Khi "Nốt Thăng" bị giáng xuống Ban Kinh tế trung ương, bình tâm nhìn lại, có lẽ Đinh La Thăng mới cám cảnh khuông nhạc điêu bạc ngoa ngoắt đến thế nào.
Đinh La Thăng (trái) và Nguyễn Phú Trọng
Mới chỉ một năm trước, cũng những tờ báo ấy, thậm chí những nhà báo ấy, còn chạy theo Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng để vơ hớt từng lời, từng câu vàng ngọc, ngợi ca không hề ngượng miệng trên mặt báo. Một năm sau, báo chí đã chứng minh hùng hồn về chuyện làm cho chính khách "xuống chó" chỉ sau một đêm.
Luận cho cùng, Đinh La Thăng không có được cái may mắn của Nguyễn Bá Thanh.
Hai số phận
Có người nhận xét rằng nếu Nguyễn Bá Thanh không rơi vào một cái chết đầy nghi ngờ mà còn sống đến ngày nay, chắc gì ông đã xử thế nổi cái mớ bòng bong hỗn tạp trong giới lãnh đạo Đà Nẵng hiện thời. Mà không xử lý được, Nguyễn Bá Thanh sẽ mất uy tín. Còn nếu ông Thanh sa vào cuộc chiến phe phái thời hậu Đại hội 12 thì kể như toi hết công sức và uy tín của ông từ trước tới nay.
Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Bá Thanh từ giã sự nghiệp chính trị gần như trên đỉnh cao, được phần lớn báo chí Việt Nam và người dân Đà Nẵng thật lòng tiếc thương. Một cái chết khá đẹp.
Đinh La Thăng lại có được khởi đầu tương tự với làn sóng tung hô Nguyễn Bá Thanh khi ông Thanh ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính trung ương. Vào lúc ông Thăng từ Bộ Giao thông vận tải về Sài Gòn làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, báo chí đã như "lên đồng" chạy theo ông với những lời tụng ca như "quyết đoán", "dũng cảm"…, thậm chí còn đưa ông lên tầm "nhà kỹ trị" và "người hùng".
Nhưng giữa Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng lại có một sự khác biệt lớn. Khi được tung hô và tụng ca, ông Thanh cùng lắm cũng chỉ tuyên ngôn "bắt liền, hốt liền" theo lối bồng bột, mà không quá tự tin để tăng trưởng đầu óc mình đến mức "Thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông", "Thành phố Hồ Chí Minh phải cố gắng có được giải Nobel y học"… như Đinh La Thăng.
Kết quả của thói "tự sướng Đinh La Thăng" đã khiến về sau này ngày càng nhiều người trong giới hưu trí và cán bộ lão thành Nam Bộ than thở về ông : "đi đâu cũng báo, làm gì cũng báo". Văn phòng thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã được ông Thăng sử dụng như một cơ quan chuyên trách về báo chí, liên hệ và đặt lịch để các tờ báo ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tờ báo tuyên trung ương cử phóng viên bám sát Bí thư Thăng mỗi khi ông kinh lý ở các sở ngành, quận huyện. Mỗi lời ông nói ra đều được báo chí ghi lại và chọn những lời đắt giá để truyền thông. Trong ít nhất nửa đầu năm 2016, Đinh La Thăng đã nghiễm nhiên trở thành ủy viên bộ chính trị có tần suất xuất hiện dày đặc nhất, dày đặc hơn hẳn 18 gương mặt mờ nhạt khác.
Nhưng còn bây giờ thì sao ?
Chẳng khó khăn gì, người ta đã chứng kiến thái độ quay ngoắt của báo chí đối với Đinh La Thăng ngay vào lúc Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật đối với ông. Ngay cả tờ báo lớn nhất Sài Gòn, được coi là "ruột" của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và không ít lần xăng xái đưa tin bài ca ngợi Bí thư Thăng, đã không ngần ngại quay ngược chiều công kích thủ trưởng cũ của mình.
Chỉ có rất ít tiếng nói tỏ ra đôi chút thiện cảm, bao biện cho Đinh La Thăng. Nhưng rất nhiều tờ báo lại tỏ ra chưa từng quen biết ông.
Quy luật thăng - giáng thời xôi thịt. Có cả những phóng viên từng lợi dụng mối quan hệ với một Đinh La Thăng vẫn còn giữ thói quen dám chi bao thư đậm ở Petro Vietnam, nay im bặt.
Hình ảnh quay ngoắt của báo chí đối với thân phận Đinh La Thăng rất xứng đáng là một bài học kinh khủng cho tất cả các "chính khách" thời nay. Hẳn là không ít nhà báo đã tiếp thu quá nhanh và quá thành thục thói lá mặt lá trái từ giới quan chức của "đảng và nhà nước ta" để sẵn sàng quay lưng với nhau chỉ sau một đêm.
Báo chí thời xôi thịt bẩn tưởi
Báo chí và báo giới nhà nước ở Việt Nam vẫn nổi tiếng là thụ động và vô cảm. Trong khi phong trào dân chủ và xã hội dân sự đã khởi xướng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ mùa hè năm 2011 đến nay, trong khi vô số nhiễu nhương và tai ương giáng xuống đầu dân oan đất đai và nạn nhân của ô nhiễm môi trường Formosa, tuyệt đại đa số trong hơn 800 tờ báo nhà nước vẫn cúi đầu khép miệng. Chỉ có một ít nhà báo còn bức xúc, còn tâm huyết, nhưng không làm cách nào để chuyển tải được nỗi bất mãn và phản kháng của họ lên mặt báo nên đành buông bút.
Bất chấp một số bài viết lên án sự vô cảm của đồng loại, báo chí vẫn hiển hiện như một mặt trận vô cảm không thua sút. Những nội dung phổ biến mà độc giả trong nước được thưởng ngoạn trên báo chí chính thống vẫn rất thường là các tin tức giật gân, câu khách, hay nói như dân gian là logic "cướp giết hiếp"… Chẳng có mấy tờ báo còn đủ tự trọng để đánh động dư luận về những chuyện bất công xã hội vốn đang đầy rẫy ở xứ sở được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tự tin "dân chủ gấp vạn lần tư sản".
Không có lấy một lối thoát khả dĩ cho báo chí trong việc lên tiếng đánh thức lương tâm và chế ngự tính vô cảm tràn lan trong xã hội. Những phóng viên có nghề và có tâm huyết dần dần bỏ viết, rời khỏi báo, trong khi những nhà báo trẻ kế cận lại chưa thể kế thừa kinh nghiệm và phong cách của lớp đi trước. Còn lại, đại đa số hàng ngũ tổng biên tập mới chính là một dấu ấn đặc trưng cho "nhà báo quan chức" hoặc "trí thức cận thần" khép miệng trùm mền..
Khép miệng trùm mền trước quá nhiều nỗi đau xã hội, nhưng lại sẵn sàng lao vào bợ đỡ giới chính trị để cấu xé lẫn nhau trong những cuộc chiến quyền lực và tranh giành tiền bạc.
Vì tiền, chỉ vì tiền, sẵn sàng vùi dập nước mắm truyền thống của nông dân để làm đầy túi hơn cho các "đại gia". Ngay cả những tờ báo được xem là "lớn" cũng đầy mùi ô uế như thế.
Lại có một lối kiếm tiền khác, không kém màu mỡ, vừa nảy nòi. Khi bầu không khí trở nên hết sức căng thẳng trước đại hội 12, hầu hết các tờ báo nhà nước đều im bặt mà chỉ theo dõi những diễn biến sôi sục của đủ các loại đơn thư tố cáo nội bộ tung hứng nhảy nhót trên mạng xã hội. Nhưng đến trước Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 thì một bộ phận báo chí nhà nước lại "đồng chí" với nhau đến mức kinh ngạc với nhau trong một chiến dịch triệt hạ tung tóe trong nội bộ đảng.
Đinh La Thăng là một bằng chứng sống động, một nạn nhân của thứ báo chí như vậy, vào cái thời xôi thịt bẩn tưởi của quy luật thăng - giáng cùng thân phận "xuống chó" chỉ sau một đêm.
Nhưng cái đêm ấy có lẽ còn dài, dài lắm. Nốt giáng mang tên Ban Kinh tế trung ương còn tạm bợ lắm, như thể "giai đoạn quá độ" trước một nốt giáng mạnh hơn. Nếu bi kịch này xảy ra, Đinh La Thăng sẽ còn nhiều cơ hội để nhìn thấy những tờ báo "cánh hẩu" đối nhân xử thế với ông cạn tàu ráo máng đến thế nào…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 15/05/2017
Người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa ra nhiều ý kiến trái chiều sau khi ông Đinh La Thăng "bị cảnh cáo" và "mất ghế Bộ Chính trị".
Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 7/5 đã ra quyết định trên, với "tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%)", trong buổi họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "chủ trì và điều hành".
Trang Faceook của chính phủ Việt Nam cho biết rằng dù trong 35 năm làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thăng "có những đóng góp nhất định", ông đã "mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng" trong khi lãnh đạo cơ quan nhà nước này từ năm 2009 tới 2011.
Trong phần bình luận dường như đã được "sàng lọc" phía dưới tin này, ý kiến đầu tiên nói rằng đây là quyết định "sáng suốt".
Vụ việc liên quan tới ông Thăng khiến cái tên của quan chức trực ngôn này trở nên "hot" trên Facebook hôm 7/5 với hàng chục nghìn lượt tìm kiếm.
Trên một trang không rõ nguồn gốc có tên Đinh La Thăng, tin về vụ cảnh cáo ông thu hút được hơn một nghìn bình luận, một Facebooker tên Thophuong Nguyen viết : "Tiếp tục mạnh mẽ như bản tính vốn có của mình ông Đinh La Thắng nhá... Không bao giờ lùi bước".
Thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng về vụ cảnh cáo ông Thăng không nói chi tiết các "khuyết điểm, vi phạm" của ông là gì, nhưng theo báo điện tử VnExpress, quan chức trực ngôn này "được cho là đã có một số quyết định đầu tư gây thất thoát vốn và ban hành một số văn bản trái pháp luật, vi phạm quy chế làm việc".
Về việc này, một Facebooker tên Công Trần nhận xét trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ rằng "dân sai phạm gây hậu quả nhỏ thì tù tội, còn đảng sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ kỷ luật cảnh cáo thôi sao ? ? ?"
Trong khi đó, bạn đọc Minh Đức viết : "Ông Đinh La Thăng có bị trừng phạt thì cũng không làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch hơn. Ông Đinh La Thăng mà không bị trừng phạt thì cũng không làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam xấu xa hơn".
Còn một bạn đọc khác có tên Hoang John viết cho VOA tiếng Việt : "…còn nhiều chuột lắm, cái thể chế này nuôi và đẻ ra chuột có những con lão luyện chén hết cả đất cả rừng cả biển... ! Bác Trọng đã bắt đầu diệt chuột trong bình cảm ơn cảm ơn !".
Cách đây ba năm, trong cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội, người lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam tuyên bố rằng "phải bình tĩnh, tỉnh táo" trong cuộc chiến chống tham nhũng, và "diệt chuột đừng để vỡ bình", "giữ cho được cái ổn định".
Sau khi được bầu vào Bộ Chính trị rồi được chỉ định làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Thăng từng tuyên bố "không chấp nhận thành phố tụt hậu như một định mệnh" mà phải giành lại ngôi vị "Hòn ngọc viễn Đông".
Một bạn đọc tên Tuấn Nguyễn viết trên trang Facebook của VOA tiếng Việt : "Hòa bình lâu rồi nhưng những cuộc chiến ngầm còn đang sôi sục lắm ? Thôi rồi, còn đâu mơ ước Hòn ngọc Viễn Đông ?"
*********************
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, thôi ủy viên bộ chính trị (VOA, 07/05/2017)
Hôm 7/5, Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp về kỷ luật ông Đinh La Thăng (ảnh tư liệu)
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức "cảnh cáo" và "cho thôi giữ chức" Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.
Thông tin về việc kỷ luật ông Thăng, hiện là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, được nêu trong thông cáo báo chí về phiên họp hôm 7/5 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, thường gọi là Hội nghị Trung ương 5.
Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết với tỉ lệ phiếu rất cao, trên 90%, về biện pháp kỷ luật ông Đinh La Thăng.
Để đi đến quyết định kỷ luật, Ban chấp hành Trung ương đã xác định rằng ông Thăng "đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng" trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011.
Ban chấp hành Trung ương nêu rõ rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Thăng đã "ảnh hưởng xấu" đến uy tín của "cấp ủy", "tổ chức đảng" và cá nhân ông Thăng, "gây bức xúc" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến.
Thông cáo cho hay Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp của Ban Chấp hành hôm 7/5 về xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ.
Tại phiên họp này, ông Đinh La Thăng đã phát biểu ý kiến nhưng thông cáo không cho biết ông đã bày tỏ những gì trước khi quyết định kỷ luật được đưa ra.
Những đồn đoán về chức vụ của ông Thăng bị lung lay đã xuất hiện từ cuối tháng 4 sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 4 về các sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi ông Thăng từng nắm các chức vụ quan trọng nhất từ 2009-2011.
Ủy ban Kiểm tra khẳng định ông Thăng có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 "không phù hợp với quy định pháp luật" để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu "trái pháp luật" ; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn hồi năm 2008 với Oceanbank ; quyết định đầu tư tràn lan nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp ; một số dự án bị dở dang, thua lỗ kéo dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngày 27/4, Ủy ban đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng - hai cơ cấu quyền lực cấp cao nhất của đảng - "xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Thăng.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với VOA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định một khi Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật ông Đinh La Thăng, vị trí bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh "có lẽ sẽ không còn thích hợp" với ông. Tiến sĩ Doanh cho rằng "chắc chắn sẽ có một người khác về làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".
Trước phiên họp của Ban chấp hành Trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu ông Trọng và đội ngũ của ông "thành công trong việc kỷ luật ông Thăng", có thể "ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng".
Tiến sĩ Hiệp nói việc "cách các chức vụ trong quá khứ" gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là "không loại trừ khả năng" hình thức này sẽ được áp dụng cho cả "các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’", tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam.
***********************
Hội nghị Trung ương lần thứ năm ngày 7/5 thông báo quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị với ông Đinh La Thăng (Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 27/4, Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2015 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên dẫn đến nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, khó thu hồi với tổng số tiền rất lớn.
Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 đến 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của PVN trong giai đoạn này.
Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, giai đoạn 2009 -2015, được cho có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra cho hay, ông Thăng đã ký ban hành Nghị quyết số 233 dẫn đến việc Ban tổng giám đốc Tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
Ông Thăng cũng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18/09/2008, giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN và Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank. Nội dung văn bản thể hiện Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên ; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành ; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi Hội đồng quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Cựu Chủ tịch PVN cũng chịu trách nhiệm trong việc ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ ; tham mưu Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không đảm bảo quy định của pháp luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu, ông Đinh La Thăng đã chấp thuận cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật đấu thầu năm 2005.
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải ; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp ; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Cho rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Đinh La Thăng là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân", Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 90% đồng ý kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
Với việc ông Đinh La Thăng thôi chức, Bộ Chính trị khóa XII còn 18 thành viên.
Ông Đinh La Thăng năm nay 57 tuổi, có học vị tiến sĩ, quê Nam Định. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII ; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII. Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khóa XII hồi tháng 1/2016. Đầu tháng 2/2016, ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đề xuất xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy ban Kiểm tra còn quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 với ông Phùng Đình Thực ; cách chức Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 với ông Đỗ Văn Hậu ; khai trừ Đảng ông Nguyễn Xuân Sơn nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN (ông này đã bị khởi tố) ; cảnh cáo ông Nguyễn Quốc Khánh nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Phó tổng giám đốc.
Hoàng Thùy
************************
Ông Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, mất ghế Bộ Chính trị (BBC, 07/05/2017)
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị 5, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang nhóm họp
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và mất chức Ủy viên Bộ Chính trị, theo truyền thông chính thống của Việt Nam.
BBC Tiếng Việt điểm nhanh những nội dung chính được các báo đồng loạt đưa trong nửa cuối ngày 07/5/2017, tính theo giờ Việt Nam :
Ông Thăng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, báo Tuổi trẻ Online đưa tin.
"Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết trên 90%," báo Tuổi trẻ cho hay.
Tờ Tiền phong viết :
"Sau khi nghe đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ; và nghe đồng chí Đinh La Thăng phát biểu ý kiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị.
"Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy : Đồng chí Đinh La Thăng, mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị Đồng chí giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 - 2011, Đồng chí đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân Đồng chí, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng."
Ông Đinh La Thăng mới được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam cách đây không lâu.
'Tổng Bí thư chủ trì'
Cùng ngày, báo VnEconomy cũng cho biết :
"Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Đây là quyết định được đưa ra ngày 7/5, tại hội nghị Trung ương 5 đang diễn ra từ 5/5 đến 10/5.
"Thông cáo báo chí từ Văn phòng Trung ương cho biết, sáng 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều hành phiên họp."
Cuối ngày, báo Zing.vn cho hay thêm :
"Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) chủ trì, điều hành phiên họp kỷ luật cán bộ lãnh đạo hôm 07/5, tại Hội nghị Trung ương 5, theo báo chí Việt Nam.
"Trước đó, ngày 5/5, phát biểu tại ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết trong tháng 3/2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 7 ngày để tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng."
Vẫn theo báo này, từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy ban kiểm tra) đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp này, Ủy ban kiểm tra đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
"Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009-2011,
"Trong đó, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng ủy Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.
"Sau khi chỉ ra nhiều vi phạm của ông Đinh La Thăng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền," báo Zing.vn đưa tin hôm Chủ nhật.
**********************
Ông Đinh La Thăng thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị (Đất Việt, 07/05/2017)
(Chính trị Việt Nam) - Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu kỷ luật ông Đinh La Thăng với hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.
90% Đại biểu đồng thuận kỷ luật ông Đinh La Thăng
Sáng 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và điều hành phiên họp.
Sau khi nghe ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ; và nghe ông Đinh La Thăng phát biểu ý kiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị.
Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu kỷ luật ông Đinh La Thăng với hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy ông Đinh La Thăng có quá trình công tác gần 35 năm có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị ông giữ cương vị lãnh đạo.
Tuy nhiên trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 - 2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân ông, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Ông Đinh La Thăng có nhiều sai phạm
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và một số cá nhân có liên quan.
Theo đó, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng ủy Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ;
Ông Thăng cũng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải ; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.
Ngoài ra, một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Ông Đinh La Thăng, sinh ngày 10/09/1960, quê ở Nam Định. Ông Thăng có học vị tiến sĩ, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI và XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.
Từ năm 1983-1988, ông Thăng công tác tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, là Kế toán viên, Phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng công ty, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty.
Giai đoạn 1989-1994, ông Thăng là Phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng, Ủy viên Ban Thưởng vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng.
Từ năm 1995-3/2001, ông Thăng là Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Sông Đà ; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Giai đoạn từ 4/2001-10/2003, ông Thăng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà. Đại biểu quốc hội Khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Từ 11/2003-12/2005, ông Thăng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế. Đại biểu quốc hội Khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
1/2006-12/2008, ông Thăng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Từ tháng 12/2008, ông Đinh La Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ Giao thông vận tải.
Từ tháng 2/2016, ông Đinh La Thăng được điều động làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàng Hà