Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/03/2024

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng trên Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng hợp

Pháp, Mỹ hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu

Thu Hằng, RFI, 17/03/2024

Pháp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấp 42 triệu euro cho Việt Nam từ nay đến năm 2028 để tài trợ cho việc gia cố công trình ngăn sói lở bờ biển ở thành phố Hội An. Còn Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam "Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long" với ngân sách 2,9 triệu đô la.

khihau1

Người nông dân trên cánh đồng lúa khô hạn giữa đợt nắng nóng kéo dài ở tỉnh Cà Mau, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ảnh ngày 23/02/2024. AFP - TAN DIEN

Thỏa thuận giữa Việt Nam bộ Tài Chính Pháp và Liên Hiệp Châu Âu được ký ngày 16/03. Trong số 42 triệu euro, 35 triệu là khoản vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (Agence français du Développement - AFD), 2 triệu euro dưới hình thức viện trợ không hoàn lại của Liên Hiệp Châu Âu và 5 triệu là phần của Việt Nam.

Theo kế hoạch, bãi biển Cửa Đại sẽ được gia cố bằng 7 điểm được xây bằng bê tông và đổ cát để tạo một bãi biển dài 5 km. Mục đích là khôi phục bờ biển, bảo vệ nhà ở và các công trình phục vụ du lịch để hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Ông Olivier Brochet, đại sứ Pháp tại Việt Nam, được trang VnExpress trích dẫn, cho biết Paris muốn cùng với Việt Nam, thông qua cơ quan AFD, thực hiện những mục tiêu ưu tiên liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Ông hy vọng dự án sẽ giúp giải quyết các vấn đề do lũ lụt và sói mòn gây ra và cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Trước đó một ngày, ngày 15/03, Hoa Kỳ cũng thông báo khởi động với Việt Nam Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Theo giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs, dự án có giá trị 2,9 triệu đô la "góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của chúng tôi (Mỹ) với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ".

Trang USAID nhắc lại đồng bằng sông Cửu Long và các hệ sinh thái ven bờ là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Thông qua dự án mới này, USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ven biển, tăng cường công tác quản lý bền vững nguồn lợi biển nhằm giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng địa phương ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo trang VnExpress ngày 17/03, được AFP trích dẫn, tình trạng nước mặn xâm lấn vựa lúa miền nam có thể khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 3 tỉ đô la thu hoạch hàng năm.

Thu Hằng

******************************

Việt Nam chịu tổn thất gần 3 tỷ USD mùa vụ mỗi năm do nước mặn thâm nhập

RFA, 17/03/2024

Việt Nam phải chịu tổn thất đến gần 3 tỷ USD mùa vụ mỗi năm do nước mặn thâm nhập.

khihau2

Trong những năm qua, hạn mặn tiếp tục xảy ra tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Một số kênh, rạch tại các địa phương khô cạn. Ảnh : Nhật Hồ

AFP loan ngày 17/3 dẫn nguồn từ một nghiên cứu mới do Viện Khoa học Tài Nguyên Nước thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam thực hiện và VnExpress đưa tin.

Tổn thất chủ yếu đối với 13 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, "vựa lúa" của Việt Nam nơi cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người trong nước. Tỉnh chịu tác động nhiều nhất là Cà Mau với mức tổn thất được tính là chừng 665 triệu USD mùa vụ mỗi năm. Tiếp đến là Bến Tre ở mức chừng 472 triệu USD.

Hiện tượng thâm nhập mặn thường xảy ra vào mùa khô ; tuy nhiên nước mặn thâm nhập mỗi lúc một tăng do mực nước biển dâng, hạn hán, thủy triều biến động và thiếu nước ngọt từ thượng nguồn đổ về.

Vào đầu tháng này, Bộ Tài Nguyên- Môi trường đưa ra cảnh báo tình trạng thâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến chừng 80.000 ha lúa và trái cây tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Còn Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung ương cho biết thâm nhập mặn thời kỳ 2023-2024 cao hơn trung bình.

Vào tháng hai vừa qua, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chịu đợt nắng nóng kéo dài bất thường dẫn đến hạn hán và nước xuống mức thấp trong các kênh rạch.

Nguồn : RFA, 16/03/2024

******************************

Kiên Giang : đóng bảy cửa cống Cái Lớn để ngăn mặn

RFA, 16/03/2024

Đơn vị quản lý cống Cái Lớn - Cái Bé thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác Thủy Lợi miền Nam đã đóng 7/11 cửa cống tại cống Cái Lớn ở Kiên Giang để ngăn mặn.

khihau3

Cống ngăn mặn Cái Lớn đóng từ 9 đến 11 van để điều tiết nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn cũng như bảo vệ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 16/3, xác nhận đơn vị quản lý quyết định chỉ đóng 7/11 cửa cống thay vì 9/11 như kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam, cho biết trên tờ Lao động rằng, nếu độ mặn tại trạm cầu Cái Tư vẫn tiếp tục tăng cao >1‰, công ty phối hợp với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vận hành các cụm cống QP5, QP6, QP7 và QP8 để hỗ trợ tiêu rút mặn.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, dự báo độ mặn cao nhất mùa khô 2023-2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng hai tháng 3 và 4 và khả năng kết thúc muộn, mặn xâm nhập sâu vào các ngày triều cường. Dự báo, đợt hai đang diễn ra và sẽ kết thúc và ngày 17/3/2024.

Trước đó, Công ty Khai thác thủy lợi Miền Nam lên kế hoạch, trong khoảng thời gian xuất hiện các đợt triều cường, tình hình xâm nhập mặn khu vực thượng lưu cống Cái Lớn vượt ngưỡng 1‰ thì vận hành đóng từ chín đến đóng hoàn toàn 11/11 cửa van cống Cái Lớn.

Các ngày còn lại trong tháng, tùy theo tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn, cống Cái Lớn sẽ vận hành linh hoạt đóng từ năm đến bảy cửa van cống, tối đa đóng chín cửa.

Theo ông Việt Anh, khi đóng hoàn toàn cống Cái Lớn, Cái Bé, mực nước tại trạm hạ lưu cống Cái Lớn tăng cao khả năng vượt +1,20m. Dự báo tình trạng ngập xảy ra ở các vị trí trũng thấp khu vực hạ lưu (phía biển), như dọc theo hạ lưu cống Cái Lớn, cống Xẻo Rô (phía biển, bờ An Biên), gồm các xã Hưng Yên, xã Tây Yên A có khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng ngập úng sân vườn, nhà khoảng 20-30cm.

Ông Việt Anh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, Công ty giao Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thực hiện, phân công vận hành, kiểm tra giám sát thường xuyên diễn biến mực nước, chất lượng nước và vận hành các cống theo kế hoạch. Công ty cũng đề nghị UBND huyện Châu Thành, An Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong nâng cao tạm thời bờ bao ở các nơi xung yếu...

Trước đó (12/3/2024), để đối phó với hạn mặn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra kiến nghị dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên kiến nghị của ông Tam gặp phải sự phản ứng từ giới chuyên gia.

Nguồn : RFA, 16/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, RFA tiếng Việt
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)