Tổng bí thư Trọng tung ‘cú đấm thép’
Viễn Đông, VOA, 13/12/2017
Giới quan sát nhận định, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tung "cú đấm thép chưa từng có" trong vụ bắt giữ và truy tố ông Đinh La Thăng, và đây là "đòn cảnh cáo" những ai muốn thách thức mình.
Giới quan sát cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang tìm cách "thanh trừng các đồng minh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".
Cựu quan chức từng nằm trong nhóm hơn chục người "chóp bu" đầy quyền lực ở Việt Nam "ngã ngựa" hôm 8/12 với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây rúng động người dân trong nước như thể hiện trên mạng xã hội.
Trong khi đó, ông David Brown, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, "không ngạc nhiên" trước diễn biến này, nhất là sau khi ông Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị hồi tháng Năm, rồi sau đó là vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, gây sóng gió quan hệ Hà Nội và Berlin.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, ông Thanh nắm các vị trí quan trọng ở một công ty thành viên của PVN thời kỳ ông Thăng lãnh đạo tập đoàn nhà nước này, vốn từng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhưng hiện lao đao vì giá dầu giảm thời gian qua.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người quan sát tình hình chính trường Việt Nam, cho rằng ông Thanh "được cho là con át chủ bài" trong hồ sơ về ông Đinh La Thăng".
Còn ông Brown nhận định rằng "nhiều khả năng, để tự cứu mình, ông Thanh đã cung cấp bằng chứng giới chức có thể sử dụng để chống lại ông Thăng và ông [Nguyễn Quốc] Khánh [cựu Chủ tịch PVN]".
Ông Khánh bị tước tư cách đại biểu quốc hội và bị bắt giam cùng ngày với ông Thăng với cùng tội danh.
Chuyên gia David Brown cho rằng Tổng bí thư Trọng "muốn làm trong sạch đảng khỏi những thành phần suy thoái và cơ hội nhằm khôi phục lại uy tín của đảng".
"Các vụ khởi tố ở PetroVietnam được 'dàn dựng' nhằm mục đích cảnh cáo bất kỳ ai muốn thách thức kế hoạch đó của ông Trọng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là : ông Thăng và ông Khánh sẽ thú tội tới mức độ nào để tránh bị án nặng nhất ?", ông Brown nói.
Nếu bị kết tội, ông Thăng đối mặt với án có thể lên tới 20 năm tù giam, theo Bộ Luật hình sự.
Báo chí trong nước nhiều ngày qua đã khai thác triệt để vụ ông Đinh La Thăng, nhưng không thấy ý kiến của luật sư bào chữa cho ông hay người thân của cựu quan chức từng nắm nhiều trọng trách này.
Nhà hoạt động Tuấn viết trên Facebook : "Công chúng, bao gồm cả bạn bè người thân của ông [Thăng], sau một thời gian dài bị oanh tạc thông tin bởi hàng trăm tờ báo tập trung khai thác sai phạm của ông với vô số những lời lẽ đao to búa lớn, hẳn sẽ muốn đưa ông lên đoạn đầu đài ngay mà chẳng cần gì đến một phiên tòa. Lúc này, liệu ông có muốn được giữ quyền im lặng, được mời luật sư tham gia từ đầu, được giãy bày với báo chí thông qua luật sư và gia đình để rộng đường dư luận, được xét xử bởi một quan tòa độc lập - những quyền căn bản bình thường của bất kỳ công dân nào ở các nước dân chủ pháp trị ?".
Nhận xét rằng các diễn biến về ông Thăng, chuyên gia Brown cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang tìm cách "thanh trừng các đồng minh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng", người từng thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực trước thủ lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam năm ngoái.
Nhận định này giống với các ý kiến của một số hãng thông tấn đang đặt văn phòng tại Việt Nam. Reuters hôm 9/12 đưa tin, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam "bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc chiến chống tham nhũng có động cơ chính trị" và "nhắm vào những người thân cận với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".
Ít ngày sau khi các cựu quan chức dầu khí rơi vào vòng lao lý, trong một diễn biến khác cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng đang gia tăng cường độ ở Việt Nam, ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam, một công ty lớn của nhà nước, đã bị khởi tố hôm 12/12, nhiều năm sau khi đã về hưu.
Thời gian vừa qua, ông Trọng có những tuyên bố chống tham nhũng được báo chí chính thống và nhiều cư dân mạng trích dẫn lại như : "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" hay "đánh con chuột đừng để vỡ bình", "không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm".
Nhà nghiên cứu David Brown cho rằng ông Trọng "đang làm những gì ông cho là cần thiết để duy trì vị thế độc đảng".
Chuyên gia này nói thêm : "Nếu nó giống với những gì hiện diễn ra ở Trung Quốc [nơi hiện có chiến dịch "đả hổ diệt ruồi], đó là bởi vì cả hai đảng cùng đối mặt với các thách thức tương tự, chứ không phải bởi vì ông Nguyễn Phú Trọng nhận lệnh từ quốc gia láng giềng lớn ở phương bắc".
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 13/12/2017
*******************
Chiến dịch chống tham nhũng có hiệu quả hay không ?
Kính Hòa, RFA, 11/12/2017
Những ý kiến cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tiến lên
Vào tháng Năm, năm 2017, sau Hội nghị trung ương lần thứ năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, một cựu ủy viên trung ương đảng giấu tên nói với đài RFA rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn biến một cách tích cực.
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị bắt giữ. Ảnh chụp tại một phiên họp Quốc hội, 30/10/2017. AFP
Trong hội nghị này ông Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ chính trị bị cách chức, đồng thời mất luôn chức là người đứng đầu đảng bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm của ông có liên quan đến việc quản lý tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đến tháng 10/2017, Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị trung ương lần thứ sáu. Tại hội nghị này một viên chức cao cấp của đảng bị kỷ luật là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên trung ương đảng, ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật vì những cáo buộc có liên quan đến việc nhận quà biếu, cũng như những sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai.
Ngay sau vụ kỷ luật này, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng nói với đài RFA rằng bản án kỷ luật này là một hành động kịp thời và nghiêm khắc của Đảng Cộng sản.
Hai tháng sau đó ông Đinh La Thăng, bị bắt giam để điều tra về những việc liên quan đến những vụ án tham nhũng lớn của ngành ngân hàng và dầu khí.
Việc bắt giữ ông Thăng gây nên một sự chú ý rất lớn đến chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản trong hai năm qua vì ông Thăng là viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị công khai bắt giam cho đến nay. Trước đó trong một thời gian dài, nhiều cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí lần lượt bị bắt giam, mà trong đó nổi tiếng nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, một cấp dưới của ông Thăng, được cho là đã bị cơ quan an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc mang về Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ Singapore nói với báo mạng VNexpress bản Anh ngữ rằng vụ bắt ông Thăng, cũng như vụ kỷ luật ông Xuân Anh là chỉ dấu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang gia tăng cường độ.
Những ý kiến cho rằng chống tham nhũng chỉ là chuyện phe phái
Tuy nhiên có những ý kiến vẫn cho rằng những bản án kỷ luật hay bắt giam này vẫn là chuyện tranh giành quyền lực nội bộ, phe phái bên trong Đảng Cộng sản mà thôi. Một trong những người có ý kiến này là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội.
Chuyện phe phái mà ông Nguyễn Quang A đề cập được cho là xung đột kéo dài từ lâu giữa một bên là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng, với bên kia là những viên chức cao cấp của chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau Đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực chính trị. Sau đó người ta thấy một loạt các quan chức được ông bổ nhiệm bị kỷ luật, thậm chí có người đã về hưu cũng bị cách chức như ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trường Bộ Công Thương. Và đến cuối năm 2017, đến lượt ông Đinh La Thăng, người được thăng tiến mạnh mẽ dưới thời Thủ tướng Dũng.
Những người nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Trọng chỉ là một cuộc chiến phe phái đưa ra nhận định rằng chỉ có những quan chức liên quan đến cựu Thủ tướng Dũng mới nằm trong tầm ngắm. Nhiều vụ tình nghi tham nhũng khác như ở Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa,…vẫn không bị đụng đến.
Trong những vụ này nổi tiếng nhất là một quan chức tại tỉnh Yên Bái là ông Phạm Sỹ Quí, nguyên Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này, với nhiều sai phạm về kê khai tài sản và quản lý đất đai, được dư luật đặt câu hỏi là số tiền khổng lồ ông Quí dùng để xây nhà đắt tiền có phải là tiền tham nhũng hay không.
Ngày 2 tháng 12, trước khi ông Thăng bị bắt vài ngày, gia đình ông Quí bị phạt 500 triệu đồng, nhưng cho đến nay chưa có một vụ điều tra nào liên quan đến ông được công bố cả.
Sau Hội nghị trung ương sáu, ông Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị nội bộ Việt Nam sống ở Sài Gòn cho chúng tôi biết rằng mặc dù đã nắm hết quyền lực nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn rất là vất vả :
"Muốn làm cái này thì phải làm chuyện có liên quan đến tài sản của quan chức. Từ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra chủ trương là kiểm tra tài sản đến 1000 quan chức. Lúc đó bà Lê Thị Thủy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, có thể nói là một kênh tuyên giáo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên truyền khá rầm rộ cho chuyện này. Nhưng mà cho tới nay vẫn không thấy chiến dịch này được triển khai tới mức độ nào. Trong khi đó thì lại có những bằng chứng rất rõ là dường như ông Nguyễn Phú Trọng lại lơ đi những vấn đề tài sản quan chức bị dư luận công phẫn lên án".
Ông Dũng cho rằng hiện nay việc chống tham nhũng của ông Trọng phải đối mặt với sự liên kết của nhiều cán bộ cao cấp có chân trong ngành tư pháp và lĩnh vực kinh tế, vì thế có những vụ việc tình nghi tham nhũng nhưng ông Trọng không thể làm gì được.
Chống tham nhũng ở Việt Nam thiếu một thể chế cần thiết
Mặt khác có những ý kiến cho rằng việc chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay không có một thể chế để cho việc ấy có hiệu quả.
Vào tháng 10 năm 2017, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Hà Nội nói với chúng tôi :
"Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến dịch sâu rộng, và cho đến nay đạt được rất nhiều tiến bộ về những trường hợp cụ thể. Nhưng chiến dịch đó không thấy có các thay đổi về mặt công khai minh bạch, về mặt giám định độc lập, về mặt giám sát quyền lực".
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng có ngành tư pháp, cơ quan thực thi pháp luật, nhưng cơ quan này lại do Đảng Cộng sản lãnh đạo chứ không phải là một cơ quan độc lập.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về vụ truy tố ông Đinh La Thăng :
"Đây là Đảng Cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả".
Trong tất cả những vụ án liên quan đến các quan chức cao cấp, đều là đảng viên Đảng Cộng sản, người ta thấy nổi bật lên là vai trò của cơ quan gọi là Ủy ban kiểm tra trung ương đảng, chứ không phải là tòa án.
Việc đề cao vai trò độc lập của ngành tư pháp bắt đầu được các nhân sĩ trí thức Việt Nam chính thức nêu lên vào năm 2013, khi 72 người ra lời kêu gọi thực hiện thể chế tam quyền phân lập. Nhưng kiến nghị này không được Đảng Cộng sản cầm quyền ghi nhận. Hiến pháp Việt Nam sửa đổi, công bố vào năm 2013, vẫn nói là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn xã hội. Và việc này bị giới chỉ trích cho rằng là một việc tập trung quyền lực quá cao, dễ dàng tạo điều kiện cho tham nhũng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với chúng tôi vào tháng 10 năm 2016 :
"Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận, có ý kiến phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì vẫn phải thực hiện tam quyền phân lập, vẫn phải có một hệ thống giám sát quyền lực như là hệ thống tòa án hiến pháp, rồi là tòa án phải độc lập, chỉ hoạt động theo luật pháp thôi, và còn có những qui định khác như là phải công khai minh bạch, một nền báo chí tự do, tự chịu trách nhiệm, có tin thần xây dựng đối với đất nước. Thì tất cả những cái đó các nước khác người ta đã tổng kết rồi, vấn đề bây giờ là Việt Nam có thực hiện hay không mà thôi".
Trở lại vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, mặc dù đồng ý là việc chống tham nhũng đang gia tăng cường độ, nhưng ông cho rằng việc bắt giữ các quan chức cao cấp là chưa đủ, mà cần có sự thay đổi thể chế chính trị và pháp lý để có thể chống tham nhũng ở mọi mức độ.
Điều Tiến sĩ Hiệp đề cập cũng được vị cựu ủy viên trung ương đảng mà chúng tôi có dịp nói chuyện vào tháng Năm năm nay đồng ý, ông cho rằng phải hướng tới một thể chế tam quyền phân lập để có thể chống tham nhũng có hiệu quả. Nhưng ngay trong những ngày dư luận đang nóng lên về vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, Đảng Cộng sản lại ra một chỉ thị nói rằng những đảng viên nào đề cập đến tam quyền phân lập sẽ bị khai trừ khỏi đảng.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 11/12/2017
Thường có một thói quen suy diễn mang màu sắc định kiến của các quan sát "lề dân" sau mỗi hành vi của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Một trong những suy diễn điển hình là suy luận theo hướng nội bộ lãnh đạo đảng dùng chiêu bài này khác để thanh trừng lẫn nhau.
Ông Thăng đã xin lỗi đảng và nguyện "đem hết sức mình phục vụ nhân dân", nghĩa là ông đã không còn là người cùng phe ông Dũng nữa
Có thể còn có một sự lẫn lộn giữa tính bè phái với tính phi dân chủ của đảng cộng sản, làm như đã độc đảng và phi dân chủ thì nhất định phải phe cánh bè phái, và kỷ luật người này, cách chức người kia, dứt khoát là thanh trừng lẫn nhau, hoặc thực hiện một âm mưu nào đó.
Phải thừa nhận một quy luật là trong sinh hoạt nội bộ một đảng chính trị, kỷ luật là một loại công cụ có tính phe cánh. Nó chỉ có thể có hiệu lực khi nằm trong tay phe mạnh, ngược lại, nó là hình thức đấu đá khi không có một bên hơn hẳn. Để loại nhau, phe nào cũng tìm cách nắm được quyền quyết định kỷ luật.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải cứ lúc nào có kỷ luật, khi đó có thanh trừng hay trấn áp phe cánh. Phe mạnh thường tự gọi mình là phe "có chính nghĩa" theo một khái niệm nào đấy, trong bối cảnh nào đấy và trong một thời đoạn nào đấy. Kỷ luật khi đó có tính cách bảo vệ chính danh và không chấp nhận bị gọi là thanh trừng nội bộ, thậm chí còn là bộc lộ thế hơn hẳn của một phía nào đấy.
Vì lẽ đó, trước khi xét bản chất của một kỷ luật, phải xem có hiện tượng phe cánh không, và phe cánh là gì ? Người ta chỉ dùng cụm từ "phe cánh" để chỉ các cụm người gắn kết với nhau vì một lợi ích chung thuộc loại "bất hảo", còn nếu chỉ để đề cập sự khác biệt giữa lực lượng nào đấy chống lại một nhóm "bất hảo" nào đấy, thì người ta không gọi là thanh trừng phe cánh.
Vụ kỷ luật Đinh La Thăng, nếu có thể nằm trong một âm mưu, thì ít nhất, họ Đinh phải mang một chút chính nghĩa nào đó, và hiện hữu một lực lượng đang sở hữu một thứ chính nghĩa nào đó ủng hộ và công khai bênh vực ông ta. Khi đó, cái gọi là bộ chính trị đảng, người đã thực hiện kỷ luật ông Thăng không có chính danh, hoặc chỉ có một thứ chính danh mập mờ. Nhưng không thấy có ai nói ông Thăng bị oan, và chẳng có nhóm người nào công khai lên tiếng bênh vực. Vậy là ông Thăng không có chút chính nghĩa nào và cũng có nghĩa là ông Trọng không cần phải có âm mưu mới kỷ luật được ông.
Tuy nhiên, chúng ta gặp khó khăn vì trên mặt truyền thông đại chúng công khai, đảng cầm quyền không cho phép phổ cập sự thật. Người ta chỉ được biết đến một ông Đinh năng nổ, trực tính, sốc vác, lăn lộn, sâu sát quần chúng, cương quyết với tiêu cực, miệng nói tay làm, v.v... còn những chuyện ông ta là thủ phạm của vụ tiêu tán hàng tỷ đôla của công quỹ, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng khác cho nền kinh tế, thì một mặt, được coi là việc chuyên môn của cơ quan điều tra, của cơ quan tư pháp, chỉ có thể công khai khi đủ điều kiện, một mặt khác, công khai những cái xấu của cán bộ đảng không phải là việc ưa thích, thậm chí còn là việc cấm kỵ của cơ quan tuyên giáo.
Nhưng cũng là lỗi của Tuyên giáo, vì tuyên truyền tạo dáng cho một nhân vật, rồi lại "đúng đắn sáng suốt" khi kỷ luật cách chức anh ta, thì giống như tuyên giáo, hay chính đảng tự vả vào mồm mình.
Nên thông thường, trước khi kỷ luật một đảng viên, tuyên giáo phải dạo nhạc rất lâu, chuẩn bị dư luận, tung tin dền dứ thăm dò, lèo lái dư luận theo hướng thuận chiều, rồi mới phát hành quyết định cuối cùng.
Khi Ban kiểm tra trung ương công bố kết luận thanh tra, kiến nghị trung ương và Bộ chính trị xem xét kỷ luật ông Thăng, người ta đã biết chắc rằng tất cả đã xong rồi, có quyết định kỷ luật rồi, mới kiến nghị xem xét.
Việc Bộ chính trị phải bỏ ra 7 ngày kiểm điểm trong tháng 3/2017, rồi quyết định khai trừ khỏi Bộ chính trị và cách chức bí thư thành ủy thành phố quan trọng số một của cả nước, ngày 8/05/2017, chỉ sau kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra đúng 11 ngày, cho thấy tất cả đã được chuẩn bị chi tiết từng bước.
Kỷ luật Đinh La Thăng đã được quyết định ngay từ tháng 3. Cả tháng ba, đã không thấy ông Thăng xuất hiện trên báo Sài Gòn và không thấy nói gì ầm ĩ nữa. Ông ra họp Bộ chính trị tại Hà Nội và ở lại ngoài ấy cho đến khi ông Nhân nhận bàn giao.
Khi nghe ngài tổng bí thư cả quyết : "bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh và dẫn độ về nước" trong buổi gặp cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 10/02, thậm chí người ta đã đoán già, non rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt rồi và "hắn" đã khai hết. Cho đến ngày công bố kỷ luật, không thấy có tin gì thêm về Trịnh Xuân Thanh, người ta lại kháo nhau, chắc Vũ Đức Thuận đã khai và cấp đủ bằng chứng, không cần Trịnh Xuân Thanh phải về !
Ủy ban kiểm tra khi công bố kiến nghị kỷ luật, thực ra đã có đủ bằng chứng kết tội Đinh La Thăng và đã được Bộ chính trị duyệt mức kỷ luật. Rút kinh nghiệm điều đã xảy ra với ông Nguyễn Tấn Dũng hồi Hội nghị trung ương 6 khóa XI, Nghị quyết 46-NQ/TW đã được sửa thành Nghị quyết 30-NQ/ TW quy định cấp quyết định kỷ luật là Bộ chính trị, Trung ương chỉ biểu quyết mức kỷ luật. Và chắc chắn mọi sự đã được giải quyết tại cuộc họp kiểm điểm của Bộ chính trị trong tháng 3, cả mức kỷ luật lẫn bản tự nhận khuyết điểm của ông Thăng. Đấy là lý do giải thích việc kỷ luật một ủy viên Bộ chính trị, bí thư đảng ủy của thành phố quan trọng nhất nước, mà êm nhẹ, "xuôi chèo mát mái", không một chút phản ứng, không một chút đấu đá nào xảy ra. Nhanh đến mức ngay dư luận lề dân cũng ngơ ngác.
Tuy vậy, ông Thăng cùng với nhiều ông lớn khác, chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Bình, ông Hoàng Trung Hải, chỉ bằng "người trần mắt thịt", người ta cũng biết mấy ông này là trùm tham nhũng, hoặc ít nhất cũng đồng loã tham nhũng, nhưng Bộ chính trị không những không nhắc gì đến sai phạm, mà tại Đại hội 12 còn bầu vào Bộ chính trị, đảm nhận những chức vụ quan trọng. Có lẽ là khi đó, trong nội bộ đảng đúng là có phe nhóm thật : phe hình thành từ các phần tử tham nhũng, gắn kết với nhau không phải vì mục tiêu lý tưởng nào cả mà chỉ để che chắn, bao bọc, chạy tội cho nhau.
Có phải ông Trọng đang thực thi âm mưu thanh trừng phe cánh không ? Đúng. Từ việc ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt, bị khai trừ đảng, ngồi nhà giam chờ ra tòa ngay sau chuyến tháp tùng tổng bí thư đi Mỹ tới Trịnh Xuân Thanh, tới Vũ Huy Hoàng, cả bầy Phạm Tiến Đức, Vũ Đức Thuận, bây giờ là Đinh La Thăng, rồi vụ cách chức Huỳnh Minh Chắc nguyên bí thư và Trần Công Chánh phó bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, đề nghị kỷ luật Nguyễn Hữu Thiện nguyên bí thư tỉnh ủy và ông Lê Hữu Lộc phó bí thư, chủ tịch tỉnh Bình Định. Sắp tới rất có thể sẽ xét tới các bí ẩn trong quá trình đại hội lần thứ X đảng bộ tỉnh Kiên Giang, từ cái quyết định đột ngột điều ông Trần Minh Thống, nguyên bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, nhận nhiệm vụ phó Ban chỉ đạo miền Tây, ngay trước giờ khai mạc Đại hội, biến ông Nguyễn Thanh Nghị đột nhiên thành ứng viên duy nhất và đắc cử bí thư. Việc này liên quan tới nguyên thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh. Tất cả đều là thân tín và phe nhóm của ông Dũng. Có cả phe nhóm lợi ích kinh tế, lẫn phe nhóm lợi ích chính trị.
Nếu đây là cuộc thanh trừng phe nhóm ông Dũng, thì cuộc thanh trừng này trùng hợp với việc thanh trừng các phần tử tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Và sẽ chưa phải là tất cả. Ông Trọng cũng đã nói : "Tuy nhiên xử lý như vừa qua mới là xử lý về mặt đảng, còn hình sự ta đang làm. Còn một loạt nhân vật đang làm theo hình sự ta đang làm chứ không phải đây là tất cả, sắp tới vẫn còn nữa".
"Còn một loạt nhân vật đang làm theo hình sự", nghĩa là còn một loạt nhân vật, có lẽ cũng quan trọng không kém, có khi còn quan trọng gấp bội, đang chờ kết luận điều tra.
Như vậy phe của ông Dũng, có thể gọi phe tham nhũng, vì những phần tử tham nhũng đều có nguồn gốc trong bộ máy dưới quyền ông Dũng, gián tiếp hay trực tiếp, nhiều hay ít đều dính lợi ích với chính ông Dũng, hay có thể nói một cách khác, là bộ máy dưới quyền của ông Dũng, những cộng tác thân tín của ông, có mối liên hệ lợi ích phi pháp với nhau và với chính ông Dũng, tức là bộ máy đó hợp lại thành một phe tham nhũng.
Ai, những ai đang bị làm hình sự, và tiếp theo ông Thăng, "sắp tới sẽ còn nữa" là những ai ?
Ông Võ Văn Cự đã bị cách hết tất cả các chức liên quan tới dự án Formosa thì không còn nghi ngờ gì nữa, nhân vật kế tiếp sẽ phải là nguyên phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, đương nhiệm bí thư thành ủy Hà Nội. Sau ông Hải, là nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trầm Bê đã bị rút ra khỏi ban quản trị ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank, các cuộc điều tra hình sự dính tới việc thâu tóm Sacombank, sớm hay muộn cũng sẽ được làm sáng tỏ, và nhân vật được chỉ định khởi tố không ai khác là Trầm Bê, người đỡ đầu của ông này là Nguyễn Văn Bình và phía sau Nguyễn Văn Bình là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu cách đây một tháng người ta còn thắc mắc không biết ông Trọng có đủ can đảm để đi đến cùng đường, nghĩa là "làm" hết cái "loạt nhân vật" kia không, bây giờ nghe chính miệng ông nói, thì số phận ông Dũng chắc đã được định đoạt. Ông Thăng đã xin lỗi đảng và nguyện "đem hết sức mình phục vụ nhân dân", nghĩa là ông đã không còn là người cùng phe ông Dũng nữa, và ông sẽ chẳng buộc phải trung thành với phe tham nhũng của ông Dũng. Ông Trọng cũng đã mớm lời : "đánh người đi, ai đánh người quay lại", nếu sám hối, thành khẩn khai ra hết, lập công chuộc tội, có thể ông Thăng thoát được án ngồi tù. Nếu vậy, thì chắc chắn, tội của ông Dũng đã đủ bằng cớ, chẳng cần đợi bắt được Trịnh Xuân Thanh.
Tất cả những hành động này của ông Trọng nằm trong âm mưu trả mối hận "hội nghị trung ương 6"nhưng núp dưới danh nghĩa chống tham nhũng, làm trong sạch đảng ? Quy kết như vậy chắc chắn không sai. Không thể nói ông Trọng vô tư trong việc làm này. Nói như vậy là thiếu trung thực. Một công đôi việc. Nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng nghiệp vụ điều tra có quy luật tự thân. Nó chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan ở quyết định khởi thủy. Khi đã bắt đầu, các liên kết chi tiết đòi hỏi được giải thích, ép buộc nhau đi đến tận cùng. Ngăn cản vào lúc này, có thể khó hơn để mặc nó đi tiếp đến kết thúc.
Hội nghị trung ương 6 có trọng tâm là việc sắp xếp lại tổ chức. Tất cả những nhân vật cần tẩy rửa sẽ phải được nhận diện hết. Từ nay cho đến trước ngày khai mạc hội nghị dự kiến cuối năm, 12 đại án ngân hàng sẽ phải kết thúc, 8 đoàn thanh kiểm tra mà tổng bí thư mới ký quyết định sẽ thực hành kiểm tra 20 tỉnh ủy có tố cáo tham nhũng và vi phạm kỷ luật đảng và quy chế bổ nhiệm cán bộ, trong đó có Lai châu, Thanh Hóa và cả Đà Nẵng.
Nếu làm tới cùng, Hội nghị trung ương 6 sẽ có thể thay đổi đến 1/3 nhân sự trung ương. Trong khi ông Bình còn chưa bị đụng tới, thì cả trưởng và phó Ban kinh tế trung ương đều là những chuyên gia "thụt két" ngân quỹ, nhưng lại chẳng có gì đặc sắc về lý thuyết kinh tế, nhất là kinh tế thị trường đích thực. Ban này có thể bị giải thể, hoặc biến ra một ban khác, nếu ông Thăng bị khởi tố, ông Bình bị khai trừ khỏi bộ chính trị.
Nhất thể hóa có thể đưa về vườn ít nhất 1/3 bí thư tỉnh ủy, có thể chính các đương kim chủ tịch kiêm nhiệm chức bí thư. Nếu ông Hải mất chức ủy viên bộ chính trị, chưa rõ với thủ đô, bộ chính trị có dám làm nhất thể không, trong khi ông Nguyễn Đức Chung còn chưa đủ độ chín.
Phải bầu bổ sung 3 ủy viên bộ chính trị, chỉ định bí thư Hà Nội, có thể bầu thêm 20 ủy viên trung ương. Đó là những khả năng khiến có người gọi trung ương 6 là "Đại hội XII lần hai", mặc dù rất ít khả năng ông Trọng chịu rút về giữa nhiệm kỳ, do một nhu cầu có thật, là chưa có khuôn mặt nào đủ sức và đủ gan thay ông Trọng đứng mũi chịu sào trước những cơn bão táp sắp tới.
Nếu có một âm mưu bắt đầu bằng vụ kỷ luật ông Thăng, thì đó là âm mưu thay máu hoàn toàn đảng cộng sản.
Với những gì đang đến, chỉ cần dấn thêm một bước, có thể biến đảng cộng sản thành một đảng chính trị tiến bộ, thượng tôn dân chủ đích thực, khởi đầu bằng cách trả quyền lập pháp tối cao cho Quốc hội xây dựng và phê chuẩn một hiến pháp mới, đảm bảo cơ chế luân phiên cầm quyền hòa bình và cạnh tranh đa nguyên. Dân tộc Việt Nam vĩnh viễn thoát khỏi ách cai trị độc đảng.
Trong hoàn cảnh hiện nay, người có thể làm được việc thay máu đó, duy nhất chỉ có ông Trọng. Nhưng ông Trọng lại là người duy nhất không nhìn thấy điều đó. Bởi vì vậy, lịch sử không chọn ông mà quyết định đào thải ông. Con người lạc hậu như ông không thể đi tiếp và đồng hành với dân tộc.
Chính vì vậy mà những ý kiến khẳng định có âm mưu trong vụ kỷ luật ông Thăng là những ý kiến không có cơ sở thuyết phục. Ông Trọng không hề có ý định dùng kỷ luật ông Thăng để bắt đầu một cuộc cách mạng Dân chủ !
Paris, 15/05/2017
Bùi Quang Vơm