Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/03/2024

Không tăng trưởng bằng mọi giá, cán bộ cấp chiến lược là tinh hoa !

RFA tổng hợp

Thủ tướng lại chỉ đạo không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá

RFA, 20/03/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên hôm 19/3/2024 đã lập lại yêu cầu không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, không chấp nhận tăng trưởng trước, dọn dẹp sau.

canbo1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên hôm 19/3/2024 - Courtesy chinhphu.vn

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, hôm 20/3/2024 khi trả lời RFA cho rằng :

"Thật ra rất dễ để mà nói ‘chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá’, thế nhưng phải có một định nghĩa rõ ràng rằng ‘mọi giá’ đó là ‘giá’ gì ? Đó là ‘giá’ xã hội phải trả, đó là ‘giá’ ảnh hưởng đến đời sống công nhân viên, ‘giá’ phải trả cho môi trường… Nếu nói chung không tăng trưởng bằng mọi giá, có nghĩa chúng ta sẽ tăng trưởng một cách hài hòa hơn, thì cần phải có một định nghĩa rõ ràng, thì lúc bấy giờ các địa phương mới có thể theo sát các chỉ tiêu đó".

Chứ còn cứ nói chung chung thì theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, sẽ không đem lại hiệu quả.

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, thậm chí còn cao hơn dự báo của các Tổ chức Tài chính quốc tế. Đơn cử như năm 2023 Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 cao hơn cả dự báo của IMF, ở mức 6 - 6,5%. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm về những thiệt hại khi tăng trưởng bằng mọi giá :

"Để đạt được tăng trưởng bằng mọi giá chúng ta sẽ phải hy sinh rất nhiều. Cái thứ nhất, tăng trưởng bằng mọi giá sẽ bất chấp tất cả những hậu quả, kể cả chi phí kinh tế và xã hội… Cụ thể là những vấn đề về môi trường sẽ phải gánh chịu khi tăng trưởng bằng mọi giá, nó để lại hậu quả môi trường bị phá hủy, bị xâm lấn… Ngay cả vấn đề xã hội, nếu chúng ta tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá thì có lẽ chúng ta có thể tìm cách tiết kiệm những chi phí an sinh xã hội, để dùng giải quyết những chuyện khác".

Liên quan việc tăng trưởng bằng mọi giá sẽ tác động đến đời sống người dân như thế nào ? Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói :

"Nói riêng về chất lượng cuộc sống thì tăng trưởng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tức là con người có thể sẽ trở thành những bộ máy để sản xuất, để kinh doanh. Những vấn đề về tâm linh, văn hóa, tôn giáo, xã hội… có thể sẽ bị ảnh hưởng, vì chúng ta dùng tất cả nguồn lực vào tăng trưởng kinh tế".

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương thuộc đoàn Nghệ An, tại một cuộc họp Quốc hội vào năm 2023 từng nêu câu hỏi : "Có buộc phải hoàn thành tăng trưởng bằng mọi giá ?"

Theo vị Đại biểu này, hiện nay tổng cầu thế giới giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Điều đáng ngại của các nước đang phát triển như Việt Nam không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu như dịch vụ du lịch giảm mạnh mà ngay cả lượng đơn hàng thiết yếu như giày dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo.

"Liệu các giải pháp như tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản, xuất nhập khẩu có thể giải quyết được căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ nước ta lúc này hay không ?" – Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương đặt câu hỏi.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 20/3/2024 từ Hà Nội, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :

"Các biện pháp đó chắc chắn góp phần giảm được các chi phí đầu vào ở trong nước. Tuy vậy tác động của quốc tế như chi phí logictic và vận tải, tác động của việc an toàn ở biển Đỏ do các tàu vận tải phải đi vòng qua Châu Phi để đến được Châu Âu… là các yếu tố tăng thêm chi phí ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam, đây là các yếu tố bất lợi vì vậy Việt Nam phải đa dạng hóa các thị trường và tìm kiếm các thị trường cho những ngành dệt may, giày da và gỗ… đây là các ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các bài học cho thấy tăng trưởng bằng mọi giá sẽ phải trả giá là hiệu quả kinh tế không cao, nợ công tăng lên, các công trình đầu tư vội vã không được hoàn thành… Ông Doanh nói tiếp :

"Ở Việt Nam có hiện tượng chu kỳ của lãnh đạo trong khoảng 5 năm. Mỗi lãnh đạo của tỉnh luôn muốn chứng minh dưới sự lãnh đạo của mình thì nguồn thu ngân sách tỉnh tăng lên, rồi công ăn việc làm… cho nên lãnh đạo đó đã đưa các biện pháp như ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài, hay cấp đất với giá rất ưu đãi… Bằng cách đó chỉ tiêu trong 5 năm có thể đạt được, nhưng giá phải trả là rất lớn. Tức ngân sách sẽ phải chịu thiệt vì đã giảm giá đất, dưới cả mức quy định của luật pháp…"

Đặc biệt theo ông Doanh, yếu tố bảo vệ môi trường cũng cần phải được chú ý, kiểm soát :

"Cấp tỉnh rất cần các thành tụ để chứng minh kết quả của ban lãnh đạo mới, vì vậy cho nên trong khoảng một thời gian ngắn đã triển khai rất nhiều các biện pháp ưu đãi có thể có tác động ngắn hạn và để lại những hệ quả mà thế hệ sau về môi trường hay nợ nần…"

Vì vậy Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần phải có một chính sách cân bằng hơn đối với đầu tư nước ngoài, chọn lọc hơn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quá nhỏ, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn : RFA, 20/03/2024

************************

Cán bộ cấp chiến lược có là 'tinh hoa' của đất nước ?

RFA, 19/03/2024

Mới đây, tại phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu cho rằng : ‘Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp 'tinh hoa' của đất nước, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược…’

canbo2

Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược - một nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng từ Sài Gòn hôm 19/3/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Cứ nhìn thấy bao nhiêu cán bộ chiến lược bị ở tù, mà có phải là tù đế quốc thực dân đâu, ở tù chính là do lò ông Trọng đưa vô, rồi biến thành củi của lò ông Trọng… để thấy rằng là cái câu của ông Trọng nói bị chính ông Trọng phản biện một cách mỉa mai như thế nào ?"

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, bất kỳ xã hội nào cũng cần cán bộ lãnh đạo có tài, có đức… Nhưng vấn đề ở chỗ trên thực tế, làm thế nào để biến yêu cầu đó thành chuyện thực tiễn, chứ không phải chỉ là mơ ước. Thực tế ở Việt Nam theo ông Dũng điều đó vẫn chỉ là mơ thôi. Ông Dũng nói tiếp :

"Tài đức hay không có thể được đo lường bằng thực tiễn, các ông lãnh đạo làm ăn như thế nào ? Đời sống nhân dân lên đến đâu nhờ vào quyết sách của các ông lãnh đạo ? Cái lò của bác Trọng ngày càng rực lửa cho thấy các cán bộ chiến lược ấy nếu các vị ấy tài đức, thì chắc là chỉ có hai khả năng xảy ra. Một là các ông ấy bị đưa vào lò do oan, hoặc không oan… thì thật sự họ không có tài đức. Càng ngày người dân Việt Nam càng thấy rằng khả năng thứ hai là đúng. Nghĩa là các ông ấy không oan gì hết. Mà có lẽ còn nhiều các vị đáng đưa vô lò mà chưa đưa vô".

Cho nên Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, nói rằng người cán bộ lãnh đạo có tài, có đức… căn bản vẫn chỉ là mơ ước thôi.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, hôm 19/3/2024 khi nói với RFA từ Hà Nội cho rằng :

"Mỗi một người nghĩ tinh hoa theo một nghĩa khác nhau. Nếu tinh hoa dịch từ chữ elite chẳng hạn, thì elite không có nghĩa là tinh hoa, là tinh túy, là những gì cao đẹp, hay những gì cao sang nhất… nó chỉ đơn thuần có nghĩa là những người có quyền thế, có quyền lực mà thôi. Tôi không hiểu ông Trọng hiểu thế nào là tinh hoa ?"

Liên quan vấn đề tài đức của cán bộ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :

"Vấn đề có tài, có đức cũng khá là phức tạp. Hiểu thế nào là tài ? ‘Tài’ chỉ là có năng lực, có sáng tạo, sắc sảo trong ra quyết định… thì là một nghĩa. Nhưng chữ ‘tài’ cũng có nghĩa là khôn lõi, biết luồn lách. Cho nên thật sự hoàn toàn phụ thuộc vào người ta hiểu những từ ngữ đấy như thế nào ? Còn về ‘đức’ cũng là một khái niệm khá mù mờ. Nếu người ta hiểu có ‘đức’ nghĩa là phải biết tôn trọng người khác, phải có đạo đức tốt là một chuyện. Nhưng ‘đức’ cũng có thể có nghĩa như thời cổ, là phải tôn trọng vua…"

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ nói cán bộ cấp chiến lược có đủ bản lĩnh, trí tuệ để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược… mà ông Trọng còn nói để bảo vệ sự sống còn của chế độ.

Từ Na Uy hôm 19/3/2024, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA :

"Nếu cán bộ cấp chiến lược của Đảng là những người thực sự có đức và có tài, Việt Nam chắc chắn đã trở thành một cường quốc ở khu vực. Ai cũng biết tham nhũng hiện đã trở thành một đại nạn của quốc gia. Tham nhũng hiện diện ở khắp nơi, ở đủ các ban ngành. Tham nhũng đã phá hủy mọi nỗ lực dựng xây đất nước. Ai tham nhũng ? Chỉ có cán bộ mới có cơ hội để tham nhũng. Cán bộ càng ở vị trí trọng yếu càng tham nhũng mạnh. Các vụ như Việt Á hay đại án Trương Mỹ Lan gần đây đã cho thấy một phần của tảng băng chìm".

Cán bộ cấp chiến lược không có đức, nhưng vấn đề quan trọng hơn cho quốc gia theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, là họ cũng chẳng có tài. Chính vì không có tài, nên ngoài những khẩu hiệu hô suông, những chính sách đưa ra liên tục vấp phải những sai lầm lớn hoặc không có tác dụng thúc đẩy phát triển quốc gia. Hậu quả là mức sống của người dân Việt Nam trung bình vẫn còn ở khoảng cách rất xa so với những nước phát triển khác trong khu vực. Vì quá nghèo và thiếu cơ hội phát triển mà rất nhiều người dân Việt Nam mỗi khi có dịp sang nước ngoài thường tìm cách trốn ở lại bất chấp các rủi ro về an ninh. Ông Vũ nói tiếp :

"Muốn biết rằng cán bộ cấp chiến lược của Đảng cộng sản có thực sự là tầng lớp tinh hoa của đất nước hay không thì không khó. Chỉ cần cho các cán bộ cấp chiến lược của Đảng cộng sản ra tranh cử sòng phẳng trong một cuộc bầu cử tự do với các ứng viên độc lập khác.

Nếu các cán bộ của Đảng thể hiện một sự xuất sắc trước công chúng và sau đó thực hiện các chính sách tốt, thì lúc đó mới có thể nói rằng cán bộ chiến lược của Đảng cộng sản là tầng lớp tinh hoa của đất nước".

Nhưng theo ông Vũ, chắc chắn một điều rằng Đảng cộng sản sẽ không tự nguyện mở một cuộc bầu cử tự do để các cán bộ chiến lược của mình ra tranh cử sòng phẳng và tự do. Ông Vũ lý giải :

"Bởi vì làm điều đó là tự sát : đa số cán bộ chiến lược của Đảng cộng sản sẽ rớt. Họ biết chắc điều đó và điều đó đồng nghĩa rằng họ biết rằng các cán bộ chiến lược của họ còn lâu mới đạt tới trình độ mặt bằng trung bình của giới trí thức Việt Nam chứ chưa nói đến là tầng lớp tinh hoa của đất nước".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nếu Đảng cộng sản có nhiều lãnh đạo có đức, có tài thì đó quả thật là hồng phúc cho dân tộc, và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một quốc gia phú cường từ rất lâu. Thực tế theo ông Vũ đã chứng minh ngược lại, Đảng cộng sản đã đưa Việt Nam đi từ thất bại này đến khủng hoảng khác và hậu quả là khoảng cách về mức sống trung bình giữa người dân Việt Nam và các nước phát triển trong khu vực vẫn còn ở mức rất xa.

Nguồn : RFA, 19/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 192 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)