Kỳ 1
Nạn nhân bị gạt ra bên ngoài
Gạt bỏ vai trò "bị hại" của các nạn nhân vì điều đó sẽ... tạo điều kiện để có thể sung công khoản 180 tỉ do "phạm tội mà có" ? Hay vì nếu chiếu theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc triệu tập lấy lời khai, thu thập bằng chứng, từ... 200.000 "bị hại" sẽ khiến...
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Sau khi công an Việt Nam công bố Kết luận điều tra về việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", thông qua nhiều cơ quan truyền thông chính thức, một số luật sư(1), cựu viên chức của hệ thống tư pháp(2)... đồng thanh bày tỏ sự nhất trí trong việc đề cao ý chí của công an :Không xem các nạn nhân – những người do rơi vào tình trạng ngặt nghèo đành phải chấp nhận trả khoản tiền từ vài lần đến hàng chục lần chi phí hợp lý để được hồi hương – là "bị hại".
Những luật sư và cựu viên chức của hệ thống tư pháp cho rằng :Hàng trăm ngàn người phải trả chi phí cực lớn cho việc được lên phi cơ để hồi hương, phải lưu trú – ăn uống tại nơi được chỉ định trong thời gian cách ly không phải là "bị hại" vì chi phí đó là do các bên tự thỏa thuận. Nếu các nạn nhân chứng minh được rằng họ phải nộp khoản tiền "trái với quy định của nhà nước" hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiềnhay có những hành vi khác khiến cho giao dịch vô hiệu (như bị lừa dối, bịcưỡng ép...) thì họcó thể khởi kiện bằngcác vụ kiện riêng ởTòa Dân sự để đòi lạitiền từcác doanh nghiệp có liên quan.Còn nếucác giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai, ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu cáctổ chức, doanh nghiệp có liên quan phải trả tiền. Bởi công an chỉ điều tra, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân đã phạm những tội như "môi giới hối lộ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nên "bị hại" của vụ án đã đề cập được xem là "cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền để được hồihương". Những luật sư và cựu viên chức tư pháp này nhấn mạnh :Tuy chi phí rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, nạnnhân vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nướcthì đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
***
Bất kể thế nào thì nhận định, ý kiến của một số luật sư, cựu viên chức tư pháp cũng đã góp phần làm rõ một ý : Suốt quá trình điều tra về việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", công an Việt Nam đã cố tình loại bỏ hàng trăm ngàn nạn nhân ra khỏi vụ án. "Khoản lợi bất chính" – xấp xỉ 180 tỉ mà các bị can đã giao nhận với nhau là do "phạm tội mà có" sẽ được... sung công. Các nạn nhân đã cắn răng gánh chịu thiệt hại giờ dù muốn hay không cũng phải ráng... cắn răng chặt hơn nữa !
Khoan bàn đến tình – vốn rõ ràng là vô tri, vô cảm, việc lọai bỏ các nạn nhân khỏi vai trò "bị hại" dù họ thực sự đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí, để thoát khỏi tình thế ngặt nghèo, nguy hiểm đến tính mạng, không ít người phải vay mượn, trả lãi... liệu có hợp lý hay không ? Luật Tố tụng hình sự Việt Nam định nghĩa như thế này về "bị hại" tại Điều 62 :Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Cũng theo Điều 62,bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền : Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ. Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án. Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật. Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường. Tham gia phiên tòa, trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, xem biên bản phiên tòa. Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tham gia các hoạt động tố tụng ; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án ; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (3).
Chưa hết, Luật Tố tụng hình sự Việt Nam còn một điều khác (Điều 30) quy định về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (ở đây là bồi thường thiệt hại cho nạn nhân) : Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự(3).
Tại sao trước kia, vào thời điểm bắt đầu tiến hành điều tra các vi phạm pháp luật liên quan đến việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", một số viên chức hữu trách từng công khai thừa nhận những người Việt phải trả đủ loại chi phí với giá không ai có thể tưởng tượng để được hồi hương giữa lúc đại dịch đang làm cả thế giới ngả nghiêng là "nạn nhân" nhưng khi kết thúc điều tra, bất chấp các quy định của Luật Tố tụng hình sự, công an Việt Nam lại không thừa nhận những nạn nhân đó là "bị hại" ? Gạt bỏ vai trò "bị hại" của các nạn nhân vì điều đó sẽ tạo điều kiện để có thể sung công khoản 180 tỉ do "phạm tội mà có" ? Hay vì nếu chiếu theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc triệu tập lấy lời khai, thu thập bằng chứng, từ 200.000 "bị hại" (4) sẽ khiến việc giải quyết vụ án, bao gồm cả tổ chức xét xử thêm khó khăn, phức tạp ? Hoặc vì tất cả những lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa ? Chẳng hạn những ai phải chịu trách nhiệm khi hoạt động phạm tội diễn ra công khai, dân tình ta thán suốt 20 tháng và biến hàng trăm ngàn ng ười thành nạn nhân ? Thế nào là điều tra khách quan khi xem các nạn nhân là đối tương tự nguyện chịu thiệt hại chứ không có ai làm hại ?
(Trân Văn)
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/chuyen-bay-giai-cuu-dua-cuu-tu-nhan-ve-nuoc-va-la-thu-to-sai-pham-2129414.html
(2) https://tuoitre.vn/khach-di-chuyen-bay-giai-cuu-co-duoc-tra-lai-tien-20230408150132809.htm
(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
(4) https://thanhnien.vn/toan-canh-vu-chuyen-bay-giai-cuu-sau-1-nam-khoi-to-dieu-tra-1851538213.htm
**************************
Kỳ 2
54 bị can là quá ít ?
Nếu hoạt động điều tra thật sự "khách quan, vô tư" tại sao lại bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự của các thành viên trong "Tổ công tác năm bộ" vốn là lãnh đạo của cả năm bộ.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ chuyến bay giải cứu với các tội như "Đưa – Nhận – Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Đại dịch hoành hành, không có việc làm, không có thu nhập, không có nơi ăn – chốn ở ổn định, chưa kể không biết sẽ ra sao nếu chẳng may nhiễm Covid-19 trên xứ người là lý do khiến nhiều người Việt cư trú ở ngoại quốc trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022 muốn hồi hương. Tuy nhiên để được hồi hương họ phải trả chi phí di chuyển, ăn - ở tại địa điểm được chỉ định trong thời gian bị cưỡng bức cách ly gấp vài lần đến hàng chục lần mức bình thường và theo nhận định của một số luật sư(1), cựu viên chức của hệ thống tư pháp(2) thì công an Việt Nam không xem họ là "bị hại" bởi họ tự nguyện chịu thiệt hại !
Ai tạo ra tình thế để các nạn nhân phải... tự nguyện chịu thiệt hại ? Chính phủ ! Các chủ trương liên quan đến phòng – chống Covid 19 của chính phủ, bao gồm cả những quy định, yêu cầu liên quan tới việc đưa công dân hồi hương đã tạo điều kiện cho các bộ khai thác hoàn cảnh ngặt nghèo của những người Việt đang cư trú ở ngoại quốc phải... tự nguyện chịu thiệt hại. Riêng trong việc lập – duyệt – tổ chức - thực hiện các chuyến bay "giải cứu", chính phủ lôi tới năm bộ (Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng) vào cuộc. Kết luận điều tra mà công an Việt Nam công bố, xác định, cả năm bộ đều tận tình khai thác chức trách để buộc những doanh nghiệp muốn thực hiện các chuyến bay "giải cứu" phải chung chi và công dân Việt Nam có nhu cầu hồi hương trở thành đối tượng bị doanh nghiệp tham gia "giải cứu" trấn lột để cống nạp cho năm bộ. Không có năm bộ tham gia, chi phí hồi hương không bị đội lên và trở thành cao ngất ngưởng như đã biết.
Dẫu Bộ Quốc phòng không góp "bị can" nào trong vụ án mà công an Việt Nam vừa đề nghị truy tố nhưng đó không phải do Bộ Quốc phòng "sạch" hơn. Nguyên do không có nhân sự của Bộ Quốc phòng bị đề nghị truy tố chỉ vì Bộ Công an không thể điều tra Bộ Quốc phòng(3). Ngoài năm bộ, còn có Văn phòng Chính phủ tham gia ép buộc doanh nghiệp muốn tổ chức các chuyến bay "giải cứu" để những doanh nghiệp này buộc phải tăng mức trấn lột công dân muốn hồi hương. Kết luận điều tra của công an mà tờ Công An Nhân Dân vừa lược thuật, xác nhận :Tại Văn phòng Chính phủ, một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, đề xuất thẳng lên lãnh đạo chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của "Tổ công tác năm bộ" trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, qua đó nhận hối lộ của doanh nghiệp(4).
Nếu hoạt động điều tra thật sự "khách quan, vô tư" tại sao lại bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự của các thành viên trong "Tổ công tác năm bộ" vốn là lãnh đạo của cả năm bộ. Chẳng lẽ để các viên chức trực thuộc nhũng nhiễu để nhận hối lộ lại không phạm tội nào dù ít nhất cũng có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" ? Nếu hoạt động điều tra thật sự "khách quan, vô tư" tại sao lại bỏ qua không truy cứu trách nhiệm hình sự của "lãnh đạo chính phủ" đã "duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của ‘Tổ công tác năm bộ’ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay" và vì thế mà tạo điều kiện cho "một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ của doanh nghiệp" ?"Lãnh đạo" hoặc "những lãnh đạo" nào của "chính phủ" đã "cố ý làm trái" quy trình, quy định do chính chính phủ đề ra đến mức gây ra "hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" như vậy ?
Chẳng lẽ cứ là "lãnh đạo chính phủ" thì đương nhiên trở thành "siêu công dân" nên không thể xem xét – truy cứu trách nhiệm hình sự dù dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đã được công an ghi nhận trên "giấy trắng, mực đen", ngược lại nếu là thường dân thì dẫu thiệt hại có rõ ràng đến đâu mà công an không muốn thì ngay cả quyền làm "bị hại" theo quy định của Luật Tố tụng hình sự cũng không được hưởng ? Còn một điểm đáng lưu ý khác là cứ như Kết luận điều tra, các doanh nhân đã bị cáo buộc "đưa hối lộ" cũng là nạn nhân. Doanh nghiệp của họ muốn có thương vụ, muốn cung cấp dịch vụ - thỏa mãn nhu cầu hồi hương của hàng trăm ngàn người thì phải "chung chi" cho các bộ. Khi chính phủ trở thành một tập thể với những cá nhân tham tàn như thế, chẳng lẽ chính phủ có thể phủi tay ? Sao chính phủ không nhận trách nhiệm bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước(5) vì đã tạo điều kiện cho hàng loạt viên chức phạm pháp khi thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho hàng trăm ngàn người ?
Thêm một lần nữa cần nhắc lại thắc mắc : Vì sao Kết luận điều tra chỉ ghi nhận 772 chuyến bay giải cứu trong khi một số viên chức hữu trách từng thừa nhận số chuyên bay giải cứu (bao gồm "giải cứu" và "combo") lên đến hàng ngàn(6) ? Vì sao chỉ một số doanh nhân tham gia thực hiện các chuyến bay "giải cứu", một số lãnh đạo địa phương liên quan đến việc sắp đặt "nơi ăn, chốn ở" cho những người Việt bị các hệ thống "chặt đầu, lột da" chỉ vì có nguyện vọng được"giải cứu" bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong khi tháng 10 năm ngoái, Bộ Công an từng yêu cầu "UBND các tỉnh, thành phố thống kê, cung cấp toàn bộ hồ sơ resort, khách sạn đã nộp để xin đượcchọn làm địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí cách ly, bao gồm cả hồ sơ những khách sạn không được chọn làm địa điểm cách ly.Những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin làm địa điểm cách ly" (7).
Với kiểu hoạt động từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài hết sức táo tợn, tàn tệ như đã được mô tả trong Kết luận điều tra, ai tin một số tập đoàn, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú tại Việt Nam, bỗng nhiên được chính quyền một số địa phương lựa chọn để cung cấp dịch vụ "cưỡng bức cách ly", khiến chi phí hồi hương vọt lên như pháo thăng thiên là hoàn toàn vô tư ? Vì sao công an Việt Nam vẫn để đó - Kết luận điều tra không hề đả động đã làm gì và kết quả ra sao ? 54 bị can là quá ít !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/04/2023
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/chuyen-bay-giai-cuu-dua-cuu-tu-nhan-ve-nuoc-va-la-thu-to-sai-pham-2129414.html
(2) https://tuoitre.vn/khach-di-chuyen-bay-giai-cuu-co-duoc-tra-lai-tien-20230408150132809.htm
(4) https://cand.com.vn/Chuyen-de/chuyen-bay-tren-troi-bang-ngam-duoi-dat-i689614/
(6) https://thanhnien.vn/toan-canh-vu-chuyen-bay-giai-cuu-sau-1-nam-khoi-to-dieu-tra-1851538213.htm