Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quốc hội Việt Nam chiều ngày 20 tháng 6 thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, trong đó có Điều 19 (không tố giác tội phạm) bị giới luật sư phản đối mạnh mẽ.

blhs1

Ảnh minh họa - Courtesy hocluat.vn

"Sự thụt lùi của nền tư pháp"

Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự quy đinh rõ như sau :

Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Nói với đài RFA, luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội cho rằng khoản 3 điều 19 quy định luật sư phải tố giác thân chủ mà Quốc hội vừa thông qua là một sự xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động hành nghề của luật sư bào chữa và là một sự thụt lùi của nền tư pháp Việt Nam :

Luật sư bào chữa ở Việt Nam lâu nay đã phải chịu rất nhiều khó khăn, trở ngại từ các quy định bất cập và từ sự thiếu thiện chí của các cơ quan ban ngành tố tụng rồi. Đến nay lại tròng thêm vào cổ luật sư trách nhiệm tố tụng thân chủ nữa, tôi cho đây là một điều rất bất lợi và một bước thụt lùi của nền tư pháp Việt Nam vốn đã có nhiều bất cập. Tôi cho rằng đây là một điều hết sức đáng tiếc và đáng chê trách, chê trách các vị đại biểu Quốc hội đã thông qua một quy định như vậy.

Trong khi đó luật sư Võ An Đôn thuộc đoàn luật sư Phú Yên cho rằng điều 19 này sẽ gây ra những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của người luật sư. Ông giải thích :

Điều này hoàn toàn trái với lương tâm, đạo đức của một người luật sư. Bởi vì luật sư có nghĩa vụ bảo vệ thân chủ của mình. Đồng thời bị can, bị cáo rất tin tưởng ở luật sư mới trình bày rõ nội dung vụ việc. Mình có nghĩa vụ bào chữa, giảm nhẹ tội cho họ nhưng giờ lại đi ngược lại tố cáo họ là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và sẽ làm mai một nghề luật sư của Việt Nam.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015, đặc biệt là khoản 3 điều 19 được trình lên quốc hội vào hối cuối tháng 5 vừa qua và đã gây ra rất nhiều phản ứng gay gắt từ giới luật sư. Họ dẫn chứng rằng nếu luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm thì lại trái với quy định của công ước quốc tế, vì luật sư phải bảo vệ quyền riêng tư và những bí mật của các thân chủ của mình.

Quốc hội trước khi thông qua điều luật này, nói rằng đã tham khảo ý kiến giới luật sư và những nhà làm luật cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giớ như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha. Một số đại biểu cho rằng ở nước ngoài trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia

blhs2

Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, ảnh minh họa. AFP

Chúng tôi đã liên lạc với Giáo sư Tạ Văn Tài, hiện là giảng viên luật trường đại học Havard, Hoa Kỳ về quy định những trường hợp luật sư phải tố cáo thân chủ và được ông cho biết :

Bên Mỹ họ cũng cho phép luật sư được giữ kín về tội luật sư biện hộ nhưng nếu là tội dự định tương lai, tức là đang dự mưu xâm hại an ninh quốc gia thì có thể tố cáo ra được. Luật Mỹ cũng nói rõ tội gì mình đang biện hộ thì không được nói ra, đó là quyền tôn trọng bảo mật thông tin giữa luật sư và thân chủ.

Luật sư Ngô Ngọc Trai đồng tình với nhận định của Giáo sư Tạ Văn Tài, ông bổ sung thêm rằng ở nước ngoài luật sư có quyền được tiết lộ còn ở Việt Nam là nghĩa vụ :

Nước ngoài họ quy định bình thường luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật của thân chủ nhưng người ta trao quyền cho luật sư được miễn trừ trách nghiệm nghĩa vụ này, tức là có quyền tiết lộ thông tin của thân chủ nếu biết được là thân chủ chuẩn bị phạm vào tội rất nghiêm trọng. Họ quy định luật sư có quyền như vậy, nhưng Việt Nam lại quy định thành nghĩa vụ thay vì là quyền, mà không chỉ là nghĩa vụ đơn thuần mà còn có thể bị xử lý hình sự nếu không tố giác tội phạm nữa.

Thù nghịch với giới luật sư ?

Điều luật 19 vừa được thông qua chỉ nhắm trực tiếp đến hai tội danh xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Ngô Ngọc Trai chỉ ra những bất cập trong các tội danh được quy định tại điều luật này :

Theo luật Việt Nam danh mục các tội về xâm phạm an ninh quốc gia rất rộng. Nhiều hành vi không có nội hàm rõ ràng. Ở nước ngoài các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia tôi hiểu là những hành động như đặt bom khủng bố, giết người hàng loạt, hay chất độc hóa học… Nhưng Việt Nam nhiều khi là sự lên tiếng phản ánh những bất cập, sai trái của hệ thống pháp luật, cũng như sai trái của các ban ngành cũng bị quy là chống nhà nước và xâm phạm an ninh quốc gia.

Việt Nam hiện có 3 điều quy định tội phạm xâm hại an ninh quốc gia bị quốc tế chỉ trích nặng nề đó là điều 258 lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia, điều 88 tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, và điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền. Cộng đồng quốc tế chỉ trích rằng đây là những điều luật mơ hồ, rất dễ quy tội cho những người lên tiếng bất đồng quan điểm chính trị và vi phạm quyền tự do ngôn luận của con người.

Những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền hay môi trường của Việt Nam hiện đang bị bắt giam hầu như đều bị quy vào một trong 3 điều này.

Một bất cập khác theo luật sư Ngô Ngọc Trai gây ra sự bất bình lớn trong giới luật sư đó là điều luật này đụng chạm đến mảng hoạt động chính của luật sư ở Việt Nam đó là tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Ông giải thích sở dĩ đây là mảng hoạt động chính là vì dân Việt Nam còn nghèo nên họ không đủ khả năng để thuê luật sư cho những tội nhẹ, mà chỉ khi phải đối diện với án chung thân hoặc tử hình họ mới nhờ đến luật sư hoặc được chỉ định luật sư.

Còn theo luật sư Võ An Đôn, điều luật này nhằm gây khó khăn cho giới luật sư nhân quyền vốn đã từng bị Việt Nam "không ưa", luôn tìm cách o ép :

Những luật sư nhân quyền chuyên đi làm những án điều 79, 88, 258 và những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia trước đây gặp rất nhiều áp lực. Những năm trước đây khi Internet và Facebook chưa phát triển những luật sư tham gia các án này đều bị tìm mọi cách loại ra khỏi giới luật sư. Bây giờ nhờ mạng xã hội phát triển, chính quyền không dám mạnh tay như trước đây nữa nhưng vẫn gây khó khăn và hiện nay giới luật sư đến 13.000 hay 14.000 người nhưng những luật sư nhân quyền được dăm ba người đếm trên đầu ngón tay.

Bản thân luật sư Võ An Đôn cũng từng bị Sở tư pháp và Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên nhiều lần kỷ luật với hình thức nặng và dọa thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư khi ông tham gia bào chữa vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết dân ở Phú Yên năm 2015.

Trong khi đó Giáo sư Tạ Văn Tài thì cho rằng điều luật này là một cách để gây khó cho những người bị quy vào các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, cho thấy Việt Nam ngày càng thắt chặt hơn các vấn đề liên quan đến an ninh.

Trước thông tin điều 19 được thông qua, luật sư Ngô Ngọc Trai nói rằng trước mắt ông sẽ vẫn phải làm theo luật này bởi vì đây là quyết định của Quốc hội, nhưng dần dần qua từng vụ việc giới luật sư sẽ chỉ ra những bất cập để nền tư pháp Việt Nam được tiến bộ hơn. Tuy nhiên, luật sư Võ An Đôn lại nói rằng bản thân ông sẽ không thực hiện điều luật trái lương tâm này :

Dù luật quyết định như vậy nhưng riêng tôi dù biết thân chủ phạm tội gì nhưng vì đạo đức tôi thà vi phạm luật chứ không tố cáo thân chủ của mình

Luật sư Võ An Đôn cho biết luật sư không tố giác thân chủ theo điều luật này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng ông không biết cụ thể hình phạt là gì.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua với 88,39% đại biểu tán thành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 21/06/2017

Published in Diễn đàn

Giới luật sư Việt Nam đang tranh cãi bất bình về một điều khoản trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi.

luat0

Quang cảnh hội thảo - Ảnh minh họa

Đó là quy định tại Điều 19 có nội dung buộc luật sư phải có trách nhiệm tố giác thân chủ nếu biết được thân chủ phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nào khác.

Quy định này được đưa ra nhằm nâng cao khả năng phát hiện và xử lý tội phạm, nhưng tôi cho rằng nó không thỏa đáng và không hợp lý trong bối cảnh môi trường pháp lý hiện tại.

Lý do là về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thứ tội danh mà tưởng chừng như nghiêm trọng ghê gớm lắm mà ở các nước thì đó là danh sách các tội như khủng bố, đặt bom, sử dụng chất độc hóa học, hay ám sát này nọ.

Còn ở Việt Nam thì sao, đó hóa ra nhiều khi chỉ là sự lên tiếng phê phán hoặc phơi bày những khuyết tật của bộ máy, sai lầm trong chính sách hoặc yếu kém của lãnh đạo, để rồi bị quy cho là chống đảng, chống nhà nước và bị xử lý về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Sự lên tiếng bởi lương tâm và nhận thức, điều hoàn toàn bình thường chính đáng ở các nước dân chủ thì ở Việt Nam lại bị quy cho là tội phạm.

Đấy là điều bất hợp lý mà luật sư chúng tôi thấy rõ dù nhiều người không nói ra. Các ban ngành tư pháp khác cũng thấy rõ dù im lặng.

Cho nên việc đưa ra thiết chế mới, có lẽ do học hỏi nước ngoài, đòi hỏi luật sư phải tố giác thân chủ, là không hợp lý trong môi trường pháp lý hiện tại.

Hoặc nếu triển khai áp dụng chế định này thì phải liệt kê danh sách cụ thể từng tội một và giới hạn chỉ một vài tội mà thôi, ví như tội khủng bố, tội chống lại loài người, tội phản bội tổ quốc, tội giết người hàng loạt.

Những tội mà lằn ranh gianh giới rất rõ ràng, giúp cho khả năng thực hiện tiệm cận công lý, và không đẩy người luật sư vào thế day dứt lương tâm và nhận thức.

Chết trong đồn công an

Một vấn đề khác ngược lại, về một chế định pháp lý tiến bộ cần được áp dụng nhưng các ban ngành lại từ chối với lý do môi trường hiện tại chưa phù hợp, dẫn đến hệ quả xấu nhãn tiền ngay trước mắt.

Đó là chế định luật sư trực ban mà giới luật sư đã đề xuất khi soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó khi một người vừa bị bắt, cơ quan điều tra có trách nhiệm liên hệ ngay với luật sư trực ban để có người bào chữa bất kể ngày đêm, tránh cho bị can bị đối xử tàn bạo.

Đây là chế định học từ các nước có nền tư pháp tiến bộ, nhưng các ban ngành cho là chưa phù hợp nên bác bỏ, dẫn đến hậu quả nhãn tiền ngay trước mắt đó là các vụ chết người trong đồn công an.

Mới đây xảy ra một vụ chết người trong đồn công an tại tỉnh Vĩnh Long. Một tín đồ phật giáo Hòa Hảo bị An ninh tỉnh Vĩnh Long bắt lúc tối ngày 2/5 đến sáng ngày 3/5 thì bị cho là dùng dao dọc giấy rạch cổ tự tử chết.

Hoặc một trường hợp bị can sinh năm 1990 bị cho là tự tử chết ở trại tạm giam Kim Chi thuộc công an tỉnh Hải Dương hôm 21/4 vừa qua.

Nếu có luật sư trực ban và những người này có luật sư ngay khi bị bắt thì có lẽ đã không chết. Những cái chết có thể do tự tử, có thể do bị nhục hình mà chết, đều có thể đã được ngăn chặn nếu có vai trò ngay từ đầu của luật sư bào chữa.

Trong bối cảnh môi trường pháp lý như vậy thì chế định luật sư trực ban là rất quan trọng giúp cứu sống nhiều người, đó cũng chính là bối cảnh lý do mà từ mấy chục năm trước các nước đã cho ra đời chế định luật sư trực ban, nhằm ngăn ngừa tra tấn bạo hành.

Bảo vệ dân quyền

Qua việc việc làm thực tế của các nhà làm luật, muốn luật sư phải tố giác thân chủ và bác bỏ đề nghị về chế định luật sư trực ban, cho thấy quan điểm nhận thức của nhà làm luật.

Đó là tuy cùng học hỏi từ các nước, nhưng học cái gì, không học cái gì sẽ cho thấy họ có muốn tạo dựng công bằng hợp lý hay không, hay là lồng ghép vào để củng cố nền chuyên chế độc tài nhằm cai trị và bóp nghẹt quyền công dân.

Hoặc như việc trì hoãn ban hành luật về hội, luật biểu tình cũng là lối làm luật củng cố độc tài thay vì bảo vệ quyền công dân.

Hoặc mới đây một dự thảo nghị định có quy định cấm người dân được sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang bí mật, cũng là một kiểu làm luật xâm phạm dân quyền. Nhưng rất may sau đó do công luận phản đối quyết liệt nên quy định đã bị bác bỏ.

Tác giả là một luật sư hiện đang hoạt động tại Hà Nội.

Published in Diễn đàn