Ngày mai
Lời người dịch : Vào năm 1919 Yevgeny Zamyatin viết bài này như một tuyên ngôn của giới trí thức Nga trong buổi giao thời trong tờ báo tên Ngày Mai ở Petrograd. Tờ báo bị đình bản sau số đầu tiên. (TQV)
Mỗi ngày hôm nay đồng thời là nôi và vải liệm : vải liệm cho ngày hôm qua, nôi cho ngày mai. Ngày hôm nay, ngày hôm qua, và ngày mai đều gần như nhau, và xa như nhau. Những ngày này là những thế hệ, những ngày này là ông, cha, và cháu. Và cháu luôn luôn thương và ghét cha ; cha luôn luôn ghét và thương ông.
Ngày hôm nay phải chết – vì ngày hôm qua đã chết, và vì ngày mai sẽ sinh ra. Quy luật như thế là tàn nhẫn và đúng đắn. Tàn nhẫn, vì nó khiến cho những ai hôm nay đã thấy những đỉnh cao xa xăm của ngày mai phải bất mãn vô tận ; đúng đắn, vì bất mãn vô tận là sự bảo đảm duy nhất cho sự tiến lên vô tận, cho sự sáng tạo vô tận. Người mà đã tìm thấy lý tưởng của mình ngày hôm nay, đã biến thành cột muối như vợ của Lot, đã chìm vào đất và không tiến xa hơn nữa. Thế giới tiếp tục tồn tại là chỉ nhờ vào các nhà bất đồng chính kiến : Chúa Giê su là nhà bất đồng chính kiến, Copernicus là nhà bất đồng chính kiến, Tolstoy là nhà bất đồng chính kiến. Biểu tượng đức tin của chúng ta là bất đồng chính kiến : ngày mai tất yếu là bất đồng chính kiến đối với ngày hôm nay, mà đã biến thành cột muối, và bất đồng chính kiến đối với ngày hôm qua, mà đã tan thành cát bụi. Ngày hôm nay phủ định ngày hôm qua, nhưng ngày mai là phủ định của phủ định. Đây là con đường biện chứng bất biến mà cuốn thế giới vào vô tận theo một đường parabol hùng vĩ. Chính đề ngày hôm qua, phản đề ngày hôm nay, và hợp đề ngày mai.
Ngày hôm qua có Nga hoàng, và có nô lệ ; ngày hôm nay không có Nga hoàng, nhưng vẫn còn nô lệ ; ngày mai sẽ chỉ có các Nga hoàng. Chúng ta đi tới nhân danh người tự do của ngày mai – Nga hoàng. Chúng ta đã sống qua kỷ nguyên đàn áp quần chúng ; chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đàn áp cá nhân nhân danh quần chúng ; ngày mai sẽ mang lại sự giải phóng cá nhân nhân danh con người. Các cuộc chiến tranh, đế quốc và nội chiến, đã biến con người thành công cụ của chiến tranh, thành con số, thành người vô giá trị. Con người bị lãng quên, vì ngày Sabbath. Chúng ta muốn nhớ lại điều khác là ngày Sabbath vì con người.
Vũ khí duy nhất xứng đáng với con người – với con người của ngày mai – là lời. Bằng lời, trí thức Nga, văn học Nga, đã đấu tranh trong hàng chục năm vì con người cao cả ngày mai. Và ngày hôm nay đã đến lúc lại cầm vũ khí này lên một lần nữa. Con người đang chết. Con người đứng thẳng đang đi bằng bốn chân, đang mọc răng nanh và lông ; con thú đang ngự trị trong con người. Thời đại Trung cổ tàn bạo đang trở lại, giá trị con người đang rơi thẳng đứng, làn sóng tàn sát người Do Thái Châu Âu đang diễn ra. Không thể nào im lặng được nữa. Đã đến lúc phải thét to lên : người với người là anh em !
Chúng tôi kêu gọi trí thức Nga hãy bảo vệ con người, và những giá trị con người. Chúng tôi không kêu gọi những ai mà không chấp nhận ngày hôm nay nhân danh sự trở lại ngày hôm qua, chúng tôi không kêu gọi những ai mà ngày hôm nay đã làm cho họ điếc đặc ; chúng tôi chỉ kêu gọi những ai mà thấy ngày mai xa xăm – và phán xét ngày hôm nay nhân danh ngày mai, nhân danh con người.
Từ sách thành người
Lời người dịch : Trân trọng tặng tác giả Phạm Đoan Trang và nhà xuất bản Tự Do bản dịch ngắn này. (TQV)
Khi các con tôi ra phố mà ăn mặc tồi tàn, tôi cảm thấy xấu hổ. Khi bọn trẻ mất dạy ở đằng sau góc đường ném đá các con tôi, tôi đau lòng. Khi bác sĩ giải phẫu mang dao hay kéo đến gần các con tôi, tôi nghĩ tôi ước gì ông cắt mổ trên chính người tôi.
Các con tôi là sách của tôi : tôi không có con nào khác.
Có những cuốn sách có thành phần hóa học giống như mìn. Khác biệt duy nhất là một thỏi mìn nổ một lần, còn một cuốn sách nổ ngàn lần.
Con người không còn là con khỉ, đánh bại con khỉ, vào ngày cuốn sách đầu tiên được viết ra. Cho đến ngày này con khỉ vẫn không quên hận : hãy thử đưa cho nó một cuốn sách xem - nó ngay lập tức sẽ làm hỏng sách, xé nát sách, làm nhơ bẩn sách.
23 tháng Mười Hai, 1928
Yevgeny Ivanovich Zamyatin
Nguyên tác : "A Soviet Heretic : Essays by Yevgeny Zamyatin", bản dịch tiếng Anh của Mirra Ginsburg, nhà xuất bản The University of Chicago Press, 1970, trang 131. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Yevgeny Ivanovich Zamyatin (1884-1937) là nhà văn phản kháng Liên Xô. Tác phẩm " Chúng tôi" nổi tiếng nhất của ông được xuất bản ở nước ngoài vào năm 1927. Từ đấy ông bị lên án ở Nga. Tuy nhiên Stalin cho phép ông và vợ được xuất ngoại vào năm 1931, không bao giờ trở lại. Ông qua đời ở Pháp.
Thế giới hiện nay đang phẳng hóa rất nhanh khi những cách biệt về địa lý, vốn, máy móc… đang tiến tới bị xóa nhòa thì sự cạnh tranh để phát triển tất yếu phải dựa vào nguồn lực tri thức và sáng tạo. Đào tạo những con người sáng tạo phải là mục tiêu của nền giáo dục quốc gia.
Chia sẻ của cô giáo Trần Thị Mỹ Hà về quyết định trên
Do đó, "triết lý giáo dục cần phải chuyển sang hướng đào tạo con người tự do, để họ có thể tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, thay vì đào tạo con người công cụ như mục đích của hệ thống hiện thời" (Giáp Văn Dương, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 8/5/2017).
Triết lý đó phản ánh nhu cầu phát triển đặt ra với nền giáo dục, và nếu không đáp ứng được, khoảng cách tụt hậu của nước ta so với trung bình thế giới chắc chắn sẽ ngày càng nhanh chóng xa hơn !
Có nhiều biểu hiện cho thấy nền giáo dục nước nhà, buồn thay, đang quay lưng hay chống lại các đòi hỏi từ nhu cầu mới của đất nước.
Cách đây không lâu, một học sinh lớp 12, vì viết trên Facebook của mình những dòng chê thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, đã bị Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Kiến Tường mời lên làm việc về nội dung trên. Cũng trong ngày 6/3, T. đã xóa nội dung này trên trang Facebook cá nhân. Tiếp đó, ngày 16.3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật T. với hình thức khiển trách, lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường Trung học phổ thông (Tuổi Trẻ Online, ngày 1/6/2017).
Cách đây một năm, cô giáo Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ Văn trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, vì đăng một status trên trang Facebook của cô không đồng tình với một đề nghị của thành phố Hà Nội, bị chi bộ trường Trần Nhân Tông phạt cảnh cáo.
Trong cả hai sự kiện, nhiều người không hiểu tại sao lại có sự can thiệp của nhà trường. Bài viết trên Facebook, dù có phổ biến trên mạng, được coi là bài viết riêng trên trang nhà cá nhân. Bài viết lại nêu quan điểm rất rõ ràng, trình bày công khai và minh bạch trước công chúng, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tại sao trường lại chen vô ? Không thích thì không xem, không đồng ý thì tranh luận công khai. Nếu bài viết xúc phạm hay vu khồng cá nhân hay tổ chức nào đó, thì cá nhân hay tổ chức đó kiện người viết. Trường lấy tư cách gì mà chen vào ?
Một câu hỏi khác nữa là : Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông có quyền "mời cô Hà lên làm việc" vì status của cô không ? Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Kiến Tường có quyền mời học sinh T. lên làm việc về nội dung status của em và sau đó ra quyết định kỷ luật hay không ? Ở một xứ như Pháp hay Mỹ chẳng hạn, cô giáo có quyền không đi dự buổi làm việc đó vì "chuyện của cá nhân tôi, không ăn thua gì các ông". Hoặc giả, cô đi dự và khi nhận quyết định cảnh cáo, cô có quyền kiện nhà trường về quyết định đó. (Học sinh T. cũng có quyền như vậy).
Câu hỏi thứ ba, theo tôi, quan trọng hơn nhiều : Hai sự việc xảy ra cách nhau một năm, tại hai đầu đất nước, nói lên điều gì ? Giữa hai sự việc đó là một chuỗi các sự việc, độc lập nhau nhưng hòa cùng tiết tấu, cho thấy hình như có một sợi dây xuyên suốt các sự việc. Ở một môi trường khai phóng và tôn trọng con người, cách hành xử như vậy không được chấp nhận và gây một làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Tại sao ở Việt Nam những sự việc đó được lặp đi lặp lại ? Phải chăng cách tổ chức xã hội của Việt Nam nếu không ủng hộ thì cũng dung dưỡng cách hành xử như thế ?
Các sự việc cho thấy trong môi trường giáo dục Việt Nam, thầy cô và học sinh rất nhỏ bé trước cơ quan, tổ chức, ban giám hiệu. Cô giáo và bạn học sinh lớp 12 kia đều quá tuổi làm chứng minh nhân dân, quá tuổi đi bầu. Cô giáo là một người trưởng thành, có nghề nghiệp đàng hoàng, có vai trò truyền thụ kiến thức và tác phong sống cho học sinh, mà cứ bị xem như, và bị "xử" như một đứa con nít, mỗi lời nói, hành vi là bị nạt nộ, trừng mắt, hăm he hay vuốt đầu khen thưởng ! Làm sao cô giáo thành người lớn cho nổi ? Làm sao cô giáo thành một người tự do như Giáp Văn Dương mong muốn được ?
Trở lại câu nói của Giáp Văn Dương được trích bên trên, tôi không biết mục đích của hệ thống giáo dục hiện thời có phải là "đào tạo con người công cụ" hay không, nhưng với cách hành xử như thế thì nhiều sản phẩm của nền giáo dục sẽ là con người công cụ. Khi trong trường học, thầy cô và học sinh có nhiều tính cách công cụ và tuân phục thì xã hội có ít tính sáng tạo và độc lập, quốc gia thiếu năng lực phát triển.
Có phải các sự việc như trên chỉ xảy ra trong lãnh vực giáo dục ? Không, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch qua cách đối xử gần đây với các ca khúc, cách hành xử trước các tiếng nói phản biện trong vụ bán đảo Sơn Trà… cho thấy bộ này có cùng lối tư duy và cung cách hành xử.
Có phải tất cả các sự việc đó cho người ta cảm giác rằng trong hệ thống này thì các cơ quan chức năng có nhiều tính công cụ và lệ thuộc mà kém tính sáng tạo và đột phá ? Khi cơ quan là cơ quan công cụ thì hệ thống không thể là hệ thống "kiến tạo" và tôi e rằng các quan chức quản lý cấp cao còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu chính phủ kiến tạo.
Muốn có kiến tạo, phải chăng một trong các việc căn bản đầu tiên cần làm là xác định tinh thần độc lập, tự do tư duy và sáng tạo như là một trong các giá trị cốt lõi ?
Lê Học Lãnh Vân
Nguồn : Một Thế Giới, 02/07/2017