Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Trước đó, ông cũng đã thôi chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

dinhtiendung0

Ông Đinh Tiến Dũng là người mới nhất rời Bộ Chính trị trong khóa 13

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 21/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại hội nghị, Trung ương Đảng đã xem xét để ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 Thành phố Hà Nội, thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác.

Đảng xử lý ông Đinh Tiến Dũng

Tại hội nghị ngày 21/6, Trung ương Đảng đánh giá ông Đinh Tiến Dũng là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được "tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng ở trung ương và địa phương, trong quá trình công tác luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp vào thành tích chung trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác".

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021, ông Đinh Tiến Dũng đã "vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để Ban cán sự đảng, Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước".

Cũng theo thông báo của Trung ương Đảng, ông Đinh Tiến Dũng "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân" nên đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng nêu : "Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Đinh Tiến Dũng, Trung ương Đảng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13".

Trước đó, ngày 19/6, Bộ Chính trị đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 Thành phố Hà Nội.

Như vậy, ông Đinh Tiến Dũng là ủy viên Bộ Chính trị thứ 7 mất chức, sau các trường hợp ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai.

Ông Đinh Tiến Dũng mất chức do vụ việc gì ?

Tương tự các trường hợp ủy viên Bộ Chính trị mất chức gần đây, thông báo của Trung ương Đảng đối với ông Đinh Tiến Dũng không nêu cụ thể lỗi vi phạm hoặc vụ việc cụ thể nào.

Trong một bình luận hồi tháng 3 nhân trường hợp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), lý giải với BBC :

"Việc không đưa ra sai phạm ở đâu, vị trí nào là để tránh việc khi đưa ra thông tin ấy, thì người gắn liền với thông tin ấy không chỉ chịu xử lý về mặt Đảng mà còn về hình sự. Nó sẽ khiến cho Đảng rơi vào tình thế rất lưỡng nan về câu chuyện : đã là lãnh đạo cấp cao, tới cấp 'Tứ Trụ', mà bị xử lý thì ảnh hưởng rất nhiều uy tín của Đảng".

Đây được đánh giá là cách xử lý của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm giúp các quan chức lãnh đạo cấp cao có thể "hạ cánh an toàn", hay như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "rút lui trong danh dự".

"Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi… Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất", ông Nguyễn Phú Trọng nói trong một cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 5/2023.

Trước ông Dũng, đã có 6 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "xin thôi" theo cách này, gồm : bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ, ông Võ Văn Thưởng, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Bình Minh.

Sau khi được cho "thôi chức" thì những người này không còn bị xử lý thêm nữa, chẳng hạn xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.

Các chế độ đối với cựu cán bộ vẫn được giữ nguyên, có thể thấy là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn có mặt đều đặn tại các kỳ họp hoặc sự kiện lớn của đất nước.

Giờ đây, trường hợp của ông Đinh Tiến Dũng cũng tương tự. Các sai phạm của ông mà Đảng lấy làm căn cứ để "cho thôi" đã không được nêu cụ thể.

Tuy nhiên, trong thông báo của Bộ Chính trị vào ngày 19/6 đối với việc xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 thì tổ chức đảng này "đã không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước" về các hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn An Đông ; trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC.

Có thể thấy, theo kết luận của Bộ Chính trị, tổ chức đảng do ông Dũng lãnh đạo trong giai đoạn 2016-2021 đã "thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ" liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và liên quan đến quản lý nhà nước về ngân sách (vụ AIC).

Đây là những chi tiết rõ nhất mà công chúng qua đó có thể hình dung về cái mà Đảng cộng sản cho là sai phạm của ông Đinh Tiến Dũng, dẫn đến việc cho ông "thôi" tất cả các chức vụ.

Không còn là chống tham nhũng ?

dinhtiendung2

Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức (từ trái qua) : ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ, bà Trương Thị Mai, ông Đinh Tiến Dũng.

Với sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Chính trị tụt xuống còn 15, sau khi mới bổ sung 4 người gần đây để bù đắp số lượng hao hụt, thất thoát kể từ đầu khóa 13.

Ở thời điểm sau Đại hội Đảng 13 (đầu năm 2021), Bộ Chính trị có 18 ủy viên.

Sự ra đi của ông Dũng cũng khiến Bộ Chính trị mất đi một người có nền tảng về kinh tế. Hiện trong 15 người còn lại, chỉ có ông Lê Minh Hưng là có xuất thân từ lĩnh vực kinh tài.

Những người còn lại là các nhà lý luận, cán bộ đảng, hoặc công an, quân đội.

Đánh giá với BBC News Tiếng Việt, một nhà phân tích ẩn danh từ Hà Nội nói rằng điều này cho thấy Bộ Chính trị ngày càng "hồng" hơn.

"Đây là điều không hề có lợi cho đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức cũng như có nhiều cơ hội cần nhận diện để tận dụng như hiện nay", nhà phân tích này nói.

Cũng theo người này, khái niệm "đốt lò" hay "chống tham nhũng" giờ đã không còn đúng như tên gọi và mục đích ban đầu nữa. Ông cho rằng nó đang được sử dụng vào mục đích cạnh tranh quyền lực.

Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam mà BBC phỏng vấn cũng đánh giá rằng chiến dịch "đốt lò" đã thất bại. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng chiến dịch đốt lò đã được các phe nhóm lợi dụng để phục vụ cho lợi ích của mình, trong bối cảnh công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

Trả lời BBC hồi cuối tháng 4, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội nói rằng vấn đề quan trọng là "phải bắt trúng bệnh gốc".

"Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia", ông nói.

"Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền.

"Ông điều tra, ông công tố và ông tòa án phải hoạt động độc lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Ban Nội chính, Ban Bí thư, hay Đảng cộng sản Việt Nam", ông đúc kết.

Trong một bình luận trước đây, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), cũng nói với BBC News tiếng Việt rằng cuộc chiến chống tham nhũng đã được sử dụng vào mục đích triệt hạ các đối thủ chính trị.

Nguồn : BBC, 21/06/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Vết chàm của Đinh Tiến Dũng trong vụ khủng hoảng cấm xuất khẩu gạo năm 2020

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa được thăng tiến làm Bí Thư Hà Nội, vùng trũng mà bao nhiêu tài sản quốc gia đổ dồn về. Chức vụ đó cũng là bậc thang, là cánh cửa trực tiếp để lọt vào Tứ Trụ. Tầm và tài của ông Dũng thế nào ? Sự sáng suốt công minh trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chiến lược của Tổng Trọng và tập thể Bộ Chính trị có thể nhìn thấy qua vụ khủng hoảng cấm, cho xuất khẩu gạo xảy ra tròn một năm trước.

 

dung1

Tân Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng thời còn là Bộ trưởng Tài chính trong một phỏng vấn ở London, Anh hôm 4/7/2019 - Reuters

Đầu năm 2021, truyền thông lề Đảng hả hê công bố thành tích xuất khẩu gạo "năm 2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn với giá trị 3,07 tỷ USD, tuy giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng tới 9,3% về giá trị so với năm 2019….

Nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoản 1.500 - 2.000 đồng/kg ; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ" (1).

Luồng thông tin một chiều ấy đã bỏ quên một sự thật là do ảnh hưởng Covid-19, trong năm 2020, lượng gạo thế giới tiêu thụ mạnh, giá gạo thế giới tăng cao. Thêm lợi thế gạo ST 25 được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới nên giá gạo Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua gạo Thái Lan. Thế nhưng vào tháng 3/2020, trong khi lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch, các doanh nghiệp đang nhộn nhịp xuất khẩu, giá lúa tăng lên 500 đồng/kg sau nhiều năm dậm chân tại chỗ thì ngày 23-2 Văn Phòng Chính Phủ đột ngột ra thông báo 121/TB-VPCP theo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về ngưng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Có thông tin cho rằng từ đề xuất này là của ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương.

Điều kỳ quặc là chỉ một ngày sau, ông Trần Tuấn Anh lại có công văn đề nghị ngừng thực hiện thông báo 121, có nghĩa là ngừng việc cấm xuất khẩu gạo.

Ngày tiếp theo (25/3), VPCP lại có thông báo mới là tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, hợp đồng đã ký sẽ xem xét cụ thể, các bộ ngành liên quan kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo để điều chỉnh việc xuất khẩu gạo (2).

Nhưng thực chất hoạt động thu mua, chế biến xuất khẩu gạo đang vận hành nhộn nhịp bị dừng lại. Nông dân khóc ròng vì giá mới tăng đã giảm lại không bán được vì Tổng cục Hải quan đã có văn bản hỏa tốc gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với mặt hàng gạo từ 0g ngày 24/3.

dung2

Gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2017. Reuters

Doanh nghiệp hốt hoảng vì lúa gạo đã mua ùn tứ từ kho bải đến các cảng phát sinh chi phí và có nguy cơ bị phạt, bị mất khách hàng vì không giao hàng đúng hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ Công thương hứng bao búa rìu dư luận vì tiền hậu bất nhất. Bộ Công thương lý giải việc tạm dừng là để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp và đề nghị cho tiếp tục xuất là tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp

Vì sao Bộ Công thương đề nghị và chính phủ đột ngột dừng xuất khẩu gạo ? Những văn bản qua lại cứ nhấn nhá nỗi lo mất an toàn lương thực trong khi Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng kết sản xuất vụ đông xuân đã khẳng định, với sản lượng lương thực đã có đủ để ăn và dự trữ quốc gia, và vẫn còn dư hơn 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Ngược dòng thời gian trong vòng tuần lễ trước đó, dư luận báo chí rộ lên thông tin theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 929.000 tấn, gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về giá trị, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD. Nhiều tờ báo đồng loạt giật tít lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 600%. Báo Hải Quan còn nhấn nhá một biểu đồ cao ngất ngưởng về sự chênh lệch lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 và cùng kỳ 2019 làm người ta hốt hoảng về âm mưu Trung Quốc mua gom gạo Việt Nam (2b). Cái luồng dư luận ấy về con số 600% làm các thành viên Chính phủ từ ông Trần Tuấn Anh đến Nguyễn Xuân Phúc tối mặt mà không để ý rằng lượng gạo Trung Quốc mua trong hai tháng chỉ có 62.000 tấn, tức là bằng 1% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng có một thông tin khác nghiêm trọng hơn mà thời điểm ấy không ai công bố đó là Tổng cục Dự trữ (Bộ Tài Chính) đã không thực hiện được kế hoạch mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia. 28 doanh nghiệp được giao thầu bán gạo dự trữ đã "xù" không thực hiện hợp đồng do giá gạo cuối tháng 3 tăng cao hơn giá lúc ký hợp đồng.

Mãi đến giữa tháng 4 mới có thông tin theo thống kê của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tính đến thời điểm ngày 17/4, có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn. Trong khi 24 doanh nghiệp khác từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với số lượng 172.100 tấn (3).

Trong văn bản góp ý với Bộ Công thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính cho biết chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 do Thủ tướng giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ thường.

"Trước tình hình nhu cầu xuất khẩu tăng, nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho quốc gia khoảng 178.000 tấn có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng, không thực hiện thương thảo hợp đồng". Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Sau khi mua đủ theo kế hoạch được giao sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp với thực tế.

dung3

Gạo đóng góp được tập trung để phát cho người nghèo tại các máy phát gạo thời kỳ dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam năm 2020. Reuters

Nhiệm vụ của Tổng Cục dự trữ là vừa bảo đảm an toàn lương thực, vừa góp phần bình ổn giá nhưng giá gạo vừa mới nhích lên thì Bộ Tài chính lại mượn danh mất an toàn lương thực tác động dừng xuất khẩu gạo để bảo đảm kế hoạch thu mua. Chỉ vì 172.000 tấn dự trữ mà phải chặn dòng chảy tự nhiên của hơn 6,5 triệu tấn, chặn đứng cơ hội của hàng triệu nông dân và nền xuất khẩu gạo của quốc gia. Các doanh nghiệp và các nhà quản lý vẫn còn nhớ như in một bài học đau xót phải trả giá trên 10 năm là năm 2009 cũng vì sợ mất an toàn lương thực, cấm xuất khẩu gạo trong lúc thị trường thế giới đang lên giá, Việt Nam đã đánh mất thị trường và giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Thái Lan cùng loại trên dưới 50 USD/tấn.

Điều đau xót là thông tin từ mạng xã hội đã phát hiện ra những doanh nghiệp thắng thầu cung cấp gạo cho Tổng Cục dự trữ hầu hết là các doanh nghiệp địa bàn miền núi, vùng cao nơi không đủ gạo ăn phải thường xuyên cứu đói.

Tư duy quản lý ngừng xuất khẩu, đè giá gạo để thu mua dự trữ của Bộ Tài chính trong trường hợp này là giết cả đàn trâu để cứu sống một con chuột. Điều đáng nói là sự vô trách nhiệm của Tổng cục dự trữ và các doanh nghiệp vi phạm được Bộ Tài chính xuê xoa như chuyện bình thường, ngược lại họ còn được tiếp tục ưu đãi trong các công đoạn tiếp theo. Tổng cục dự trữ được phép tổ chức đấu thầu lần 2 (4).

Ngày 18/5, Cục Dự trữ một số khu vực công bố kết quả đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Đáng chú ý trong danh sách trúng thầu gạo đợt này, có nhiều doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng cung cấp gạo đợt đấu thầu đầu lần trước.

Ước tính với việc đấu thầu 182.300 tấn gạo lần 2 so với giá trúng thầu trước đó thì mỗi tấn gạo Nhà nước phải bỏ thêm 1,3 - 2,2 triệu đồng. Tính bình quân là 1,7 triệu đồng/tấn thì Nhà nước phải tốn thêm khoảng 300 tỉ đồng (5).

Qua áp lực của dư luận, các nhà khoa học, Bộ Nông nghiệp kiến nghị, chính quyền các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Long An, đến giữa tháng 4, Chính phủ đã cho xuất theo định mức 400.000 tấn. Đến phần mình, Tổng cục Hải quan đã chơi trò xiếc mới, cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vào 0g ngày 12/4 và chỉ trong vài tiếng đồng hồ thì đã làm xong thủ tục thông quan chỉ tiêu 400.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ hụt hẫng do không biết để đăng ký. Có doanh nghiệp được thông quan đến trên 90.000 tấn, chiếm gần 1/4 hạn ngạch cả nước trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác không hề hay biết. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đưa gạo ra cảng nằm chờ gần một tháng trời lại không được thông quan. Đây là cách làm bất minh tạo ra sự bất công rất lớn mà dư luận cho rằng có hiện tượng sân trước sân sau (6).

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp được đăng ký thông quan trong đêm có 4 doanh nghiệp từng xù hợp đồng cung ứng gạo dự trữ là Tổng công ty Lương thực miền Bắc đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. Công ty cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn (7).

Tắc trách trong tổ chức mua lương thực dự trữ không đạt yêu cầu, phải gỡ gạc bằng việc đưa thông tin ảo về việc Trung Quốc để cấm xuất khẩu gạo, dìm giá nông dân là một tội ác. Khi mưu đồ bất thành, phải đấu giá lại, làm ngân sách thiệt hại trên 300 tỉ đồng là sự thiếu trách nhiệm. Tạo ra màn xiếc thông quan điện tử lúc nửa đêm để thủ lợi cho các doanh nghiệp sân sau là hành vi tham nhũng hối mại quyền lực. Tất cả những việc làm thối nát ấy là từ hai cơ quan chủ lực của Bộ Tài Chính có sự tiếp tay trực tiếp của ông Đinh Tiến Dũng qua các văn bản trình đi tấu lại.

Ấy vậy mà khi bị Quốc hội chất vấn, ông Dũng to tiếng đánh bùn sang ao, trút trách nhiệm cho Bộ Công thương và nhận thành tích về mình.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình rằng : "Cơ quan Hải quan cho xuất khẩu gạo tiếp là theo quyết định của Bộ Công thương

Theo quy định, điều 29 Luật Hải quan thì khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan dược khai tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ.

"Tóm lại, Hải quan điện tử và 24/7 được quy định trong luật và nghị định của Chính phủ, cơ quan hải quan phải thực hiện", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, đây là nỗ lực của cả hệ thống tổ chức trong nước và nước ngoài, được các tổ chức trong nước và nước ngoài đánh giá cao, cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam (8).

Trên cương vị mới, đứng dầu vùng đất màu mỡ, những thủ thật bao che cho lợi ích nhóm, đàn chuột quanh ông Dũng sẽ cắt xén ngân sách và tiền của người dân thủ đô ra tấm ra miếng. Đó cũng là quy luật chung của thể chế này.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 11/04/2021

________________

1. https://dangcongsan.vn/thoi-su/xuat-khau-gao-viet-nam-thang-lon-trong-nam-2020-572819.html

2. https://tuoitre.vn/tam-ngung-ky-hop-dong-xuat-khau-gao-moi-hop-dong-da-ky-se-xem-xet-cu-the-20200325124446844.htm

2b. https://vietnambiz.vn/nhu-cau-nhap-khau-gao-tu-trung-quoc-bat-ngo-tang-gan-600-20200320120346064.htm

3. https://tienphong.vn/diem-mat-24-28-doanh-nghiep-xu-trung-thau-gao-du-tru-quoc-gia-post1232668.tpo

4. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-400000-tan-gao-mo-to-khai-luc-nua-dem-doanh-nghiep-am-uc-20200413173104646.htm

5. https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-tung-xu-hop-dong-van-trung-thau-gao-du-tru-quoc-gia-20200518212127548.htm

6. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-400000-tan-gao-mo-to-khai-luc-nua-...

7. https://tienphong.vn/diem-mat-24-28-doanh-nghiep-xu-trung-thau-gao-du-tr...

8. https://danviet.vn/bo-truong-dinh-tien-dung-co-quan-hai-quan-cho-xuat-kh...

Additional Info

  • Author Gió Bấc
Published in Diễn đàn