Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2024

Khi nào mới hết "án bỏ túi" – Du học sinh về nước ?

RFA tổng hợp

Khi nào mới hết "án bỏ túi" ?

RFA, 20/03/2024

Phiên xử cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca và 12 bị cáo khác trong vụ mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thông báo sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/4 năm nay. Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.

anbotui1

Ông Đỗ Hữu Ca - Báo Chính Phủ

Một luật gia ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA sáng 19 tháng 3 :

"Ba ngày là nhiều đấy. Với những vụ án chính trị xử những người bất đồng chính kiến thì sáng xử, trưa chiều là xong. Án đã có sự chỉ đạo rồi, gọi là ‘án bỏ túi’. Phần dài nhất là phần luật sư tranh tụng, nhưng ở Việt Nam thì tranh tụng ấy cũng không ăn thua nên tòa cắt bớt luôn. Muốn bỏ ‘án bỏ túi’ thì phải có tư pháp độc lập. Tư pháp bây giờ đang chịu sự lãnh đạo của Đảng. Các thẩm phán đều là đảng viên. Trước khi xử là chi bộ Đảng họp rồi. Phiên tòa chỉ diễn theo đúng kịch bản thôi. Mục đích chính trị là cao nhất. Những lỗ hổng nào về cơ chế phải bịt đi".

‘Án bỏ túi’ là bản án được viết sẵn để chủ tọa phiên tòa đọc khi tuyên án. Do đó, phiên tòa diễn ra rất chóng vánh. Một trong những phiên tòa diễn ra được coi là nhanh kỷ lục, là phiên xử nhà dân chủ Lê Thanh Tùng hôm 10/8/2012. Ông Tùng bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án năm năm tù giam và bốn năm quản chế vì tội tuyên truyền và xúi giục chống phá nhà nước. Phiên xử bắt đầu vào lúc 8giờ 30 và kết thúc lúc 9giờ 30, tức chỉ trong một tiếng đồng hồ.

Một phiên xử cũng bị coi là chớp nhoáng, là phiên xử nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già vào chiều 30/3/2016. Ông Ngọc Già bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc 'tuyên truyền chống nhà nước' theo điều 88, trong phiên tòa chỉ hai tiếng đồng hồ.

Nói về ngành tư pháp Việt Nam, hôm 6/11/2023, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội rằng, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng thì cho rằng, hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ chú trọng vào thành tích nên hầu hết các bản án đều được định trước, phiên tòa chỉ là thủ tục hợp thức hóa bản án. Luật sư Miếng nói về phiên xử ông Đỗ Hữu Ca dữ kiến diễn ra chỉ trong 3 ngày :

"Tôi phải rất là phục ông thẩm phán viết ra một kịch bản. Khi họ dự tính phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày thì họ sẽ phân ra công việc của từng ngày. Những phiên tòa tôi từng tham gia thì bao giờ cũng kết thúc sớm hơn dự kiến. Đó là do thẩm phán khéo léo dẫn dắt, cắt bỏ những đoạn không quan trọng với họ. Đến đoạn cuối là luật sư phát biểu bảo vệ cho thân chủ của mình thì bị cắt. Thẩm phán nói rõ là không cho tranh luận nữa. Quan tòa dường như khoán nhiệm vụ chính trị cho thẩm phán nên thẩm phán phải diễn trọn vẹn vở kịch được viết trước.

Việc này đồng nghĩa với việc bản án đã có trước, đã định trước và nếu như thẩm phán rút thời gian ngắn hơn dự kiến thì sẽ được khen thưởng thẩm phán giỏi".

Luật sư Nguyễn Văn Miếng kể thêm :

"Có những vụ án mình chụp được luôn bản án trước khi tuyên do thư ký đánh máy sẵn kẹp vô hồ sơ. Khi mình đọc hồ sơ thì họ quên rút bản án đó ra. Có những bản án mà từ kết luận điều tra qua cáo trạng rồi ra bản án giống nhau từng dấu chấm, dấu phẩy. Có nghĩa là bên cơ quan an ninh điều tra chuyển file cho viện kiểm sát để viện kiểm sát ra cáo trạng rồi qua bản án".

Một số chuyên gia về luật pháp cho rằng, ngoài những phiên xử chóng vánh với những "bản án bỏ túi", việc định thời gian cho những phiên xử còn nói lên tình trạng tồi tệ của nền tư pháp Việt Nam. Với phiên xử sắp tới của ông Đỗ Hữu Ca, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA :

"Với những người đã từng có vị thế đặc biệt như ông Đỗ Hữu Ca, người từng giữ chức vụ cao cấp và có cấp bậc cao là thiếu tướng công an, thì bản án xét xử đều đã được "chỉ đạo" từ trước, điều mà công chúng đều biết dưới danh xưng "Án bỏ túi". Vì thế vụ án xét xử ông Đỗ Hữu Ca cũng vậy, không có ngoại lệ.

Tuy vậy, mức án vẫn có thể tăng giảm một phần là còn tùy thuộc vào thái độ của ông ấy trong quá trình xét xử tại tòa, có thành khẩn nhận tội và ăn năn hối cải hay không ? Do vậy, có thể nói rằng phiên tòa chỉ có xét, chứ không có xử. Đó là thực trạng nền tư pháp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Để tham khảo, đối với khối tài sản khổng lồ kém minh bạch về nguồn gốc của ông Đỗ Hữu Ca, thì việc xét xử ông ấy với tội danh lừa đảo 35 tỷ đồng trong vụ án này là cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa xem xét đầy đủ, toàn diện về tội trạng của ông ấy. Đó là "món nợ" công lý mà chính quyền cần phải hoàn trả sòng phẳng với người dân trong thời gian sắp tới".

Để có nền tư pháp độc lập đúng nghĩa thì cần rất nhiều yếu tố, bởi phải có đa nguyên đa đảng, có tam quyền phân lập… Hơn nữa, đã là thẩm phán thì không tham gia tổ chức chính trị nào ; nhưng trong thực tế, tất cả thẩm phán ở Việt Nam hiện đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Cụ thể, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện nay từng là một thiếu tướng công an.

Luật sư Trần Vũ Hải từng nói với RFA quan điểm của ông rằng không thể có tư pháp độc lập nếu không cải cách thể chế chính trị. Nếu không thay đổi được thể chế thì phải phân định rõ sự lãnh đạo đảng cộng sản đến đâu, ở phạm vi nào. Phải nói rõ cơ quan tư pháp có quyền đến đâu, thậm chí có quyền xử lý đến đâu với cơ quan hành pháp và lập pháp.

Nguồn : RFA, 20/03/2024

**********************

Nhân lực trẻ được đào tạo ở nước ngoài với sự chuyển đổi Việt Nam ?

RFA, 20/03/2024

Bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV hôm 13/3 vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng có đoạn : "Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau".

anbotui2

Học sinh Việt Nam tìm hiểu về du học. Ảnh minh họa. Photo : RFA

Không chỉ cán bộ được đào tạo từ nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau, mà số lượng học sinh Việt Nam du học ở các nước cũng rất cao. Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế Acumen dẫn thống kê của UNESCO cho thấy, Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh trong giai đoạn 2021 - 2022. Cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Gần 22.000 sinh viên Việt đến Mỹ năm học 2022-2023, nằm trong top 5 về số lượng du học sinh ở nước này.

Theo nhận định của một số người, nếu số lượng sinh viên Việt Nam trên khắp thế giới quay trở về đóng góp cho đất nước, thì đây là một lợi thế cho sự phát triển của quốc gia đang phát triển này, cho dù họ không nằm trong hàng ngũ lãnh đạo. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA :

"Thực sự, khi có nhiều người được đào tạo ở những nước tiên tiến là rất tốt cho đất nước này nếu họ trở về. Mình không đặt vấn đề là họ có được trọng dụng hay không, bởi cái sự tự dùng mình mới là quan trọng. Những người đã đi học nước ngoài về thì phải tự lập. Tại sao cần phải phụ thuộc vào nhà nước hay vào ai đó ?

Đấy là tư duy nô lệ chứ không phải là tư duy của một người giỏi. Bản thân được học tập, được trang bị những kiến thức, những năng lực thì phải tận dụng những kiến thức đó để làm cho chính họ, rồi nâng hiểu biết của những người khác lên".

Nhà giáo Đinh Kim Phúc thì cho rằng, môi trường làm việc và thể chế chính trị là một trong những yếu tố căn bản dẫn đến sự thành công của thế hệ được học ở nước ngoài và trở về nước. Ông giải thích :

"Nhìn chung, thế hệ lãnh đạo hiện nay cũng như con cái họ đã được sắp xếp, đã được đưa vào các chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy lãnh đạo hiện nay không phải được học ở những nước như Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba… như ngày xưa, mà họ đều được học ở những nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada… nên trình độ về khoa học kỹ thuật, trình độ về nhận thức cái dân chủ, cái tự do của các nước tư bản họ tiếp thu được rất nhiều. Rồi cái văn hóa, cái văn minh của những nước đó nó đi vào ngôn ngữ của họ nên họ có bề dày trong thế ứng xử.

Nhưng vì sao, giả sử nếu có sinh viên cùng học ở nước ngoài. Một ở lại phục vụ ở nước ngoài, một trở về phục vụ đất nước thì hiệu quả khác nhau hoàn toàn. Người ở lại có con đường rất sáng về cả nghề nghiệp lẫn tư cách đạo đức. Người trở về nước hòa vào hệ thống hiện nay, nếu không bị thui chột thì cũng bị kỷ luật rồi chán nản bỏ ra các khối tư nhân làm việc".

Thực tế "sử dụng người" trong nước khiến nhiều sinh viên thậm chí cán bộ, công chức cũng không trở về nước sau khi học tập, công tác ở nước ngoài. Mới đây là chuyện 25 cán bộ, giảng viên ở Đà Nẵng được cử đi học tập, công tác ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã không về nước sau khi hoàn thành khóa học. Còn về sinh viên, The Korea Times có bài viết "4 in 10 foreign students entering Korea for language study overstay visas", cho thấy Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu về số lương du học sinh bỏ học để ra ngoài tìm việc làm và trở thành cư trú bất hợp pháp trên đất nước này.

Tuy ông Trọng nhìn nhận lớp cán bộ hiện nay sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau, cần bảo đảm sự chuyển tiếp và kế tục giữa các thế hệ. Nhưng thực tế, thế hệ lãnh đạo vẫn được coi là dành cho ‘con ông cháu cha’. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từng cho rằng, việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc, không có gì phải nghi ngại.

Theo Phó giáo sư Hoàng Dũng, một quy định được cho là trở lực cho sự phát triển, trở lực cho việc trọng dụng nhân tài lãnh đạo đất nước, là yếu tố đảng viên. Ông nói với RFA :

"Tôi không hy vọng vì những người tử tế thì có bao nhiêu phần trăm được sử dụng cho hàng lãnh đạo. Cứ nhìn con số được gọi là nhân tài được sử dụng như thế nào ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy là không dễ dàng. Nhưng cũng không có nghĩa những người không phải con ông cháu cha thì tuyệt nhiên không thể lên được, dù trong thể chế này thì con ông cháu cha dễ thăng quan tiến chức hơn rất nhiều. Không công bằng khi Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm từng nói, con cháu lãnh đạo lên làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc.

Hiện nay, nếu muốn làm chức kha khá trong hàng ngũ lãnh đạo thì yêu cầu đầu tiên là phải đảng viên. Chỉ riêng điều đó cho thấy một trở lực rất lớn cho những người muốn đóng góp cho đất nước rồi".

Theo Phó giáo sư Hoàng Dũng, việc nhiều sinh viên bước ra thế giới học tập để rồi trở về xây dựng đất nước là một lợi thế cho sự phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Nhưng ông vẫn không tin con cháu các vị lãnh đạo tiếp tục làm lãnh đạo sẽ thay đổi được thể chế này, cho dù được học hành ở các nước dân chủ. Ông nêu ví dụ : "Dễ thấy nhất là trường hợp Kim Chính Ân, lãnh đạo Bắc Hàn. Ông này học ở Châu Âu nhưng về có thay đổi gì đâu".

Tuy thông tin về nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un không được công khai nhiều, nhưng một bản tin  từ Reuters vào năm 2012 cho rằng, Kim Jong-un đã cư trú 9 năm tại Thụy Sĩ, từ cuối năm 1991 đến đầu năm 2001, khi ông mới khoảng 9 tuổi. Cho đến nay, Bắc Hàn vẫn là một quốc gia độc tài, không có dân chủ.

Nguồn : RFA, 20/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)