Khi nào mới hết "án bỏ túi" ?
RFA, 20/03/2024
Phiên xử cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca và 12 bị cáo khác trong vụ mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thông báo sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/4 năm nay. Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.
Ông Đỗ Hữu Ca - Báo Chính Phủ
Một luật gia ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA sáng 19 tháng 3 :
"Ba ngày là nhiều đấy. Với những vụ án chính trị xử những người bất đồng chính kiến thì sáng xử, trưa chiều là xong. Án đã có sự chỉ đạo rồi, gọi là ‘án bỏ túi’. Phần dài nhất là phần luật sư tranh tụng, nhưng ở Việt Nam thì tranh tụng ấy cũng không ăn thua nên tòa cắt bớt luôn. Muốn bỏ ‘án bỏ túi’ thì phải có tư pháp độc lập. Tư pháp bây giờ đang chịu sự lãnh đạo của Đảng. Các thẩm phán đều là đảng viên. Trước khi xử là chi bộ Đảng họp rồi. Phiên tòa chỉ diễn theo đúng kịch bản thôi. Mục đích chính trị là cao nhất. Những lỗ hổng nào về cơ chế phải bịt đi".
‘Án bỏ túi’ là bản án được viết sẵn để chủ tọa phiên tòa đọc khi tuyên án. Do đó, phiên tòa diễn ra rất chóng vánh. Một trong những phiên tòa diễn ra được coi là nhanh kỷ lục, là phiên xử nhà dân chủ Lê Thanh Tùng hôm 10/8/2012. Ông Tùng bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án năm năm tù giam và bốn năm quản chế vì tội tuyên truyền và xúi giục chống phá nhà nước. Phiên xử bắt đầu vào lúc 8giờ 30 và kết thúc lúc 9giờ 30, tức chỉ trong một tiếng đồng hồ.
Một phiên xử cũng bị coi là chớp nhoáng, là phiên xử nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già vào chiều 30/3/2016. Ông Ngọc Già bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc 'tuyên truyền chống nhà nước' theo điều 88, trong phiên tòa chỉ hai tiếng đồng hồ.
Nói về ngành tư pháp Việt Nam, hôm 6/11/2023, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội rằng, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng thì cho rằng, hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ chú trọng vào thành tích nên hầu hết các bản án đều được định trước, phiên tòa chỉ là thủ tục hợp thức hóa bản án. Luật sư Miếng nói về phiên xử ông Đỗ Hữu Ca dữ kiến diễn ra chỉ trong 3 ngày :
"Tôi phải rất là phục ông thẩm phán viết ra một kịch bản. Khi họ dự tính phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày thì họ sẽ phân ra công việc của từng ngày. Những phiên tòa tôi từng tham gia thì bao giờ cũng kết thúc sớm hơn dự kiến. Đó là do thẩm phán khéo léo dẫn dắt, cắt bỏ những đoạn không quan trọng với họ. Đến đoạn cuối là luật sư phát biểu bảo vệ cho thân chủ của mình thì bị cắt. Thẩm phán nói rõ là không cho tranh luận nữa. Quan tòa dường như khoán nhiệm vụ chính trị cho thẩm phán nên thẩm phán phải diễn trọn vẹn vở kịch được viết trước.
Việc này đồng nghĩa với việc bản án đã có trước, đã định trước và nếu như thẩm phán rút thời gian ngắn hơn dự kiến thì sẽ được khen thưởng thẩm phán giỏi".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng kể thêm :
"Có những vụ án mình chụp được luôn bản án trước khi tuyên do thư ký đánh máy sẵn kẹp vô hồ sơ. Khi mình đọc hồ sơ thì họ quên rút bản án đó ra. Có những bản án mà từ kết luận điều tra qua cáo trạng rồi ra bản án giống nhau từng dấu chấm, dấu phẩy. Có nghĩa là bên cơ quan an ninh điều tra chuyển file cho viện kiểm sát để viện kiểm sát ra cáo trạng rồi qua bản án".
Một số chuyên gia về luật pháp cho rằng, ngoài những phiên xử chóng vánh với những "bản án bỏ túi", việc định thời gian cho những phiên xử còn nói lên tình trạng tồi tệ của nền tư pháp Việt Nam. Với phiên xử sắp tới của ông Đỗ Hữu Ca, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA :
"Với những người đã từng có vị thế đặc biệt như ông Đỗ Hữu Ca, người từng giữ chức vụ cao cấp và có cấp bậc cao là thiếu tướng công an, thì bản án xét xử đều đã được "chỉ đạo" từ trước, điều mà công chúng đều biết dưới danh xưng "Án bỏ túi". Vì thế vụ án xét xử ông Đỗ Hữu Ca cũng vậy, không có ngoại lệ.
Tuy vậy, mức án vẫn có thể tăng giảm một phần là còn tùy thuộc vào thái độ của ông ấy trong quá trình xét xử tại tòa, có thành khẩn nhận tội và ăn năn hối cải hay không ? Do vậy, có thể nói rằng phiên tòa chỉ có xét, chứ không có xử. Đó là thực trạng nền tư pháp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Để tham khảo, đối với khối tài sản khổng lồ kém minh bạch về nguồn gốc của ông Đỗ Hữu Ca, thì việc xét xử ông ấy với tội danh lừa đảo 35 tỷ đồng trong vụ án này là cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa xem xét đầy đủ, toàn diện về tội trạng của ông ấy. Đó là "món nợ" công lý mà chính quyền cần phải hoàn trả sòng phẳng với người dân trong thời gian sắp tới".
Để có nền tư pháp độc lập đúng nghĩa thì cần rất nhiều yếu tố, bởi phải có đa nguyên đa đảng, có tam quyền phân lập… Hơn nữa, đã là thẩm phán thì không tham gia tổ chức chính trị nào ; nhưng trong thực tế, tất cả thẩm phán ở Việt Nam hiện đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Cụ thể, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện nay từng là một thiếu tướng công an.
Luật sư Trần Vũ Hải từng nói với RFA quan điểm của ông rằng không thể có tư pháp độc lập nếu không cải cách thể chế chính trị. Nếu không thay đổi được thể chế thì phải phân định rõ sự lãnh đạo đảng cộng sản đến đâu, ở phạm vi nào. Phải nói rõ cơ quan tư pháp có quyền đến đâu, thậm chí có quyền xử lý đến đâu với cơ quan hành pháp và lập pháp.
Nguồn : RFA, 20/03/2024
**********************
Nhân lực trẻ được đào tạo ở nước ngoài với sự chuyển đổi Việt Nam ?
RFA, 20/03/2024
Bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV hôm 13/3 vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng có đoạn : "Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau".
Học sinh Việt Nam tìm hiểu về du học. Ảnh minh họa. Photo : RFA
Không chỉ cán bộ được đào tạo từ nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau, mà số lượng học sinh Việt Nam du học ở các nước cũng rất cao. Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Acumen dẫn thống kê của UNESCO cho thấy, Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh trong giai đoạn 2021 - 2022. Cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Gần 22.000 sinh viên Việt đến Mỹ năm học 2022-2023, nằm trong top 5 về số lượng du học sinh ở nước này.
Theo nhận định của một số người, nếu số lượng sinh viên Việt Nam trên khắp thế giới quay trở về đóng góp cho đất nước, thì đây là một lợi thế cho sự phát triển của quốc gia đang phát triển này, cho dù họ không nằm trong hàng ngũ lãnh đạo. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA :
"Thực sự, khi có nhiều người được đào tạo ở những nước tiên tiến là rất tốt cho đất nước này nếu họ trở về. Mình không đặt vấn đề là họ có được trọng dụng hay không, bởi cái sự tự dùng mình mới là quan trọng. Những người đã đi học nước ngoài về thì phải tự lập. Tại sao cần phải phụ thuộc vào nhà nước hay vào ai đó ?
Đấy là tư duy nô lệ chứ không phải là tư duy của một người giỏi. Bản thân được học tập, được trang bị những kiến thức, những năng lực thì phải tận dụng những kiến thức đó để làm cho chính họ, rồi nâng hiểu biết của những người khác lên".
Nhà giáo Đinh Kim Phúc thì cho rằng, môi trường làm việc và thể chế chính trị là một trong những yếu tố căn bản dẫn đến sự thành công của thế hệ được học ở nước ngoài và trở về nước. Ông giải thích :
"Nhìn chung, thế hệ lãnh đạo hiện nay cũng như con cái họ đã được sắp xếp, đã được đưa vào các chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy lãnh đạo hiện nay không phải được học ở những nước như Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba… như ngày xưa, mà họ đều được học ở những nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada… nên trình độ về khoa học kỹ thuật, trình độ về nhận thức cái dân chủ, cái tự do của các nước tư bản họ tiếp thu được rất nhiều. Rồi cái văn hóa, cái văn minh của những nước đó nó đi vào ngôn ngữ của họ nên họ có bề dày trong thế ứng xử.
Nhưng vì sao, giả sử nếu có sinh viên cùng học ở nước ngoài. Một ở lại phục vụ ở nước ngoài, một trở về phục vụ đất nước thì hiệu quả khác nhau hoàn toàn. Người ở lại có con đường rất sáng về cả nghề nghiệp lẫn tư cách đạo đức. Người trở về nước hòa vào hệ thống hiện nay, nếu không bị thui chột thì cũng bị kỷ luật rồi chán nản bỏ ra các khối tư nhân làm việc".
Thực tế "sử dụng người" trong nước khiến nhiều sinh viên thậm chí cán bộ, công chức cũng không trở về nước sau khi học tập, công tác ở nước ngoài. Mới đây là chuyện 25 cán bộ, giảng viên ở Đà Nẵng được cử đi học tập, công tác ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã không về nước sau khi hoàn thành khóa học. Còn về sinh viên, The Korea Times có bài viết "4 in 10 foreign students entering Korea for language study overstay visas", cho thấy Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu về số lương du học sinh bỏ học để ra ngoài tìm việc làm và trở thành cư trú bất hợp pháp trên đất nước này.
Tuy ông Trọng nhìn nhận lớp cán bộ hiện nay sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau, cần bảo đảm sự chuyển tiếp và kế tục giữa các thế hệ. Nhưng thực tế, thế hệ lãnh đạo vẫn được coi là dành cho ‘con ông cháu cha’. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từng cho rằng, việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại.
Theo Phó giáo sư Hoàng Dũng, một quy định được cho là trở lực cho sự phát triển, trở lực cho việc trọng dụng nhân tài lãnh đạo đất nước, là yếu tố đảng viên. Ông nói với RFA :
"Tôi không hy vọng vì những người tử tế thì có bao nhiêu phần trăm được sử dụng cho hàng lãnh đạo. Cứ nhìn con số được gọi là nhân tài được sử dụng như thế nào ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy là không dễ dàng. Nhưng cũng không có nghĩa những người không phải con ông cháu cha thì tuyệt nhiên không thể lên được, dù trong thể chế này thì con ông cháu cha dễ thăng quan tiến chức hơn rất nhiều. Không công bằng khi Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm từng nói, con cháu lãnh đạo lên làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc.
Hiện nay, nếu muốn làm chức kha khá trong hàng ngũ lãnh đạo thì yêu cầu đầu tiên là phải đảng viên. Chỉ riêng điều đó cho thấy một trở lực rất lớn cho những người muốn đóng góp cho đất nước rồi".
Theo Phó giáo sư Hoàng Dũng, việc nhiều sinh viên bước ra thế giới học tập để rồi trở về xây dựng đất nước là một lợi thế cho sự phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Nhưng ông vẫn không tin con cháu các vị lãnh đạo tiếp tục làm lãnh đạo sẽ thay đổi được thể chế này, cho dù được học hành ở các nước dân chủ. Ông nêu ví dụ : "Dễ thấy nhất là trường hợp Kim Chính Ân, lãnh đạo Bắc Hàn. Ông này học ở Châu Âu nhưng về có thay đổi gì đâu".
Tuy thông tin về nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un không được công khai nhiều, nhưng một bản tin từ Reuters vào năm 2012 cho rằng, Kim Jong-un đã cư trú 9 năm tại Thụy Sĩ, từ cuối năm 1991 đến đầu năm 2001, khi ông mới khoảng 9 tuổi. Cho đến nay, Bắc Hàn vẫn là một quốc gia độc tài, không có dân chủ.
Nguồn : RFA, 20/03/2024
Bà Cấn Thị Thêu và các con trai Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương cùng các gia đình chống cưỡng chế đất ở Dương Nội sẽ đi vào lịch sử như những anh hùng nông dân áo vải thời cộng sản Việt Nam tiến hành đàn áp từ Bắc chí Nam, để cướp đất của người dân. Không giết được Bà Thêu như Cụ Kình, chính quyền cộng sản Việt Nam phải đưa Bà ra xử cũng là nhằm "đơn nhất hóa" tội ác Đồng Tâm. Chính quyền muốn xóa luồng dư luận đang lên án họ tiến hành một cách có hệ thống các vi phạm nhân quyền và khủng bố dân chúng.
Báo Hòa Bình
Ngày 5/5/2021, tại Tòa án tỉnh Hòa Bình, khi Hội đồng xét xử tuyên 16 năm tù với bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, cả hai mẹ con đã đồng thanh hô to : "Đả đảo cộng sản ! Đả đảo cộng sản" ! Cách đây hai năm, ngày 17/4/2019, trước cổng Trụ sở Tiếp dân tại số 1 Ngô Thị Nhậm, Hà Nội, một đoàn người chủ yếu là phụ nữ, có cụ tóc đã bạc trắng, mặc trên người những bộ quần áo bạc phếch, tay giương cao các biểu ngữ đòi đất, từng diễu hành và đã thu hút sự chú ý của dân chúng thủ đô.
Bà Cấn Thị Thêu, người đại diện cho những người dân mất đất, lúc bấy giờ cũng đã hô vang các khẩu hiệu "Dương Nội quyết tử giữ đất !", "Đả đảo cộng sản độc tài tham nhũng !". Đám đông đồng thanh đáp lại : "Đả đảo ! Đả đảo !" và "Quyết tử ! Quyết tử !". Phải sống trong lòng một chế độ tham lam và tàn ác, mới thấy hết cái bản lĩnh của người dân Dương Nội giữ đất suốt hơn 10 năm trời. Nay, trước Hội đồng xét xử, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư cũng không hề nao núng, đã khẳng khái ứng đối, bác bỏ một cách sắc bén các cáo buộc của Tòa.
Cấn Thị Thêu từng hai lần bị chính quyền cộng sản Việt Nam "ném" vào tù trong các năm 2014 và 2016, do đã bền bỉ và kiên quyết đấu tranh giữ đất tại Dương Nội, nơi chính quyền địa phương có kế hoạch cướp đất để giao cho các công ty "tư bản thân hữu" một cách phi pháp. Bà Thêu và hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng một người dân Dương Nội khác là Nguyễn Thị Tâm bị bắt từ ngày 24/6/2020. Suốt trong 272 ngày, chính quyền đã không hề cho những người bị giam giữ được tiếp xúc với Luật sư.
Đặng Đình Mạnh là một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư tại phiên xử, đã thuật lại với truyền thông quốc tế : "Cả hai người đều chuẩn bị tốt cho phiên tòa : họ điềm đạm, kiên định, mạnh mẽ. Tôi từng tham gia nhiều vụ án chính trị nhưng chưa thấy ai như họ…". "Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ... Chúng tôi hết sức khâm phục đối với những người phải mang tội danh như vậy".
Cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh đã biểu đạt phần nào nỗi uất hận nhưng bất lực của một bộ phận còn lương tri trong xã hội Việt Nam thời mạt, hậu cộng sản. Những ngày này hãy cùng nhau dành một khoảnh khắc nào đó để suy nghiệm, để cho nước mắt chảy vào trong. Hãy hướng về gia đình Cấn Thị Thêu, bà con Dương Nội – Đồng Tâm và biết bao người dân Việt Nam khác đã/đang bị chính quyền này đàn áp, cướp đất giao cho các "tư bản thân hữu" !
Lý do vì sau hơn 10 năm giữ đất ở Dương Nội, gia đình bà Thêu vừa qua còn vận động trực tuyến, đấu tranh chống lại lệnh thu hồi đất ngày 9/1/2020 ở Đồng Tâm. Tại đấy, Cụ trưởng thôn Lê Đình Kình, 84 tuổi, đã bị giết trong cuộc tập kích của công an. Bà Thêu và các con đã góp phần trung thực tố cáo tội ác của chính quyền ở Đông Tâm trên Facebook và YouTube. Chỉ riêng FB của Trịnh Bá Phương đã có khoảng 50.000 người theo dõi. Không chỉ sợ mẹ con bà, chính quyền còn sợ khối nông dân đứng sau cuộc đấu tranh của gia đình bà.
Bà Cấn Thị Thêu tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP
Không chỉ đương đầu trực diện với chính quyền chống lại những thủ đoạn gian manh trong chiếm dụng đất đai và trong nhiều bất công xã hội khác, bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư còn là những người tích cực ủng hộ Nhà xuất bản Tự do. Cơ sở xuất bản độc lập này từng giành được Giải thưởng Prix Voltaire 2020 từ Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế. Người đồng sáng lập Nhà xuất bản này, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng đã bị bắt vào tháng 10/2020.
Bản lĩnh của bà Cấn Thị Thêu không chỉ dám chống lại mọi bạo lực của nhà cầm quyền, mà còn sáng ngời nghĩa khí, khi đã không để bị lung lạc bới âm mưu mua chuộc của công an. Ra tù năm 2018, bà Thêu cho biết mình "từ nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn" và tuyên bố đấu tranh đến cùng vì dân chủ và quyền của người dân mất đất. Công an cho "chân rết" đến thuyết phục nếu bà ngừng đấu tranh thì sẽ đền bù cho nhà bà bạc tỷ. Hiển nhiên là bà đã thẳng thừng khước từ.
Theo "Dự án 88" – tổ chức nhân quyền Việt Nam – hơn 250 cá nhân hiện bị cầm tù vì hoạt động vận động nhân quyền. Trong số người này, có 40 người đã bị kết án theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự (tuyên truyền chống Nhà nước). Con số này chưa tính những trường hợp như anh Trịnh Bá Phương đã bị buộc tội nhưng đang chờ xét xử. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế, 21 trong số 27 tù nhân lương tâm bị bỏ tù tại Việt Nam vào năm 2020 đã bị truy tố vì các hoạt động trực tuyến của họ.
Phải nhắc lại, gia đình Cấn Thị Thêu không chỉ bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà còn đấu tranh để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cộng đồng, từ Dương Nội đến Đông Tâm, từ Văn Giang đến Thủ Thiêm. Nhiều người dân ở Việt Nam biết rõ về tấm gương bất khuất của gia đình bà chống lại bạo quyền và khủng bố. Sợ đánh động dư luận thủ đô, chính quyền để một tòa án tỉnh lẻ xử hai mẹ con. Bản án 16 năm tù mà chỉ xử trong một ngày ! Lại thêm một vụ án nữa xoáy vào nỗi đau khôn nguôi cho những người nông dân bị cướp đất.
"Việt Nam phải ngăn chặn ngay lập tức và vô điều kiện hành vi quấy rối tư pháp đối với bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư. Hãy chấm dứt sự đàn áp liên tục đối với những tiếng nói độc lập và hãy trả tự do cho tất cả những người hiện đang bị giam giữ theo các điều trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Hơn nữa, Bộ luật này phải được sửa đổi cho phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế. Truyền thông xã hội hãy chống lại mọi áp lực từ các cơ quan chức năng để không trở thành tòng phạm cho các hành động vi phạm nhân quyền".
Ngay trước phiên tòa, Tổ chức "Theo dõi Nhân quyền" (HRW) đã phát đi thông cáo báo chí nói trên, kêu gọi chính quyền thả ngay lập tức bà Thêu và hai con trai, đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Các tổ chức quốc tế khác cũng nhiều lần kêu gọi Hà Nội sửa Bộ luật hình sự để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Có đến bốn báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc từng chỉ rõ, điều 117 của Bộ luật hình sự quá rộng, nhằm mục đích khóa miệng những người tìm cách thực hiện quyền được tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với người khác.
Bà Cấn Thị Thêu cùng những người biểu tình phản đối phiên tòa xử các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018. AFP
Phiên xét xử hai nhà hoạt động trong chỉ một ngày đã bị các tổ chức nhân quyền khác mạnh mẽ lên án. "Ân xá Quốc tế" (Amnesty International) nhận định những cáo buộc của Tòa án tỉnh Hòa Bình đối với hai mẹ con là "ngụy tạo" và nhằm trừng phạt, trả thù đối với hoạt động ôn hòa phơi bày bất công và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Hai tổ chức nhân quyền là "Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam" và "Người Bảo vệ Nhân quyền" nhận xét rằng "việc bắt giữ bà Thêu cùng hai con trai của bà là độc đoán, chỉ vì các hoạt động nhân quyền ôn hòa của họ. Họ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra, không có sự chứng kiến của luật sư trong các cuộc hỏi cung, và bị đối xử vô nhân đạo, thậm chí đe dọa bởi cán bộ của cơ quan tố tụng, như anh Tư khẳng định trong phiên toà".
John Sifton, Giám đốc vận động khu vực Châu Á của HRW lên tiếng : "Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù". Thông cáo của HRW cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam "đã vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đã không cho phép Luật sư gặp bà Thêu và anh Trịnh Bá Tư trong suốt chín tháng, đồng thời không cho phép gia đình họ được thăm nuôi hay gặp mặt".
Những người cộng sản Việt Nam hiểu rằng, câu chuyện Cấn Thị Thêu chỉ là một trong hàng trăm những xung đột do những bất cập về chính sách đất đai gây ra. Trong các vụ khiếu kiện nói chung có đến 70% xuất phát từ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Trước hôm xử bà Thêu một ngày, hôm 4/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổng kết việc thi hành luật Đất đai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện "luật Đất đai" và xây dựng dự án "luật Đất đai sửa đổi", lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm thiểu phiền hà và sai phạm.
Đặc biệt ông Chính buộc phải lưu ý, kêu gọi tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận trong dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, trong đó chú trọng việc tạo đồng thuận. Nhưng thưa Thủ tướng, nếu tất cả tiêu chí ông nêu trên mà thành tựu, thì phần lớn các thành viên nội các của ông sẽ nhất loạt đâm đơn từ chức ! Tại sao ư ? Đối với các quan chức cộng sản, nếu pháp luật và hạ tầng pháp lý minh bạch, họ còn "ăn" giải gì nữa ?
Ngay "Tạp chí Cộng sản" cũng phải thừa nhận, 35 năm tiến hành Đổi mới (từ năm 1986 đến năm 2020), Việt Nam đã bốn lần sửa đổi luật Đất đai, nhưng những lần sửa đổi đó vẫn không giải quyết được cái gốc của vấn đề và chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Sau sáu năm thực hiện, luật Đất đai năm 2013 tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập. Quá trình thực thi luật về đất đai đã bộc lộ nhiều "kẽ hở", tạo điều kiện cho "nhóm lợi ích" tiêu cực trục lợi, tham nhũng.
Ngôn ngữ trên đây của Tạp chí phần nào bộc lộ khoảng cách giữa lời nói và việc làm của chính quyền về luật Đất đai. Vấn đề không phải là những "kẻ hở" nhỏ như Tạp chí đề cập. Đối với chính quyền cộng sản Việt Nam, quy chế sở hữu và tình trạng luật pháp càng tù mù bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Chính quyền rất cần những "kẽ hở" ấy, càng lớn càng tốt. Đó là lý do tại sao những lời kêu gọi chống lạm quyền, chống tham nhũng, lãng phí, bè phái và lợi ích nhóm sẽ không bao giờ thành tựu. Chúng sẽ thất bại như chính các "bản án bỏ túi", như bản án đối với gia đình Cấn Thị Thêu.
Dương Nội – Đồng Tâm
Nguồn : RFA, 08/05/2021