Nếu may mắn thì nhiều năm sau, lịch sử Việt Nam sẽ dùng tấm ảnh này để đánh dấu một giai đoạn quái đản và đau thương của luật pháp và xã hội.
Ngôi nhà giữa đống đất vun đống từ dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai. Hình : Zing
Đây là hai ngôi nhà của bà Đỗ Thị Yến và con gái ông Đỗ Quang Hạnh, nằm lọt thỏm giữa đại công trường xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ngoài hai ngôi nhà này, trong vùng lõi của đại công trường vẫn còn hơn chục hộ dân cố trụ lại vì chưa thỏa thuận được với chủ đầu tư về giá đền bù.
Con sâu cái kiến
Thỏa thuận được thì rời đi. Chưa thỏa thuận được thì ở lại. Chủ đầu tư phải tiếp tục thương lượng, thỏa thuận với những người dân đang thưa kiện cho đến khi nào đạt được kết quả là cả hai bên đồng tình với giá hoặc phương thức đền bù. Hoặc Nhà nước ra quyết định cưỡng chế, bắt buộc dân rời đi để nhường đất cho dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu chưa có lệnh cưỡng chế của Nhà nước thì rời đi hay trụ lại đều là quyền của người dân.
Quyền này được pháp luật thừa nhận.
Do đó trên lý thuyết, người dân và phía chủ đầu tư đều ngang bằng nhau về vị trí pháp lý. Cho đến khi đạt được một trong hai kết quả như nêu trên, không bên nào được ép buộc bên nào.
Thế nhưng chỉ nhìn vào tấm ảnh kể trên cũng đủ thấy sự "mạnh, bạo" và uy hiếp công khai, thậm chí đe dọa của phía chủ đầu tư với người dân.
Đất san lấp mặt bằng được cố tình cào vun lên đến tận ngang nóc hai ngôi nhà, khiến chúng trở thành nằm dưới đáy vực.
Đấy là cảnh tượng không thể chấp nhận ở một đất nước tự hào xưng hiệu ngữ "Độc lập, tự do, hạnh phúc", tự xưng là mọi việc giữa Nhà nước và công dân đều theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Mỗi ngày, chủ nhân của hai ngôi nhà bi tráng bất đắc dĩ phải đạp lên núi đất cao ngút vây bọc xung quanh, chính xác là trèo từ đáy vực lên mặt đất để đi làm kiếm tiền sinh nhai.
Như tổ tiên nói, trên trái đất làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường. Những bàn chân giẫm lên núi đất hết ngày này qua ngày khác tạo thành con đường mòn, kiên nhẫn, đáng thương và đáng phục như chính cuộc đi kiện của người dân.
Nam Bộ đang ở những ngày cuối cùng của mùa khô năm 2023. Chỉ vài tuần nữa là mùa mưa bắt đầu. Mưa xuống, toàn bộ núi đất sẽ chảy nhão ra thành những dòng thác bùn đỏ ào ào tràn xuống hai ngôi nhà đáy vực, thậm chí vùi lấp nó toàn bộ. Khi mùa mưa bắt đầu, sẽ không có con người nào có thể ở lại trong hai ngôi nhà đó, cho dù nhẫn nại đến đâu.
Đó có thể là lý do khiến những người thực hiện dự án điềm nhiên xúc đất đổ quanh hai ngôi nhà này. Không cần nói nhiều, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về họ.
Gần 30 năm "treo" chờ siêu dự án
Trước kia, nơi đây có tên là xã Suối Trầu, thuộc huyện Long Thành. Xã rộng khoảng 1.400 ha, gồm ba ấp, hơn 2.000 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu. Mấy con đường chính trong xã trải nhựa khá bằng phẳng và thẳng thớm, nhà dân bám theo đường đều đặn đẹp mắt, phía sau nhà ai cũng là vườn và rẫy rộng lớn trồng cao su, tiêu, điều… - những loại cây công nghiệp không cần chăm sóc nhiều nhưng lợi nhuận cao. Tuy thời tiết khô nóng nhưng vẫn tràn ngập màu xanh trên vùng đất đỏ. Nhà dân xen giữa vườn rẫy, nhiều chỗ được quy hoạch chăm chút tươm tất, cây cối xanh tươi xòe tán che mát trước hiên sau nhà.
Cho mãi tới sau năm 1975, Suối Trầu mới có di dân đến khai hoang lập ấp. Trong ký ức người dân Suối Trầu, hồi đó nơi đây là vùng rừng thiêng nước độc, bom đạn sót lại từ thời chiến tranh rải rác khắp nơi. Người dân vừa chặt cây khai hoang, vừa dọn phá bom mìn để có đất sạch trồng trọt. "Bom đạn nằm trên mặt đất thì gom lại thành đống rồi đốt bỏ. Hồi đó cách vài ngày lại nghe tiếng bom mìn nổ đì đùng"- dân Suối Trầu kể.
Cho đến tận 22 năm sau, vào năm 2021, tỉnh Đồng Nai vẫn phải kiến nghị xin 50 tỷ đồng để thực hiện dự án rà phá bom mìn giai đoạn 1. Đủ hiểu bom mìn thời chiến tranh ở mảnh đất này dày đặc đến mức nào và xương máu, mồ hôi của người dân đã đổ xuống nơi này ra sao.
Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khai phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có sân bay Long Thành. Bảy năm sau, vào năm 2015, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành. Năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt quy hoạch dự án. Đến cuối năm 2017, Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Năm 2020, Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 1. Đến đầu năm 2021, sân bay Long Thành mới được khởi công giai đoạn một.
Nhưng người dân toàn vùng bị ảnh hưởng bởi dự án gồm năm xã của huyện Long Thành, trong đó xã Suối Trầu bị giải tỏa trắng và xóa tên trên bản đồ hành chính, thì đã bắt đầu cuộc sống khổ sở từ tận năm 1997.
Suốt mấy chục năm bị "treo" chờ siêu dự án, nhà dân hư mục cũng không được xây, sửa, bán. Vườn rẫy không dám đầu tư vì không biết sẽ phải phá bỏ, di dời vào lúc nào. Tách thửa cho con cũng không được, xin vay thì ngân hàng không duyệt. Nhiều người đang là chủ đất, chủ rẫy các loại cây công nghiệp dài hạn phải bỏ sang trồng khoai mì cho thu hoạch ngắn ngủn trong vài tháng, thu nhập giảm không phanh. Đường sá, các công trình công cộng đều bị bỏ phế, không tu bổ sửa chữa, mùa nắng ngập trời bụi đỏ, mùa mưa khắp nơi thành vũng bùn. Ngay cả chợ cũng không có. Muốn mua thực phẩm phải chạy sang xã khác cách bảy km hoặc mua tạm ở người bán rong. Cứ thế, suốt gần 30 năm người dân sống trong phập phồng vì không biết tái định cư ở đâu, sẽ được đền bù bao nhiêu, lo liệu cho cuộc sống như thế nào.
Dự án tái định cư cho dân bị giải tỏa mang tên Lộc An-Bình Sơn được quy hoạch ở hai xã Lộc An và Bình Sơn gần đó.
Mô hình sân bay Long Thành. Hình : Báo Chính phủ
Khu nhà lầu tái định cư rỗng tuếch
Tỉnh Đồng Nai hứa hẹn đây sẽ là khu đô thị hiện đại nhất khu vực.
Quả thực trên mặt bằng, khu tái định cư này được xây dựng khang trang, đường sá rộng rãi ngăn nắp thẳng thớm đẹp mắt. Thế nhưng hơn một năm sau khi người dân được đưa đến thì nhiều lời hứa của chủ đầu tư vẫn còn nằm trên tivi và đài báo. Đã có 3.000 nhân khẩu sinh sống nơi đây nhưng mới chỉ có duy nhất một trường mẫu giáo hoạt động. Trường cấp I, II… xây lên một tầng rồi bỏ dang dở. Học sinh phải đi học nhờ tại trường khác, lệch giờ với học sinh "chính chủ", đeo khẩu trang ngồi trong lớp vì nơi này đang ngày ngày hứng bão bụi từ đại dự án xây dựng sân bay Long Thành. Không có chợ dân sinh, người dân muốn mua thực phẩm vẫn phải chạy đến chợ cũ cách đó 3-4 km hoặc xa hơn để mua.
Nhiều tờ báo ca ngợi khu tái định cư này là "khu biệt thự tiền tỷ". Đúng, nhìn bên ngoài, nhà cửa rất khang trang, xây toàn tiền tỷ. Nhưng số tiền tỷ đó cũng là toàn bộ vốn liếng có được nhờ đền bù đất, và trong niềm vui khi lần đầu tiên có tiền tỷ trong tay, hầu hết người dân đã dốc hết vào ngôi nhà. Nói cách khác, khi còn Suối Trầu, tuy nhà cửa quê kiểng nhưng dân không bao giờ lo đói vì ai cũng có vườn có rẫy làm kế sinh nhai. Giờ chuyển làm dân thành thị, nhà lầu sáng choang nhưng mấy ngàn, mấy chục ngàn m2 đất trồng trọt đã được dùng để đổi lấy cái nhà trên mảnh đất thổ cư vài trăm mét đó thôi. Người nông dân sống nhờ vào đất đai giờ đã không còn cục đất chọi chim.
Bị bứt khỏi đất đai, người nông dân cũng lâm vào cảnh không nghề nghiệp. Mở quán tạp hóa, ăn uống, cà phê, cắt tóc… thì ế chỏng ế chơ vì loanh quanh chỉ thưa thớt dân tái định cư chứ không có khách vãng lai. Nhiều người đang còn tuổi lao động, vốn có thu nhập tốt khi còn ở nhà cũ nhưng giờ không còn vườn rẫy để trồng, đành phải sống nhờ vào con.
Nhưng con họ, ngoài một số người may mắn có công việc và thu nhập có thể chăm sóc cho cha mẹ thì hoàn cảnh cũng không khác gì. Cha mẹ là nông dân già, họ là nông dân trẻ. Nông dân trẻ có thể đi học nghề mới, nhưng việc dạy nghề cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp chưa bao giờ là điều mà các dự án tái định cư có thể tự hào. Họ dạy để hoàn tất dự án là chính, chứ không thực sự dạy được những nghề thiết thực và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh ở ngay khu tái định cư này.
Thành thử, sau vài tháng hoan hỉ tột độ vì cầm tiền tỷ trong tay và thỏa mãn nhu cầu ở nhà lầu, cất biệt thự, nhiều người dân đã không còn cầm cự nổi, phải rao bán nhà, đất rẻ để lấy tiền đi ở nơi khác phù hợp hơn.
Khu phố hoa mỹ bề ngoài nhưng kỳ thực rỗng tuếch vì mất căn cơ, dân sống chắt bóp đến nỗi ngay cả điện thắp sáng cũng phải tiết kiệm. "Vào nhà nhìn mãi không ra người, điện đóm tắt hết cho đỡ tốn vì có làm gì ra tiền đâu"- một người dân bộc bạch trên báo Dân Trí. Họ tóm tắt cuộc sống tại khu tái định cư gọn trong một từ : "Vỡ mộng".
Nhà nước luôn luôn yêu cầu các chủ đầu tư khi thực hiện giải tỏa di dời dân cho các dự án thì phải đảm bảo cuộc sống nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng thực tế luôn chứng minh lời hứa của chủ đầu tư khi bắt đầu xin dự án luôn theo gió bay đi cực kỳ nhanh chóng.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Hình : VnExpress
Đất của mình bằng tô phở, đất về tay người thành kim cương
Quay lại với những ngôi nhà còn cố thủ ngay giữa đáy vực.
Người dân đã khai hoang và sinh sống trên mảnh đất này khi nó còn đầy rắn rết cọp beo và bom đạn. Bằng mồ hôi xương máu, họ biến đất hoang thành rẫy vườn trù phú, và sẽ ngày càng trù phú hơn nữa, đủ ôm ấp ước mơ cho nhiều thế hệ. Hầu hết người dân đều mong ước được đổi đời, được sống cuộc sống nhiều tiện ích, an ninh, an toàn ngay tại mảnh đất họ đang sống, ngay tại ngôi nhà họ đang sở hữu để có niềm an tâm lâu dài. An tâm thì mới đầu tư, mới gắn bó. Không ai muốn một ngày phải di dời, giải tỏa trong thế bị động.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, "mà thực chất là trạng thái vô chủ, rất dễ bị một nhóm lạm dụng phục vụ cho lợi ích nhóm mình, thay vì mang lại lợi ích cho toàn dân" (Luật sư Nguyễn Tiến Lập, công ty Quang và cộng sự) đặt người dân vào tình trạng ở nhờ suốt đời, luôn lo lắng không biết nơi ở, đất đai của mình có bị giải tỏa hay không. Tuy khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" luôn ra rả, nhưng thực tế, người dân luôn luôn ở trong tình trạng vô cùng yếu thế trước chủ đầu tư.
Không thỏa thuận được với chủ đầu tư, người dân chỉ có thể đi kiện hoặc khiếu nại đòi hỏi quyền lợi.
Dai dẳng suốt hàng chục năm, khiếu nại tố cáo đông người và có nhiều diễn biến phức tạp nhất vẫn là các vụ liên quan đến giải tỏa, bồi thường.
Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận gần 3.500 lượt đơn khiếu nại tố cáo, trong đó hơn 96% liên quan đến đất đai. Đáng chú ý, có đến ngót 60% trong đó là đơn khiếu nại trùng lặp. Tuy theo pháp luật thì dạng đơn này không đủ điều kiện xử lý, nhưng về mặt xã hội, đó rõ ràng là chỉ dấu đáng lo ngại khi vụ kiện đã được giải quyết về hình thức nhưng vẫn không thể chiếm được đồng thuận của người dân. Nên họ mới không chấp nhận mà tiếp tục khiếu nại tố cáo vượt cấp.
Có những vụ khiếu kiện "bền vững" đến nỗi kéo dài từ đời cha mẹ đến đời con, và sắp là đời cháu.
Yếu tố khiến người dân bất bình đầu tiên là chênh lệch đến mức không chấp nhận được về giá trị bồi thường khi giải tỏa. Điển hình như ở Thủ Thiêm, gần 4.000 m2 đất của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết được đền bù gần 570 triệu đồng ; vườn cây ăn trái đền bù hơn ba triệu. "Một m2 đất mua được ba tô phở"- bà Tuyết nói.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh mua căn nhà giá 50 cây vàng, sau đó chính quyền bấy giờ buộc bà di dời vì nhà trong quy hoạch, được đền bù 94 triệu đồng. Rồi họ sắp xếp cho bà một căn chung cư nhưng yêu cầu phải trả thêm 800 triệu đồng mới được vào ở.
Vấn đề là nhà của bà Thanh không nằm trong diện giải tỏa. Bà cũng không thể có chừng đó tiền để đổi một ngôi nhà khang trang dưới đất lấy một căn chung cư nhỏ hẹp trên cao mà thời gian sử dụng có hạn.
Sau khi giải tỏa trắng Thủ Thiêm với giá 18 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư bán đất ra với giá ba bốn trăm triệu đồng/m2 (thời điểm 2018).
Trừ tiền vốn đầu tư và giá trị đất tăng cao sau khi được đầu tư bài bản, thì giá cả như nói trên vẫn là không thể với tới với đại đa số cư dân Thủ Thiêm. Nói dễ hiểu, họ đã bị đuổi khỏi ngôi nhà mảnh đất sinh sống từ nhiều đời của mình, bị tước mất cơ hội làm ăn tốt hơn để những người giàu có hơn đến ở và (tiếp tục) làm giàu.
Nhu cầu chính đáng của người dân là được tái định cư tại chỗ, hay "nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", đã bị phớt lờ tận cùng.
Cục chì của kẻ mạnh
Yếu tố thứ hai là thái độ hành xử của phía chủ đầu tư và chính quyền với người dân. Không ai đang sinh sống làm ăn ổn định mà muốn bị giải tỏa di dời. Cuộc sống bị đảo lộn triệt để. Lo lắng, tính toán cho cuộc sống mới đủ khiến chủ nhà đau đầu, lên tim.
Trong các bài bản về tái định cư, một nội dung được nhấn mạnh là lắng nghe và thuyết phục dân. Nhưng trên thực tế, rất ít dự án làm được việc này. Nhân viên làm công việc áp giá đền bù chỉ xem đó là việc làm công ăn lương, hơn nữa là công việc vất vả mà rất nhức đầu, nên chẳng mấy ai đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấu hiểu và cảm thông. Chủ đầu tư thì (phần nhiều) chỉ nhìn thấy lợi nhuận. Chính quyền nói hay nói tốt, nhưng nói xong để đó, hoặc tệ hơn là nói một đằng làm một nẻo. Sự trùng trình chậm di dời do chưa được đền bù thỏa đáng của người dân hầu hết bị xem là tham lam, đòi hỏi quá đáng, gây hấn để đòi thêm tiền… Để nhanh chóng đạt được kết quả, kẻ mạnh ném… cục chì qua và ngày càng tăng trọng lượng.
Lẽ ra là cuộc thương thuyết trên cơ sở bình đẳng, thì cuối cùng hầu hết các dự án giải tỏa lớn đều biến thành cuộc chiến bất cân sức, với phần thiệt thòi thuộc về những người chủ đầu tiên của mảnh đất.
Và những sự bất đồng, bất bình cứ thế dần tăng lên, biến thành uất ức và căm phẫn.
Trần Mai
Nguồn : RFA, 18/04/2023
Tham khảo
https://plo.vn/san-bay-long-thanh-10-nam-song-kho-trong-khu-quy-hoach-post361863.htmlhttps://vnexpress.net/phai-som-xay-xong-8-truong-hoc-cho-dan-san-bay-long-thanh-4548947.html
https://zingnews.vn/nhung-ho-dan-cuoi-cung-song-giua-dai-cong-truong-san-bay-long-thanh
https://vnexpress.net/cuoc-song-tam-bo-o-xa-bi-giai-the-de-xay-san-bay-long-thanh-3911147.html
https://vietnamnet.vn/thu-hoi-dat-du-an-san-bay-long-thanh-dan-duoc-boi-thuong-ra-sao-634722.html
https://vnexpress.net/cuoc-song-tam-bo-o-xa-bi-giai-the-de-xay-san-bay-long-thanh-3911147.html
https://www.baogiaothong.vn/cuoc-song-dan-vung-loi-du-an-san-bay-long-thanh-truoc-gio-g-d414127.html
https://zingnews.vn/can-50-ty-de-ra-pha-bom-min-cho-du-an-san-bay-quoc-te-long-thanh-post929142.html