Một dân biểu Đức nói với VOA rằng bà đang vận động trả tự do cho một nhà tranh đấu dân chủ bị kết án gần đây và kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng đàn áp người dân.
Dân biểu Gyde Jensen, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức, kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng đàn áp người dân và trả tự do cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Bắc Truyển. (ảnh trên Twitter cá nhân của dân biểu Gyde Jensen)
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức Gyde Jensen đang nỗ lực vận động để Việt Nam trả tự do cho luật sư Nguyễn Bắc Truyển, người bị kết án 11 năm tù vào đầu tháng trước. Ông Truyển, người được biết tiếng với các hoạt động đấu tranh dân chủ, quyền đất đai và tự do tôn giáo, bị tuyên án cùng với 5 nhà hoạt động khác của Hội Anh Em Dân Chủ hôm 5/4 tại Hà Nội với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Kim Phượng, tháng 6/2016, Dòng Chúa Cứu Thế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh : Facebook Bùi Kim Phượng)
Giải thích lý do vì sao chọn luật sư vừa bị kết án ở Việt Nam, dân biểu Jensen nói trường hợp của ông Truyển "tiêu biểu cho vấn đề nhân quyền".
"Điều quan trọng là chúng ta phải nâng cao nhận thức về một số trường hợp điển hình cho toàn khu vực trong bối cảnh mối lo về nhân quyền và trong trường hợp này là cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo", bà Jensen nói.
Bà Jensen cho biết việc vận động này nằm trong chương trình "Dân biểu cứu dân biểu" trong đó mỗi đại biểu Quốc hội Đức có cơ hội chọn 3 trường hợp tiêu biểu cho các vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới để vận động cho họ nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa về các vấn đề nhân quyền.
Chính phủ Đức, Mỹ và EU cùng nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bản án của chính phủ Việt Nam tuyên phạt ông Truyển và Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó 6 nhà hoạt động nhận mức án tổng cộng 66 năm tù giam.
Luật sư Nguyễn Văn Truyển (dưới, phải) cùng các nhà tranh đấu của Hội Anh Em Dân Chủ bị kết án tổng cộng 66 năm tù hôm 5/4/2018.
Luật sư Truyển, 50 tuổi, là trường hợp đầu tiên bà Jensen, người được bầu vào Quốc hội Đức tháng 10 năm ngoái, chọn để vận động trong chương trình này.
Là một luật sư, ông Truyển đã giúp tư vấn pháp lý miễn phí cho những nạn nhân mất đất khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long, ủng hộ nền dân chủ đa đảng và kêu gọi chính phủ Việt Nam thả tự do cho các tù nhân lương tâm. Luật sư Truyển từng làm việc tại Văn phòng Công Lý và Hòa Bình và là người đứng đầu Hội Hữu nghị Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, một nhóm hội cho những cựu tù nhân lương tâm.
Trước khi bị kết tội 11 năm tù giam cùng 3 năm quản chế vào tháng trước, ông Truyển từng phải thụ án 3 năm 6 tháng trong nhà giam vì tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 88 BLHS Việt Nam.
"Mục tiêu cuối cùng của tôi là giúp ông ấy được tự do", bà Jensen cho biết và nói rằng bà dự định tới Việt Nam trong năm sau để gặp gỡ luật sư và gia đình của ông Truyển.
Tuy nhiên dân biểu Đức cũng nhận thức được những khó khăn để thực hiện mục tiêu này vì cho rằng Việt Nam là một "chế độ đàn áp" tiêu biểu trong khu vực.
Nếu không thể thực hiện được mục tiêu tìm lại tự do cho Luật sư Truyển, bà Jensen cho biết bà cũng sẽ tìm cách giúp ông ấy có được điều kiện tốt hơn trong tù như có được "giấy, bút và truy cập internet để ông ấy có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài".
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức cho rằng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là "tiêu biểu" trong khu vực.
"Các chính phủ đàn áp như Việt Nam không muốn cải thiện nhân quyền", theo dân biểu Đức. "Họ thường nghĩ rằng nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tự do tư tưởng, là một cái gì đó nguy hiểm cho chính phủ và cho những người đứng đầu nhà nước. Việt Nam là một ví dụ cho việc đó".
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Các tổ chức quốc tế thường xuyên lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, nơi mà theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra trong năm nay, hiện có 97 tù nhân chính trị đang bị giam giữ. Các blogger, luật sư và các nhà hoạt động thường xuyên bị giam cầm vì những ý kiến chỉ trích Đảng Cộng sản và các chính sách của chính quyền.
Tuy nhiên Việt Nam bác bỏ điều này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tháng trước nói rằng Việt Nam không có cái gọi là "tù nhân lương tâm" và không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ, theo truyền thông trong nước.
Được hỏi tại sao Quốc hội Đức lại quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam, bà Jensen nói "tình trạng nhân quyền là yếu tố quan trọng tới sự lành mạnh của một quốc gia" và điều này được ghi trong hiến pháp của Đức.
"Chúng tôi muốn chỉ ra rằng các nước khác trên thế giới đang là thành viên của Liên Hiệp Quốc phải có nghĩa vụ đảm bảo rằng nhân quyền được tôn trọng".
Bà Jensen kêu gọi chính phủ Việt Nam nhận thức ra rằng "đàn áp công dân của mình sẽ không giúp họ thành công hay trở thành một quốc gia tốt đẹp".
Nguồn : VOA, 10/05/2018