : "tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả". Ông cũng nói lại lời nói của ông với vợ : ""Em chuẩn bị ba tỷ và anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về".
Nguồn : RFA, 22/04/2023
***********************
Vẫn còn cười được… Hay thiệt !
Trương Thị Hồng, VNTB, 18/07/2023
Bà Nguyễn Thị Hương Lan thừa nhận hành vi hối lộ của mình trước tòa.
Nhục vậy mà vẫn còn cười được thì thật vô cùng bội phục.
Với 32 lần nhận hối lộ bà Lan nằm trong top 5 người nhận hối lộ nhiều lần nhất trong vụ án "chuyến bay giải cứu đầy tai tiếng. Số tiền 25 tỷ được hối lộ của bà Lan đứng hạng thứ 3 chỉ sau ông Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng và Vũ Anh Tuấn 27,3 tỷ đồng.
Bà Lan là một trong 18 người bị truy tố theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự, với khung phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình vì nhận của hối lộ có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.
Nhìn hình chụp bà Lan bị giải đi sau phiên xét xử sáng ngày 13/7/2023 sau khi gửi lời xin lỗi đảng, nhà nước và người dân, đồng thời vận động gia đình đóng tiền khắc phục hậu quả 900 triệu đồng, có vẻ như bà Lan đã "hoàn thành nhiệm vụ" thành thật khai báo trước tòa một cách xuất sắc.
Bà đeo khẩu trang che kín nửa mặt, người đã ốm đi nhiều so với lúc còn đương chức, nhưng nụ cười lại tỏa sáng, ý cười lan lên đến tận đôi mắt cười có đuôi.
Coi hình tôi cảm thấy trại giam và cán bộ nơi giam giữ của bà Lan thật nhân văn khi cho phép bà ra tòa với hình ảnh chỉn chu như thế. Hai buổi xử án, bà Lan ra tòa với hai bộ quần áo thật nhã nhặn, một xám – một xanh dương, đi giày bít kiểu cổ điển rất thanh lịch. Chưa hết, bàn tay của bà được chăm chút như người vừa mới đi làm móng tay về, móng tay bo tròn, cắt dũa đều đặn, sạch sẽ, độ dài vừa phải.
Phải nói, đó chính là sự nhân văn tuyệt vời của nhà nước xã hội chủ nghĩa dành cho bà Lan. Phụ nữ ai không muốn đẹp trong mắt người khác, nhất ra khi phải ra trước công chúng, truyền thông cả nước dù là trong hoàn cảnh nào. Cũng là phụ nữ nên tôi rất đồng cản với bà.
Nhìn hình bà tôi thật phẫn nộ với bọn phản động. Chúng tuyên truyền rêu rao rằng nhà giam của Việt Nam chật chội, tới trăm người phải nằm trong một phòng giam chật chội chỉ có đủ chỗ nằm nghiêng, nóng nực, ghẻ lở toàn thân. Bà vẫn trắng tươi, vui vẻ thì làm sao mà có ghẻ với lở, chen chúc với người khác, cũng đừng có mà nói tới chuyện bị biệt giam.
Bà Lan được chăm từ cái móng tay trở đi thì làm sao lại có chuyện nhà giam tráo thuốc, ém thuốc hay không chịu cho người tù đi chữa trị bệnh trong thời gian thụ án ở các trại giam hay thậm chí là cho ăn uống kham khổ hay chỉ cho nhận đồ ăn hạn chế, giới hạn mức chi tiêu trong số tiền ký gởi của phạm nhân.
Nụ cười tỏa sáng của bà Lan làm cho tôi bỗng sáng lây.
Bà nhận hối lộ 25 tỷ, chỉ khắc phục được 900 triệu, vậy còn hơn 24 tỷ đồng kia đi đâu ? Chẳng lẽ cũng đã được mang đi đầu tư hay gửi ở ngân hàng ngoại quốc ? Chứ làm sao mà xài hết được chừng đó tiền kể từ khi bà nhận hối lộ lần đầu tiên vào tháng 12/2020 cho đến khi bị bắt vào tháng 1/2022 ? Có lẽ lại sẽ bổ sung thêm vào chút tiền khắc phục hậu quả để đổi lấy " tình tiết giảm nhẹ".
Bà vẫn cười được rất tươi như vậy thì có khả năng bà tội bà phạm phải là chuyện không to tát gì. Có thể bà biết chắc nhận tội rồi đóng tiền khắc phục hậu quả được thì sẽ chỉ là án gì cũng là "giơ cao đánh khẽ" mà thôi. Vừa có nhân thân tốt, vừa là đảng viên tốt, biết đâu lại có con cái ngoan ngoãn học giỏi, quá trình công tác tốt, bị doanh nghiệp lợi dụng chứ không có chủ ý phạm tội … chừng đó cũng đã đủ giảm án cho bà từ nặng tới rất rất nhẹ hều.
Bà có thể nghĩ vài chục tháng tù có là gì để đổi lấy hơn 1 triệu đô la thì cũng đáng. Có tù tội tương lai con cái bà cũng không phải lo nghĩ hay xấu hổ gì mẹ phải nằm tạm trong trại giam… Vừa có nhan sắc, vừa có tiền thì án tù giam cũng giống là đi an dưỡng. Án 18-20 năm giảm riết thì chỉ vài tháng nữa bà ra tù thì cả gia đình lại vi vu với khối tài sản đã tích góp được từ trước đó.
Cá nhân tôi không ủng hộ hình phạt tử hình hoặc chung thân. Nếu mức nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng phải nhận án 20 năm thì với mức hối lộ 25 tỉ cứ nhân lên với 20 năm để cho người như bà Lan lãnh 500 năm tù giam. Nhưng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa rất nhân đạo nên không bao giờ xử đồng chí mình nặng tới vậy đâu.
Nụ cười chứng tỏ một điều : lo xong rồi, ổn hết !
Tuy nhiên tôi không là bà, không biết được thật sự bà nghĩ gì nên những điều trên chỉ là phỏng đoán. Nhưng tôi chắc một điều, nếu là tôi, thì tôi sẽ hổ thẹn đến không thể ngẩng mặt lên nhìn ai vì nhục chứ đừng nói là cười tươi như hoa được như vậy.
Nhục vậy mà vẫn còn cười được thì thiệt bội phục vô cùng.
Bội phục bà Lan lẫn sẽ luôn bội phục công lý nước nhà.
Trương Thị Hồng
Nguồn : VNTB, 18/07/2023
***************************
Thanh Lam - Phạm Dự, VnExpress, 16/07/2023
Nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay 8 lần đều bị đánh trượt trong khi công ty khác lại suôn sẻ, Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An, nhận ra phải đi tìm "cửa sau".
Đại án "chuyến bay giải cứu" được Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử trong 4 ngày với gần 200 lượt xét hỏi 54 bị cáo của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và 105 luật sư. Trong 54 người, phần lớn bị cáo buộc ở hai nhóm tội Đưa hối lộ (23 người) và Nhận hối lộ (21 người).
Qua ba vòng thẩm vấn, hầu hết người bị truy tố tội Nhận hối lộ đều khai "không đòi". Còn các lãnh đạo doanh nghiệp bị cáo buộc Đưa hối lộ đứng ở hai thái cực : tự nguyện "cám ơn" ; hoặc bị ngã giá, gây khó khăn khiến phải chi.
Qua 515 lần đưa - nhận hối lộ, tổng cộng 165 tỷ đồng (trung bình 320 triệu đồng mỗi lần) được nêu trong cáo trạng cho thấy một dạng "luật ngầm" đã được các bị cáo thiết lập.
Khi nào cần đưa tiền ?
Theo mốc thời gian đưa - nhận hối lộ được cáo trạng liệt kê, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là đơn vị có cán bộ để xảy ra tiêu cực đầu tiên tại vụ án.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan khi là Cục trưởng Lãnh sự bị cáo buộc nhận tiền lần thứ nhất vào ngày 3/12/2020, 500 triệu đồng, từ Tổng giám đốc Công ty An Bình Hoàng Diệu Mơ. Viện Kiểm sát xác định bà Lan nhận nhiều tiền thứ ba trong 21 cựu quan chức bị truy tố, cũng là một trong những người nhận hối lộ đầu tiên của vụ án.
Bà Lan cùng một số cán bộ Cục Lãnh sự bị xác định "gây khó khăn nhũng nhiễu", không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải "tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ", theo kết luận điều tra.
Cựu Cục trưởng Lãnh sự, bị cáo Hương Lan, rời tòa chiều 12/7. Ảnh : Ngọc Thành
Như hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố trong vụ án, tại phiên tòa hôm 12/7, bà Mơ khai đã nộp rất nhiều hồ sơ xin cấp phép chuyến bay nhưng chưa bao giờ được cơ quan nào hồi âm đạt hay không đạt, cần bổ sung tài liệu nào.
Nhìn sang rất nhiều doanh nghiệp đã bay suôn sẻ, bà Mơ được họ "rỉ tai" cần đi "cửa sau". Thứ trưởng ngoại giao khi đó, ông Tô Anh Dũng, là "cánh cửa" đầu tiên bà tìm đến, nhưng người làm việc trực tiếp với bà lại là Cục trưởng Hương Lan, theo lời khai tại tòa.
Cơ quan điều tra xác định, bà Lan và một số bị cáo tại Cục Lãnh sự đã "tạo thành nhóm lợi ích" và đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Nhóm bà Lan buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết thủ tục, với doanh nghiệp "chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức".
Kiểu "khó dễ" phổ biến bà Lan tạo ra với doanh nghiệp là không sắp xếp tổ chức bay theo lộ trình đã được duyệt mà chỉ cho bay duy nhất chuyến đầu, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự.
Bà cũng bị cáo buộc tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay trong khi doanh nghiệp đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay để đưa công dân về Việt Nam.
Theo kết luận điều tra, bà Hương Lan còn thường xuyên chỉ đạo cấp dưới sát ngày bay mới thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay. "Doanh nghiệp không thể bay sẽ phải gặp chi tiền cho bà Lan để xin được lùi chuyến bay, xin thêm 'suất'".
Tại phiên tòa, Chủ tịch Công ty Vija Sun Đào Minh Dương phân trần luôn bị duyệt cấp phép sát ngày, "sáng mai bay, tối nay mới biết có được cấp phép hay không". Trong khi đó, chi phí tổ chức một chuyến bay không nhỏ, riêng tiền thuê máy bay là 6-9 tỷ đồng và phải đặt cọc trước.
Bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) cũng khai sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên. Việc này suôn sẻ do ông Thắng đã "chi" 600 triệu đồng cho Cục trưởng Hương Lan.
Nhưng Cục Lãnh sự không phải "cánh cửa sau" duy nhất.
Như lời khai của Thắng, ngay sau giao dịch với bà Lan, ông Thắng nhận được điện thoại từ bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu "lên gặp nói chuyện". Tại phiên tòa, đây cũng là hai cựu quan chức bị các bị cáo là doanh nhân "tố" vòi vĩnh nhiều nhất.
Ông Kiên, Tuấn bị xác định thường chủ động liên lạc với doanh nghiệp, yêu cầu đến phòng làm việc thỏa thuận giá. Hoặc khi doanh nghiệp "làm việc" với một trong hai người này sẽ được "dắt mối" để đưa hối lộ cho người còn lại. "Bên Bộ Y tế cũng thế thôi", ông Tuấn nói với bà Mơ, đồng thời đưa cho số điện thoại của ông Kiên.
Ngoài lý do bị ngâm hồ sơ, bị gây khó dễ, "luật ngầm" trong các lần hối lộ tại vụ án này còn là khi xong việc thì "cảm ơn".
"Anh Tô Anh Dũng không bao giờ đòi tiền. Khi xong việc, tôi đến cảm ơn anh vì được tạo điều kiện. Anh còn nói lần sau không được đưa nữa", bà Mơ khai tại tòa. Nhưng ông Dũng sau đó nhận thêm của bà Mơ 7 lần, tổng 8,5 tỷ đồng. Bà khai nhận thức nếu không đưa sẽ không được bay nhanh và nhiều chuyến đến vậy.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng sau phiên tòa ngày 11/7. Ảnh : Ngọc Thành
Bà Mơ bị cáo buộc đưa hối lộ 44 lần, tổng 34,6 tỷ đồng, nhiều thứ hai trong 19 chủ doanh nghiệp. Công ty của bà được cấp phép 66 chuyến, tức trung bình chi 524 triệu đồng "lót tay" cho mỗi chuyến bay trót lọt. Số tiền, như khai báo tại tòa, lấy từ lợi nhuận kinh doanh, vốn công ty.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G1) cũng khai chủ động "tri ân" cán bộ do "thấy áy náy" khi những quan chức này phải làm việc vất vả. Bà xác nhận đưa tiền là tự nguyện. Theo cáo trạng, tổng số tiền bà Hạnh hối lộ 3,12 tỷ đồng, trong đó 1,2 tỷ đồng cho ông Kiên, 1,4 tỷ đồng cho Tuấn, 400 triệu đồng cho ông Tô Anh Dũng...
"Lót tay" mỗi lần bao nhiêu tiền ?
Trong trường hợp đưa hối lộ khi xong việc để "tri ân", bà Mơ, bà Hạnh khai số tiền sẽ do doanh nghiệp tự quyết định, song mỗi lần không dưới 50 triệu đồng, tùy chức vụ của cán bộ được tri ân. Con số "lót tay" 150 triệu đồng sau này trở thành "barem chung" ông Kiên và Vũ Anh Tuấn cùng đưa ra khi giới thiệu, móc nối hối lộ cho nhau.
Người nhận nhiều nhất tới 3 tỷ đồng trong một lần là bà Hương Lan. Đây là quà cảm ơn của Tổng giám đốc Mơ, đưa ngay tại ôtô của bà cục trưởng, trước cổng Bộ Ngoại giao, ngày 28/10/2021.
Tại tòa, nhiều bị cáo là chủ doanh nghiệp khai đã bị cựu thư ký Kiên ra giá tới 4-15 triệu đồng mỗi khách, khiến họ không thể "kham nổi". Khi xin giảm giá, các giám đốc này khai đều bị nói "không có tiền thì đừng có bay".
Hàng đầu từ phải qua : cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng ; cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên và cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân tại tòa ngày 11/7. Ảnh : Danh Lam
Cáo trạng xác định tại Văn phòng Chính phủ, bị cáo Mai Anh (chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế) đã nhận tới 500 triệu đồng cho mỗi chuyến bay được duyệt. Trong 14 ngày đầu tháng 4/2021, bà Mai Anh thu lợi tổng 3 tỷ đồng (214 triệu đồng/ngày).
Đưa tiền như thế nào ?
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 515 lần đưa hối lộ, các địa điểm giao nhận tiền hối lộ phổ biến nhất là phòng làm việc, với 132 lần. Địa điểm nhiều thứ hai là quán cà phê và hàng ăn, quán bia, được sử dụng 48 lần. Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đến quán cà phê tới 15 lần để nhận quà, cũng là người sử dụng địa điểm này nhiều nhất trong các bị cáo bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Cựu thư ký Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cả về số lần và số tiền với 253 lần nhận, tổng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng. Tính trung bình ông nhận mỗi tháng gần 4 tỷ đồng, mỗi ngày 130 triệu đồng.
Với 253 lần nhận hối lộ, ông Kiên thu 228 lần qua chuyển khoản. Trong số này, 198 lần được các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của ông Kiên, và 30 lần, qua tài khoản của mẹ vợ và con trai ông, theo cáo buộc.
Nhờ người thân nhận giúp tiền hối lộ cũng là hình thức nhận phổ biến tại vụ án này. Phần lớn người thân của các bị cáo đã chuyển trả lại tiền cho chủ doanh nghiệp.
Riêng bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải) bị cáo buộc 5 lần nhận tiền của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) thông qua tài khoản của chị gái, tổng 1,3 tỷ đồng. Song tại tòa, ông Tuấn không thừa nhận, nói không gặp, không quen Vy.
Được gọi đối chất, bị cáo Vy cho hay, ông Tuấn chủ động đưa số tài khoản của chị gái, rồi yêu cầu chuyển tiền vào. Đúng yêu cầu, bà Vy 5 lần chuyển tiền, đều ghi nội dung "Masterlife ck", "LHV ck", tức là công ty Masterlife và Công ty Lữ Hành Việt chuyển khoản.
Chị gái bị cáo Tuấn được tòa gọi đối chất song ba lần khẳng định tiền đó vay Vy để làm ăn, không liên quan em trai. Khi chủ tọa hỏi "cho vay mà để nội dung chuyển khoản vậy à ?", chị ông Tuấn đáp "khi đó chỉ quan tâm số tiền, không để ý nội dung chuyển khoản là gì".
Bị cáo Vy sau đó tái khẳng định không quan hệ làm ăn, cho vay mượn. Việc chuyển tiền vào tài khoản chị này do Tuấn yêu cầu "lại quả".
Dù phiên tòa chưa bước vào phần tranh luận, nhiều người bị truy tố nhận hối lộ đã thừa nhận "ăn năn và biết sai". Người nhận nhiều tiền nhất vụ án, ông Kiên, khai rất sợ hãi, thậm chí từng muốn chết vì ám ảnh tội lỗi.
Cựu phó chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân trình bày 5 tỷ đồng nhận hối lộ đã sử dụng vào việc "có ý nghĩa", dù không được chủ tọa cho trình bày đó là việc gì. "Nhận hối lộ nhưng bị cáo không gây khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết các thủ tục hành chính rất nhanh", ông Tân nói.
Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, sáng thứ hai, 17/7, Viện Kiểm sát sẽ công bố bản luận tội và mức án đề nghị với 54 bị cáo.
Sau hơn một năm điều tra vụ án, ngày 12/7, 54 người bị xét xử về 5 tội : Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Từ tháng 4/2020 đến 1/2022, 772 chuyến bay đưa công dân về nước đã được tổ chức, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Bộ Công an cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. 54 bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân.
Thanh Lam - Phạm Dự
Kỳ 1
Nạn nhân bị gạt ra bên ngoài
Gạt bỏ vai trò "bị hại" của các nạn nhân vì điều đó sẽ... tạo điều kiện để có thể sung công khoản 180 tỉ do "phạm tội mà có" ? Hay vì nếu chiếu theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc triệu tập lấy lời khai, thu thập bằng chứng, từ... 200.000 "bị hại" sẽ khiến...
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Sau khi công an Việt Nam công bố Kết luận điều tra về việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", thông qua nhiều cơ quan truyền thông chính thức, một số luật sư(1), cựu viên chức của hệ thống tư pháp(2)... đồng thanh bày tỏ sự nhất trí trong việc đề cao ý chí của công an :Không xem các nạn nhân – những người do rơi vào tình trạng ngặt nghèo đành phải chấp nhận trả khoản tiền từ vài lần đến hàng chục lần chi phí hợp lý để được hồi hương – là "bị hại".
Những luật sư và cựu viên chức của hệ thống tư pháp cho rằng :Hàng trăm ngàn người phải trả chi phí cực lớn cho việc được lên phi cơ để hồi hương, phải lưu trú – ăn uống tại nơi được chỉ định trong thời gian cách ly không phải là "bị hại" vì chi phí đó là do các bên tự thỏa thuận. Nếu các nạn nhân chứng minh được rằng họ phải nộp khoản tiền "trái với quy định của nhà nước" hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiềnhay có những hành vi khác khiến cho giao dịch vô hiệu (như bị lừa dối, bịcưỡng ép...) thì họcó thể khởi kiện bằngcác vụ kiện riêng ởTòa Dân sự để đòi lạitiền từcác doanh nghiệp có liên quan.Còn nếucác giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai, ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu cáctổ chức, doanh nghiệp có liên quan phải trả tiền. Bởi công an chỉ điều tra, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân đã phạm những tội như "môi giới hối lộ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nên "bị hại" của vụ án đã đề cập được xem là "cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền để được hồihương". Những luật sư và cựu viên chức tư pháp này nhấn mạnh :Tuy chi phí rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, nạnnhân vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nướcthì đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
***
Bất kể thế nào thì nhận định, ý kiến của một số luật sư, cựu viên chức tư pháp cũng đã góp phần làm rõ một ý : Suốt quá trình điều tra về việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", công an Việt Nam đã cố tình loại bỏ hàng trăm ngàn nạn nhân ra khỏi vụ án. "Khoản lợi bất chính" – xấp xỉ 180 tỉ mà các bị can đã giao nhận với nhau là do "phạm tội mà có" sẽ được... sung công. Các nạn nhân đã cắn răng gánh chịu thiệt hại giờ dù muốn hay không cũng phải ráng... cắn răng chặt hơn nữa !
Khoan bàn đến tình – vốn rõ ràng là vô tri, vô cảm, việc lọai bỏ các nạn nhân khỏi vai trò "bị hại" dù họ thực sự đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí, để thoát khỏi tình thế ngặt nghèo, nguy hiểm đến tính mạng, không ít người phải vay mượn, trả lãi... liệu có hợp lý hay không ? Luật Tố tụng hình sự Việt Nam định nghĩa như thế này về "bị hại" tại Điều 62 :Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Cũng theo Điều 62,bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền : Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ. Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án. Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật. Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường. Tham gia phiên tòa, trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, xem biên bản phiên tòa. Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tham gia các hoạt động tố tụng ; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án ; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (3).
Chưa hết, Luật Tố tụng hình sự Việt Nam còn một điều khác (Điều 30) quy định về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (ở đây là bồi thường thiệt hại cho nạn nhân) : Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự(3).
Tại sao trước kia, vào thời điểm bắt đầu tiến hành điều tra các vi phạm pháp luật liên quan đến việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", một số viên chức hữu trách từng công khai thừa nhận những người Việt phải trả đủ loại chi phí với giá không ai có thể tưởng tượng để được hồi hương giữa lúc đại dịch đang làm cả thế giới ngả nghiêng là "nạn nhân" nhưng khi kết thúc điều tra, bất chấp các quy định của Luật Tố tụng hình sự, công an Việt Nam lại không thừa nhận những nạn nhân đó là "bị hại" ? Gạt bỏ vai trò "bị hại" của các nạn nhân vì điều đó sẽ tạo điều kiện để có thể sung công khoản 180 tỉ do "phạm tội mà có" ? Hay vì nếu chiếu theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc triệu tập lấy lời khai, thu thập bằng chứng, từ 200.000 "bị hại" (4) sẽ khiến việc giải quyết vụ án, bao gồm cả tổ chức xét xử thêm khó khăn, phức tạp ? Hoặc vì tất cả những lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa ? Chẳng hạn những ai phải chịu trách nhiệm khi hoạt động phạm tội diễn ra công khai, dân tình ta thán suốt 20 tháng và biến hàng trăm ngàn ng ười thành nạn nhân ? Thế nào là điều tra khách quan khi xem các nạn nhân là đối tương tự nguyện chịu thiệt hại chứ không có ai làm hại ?
(Trân Văn)
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/chuyen-bay-giai-cuu-dua-cuu-tu-nhan-ve-nuoc-va-la-thu-to-sai-pham-2129414.html
(2) https://tuoitre.vn/khach-di-chuyen-bay-giai-cuu-co-duoc-tra-lai-tien-20230408150132809.htm
(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
(4) https://thanhnien.vn/toan-canh-vu-chuyen-bay-giai-cuu-sau-1-nam-khoi-to-dieu-tra-1851538213.htm
Kỳ 2
54 bị can là quá ít ?
Nếu hoạt động điều tra thật sự "khách quan, vô tư" tại sao lại bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự của các thành viên trong "Tổ công tác năm bộ" vốn là lãnh đạo của cả năm bộ.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ chuyến bay giải cứu với các tội như "Đưa – Nhận – Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Đại dịch hoành hành, không có việc làm, không có thu nhập, không có nơi ăn – chốn ở ổn định, chưa kể không biết sẽ ra sao nếu chẳng may nhiễm Covid-19 trên xứ người là lý do khiến nhiều người Việt cư trú ở ngoại quốc trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022 muốn hồi hương. Tuy nhiên để được hồi hương họ phải trả chi phí di chuyển, ăn - ở tại địa điểm được chỉ định trong thời gian bị cưỡng bức cách ly gấp vài lần đến hàng chục lần mức bình thường và theo nhận định của một số luật sư(1), cựu viên chức của hệ thống tư pháp(2) thì công an Việt Nam không xem họ là "bị hại" bởi họ tự nguyện chịu thiệt hại !
Ai tạo ra tình thế để các nạn nhân phải... tự nguyện chịu thiệt hại ? Chính phủ ! Các chủ trương liên quan đến phòng – chống Covid 19 của chính phủ, bao gồm cả những quy định, yêu cầu liên quan tới việc đưa công dân hồi hương đã tạo điều kiện cho các bộ khai thác hoàn cảnh ngặt nghèo của những người Việt đang cư trú ở ngoại quốc phải... tự nguyện chịu thiệt hại. Riêng trong việc lập – duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", chính phủ lôi tới năm bộ (Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng) vào cuộc. Kết luận điều tra mà công an Việt Nam công bố, xác định, cả năm bộ đều tận tình khai thác chức trách để buộc những doanh nghiệp muốn thực hiện các chuyến bay "giải cứu" phải chung chi và công dân Việt Nam có nhu cầu hồi hương trở thành đối tượng bị doanh nghiệp tham gia "giải cứu" trấn lột để cống nạp cho năm bộ. Không có năm bộ tham gia, chi phí hồi hương không bị đội lên và trở thành cao ngất ngưởng như đã biết.
Dẫu Bộ Quốc phòng không góp "bị can" nào trong vụ án mà công an Việt Nam vừa đề nghị truy tố nhưng đó không phải do Bộ Quốc phòng "sạch" hơn. Nguyên do không có nhân sự của Bộ Quốc phòng bị đề nghị truy tố chỉ vì Bộ Công an không thể điều tra Bộ Quốc phòng(3). Ngoài năm bộ, còn có Văn phòng Chính phủ tham gia ép buộc doanh nghiệp muốn tổ chức các chuyến bay "giải cứu" để những doanh nghiệp này buộc phải tăng mức trấn lột công dân muốn hồi hương. Kết luận điều tra của công an mà tờ Công An Nhân Dân vừa lược thuật, xác nhận :Tại Văn phòng Chính phủ, một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, đề xuất thẳng lên lãnh đạo chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của "Tổ công tác năm bộ" trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, qua đó nhận hối lộ của doanh nghiệp(4).
Nếu hoạt động điều tra thật sự "khách quan, vô tư" tại sao lại bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự của các thành viên trong "Tổ công tác năm bộ" vốn là lãnh đạo của cả năm bộ. Chẳng lẽ để các viên chức trực thuộc nhũng nhiễu để nhận hối lộ lại không phạm tội nào dù ít nhất cũng có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" ? Nếu hoạt động điều tra thật sự "khách quan, vô tư" tại sao lại bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự của "lãnh đạo chính phủ" đã "duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của ‘Tổ công tác năm bộ’ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay" và vì thế mà tạo điều kiện cho "một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ của doanh nghiệp" ?"Lãnh đạo" hoặc "những lãnh đạo" nào của "chính phủ" đã "cố ý làm trái" quy trình, quy định do chính chính phủ đề ra đến mức gây ra "hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" như vậy ?
Chẳng lẽ cứ là "lãnh đạo chính phủ" thì đương nhiên trở thành "siêu công dân" nên không thể xem xét – truy cứu trách nhiệm hình sự dù dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đã được công an ghi nhận trên "giấy trắng, mực đen", ngược lại nếu là thường dân thì dẫu thiệt hại có rõ ràng đến đâu mà công an không muốn thì ngay cả quyền làm "bị hại" theo quy định của Luật Tố tụng hình sự cũng không được hưởng ? Còn một điểm đáng lưu ý khác là cứ như Kết luận điều tra, các doanh nhân đã bị cáo buộc "đưa hối lộ" cũng là nạn nhân. Doanh nghiệp của họ muốn có thương vụ, muốn cung cấp dịch vụ - thỏa mãn nhu cầu hồi hương của hàng trăm ngàn người thì phải "chung chi" cho các bộ. Khi chính phủ trở thành một tập thể với những cá nhân tham tàn như thế, chẳng lẽ chính phủ có thể phủi tay ? Sao chính phủ không nhận trách nhiệm bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước(5) vì đã tạo điều kiện cho hàng loạt viên chức phạm pháp khi thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho hàng trăm ngàn người ?
Thêm một lần nữa cần nhắc lại thắc mắc : Vì sao Kết luận điều tra chỉ ghi nhận 772 chuyến bay giải cứu trong khi một số viên chức hữu trách từng thừa nhận số chuyên bay giải cứu (bao gồm "giải cứu" và "combo") lên đến hàng ngàn(6) ? Vì sao chỉ một số doanh nhân tham gia thực hiện các chuyến bay "giải cứu", một số lãnh đạo địa phương liên quan đến việc sắp đặt "nơi ăn, chốn ở" cho những người Việt bị các hệ thống "chặt đầu, lột da" chỉ vì có nguyện vọng được"giải cứu" bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong khi tháng 10 năm ngoái, Bộ Công an từng yêu cầu "UBND các tỉnh, thành phố thống kê, cung cấp toàn bộ hồ sơ resort, khách sạn đã nộp để xin đượcchọn làm địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí cách ly, bao gồm cả hồ sơ những khách sạn không được chọn làm địa điểm cách ly.Những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin làm địa điểm cách ly" (7).
Với kiểu hoạt động từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài hết sức táo tợn, tàn tệ như đã được mô tả trong Kết luận điều tra, ai tin một số tập đoàn, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú tại Việt Nam, bỗng nhiên được chính quyền một số địa phương lựa chọn để cung cấp dịch vụ "cưỡng bức cách ly", khiến chi phí hồi hương vọt lên như pháo thăng thiên là hoàn toàn vô tư ? Vì sao công an Việt Nam vẫn để đó - Kết luận điều tra không hề đả động đã làm gì và kết quả ra sao ? 54 bị can là quá ít !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/04/2023
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/chuyen-bay-giai-cuu-dua-cuu-tu-nhan-ve-nuoc-va-la-thu-to-sai-pham-2129414.html
(2) https://tuoitre.vn/khach-di-chuyen-bay-giai-cuu-co-duoc-tra-lai-tien-20230408150132809.htm
(4) https://cand.com.vn/Chuyen-de/chuyen-bay-tren-troi-bang-ngam-duoi-dat-i689614/
(6) https://thanhnien.vn/toan-canh-vu-chuyen-bay-giai-cuu-sau-1-nam-khoi-to-dieu-tra-1851538213.htm
Việc Bộ Công an Việt Nam thực hiện lệnh bắt hai cán bộ ngoại giao ở nước ngoài (Nguyễn Hồng Hà làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka – Nhật và Nguyễn Lê Ngọc Anh làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia) rõ ràng là một hành động "anh hùng".
Phải là "anh hùng" mới có thể bắt "anh hùng". Cần lưu ý, 22 người bị bắt trong scandal "giải cứu" dù vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", vì "nhận hối lộ", vì "đưa hối lộ", vì "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì đều là những "anh hùng". Chẳng thường nhân nào đủ "dũng" để hành xử như đã biết đối với hàng trăm ngàn đồng loại đang đi tìm sinh lộ. Rất "anh hùng" mới đủ "dũng" để cùng nhau thực thi chuyện "kinh thiên, động địa" như thế.
Không may cho các "anh hùng" là Bộ Công an còn "anh hùng" hơn ! Không "anh hùng", không thể "nhẫn nại" nhìn các "anh hùng" tổ chức gần 2.000 lượt "giải cứu" suốt từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021, bóp cổ khoảng 240.000 đồng bào, bất kể nạn nhân rên xiết, thân nhân oán thán, rồi mới vồ ! Bảo vệ và thực thi pháp luật mà "nhẫn" như thế rõ ràng là xưa nay hiếm !
Tính chất "anh hùng" của Bộ Công an còn thể hiện ở chỗ đã "rờ" và "bứng" hàng loạt những cá nhân từng được thẩm định và chứng thực là thấm nhuần "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" để làm "anh hùng". Ở Việt Nam, phi "anh hùng" không thể giải cứu gì cả. Không tin cứ search trên google về hậu quả của những thường nhân nông nổi, bỗng nhiên tự thấy cần giải cứu cây xanh, giải cứu môi trường phải gánh ắt sẽ hiểu đá – vàng. Phải "anh hùng" mới có thể chọi "anh hùng" để trở thành "anh hùng" !
Không phải tự nhiên mà Bộ Công an trở nên "anh hùng". Dưới sự lãnh đạo của một "anh hùng" như đại tướng Tô Lâm thì Bộ Công an phải là một ngành "anh hùng". Đừng có nghi ngờ sự "anh hùng" của ông đại tướng họ Tô. Phải đặc biệt "anh hùng" mới dám xuất ngoại, đích thân chỉ đạo bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức. Không đặc biệt "anh hùng" thì không thể xua hàng ngàn cảnh sát vũ trang đến tận răng, xông vào tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, tiêu diệt một cụ ông 84 tuổi, tàn phế, đày đọa ba thế hệ của một đại gia đình trong lao tù. Anh hùng ít khi nệ thức. "Anh hùng" theo các tiêu chí của "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" lại càng không, đặc biệt là liêm sỉ. Xưa cũng thế mà giờ cũng vậy, thường nhân không thể hiểu được lý lẽ của "anh hùng" nên "anh hùng" thường đơn độc. "Anh hùng" Tô Lâm cũng vậy ! Cho dù thiên hạ bỉ bôi, ông đại tướng họ Tô chưa bao giờ thèm giải thích tại sao ông thưởng thức "bò dát vàng". Biết đâu đó lại là biện pháp nghiệp vụ !
Phải là một tổ chức "anh hùng", gồm toàn "anh hùng" như Đảng cộng sản Việt Nam mới có thể "đồng cảm, đồng điệu" cao với "anh hùng" mang hàm đại tướng họ Tô để không yêu cầu Tô Lâm giải thích bất kỳ điều gì, dù "chống tham nhũng, tiêu cực" vẫn song hành với "chống lãng phí" và tiếp tục ngồi chung xe, đi chung đường với "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh" có "nêu gương" chễm chệ ở băng sau. Thành ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi "anh hùng" bắt cóc giờ chuyển sang dẫn đầu đội hình bắt cướp là những "anh hùng" bắt tay nhau để bóp cổ đồng loại, đồng bào đang hoạn nạn và nhờ vậy đại tướng họ Tô trở thành "anh hùng" hơn nữa !
***
Có thể cả ngày bị "anh hùng" ám nên đêm qua em nằm mơ nhưng không mơ thấy "bác Hồ". Trong mơ, em thấy một số "anh hùng" đang đại diện Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, bất bình vì đội ngũ do "anh hùng" bắt cóc lãnh đạo, chẳng biết mắc chứng gì mà chuyển sang bắt họ vốn cũng là "anh hùng", chưa kể đã "cùng giống còn chung giàn", nên xin tị nạn "anh hùng" rồi khai tuốt tuồn tuột nhiều chuyện. Đó chỉ là mơ nhưng em vẫn tiếc vì đã không mơ trở thành "anh hùng" !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 05/10/2022