Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Chuyện xá lợi tóc Phật tự chuyển động chưa bao giờ xảy ra ở Myanmar !"

RFA, 10/01/2024

Chuyện xá lợi tóc Phật tự chuyển động chưa bao giờ xảy ra ở Myanmar vì nếu có chuyện này xảy ra thì sẽ trở nên nổi tiếng và được truyền thông nước này đưa tin, các nhà báo thuộc Ban tiếng Burmese (Myanmar) của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tìm hiểu và khẳng định.

xaloi1

Đại đức Thích Trúc Thái Minh vừa bị Giáo hội kỷ luật vì tổ chức trưng bày "xá-lợi tóc Đức Phật" - Báo Giác Ngộ/Internet

"Xá lợi tóc Phật" tự chuyển động ở chùa Ba Vàng trở thành tin nóng trong những ngày cuối cùng của năm 2023. Trong năm ngày từ ngày 23/12 đến ngày 27/12, ngôi chùa bề thế ở tỉnh Quảng Ninh đã cho trưng bày vật thể được cho là xá lợi tóc Phật mà chùa này mượn được từ Myanmar, nhân dịp lễ kỷ niệm 765 năm ngày sinh của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Phóng viên Ban tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã nhờ các đồng nghiệp kiểm chứng các thông tin mà chùa Ba Vàng cung cấp trên các phương tiện truyền thông xã hội, và nhận được email trả lời khẳng định :

"Không có hiện tượng (xá lợi tóc Phật tự chuyển động - PV) như vậy ở Myanmar. Nếu đúng như vậy, nó có thể đã lan truyền rộng rãi giữa các tín đồ Phật giáo trung thành của Myanmar".

Một tu sĩ Phật giáo, thành viên của Hội đồng Tăng già Phật giáo tối cao của Myanmar, người đã nói chuyện với RFA với điều kiện giấu tên vì lý do an ninh khi bình luận về các vấn đề tôn giáo nhạy cảm, nói rằng : "Bất kỳ xá lợi nào xuất hiện đều là do quá tin tưởng vào một điều gì đó vô lý. Mọi người nên sử dụng lý luận của riêng mình để nhận định việc đó có thực hay không".

Truyền thuyết Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo trao tám sợi tóc của mình cho hai thương gia người Myanmar được hầu hết các Phật tử sùng đạo ở Myanmar tin tưởng và lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Tuy nhiên, các nhà sử học hàng đầu của Myanmar cho biết không có bằng chứng lịch sử và khảo cổ nào chứng minh cho truyền thuyết này.

Phóng viên RFA Ban tiếng Burmese đã tìm cách liên lạc với Bộ Tôn giáo của chính quyền quân sự Myanmar để hỏi về vấn đề này nhưng người phát ngôn từ chối bình luận.

Về tu viện/chùa Parami và Bảo tàng quốc tế xá lợi Phật Parami mà đại đức Thích Thái Minh và chùa Ba Vàng khẳng định đã mượn xá lợi tóc Phật từ đây về để trưng bày cuối tháng trước, đồng nghiệp Myanmar cho biết Tu viện Parami cùng với Bảo tàng Xá lợi Phật nằm ở South Okkalapa, Yangon, và người dân nơi đây gọi là Tu viện Bảo tàng xá lợi.

Nơi đây có nhiều du khách phần lớn là du khách nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, và Sri Lanka. Vị sư trụ trì trước đây đã qua đời trong dịch Covid-19, ông được nhiều du khách quốc tế biết đến hơn. Dưới thời của người kế nhiệm, cơ sở này đón ít khách đến viếng thăm hơn.

Phóng viên không thể kết nối được với phát ngôn nhân hoặc người có trách nhiệm của cơ sở tôn giáo này.

Mặc dù câu chuyện "xá lợi tóc Phật tự chuyển động" rầm rộ ở chùa Ba Vàng và trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam, tuy nhiên phía truyền thông Myanmar không hề đưa tin tức gì về chuyện quốc gia này cho phía Việt Nam mượn "quốc bảo" về trưng bày. 

Sau khi vướng nhiều chỉ trích trên mạng xã hội, cơ sở tôn giáo này cho biết đã đưa "xá lợi tóc Phật" trở về cố quốc vào ngày 27/12, tuy nhiên, khi rước rầm rộ bao nhiêu thì khi hồi hương lại lẳng lặng bấy nhiêu.

Báo Giác Ngộ online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa tin vào chiều ngày 04/1 vừa qua, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc đã có phiên họp tại trụ sở thảo luận một số nội dung, trong đó có việc xem xét kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh về vụ trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật".

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhận lỗi trước Giáo hội, tăng ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang.

Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội chấp nhận lời sám hối của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời yêu cầu vị này và chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm.

Nguồn : RFA, 10/01/2024

*************************

Thanh tra Chính phủ : Trụ trì Chùa Ba vàng vi phạm luật Tín ngưỡng- Tôn giáo

RFA, 10/01/2024

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, người nói được các Sư Myanmar cho mượn xá lợi tóc Phật đem về Chùa Ba Vàng cho tín đồ chiêm bái và cúng dường, bị Thanh Tra Chính phủ Việt Nam kết luận vi phạm Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo.

xaloi2

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng - Chùa Ba Vàng

Truyền thông Nhà nước ngày 10/1 dẫn kết luận của Thanh tra chính phủ do Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Nguyễn Thị Định, đưa ra trong trả lời cho Trung tâm Thông tin & Truyền thông của Ban Tôn giáo Chính phủ về vụ việc gây xôn xao dư luận như vừa nêu.

Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Nguyễn Thị Định nêu rõ các hoạt động tại Chùa Ba Vàng trong thời gian cuối tháng 12/2023 với sự tham gia của nhiều nhà sư và Phật tử người nước ngoài, không có văn bản xin phép gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh để được chấp nhận là không theo đúng quy định của Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo.

Ngoài ra theo Điều 50 của Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo quy định "tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng - tôn giáo ở Trung ương", bản thân Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng đã vi phạm.

Ông này trong năm 2023 nhiều lần xuất cảnh nhưng chỉ một lần tham gia đoàn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là có xin phép cấp thẩm quyền.

Nguồn : RFA, 10/01/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Cái sảy đang nảy cái ung với nhà sư Thích Trúc Thái Minh

Huyền Linh, VNTB, 06/01/2024

Nếu ông sư Thích Trúc Thái Minh phải bị kỷ luật ‘sám hối’ vụ tổ chức trưng bày "xá lợi tóc Phật’, có nghĩa đây là hành vi làm hàng giả bị phát hiện ; hoặc ‘trái pháp luật’ về trưng bày triển lãm…

bavang1

Chỉ trong vòng 4 năm mà ông sư Thích Trúc Thái Minh ‘vướng tục lụy’ đến 2 vụ đều mang dấu hiệu của hành vi tuyên truyền gây ảnh hưởng đến trật tự – trị an xã hội

Trong 4 năm có 2 lần bị kỷ luật

Dù là hành vi nào thì ông sư Thích Trúc Thái Minh cũng phải ‘bình đẳng’ trong việc phải nhận lãnh trách nhiệm về pháp luật, không thể chỉ dừng ở mỗi chuyện ‘sám hối’ theo nghi thức Phật giáo. Bởi có hay không sự lừa dối để trục lợi ? Và những người bị thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần sẽ phải được trả lại công bằng như thế nào ?

Cá nhân người viết cho rằng với chuyện chỉ trong vòng 4 năm mà ông sư Thích Trúc Thái Minh ‘vướng tục lụy’ đến 2 vụ đều mang dấu hiệu của hành vi tuyên truyền gây ảnh hưởng đến trật tự – trị an xã hội là "oan gia trái chủ – cúng giả vong" vào năm 2019, và "xá lợi tóc Phật" cuối năm 2023, cho thấy cần thiết xem lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm đại đức Thích Trúc Thái Minh làm trụ trì chùa Ba Vàng.

Hai lần bị kỷ luật trong bốn năm liền nhau là một bất thường, vì tu là sửa mình. Liệu đây có bàn tay đạo diễn của ông chủ thật sự phía sau dự án tâm linh chùa Ba Vàng, mà nói theo cách của tác giả bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, đó là lợi ích của nền kinh tế ngầm ?

Ngành kinh doanh bất động sản chùa chiền ?

Nhắc lại chuyện cũ dáng dấp liên quan đến thời gian ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 26/5/2016, công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng dự án khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm – Quảng Nam rất hoàng tráng tại lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh (thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 200 ha nằm trong đất rừng phòng hộ với tổng kinh phí đầu tư 1.000 tỷ đồng chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư trên diện tích 67 ha, kinh phí đầu tư 500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công.

Tham dự lễ khởi công khi đó, có nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, bộ ngành, quan khách đến tham dự. Trong buổi lễ, nhiều nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân đã ủng hộ hàng tỷ đồng, cùng nhiều hiện vật có giá trị góp phần xây dựng chùa. Trong đó, nhiều nhà hảo tâm trao tận tay hàng trăm triệu đồng tiền mặt, có người trao bảng tượng trưng số tiền 1 tỷ đồng cho đại diện nhà đầu tư. Và người trực tiếp đứng ra nhận số tiền và hiện vật trên là đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng Quảng Ninh hiện nay. Nhưng sau đó, chủ đầu tư bất ngờ dừng xây dựng dự án.

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo số 117/BC-UBND do ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình triển khai dự án khu du lịch thiền Trúc Lâm – Quảng Nam. Theo nội dung báo cáo, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư gặp một số khó khăn vướng mắc (về thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai dự án, nguồn vốn thực hiện…). Trong đó, khó khăn lớn nhất là không đảm bảo năng lực tài chính nên chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh không tiếp tục triển khai, ngừng thực hiện dự án.

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam và đại đức Thích Trúc Thái Minh đều mang họ Vũ, tên đệm là Minh. Ngoài ra, 2 người này còn có chung địa chỉ trong hộ khẩu quê là xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

"Sư Thích Trúc Thái Minh tức ông Vũ Minh Hiếu có một người anh trai tên là Vũ Minh Đức, người đàn ông này hiện vẫn thường trú ở địa phương", Chủ tịch UBND xã Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) xác nhận với báo chí về nghi vấn nhân vật có tên Vũ Minh Đức được đăng ký là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam.

Nền kinh tế ngầm mang tên "chùa Ba Vàng" ?

Khi xảy ra vụ "thỉnh vong báo oán", tìm hiểu về lai lịch chùa Ba Vàng, giới báo chí được UBND thành phố Uông Bí cung cấp một loạt văn bản liên quan tới việc chùa Ba Vàng ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng với 3 hộ dân với tổng diện tích chuyển nhượng là 11,8 ha. Tuy vậy, sau đó chùa Ba Vàng đã dừng việc ký hợp đồng này.

Cũng trong các năm 2017/2018, UBND Thành phố Uông Bí có hàng loạt văn bản liên quan tới việc xử lý tình trạng chùa Ba Vàng đắp, gia cố nhiều con đập, ngăn dòng chảy để nước suối đổ về chùa. Qua kiểm tra, chùa Ba Vàng cung cấp 1 hợp đồng với 1 hộ dân chuyển nhượng cho chùa với tổng diện tích 14,3 ha rừng.

Liên quan tới vấn đề này UBND Thành phố Uông Bí đã ban hành Văn bản ngày 4/6/2018 "về việc kiểm điểm trong công tác quản lý rừng, đất rừng và san gạt, đắp đập chứa nước tại khu vực thượng nguồn suối Lựng Xanh". Theo đó, hàng loạt cơ quan như : UBND xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Uông Bí, Hạt Kiểm lâm Uông Bí… bị kiểm điểm vì để chùa Ba Vàng tự ý san, gạt làm đường, đắp đập chứa nước trên khu vực thượng nguồn suối Lựng Xanh và nhận chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp.

Từ đó tới nay, việc xử lý dường như chỉ trên giấy tờ. Thực tế, hình ảnh từ vệ tinh năm 2006 cho thấy, chùa Ba Vàng chỉ là một chấm xanh khiêm nhường giữa núi rừng bạt ngàn của thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Nhưng đến nay, nơi đây đã biến thành một ngôi chùa nguy nga, rộng hàng chục nghìn mét vuông.

Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm bị ngờ vực là ông chủ của dự án tâm linh chùa Ba Vàng Quảng Ninh, khi đây cũng chính là doanh nghiệp đang khai thác nhiều hạng mục ở quần thể di tích Yên Tử.

Nói cho đầy đủ, ‘song hành’ cùng đại đức Thích Trúc Thái Minh là bà Phạm Thị Yến – ‘người phụ nữ quyền lực’ của chùa Ba Vàng. Bà Yến sinh năm 1970, vốn cư trú tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long.

Dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng nhưng sức ảnh hưởng của bà Yến tới nhà chùa rất lớn. Bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa. Bà Yến từng làm nghề may ở chợ Hạ Long 1. Bà kết hôn và có 2 con trai. Sau một thời gian dài ly thân, năm 2017, người phụ nữ này đã hoàn tất thủ tục ly hôn với chồng. Từ đó, bà ở hẳn trên chùa Ba Vàng…

Huyền Linh

Nguồn : VNTB, 06/01/2024

****************************

Bộ Nội vụ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ chùa Ba Vàng, tránh để tiền lệ

RFA, 05/01/2024

Bộ Nội vụ có các cuộc họp với các cơ quan chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xử lý vụ việc chùa Ba Vàng trưng bày "xá lợi tóc Phật" tự chuyển động gây xôn xao dư luận.

bavang2

Người dân chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh - Chùa Ba Vàng

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ghi nhận và thống nhất với các ý kiến phát biểu tại cuộc họp về việc cần phải xem xét để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hoạt động của chùa Ba Vàng bị cho là đã vi phạm Điều 43, Điều 48, Điều 50 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xuất nhập cảnh, hoạt động triển lãm, quy định của Nhà nước về tập trung đông người ở nơi công cộng.

Theo báo điện tử Vietnamnet, thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan có liên quan phối hợp trao đổi thông tin, căn cứ theo quy định pháp luật và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thống nhất quan điểm cần xử lý sớm, dứt điểm, không để tạo tiền lệ, không để ảnh hưởng tới chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn sự ổn định xã hội.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, cần xem xét những hoạt động thời gian qua của chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh, không để ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Thắng cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường công tác quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành ; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh hoạt động trong toàn Giáo hội, đảm bảo đúng chính pháp của Đức Phật, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.

Hôm 4/1, Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng đã nhận lỗi trước Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang. Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và được chấp nhận.

Nguồn : RFA, 05/01/2024

*************************

Bộ Ngoại giao xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc của Đức Phật" ở chùa Ba Vàng

RFA, 05/01/2024

Hơn hai tuần sau khi chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh trưng bày "xá lợi tóc của Đức Phật" gây nhiều tranh cãi, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 4/1 cho biết Bộ này đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar để xác định nguồn gốc hiện vật của sợi tóc này. Truyền thông Nhà nước cho biết đại diện Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao) cho biết thông tin nêu trên tại cuộc họp ngày 4/1.

bavang3

Xá lợi tóc của Đức Phật trưng bày tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng

Từ ngày 23 đến 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày và chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" thu hút hàng vạn Phật tử đến chiêm bái. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối hành động này, bày tỏ nghi ngờ về cái gọi là sợi tóc Đức Phật có từ hàng nghìn năm và cho rằng chùa Ba Vàng đã thu hàng chục tỷ đồng trong vụ này.

Theo thông tin từ họp báo, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẽ xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được cho là do trụ trì tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam cũng sẽ xác minh thông tin về công tác quản lý nhà nước và Phật giáo Myanmar đối với "xá lợi tóc Đức Phật".

Theo thông tin từ trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh - vào tháng 12/2023, đoàn chư tăng của chùa Ba Vàng đã đến chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami. Sau đó, phía chùa Ba Vàng đã mời trụ trì chùa Parami cùng các cao tăng Myanmar tham dự Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và đưa "xá lợi tóc" về Việt Nam.

Tuy nhiên, dư luận xã hội nhiều ngày qua bày tỏ nghi ngờ về nguồn gốc của sợi tóc và cho rằng đây là cỏ Pili làm giả sợi tóc.

Hôm 4/1 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh vì việc trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật". Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và được chấp nhận.

Nguồn : RFA, 05/01/2024

Additional Info

  • Author Huyền Linh, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

V "xá-li tóc Pht" chùa Ba Vàng : Đi đc Thích Trúc Thái Minh sám hi, b k lut

Hoàng Độ, Giác Ngộ, 04/01/2024

Chiều ngày 4/1/2024, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc đã có phiên họp tại trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Quán Sứ, Hà Nội), thảo luận một số nội dung, trong đó có việc xem xét kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh), về vụ việc trưng bày "xá-lợi tóc Đức Phật".

xaloi1

Đại đức Thích Trúc Thái Minh vừa bị Giáo hội họp áp dụng kỷ luật vì trực tiếp liên quan việc tổ chức trưng bày vật thể được cho là "xá-lợi tóc Đức Phật" cung thỉnh từ Myanmar về chùa Ba Vàng - Ảnh : Internet

Trước đó, từ ngày 23 đến 27/12/2023 (tức ngày 11 đến 15/11 Quý Mão), chùa Ba Vàng tổ chức lễ rước ; cung cấp, sản xuất thông tin tạo sự hiếu kỳ, liên quan một vật thể được cho là "xá-lợi tóc Đức Phật", thỉnh từ Myanmar về chùa Ba Vàng trưng bày.

xaloi2

Phiên họp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc, diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4/1/2024

Sự việc đã bị dư luận lên tiếng, nghi ngờ về nguồn gốc và tính chân thực của vật thể được chùa Ba Vàng gọi là "xá-lợi tóc Đức Phật", "bảo vật quốc gia thiêng liêng" của Myanmar.

xaloi3

Thượng tọa Thích Đức Thiện báo cáo tại phiên họp

Buổi họp do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự trung ương chủ trì ; tham dự có chư vị Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dư luận hết sức xôn xao, liên tục trong nhiều ngày qua, không chỉ trên mạng xã hội mà một số cơ quan báo chí chính thống cũng đã quan tâm phản ánh.

Sau khi xem xét, căn cứ các thông tin, báo cáo, dư luận xã hội và tác hại của vụ việc, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã họp, thống nhất biện pháp kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

xaloi4

Đại đức Thích Trúc Thái Minh đối trước chư tôn đức trong phiên họp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc chiều 4/1/2024 nhận lỗi - Ảnh : VPI Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cấp

Thông tin với Báo Giác Ngộ sau cuộc họp, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhận lỗi trước Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang.

Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

xaloi5

Trụ trì chùa Ba Vàng thành khẩn sám hối trước chư vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ảnh : Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung cấp

Liên quan biện pháp kỷ luật, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết Giáo hội chấp nhận lời sám hối của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm.

"Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng đúng quy định của Giáo hội và pháp luật", Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm.

xaloi6

Vật thể trưng bày tại chùa Ba Vàng được cho là "xá-lợi tóc Đức Phật" 2.600 năm thỉnh từ Myanmar gây xôn xao dư luận trong thời gian qua - Ảnh : Internet

Cùng diễn biến, ngày 28/12/2023, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ấn ký Văn bản số 895/HĐTS-VP1 yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng gửi gấp báo cáo giải trình về nguồn gốc "xá-lợi tóc Đức Phật" và việc tổ chức sự kiện này; đồng thời, gỡ bỏ ngay tất cả các giới thiệu về "xá-lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng" trên các trang thông tin của chùa và của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, cũng như các trang mạng xã hội có liên hệ đến sự việc trên.

Hoàng Độ

Nguồn : Báo Giác Ngộ, 04/01/2024

*************************

Xá lợi tóc : cần làm rõ thực hư cho đến cùng

Ngọc Linh Lan, VNTB, 02/01/2024

Nếu xá lợi tóc là trò lừa bịp có tính huyền hoặc thì cơ quan chức năng nên làm rõ, xử lý kẻ thực hiện hành vi mang tính mê tín dị đoan.

xaloi7

Bài đăng này đã bị xóa bỏ khỏi Shopee.

Tính đến tối ngày 1/1/2024, trang web của chùa Ba Vàng vẫn khẳng định "Xá lợi tóc Đức Phật" mà chùa này đã trưng bày là có thật : "Xá lợi tóc của Đức Phật tại tu viện Parami chỉ được chiêm bái tại chỗ, đây là lần đầu tiên, Xá lợi tóc của Đức Phật được cung rước ra nước ngoài" – trích văn bản số 85/BC-CBV, trụ trì chùa Ba Vàng ký phát hành.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh đưa ra bốn yêu cầu ở văn bản số 85/BC-CBV :

"1) Xá lợi của Đức Phật là biểu tượng tôn giáo cao quý và thiêng liêng của đạo Phật. Việc tôn kính Xá lợi của Đức Phật là lễ nghi và niềm tin tôn giáo của đạo Phật. Trong Nhà nước pháp quyền, biểu tượng, lễ nghi và niềm tin tôn giáo đó cần được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ.

2) Việc làm giả, buôn bán Xá lợi giả của Đức Phật ở Việt Nam cần bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

3) Việc đưa tin chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm Xá lợi giả để lừa đảo Nhân dân, Phật tử là hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của chùa Ba Vàng. 

4) Việc đưa tin chư Tăng Myanmar cung rước Xá lợi giả đến chùa Ba Vàng cho Nhân dân, Phật tử Việt Nam chiêm bái là hành vi gây tổn thương đến biểu tượng, lễ nghi và niềm tin tôn giáo của chư Tăng, Phật tử Myanmar, gây tổn thương đến tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp của chư Tăng, Phật tử Myanmar đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam".

Với yêu cầu cụ thể như trên từ phía trụ trì chùa Ba Vàng gửi đến bốn địa chỉ cụ thể là Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh – Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí.

Để có thể làm rõ theo nội dung trên, về nguyên tắc cần một tuyên bố thực hư từ một cấp tòa thích hợp. Bởi theo nội dung tạng kinh cuối cùng mà Phật thuyết giảng, để lại cho chúng sinh, hậu thế là Kinh Niết Bàn, quyển cuối cùng của bộ kinh ấy được thị giả mô tả rất rõ về cảnh hỏa táng xác thân của Phật, sau đó quốc vương 08 nước thuộc Ấn Độ cổ đại kéo quân sang yêu cầu chia xá lợi (tro cốt) Phật để mang về nước xây bảo tháp thờ tự.

Theo khoa học, khi hỏa táng thì thịt, da, gân cốt… và cả tóc sẽ cháy hết, chỉ còn tro, xương. Như vậy, xá lợi tóc Phật mà hậu thế may mắn thu được là khi nào ? Chắc chắn là không phải thu được sau khi hỏa táng xác thân của Đức Phật.

Một vấn đề nữa là với trình độ khoa công nghệ của loài người hiện thời, thì việc tạo ra một vật có chíp điều khiển nhỏ như sợi tóc không phải là không có khả năng.

Nếu đúng xá lợi tóc ấy là trò lừa bịp có tính huyền hoặc thì cơ quan chức năng nên làm rõ xử lý kẻ thực hiện hành vi mang tính mê tín dị đoan để ngăn chặn hành vi nhiễu loạn lòng người trong tương lai.

Có ý kiến : Thái tử Tất Đạt Đa rũ bỏ hồng trần, trao hết mọi áo mũ, đồ vật cho người hầu mang về hoàng cung, thì thái tử chỉ là người thực hiện việc tu tập như bao người khác theo lối tu khổ hạnh.

Như vậy, lúc đó mớ tóc ấy chưa được xem là báu vật. Khi Phật đắc đạo dưới cội bồ đề rồi đi thuyết giảng khắp nơi về bát chánh đạo, nhân quả, luân hồi và tứ diệu đế thì tóc hay đồ vậy mà Đức Phật dùng cũng chưa được nâng lên thành báu vật.

Khi Đức Phật viên tịch rồi, hậu thế mới sưu tầm đồ vật, xiêm y, tro cốt (xá lợi) để xây bảo tháp thờ tự. Liệu trong ngần ấy năm từ khi Đức Phật rũ bỏ hồng trần đến khi Phật nhập Niết bàn, số tóc ấy vẫn còn gìn giữ trong hoàng cung nước Ca Tì La Vệ ?

Ngọc Linh Lan

Nguồn : VNTB, 02/01/2024

*************************

Sử dụng Chùa Ba Vàng để bôi nhọ, chủ trương lớn của chính quyền ?

Trà My, Thoibao.de, 02/01/2024

Ở Việt Nam hiện nay, Hồ Chí Minh không chỉ được xem là một nhân vật lịch sử thuần túy, mà đang được Đảng cộng sản Việt Nam cùng chính quyền của họ thần thánh hoá. Đảng muốn đưa hình ảnh ông Hồ, hiện diện trong không gian tâm linh của tất cả các đền, chùa cũng như mọi gia đình.

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cùng chư Tăng dâng hoa cúng dường Xá Lợi Phật

Vụ thỉnh xá lợi tóc Phật từ Myanmar về chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) : Chưa khi nào Phật bị giễu cợt, bỉ bôi, mất danh giá trong dư luận xã hội như lần này.

Chùa Ba Vàng – một nơi đang lạm dụng mê tín, cố ý làm ô uế Phật pháp, đã bị cảnh báo thường xuyên trên các trang mạng xã hội nhiều năm qua. Dư luận cho rằng, đó là một chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam.

Facebook Nguyen Le Anh trong một status với tiêu đề "Nham hiểm", đã cảnh báo rằng :

"Sự kiện mang cỏ pili ra để tuyên truyền nhảm nhí về niềm tin vào Phật giáo, cho thấy, bản chất của Phật giáo [chỉ] là lừa đảo. Công nghệ lừa đảo của Phật giáo rất tinh vi và cà chớn. Tuy nhiên, Phật giáo khó mà thoát khỏi lưới pháp luật".

Trong khi, sư Thích Trúc Thái Minh mô tả :

"Xá lợi tóc chính là 8 sợi tóc mà Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã tự tay nhổ trên đầu mình, đưa cho hai người đệ tử tại gia đầu tiên, được gìn giữ và phụng thờ hơn 2.600 năm qua ở Miến Điện…".

Được biết, liên quan đến vụ việc này, báo Thanh Niên ngày 27/12/2023 đã đưa tin "Hàng vạn người chiêm bái xá lợi tóc Đức Phật tại chùa Ba Vàng".

Bản tin cho biết : "Xá lợi tóc của Đức Phật có khả năng chuyển động như một vật thể sống. Xá lợi tóc với hình dạng giống một sợi tóc bình thường, nhưng lại uyển chuyển qua trái, qua phải, quay tròn, cong lên rồi cụp xuống mà không hề có một sự tác động nào. Thậm chí, khi gặp vật cản, sợi tóc còn có thể tự bật ra ngoài…".

Nhưng ngay sau đó, trên mạng xã hội, nhiều người đã phát hiện ra, cọng "xá lợi lông" mà sư Thích Trúc Thái Minh quảng bá, chỉ là sản phẩm tương tự của cái gọi là "xá lợi tóc" đang rao bán trên eBay, với giá 48 USD.

Trang Facebook Dân Luận bình luận :

"Chỉ với 500.000 đồng (20,5 USD) là Thích Trúc Thái Minh có thể sở hữu "một sợi tóc tự chuyển động của Phật" trên Shopee, rồi đưa về chùa Ba Vàng cho đàn đàn lũ lũ con nhang, đệ tử chiêm bái thu tiền. Chỉ riêng tiền bán hoa, bán nhang thôi, là Thái Minh kiếm bộn từ lũ vô minh rồi".

Tuy vậy, ngay sau đó, trong bản giải trình gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo, vào đêm 30/12, sư Thích Thái Minh viết :

"Việc cho rằng, chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm xá lợi giả để lừa đảo, là hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của nhà chùa".

Được biết, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có hành động được cho là "bật đèn xanh", để giải vây giúp Thích Trúc Thái Minh. Theo báo ZNews hôm 30/12/2023, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo thẩm định nguồn gốc của "xá lợi tóc Đức Phật" được trưng bày tại chùa Ba Vàng, và có thông tin chính thức về sự việc.

Nhưng hành động này được đánh giá là chỉ mang tính "vuốt đuôi".

xaloi9

Tóc Phật giả Sarira Pratath Kesa được rao bán trên eBay với giá 52,34 €

Công luận hết sức bức xúc và đặt câu hỏi, tại sao, vào tháng 7/2019, sau vụ bê bối tổ chức các hoạt động "giải vong báo oán", "oan gia trái chủ" hay "giải nghiệp" tại chùa Ba Vàng, sư Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo, và bị kỷ luật bằng hình thức sám hối. Vậy, vì sao nhà sư này vẫn được "ưu ái" làm trụ trì chùa Ba Vàng, nếu không phải là theo sự "phân công của tổ chức" ?

Nhà báo Nguyễn Thông có một status bình luận về vụ việc này trên trang Facebook cá nhân, với tiêu đề "Thời mạt pháp, hay là xuống dốc không phanh".

Nguyễn Thông nhận xét rằng, vụ "xá lị" ở chùa Ba Vàng có rất nhiều chuyện cần nói, và có một số điều phải nói thẳng ra thế này :

"Kẻ diễn trò (đám sư hư chùa Ba Vàng) coi xã hội có pháp luật như chốn không người. Đem vào, đem ra, công khai và bí mật, lý do lý trấu, giống như ngồi xổm trên pháp luật, không ai làm gì được nó. Nếu cho rằng xứ này có tự do tôn giáo, thì đây là biểu hiện cụ thể, chỉ có điều tự do làm sự nhố nhăng.

Trong vụ "xá lị Ba Vàng", đáng lên án nhất là chúng nó lôi Phật ra làm trò. Chưa khi nào Phật bị giễu cợt, bỉ bôi, mất danh giá trong dư luận xã hội như lần này. Đau nhất, sự hạ bệ ấy lại do chính những kẻ mượn màu Phật, núp bóng cửa thiền thực hiện.

Cần kỷ luật thật nghiêm khắc Ban Tôn giáo Chính phủ. Họ đã là đồ bị thịt, không làm gì suốt thời gian trò nhố nhăng diễn ra, cho tới khi giật mình hoảng hốt, sau đó lại còn đổ cho trách nhiệm cho địa phương. Vậy các ông bà lĩnh lương ngồi đó để làm gì ?".

Kiến trúc sư Dương Quốc Chính đưa ra một nhận xét đáng chú ý, khi cho rằng :

"Trong khi đó thì shark Minh khá tự tin, cho rằng mình đã thỉnh được xá lợi tóc xịn, và tố cáo hành vi vu khống những ai cho rằng shark dùng cỏ Pili để fake xá lợi tóc !"

Điều đó cho thấy, có chủ trương sử dụng chùa Ba Vàng của sư Thích Trúc Thái Minh để tuyên truyền sự nhảm nhí về Phật giáo, qua đó, để người dân thấy Phật giáo là lừa đảo, khiến dân mất niềm tin. Đây có thể là một chủ trương xuyên suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ. Sư Thích Trúc Thái Minh chỉ là một con tốt trong bàn cờ nhằm hạ bệ các tôn giáo khác xuống, để đưa cái gọi là "đạo Bác Hồ" lên vị trí thống soái.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 02/01/2024

Additional Info

  • Author Hoàng Độ, Trà My
Published in Diễn đàn