Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Làm người không muốn được tự do mà lại muốn làm ma tự do. Đó là điều khác biệt giữa một sản phẩm của thể chế đã dung chứa nó và những người tự do sống để đấu tranh cho những quyền làm người chính đáng đã và đang bị thể chế ấy tước mất.

Báo chí lề đảng : những con dao 2 lưỡi

Mấy ngày nay, dư luận trong và ngoài nước đang "dậy sóng" khi truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin "Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác ra xét xử tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố bị can theo quyết định số 522/C46 ngày 8/12/2017 vì có những sai phạm nghiêm trọng ở quá khứ trong việc lãnh đạo, điều hành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) và mất trắng số tiền này. Ông Thăng đã bị bắt tạm giam theo lệnh số 134/C46 ngày 8/12/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an".

dlt1

Báo chí Việt Nam đưa tin về sai phạm ông Đinh La Thăng

Báo chí nhà nước, cơ quan truyền thông của đảng cộng sản, những tổ chức và con người chỉ mới thời gian ngắn trước đây, khi ông Thăng về làm Bí thư thành Hồ, với những phát ngôn và hành động nổi bật, thì họ đã đua nhau như một đàn ruồi xanh, theo "nâng" Tân bí thư, với những lời tung hô có cánh, đưa ông Thăng lên tận mây xanh, coi ông như một "thần tượng".

Hôm nay, cũng chính những tờ báo ấy, với những cây bút ấy, lại ra sức ném đá ào ào vào ông Thăng. Họ thay mặt tòa án, quy kết rất nhiều tội cho ông trước khi tòa tuyên án.

Đau đớn thay ! Nghiệt ngã lắm cho cái gọi là báo chí Cách mạng !

Nhìn lại công và tội của ông Đinh

Về công, nhìn lại thực tế, Đinh La Thăng là Bộ trưởng đầu tiên của Chính Phủ Việt Nam dám thi tuyển công khai chức Tổng cục trưởng, Vụ trưởng. Ông là người đầu tiên dám chỉ mặt tổng thầu Trung Quốc mắng sa sả. Ông là Lãnh đạo cấp cao đầu tiên cấm cán bộ trong cơ quan chơi gôn, trong khi dân tình còn khổ. Ông là lãnh đạo đầu tiên dám cách chức quan lại Bộ "đường sắt" và hàng loạt cán bộ dưới quyền kém tài, nhũng nhiễu. Ông là lãnh đạo đầu tiên dám xóa bỏ những quy định bất hợp lý (biển báo giới hạn, thủ tục phiền hà, tiến độ thi công con rùa...).

Ông Đinh La Thăng, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đã xóa bỏ quy định tốc độ tối đa 40km/h đối với các loại xe cơ giới khi lưu thông trong khu đô thị hoặc vùng dân cư nông thôn, vì đường sá nay đã rộng rãi hơn trước.

Cũng chính ông Đinh La Thăng đã "cấm" giới Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, không được núp lùm núp lòi, không được chui rúc trong các nhà cầu, hầm xí, hố phân ven đường như những tên trộm cắp đê hèn, để lẻn lút rình mò ghi hình người tham gia giao thông. 

Một số người thân cận từng làm việc chung với Đinh La Thăng nhìn nhận ông ấy là người có tính hài hước.

Sự hài hước của Thăng khi nói về người này người kia, việc này việc khác, là một trong những đầu mối đem đến tai họa cho ông mà có thể không ông nhận ra. Trong một nền chính trị khép kín, mọi người luôn giả vờ làm ra nghiêm trang, giấu biệt ý nghĩ thật của mình, thì Thăng lại cứ nói tuột mọi thứ thành lời bằng lối hài hước là sự tàng ẩn đem lại nguy hiểm cho bản thân.

dlt2

Ông Đinh La Thăng và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam

Xưa nay mgười biết hài hước thường là người tốt. Ngay cả giờ đây, dù ông Thăng đang bị đưa ra Tòa xét xử, vẫn có nhiều người dân Việt Nam tin ở ông, ủng hộ ông. Nếu so với đám quan chức Việt Nam đang tại vị còn lại, ông Thăng vẫn là người tốt nhất.

Về tội, đầu tiên là việc ông ấy đã cho lính đập nát chùa Liên Trì đã có hàng trăm năm tuổi, để thực hiện dự án cướp đất tại Khu Đô Thị Thủ Thiêm. Điều mà trước đó, vị Bí thư tiền nhiệm Lê Thanh Hải còn chưa dám làm.

Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh vị Hòa thượng trụ trì già nua Thích Không Tánh, khi trở về, thấy ngôi chùa thân yêu gắn bó với mình bao năm nay, nay bị đập phá không thương tiếc. Ông đứng trên đống gạch đá ngổn ngang, run lẩy bẩy, vẻ mặt thẫn thờ.

Tiếp đấy, khi Công ty vỏ Đài ruột Tàu Formosa Hà Tĩnh, gây ra thảm họa môi trường khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước nhà, xả hàng ngàn tấn chất thải cực độc ra vùng biển miền Trung, làm chết hàng trăm ngàn tấn hải sản các loại, nổi lên trắng bờ bãi 4 tỉnh miền Trung, đã đẩy mấy triệu người dân nghèo nơi đây vào bước đường cùng vì hết kế sinh nhai, gây phẫn nộ tột cùng trong nhân dân. Trong cơn phẫn uất ấy, nhân dân nhiều nơi, từ Bắc chí Nam đã xuống đường biểu tình phản đối, đòi kẻ gây ra tội ác phải bị xét xử và bồi thường thỏa đáng cho dân.

Thì ông Đinh La Thăng đã cho các lực lượng chính quy lẫn không chính quy, đàn áp các cuộc biểu tình ở Sài Gòn rất khốc liệt. Nhiều người bị đánh thâm tím mặt mày, bị câu lưu nhiều giờ trong đồn công an, chỉ vì cái tội bày tỏ ôn hòa thái độ của mình trước kẻ đã gây ra tội ác.

Họa đến từ sự hồn nhiên chính trị của họ Đinh

Một dạo, những người Cách mạng lão thành khi xem cái Clip cắt ra từ chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, thấy ông Thăng chỉ tay mắng xa xả mấy gã người Tầu liên quan đến dự án Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đã có người buột miệng bảo : "thằng Thăng sẽ phải đi, không lúc này thì lúc khác". Vâng ! Nỗi nhục lớn thế kia, bọn Tàu đời nào chịu. Ông Nguyễn Cơ Thạch cũng mất chức chỉ vì khinh Tầu, mà mới chỉ khinh thầm thôi, còn ôngThăng thì... !

Đến khi ông Thăng công khai ủng hộ ông Bob Kerrey người đã chỉ huy và trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội tại thôn Thạnh Phong (Bến Tre) vào tháng 2/1969, làm chủ tịch quỹ tín thác đại học Fulbright, thì mọi người thấy gươm đao, giáo mác đã vây quanh cửa phòng ông Thăng chờ cơ hội vồ lấy ông.

Liệu Trung Nam Hải và chính quyền cộng sản miền Bắc Việt Nam có yên tâm trước một lãnh đạo Sài Gòn thân thiện với Hoa Kỳ ? Lúc đó ông Thăng chỉ mới là Bí thư thành ủy, biết đâu sẽ đến lúc ông ấy làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam ? Ông Thăng đã quá hồn nhiên về mặt chính trị ! Người Tàu với "Giấc Mộng Trung Hoa" luôn biết lo xa cả trăm năm, họ sẵn sàng ủ mối thù hàng chục năm, đợi cơ hội ra tay đáp trả, tất nhiên sẽ không để yên ổn cho ông Thăng tại vị khi ông mang tư tưởng hồn nhiên ấy. Khi làm những điều đó, có lẽ ông Thăng đã quên mất vị trí của mình đang là Bí thư của Thành Hồ sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng chính trị bởi quyết định ấy.

Kết

Trong xã hội cộng sản, cai trị thì công thoáng chốc bỗng thành tội và ngược lại tội biến thành công, là điều rất khó lường trước được.

Chúng ta chắc hẳn còn nhớ câu chuyện ngày xưa của bà Cát Hanh Long (Nguyễn Thị Năm), từ chỗ là ân nhân, đã hiến hàng ngàn lạng vàng cho đảng lúc đảng gặp khó khăn, sau chuyển sang tội đồ chỉ trong chốc lát lãnh án tử hình, đến nay con cháu bà Năm vẫn còn mang nỗi nhục, chưa được đảng và nhà nước Việt Nam minh oan.

Giờ thì ông Thăng đã phải đi thật ! Viễn cảnh này nhiều người đã nhìn thấy trước, chỉ duy bản thân ông ấy là không thấy. Ông Thăng đang phải trả giá cho thói quen làm việc quyết đoán, quá tin vào bản thân mình đến mức chủ quan và sự cả tin vào cấp dưới.

Tội "cố ý làm trái", phải chăng chỉ một quân bài để nhóm lãnh đạo cao cấp của Việt Nam thân với Trung Nam Hải loại trừ ông Thăng ra khỏi bàn cờ Chính trị ? Bắc Kinh chắc hẳn đang rất hả dạ.

Khi mà nạn tham nhũng đã thành thứ ung nhọt vô phương cứu chữa của chế độ và người dân thì chán ghét, căm tức quan chức đến tận xương tủy thì tội tham nhũng là quân bài hiệu quả của nhà cầm quyền cộng sản mượn lòng dân trừ đối thủ. 

Hãy xem hôm nay báo chí và khá nhiều người từng là đồng chí của ông Thăng đang ra sức bôi tro trát trấu lên mặt ông, vu cho ông ấy biết bao là thói xấu, lại cũng là chính là những kẻ ngày trước đã tâng ông lên tận mây xanh khi ông còn tại vị.

Biết là mọi việc trên đời đều là luật nhân quả, cái gì cũng có lý do của nó nhưng sao vẫn thấy xót xa cho con người một thời từng là Tư lệnh ngành Giao thông vận tải, Bí thư Thành ủy thét ra lửa mà giờ đang phải đối diện với án tù.

Buồn vì một người lãnh đạo đã từng một thời được kỳ vọng là "Chiến tướng" đánh Đông dẹp Bắc, một người từng được nhân dân kỳ vọng là sẽ tạo ra hình ảnh mới của quan chức Việt Nam, giờ đã tiêu tan sự nghiệp Chính trị, đang phải vướn vào vòng lao lý.

Đào Đức Thông

Nguồn : VNTB, 21/01/2018

Published in Diễn đàn

Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ là câu nói ám chỉ thứ tự ưu tiên trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay trong xã hội Việt Nam, là thứ tự những tiêu chí trong việc xét bổ nhiệm các vị trí trong công tác nhân sự, phổ biến là ở các cơ quan công quyền, như việc bổ nhiệm cán bộ.

quytrinh1

Những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt, người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay.

Theo đó thì thứ tự ưu tiên của việc bổ nhiệm công tác nhân sự sẽ là :

1. Thứ nhất hậu duệ, tức là con ông cháu cha, con cháu của những người đang làm ở các vị trí đương thời.

2.Thứ nhì là phải có tiền để chạy công việc.

3. Thứ ba là phải có quan hệ với những người đang làm ở các vị trí trong cơ quan đấy.

4. Thứ tư mới xét đến năng lực trí tuệ của người đó.

Tư duy này vốn xuất phát từ văn hoá làng của người Việt. Ngày xưa cùng quê, đồng hương, cùng họ là có thể nâng đỡ nhau. Tất cả cùng chung sức đầu tư để đẩy một ai đó lên cao rồi tất cả bám vào và cùng trèo lên hưởng lộc. Khi bản thân đã có lộc thì lại lo cho con cháu, cứ thế mà xoay vần thành quy luật, thế nên những cô chiêu cậu ấm vắt mũi chưa sạch đang còn trong tuổi ham ăn mải chơi thì đã được bố dúi cho cái quyết định làm cán bộ vào tay. Phụ huynh không cần biết chất xám và bản lĩnh của con mình thế nào nên mới sinh ra một lũ cán bộ non lố nhố đầu tôm đuôi tép nhưng vẫn "đúng quy trình".

Tại phiên họp ngày 22/5/2017 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, một con số được đưa ra chứng minh cho hậu duệ, quan hệ là, có 9 địa phương đã bổ nhiệm tổng cộng 58 người nhà gây bức xúc dư luận thời gian qua gồm : Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng.

Hiện này có nhiều cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan Nhà nước, đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được, viết sẵn đọc còn khó khăn, đó là do năng lực tư duy hạn chế, điều hành sao đặng. Đây không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà khá phổ biến. Cứ xếp ghế cho ngồi thoải mái, dư có Nhà nước chịu. Năng lực như vậy mà điều hành thì chỉ có rối loạn đất nước.

Từ khi có cái quy trình đã làm cho văn hoá thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ trong xã hội Việt Nam được mùa phát triển, quy trình bồi dưỡng cán bộ nguồn, quy trình luân chuyển, quy trình giới thiệu vào các vị trí chủ chốt, quy trình đại hội để bầu ra những người xuất sắc đã có trong quy trình.

Bất kì ai không nằm trong cái quy trình ấy sẽ không có cơ hội, dù có tài thế nào. Thật là quan ngại trong cách điều hành quản lý, công tác tổ chức cán bộ ở ta hiện nay. Những hạn chế bởi quy trình khiến cho các cán bộ công chức trẻ có năng lực thật sự, có mưu cầu cống hiến cho quê hương cảm thấy hoang mang. Thế là với tiêu chí nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ, người ta bằng mọi hình thức để làm thế nào chui được vào cái "lồng quyền lực" vậy thì tham nhũng phải xảy ra là điều tất yếu trong bộ máy công chức Nhà nước Việt Nam.

Cái lồng quyền lực và quy trình đó nhốt toàn chó sói, cáo mũi nhọn, chuột thành tinh.,v.v… Và đó là nguồn để bầu cán "thó"đào tường khoét nghạch của dân.

Biết bao trí sỹ nhân tài thực thụ thì cơ hội không có, nằm hết ngoài quy trình ! !

Chống tham nhũng thì phải đập bỏ cái quy trình mà phát triển tự do. Công chức Nhà nước phải thi cử tranh cử công khai, ai có tài thì được mời vào làm việc khi họ vào vị trí rồi thì bồi dưỡng chính trị cho họ để gọi là đúng quy trình. Các cụm từ "đúng quy trình", " bổ nhiệm thần tốc" gần đây xuất hiện với tần suất rất lớn gây ra sự mệt mỏi không hề nhỏ đối với người dân khi nói đến phương thức quản lý nhà nước, những sai phạm ở một số lĩnh vực, bộ ngành.

Bởi cái quy trình theo lối văn hoá Việt mà bao nhiêu quan chức tham nhũng vướng vào lao lý, quan to ăn to quan bé ăn nhỏ từ trung ương đến địa phương cứ có cơ hội là ăn cắp, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà tài sản của nhà nước đó chính là tiền thuế bằng mồ hôi công sức của nhân dân là tài nguyên đất nước đào bới lên bán lấy tiền.

Bao nhiêu doanh nghiệp quả đấm thép của Nhà nước Việt Nam là bấy nhiêu doanh nghiệp thua lỗ nợ nần chồng chất để đến nỗi cả cái thể chế lung lay đến mức báo động cho sự sụp đổ đương nhiên mà không có lối thoát.

Mang tiếng toàn là những cái đầu lãnh đạo gọi là "tinh hoa" tự nhận là dân bầu mà không nhìn ra được cái gốc của sự sụp đổ nhưng lại tuôn tự sướng ca ngợi công lao và sự thành công của mình.

Khi bao anh tài của đất nước chúng ta hiện nay ra trường còn chạy grap, uber thì đất nước Việt Nam sẽ còn tuột hậu. Nhìn lại nhà Trần mấy trăm năm trước, ba lần chiến thắng đội quân hùng mạnh số 1 thế giới, đến lúc chúng ta phải lên án "quy trình".

Nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì quy trình đó sai và cần được sửa đổi.

Việc bổ nhiệm người nhà chắc chắn gây ra bất công và bất bình xã hội. Nếu tất cả quyền lực công đều rơi hết vào tay người nhà, thì còn cơ hội gì cho quảng đại quần chúng nhân dân ? Ngoài ra, việc bổ nhiệm người nhà còn làm tổn hại đến chất lượng của nền quản trị quốc gia.

Thứ nhất, việc cha làm quan trên, con làm quan dưới là biểu hiện trần trụi nhất của sự xung đột lợi ích. Cha quá nghiêm khắc với con, thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại.

Thứ hai, đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ, sẽ rất khó xác lập kỷ cương. Không chỉ ông bố rất khó nghiêm khắc với ông con, mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn làm gì cũng ngại. Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa bóng ông bố mà làm cho các cơ chế kiểm tra, giám sát bị mất hết tác dụng.

Ngày xưa mỗi năm bốn mùa các vị Vua thường đăng đàn làm lễ tế Trời Đất cầu cho Quốc thái Dân an.

Qua đó cũng thể hiện được cái Tâm đối với Giang Sơn Xã Tắc. Đó gọi là cái tâm hành động vì Dân.

Ngày nay diễn văn của lãnh đạo rất sâu nhưng cái Tâm không hiện diện.

Thời nào cũng vậy. Nếu Quốc gia trên thuận ý Trời dưới hợp lòng Dân thì thái bình thịnh trị lâu dài. Và ngược lại tất sẽ sụp đổ, không mau cũng lâu.

Cái văn hóa quy trình dựa vào hậu duệ, tiền tệ, quan hệ ấy tạo thành một dây, bè phái tham nhũng. Đau nhất không ở đó không có chỗ đứng cho các quan thanh liêm vì dân. Cái quy trình lợi ích nhóm luôn tồn tại ấy khiến nên văn hóa Việt Nam suy đồi, kinh tế suy thoái, chính trị thiếu ổn định. Những người phải gánh hậu quả là dân đen và con cháu đời sau. Dân chúng đã chán ngắt một hệ thống chính trị mà trong đó họ rất ít khi nhìn thấy mình. Lòng khát khao thay đổi đã làm cho không ít người dân nhẹ dạ cả tin suýt nữa trở thành thành quách chở che những kẻ vơ vét sạch sành sành của họ.

Đã đến lúc hệ thống chính trị Việt Nam cần phải được thay máu để hy vọng xây dựng một đất nước Việt Nam : Dân Chủ, Tự Do và Hưng Thịnh đúng nghĩa.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời của nhà báo Huy Đức : "Giật mặt nạ những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt là rất cần thiết. Nhưng không thể chỉ làm việc đó bằng một quy trình chính trị nội bộ. Nơi người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay. Cái quy trình đó lệ thuộc rất nhiều vào ý chí của những cá nhân. Khi những kẻ tham nhũng vận hành cái quy trình ấy đông hơn thì nhân dân bó tay…

Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn".

Đào Đức Thông

Nguồn : VNTB, 06/01/2018

Published in Diễn đàn