Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2024

Sự cố "xá lợi tóc Phật" dởm, Thích Trúc Thái Minh vẫn an nhiên tự tại

Huyền Linh- RFA tiếng Việt

Cái sảy đang nảy cái ung với nhà sư Thích Trúc Thái Minh

Huyền Linh, VNTB, 06/01/2024

Nếu ông sư Thích Trúc Thái Minh phải bị kỷ luật ‘sám hối’ vụ tổ chức trưng bày "xá lợi tóc Phật’, có nghĩa đây là hành vi làm hàng giả bị phát hiện ; hoặc ‘trái pháp luật’ về trưng bày triển lãm…

bavang1

Chỉ trong vòng 4 năm mà ông sư Thích Trúc Thái Minh ‘vướng tục lụy’ đến 2 vụ đều mang dấu hiệu của hành vi tuyên truyền gây ảnh hưởng đến trật tự – trị an xã hội

Trong 4 năm có 2 lần bị kỷ luật

Dù là hành vi nào thì ông sư Thích Trúc Thái Minh cũng phải ‘bình đẳng’ trong việc phải nhận lãnh trách nhiệm về pháp luật, không thể chỉ dừng ở mỗi chuyện ‘sám hối’ theo nghi thức Phật giáo. Bởi có hay không sự lừa dối để trục lợi ? Và những người bị thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần sẽ phải được trả lại công bằng như thế nào ?

Cá nhân người viết cho rằng với chuyện chỉ trong vòng 4 năm mà ông sư Thích Trúc Thái Minh ‘vướng tục lụy’ đến 2 vụ đều mang dấu hiệu của hành vi tuyên truyền gây ảnh hưởng đến trật tự – trị an xã hội là "oan gia trái chủ – cúng giả vong" vào năm 2019, và "xá lợi tóc Phật" cuối năm 2023, cho thấy cần thiết xem lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm đại đức Thích Trúc Thái Minh làm trụ trì chùa Ba Vàng.

Hai lần bị kỷ luật trong bốn năm liền nhau là một bất thường, vì tu là sửa mình. Liệu đây có bàn tay đạo diễn của ông chủ thật sự phía sau dự án tâm linh chùa Ba Vàng, mà nói theo cách của tác giả bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, đó là lợi ích của nền kinh tế ngầm ?

Ngành kinh doanh bất động sản chùa chiền ?

Nhắc lại chuyện cũ dáng dấp liên quan đến thời gian ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 26/5/2016, công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng dự án khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm – Quảng Nam rất hoàng tráng tại lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh (thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 200 ha nằm trong đất rừng phòng hộ với tổng kinh phí đầu tư 1.000 tỷ đồng chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư trên diện tích 67 ha, kinh phí đầu tư 500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công.

Tham dự lễ khởi công khi đó, có nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, bộ ngành, quan khách đến tham dự. Trong buổi lễ, nhiều nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân đã ủng hộ hàng tỷ đồng, cùng nhiều hiện vật có giá trị góp phần xây dựng chùa. Trong đó, nhiều nhà hảo tâm trao tận tay hàng trăm triệu đồng tiền mặt, có người trao bảng tượng trưng số tiền 1 tỷ đồng cho đại diện nhà đầu tư. Và người trực tiếp đứng ra nhận số tiền và hiện vật trên là đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng Quảng Ninh hiện nay. Nhưng sau đó, chủ đầu tư bất ngờ dừng xây dựng dự án.

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo số 117/BC-UBND do ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình triển khai dự án khu du lịch thiền Trúc Lâm – Quảng Nam. Theo nội dung báo cáo, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư gặp một số khó khăn vướng mắc (về thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai dự án, nguồn vốn thực hiện…). Trong đó, khó khăn lớn nhất là không đảm bảo năng lực tài chính nên chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh không tiếp tục triển khai, ngừng thực hiện dự án.

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam và đại đức Thích Trúc Thái Minh đều mang họ Vũ, tên đệm là Minh. Ngoài ra, 2 người này còn có chung địa chỉ trong hộ khẩu quê là xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

"Sư Thích Trúc Thái Minh tức ông Vũ Minh Hiếu có một người anh trai tên là Vũ Minh Đức, người đàn ông này hiện vẫn thường trú ở địa phương", Chủ tịch UBND xã Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) xác nhận với báo chí về nghi vấn nhân vật có tên Vũ Minh Đức được đăng ký là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam.

Nền kinh tế ngầm mang tên "chùa Ba Vàng" ?

Khi xảy ra vụ "thỉnh vong báo oán", tìm hiểu về lai lịch chùa Ba Vàng, giới báo chí được UBND thành phố Uông Bí cung cấp một loạt văn bản liên quan tới việc chùa Ba Vàng ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng với 3 hộ dân với tổng diện tích chuyển nhượng là 11,8 ha. Tuy vậy, sau đó chùa Ba Vàng đã dừng việc ký hợp đồng này.

Cũng trong các năm 2017/2018, UBND Thành phố Uông Bí có hàng loạt văn bản liên quan tới việc xử lý tình trạng chùa Ba Vàng đắp, gia cố nhiều con đập, ngăn dòng chảy để nước suối đổ về chùa. Qua kiểm tra, chùa Ba Vàng cung cấp 1 hợp đồng với 1 hộ dân chuyển nhượng cho chùa với tổng diện tích 14,3 ha rừng.

Liên quan tới vấn đề này UBND Thành phố Uông Bí đã ban hành Văn bản ngày 4/6/2018 "về việc kiểm điểm trong công tác quản lý rừng, đất rừng và san gạt, đắp đập chứa nước tại khu vực thượng nguồn suối Lựng Xanh". Theo đó, hàng loạt cơ quan như : UBND xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Uông Bí, Hạt Kiểm lâm Uông Bí… bị kiểm điểm vì để chùa Ba Vàng tự ý san, gạt làm đường, đắp đập chứa nước trên khu vực thượng nguồn suối Lựng Xanh và nhận chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp.

Từ đó tới nay, việc xử lý dường như chỉ trên giấy tờ. Thực tế, hình ảnh từ vệ tinh năm 2006 cho thấy, chùa Ba Vàng chỉ là một chấm xanh khiêm nhường giữa núi rừng bạt ngàn của thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Nhưng đến nay, nơi đây đã biến thành một ngôi chùa nguy nga, rộng hàng chục nghìn mét vuông.

Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm bị ngờ vực là ông chủ của dự án tâm linh chùa Ba Vàng Quảng Ninh, khi đây cũng chính là doanh nghiệp đang khai thác nhiều hạng mục ở quần thể di tích Yên Tử.

Nói cho đầy đủ, ‘song hành’ cùng đại đức Thích Trúc Thái Minh là bà Phạm Thị Yến – ‘người phụ nữ quyền lực’ của chùa Ba Vàng. Bà Yến sinh năm 1970, vốn cư trú tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long.

Dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng nhưng sức ảnh hưởng của bà Yến tới nhà chùa rất lớn. Bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa. Bà Yến từng làm nghề may ở chợ Hạ Long 1. Bà kết hôn và có 2 con trai. Sau một thời gian dài ly thân, năm 2017, người phụ nữ này đã hoàn tất thủ tục ly hôn với chồng. Từ đó, bà ở hẳn trên chùa Ba Vàng…

Huyền Linh

Nguồn : VNTB, 06/01/2024

****************************

Bộ Nội vụ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ chùa Ba Vàng, tránh để tiền lệ

RFA, 05/01/2024

Bộ Nội vụ có các cuộc họp với các cơ quan chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xử lý vụ việc chùa Ba Vàng trưng bày "xá lợi tóc Phật" tự chuyển động gây xôn xao dư luận.

bavang2

Người dân chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh - Chùa Ba Vàng

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng ghi nhận và thống nhất với các ý kiến phát biểu tại cuộc họp về việc cần phải xem xét để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hoạt động của chùa Ba Vàng bị cho là đã vi phạm Điều 43, Điều 48, Điều 50 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật về xuất nhập cảnh, hoạt động triển lãm, quy định của Nhà nước về tập trung đông người ở nơi công cộng.

Theo báo điện tử Vietnamnet, thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan có liên quan phối hợp trao đổi thông tin, căn cứ theo quy định pháp luật và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thống nhất quan điểm cần xử lý sớm, dứt điểm, không để tạo tiền lệ, không để ảnh hưởng tới chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn sự ổn định xã hội.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, cần xem xét những hoạt động thời gian qua của chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh, không để ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Thắng cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường công tác quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành ; kịp thời có biện pháp chấn chỉnh hoạt động trong toàn Giáo hội, đảm bảo đúng chính pháp của Đức Phật, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.

Hôm 4/1, Đại đức trụ trì chùa Ba Vàng đã nhận lỗi trước Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang. Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và được chấp nhận.

Nguồn : RFA, 05/01/2024

*************************

Bộ Ngoại giao xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc của Đức Phật" ở chùa Ba Vàng

RFA, 05/01/2024

Hơn hai tuần sau khi chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh trưng bày "xá lợi tóc của Đức Phật" gây nhiều tranh cãi, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 4/1 cho biết Bộ này đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar để xác định nguồn gốc hiện vật của sợi tóc này. Truyền thông Nhà nước cho biết đại diện Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao) cho biết thông tin nêu trên tại cuộc họp ngày 4/1.

bavang3

Xá lợi tóc của Đức Phật trưng bày tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng

Từ ngày 23 đến 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày và chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" thu hút hàng vạn Phật tử đến chiêm bái. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trên mạng xã hội phản đối hành động này, bày tỏ nghi ngờ về cái gọi là sợi tóc Đức Phật có từ hàng nghìn năm và cho rằng chùa Ba Vàng đã thu hàng chục tỷ đồng trong vụ này.

Theo thông tin từ họp báo, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẽ xác minh nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" được cho là do trụ trì tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam cũng sẽ xác minh thông tin về công tác quản lý nhà nước và Phật giáo Myanmar đối với "xá lợi tóc Đức Phật".

Theo thông tin từ trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh - vào tháng 12/2023, đoàn chư tăng của chùa Ba Vàng đã đến chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami. Sau đó, phía chùa Ba Vàng đã mời trụ trì chùa Parami cùng các cao tăng Myanmar tham dự Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và đưa "xá lợi tóc" về Việt Nam.

Tuy nhiên, dư luận xã hội nhiều ngày qua bày tỏ nghi ngờ về nguồn gốc của sợi tóc và cho rằng đây là cỏ Pili làm giả sợi tóc.

Hôm 4/1 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh vì việc trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật". Ông Thích Trúc Thái Minh cũng đã sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và được chấp nhận.

Nguồn : RFA, 05/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huyền Linh, RFA tiếng Việt
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)