Tại Vũng Áng, Hà Tĩnh có một xứ đạo Công giáo tồn tại hơn thế kỷ qua ; thế nhưng khi muốn triển khai dự án khu công nghiệp và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà cầm quyền địa phương muốn xóa bỏ giáo xứ dù không ảnh hưởng đến dự án. Tuy nhiên nhiều giáo dân vẫn bám trụ lại và nay có thêm nỗ lực muốn giúp cứu xứ đạo lâu đời này.
Giáo xứ Đông Yên trong cảnh hoang tàn. RFA photo
Cảnh hoang tàn, đổ nát bên ngôi Nhà Thờ đứng chơ vơ đập vào mắt chúng tôi khi trở lại giáo Xứ Đông Yên vào một ngày đầu năm dương lịch 2017.
Ông Lê Vị, một giáo dân Đông Yên xúc động khi nói về việc bị cưỡng chế di dời, trường lớp của giáo xứ bị đập bỏ, nhiều nhà dân cũng bị cày ủi nham nhở :
"Chúng tôi ở đây đau khổ lắm, nhà cửa rách nát, mọi thứ hoang tàn nghĩ tới chỉ biết nước mắt rơi. Từ 2010 không ai nghĩ Giáo Xứ Đông Yên sẽ thuộc diện di dời tái định cư. Ở đâu mà buộc, hành hạ bắt cả giáo xứ Đông Yên này phải dời đi thì chúng tôi rất đau khổ".
Một người khác tên Hàn cũng cho biết hành xử của phía chính quyền khi tiến hành kế hoạch di dời giáo xứ Đông Yên :
"Từ 2013-2014 thì hai năm đó chính quyền về đàn áp nhân dân và đặc biệt đập phá nhà dân và khu vực tôn giáo của giáo xứ Đông Yên, đường vào nhà xứ, hàng rào, tường của nhà thờ đều phá hủy hết tất cả".
Cùng với ngôi giáo đường, một số giáo dân kiên trì không chịu dời phải sống trong những căn nhà không còn nguyên vẹn như trước khi có lệnh cưỡng chế di dời. Tuy nhiên họ vẫn kiên trì như phát biểu của ông Lê Vị :
"Chính quyền chưa có gì liền quan đến việc tái định cư cả. Họ chưa giải quyết vì học trốn chạy".
Kể từ khi chính quyền gia tăng đàn áp và cưỡng chế phá hủy nơi đây thì người dân rơi vào cảnh éo le.
"Chúng tôi muốn xây cái nhà phòng lên thì cũng không biết lấy đâu mà làm. Nếu đưa đi đâu nữa thì đi, nếu không có thì thôi chứ đi lên rẫy thì chúng tôi không đi nữa"
Quyết định bám trụ trước lệnh di dời của chính quyền địa phương cũng khiến những người ở lại chịu áp lực nặng nề trong cảnh thiếu thốn hạ tầng điện nước. Khó khăn của họ lại thêm phần chồng chất sau khi nhà máy gang thép Formosa trong khu công nghiệp Vũng Áng xả thải hóa chất độc hại ra biển khiến nguồn kiếm sống của họ từ biển bao đời nay bị tận diệt.
Trong cơn khốn khó, khi nghe tin có người từ phương xa phát động chiến dịch cứu giáo xứ lâu đời của mình, lẽ đương nhiên họ rất mừng rỡ như lời của ông Hàn :
"Chiến dịch cứu Đông Yên chúng tôi rất mong các tổ chức, các cá nhân hay của quốc tế, như các tổ chức nhân quyền xã hội. Thì chúng tôi rất mong rằng chiến dịch cứu Đông Yên sẽ đi đến kết quả cao".
Còn ông Lê Vị bày tỏ : "Chúng tôi cũng rất cầu mong trong nước, Hà Nội, Sài Gòn. Nói chung là họ hỗ trợ giúp đỡ thì chúng tôi phải nói là hết lòng đa tạ, cảm ơn".
Chiến dịch mang tên ‘Cứu Đông Yên’do tổ chức BPSOS, trụ sở chính tại Hoa Kỳ, phát động. Theo đó sẽ có bốn công tác chính trong chiến dịch gồm huy động sự quan tâm của dư luận trong vùng và trên thế giới về thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa gây nên, vận động sự can thiệp của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các quốc gia và các tổ chức nhân quyền quốc tế về sự vi phạm các quyền tự do tôn giáo, quyền sinh kế, quyền môi sinh, quyền văn hóa của giáo dân xứ Đông Yên.
Thông tín viên Việt Nam
Chiến dịch ‘Cứu Đông Yên’ (RFA, 30/12/2016)
Giáo dân xứ Đông Yên xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong lần biểu tình phản đối Formosa gây thảm họa môi trường, ảnh minh họa chụp trước đây. Citizen photo
Chiến dịch mang tên ‘Cứu Đông Yên’, một giáo xứ thuộc giáo phận Vinh tại Vũng Áng, Hà Tĩnh vừa được phát động bởi tổ chức BPSOS, trụ sở chính tại Hoa Kỳ.
Thông tin của BPSOS đưa ra hôm 28/12 cho biết chiến dịch được phát động rộng rãi nhằm bảo vệ sự trường tồn của một giáo xứ Công giáo toàn tòng với lịch sử hơn 1 thế kỷ trước biện pháp xóa sổ của chính quyền địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người đứng đầu BPSOS, cho Đài Á Châu Tự Do biết lý do của việc phát động chiến dịch Cứu Đông Yên. Ông này cho biết đã tiến hành nộp hồ sơ về giáo xứ Đông Yên cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cũng như các bộ phận hữu quan của Liên hiệp quốc về các lĩnh vực nhân quyền gồm tự do tôn giáo hay niềm tin, quyền của trẻ em, quyền có gia cư ổn định, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền được bảo vệ tài sản…
Xin được nhắc lại, giáo dân xứ Đông Yên bị buộc phải di dời nhường đất xây dựng khu công nghiệp Vũng Áng. Đến nay vẫn còn cả trăm gia đình không chịu nhận tiền bồi thường để di dời vì họ cho là không phù hợp.
Thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển khiến người dân địa phương tại Vũng Áng, Hà Tĩnh và dân chúng ven biển dọc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế mất kế sinh nhai kể từ đầu tháng tư cho đến nay.
*****************************
Nhà xe đình công biểu tình chống chuyển bến (RFA, 30/12/2016)
Bến xe liên tỉnh Hà Nội - Ảnh minh họa
Hơn 100 xe khách liên tỉnh hôm nay đình công không đón khách từ bến xe Mỹ Đình, Hà Nội đi một số tuyến thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tin tức ghi nhận được cho biết hằng loạt tài xế chạy xe chở khách từ Mỹ Đình đi Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh không chịu đón khách như thường lệ tại bến xe khách Mỹ Đình khiến nhiều hành khách không có xe về quê nghỉ Tết Dương Lịch.
Một số chủ nhà xe cho báo giới biết họ đình công nhằm phản đối việc điều chuyển sang bến xe Nước Ngầm. Quy định này theo các chủ xe gây ảnh hưởng đến kinh doanh, lệch tuyến đi lại của người dân.
Sau khi có đình công của chừng 100 xe như vừa nêu, cơ quan chức năng đã điều động lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đến khu vực Bến xe Mỹ Đình ; lý do được nói là để bảo đảm an ninh trật tự.
Xin được nhắc lại, theo yêu cầu của chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, thì từ ngày 2 tháng giêng tới đây lực lượng chức năng giao thông phải triển khai phương án sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô, không để xảy ra tình trạng được gọi là xe khách chạy xuyên tâm thành phố.
Chỉ đạo của chủ tịch Nguyễn Đức Chung là công an Hà Nội sẽ tiến hành nhốt những xe chở khách bị cho là vi phạm.
********************
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị sách nhiễu (RFA, 30/12/2016)
Mẹ con chị Trần Thị Nga - RFA files
Tin tức do phóng viên RFA tại Việt Nam ghi nhận được cho biết, nhà hoạt động Trần Thị Nga tại Phủ Lý, Hà Nam hiện đang bị lực lượng an ninh sách nhiễu, gây khó khăn suốt mấy ngày hôm nay.
Bà Trần Thị Nga cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết vào tối 30/12 như sau :
"Gần nhất là từ hôm 22 tháng 12 cho tới bây giờ. Nga ở thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam, hôm đấy là Nga trốn được, Nga đi về tới quê thăm bố mẹ ở Hà Nam thì công an sục về đây và họ tìm thấy Nga, họ ngồi ở của nhà Nga để canh.
Chiều 22, Nga đưa con về lại Phủ Lý và từ ngày 22 đến bây giờ là công an bám sát Nga, lúc nào cũng từ 6 người trở lên bao vây nhà Nga.
Nga phải nhờ người đưa con đi học, nhờ người đón con, đi chợ cũng phải nhờ bởi vì Nga cứ vừa ra tời cửa thì họ lại chặn.
Và hôm nay Nga về quê vì ngày mai có đám cưới đứa em con nhà chú nhưng mà trên đường về thì cũng bốn năm viên an ninh họ bám theo và bây giờ họ cũng đang ngồi ở cổng".
Do thường xuyên bị sách nhiễu, đe dọa, và thậm chí bị hành hung đến thương tích nên bà Trần Thị Nga cũng dự báo trước tình hình sẽ diễn ra đối với bản thân nên bà cũng sử dụng công cụ mạng xã hội lên tiếng và yêu cầu cộng đồng lên tiếng cho trường hợp của bản thân và gia đình bà.
Xin được nhắc lại, bà Trần Thị Nga là một nhà hoạt động xã hội năng nổ tại Việt Nam.
Bản thân là một nạn nhân của nạn lừa đảo xuất khẩu lao động, nên từ khi còn ở Đài Loan bà đã lên tiếng cho những người bị lừa khác.
Về Việt Nam, bà không chỉ lên tiếng cho giới lao động xuất khẩu mà còn cho những người dân bị thu hồi tài sản, đất đai một cách phi pháp.
Năm 2013, bà được giải nhì cuộc thi Quyền Con Người và Tôi qua phóng sự ‘Người dân Bồng Lai’ đòi quyền được sống trong một môi trường trong lành.
Lần bà bị hành hung đến trọng thương là vào tháng 5/2015 khi một nhóm côn đồ hơn 5 người dùng tuýp sắt chặn đường đánh bà cùng hai con nhỏ trước cổng Công ty Cơ khí Điện Thủy Lợi ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Phóng viên RFA tại Việt Nam