Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2017

Làm luật để bảo vệ dân quyền ?

Ngô Ngọc Trai

Giới luật sư Việt Nam đang tranh cãi bất bình về một điều khoản trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi.

luat0

Quang cảnh hội thảo - Ảnh minh họa

Đó là quy định tại Điều 19 có nội dung buộc luật sư phải có trách nhiệm tố giác thân chủ nếu biết được thân chủ phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nào khác.

Quy định này được đưa ra nhằm nâng cao khả năng phát hiện và xử lý tội phạm, nhưng tôi cho rằng nó không thỏa đáng và không hợp lý trong bối cảnh môi trường pháp lý hiện tại.

Lý do là về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thứ tội danh mà tưởng chừng như nghiêm trọng ghê gớm lắm mà ở các nước thì đó là danh sách các tội như khủng bố, đặt bom, sử dụng chất độc hóa học, hay ám sát này nọ.

Còn ở Việt Nam thì sao, đó hóa ra nhiều khi chỉ là sự lên tiếng phê phán hoặc phơi bày những khuyết tật của bộ máy, sai lầm trong chính sách hoặc yếu kém của lãnh đạo, để rồi bị quy cho là chống đảng, chống nhà nước và bị xử lý về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Sự lên tiếng bởi lương tâm và nhận thức, điều hoàn toàn bình thường chính đáng ở các nước dân chủ thì ở Việt Nam lại bị quy cho là tội phạm.

Đấy là điều bất hợp lý mà luật sư chúng tôi thấy rõ dù nhiều người không nói ra. Các ban ngành tư pháp khác cũng thấy rõ dù im lặng.

Cho nên việc đưa ra thiết chế mới, có lẽ do học hỏi nước ngoài, đòi hỏi luật sư phải tố giác thân chủ, là không hợp lý trong môi trường pháp lý hiện tại.

Hoặc nếu triển khai áp dụng chế định này thì phải liệt kê danh sách cụ thể từng tội một và giới hạn chỉ một vài tội mà thôi, ví như tội khủng bố, tội chống lại loài người, tội phản bội tổ quốc, tội giết người hàng loạt.

Những tội mà lằn ranh gianh giới rất rõ ràng, giúp cho khả năng thực hiện tiệm cận công lý, và không đẩy người luật sư vào thế day dứt lương tâm và nhận thức.

Chết trong đồn công an

Một vấn đề khác ngược lại, về một chế định pháp lý tiến bộ cần được áp dụng nhưng các ban ngành lại từ chối với lý do môi trường hiện tại chưa phù hợp, dẫn đến hệ quả xấu nhãn tiền ngay trước mắt.

Đó là chế định luật sư trực ban mà giới luật sư đã đề xuất khi soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó khi một người vừa bị bắt, cơ quan điều tra có trách nhiệm liên hệ ngay với luật sư trực ban để có người bào chữa bất kể ngày đêm, tránh cho bị can bị đối xử tàn bạo.

Đây là chế định học từ các nước có nền tư pháp tiến bộ, nhưng các ban ngành cho là chưa phù hợp nên bác bỏ, dẫn đến hậu quả nhãn tiền ngay trước mắt đó là các vụ chết người trong đồn công an.

Mới đây xảy ra một vụ chết người trong đồn công an tại tỉnh Vĩnh Long. Một tín đồ phật giáo Hòa Hảo bị An ninh tỉnh Vĩnh Long bắt lúc tối ngày 2/5 đến sáng ngày 3/5 thì bị cho là dùng dao dọc giấy rạch cổ tự tử chết.

Hoặc một trường hợp bị can sinh năm 1990 bị cho là tự tử chết ở trại tạm giam Kim Chi thuộc công an tỉnh Hải Dương hôm 21/4 vừa qua.

Nếu có luật sư trực ban và những người này có luật sư ngay khi bị bắt thì có lẽ đã không chết. Những cái chết có thể do tự tử, có thể do bị nhục hình mà chết, đều có thể đã được ngăn chặn nếu có vai trò ngay từ đầu của luật sư bào chữa.

Trong bối cảnh môi trường pháp lý như vậy thì chế định luật sư trực ban là rất quan trọng giúp cứu sống nhiều người, đó cũng chính là bối cảnh lý do mà từ mấy chục năm trước các nước đã cho ra đời chế định luật sư trực ban, nhằm ngăn ngừa tra tấn bạo hành.

Bảo vệ dân quyền

Qua việc việc làm thực tế của các nhà làm luật, muốn luật sư phải tố giác thân chủ và bác bỏ đề nghị về chế định luật sư trực ban, cho thấy quan điểm nhận thức của nhà làm luật.

Đó là tuy cùng học hỏi từ các nước, nhưng học cái gì, không học cái gì sẽ cho thấy họ có muốn tạo dựng công bằng hợp lý hay không, hay là lồng ghép vào để củng cố nền chuyên chế độc tài nhằm cai trị và bóp nghẹt quyền công dân.

Hoặc như việc trì hoãn ban hành luật về hội, luật biểu tình cũng là lối làm luật củng cố độc tài thay vì bảo vệ quyền công dân.

Hoặc mới đây một dự thảo nghị định có quy định cấm người dân được sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang bí mật, cũng là một kiểu làm luật xâm phạm dân quyền. Nhưng rất may sau đó do công luận phản đối quyết liệt nên quy định đã bị bác bỏ.

Tác giả là một luật sư hiện đang hoạt động tại Hà Nội.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 680 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)