Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Trước đó, ông cũng đã thôi chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Đinh Tiến Dũng là người mới nhất rời Bộ Chính trị trong khóa 13
Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 21/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.
Tại hội nghị, Trung ương Đảng đã xem xét để ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 Thành phố Hà Nội, thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác.
Đảng xử lý ông Đinh Tiến Dũng
Tại hội nghị ngày 21/6, Trung ương Đảng đánh giá ông Đinh Tiến Dũng là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được "tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng ở trung ương và địa phương, trong quá trình công tác luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp vào thành tích chung trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác".
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021, ông Đinh Tiến Dũng đã "vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để Ban cán sự đảng, Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước".
Cũng theo thông báo của Trung ương Đảng, ông Đinh Tiến Dũng "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân" nên đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng nêu : "Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Đinh Tiến Dũng, Trung ương Đảng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13".
Trước đó, ngày 19/6, Bộ Chính trị đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 Thành phố Hà Nội.
Như vậy, ông Đinh Tiến Dũng là ủy viên Bộ Chính trị thứ 7 mất chức, sau các trường hợp ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai.
Ông Đinh Tiến Dũng mất chức do vụ việc gì ?
Tương tự các trường hợp ủy viên Bộ Chính trị mất chức gần đây, thông báo của Trung ương Đảng đối với ông Đinh Tiến Dũng không nêu cụ thể lỗi vi phạm hoặc vụ việc cụ thể nào.
Trong một bình luận hồi tháng 3 nhân trường hợp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), lý giải với BBC :
"Việc không đưa ra sai phạm ở đâu, vị trí nào là để tránh việc khi đưa ra thông tin ấy, thì người gắn liền với thông tin ấy không chỉ chịu xử lý về mặt Đảng mà còn về hình sự. Nó sẽ khiến cho Đảng rơi vào tình thế rất lưỡng nan về câu chuyện : đã là lãnh đạo cấp cao, tới cấp 'Tứ Trụ', mà bị xử lý thì ảnh hưởng rất nhiều uy tín của Đảng".
Đây được đánh giá là cách xử lý của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm giúp các quan chức lãnh đạo cấp cao có thể "hạ cánh an toàn", hay như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "rút lui trong danh dự".
"Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi… Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất", ông Nguyễn Phú Trọng nói trong một cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 5/2023.
Trước ông Dũng, đã có 6 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "xin thôi" theo cách này, gồm : bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ, ông Võ Văn Thưởng, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Bình Minh.
Sau khi được cho "thôi chức" thì những người này không còn bị xử lý thêm nữa, chẳng hạn xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự.
Các chế độ đối với cựu cán bộ vẫn được giữ nguyên, có thể thấy là cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn có mặt đều đặn tại các kỳ họp hoặc sự kiện lớn của đất nước.
Giờ đây, trường hợp của ông Đinh Tiến Dũng cũng tương tự. Các sai phạm của ông mà Đảng lấy làm căn cứ để "cho thôi" đã không được nêu cụ thể.
Tuy nhiên, trong thông báo của Bộ Chính trị vào ngày 19/6 đối với việc xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 thì tổ chức đảng này "đã không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước" về các hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn An Đông ; trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC.
Có thể thấy, theo kết luận của Bộ Chính trị, tổ chức đảng do ông Dũng lãnh đạo trong giai đoạn 2016-2021 đã "thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ" liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và liên quan đến quản lý nhà nước về ngân sách (vụ AIC).
Đây là những chi tiết rõ nhất mà công chúng qua đó có thể hình dung về cái mà Đảng cộng sản cho là sai phạm của ông Đinh Tiến Dũng, dẫn đến việc cho ông "thôi" tất cả các chức vụ.
Không còn là chống tham nhũng ?
Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức (từ trái qua) : ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ, bà Trương Thị Mai, ông Đinh Tiến Dũng.
Với sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Chính trị tụt xuống còn 15, sau khi mới bổ sung 4 người gần đây để bù đắp số lượng hao hụt, thất thoát kể từ đầu khóa 13.
Ở thời điểm sau Đại hội Đảng 13 (đầu năm 2021), Bộ Chính trị có 18 ủy viên.
Sự ra đi của ông Dũng cũng khiến Bộ Chính trị mất đi một người có nền tảng về kinh tế. Hiện trong 15 người còn lại, chỉ có ông Lê Minh Hưng là có xuất thân từ lĩnh vực kinh tài.
Những người còn lại là các nhà lý luận, cán bộ đảng, hoặc công an, quân đội.
Đánh giá với BBC News Tiếng Việt, một nhà phân tích ẩn danh từ Hà Nội nói rằng điều này cho thấy Bộ Chính trị ngày càng "hồng" hơn.
"Đây là điều không hề có lợi cho đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức cũng như có nhiều cơ hội cần nhận diện để tận dụng như hiện nay", nhà phân tích này nói.
Cũng theo người này, khái niệm "đốt lò" hay "chống tham nhũng" giờ đã không còn đúng như tên gọi và mục đích ban đầu nữa. Ông cho rằng nó đang được sử dụng vào mục đích cạnh tranh quyền lực.
Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam mà BBC phỏng vấn cũng đánh giá rằng chiến dịch "đốt lò" đã thất bại. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng chiến dịch đốt lò đã được các phe nhóm lợi dụng để phục vụ cho lợi ích của mình, trong bối cảnh công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 đang bước vào giai đoạn quyết liệt.
Trả lời BBC hồi cuối tháng 4, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội nói rằng vấn đề quan trọng là "phải bắt trúng bệnh gốc".
"Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia", ông nói.
"Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A chỉ ra rằng Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền.
"Ông điều tra, ông công tố và ông tòa án phải hoạt động độc lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Ban Nội chính, Ban Bí thư, hay Đảng cộng sản Việt Nam", ông đúc kết.
Trong một bình luận trước đây, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), cũng nói với BBC News tiếng Việt rằng cuộc chiến chống tham nhũng đã được sử dụng vào mục đích triệt hạ các đối thủ chính trị.
Nguồn : BBC, 21/06/2024