Hoàng Bách trò chuyện Tiến sĩ Đinh Xuân Quân
+ Biểu tình đang lan rộng sang các thành phố khác, trong đó có Houston.
+ Vệ binh Quốc gia được gởi đến các tiểu bang để ngăn ngừa biểu tình bạo động.
+ Chính phủ không tìm cách hạ nhiệt, mà còn "đổ thêm dầu vào lửa".
+ G7 mâu thuẫn khi Tổng thống Trump mời Nga tham gia vào khối.
Nguồn : Hoangbach Channel, 03/06/2020
Hoàng Bách trò chuyện cùng Đinh Xuân Quân và Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn : Hoangbach Channel, 09/06/2020
Ngày 7/8/2019, theo chuyên gia phân tích Devin Thorne, Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (Center for Advanced Defense Studies C4ADS), các dữ kiện cho thấy tàu "Hải Dương Địa Chất 8" của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhưng hai tàu hộ tống Trung Quốc còn lảng vảng trong khu vực.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh (giữa) cùng bạn bè phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, 6/8/2019.
Từ tháng 7, có tranh chấp giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc làm việc trong khu vực độc quyền kinh tế Việt Nam. Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nỗi lên khi chuyên gia Hoa Kỳ nói nhiều tàu Trung Quốc quấy nhiễu các tàu Nga và dàn khoan Hakuryu của Nhật do hãng dầu khí Nga (Rosneft) mướn.
Theo Twitter của Ryan Martison (Đại học Quân sự Hải quân Hoa Kỳ - US Naval War College) được nhiều báo chí trích dẫn, có hai diễn biến mới khác nhau đáng chú ý liên quan đến hoạt động của các tàu Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam.
1. Từ ngày 3/7 đến 17/7/2019 tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính - Vũng Mây. Đi theo bảo vệ tàu này còn nhiều tàu Trung Quốc trong đó là tàu hải giám trên 10.000 tấn, số hiệu 3901, và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Cùng lúc có nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam.
2. Dữ kiện thứ hai, theo Ryan Martinson, thì từ ngày 18/6 tàu cảnh sát biển Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nặng số hiệu 35111 của Trung Quốc neo đậu cách Bãi Tư Chính 40 dặm về phía tây (hôm 12/7 tàu này di chuyển đến Bãi Chữ Thập và đã quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính). Tàu này luẩn quẩn quanh dàn khoan Hakuryu-5, ở lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
Mãi đến ngày 19/7 thì các thông tin này mới được phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định. Như vậy, sau một thời gian, Biển Đông lại trở nên dậy sóng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các chính sách trấn an của Việt Nam đối với Trung Quốc không làm giảm tranh chấp, không làm bớt lòng tham của Trung Quốc. Vậy Việt Nam phải làm gì để giải quyết tình trạng bất ổn này ?
Các dữ kiện về tranh chấp dầu khí
Trái với vụ tàu Hải Dương 981 năm 2014, đây là một khu rõ ràng trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam nơi có dự án liên doanh giữa Tập đoàn Rosneft của Nga với VietsovPetro của Việt Nam. Tại đây, Rosneft của Nga đã mướn một công ty Nhật thực hiện hợp đồng khoan dầu khí ở vùng biển phía đông nam Việt Nam.
Vụ Bãi Tư Chính bùng nổ từ đầu tháng 7/2019 cho thấy một vụ khác xảy ra ngay trước đó : Từ đầu tháng 6, Trung Quốc bắt đầu có động thái cản trở việc hãng Rosneft của Nga, và hành vi đó kéo dài từ đó đến nay.
Cũng nên nhớ trước đây, vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, các tàu Trung Quốc bao vây Bãi Tư Chính để gây sức ép buộc Repsol - công ty Tây Ban Nha liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải rút khỏi mỏ dầu khí nhưng chưa đụng chạm trực tiếp đến mỏ dầu khí của Rosneft. Việc này làm cho công ty Repsol của Tây Ba Nha phải rút lui. Sau vụ Hải Dương 981, Nga chưa liên tiếng về vụ tàu Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính.
Sự kiện thứ hai là Tàu Hải Dương 8, được hỗ trợ bởi từ vài ba chục đến mức cao điểm là 80 tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vào khu vực Bãi Tư Chính - gấp nhiều lần so với tàu hải cảnh của Việt Nam trong cùng khu vực.
Chính sách Việt nam và thế giới về Biển Đông
Chính sách Hoa Kỳ :
Sau 1972, Kissinger đã cho Trung Quốc thấy các ảnh vệ tinh về việc Liên sô sẽ dùng hạt nhân vũ khí nguyên tử nếu có chiến tranh với Trung Quốc. Hoa Kỳ lôi kéo Trung Quốc về phía họ chống Nga. Hậu quả là khi có Hoàng sa, hạm đội Mỹ làm ngơ khi hải quân Trung Quốc đánh Việt NamCH.
Sau 1975, Việt Nam rêu rao "đỉnh cao trí tuệ loài người, v.v". Thủ Tướng Phạm văn Đồng đi khắp Đông Nam Á như một nước đã thắng Hoa Kỳ làm nhiều nước sợ Việt Nam và càng bị cấm vận.
Trước khi "dạy Việt Nam một bài học", Đặng Tiểu Bình đàm phán với Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter và HK cũng cho Trung Quốc cũng biết là Liên Xô không động binh. Từ 1981, Việt Nam rút quân khỏi Cambodia và làm hòa với các nước láng giềng và gia nhập ASEAN. Từ 2005, Việt Nam tiến gần Hoa Kỳ và lập lại bang giao. Năm 2016, Tổng thống Obama cho phía Việt Nam thấy là họ sẽ không can thiệp lật đổ chế độ - công nhận Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong suốt thời gian 1979-1991, Việt Nam còn tiếp tục đụng độ với Trung Quốc, trong đó 1988, Trung Quốc chiếm thêm một hòn đảo tại Trường Sa (Bãi Johnson reef). Từ đó tới giờ Trung Quốc từ từ xây các đảo nhân tạo và tiếp tục ăn hiếp Việt Nam bằng cách đánh chìm các tàu đánh cá Việt Nam (mà phía Việt Nam gọi là "tàu lạ"), cấm đánh cá tại Biển Đông vv. Trong những năm đó tới nay, Trung Quốc có chính sách ‘lấy thịt đè người’, ăn hiếp láng giềng, tìm cách lấn lướt và ăn cướp quyền lợi chính đáng của các nước láng giềng. Điều này ngày càng lộ rõ.
Từ Hội nghị Thành Đô vào tháng 9/1990, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam là chịu phục Trung Quốc. Việt Nam bỏ Liên Xô nghiêng hẳn về Trung Quốc. Họ quan tâm đến việc giữ chế độ - giữ quyền lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Hậu quả là quyền lợi của Việt Nam bị xem nhẹ.
Cuộc tranh chấp Hoa Kỳ - Trung Quốc thay đổi hẳn mọi việc. Việc Ngoại trưởng Hillary Clinton viếng Hà Nội năm 2010, Việt Nam có xích gần Hoa Kỳ hơn. Việt Nam có phần "mở hơn về quan điểm", có những bước "thay đối quan trọng" trong mối quan hệ Việt-Mỹ" nhưng vẫn tiếp tục đánh đu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việc xích lại Mỹ, Việt Nam chậm chạp và đòi hỏi thời gian vì chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam sau Thành Đô.
Từ 2010 đã có chính sách "xoay trục" của Hoa Kỳ và sự hiện diện của sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chính sách tự do đi lại theo luật quốc tế theo luật biển UNCLOS cũng thay đổi phần nào. Đến nay Hoa Kỳ đã lên tiếng thêm là Trung Quốc không nên dùng sức mạnh "ăn hiếp các nước trong vùng".
Năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông, đã có những bước tiến quan trọng. Trong nhiều năm, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ lên tiếng và Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng chống Trung Quốc.
Từ 2018 -2019 đã có sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Trung. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Biển Đông chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc "gây bất ổn" trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chính sách Trung Quốc :
Trong một thời gian rất lâu, Trung Quốc dùng chính sách thân thiện với Hoa Kỳ để tranh thủ dùng thời gian xây các đảo nhân tạo, dùng "chính sách tầm ăn dâu" chiếm Biển Đông. Họ không khi nào gây quá khó khăn để các nước bên ngoài Biển Đông phải can thiệp.
Tập Cận Bình và các quan chức phủ nhận việc họ "có gene đế quốc" hay theo Bộ trưởng quốc phòng là chưa bao giờ Trung Quốc xâm lược một quốc gia nào từ trước tới đây. Người Việt Nam thì ai cũng hiểu Trung Quốc "nói một đằng làm một nẻo".
Hết việc cấm đánh cá tới việc xây dựng đảo nhân tạo đến việc cho dân quân dọa nạt, đánh, phá rối Philippines, hay các quốc gia ASEAN khác như Malaysia và Indonesia.
Ngoài ra họ còn dùng tiền mua nhiều quốc gia trong ASEAN (Lào, Cambodia) gây chia rẽ và khó khăn trong việc thống nhất tiếng nói của tổ chức này trong việc thương thuyết về Biển Đông. Trung Quốc bị Philippines kiện vào 2016 và Trung Quốc đã thua. Tòa trọng tài Quốc tế không cống nhận chủ quyền "theo lịch sử" và dĩ nhiên đường "lưỡi bò". Họ dùng tiền để bịt miệng Philippnes.
Chính sách "tầm ăn dâu" của Trung Quốc càng ngày càng dồn Việt Nam vào chân tường. Nói tóm, chính sách của Trung Quốc là dùng mọi thủ đoạn để chiếm tài nguyên dầu khí vùng Biển Đông từ một nơi không có tranh cãi đền chỗ tranh cãi qua mọi thủ đoạn.
Hiện nay Trung Quốc đang gặp một số khó khăn :
1. Khó khăn tại Hong Kong : Dân Hong Kong không tin vào lời hứa để cho khu này tự trị. Việc này đang gây sóng gió cho nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc ;
2. Khó khăn tại Đài Loan : Hình ảnh Hong Kong cho thấy mô hình Trung Quốc dụ Đài Loan không mấy khả thi ;
3. Khó khăn tại Tân Cương : Bị quốc tế tố là giam giữ người Ngô Duy Nhĩ trong nhà tù khổng lồ ;
4. Khó khăn tại Biển Đông về chủ quyền : Tòa trọng tài quốc tế không công nhận chủ quyền dựa trên lịch sử và hình lưỡi bò. Trung Quốc không công nhận phán quyết tòa trọng tài (vì tòa không có các thi hành án nhưng phán quyết sẽ vĩnh viễn). Trung Quốc đành dùng các tàu khảo sát để cho thấy là họ có chủ quyền trong vùng lưỡi bò (tàu khảo sát tại Philippines, tại bãi Tư chính và tại Malaysia).
5. Khó khăn với tranh chấp thương mại Mỹ-Trung mà cả thế giới chú ý. Ngoài ra Tổng thư ký Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nêu đích danh Trung Quốc khi thăm Sydney hôm 07/08/2019. Ông Jens Stoltenberg đến Úc để họp với thủ tướng Scott Morrisson cùng hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao về các vấn đề Trung Quốc, cuộc chiến ở Afghanistan, khủng bố và an ninh mạng. Theo ông Stoltenberg, khối NATO phải đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực, như Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
6. Khó khăn với Nhật, Triều Tiên và Ấn độ.
Chính sách Việt Nam :
Từ Hội nghị Thành Đô vào tháng 9/1990, Đảng cộng sản Việt Nam chịu phục tùng Trung Quốc. Việt Nam bỏ Liên Xô nghiêng hẳn về Trung Quốc. Họ quan tâm đến việc giữ chế độ - giữ quyền lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam. Hậu quả là quyền lợi của tổ quốc bị xem nhẹ.
Trong nhiều năm, Việt Nam đã bị "4 tốt và 16 chữ vàng" ảnh hưởng. Chính sách của Việt Nam là phản ứng yếu ớt ; "giữ gìn tình hữu nghị anh em" ; đàn áp dân chúng biểu tình ; nhận viện trợ và ưu đãi từ Trung Quốc, v.v.., tìm chữ "bình an tạm thời". Với thời gian, việc mở ra phía ngoài, chính sách lấy thịt đè người của Trung Quốc đã làm một số người suy nghĩ về việc "thoát Trung".
Dần dần Việt Nam xích lại gần lập trường quốc tế, lên tiếng nhiều hơn về chủ quyền quốc gia. Giờ lãnh đạo Việt Nam mở ra ngoài và có nhiều quan hệ quốc phòng với nhiều nước. 2015 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp Tổng thống Obama và nghĩ đến việc xích lại Hoa Kỳ. Hà Nội còn muốn trở thành ‘đối tác chiến lược’ với Washington.
Nay Việt Nam phản kháng về việc cấm đánh cá tại Biển Đông, không còn tàu lạ đâm hay cướp ngư dân Việt Nam, mà nói thẳng là Trung Quốc đã gây những sự kiện này.
Hôm 7/8, Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa sau khi Bắc Kinh thông báo tập trận bắn đạn thật ở khu vực này trong hai ngày. Báo chí Việt Nam hôm thứ Tư đưa tin tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng hoạt động này "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam" đối với Hoàng Sa, quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974 và vẫn duy trì quyền kiểm soát tới nay.
Từ 2014 với vụ giàn khoan HQ 981 và nay vụ tàu Hải Dương 8, thì chính quyền vẫn không cho người dân lên tiếng, muốn "ỉm chuyện" Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam vẫn không dám tin tức cho dân chúng, sợ dân xuống đường.
Việt Nam chưa dứt khoát về việc đánh đu, vẫn còn sợ Trung Quốc.
Giải pháp cho Việt Nam - Kiện hay không kiện ?
Việt Nam không có mấy giải pháp đối với Trung Quốc. 1) Quân sự ; 2) Chính trị ; 3) Luật Pháp.
Giải pháp số 1 : Về quân sự không mấy khả thi. Hải quân Việt Nam còn thua xa hải quân Trung Quốc. Giải pháp thứ 2 có nhiều thay đổi đi từ chỗ 90% theo Trung Quốc nay may ra còn 40%. Giải pháp chính trị chưa đủ vì ASEAN bị mua chuộc và "Trung Quốc vẫn lấy thịt đè người". Nay còn giải pháp thứ 3 về luật pháp mà cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ và trên thế giới đề nghị. Với luật pháp thì mỗi nước lớn nhỏ đều có một lá phiếu ngang nhau.
Philippines đã thắng Trung Quốc vào 2016. Việt Nam đã bỏ cơ hội cùng kiện với Philippines.
Các chuyên gia quốc tế cũng như người Việt trên thế giới đã đề nghị Việt Nam kiện Trung Quốc từ lâu, trước cả Philippines. Nay các chuyên viên nghiên cứu luật Quốc tế tại Việt Nam cũng cho là đến lúc kiện Trung Quốc., mặc dù là phản ứng chậm trễ cho vụ Bãi Tư Chính.
Trả lời phỏng vấn đài VOA (Tiếng Nói Hoa Kỳ) James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, cho rằng Trung Quốc có hành động "bất hợp pháp" trên Biển Đông và vi phạm "nghiêm trọng" Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)" mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Ông James Kraska cũng cho rằng Việt Nam "nên kiện" Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định "Việt Nam hầu như là sẽ thắng".
Ông Jonathan Odom - giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ thì viết trên Twitter nhận định rằng Hà Nội "có thể dùng hầu hết phần biện hộ" của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế năm 2016 là có khả năng giành chiến thắng về mặt pháp lý.
Câu hỏi chính là liệu sẽ có chiến tranh Việt-Trung nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ? Tôi tin là căng thẳng ở Biển Đông sẽ không dẫn đến chiến tranh Việt - Trung vì Trung Quốc cũng sẽ mất nhiều hơn Việt Nam. Họ có thể làm khó như việc không cho xả nước gây hạn hán tại Đồng bằng sông Cửu Long, gây khó khăn kinh tế cho Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam sẽ còn được nhiều nước giúp, kể cả ASEAN sát Biển Đông vì các hành động của Trung Quốc ngày càng trắng trợn. Việt Nam không còn gì để mất và với việc kiện Trung Quốc, Việt Nam cho thấy quyền lợi quốc gia trên hết.
Việt Nam cần lập tức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Việc Tòa Trọng tài PCA năm 2016 tuyên bố Philippines thắng trong vụ nước này đơn phương kiện Trung Quốc, đúng là David chống Goliath. Việc này đã tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam để khởi kiện Trung Quốc. Nay coi bộ việc đã chín mùi và có hoàn cảnh thuận lợi.
Kết luận
Những gì đã xảy ra tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông chỉ là chính sách của Trung Quốc từ năm 1974 hay thậm chí sớm hơn nữa. Mặc dù tàu Hải Dương đã rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta có thể đoán được là con tàu có thể trở lại, không những để khảo sát mà là để khoan và khai thác dầu khí.
Vấn đề là liệu lãnh đạo có tinh thần dân tộc, tầm nhìn xa, để kiện Trung Quốc vào lúc này, và khả năng tạo ra thay đổi bước ngoặt. Liệu các lãnh đạo Việt Nam có thể vùng lên ? Vận nước đã đến hồi thoát Trung.
Việt Nam chỉ còn con đường là đưa Trung Quốc ra tòa, ngay bây giờ.
Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân
Nguồn : VOA, 10/10/2019
Báo chí đã lên tin "Hàng ngàn giáo dân Công giáo tại nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Vinh đã biểu tình hôm Chủ Nhật, 17 tháng Sáu, 2018 chống 2 luật Đặc khu" và An ninh mạng". Trong nước ít lâu nay có nhiều ý kiến về vụ "Dự luật Đặc khu kinh tế" nhằm 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Trong nước đã có nhiều cuôc biểu tình trong khi tại Hải ngoại nhiều người biểu tình vì cho là "bán nước" cho Trung Quốc.
Báo chí trong nước loan tin về giao đất đặc khu 99 năm - Ảnh Thesaigonpost.com
Tác giả hiểu nỗi bực mình của người Việt đối với Trung Quốc vì lịch sử Việt Nam có nhiều đau buồn về hơn ngàn năm "người Tàu" đô hộ Việt Nam (111 trước công nguyên – 968 sau công nguyên Việt Nam còn có tên là Annam đô hộ phủ) và nay là có mối họa kiểu mới "bị đô hộ vì tiền" – vì 4 tố và 16 chữ vàng. Ngày Chủ nhật 10 tháng 6 dân Việt Nam xuống đường chống Luật Đặc khu kinh tế, chống Đảng cộng sản Việt Nam và chống nhóm lợi ích thực thi 4 tốt và 16 chữ vàng của Trung Quốc.
Việt Nam hiện nay có 18 "Khu chế xuất" và 325 "Khu công nghiệp", vậy tại sao cần thêm 3 Đặc khu kinh tế (Đặc khu kinh tế) ?
Báo chí trong nước có đưa tin Chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân nói dự án 3 Đặc khu kinh tế là quyết định của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Quốc hội là bàn để thực hiện. Như vậy thuyền đã đóng ván chăng ? Ai đóng ván ? Đảng cộng sản Việt Nam hay dân Việt Nam ?
Bài này nhằm đưa một số nhận định về Đặc khu kinh tế nhất là dự luật sẽ được tiếp tục đưa ra Quốc hội vào tháng 10 này. Dựa trên kinh nghiệm thế giới, nhất là kinh nghiệm gần đây về chính sách của Trung Quốc trên thế giới, mà bộ trưởng quốc phòng J. Mattis đã phải thốt ra tại Singapore là Trung Quốc dọa nạt các nước nhỏ, dùng tiền bạc mua chuộc, v.v. về chính sách của họ.
Bài này sẽ nói qua về kinh nghiệm thế giới và đánh giá cái lợi hại cho Việt Nam về Đặc khu kinh tế nay được đưa ra bàn và các gì "nấp dưới cái Đặc khu kinh tế". Tác giả sẽ bàn sơ qua luật An Ninh mạng. Sau chót tác già sẽ bàn chúng ta ở Hải ngoại có thể làm gì ?
1. Kinh nghiệm thế giới – Tại sao là Khu chế xuất ?
Trong những năm 1980 mô hình phát triển theo các khu chết xuất và các khu công nghiệp đã rất "ăn khách" và trở thành một công nghiệp xây dựng các Khu chế xuất.
Đối với các nước nghèo đây là một cơ hội để thu hút đầu tư, để thu hút đầu tư quốc tế. Hiện nay đã có hơn 4.000 đặc khu kinh tế trên thế giới. Trước đây là công nghiệp lớn nhưng sau nhiều năm thực hiện "model" này thì hiệu quả của 4.000 khu công nghiệp không rõ ràng. Nay ngày càng có cạnh tranh và nhiều nước cũng cạnh tranh ngày càng cao để thu hút đầu tư cho nên hiệu quả kinh tế của các Đặc khu kinh tế hay Khu công nghiệp ngày càng giảm.
Hiện nay trong cả nước Việt Nam có 325 Khu công nghiệp và 18 Khu chế xuất. Trong 200 Khu công nghiệp đã hoạt động từ nhiều năm thì tỷ lệ lấy đất các diện tích mới ở mỗi khu mới ở mức khoảng 50-60%. Đến nay vẫn còn 124 Khu công nghiệp hoạt động từ mấy chục năm nay vẫn chưa thành công, đất đai vẫn kẹt gây lãng phí lớn (đầu tư và hậu quả phân phối tài nguyên).
Kinh nghiệm nhiều nước trong việc nhượng đất của nhiều nước Châu Á trong đó có Cambodia, Singapore, và Malaysia đã cho thuê đất với hạn mức 99 năm ; Việt Nam với 50-70 năm ; Lào, Phillippines, Thái Lan với 50 năm, và Indonesia 30 năm.
Vấn để gốc là sở hữu đất. Người Việt chúng ta có câu "cha chung không ai khóc" do đó quyền sở hữu là quan trọng. Nông dân nay có sổ đỏ là quyền sử dụng đất từ 30 năm. Nhờ việc này mà việc phát triễn nông nghiệp, và lúa gạo tăng có thặng dư để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng hạng hai trên thế giới mặc dù chưa có quyền sở hữu nhưng có quyền sử dụng đất.
Khi nhìn lợi ích về vấn đề kinh tế to phải đánh giá hiệu quả đầu tư và hiệu quả phân phối việc sự dụng đất. Đặc khu đòi hỏi đầu tư hạ tầng cao và sẽ phải mất nhiều thập niên mới hoàn vốn. Do đó phải xem coi lợi ích nào cao nhất (Cost-Benefits analysis)
Các khó khăn kinh tế của Việt Nam :
(i) phải đổi mới cơ cấu kinh tế ;
(ii) phát triển kết cấu hạ tầng ;
(iii) phát triển nguồn nhân lực ;
(iv) đổi mới công nghệ quá lạc hậu ;
(v) vấn đề nợ.
Ngoài việc này thì theo báo chí thì hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống cần thay đổi để có thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm gia công đang mất lợi thế cạnh tranh, v.v.
Trước những khó khăn kinh tế của Việt Nam, việc đầu tư một số vốn có thể lên đến khoảng 70-90 tỷ USD tại 3 nơi Đặc khu kinh tế này có đáng không ? Có hợp lý không ?
Cổng vào Khu công nghiệp Sóng Thần Bình Dương
Các cơ quan đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam ra sao ? Theo cơ quan JETRO (Nhật) thì họ đánh giá tình hình đầu tư tại Việt Nam cao, xếp thứ hai trong những nước mà các công ty Nhật muốn đến đầu tư. Các công ty quốc tế không cần những ưu đãi vượt trội về thuế và thời hạn thuê đất vì họ đánh gia đầu tư trên các tiêu chuẩn khác. Các công ty Nhật vẫn muốn đầu tư tại Việt Nam nhưng họ mong là môi trường đầu tư ở Việt Nam được cải thiện và thay đổi theo chiều hướng dịch vụ tốt cho các nhà đầu tư :
- Thủ tục hành chánh, cần nhanh, chóng bớt rườm rà. Mặc dù có cả trăm nghìn sinh viên ra trường còn thất nghiệp nhưng các công ty Nhật mong Việt Nam có thể cung cấp nhiều hơn nguồn nhân lực có chất lượng cao để họ dễ triển khai các dự án công nghiệp có quy mô lớn và xử dụng công nghệ cao – như vậy là nguồn nhân lức Việt Nam chưa đáp ứng cho các nhà đầu tư.
- Ngành "công nghiệp hỗ trợ" được phát triển để các doanh nghiệp FDI giảm được chi phí đầu vào vì không phải hay bớt nhập khẩu linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian với phí tổn cao – như vậy là Việt Nam thiếu các công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng cho nhu cầu các nhà đầu tư.
2. Kinh nghiệm các Đặc khu kinh tế Trung Quốc trên thế giới hay tại Châu Á
Kinh nghiệm các khu công nghiệp hay Đặc khu kinh tế trên thế giới tại Lào, Châu Phi và tại các nước khác cho thấy là :
Tại Lào – Khu Boten (tỉnh Bokeo) : Quốc hội Lào đã thông qua luật đặc khu kinh tế này vì tin tưởng rằng Boten sẽ trở thành đầu tàu cho cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vì có đất đai, nhân công rẻ, thuận lợi về giao thông, đó là điều kiện tốt để thu hút các đầu tư quốc tế nhất là các công ty Trung Quốc vào thuê đất, xây dựng nhà xưởng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, công nghệ cao và công nghiệp nặng, đưa Lào trở thành nước công nghiệp trong tương lai với các điều kiện ưu đãi chưa từng có (và hiển nhiên ngoài ưu đãi về công nghiệp chính phủ cũng cho phép đầu tư sòng bạc và du lịch tương tự như Phú Quốc và Vân Đồn).
Đặc khu kinh tế Boten ngày nay trở thành đặc khu cờ bạc quốc tế – Cổng vào Kings Romans Casino thuộc "Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng"
Sau nhiều năm hoạt động thì Boten đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Trước hết các nhà máy công nghiệp thì không có, chỉ thấy ở đây là một ổ cờ bạc, mại dâm, ma túy và rửa tiền nổi tiếng. Quốc tế còn gọi đây là trung tâm buôn người, ma túy và động vật nằm trong danh sách được bảo vệ. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa sòng bạc Kings Romans nằm trong đặc khu Boten vào danh sách trừng phạt tội phạm có tổ chức.
Ta thấy gì tại Boten ? Ngôn ngữ phổ biến là tiếng Quan Thoại chứ không phải tiếng Lào. Đồng tiền giao dịch là đồng Nhân Dân Tệ chứ không phải đồng Kíp của Lào. Chính quyền gần như không kiểm soát mà toàn bộ hoạt động ở đây do các công ty bất động sản, khách sạn và các sòng bạc kiểm soát theo "luật rừng". Cảnh sát là nhân viên bảo vệ của các sòng bạc mặc sắc phục giống như cảnh sát Trung Quốc và có quyền bắt cóc, đánh đập, giết người nếu người đánh bạc, hút hay chích không có tiền để trả.
Xin nhắc lại trong lịch sử chính sách của thực dân Anh trước đây đối với người Tàu khi cho phép buôn bán á phiện sản xuất từ Ân Độ vào lục địa Trung Hoa cốt là làm suy nhược nước này. Kinh nghiệm tại Lào cho thấy Trung Quốc cũng đang làm không khác gì chính sách của thực dân Anh ngày trước ?
Còn Việt Nam thì ra sao ?
Qua những chuyến công tác và làm việc tại Châu Phi hay Châu Âu tôi đã thấy các chính sách đầu tư của Trung Quốc như sau :
Châu Phi : Tại Châu Phi đã nẩy ra các khu đầu tư và buôn bán của người Tàu. Các đầu tư hay xây dựng hạ tầng cơ sở nằm trong các chính sách giải quyết vấn đề nhân dụng trong nội địa Trung Quốc : xuất khẩu lao động sang Châu Phi để sau đó trở thành di dân và chốt kinh tế.
Tại Liberia, các công ty Trung Quốc mang công nhân của họ qua đây và gây khó khăn cho quốc gia này vì công nhân Trung Quốc sống tập trung trong các khu mà cảnh sát bản địa ít có dịp kiểm soát. Các khu vực này đã gần như hoàn toàn do các công ty Trung Quốc kiểm soát.
Tại Zambia, đầu tư Trung Quốc tập trung vào các mỏ đồng, điều kiện làm việc của các công nhân tất tệ hại, họ bị "bóc lột" còn hơn dưới thời thức dân Anh. Các đầu tư của Trung Quốc chỉ là giàu cho một thiểu số lãnh đạo tại Zambia.
Các khu buôn bán tại Pretoria (Nam Phi) hay tại Nairobi (Kenya) cho thấy Trung Quốc đang thực hiện chính sách di dân từng bước. Trường hợp này còn nặng hơn tại Namibia, nơi mà Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng và các món nợ vay này đã biến Trung Quốc trở thành chủ nhân ông.
Châu Âu : Kinh nghiệm tại Azerbaijan cho thấy là các công ty hay tư nhân Azerbaijan không thể cạnh tranh khi đấu thầu vì các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Hậu quả Azerbaijan phải thay đổi chính sách lao động mới có thể cạnh tranh với Trung Quốc.
Châu Á : Trường hợp tại Sri Lanka với cảng do Trung Quốc xây cũng không khác lắm.
Tại Việt Nam trước đây chỉ cho phép các công ty FDI (đầu tư nước ngoài) thuê tối đa 3% lao động từ nước ngoài, nhưng việc này bị bỏ từ sau ngày 1/4/2016. Vì vậy mới đây công ty Formosa có tỷ 30% công nhân là người Trung Quốc, nay là 8.400 người.
Về môi trường, với Formosa Hà Tĩnh, Boxít Tây Nguyên, nhà máy Nhiệt điện Bình Thuận, có phải là Trung Quốc đang cố tình xuất khẩu ô nhiễm môi trường từ mẫu quốc sang Việt Nam ?
3. Vấn đề Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc
Vấn đề của 3 đặc khu kinh tế này khác với những Đặc khu kinh tế khác là chúng không trực thuộc vào hệ thống hành chính của chính phủ Việt Nam, mà dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, tức Bộ chính trị.
Ngoại tệ có thể được sử dụng làm tín chỉ chính thức trong 3 Đặc khu kinh tế này. Luật pháp ở đây cũng khác với luật của Việt Nam vì nhà đầu tư có quyền mớ sòng bạc và sản xuất cả chất nổ và vũ khí. Thuế cũng được miễn giảm một cách quá trớn như được giảm ở mức 10% trong 30 năm, 4 năm miễn thuế và 9 năm sau chỉ đánh thuế ở mức 50%.
Ước tính mối lợi thu vào cho Việt Nam như sau :
- Vân Đồn, ước tính thuế hàng năm là 1,9 tỷ USD ; 2,1 tỷ USD tiền thuê đất và 9,7 tỷ USD do công nghiệp – dịch vụ và tạo ra 132.000 công việc đến 2030.
- Bắc Vân Phong, ước tính thu vào hàng năm là 1,2 tỷ USD về thuế, 1 tỷ USD về tiền thuê đất và 10 tỷ USD về do công nghiệp – dịch vụ và 65.000 công việc đến 2030.
- Phú Quốc, ước tính thu vế hàng năm là 3,3 tỷ USD tiền thuế và thuê đất ; và 19 tỷ USD do công nghiệp – dịch vụ và 57.600 công việc đến 2030.
Khi dự luật về Đặc khu Kinh tế được đưa ra Quốc hội bàn thì người dân không có tiếng nói và ai quản lý những đặc khu kinh tế này ? Theo báo chí trong nước thì Chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân nói dự án 3 Đặc khu kinh tế là quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội cần bàn để thực hiện. Trong quá khứ Bộ chính trị đã làm nhiều sai lầm như Thành Đô, đến Bôxít Tây Nguyên, Metro Hà Nội hay Formosa và chưa kể biết bao nhiêu công trình còn bỏ dở do phía Trung Quốc trúng thàu nhưng không hoàn tất.
Khi có luật về Đặc khu kinh tế mà không có chính sách kiểm soát lao động và việc thực thi luật Việt Nam thì không có lợi ích về phát triển cho kinh tế Việt Nam. Nay luật bãi bỏ tỷ lệ người nước ngoài làm tại Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho lao động Việt Nam. Cái luật cho phép người Trung Quốc vào không cần xin visa, cho chủ Trung Quốc đưa người Trung Quốc vào làm việc không cần giấy phép làm việc trong vòng 180 ngày, cho phép họ mua nhà, quyền sử dụng đất và thừa kế… là phản bội lao động Việt Nam. Vì không có kiểm soát, các nhà thầu Trung Quốc sẽ lợi dụng kẽ sơ hở của luật của Việt Nam để muốn làm gì thì làm.
Dự thảo luật về Đặc khu kinh tế sẽ giúp – nhằm tạo đặc lợi cho nhóm thầu đất và tạo cơ sở để cho Trung Quốc nhảy vào và khi dự luật cho thuê quá lâu (ví dụ 99 năm) có thể gặp nhiều bất cấp nếu doanh nghiệp không làm ăn như mong muốn và muốn đổi cũng sẽ gặp khó khăn. Dự thảo luật về Đặc khu kinh tế cho phép sản xuất mọi thứ kể cả cờ bạc (biến các Đặc khu kinh tế này trở thành các khu cờ bạc như Boten bên Lào và đồng Nhân dân tệ (CNY) sẽ thay đồng Việt Nam (VND) trong các đặc khu kinh tế.
Đầu năm nay, Trung Quốc quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong cả nước. [Vừa qua, Trung Quốc quyết định ngưng 85 dự án điện than khắp 13 tỉnh trong cả nước, tổng cộng có 103 nhà máy. Đó là chưa kể 18 nhà máy đã được quyết định ngừng xây dựng vào cuối năm ngoái]. Các công ty sản xuất điện than đang tìm cách tuồn vào Việt Nam những nhà máy gây ô nhiễm. Chính vì thế hiện nay ở Việt Nam rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, do Trung Quốc đầu tư.
Tại Việt Nam, hàng loạt dự án xây dựng trung tâm, nhà máy nhiệt điện đã được duyệt như :
- Trung tâm nhiệt điện Long An (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, sát với Thành phố Hồ Chí Minh),
- Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vốn gần 2 tỷ USD),
- Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (sẽ được xây dựng năm 2019),
- Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD),
- BOT Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (có vốn đầu tư 2,3 tỷ USD).
[Chưa kể hiện nay nước ta có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện (riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy – khoảng 10 nhà máy do Trung Quốc đầu tư), dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than].
Có phải đây là chính sách của Trung Quốc xuất khẩu các công nghiệp lỗi thời như các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than gây ô nhiễm. Việc chính quyền cộng sản Việt Nam biện giải việc cho phép xây dựng thêm những nhà máy nhiệt điện than này rõ ràng là không có sức thuyết phục.
Đó là chưa kể yếu tố lịch sử và chiến lược. Ba vị trí chiến lược (xin xem hình). Vậy thì Việt Nam có nên tiếp tục bàn dự luật này hay không ? Rõ ràng là tất cả các việc trên thất là dự luật này không có sức thuyết phục là giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển.
Ba Đặc khu kinh tế ở Việt Nam nằm ở ba vị trí chiến lược sống còn của Việt Nam
Vài hàng về An ninh mạng
Khi áp dụng song hành hai bộ luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng, không những đất đai và chủ quyền đất nước lọt vào tay Trung Quốc, trên bình diện vĩ mô, mà cả tài sản của các cá nhân hay công ty người Việt, cũng được chuyển nhượng sạch sẽ cho cá nhân và công ty thương mại Trung Quốc, trên bình diện vi mô nữa.
Lúc đó, sự bán nước mới thật sự toàn diện… Nếu Google và Facebook không chịu đặt máy tại Việt Nam thì càng tốt cho Trung Quốc hơn nữa. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ mời Baidu và Weibo của Trung Quốc để thay thế Google và Facebook, như vậy Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ trực tiếp và hoàn toàn nắm số phận của từng người dân Việt Nam, nhất là giới làm thương mại, trong bàn tay của họ.
Luật an ninh mạng này vi hiến vì cho phép Bộ công an có toàn quyền quyết định và bắt giữ ai sai ai trái khi đăng tải trên mạng những suy nghĩ của mình, trong khi tòa án chỉ có quyền xử những ai do công an lập sẵn hồ sơ gởi tới để tuyên phạt.
Các lý do xét lại toàn diện Dự Luật này cần thời gian để bàn về những ưu tiên đầu tư.
Vấn đề kinh tế đưa ra chưa rõ – chi phí khá nhiều (70-90 tỷ USD), hiện nay còn nhiều khu kinh tế chưa sử dụng và chiếm 100% diện tích Đặc khu kinh tế thì có gì mà phải giải quyết vấn đề 3 khu này ? Ở đây việc này cho thấy nói chỉ có lợi về đất – nhóm lợi ích về đất dính vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo các nhà đầu tư như JETRO – Nhật thì họ không cần nhiều ưu đãi về thuế hay về thời gian mướn đất và do đó tại sao cần ưu đãi 99 năm ? Báo chí trong nước cho thấy là giá cả đất tại các nơi này đã tăng gấp bội – vậy chí có các nhà đầu cơ về đất có lợi. Cho nhóm lợi ích nào muốn bán hay nhường đất ? Kinh nghiệm cạnh tranh trên thế giới hiện nay thì cho mướn đất từ 30-50 năm là đủ.
Hơn nữa các kinh nghiệm cho thấy nếu không có luật lao động tốt và việc thực thi nghiêm chỉnh luật thì dễ bị lợi dụng như Formosa đã lợi dụng tại Việt Nam.
Kết luận
Việt Nam đã có hơn 325 Khu công nghiệp và chưa sử dụng một các tốt vì trong 200 Khu công nghiệp thì mới sử dụng có 50-60% tổng số diện tích. Cần nghiên cứu rõ hơn, cần nghiện cứu lợi ích kinh tế nhất là các cho phí đầu tư rất cao và tại sao không nằm trong quy chế hành chính Việt Nam mà kiểm soát của Trung ương đảng ? Có phải đây là chính sách 4 tốt – 16 chữ vàng của Thành Đô (Chendu) 1990 ?
Luật về An ninh mạng vừa được Quốc hội biểu quyết phải coi là đạo luật kiềm hãm sự hiểu biết của dân chúng – bịt mắt – bịt miệng dân. Hôm 14/6 văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc tại Đông Nam Á gửi thông cáo bày tỏ quan ngại về việc Quốc hội Việt Nam thông qua bộ Luật an ninh mạng. Vạch ra rằng Quốc hội Việt Nam "thiếu các hoạt động tham vấn minh bạch với công chúng, cũng như các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi Luật an ninh mạng trước khi luật được thông qua", Văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc tại Đông Nam Á kêu gọi Chính phủ Việt Nam "tạo điều kiện để người dân và xã hội dân sự tham gia vào quy trình làm luật và chính sách".
Luật này trái với Hiện Pháp vì cho phép Bộ công an quyền ra lệnh cho các công ty phải gỡ bỏ các bài xuống trong 24 tiếng khi chỉ có tòa án mới có quyền nói ai là sai, ai là phản động.
Quốc hội và bà Kim Ngân có xét đến yếu tố an ninh quốc gia, trật tự xã hội, an toàn kinh tế, môi trường… không ? Hay chỉ muốn dân Việt Nam phải một lòng "khẩu phục – tâm phục" và mối sợ hãi về giặc Tàu biến mất khi lấy quyết định về Đặc khu kinh tế ?
Đây là ván bài ngàn năm giữa Đế quốc Hán và ván bài tranh đấu cho độc lập của Việt Nam. Ai tranh đấu cho Việt Nam và ai làm tay sai ?
Hải ngoại làm gì ?
Tôi đề cặp đến việc Hải ngoại có thể giúp gì ?
- Việc trước nhất thông tin kỹ cho người trong nước hiểu quyền lợi của họ và cái gì sẽ bị mất ;
- Các chuyên gia "thung lũng vàng" cần tìm cách giúp các công dân mạng hay người trong nước vượt khó khăn kỹ thuật ;
- Làm việc (chính trị) với các dân biểu – thượng nghị sĩ để quốc tế lưu ý (như các House Resolution giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc) – cần đi bầu cho đúng ngưới ủng hộ Việt Nam. Nên nhớ là tại Hoa Kỳ là Tam quyền phân lập.
California, USA, tháng 6/2018
Tiến sĩ Đinh xuân Quân
Chuyên gia Phát triển quốc tế
Nguồn : CaliToday, 22/06/2018
Ông Lê Quang Uyển, người có trách nhiệm giữ 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia, tài sản của Việt Nam đã qua đời tại Chiang Mai, Thái Lan thọ 81 tuổi. Ông sinh Tháng Chín năm 1937 và mất ngày 26 Tháng Giêng năm 2018. Nhân dịp 49 ngày ông mất, tôi xin có bài sau đây.
Tủ đựng vàng cổ khoảng 100 năm, triển lãm tại Ngân Hàng Quốc Gia Hungary tại Budapest năm 2011 (Hình minh họa : Getty Images)
Trong giới kinh tế tài chính, nhất là vào những năm chót của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa), ai cũng biết đến Thống đốc trẻ tuổi của Ngân Hàng Quốc Gia là ông Lê Quang Uyển.
Sau khi tốt nghiệp HEC (Hautes Etudes Commerciales) tại Paris năm 1960, ông Lê Quang Uyển về Việt Nam phục vụ. Ông đã làm một thời gian ngắn làm cho Ngân Hàng Pháp Á (BFA – Banque Francaise de l’Asie). Sau đó ông Lê Quang Uyển cũng như nhiều chuyên viên trẻ khác cũng bị động viên vào quân đội và lên đến cấp bậc đại úy.
Từ quân đội ông được chuyển sang ngạch "chuyên viên Phủ Tổng thống", một ngạch công vụ của Việt Nam Cộng Hòa dành cho các chuyên viên trẻ, có học thức và nhiều tương lai. Họ được đào tạo để trở thành các nhà lãnh đạo tương lai trong ngành kinh tế, tài chính, giáo dục; các công ty của chính phủ – nhà đèn, công ty đường, Air Vietnam,… Và sau này có thể có những trách nhiệm cao cấp trong chính phủ. Ngạch này được thành lập từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm để kéo các chuyên viên giỏi phục vụ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Trong cương vị này, ông đã tham gia nhiều chuyến đi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có chuyên viếng thăm Manilla. Sau này ông đã được đề nghị giữ ghế thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia.
Người ta nhớ nhất về Thống đốc Uyển là những việc sau:
Chuyện Tín Nghĩa Ngân Hàng (hay Con gà đẻ trứng vàng), một xì-căng-đan thời Việt Nam Cộng Hòa
Lúc đó Tín Nghĩa Ngân Hàng là một trong những ngân hàng có tiếng tại Việt Nam, có nhiều chi nhánh tại Sài Gòn, Chợ Lớn và tại các tỉnh (năm 1969, sau khi đậu cao học kinh tế tôi có về làm tập sự tại ngân hàng ở Việt Nam và được gởi đi nhiều chi nhánh để biết về các nghiệp vụ tài chính ngân hàng).
Ban thanh tra ngân hàng của Ngân Hàng Quốc Gia có trách nhiệm theo dõi các nghiệp vụ cho vay của mọi ngân hàng có mặt tại Việt Nam. Một người trong nhóm thanh tra có báo cáo "sơ hở" trong quy trình cho vay của Tín Nghĩa Ngân Hàng và việc này đã trở thành xì-căng-đan tài chính tại Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Đời, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng đã dùng một số bộ hạ, người thân tín trong gia đình để vay các tín dụng. Ông quên rằng những việc làm này cũng khó mà qua mắt các thanh tra ngân hàng của Ngân Hàng Quốc Gia. Những người đi vay mà tài sản quá thấp làm sao có thể thế chấp để đi vay một số tín dụng khổng lồ của Tín Nghĩa Ngân Hàng. Thật ra thì ông Nguyễn Tấn Đời đã sử dụng những người này, đứng tên vay tiền cho cá nhân ông, rồi ông dùng số tiền tín dụng này để đầu tư cho cá nhân ông.
Thời đó chưa có tin học hay máy computer, nên muốn kiểm tra phải tới tận nơi và khám xét trực tiếp các hồ sơ cho vay (các sổ sách và tính toán đều làm bằng tay hoặc bằng máy NCR). Thống đốc Uyển đã trình Tổng thống Thiệu và thảo luận với ngành cảnh sát hình sự để giúp Ngân Hàng Quốc Gia đánh giá các hồ sơ cho vay của Tín Nghĩa Ngân Hàng.
Thống đốc Lê Quang Uyển đợi lúc ông Nguyễn Tấn Đời đi nghỉ ở Đà Lạt, để gởi các thanh tra ngân hàng làm cuộc truy tìm các hồ sơ tín dụng gian lận của Tín Nghĩa Ngân Hàng. Các thanh tra chặn mọi cánh cửa của Tín Nghĩa Ngân Hàng ở bến Chương Dương không cho hồ sơ thoát ra ngoài. Trụ sở Tín Nghĩa Ngân Hàng không xa Ngân Hàng Quốc Gia, có lẽ độ 1.000 m và cùng ở Bến Chương Dương. Qua việc kiểm tra này, các thanh tra đã tìm thấy các hồ sơ tín dụng "dởm". Lúc đó ông Nguyễn Tấn Đời là một tổng giám đốc ngân hàng rất mạnh, có nhiều người che chở và việc kiểm tra sổ sách của Tín Nghĩa Ngân Hàng là một kỳ công – phải được tổ chức như một chiến dịch quân sự.
Qua việc thanh tra này, ông Lê Tấn Đời đã bị đưa ra tòa. Ông bị tuyên án và phải vào khám Chí Hòa. Như thế, Thống đốc Lê Quang Uyển đã làm đúng trách nhiệm của Ngân Hàng Quốc Gia là thanh tra chặt chẽ hệ thống ngân hàng thương mại dưới quyền ông. Qua việc này, ông đã chận đứng các lạm dụng trong ngành tài chính.
Việc giúp các chuyên gia khối kinh tế tài chính – gởi đi làm việc tại các bộ
Một khó khăn của Việt Nam Cộng Hòa trong những năm 1970 là thiếu ngân sách và khó tuyển mộ chuyên viên vì lương thấp. Trong kinh tế, muốn có thăng bằng ngân sách thì chính phủ sẽ bán một số công khố phiếu ra cho công chúng. Với tiền công khố phiếu, chính phủ dùng bù đắp thâm hụt ngân sách.
Ngân Hàng Quốc Gia có nhiệm vụ tham gia vào các chính sách tiền tệ và có đóng góp qua việc mua một số công khố phiếu của chính phủ. Ngân Hàng Quốc Gia mua một số công khố phiếu và tiền lời của công khố phiếu được bỏ vào một quỹ của Ngân Hàng Quốc Gia. Thống đốc Uyển quyết định dùng số tiền lời này, để trả lương cho nhân viên kinh tế tài chính – mà lúc đó Việt Nam Cộng Hòa đang rất thiếu – và cần một số lời được chia cho nhân viên của Ngân Hàng Quốc Gia. Qua việc này, ông thống đốc giúp bồi đắp vào chỗ hổng tài trợ chuyên viên, mà trước đây cơ quan USAID tài trợ nhưng ngân khoản viện trợ lại ngày càng giảm. Qua việc này, một số chuyên gia đã được gởi đi làm tại các bộ như Tài Chính, Nha Thuế Vụ hay Bộ Kế Hoạch, nói chung mọi nơi cần chuyên gia.
Ông cũng có chương trình kéo các chuyên viên tài chính ngân hàng trẻ gia nhập Ngân Hàng Quốc Gia, gầy dựng nhân sự cho tương lai ngân hàng. Một số người trẻ, có khả năng và có tay nghề được tuyển mộ vào Ngân Hàng Quốc Gia làm trong văn phòng thống đốc.
Ngoài việc dùng quỹ tiền lời công khố phiếu, Thống đốc Uyển còn sử dụng Quỹ Phát triển kinh tế quốc gia mà ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị gởi các chuyên viên của Quỹ Phát triển đi giúp các bộ. Quỹ Phát triển là một chi nhánh – thành phần của Ngân Hàng Quốc Gia được vốn của Hoa Kỳ (USAID) trợ giúp. Ngoài việc tái tài trợ các ngân hàng phát triển Việt Nam (Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ, Ngân Hàng Phát Triển Nông nghiệp, SOFIDIV…) Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia có một số chuyên viên trẻ được gởi đi trợ giúp các Bộ Kế Hoạch, Bộ Tài Chính qua việc tham gia vào công tác xây dựng Kế Hoạch Phát Triển Hậu Chiến, nhất là sau khi Hiệp Định Paris được ký kết.
Thống đốc Lê Quang Uyển cũng cố vấn cho Tổng thống Thiệu chọn người trong khối kinh tế tài chính, trong đó có việc giới thiệu ông Nguyễn Văn Hảo vào Quỹ Phát Triển và sau này làm phó thủ tướng đặc trách về kinh tế tài chính.
Giữ 16 tấn vàng cho Việt Nam
Trong những ngày chót của Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ muốn Việt Nam Cộng Hòa đưa 16 tấn vàng gởi dự trữ tại Ngân Hàng Trung Ương tại New York (một việc làm bình thường vì đa số các nước đều có trương mục với ngân hàng FED New York). Sau khi bàn bạc, Thống đốc Lê Quang Uyển quyết định gởi các thoi vàng qua Thụy Sĩ, tại Ngân Hàng Banque International Ressettlement – BIR ở Basle.
Theo kinh nghiệm thế giới, nhiều chính phủ Âu Châu trước đây, khi bị Cộng Sản xâm chiếm họ đã gởi vàng dự trữ tại đây để tránh chiến tranh và sau này giữ được tài sản quốc gia. Một kế hoạch đã được lập lên để chở 16 tấn vàng sang Thụy Sĩ chứ không phải sang Hoa Kỳ. Ngân Hàng Quốc Gia đã cho mướn một chuyến may bay để chở số vàng này qua Thụy Sĩ.
Trong lúc hỗn loạn của những ngày miền Nam sắp mất, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích và máy bay được mướn chở vàng không thể đáp xuống Tân Sơn Nhất, vì vậy kế hoạch gởi vàng qua Thụy Sĩ không thực hiện được.
Vào những ngày chót, một số nhân viên ngân hàng cấp cao đều được cấp Walkie Talkie để dễ liên lạc với nhau nhằm bảo vệ tài sản cho Việt Nam. Thống đốc Lê Quang Uyển tử thủ trong Ngân Hàng Quốc Gia và chỉ mở cửa Ngân Hàng Quốc Gia khi cộng sản mang nhiều xe tăng đến định bắn vào Ngân Hàng Quốc Gia.
Cộng sản lúc nào cũng phao tin đồn là cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang 16 tấn vàng đi nước ngoài trong khi nhiều người cũng kể công về việc giữ số vàng này. Vậy sự thật ra sao ? Bài báo sau đây của nhân chứng nói về kiểm tra vàng tại Ngân Hàng Quốc Gia do báo Tuổi Trẻ đăng :
Bài viết của tác giả Huỳnh Bửu Sơn trên tờ Tuổi Trẻ trích đoạn như sau :
"…Những ngày đầu Tháng Năm, 1975, tôi vào trình diện tại Ngân Hàng Quốc Gia ở 17 Bến Chương Dương, thủ đô Sài Gòn cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân Quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan.
Lần kiểm kê cuối cùng… Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.
Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân Hàng Quốc Gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.
Đại diện Ban Quân Quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia.
Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân Hàng Quốc Gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi : vàng thoi mua của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) ; vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi – Công ty Montagu ; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.
Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14 kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.
Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán (computer) của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.
Kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền và vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách điện toán từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia…"
Tác giả Huỳnh Bửu Sơn cũng liệt kê từng tủ và từng hầm kho tàng. Và cuối bài viết, ông ghi : "Tổng cộng : 1.234 thoi vàng".
Qua việc bảo tồn tài sản quốc gia, việc này cho thấy là các công chức của Ngân Hàng Quốc Gia và người đứng đầu là Thống đốc Lê Quang Uyển đã làm việc một cách nghiêm túc – với tinh thần trách nhiệm của một công chức. Đó là niềm hãnh diện cho Việt Nam Cộng Hòa, không bỏ chạy (tình thần trách nhiệm) và rất trung thực. Thống đốc Lê Quang Uyển là một tấm gương soi sáng cho thế hệ trẻ – cho tinh thần trách nhiệm của công chức miền Nam.
Thống đốc Lê Quang Uyển và tù cải tạo
Ông Uyển, cũng như nhiều người khác, đã phải đi cải tạo trên 3 năm trong Nam (1975-1979). Trái với ông phó thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia là ông Dõng, ông Uyển không trình diện liền khi Cộng Sản kêu gọi thành phần nội các ra trình diện học tập (họ không biết là thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia có hàm bộ trưởng.) Ông Phó Thống đốc Dõng đã ra trình diện và bị chết trong trại tù Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa. (Tôi còn gặp bà Dõng tại Sài Gòn sau khi bà bị trục xuất ra khỏi nhà tại Ngân Hàng Quốc Gia, khi tôi đi cải tạo về vào năm 1979).
Ông Uyển là một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa cấp bậc đại úy và đã ra trình diện khi Cộng Sản gọi các sĩ quan cấp đại úy trình diện. Ông bị đi tù cải tạo 3 năm.
Ông Lê Quang Uyển đã đi Pháp cùng vợ vì bà vợ, chị Geneviève LyLap (một huynh trưởng nữ hướng đạo hệ Scout et Guide de France, bà là công dân Pháp và là nhân viên Tòa Đại Sứ Pháp tại Sài Gòn).
Năm 1981, ông Uyển tham gia vào ngân hàng Banque Indosuez. Ông được gởi làm giám đốc chi nhánh tại Saudi Arabia và ở đây đến 1990. Ông đứng đầu chi nhánh "Al Bank Al Saudi Al Fransi" (Saudi French Bank), ngân hàng duy nhất của Pháp tại Ả Rập Saoudi. Sau 1990, ông Lê Quang Uyển được phái đi làm cho nhiều chi nhánh của ngân hàng Indosuez tại nhiều nước khác nhau.
Ông Lê Quang Uyển đã về hưu tại Chiang Mai, Thái Lan. Ông là hình ảnh một công chức Việt Nam Cộng Hòa có tư cách và có tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong dịp 49 ngày ông qua đời (ba má và gia đình ông Lê Quang Uyển theo đạo Cao Đài), tôi viết vài hàng này để đề cao tinh thần trách nhiệm của cựu Thống đốc Lê Quang Uyển.
Với tư cách một chuyên viên trẻ đã từng có thời gian làm việc với ông, tôi xin thành kính chia sẻ nỗi buồn với chị Uyển trong sự mất mát này và cầu mong ông sớm được về miền Cực Lạc.
California, Chủ Nhật, 18 Tháng Ba, 2018
Đinh Xuân Quân
Nguồn : Người Việt, 19/03/2018
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân là cựu nhân viên Quỹ Phát Triển trực thuộc Ngân Hàng Quốc Gia. Ông là cựu giáo sư Đại Học Luật Khoa, Ban Kinh Tế, Đại Học Saigon (khóa 1974-1975). Hiện nay ông là chuyên gia, cố vấn kinh tế cho Liên Hiệp Quốc (UNDP+World Bank) và USAID tại nhiều nước như Afghanistan, Iraq, Indonesia…