Miễn thuế thu nhập có đủ để thu hút nhân tài ?
RFA, 14/04/2023
Cơ chế miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và báo chí nhà nước đăng tải hôm 13/4/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo dự thảo này, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cơ quan quyết định tiêu chí, điều kiện chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt... được hưởng các ưu đãi tùy theo trình độ, năng lực và yêu cầu công việc...
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, phát triển khoa học công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao sẽ là khâu đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới. Vì vậy phải khuyến khích và ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhân tài đến làm việc.
Liệu miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm có đủ hấp dẫn người tài đến làm việc ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/4 liên quan vấn đề này, nhận định :
"Giảm thuế để thu hút nhân tài chỉ là một chính sách tạo ra một góc ưu đãi, chứ nó hoàn toàn không phải một cách thức để thu hút nhân tài. Bởi vì người ta còn rất muốn có nhiều điều kiện sống khác như tạo thuận lợi cho những người mong muốn làm việc lâu dài. Ngoài ra cũng còn một việc nữa mà ở Việt Nam rất quan trọng, đó là môi trường làm việc sao cho người tài cảm thấy được thoải mái tự do sáng tạo, được tự do làm việc, kích thích tư duy"...
Theo ông Võ, dù Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã áp dụng chính sách thu hút nhân tài bằng lương cao, nhưng số lượng người sau khi đi học nước ngoài về nước vẫn không cao :
"Chính vì vậy những người học tập có chất xám hướng trở về Việt Nam cũng không nhiều, người ta vẫn mong muốn định cư ở nước ngoài sau khi học thành tài. Việt Nam cũng có chính sách vĩ mô để tạo điều kiện thu hút nhân tài người nước ngoài đến làm việc, nhưng với chính sách mà pháp luật khập khiển thì cũng không thành công. Chính vì vậy, một môi trường chung mà những người có năng lực cần là phải có sự ổn định một cách toàn diện để người ta có thể làm việc, phát huy được chất xám của họ".
Việc thu hút nhân tài được Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm từ năm 2014. Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá khi đó là không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới. Theo quyết định 17, chính sách thu hút nhân tài khi đó cũng áp dụng mức hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng và hàng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí tùy vị trí ; hỗ trợ kinh phí thuê nhà… Ngoài ra, cứ mỗi đề tài nghiên cứu được công nhận bằng văn bản, sẽ được thành phố thưởng 1% tổng kinh phí công trình đó.
Dù đã nhiều lần Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thay đổi, bổ sung chính sách thu hút người tài, nhưng khi trả lời báo nhà nước hôm 28/4/2022, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết trong ba năm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thu hút được 5 nhân tài.
Việc miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm được cho là chỉ làm thu nhập của chuyên gia tăng thêm một phần, chẳng khác dùng chính sách tăng lương đã thất bại trong việc thu hút nhân tài.
Khi trả lời RFA hôm 14/4/2023 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :
"Giảm thuế thu nhập là không đủ, ở Việt Nam có những cái liên quan đến thể chế chứ không phải là chuyện dùng tiền giải quyết. Ngay cả nếu giải quyết bằng tiền thì nguồn lực của Việt Nam cũng không đủ. Ở Việt Nam việc thu hút nhân tài phần lớn là ngành có tính chất kĩ thuật, chứ còn những ngành liên quan đến xã hội thường rất khó. Vì chuyện gỡ bỏ những khúc mắc về mặt xã hội hiện nay là vấn đề rất lớn, cần phải cởi mở từ lãnh đạo cao nhất, chứ không phải trông cậy được vào chuyên gia. Chuyên gia nói hay đến mấy mà trên không nghe thì cũng vậy thôi, mà nói đến ngưỡng nào đó thì người ta có thể gắng cho hết tội này đến tội kia".
Theo ông Dũng, ngay cả nhân tài về mặt kỹ thuật thì việc quan trọng nhất là có trọng dụng họ không, có cơ chế để sáng kiến của họ được ứng dụng hay không ? Ông Dũng cho rằng tiền chỉ là một phần của vấn đề, và Việt Nam không có được những quyết định có tính chất đột phá. Ông nêu ví dụ :
"Ở Trung Quốc chẳng hạn, người ta thu hút khá thành công những nhân tài về khoa học kỹ thuật. Họ chấp chấp nhận trả tiền lương không thua kém so với đồng lương người đó nhận được khi ở nước ngoài. Việt Nam khó lòng chấp nhận như vậy, còn giảm thuế thu nhập tính ra không bao nhiêu, trong lúc đồng lương không được thay đổi một cách căn bản theo tiệm cận của thế giới. Tiền thuế theo số đó giảm cũng không nhiều, cũng đỡ cho người ta một tí, nhưng không đủ sức để níu kéo người ta".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập này nếu chỉ dừng lại ngang đó, mà không thấy giảm thuế chỉ là một phần của vấn đề, thì chắc chắn sẽ thất bại.
Vào tháng 6/2022, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Bộ Nội vụ nhiều chính sách thu hút người tài. Đơn củ như đề xuất cần đa dạng loại hình hỗ trợ người tài như áp dụng một lần hỗ trợ ban đầu ; phụ cấp tiền lương và sinh hoạt phí hàng tháng ; tiền thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu ; các chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê, mua nhà, tiền đi lại…
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này vào tháng 6/2022 cho rằng, vấn đề không phải chỉ là lương tiền thuần túy. Mà đòi hỏi phải thay đổi về mức tín nhiệm đối với người tài nói chung. Theo ông Hưng, nếu người tài không được chọn lựa một cách đúng đắn và không để cho họ quyền thực thi để có thể hành động, thì mọi ưu đãi đưa ra sẽ không có sức hấp dẫn.
Ngoài ra theo ông Hưng, muốn thu hút nhân tài cần phải cho họ tinh thần thoải mái, tinh thần tôn trọng dân chủ, có nghĩa là phải tôn trọng cái đúng, khuyến khích được lòng tin yêu, khuyến khích được sự tin tưởng… thì người làm việc mới có thể thích thú mà làm việc tại Việt Nam.
**************************
Ùn ứ xe chờ đăng kiểm, thiệt hại không ai đền bù !
RFA, 14/04/2023
Hàng trăm người bị khởi tố ; hàng chục trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa khiến tình trạng xe chờ đăng kiểm dồn ứ hàng cây số ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Điều này bị cho là ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và sự đi lại của người dân.
Xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm 50-03S (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) Nhật Thịnh
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 234/281 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. 47 trung tâm bị đóng cửa để phục vụ công tác điều tra hoặc không đủ điều kiện kinh doanh. Tại Hà Nội có 18/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, với 23/61 dây chuyền kiểm định. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 13/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động, với khoảng gần 30 dây chuyền kiểm định. Số lượng trung tâm hoạt động chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu kiểm định xe của người dân.
Báo Nhà nước dẫn đề nghị của ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh : "Trước khi khủng hoảng chúng ta chỉ đáp ứng được 50%. Vì vậy, việc cần làm là sớm có giải pháp, huy động thêm đăng kiểm viên từ công an, quân đội và cả đăng kiểm viên đã về hưu hoạt động lại. Tuy nhiên, về lâu dài ngành đăng kiểm cần tập huấn đăng kiểm viên cấp bách, nhanh chóng. Bộ Giao thông Vận tải không cần bổ nhiệm mà có thể hợp đồng với các chuyên gia, kỹ sư và công nhân là đăng kiểm viên để làm cho nhanh".
Tình hình ùn tắc xe chờ đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm không chỉ gây thiệt hại cho các chủ xe, tài xế mà còn ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương gần đó, do hàng xe dài che chắn hết mặt tiền tiệm.
Để giải tỏa khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.
Ông Thuần, tài xế xe chở hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA rằng, xe hết hạn đăng kiểm phải tạm dừng kinh doanh, không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê chỗ đậu, trả tiền lãi ngân hàng. Thiệt hại này do nhà xe chịu hết, Nhà nước không hỗ trợ.
"Tới ngày đăng kiểm mà chưa đăng kiểm được thì họ cho bảy ngày. Trong vòng bảy ngày phải đi đăng kiểm. Họ chỉ cho đi từ nhà tới chỗ đăng kiểm thôi. Không cho chở người. Không cho kinh doanh gì hết.
Xe mình làm mình chịu lỗi thôi chứ không có ai bồi thường hết. Xe hết hạn đăng kiểm mà chạy tầm bậy tầm bạ công an nó bắt là mình lỗi. Chở người này người kia là nó bắt là mình chịu trách nhiệm. Không có ai bồi thường gì hết ráo. Luật Việt Nam là vậy đó. Nói chung là đăng kiểm chỗ nào cũng được. Hồi lúc trước thì dễ lắm. Còn bây giờ nhà nước đăng kiểm, công an giao thông nó vô thì không ai dám ăn hết. Đang vô chiến dịch nó bắt, nó điều tra mấy chỗ đăng kiểm hết nên xe mới dồn lại thôi. Qua chiến dịch là đâu lại vào đó, cũng thoải mái thôi chứ không có gì hết".
Xe xếp hàng chờ đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Ảnh : báo Nhân dân
Không chỉ doanh nghiệp vận tải lỗ lã mà các trung tâm dạy lái xe cũng lâm cảnh khó khăn khi xe hết hạn đăng kiểm phải "nằm ụ". Một người dạy lái xe ở Thủ Đức nói với RFA sáng 13/4 :
"Nhiều xe bây giờ cứ chủ quan như ngày xưa, không chịu đi bốc số. Đến khi người ta thông báo hai tháng sau mới được đăng kiểm thì trễ rồi. Bây giờ mình phải lo làm trước, phải liên hệ trước. Ngày xưa dễ lắm, bây giờ cho 20 ngàn tiền cà phê cho người dán tem nó cũng không dám lấy nữa. Bây giờ nó kinh khủng quá. Hiện tại là thua rồi. Nhà nước làm ăn kiểu gì không hiểu mà tôi không biết nói với ai, không thắc mắc được với ai cả.
Ví dụ muốn đăng kiểm vào tháng sáu thì tháng tư đã phải đi bốc số rồi. Hai tháng mới được đăng kiểm. Người ta phải sắp xếp. Ngày xưa có nhiều trung tâm đăng kiểm thì xe nó giãn bớt ra và nó làm nhanh hơn. Bây giờ nó làm kỹ hơn, làm lâu hơn mà lại ít trung tâm đăng kiểm nên xe dồn".
Tính đến cuối tháng 3/2023, hơn 500 người đã bị Cục Cảnh sát hình sự và công an ở 32 địa phương khởi tố và bắt giam với nhiều tội danh liên quan đến các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm như : Môi giới hối lộ ; Đưa hối lộ ; Nhận hối lộ ; Giả mạo trong công tác ; Sản xuất mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật ; Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Trong đó có hai lãnh đạo cấp cao là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà và cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình.
Dư luận cho rằng, những tiêu cực trong ngành đăng kiểm đã xảy ra từ rất lâu nhưng không bị xử lý dẫn đến tình trạng như hiện nay. Lỗi này không thuộc về dân nhưng hậu quả thì người dân phải lãnh. Nhà nước không đền bù những thiệt thòi cho dân.
Cô Quỳnh, người vừa đi đăng kiểm cho chiếc xe bảy chỗ của gia đình cho biết, dù không dám "ăn" như trước nhưng nhân viên một số trạm đăng kiểm vẫn chừa chỗ cho người quen, người nhà đến đăng kiểm mà không cần xếp hàng. Cô Quỳnh cho rằng, khi mọi chuyện trở lại như nếp cũ thì chuyện "có tiền là qua hết" sẽ trở lại. Cô nói :
"Cái vụ bồi thường là không có. Bây giờ chỉ là thay đổi người "ăn" thôi mà. Hồi đó giờ ăn nhiều quá thì xuống để người khác lên ăn thôi. Rồi đâu lại vào đó à chị ơi".
Anh Tài, một người chở hàng thuê từng cho RFA biết quy trình để qua cửa đăng kiểm trước đây :
"Vô chỗ đăng kiểm thì xếp hàng rồi nó để phiếu thứ tự lên kiếng chỗ cần gạt nước. Vô tới chỗ đăng kiểm thì mình xuống xe, bỏ tiền ‘cà phê’ lên chỗ cần thắng tay. Tự tụi nó sẽ biết rồi lấy. Có tiền thì nếu xe có gì họ cũng cho qua, còn không thì chút xíu gì họ cũng báo lỗi".
Đầu năm 2020, báo Pháp Luật có bài viết "Đăng kiểm làm tiền ở hai trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh". Theo đó, với dây chuyền kỹ thuật đăng kiểm hiện đại, nếu các đăng kiểm viên làm việc "trong sạch" thì những chiếc xe cũ nát không đạt an toàn để lưu thông, những xe chở quá trọng tải hay xe mất thắng "lọt" đăng kiểm là điều không thể. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, chuyện xe không đủ điều kiện kỹ thuật vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định xảy ra như cơm bữa, miễn là chủ xe, tài xế chịu chung chi.
Nguồn : RFA, 14/04/2023
Chỉ hơn một tháng, đã có 80 quan chức thuộc 13 trung tâm đăng kiểm các tỉnh thành bị khởi tố bắt giam. Cục trưởng, Cục phó cũng bị đưa vào lò. Quân triều đình đã hết phải trưng dụng tỉnh thành, điều tra mở rộng với tốc độ nhanh chóng mặt, làm việc thâu đêm. Tham nhũng, hối lộ là đặc sản xứ thiên đường, ngành nào chẳng có. Vì sao Tô Thượng thư tập trung truy sát ngành Đăng kiểm ?
Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án cho phép các trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng được hoạt động lại
Mấy ngày qua, báo chí thụt ló đăng tin Công an bắt giam Cục trưởng Cục Đăng Kiểm sau đó lại rút bài. Chiều 9/1 mới có thông tin chính thức từ ông Nguyễn Vũ Hải, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải cho biết, ông được Bộ Giao thông vận tải giao điều hành hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam từ ngày 6/1 trong thời gian ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam vắng mặt tại đơn vị phục vụ công tác điều tra. Lửa lò nóng rực (1) !
Được tiền trảm hậu tấu !
Xưa nay về mặt đảng, chức vụ tầm Cục trưởng, Vụ trưởng, thuộc diện Ban Bí thư trung ương quản lý. Muốn xử lý hành chính, hình sự các quan chức này trước hết phải có kết luận và kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra, quyết định xử lý của Ban Bí thư về mặt đảng. Muốn bắt giam thì phải khai trừ hoặc chí ít cũng phải đình chỉ sinh hoạt đảng. Vì theo lý luận thì đảng viên là thành phần ưu tú tinh hoa không thể bị đi tù. Phải trả về quần chúng dân đen mới chuyển hóa thành tội phạm.
Chừng như Tô Thương thư đã được trao Thượng phương Bảo kiếm, được quyền tiền trảm hậu tấu nên một số quan chức cấp cao vướng vụ Việt Á, Chuyến bay giải cứu đã được xử lý giản lược, bắt trước khai trừ sau.
Không khí, tiến độ cuộc điều tra thật khẩn trương, lò cháy phừng phực tư Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam. Cùng ngày, Công an huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can tại Trung tâm Đăng kiểm 50-14D gồm các ông Hoàng Tấn Lực (sinh năm 1989, ngụ huyện Củ Chi) – Giám đốc và Bế Bình Dương (sinh năm 1984, ngụ quận 12) - Phó Giám đốc, 5 bị can khác là các đăng kiểm viên (2).
Chiều 11/1, Trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - xác nhận Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà, cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ông Hà bị điều tra về tội "nhận hối lộ". Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn các quyết định và lệnh này.
Chưa thấy các cơ quan đảng nói gì về thân phận đảng viên của ông này. Một lần nữa cho thấy Thựơng phương Bảo kiếm của ngành công an hiện đang tràn đầy uy lực. Nguyên tắc đảng xử trước, chính quyền pháp luật xử sau đối với cán bộ đảng viên cao cấp đang có nhiều ngoại lệ.
Tinh đến nay sau hơn 1 tháng, Cơ quan điều tra đã khởi tố 84 người, trong đó có cục trưởng Cục Đăng kiểm, ba cán bộ của cục và 80 người là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm cùng một số người môi giới hối lộ (3).
Đăng kiểm vỡ toang : Dân lãnh đủ !
Từng ấy số người bị bắt và cả hệ thống từ Cục Đăng Kiểm đến các trung tâm của hàng chục tỉnh thành bị điều tra, vụ án vẫn tiếp tục mở rộng mà dư luận đồn đoán rằng sẽ có đến Thứ Trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ bị vào lò, cho thấy hệ thống đăng kiểm đang vỡ từng mảnh.
Sáng 11/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện có 33 trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố gồm : Phú Thọ, Hòa Bình, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Việc tận lực đồng loạt truy sát ngành đăng kiểm đã tạo ra những hệ quả xấu tức thì với hoạt đông bỉnh thường của người dân. Chính báo chí trong nước đã kêu cứu về hiên trạng này :
"Do Hà Nội có 11 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động nên nhiều người dân phải đến các trung tâm đăng kiểm từ 4 -5g sáng để lấy số thứ tự chờ đến lượt kiểm định xe.
Cảnh ô tô xếp hàng dài tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội từ cuối tháng 12/2022 tiếp tục tái diễn trong vài ngày gần đây, khi Hà Nội có 11 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động. Trong đó có 10 trung tâm tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, 1 trung tâm tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được quy định phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài việc phải xếp hàng từ sáng sớm, một số tài xế chọn cách đỗ xe chờ tại trung tâm đăng kiểm từ đêm hôm trước để sớm được kiểm định vào hôm sau" (4).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ còn 8/17 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động với 27/53 chuyền kiểm định. Công suất kiểm định hiện nay đạt tối đa khoảng 1.300 phương tiện mỗi ngày. Mặc dù hiện các trung tâm đều cho tài xế lấy số thứ tự chờ đăng kiểm qua điện thoại hoặc trực tiếp nhưng không thể giải quyết triệt để nhu cầu của người dân trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng như người dân vãng lai từ các tỉnh lân cận (5).
Theo luật giao thông đường bộ, chứng nhận đăng kiểm định kỳ là điều kiện bắt buộc với xe cơ giới. Việc ùn ứ chờ đợi dài ngày ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, nhất định sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Như vậy, đối tượng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch truy sát ngành đăng kiểm này trước hết là cán bộ quan chức ngành này, sau đó là những chủ xe cơ giới.
Hối lộ, tham nhũng nhỏ như con muỗi
Trong xứ sở thiên đường, tham nhũng đã thành quốc nạn, tìm quan chức vô tội không tham nhũng mới khó. Bắt quan tham thì cứ nhắm mắt quơ tay chụp em nào cũng trúng. Tổng Trọng từng lưu ý "ném chuột không được vỡ bình" và kêu gọi mở đường cho những ai tay trót nhúng chàm biết rửa tay gác kiến sẽ hạ cánh an toàn. Nguyễn Thành Phong, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh …. và nhiều người khác đã được cho thôi giữ chức về vườn làm người tử tế. Tội tày trời như Thể cá tra, Nhạ níu no vẫn còn được cho ngồi chơi xơi nước với chức vụ hờ.
Ngay lĩnh vực giao thông có biết bao vụ sai phạm sờ sờ lòng dân oán thán đến tận trời xanh. Công trình thế kỷ Đường sắt Cát Linh-Hà Đông xây dựng đội vốn hàng chục ngàn tỉ đồng, khi vận hành cứ như con ma cà rồng hút máu nền kinh tế, càng chạy càng lỗ mỗi tháng hàng chục tỷ đồng. Hệ thống BOT đen BOT bẩn hàng ngày móc túi nhân dân xén tiền ngân sách… Biết bao vụ sai phạm ngàn tỷ cần điều tra xử lý vì sao lưỡi gươm thần chết lại tung đòn sát thủ vào ngành bé xíu cỏn con.
Về kinh tế, qua điều tra ban đầu cho thấy Trần Lập Nghĩa trùm Đăng Kiểm tư nhân một mình làm giám đốc 5 Trung tâm đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các Đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, qua đó đã cấp khoảng 52.291 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô đến đăng kiểm trái với quy định, thu lợi ước tính trên 10 tỷ đồng.
Về tội "Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm 66-02D, đóng tại Quốc lộ 80, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Công an tỉnh Đồng Tháp phục kích bắt quả tang 4 nhân viên của Trung tâm đăng kiểm 66-02D đang nhận tiền hối lộ của các tài xế để bỏ qua lỗi các ô tô đến kiểm định và cấp giấy đăng kiểm. Nhóm này thừa nhận, đã thu từ 300 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm và cấp giấy đăng kiểm cho mỗi trường hợp. Chỉ trong ngày 14/10, nhóm tại Trung tâm đăng kiểm 66 - 02D đã đăng kiểm 44 phương tiện, nhận hối lộ hơn 20,5 triệu đồng.
Con số 10 tỷ đồng tham nhũng hối lộ trong nhiều năm nhiều tháng hay 20,5 triệu đồng trong một ngày thật nhỏ như con muỗi trong hệ thống thời nay, chưa chắc bằng thu nhập 1 giờ "làm luật" của Cảnh sát Giao thông.
Muốn xóa đăng kiểm tư nhân ?
Ngày 3/1/2023, báo Công An Nhân Dân có bài viết có tựa đề "Nhiều vấn đề phức tạp từ việc thành lập ồ ạt trung tâm đăng kiểm tư nhân".
Bài báo có lời dẫn như để giải thích mục tiêu của vụ án thảm sát ngành Đăng Kiềm đang diễn ra "Vụ án những sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Điều tra đã cho thấy hành vi sai phạm của các đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng, nhiều thủ đoạn tinh vi trong các Trung tâm đăng kiểm. Đáng nói, việc thành lập ồ ạt các Trung tâm đăng kiểm tư nhân đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần được xem xét kỹ càng".
Bài báo đã nêu lên thực trạng sau khi thực hiện chủ trương cho tư nhân hóa hoạt động đăng kiểm, số trung tâm đăng kiểm đã tăng lên rất nhanh : cả nước có hơn 300 trung tâm và 80% trong đó là tư nhân.
Bài báo cũng nêu ra những vi phạm của các cơ sở này và kết luận rằng "Đến nay, Cơ quan Công an đã chứng minh được, tại hàng loạt Trung tâm đăng kiểm tư nhân, lãnh đạo trung tâm đã "bật đèn xanh" cho nhân viên cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm của xe đến đăng kiểm. Thủ đoạn là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công ; cho thuê phụ tùng để thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn ; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải"
Bài báo cũng dẫn lời của cơ quan đăng kiểm như lời tự thú : Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoạt động kiểm định xe cơ giới lưu hành là lĩnh vực có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp, do đó vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.
Các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại những khu vực đô thị các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động (6).
Mục đích cao nhất của hoạt động đăng kiểm là nhằm bảo đảm an toàn, bảo đảm tính mạng và tài sản của người đi lại. Cứ cho là những sai phạm của các trung tâm Đăng Kiểm tư nhân là có thật nhưng nó có tác hại như thế nào với an toàn giao thông ? Liệu các trung tâm đăng kiểm chỉ toàn do nhà nước tổ chức có tốt hơn không ?
Cần lưu ý rằng, trong các nước tiên tiến theo nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, thì các dịch vụ này đều do tư nhân thực hiện.
Hàng chục năm qua, chưa có thống kê nào thể hiện tỉ lệ những vụ chết, bi thương tích vì vi phạm giao thông có lỗi do đăng kiểm không trung thực. Nhưng nhìn chung tình hình tai nạn giao thông và số người chết giảm dần. Báo Lao Động đã thống kê
"Năm 2006, Việt Nam có 14.000 người chết, 30.000 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Năm 2010, gần 12.000 người chết. Đến năm 2019, số tử vong vì tai nạn giao thông giảm xuống còn 8.000 người. Trong 9 năm chỉ giảm được 4.000 người tử vong, có nghĩa là mỗi năm giảm được khoảng 445 ca.
Nhưng từ năm 2019 (chủ trương xã hội hóa, cho tư nhân lập trung tâm đăng kiểm-NV) đến năm 2020, giảm được 1.000 người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể các chỉ số khác đều giảm. Đây là một nỗ lực hết sức đáng ghi nhận, cần phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm…" (7).
Năm 2022, cả nước xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người. Giảm gần 2000 người chết so với năm 2020 (8).
Những thống kê này cho thấy từ khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực và nhất là khi chủ trương tư nhân hóa, hoạt động đăng kiểm dù lưu lượng xe cộ tăng lên hàng năm nhưng số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn giao thông giảm dần và giảm mạnh. Như vậy những tiêu cực trong đăng kiểm tư nhân là có thật nhưng không tạo ra gia tai nạn giao thông.
Thông qua luật, thâu tóm món béo bở
Như vậy, vì sao Tô Thượng thư truy cùng diệt tận ngành đăng kiểm ? Điều đáng nói là do cùng lúc tung lực lượng cho quá nhiều đại án, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã hết quân, trong đại án Cục Đăng Kiểm này phải dùng Công an Thành phố Hồ Chí Minh để đánh án ở địa bàn xa cách 2000 cây số và dùng quân địa phương đánh cơ quan cấp trung ương.
Hãy quay lại lịch sử. Trước khi có Luật Giao thông đường bộ, các hoạt động đăng kiểm, sát hạch, đào tạo lái xe đều trong tay ngành Công an. Từ nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, Tô Thượng Thư đã muốn tái thâu tóm lĩnh vực béo bở này nên đã trình dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Quốc hội khóa trước đã gác lại không thông qua. Đến khóa này, Tô Thượng thư đã lấy sức ép từ Bộ Chính trị để Quốc hội khóa mới đưa vào chương trình làm luật.
Chính sách số 2 của 6 chính sách trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới được tóm gọn trong câu chung chung hiền lành là "Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" (9).
Với đòn truy sát này, Tô Thượng thư muốn chứng minh việc tư nhân hóa đăng kiểm là sai, ngành giao thông không có năng lực quản lý lĩnh vực này. Khi dự thảo được thông qua, tất cả các dịch vụ đào tạo, sát hạch bằng lái xe, đăng kiểm xe sẽ thuộc về ngành công an quản lý.
Quyền tiền trảm hậu tấu đang trong tay, lần này sẽ không có đại biểu cóc tía nào dám có ý kiến trả treo. Quốc hội sẽ bấm nút 100%.
Công an quản lý căn cước tư pháp công dân, quản lý hộ khẩu đã là quyện quái dị, sắp tới công an quản lý bằng lái xe, đăng kiểm và sẽ còn thêm gì nữa đó là tương lai mờ mịt của người dân ở xứ thiên đường
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 11/01/2023
4. https://tuoitre.vn/11-trung-tam-dang-kiem-tai-ha-noi-tam-dung-hoat-dong-20230111142835514.htm
7. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tu-14000-giam-con-7000-nguoi-chet-v....
9. https://baochinhphu.vn/xay-dung-du-an-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-10222042513510135.htm
Lỗi ở đâu ?
Hôm 22 tháng 11 năm 2021, một chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh ở huyện Sông Mã, Sơn La đang chạy thì bị rơi cánh cửa sau, khiến bốn học sinh văng ra ngoài, ba học sinh bị thương, một học sinh tử vong.
Giao thông ở thành phố Hà Nội - AFP
Sau khi sự việc xảy ra, một lãnh đạo huyện Sông Mã biện bạch với truyền thông Nhà nước rằng, có thể do lúc xe vào cua, các học sinh xô vào nhau nên cửa bị rơi, dẫn đến vụ tai nạn.
Theo thông tin được đăng tải bởi truyền thông Việt Nam, chiếc xe bị rơi cửa được sản xuất năm 2005. Điều đáng chú ý là xe đã "qua" được khâu kiểm định, lần gần nhất vào ngày 9 tháng 9 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Sơn La và có hạn kiểm định đến hết ngày 8 tháng 12 năm 2021.
Với chi tiết trên, dư luận không khỏi đặt câu hỏi về quy trình kiểm định an toàn xe cơ giới của Cục đăng kiểm và cụ thể là Trung tâm đăng kiểm Sơn La.
Điều này cũng không lạ khi chính báo chí Nhà nước từng đưa tin, nhiều trung tâm đăng kiểm vẫn cấp chứng nhận kiểm định cho những chiếc xe không đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, báo chí Việt Nam lại không nói rõ ‘phép lạ’ để những chiếc xe được cấp chứng nhận an toàn dù nó thực sự không an toàn (!?).
Anh Tài, một người chở hàng thuê cho biết quy trình để qua cửa đăng kiểm :
"Xe mới thì nó cho một năm còn xe cũ thì sáu tháng phải đi đăng kiểm một lần. Nhưng khi đi đăng kiểm thì phải cho nó một vài trăm uống cà phê thì nó dễ hơn. Xe có lỗi hay không mà cho tiền nó thì nó cho qua luôn, cho qua hết, còn không cho tiền thì nó bắt mấy lỗi nhỏ, đem đi sửa rồi vô đăng kiểm trở lại nữa.
Vô chỗ đăng kiểm thì xếp hàng rồi nó để phiếu thứ tự lên kiếng chỗ cần gạt nước. Vô tới chỗ đăng kiểm thì mình xuống xe, bỏ tiền ‘cà phê’ lên chỗ cần thắng tay. Tự tụi nó sẽ biết rồi lấy.Có tiền thì nếu xe có gì nó cũng cho qua, còn không thì chút xíu gì nó cũng báo lỗi.
Họ kinh doanh thì họ mua xe cũ, xe rẻ chở học sinh. Mấy cái đó thì đút lót là nó cho qua luôn, nó kiểm định sơ thôi. Cho tiền là nó cho qua thôi à".
Trong một trả lời với truyền thông Nhà nước về lỗi và trách nhiệm thuộc về ai nếu xe còn hạn đăng kiểm, gây tai nạn, ông Ngô Hồng Hệ -Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam lúc bấy giờ cho rằng trong trường hợp sau giám định nếu do lỗi mất an toàn kỹ thuật mới đặt vấn đề xem xét sự liên quan trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên. Còn theo quy định tại Thông tư số 53/2014 của Bộ Giao thông vận tải (về bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), chủ phương tiện, lái xe có trách nhiệm sửa chữa, duy trì chất lượng phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm.
"Lách luật" và "làm luật"
Nhìn nhận vấn đề trên ở góc độ làm thế nào để nhà xe "lách luật", qua mặt đăng kiểm và an toàn giao thông, ông Tuấn Khanh, một người kinh doanh địa ốc ở Việt Nam nói với RFA rằng, đa số các phương tiện giao thông có dính líu đến kinh doanh, đến doanh nghiệp đều nằm trong tầm ngắm của cảnh sát giao thông. Muốn không mất doanh thu thì phải chở quá tải để lấy phần chênh lệch nộp cho cảnh sát giao thông. Ông nói tiếp :
"Thật sự đăng kiểm bây giờ xe gì cũng có thể qua được hết. Cô nên nhớ, ở Việt Nam cái gì mà không mua được bằng tiền thì mua được bằng thật nhiều tiền. Tuy vậy họ cũng không dám ẩu với xe chở học sinh tới mức cửa xe lỏng lẻo mà cho qua đâu. Đây là lái xe cẩu thả quên khóa cửa thôi. Tụi đăng kiểm nó chỉ dám ăn tiền mấy chiếc xe đò.
Nếu mấy chiếc xe này họ thuê để chở học sinh thì lại có trường hợp này, do cảnh sát công lộ nó ăn tiền thành ra quy định xe chỉ được chở 16 học sinh thì họ dám chở tới 26 học sinh. Nó nhồi nhét vô nó mới lời nhiều, mới có tiền đút lót cho tụi giao thông. Thành ra khi tụi nhỏ ngồi chật quá, xe quẹo mà cửa bung thì mấy đứa nhỏ rơi ra.
Nên nhớ ở Việt Nam, xe quy định chở một tấn rưỡi thì phải chở hai tấn rưỡi xe mới có ăn. Nhà xe phải kiếm lời để có tiền lo cho công lộ, công lộ phải ăn tiền, thành ra ở Việt Nam có nhiều điều không nói lên được".
Ông Khanh nói thêm, cảnh sát giao thông bây giờ không nhận tiền trực tiếp từ người vi phạm mà thông qua một tủ thuốc lá lẻ bên đường. Lỗi gì thì bao nhiêu tiền, người bán thuốc lá sẽ cho biết. Đưa tiền xong, lấy gói thuốc sẽ được đi.
Hầu như những người mà RFA trao đổi đều biết việc thông đồng cho cảnh sát giao thông ăn là vi phạm pháp luật và ‘làm hư’ lực lượng này, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành chấp nhận để còn có thời gian đi kiếm cơm nuôi gia đình.
Ông Võ Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm của mình với RFA rằng :
"Cái quy luật chung trong giao thông ở Việt Nam nó có tệ nạn xấu là ‘mua đường’. Nếu phương tiện giao thông của họ hoạt động trong một phạm vi bán kính hẹp ở địa phương nào đó, thì vì lợi nhuận họ sẵn sàng bỏ một số tiền nhất định nào đó để mua các lực lượng chức năng. Nói thẳng ra là họ chung chi, đút lót để lực lượng này bỏ qua các sai phạm trong giao thông, như chở quá tải chẳng hạn. Không chỉ Cảnh sát giao thông đâu mà còn lực lượng gọi là Thanh tra giao thông đường bộ nữa. Cánh lái xe sợ đám này hơn sợ Cảnh sát giao thông nhiều".
Một vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc ngoại thành Hà Nội. AFP
Thống kê của Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho thấy cả nước có khoảng 230 trung tâm đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm định cho khoảng bốn triệu ô tô đang lưu hành. Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra có nguyên nhân là do các phương tiện mất an toàn kỹ thuật.
Đầu năm 2020, báo Pháp Luật có bài viết "Đăng kiểm làm tiền ở hai trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh". Theo đó, với dây chuyền kỹ thuật đăng kiểm hiện đại, nếu các đăng kiểm viên làm việc "trong sạch" thì những chiếc xe cũ nát không đạt an toàn để lưu thông, những xe chở quá trọng tải hay xe mất thắng "lọt" đăng kiểm là điều không thể. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, chuyện xe không đủ điều kiện kỹ thuật vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định xảy ra như cơm bữa, miễn là chủ xe, tài xế chịu chung chi.
Theo Điều 17 Nghị định 139/2018/NĐ-CP thì đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ một tháng đến ba tháng trong trường hợp làm sai lệch kết quả kiểm định, hoăc không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.
Tuy cả nước có hàng trăm trạm đăng kiểm, nhưng trong sáu tháng đầu năm 2021, chỉ có 12 đăng kiểm viên bị Cục Đăng kiểm Việt Nam đình chỉ chức danh từ một đến hai tháng do vi phạm quy trình, quy chuẩn kiểm định xe ; chỉ có ba trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị Cục Đăng kiểm Việt Nam đình chỉ toàn bộ hoạt động một đến hai tháng.
Có lẽ chuyện xe không đạt chất lượng lưu thông mà vẫn chui tọt ‘lỗ kim đăng kiểm" cũng giống như các trạm đăng kiểm "qua mắt" Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ còn dài dài !
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 23/11/2021