Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 đã công bố một báo cáo trong đó đưa ra những lập luận pháp lý bác bỏ những yêu sách sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông (1) . Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt với báo cáo này. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Trung Quốc dường như đang hướng đến một lập luận pháp lý mới, thay cho lập luận mà họ đặt tên là "đường 9 đoạn", để củng cố những yêu sách chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông.
Bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông - AFP
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah phát biểu mới đây lưu ý rằng Bắc Kinh hiện "không nhắc đến 'đường 9 đoạn", mà tập trung nhiều hơn để biện minh về cái mà họ gọi là "Tứ Sa". Ông Saifuddin Abdullah nói rằng các nước ASEAN cũng đã nhận ra sự thay đổi này trong cách lập luận của Bắc Kinh và yêu sách này "thậm chí nguy hiểm hơn" yêu sách cũ (2).
Nguồn gốc của "Tứ Sa"
Cùng với sự "trỗi dậy" của mình, Tập Cận Bình muốn hiện thực hoá "giấc mộng Trung Hoa" để biến Trung Quốc trở thành siêu cường duy nhất thống trị thế giới. Muốn làm được vậy, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển. Mà muốn trở thành cường quốc biển, Biển Đông sẽ là cửa ngõ đầu tiên mà Trung Quốc phải giành lấy. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của mình.
Tuy nhiên, để tìm cách độc chiếm biển Đông, Trung Quốc phải tìm cho được một cơ sở pháp lý nào đó, nhưng Trung Quốc lại không thể có cơ sở pháp lý vững chắc được. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã cố gắng "phát hiện" "cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò" dựa trên một bản đồ được xuất bản nội bộ của chính quyền Tưởng Giới Thạch từ năm 1948 (3). Trong bản đồ đó đường chữ "U" hay "đường lưỡi bò" này được thể hiện bao trùm xung quanh cả bốn nhóm thực thể lớn trên biển Đông, bao gồm : quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa). Bốn nhóm thực thể này được Bắc Kinh gọi là "Nam Hải Chư đảo".
Theo các học giả người Hoa thì có bốn cách giải thích về "đường lưỡi bò," bao gồm : i) Đây là đường thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này ; ii) Đây là đường biên giới quốc gia trên biển ; iii) Đây là đường thể hiện liên quan đến lịch sử (quyền lịch sử hoặc vùng nước lịch sử) ; iv) Đây là đường thể hiện phân định biển trong tương lai.
Một trong những cách giải thích về tính chất pháp lý của "đường lưỡi bò" là thể hiện "quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với vùng nước và các thực thể bên trong đường này. Trong khi trình bày lập luận tại Toà Trọng tài quốc tế, phía Philippines đã phát hiện ra lập luận chủ yếu cho "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là thể hiện "quyền lịch sử" của họ đối với Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là bên đầu tiên đưa ra cách giải thích này. Cách giải thích đầu tiên như vậy bắt đầu từ Đài Loan năm 1993. Một học giả Đài Loan là Phó Côn Thành tự nhận là tác giả của ý tưởng này, sau đó ông ta đã được mời sang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc, và Bắc Kinh đã sử dụng cách giải thích này (4).
Trong Phán quyết biển Đông năm 2016 của Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì Toà trọng tài đã bác bỏ cách giải thích đây là yêu sách về "quyền lịch sử" của Trung Quốc.
Chính phủ Đài Loan đã từng chính thức tuyên bố xem các vùng nước trong "Đường lưỡi bò" là vùng nước lịch sử của mình vào năm 1993 khi ban hành Hướng dẫn Chính sách Biển Đông. Tuy nhiên, đến năm 2005, Hướng dẫn này bị bãi bỏ. Kể từ đó, Đài Loan đã không còn nhắc tới "vùng nước lịch sử" trong các văn bản và tuyên bố chính thức của mình nữa.
Trong Phán quyết, Tòa Trọng tài cũng đã làm sáng tỏ các khái niệm "quyền lịch sử", "danh nghĩa lịch sử", "vịnh lịch sử" và "vùng nước lịch sử" và mối quan hệ giữa chúng với nhau.
Và mặc dù đây là các khái niệm riêng biệt nhưng giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ. Vì thế, khi Toà trọng tài bác bỏ "quyền lịch sử" vì không có bằng chứng cho thấy người Trung Quốc là người duy nhất đánh cá trên vùng biển này, và các quy định của UNCLOS phải được ưu tiên hơn tất cả các quyền khác, trong đó "có quyền lịch sử". Chính vì vậy, khi "quyền lịch sử" bị bác bỏ, điều đó đồng nghĩa với việc giải thích đây là đường thể hiện "vùng nước lịch sử" cũng đồng thời bị bác bỏ.
Một cách giải thích khác về "đường lưỡi bò" là đường biên giới quốc gia trên biển. Một học giả Đài Loan là Trần Thuần Nhất có nhận xét : "Lý thuyết này tương đối yếu vì nó không có cơ sở pháp lý phù hợp theo luật biển" (5).
Trước đây, một trong những luận điểm của các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng "đường lưỡi bò" được vẽ tùy tiện, không có tọa độ để xác định và là một đường đứt khúc nên không thể hiện được là một đường biên giới nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc lại tung ra thông tin về việc tìm thấy một bản đồ "hình chữ U" nhưng liền nét và được xuất bản từ năm 1951 (6).
Tuy nhiên, trong lúc tranh luận, các luật sư của Philippines đã chứng minh trước Hội đồng trọng tài là cách giải thích "đường lưỡi bò" là đường biên giới quốc gia trên biển là không hợp lý. Chính trong các tuyên bố của mình, các giới chức Trung Quốc đã tự phủ nhận đây là đường biên giới quốc gia, bởi vì Trung Quốc luôn khẳng định tôn trọng quyền tự do hải hành và tự do hàng không bên trong đường này. Chính vì thế, theo quy định của luật quốc tế, không thể có chuyện tự do hải hành và tự do hàng không bên trong khu vực biển thuộc chủ quyền quốc gia được (7). Mặc dù Toà không đề cập tới vấn đề này trong Phán quyết, nhưng Toà đã tỏ ra đồng ý với lập luận này của Philippines.
Điều đó cho thấy, cách giải thích "đường lưỡi bò" là đường biên giới trên biển không thể đứng vững, cho dù nó là "đứt đoạn" hay "liền nét."
Lý thuyết "Tứ Sa"
Thất bại pháp lý trước Phán quyết Biển Đông năm 2016, từ năm 2017, các học giả Trung Quốc này lại đưa ra một học thuyết mới, cụ thể là khái niệm "Tứ Sa" về Biển Đông. Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Pratas, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Bãi ngầm Mcclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm trên là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.
Như vậy, trong bốn cách giải thích về "đường lưỡi bò", thì hai cách giải thích đã bị vô hiệu hoá bởi Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc, đó là giải thích về "quyền lịch sử" và "đường biên giới quốc gia". Chỉ còn lại hai cách giải thích, đó là đường này thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này, và cách giải thích đây là "đường phân định biển trong tương lai". Đường phân định biển trong tương lai chỉ là một cách nói để xoa dịu, sẽ không "trợ giúp" cho chỗ thiếu về "nguỵ trang pháp lý" của Trung Quốc đối với tham vọng độc chiếm biển Đông. Vì thế, Trung Quốc chỉ còn một cách giải thích duy nhất, đó là yêu sách chủ quyền với tất cả các nhóm đảo và các thực thể bên trong đường này.
Lập luận này đương nhiên là không có cơ sở pháp lý, bởi vì :
- Việt Nam cũng đòi chủ quyền toàn bộ tại Hoàng Sa và Trường Sa, chưa kể một số quốc gia khác cũng cho là một số cấu trúc thuộc Trường Sa cũng thuộc chủ quyền của họ. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép Hoàng Sa năm 1974 cùng một số cấu trúc tại Trường Sa từ 1988 trở đi là trái với quy định không sử dụng vũ lực trong điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng LHQ.
- Trong Phán quyết Trọng tài về biển Đông năm 2016, Toà đã giải thích rõ điều 121 UNCLOS và theo đó, không có thực thể nào thuộc Trường Sa đáp ứng điều kiện là đảo. Vì vậy, đối với các thực thể đáp ứng là đá thì chỉ có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh, và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho đá đó. Đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm thì không thể có vùng biển kèm theo được. Chính vì vậy, trong Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã phản đối điều này. Điều này cho thấy sự vi phạm của Trung Quốc khi đưa ra lập luận các thực thể trên biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
- Theo nguyên tắc quan trọng trong luật biển quốc tế "đất thống trị biển" thì các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền được, mà trong các thực thể thuộc Hoàng Sa, Trường Sa có rất nhiều các thực thể có tính chất tự nhiên là như vậy. Do đó, lập luận của Trung Quốc dựa vào chủ quyền của các cấu trúc này để yêu sách các vùng nước và thềm lục địa kèm theo là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế và UNCLOS.
- Mặc dù trong Phán quyết biển Đông năm 2016, Toà đã nêu rõ, các quyền về lịch sử đối với vùng nước bên trong "đường lưỡi bò" này không có cơ sở trong luật quốc tế, và các quy định của UNCLOS đối với các thành viên tham gia UNCLOS phải được ưu tiên. Nhưng vì muốn chống lại Phán quyết này nên Trung Quốc vẫn bất chấp pháp luật và thực tế để nhắc lại các yêu sách dưới dạng "quyền lịch sử", "quyền và lợi ích được thực hiện trong lịch sử".
Học thuyết về "Tứ Sa" của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã bị giới khoa học quốc tế phản đối và chỉ trích gay gắt (8).
Kết luận
Đến đây thì chúng ta có thể thấy, Tứ Sa hay "đường lưỡi bò" đều không khác nhau. Đó chỉ là những cách diễn giải khác nhau cho âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc mà thôi. Nhưng bởi vì "đường lưỡi bò" đã bị Toà trọng tài bác bỏ, cho nên Trung Quốc muốn tìm cách "khoác tấm áo mới lên cho một tham vọng cũ", nên họ tìm cách đưa ra những cách giải thích mập mờ, hòng tìm cách biện minh cho tham vọng của mình.
Hoàng Việt
Nguồn : RFA, 27/01/2022
Tham khảo :
1. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2022/01/LIS150-SCS.pdf
3. Xem :
- Li Jin Ming and Li De Xia , The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea : A Note, Ocean Development & International Law, 34:287–295, 2003, trang 289 ;
- Yann Huei Song and Peter Kien HongYu, China's "historic waters" in the South China Sea : an analysis from Taiwan, American Asian Review Vol. 12, N. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101) ;
- Zou Keyyuan, Law of the sea in East Asia, Routledge, 2005, trang. 49.
4. Bill Hayton, The modern creation of China’s "historic rights" claim in the South China Sea, Asian Affair, Volume 49, 2018, Issue 3,
5. Chun I Chen, Legal Aspects of the ROC’s Position on the U-Shaped Line
7. Bút lục phiên tòa ngày thứ nhất, trang 36
Trọng Nghĩa, RFI, 19/01/2022
Ngày 12/01/2022 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản nghiên cứu Ranh Giới Trên Biển số 150, tố cáo các yêu sách "phi pháp" của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân hôm 13/01 cho rằng Washington xuyên tạc luật pháp quốc tế để gây bất hòa trong khu vực.
Bản đồ minh họa cho thấy phạm vi địa lý của vùng Tứ Sa tại Biển Đông. Ảnh chụp màn hình bản đồ kèm theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ : "Ranh giới trên biển", công bố ngày 12/01/2022. © Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Điều đáng chú ý là trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không nhắc đến yêu sách "Đường Gián Đoạn" (mà báo chí thường gọi là "Đường Lưỡi Bò") trên Biển Đông, mà tập trung biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng được họ đặt tên là "Nam Hải Chư Đảo", hay gọi tắt là Tứ Sa.
Theo thông báo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi trả lời câu hỏi của hãng tin Pháp AFP về phản ứng của Bắc Kinh đối với tài liệu nghiên cứu của Mỹ, ông Uông Văn Bân đã liệt kê các các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông như sau : "Trung Quốc được hưởng chủ quyền đối với vùng Nam Hải Chư Đảo bao gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Nam Hải Chư Đảo của Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".
Theo phát ngôn viên Trung Quốc : "Chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích liên quan của chúng tôi ở Biển Đông được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài và phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và các luật lệ quốc tế khác".
Bốn nhóm đảo mà Trung Quốc gộp trong vùng Tứ Sa và gọi là "quần đảo" là vùng đảo đá Pratas (Đông Sa), quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), vùng bãi ngầm Macclesfield Bank (Trung Sa) và quần đảo Trường Sa (Nam Sa).
Vùng mà Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo trên thực tế chỉ là các thực thể địa lý nằm rải rác trong vùng Biển Đông, hầu hết đều chìm dưới nước. Bắc Kinh khẳng định các thực thể này phải được coi là các đơn vị hoàn chỉnh, có khả năng sản sinh ra chủ quyền và các quyền trên biển.
Lập luận này không đứng vững vì các khu vực như bãi đá Pratas mà Trung Quốc gọi là Quần Đảo Đông Sa hay bãi ngầm Macclesfield, được Bắc Kinh coi là Quần Đảo Trung Sa, đều nằm dưới mặt nước biển và không được luật quốc tế công nhận là quần đảo như Trung Quốc tuyên bố.
Bỏ Đường Lưỡi Bò vì dễ bị công kích do tính phi pháp lộ liễu
Đối với giới quan sát, khi nêu bật vấn đề Tứ Sa, Trung Quốc như đã thôi không nhắc đến yêu sách "Đường Chín Đoạn" trên Biển Đông, vốn đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ trong phán quyết 2016, để chuyển sang khẳng định chủ quyền trên vùng Tứ Sa, với những đòi hỏi có vẻ phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.
Theo hãng tin Mỹ BenarNews ngày 18/01, đây chính là nhận định của ông Saifuddin Abdullah, ngoại trưởng Malaysia, một trong bốn nước Đông Nam Á mà chủ quyền trên Biển Đông bị Bắc Kinh tranh chấp.
Phát biểu với các nhà báo vào tuần trước, ông Saifuddin ghi nhận sự kiện Bắc Kinh càng lúc càng "ít nói hơn" về "đường chín đoạn" để đề cập thường xuyên hơn đến "Tứ Sa". Đối với Ngoại trưởng Malaysia, đây có thể là một thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, và cũng là một thay đổi được các thành viên khác của ASEAN lưu ý.
Đối với ngoại trưởng Malaysia, hiện còn quá sớm để kết luận là cách tiếp cận theo hướng Tứ Sa có hung hăng hơn hướng Đường Chín Đoạn hay không. Tuy nhiên, quan điểm thận trọng của ngoại trưởng Malaysia không được giới chuyên gia tán đồng.
Lập luận thay đổi, nhưng thái độ hung hăng có thể gia tăng
Theo BenarNews, nhà nghiên cứu Mỹ Cổ Cử Luân (Julian Ku), giáo sư Trường Luật thuộc Đại Học Hofstra ở Long Island (bang New York) không nghĩ rằng yêu sách Tứ Sa sẽ nhất thiết dẫn đến các hành động hung hăng hơn của Trung Quốc, nhưng cho rằng khái niệm này "cung cấp một cách biện minh khác cho các hành động gây hấn mà Bắc Kinh có thể muốn thực hiện" tại vùng Biển Đông.
Chuyên gia Anh về Biển Đông Bill Hayton cũng nhìn thấy khả năng tranh chấp leo thang ở Biển Đông do việc khái niệm Tứ Sa của Bắc Kinh đã kích động nhiều thành phần tại Trung Quốc sau khi mang đến cho họ "một số niềm tin mới là hành động của họ có cơ sở hợp lý".
Theo ông Hayton, trong thời gian gần đây, người ta đã "chứng kiến nhiều hành động quyết đoán hơn, chẳng hạn như việc Trung Quốc quấy rối công việc khai thác dầu khí ngoài khơi Malaysia và Indonesia".
Lập luận không mới nhưng được thúc đẩy mạnh hơn từ 2016
Đối với giới chuyên gia phân tích, khái niệm Tứ Sa không phải là điều mới lạ và đã từng được Bắc Kinh gợi lên trong những năm gần đây.
Theo BenarNews, Luật Lãnh Hải và Vùng Tiếp Giáp mà Trung Quốc đã thông qua từ năm 1992, từng đề cập đến bốn nhóm đảo Tứ Sa. Sau đó khái niệm này đã được đề cập trong quyển Sách Trắng năm 2016 do Trung Quốc phát hành về các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong tiến trình trọng tài ở Biển Đông.
Sau đó một năm, theo tiết lộ của nhật báo Mỹ Washington Free Beacon ngày 21/09/2017, trong một cuộc họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào cuối tháng 8 cùng năm tại Mỹ, các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không ngần ngại khẳng định "quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa".
Ngay từ thời đó, giáo sư Mỹ Cổ Cử Luân đã ghi nhận trên trang mạng Lawfareblog rằng : "Yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc là một lý thuyết mới về pháp luật, nhưng vẫn có những lập luận tồi tệ như cũ".
Lập luận mới về Tứ Sa vẫn không có sức thuyết phục
Giải thích về lý do khiến Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận tranh chấp Biển Đông, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là vì đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên Đường Lưỡi Bò càng lúc càng bị đả kích.
Chuyên gia Cổ Cử Luân cho rằng : "Đường Chín Đoạn đã biến thành một mục tiêu thực sự dễ công kích đối với những ai chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vốn đã được Tòa Trọng Tài Biển Đông trực tiếp xem xét và bác bỏ vào năm 2016".
Theo vị giáo sư Mỹ, việc Trung Quốc thay thế Đường Chín Đoạn bằng Tứ Sa cũng không thể giúp Trung Quốc bảo vệ tốt hơn các yêu sách chủ quyền của họ : "Thuyết Tứ Sa không được xem xét trực tiếp trong phán quyết của tòa (trọng tài La Haye năm 2016), nhưng thuyết này cũng khó có thể được ủng hộ".
Chuyên gia Bill Hayton cũng cùng chung nhận định. Đối với học giả này, khái niệm Tứ Sa không phải là một cái gì mới lạ, mà là một lý thuyết đã có từ lâu, nhưng được Trung Quốc đặc biệt đẩy mạnh từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài (Thường Trực La Haye).
Theo ông Hayton : "Tứ Sa là một nỗ lực nhằm phát triển một lập luận biện minh giống như UNCLOS - tức là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982) để kiểm soát Biển Đông với một số loại cơ sở pháp lý". Thế nhưng nhà nghiên cứu Anh cho rằng lập luận đó vẫn không được các nước khác chấp nhận.
Mỹ khẳng định yêu sách "Tứ Sa" cũng "bất hợp pháp"
Bản nghiên cứu về Ranh Giới Trên Biển số 150 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 12/01 đã phân tích các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa và kết luận rằng những khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đều bất hợp pháp.
Tóm lại, như giáo sư Cổ Cử Luân đã nhận định : "Những biện minh pháp lý mới này của Trung Quốc không hợp pháp hơn yêu sách đường chín đoạn trước đây, nhưng nó mập mờ hơn và phức tạp hơn khi chỉ trích".
Thu Hằng, RFI, 21/01/2022
Pháp và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị 2+2 ngày 20/01/2022 qua hình thức trực tuyến. Trong thông cáo chung, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước nhất trí tăng cường hợp tác song phương về mặt an ninh và quốc phòng, đồng thời phản đối mọi ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và bộ trưởng quốc phòng Nobuo Kishi, cùng hai người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian và Florence Parly, tham dự một hội nghị trực tuyến, trụ sở bộ Ngoại giao ở Tokyo, Nhật Bản, 20/01/2022. Reuters – Issei Kato
Trong thông cáo chung, được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Pháp, hai bên "một lần nữa bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông", "tái khẳng định phản đối mạnh mẽ mọi ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc tạo ra việc đã rồi và hành vi cưỡng chế làm gia tăng căng thẳng và làm tổn hại đến trật tự thế giới".
Riêng về tình hình Biển Đông, dù không chỉ trích đích danh Trung Quốc, bốn bộ trưởng "tiếp tục phản đối những yêu sách không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), hoạt động quân sự hóa và các hành vi chèn ép ở Biển Đông". Tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông cũng được bốn bộ trưởng nhấn mạnh. Mọi tranh chấp về lãnh hải cần được giải quyết theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo trang NHK, ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa hy vọng có thể nâng cấp quan hệ hợp tác Pháp-Nhật để thực hiện kế hoạch một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản và Pháp sẽ tiếp tục các cuộc tập trận và thao dượt quân sự chung và tăng cường khả năng tác chiến với các đối tác nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực này. Phía Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Pháp trong việc thiết lập chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu, được công bố vào tháng 09/2021.
Tình hình eo biển Đài Loan, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng được đề cập trong cuộc họp. Ngoài ra, bốn bộ trưởng kêu gọi Nga tránh mọi hình thức gia tăng căng thẳng liên quan đến Ukraine.
Thu Hằng
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 20/01/2022
Hải quân Mỹ vào hôm 20/01/2022 đã lại cho một chiến hạm đi vào tuần tra tại vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Như thường lệ, Bắc Kinh cho biết là Hải quân của họ đã đuổi được tàu Mỹ ra khỏi vùng biển mà họ cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Chiến hạm USS Benfold của Mỹ tham gia tập trận ở Thái Bình Dương, ngoài khơi đảo Guam, ngày 28/8/2017. Benjamin A. Lewis US NAVY/AFP/Archivos
Trong một thông cáo, Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ cho biết là khu trục hạm USS Benfold "đã thực hiện quyền tự do hàng hải trong vùng lân cận quần đảo Hoàng Sa, phù hợp luật pháp quốc tế".
Theo bản thông cáo, chiến hạm Benfold đã khẳng định các quyền tự do hàng hải và quyền sử dụng vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận khi thách thức các hạn chế về quyền quá cảnh vô hại… do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt, cũng như các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ ra quanh quần đảo Hoàng Sa.
Đối với Hạm đội 7, chiến dịch tự do hàng hải do chiếc Benfold thực hiện nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại và xung quanh các đảo ở Biển Đông, khẳng định Mỹ coi những yêu sách đó vi phạm luật pháp quốc tế và "đe dọa nghiêm trọng đến tự do hàng hải".
Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai chiến dịch FONOP gần quần đảo Hoàng Sa trong năm nay. Hải quân Mỹ cho biết hoạt động này còn nhằm tiếp nối hiện diện quân sự lâu dài của họ tại khu vực.
Như thông lệ, Quân Đội Trung Quốc vào hôm nay đã cho biết là lực lượng của họ đã bám theo và xua đuổi một tàu chiến Mỹ đi vào gần quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa.
Trong một bản thông cáo, chiến khu miền Nam của Quân đội Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi phía Mỹ "dừng ngay lập tức" những hành động mà họ gọi là "khiêu khích", đồng thời lên tiếng đe dọa Mỹ về những "hậu quả nghiêm trọng".
Trọng Thành
************************
Mai Hải Oanh, RFA, 20/01/2022
Sáng kiến tập hợp của Indonesia
Các hành động hung hăng nhằm mở rộng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã khiến nhiều nước Đông Nam Á cảm thấy lo lắng. Cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Indonesia mới đây tuyên bố sẽ mời cục trưởng hàng hải năm nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam – tổ chức hội nghị vào tháng 2/2022 để thảo luận về những biện pháp ứng phó chung có thể áp dụng đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông (1).
- AFP
Danh sách những nước được Indonesia mời họp đang thu hút sự chú ý của quốc tế. Ba trong số đó có Malaysia, Philippines và Việt Nam, hiện đang kiểm soát một số đảo san hô ở quần đảo Trường Sa. Brunei chưa bao giờ chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hai thực thể địa lý nằm bên trong EEZ của nước này, song việc "đường 9 đoạn" của Trung Quốc nằm sát bờ biển của Brunei thực sự "chướng tai gai mắt". Jakarta là một bên trong tranh chấp vì "đường 9 đoạn" gây tranh cãi của Trung Quốc trùm lên EEZ của Indonesia. Singapore không phải là một bên tranh chấp, song có lẽ đã được mời với tư cách là trung tâm trung chuyển chính. Nước này có lợi ích nhất định đối với sự ổn định ở Biển Đông và dòng chảy tự do của thương mại hàng hải.
Trung Quốc tăng cường đe dọa trên Biển Đông
Mặc dù các nước Đông Nam Á và Trung Quốc duy trì trao đổi kinh tế-thương mại chặt chẽ, nhưng họ vẫn lo ngại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các quốc gia Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc áp dụng các chiến thuật "vùng xám" đe doạ. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông và xây dựng đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông luôn xảy ra va chạm với Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần vi phạm quyền chủ quyền của các nước láng giềng bằng cách triển khai hàng trăm tàu đánh cá, tàu khảo sát và giàn khoan vào EEZ của các nước này, thường được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên hoặc hải quân của Trung Quốc.
Philippines, quốc gia thường xuyên xảy ra tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, gần đây đã ký hợp đồng đặt mua hai tàu chiến mới từ Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hải quân nước này để ứng phó với thách thức tranh chấp ở Biển Đông. Do sức mạnh quốc gia suy giảm, sức chiến đấu của hải quân Philippines trong những thập kỷ gần đây giảm dần, thậm chí nước này vẫn đang sử dụng các tàu chiến của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mãi đến năm 2010 khi ông Benigno Aquino lên làm Tổng thống, Philippines mới thúc đẩy hiện đại hóa hải quân. Hai khinh hạm Manila đặt mua từ Hàn Quốc lần này sẽ chủ yếu dùng để bảo vệ các tàu của Philippines khỏi bị tấn công. Trước đó, Philippines cũng đã đặt hàng hai tàu tuần duyên và ba tàu đổ bộ từ Australia. Mới đây Philippines đã tuyên bố sẽ bỏ ra 520 triệu USD để mua tên lửa Bramos của Ấn Độ để nâng cao khả năng phòng thủ trên biển (2).
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát sinh nhiều tranh chấp biển với Indonesia trong năm năm qua. Indonesia chỉ trích Trung Quốc thường xuyên điều nhiều tàu cá lớn tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia gần quần đảo Natuna dưới sự hộ tống của lực lượng hải cảnh và dân quân biển. Trong những tháng cuối năm 2021, Trung Quốc và Indonesia xảy ra đối đầu ở mức độ thấp do Jakarta tiến hành khoan thăm dò một mỏ dầu ở gần quần đảo Natuna. Phía Trung Quốc yêu cầu Indonesia ngừng thăm dò dầu mỏ và khí tự nhiên ở khu vực này, tuy nhiên Indonesia từ chối và hoàn thành dự án thăm dò trong thời gian sáu tháng.
Để ứng phó với tình hình Biển Đông, Malaysia cũng tăng cường sức mạnh chiến đấu và có ý định mua 33 máy bay chiến đấu F/A-18C/D Hornet đã qua sử dụng. Cuối tháng 5/2021, biên đội 16 máy bay quân sự bao gồm Y-20, IL-76 của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển thuộc quyền tài phán và vùng thông báo bay Kota Kinabalu của Malaysia, khiến chính phủ và phe đối lập cũng như quân đội Malaysia đều chỉ trích động thái này của Trung Quốc, đồng thời cũng khiến Malaysia phải nâng cao năng lực chiến đấu của hải quân.
Năm 2020, Việt Nam đã buộc phải trả khoảng 1 tỷ USD cho các công ty năng lượng quốc tế sau khi phải hủy các hợp đồng thăm dò dầu khí ngoài khơi do sức ép của Trung Quốc (3).
Chính vì lẽ đó, một cuộc thảo luận về cách các lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực có thể ứng phó hiệu quả với chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh sẽ rất hữu ích. Hội nghị do Indonesia chủ trì vào tháng 2 tới đây có thể sẽ củng cố lập trường của sáu nước đối với Trung Quốc.
Cảnh sát biển Việt Nam quan sát tàu Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa hôm 14/5/2014. Reuters
Liệu nỗ lực này có thành công ?
Năm 2014, Philippines - lúc đó đang thách thức về mặt pháp lý "đường 9 đoạn" tại Tòa trọng tài - đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp của bốn bên tranh chấp. Tuy nhiên, vào giờ chót, Brunei đã "hèn nhát" rút lui. Không rõ ba quốc gia còn lại đã thảo luận những gì, song sau đó các nước này không ngồi lại với nhau thêm một lần nào nữa.
Mặc dù các quốc gia Biển Đông của Đông Nam Á đang cùng phải đối mặt với một vấn đề, nhưng sự hợp tác của các quốc gia này rất kém. Có ba lý do chính để giải thích cho sự hợp tác kém cỏi này.
Thứ nhất là các yêu sách lãnh thổ chồng lấn chưa được giải quyết và biên giới biển giữa các quốc gia này chưa được phân định. Ở Trường Sa, Việt Nam tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo nhỏ do Malaysia và Philippines chiếm đóng, trong khi hai nước này cũng tuyên bố chủ quyền với các đảo san hô của nhau. Dù đã đạt được một số tiến bộ trong những năm gần đây, song các chính phủ Đông Nam Á vẫn chưa phân định được các EEZ chồng lấn. Tranh chấp giữa các nước này dù không còn gay gắt như trong những năm 1990, song vẫn là một trở ngại cho sự hợp tác.
Thứ hai là việc các bên tranh chấp Đông Nam Á đang áp dụng cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề Biển Đông. Việt Nam có đường lối cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc và đã thể hiện rõ quyết tâm phản kháng khi cần thiết. Philippines "loanh quanh" giữa việc đứng lên chống lại Bắc Kinh (dưới thời Tổng thống Ramos và Benigno Aquino) và cố gắng lấy lòng nước láng giềng "khổng lồ" này (dưới thời Tổng thống Arroyo và Duterte). Malaysia tìm cách giảm nhẹ tình huống tranh chấp trong khi Brunei chủ yếu im lặng. Thái độ của Indonesia trước các hành động của Trung Quốc trên biển cũng không rõ ràng.
Thứ ba là tâm lý quan ngại chung rằng bất kỳ nỗ lực phối hợp nào cũng có thể gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn các bên tranh chấp thảo luận với nhau và đưa ra lập trường chung, thay vào đó muốn "chia để trị" – tức là đàm phán song phương. Thậm chí, Bắc Kinh còn thúc đẩy "gác tranh chấp cùng khai thác" - một phương án hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho các quốc gia Biển Đông khác.
Triển vọng phối hợp của các quốc gia Biển Đông trong thời gian sắp tới
Liệu sau kỳ họp lần này, năm quốc gia Biển Đông này sẽ có thể tập hợp lại thành một "liên minh" để chống lại sự cưỡng ép và đe dọa của Bắc Kinh ?
Thái độ của Indonesia trong năm 2021 đối với các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với vùng Bắc Natuna của nước này có rất nhiều điều khó hiểu. Tuy nhiên, trước sự đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc, có thể Jakarta cuối cùng đã nhận thấy mình phải tìm kiếm sự liên kết trong việc chống lại các đe dọa này.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Ian Storey, đại diện của năm quốc gia này sẽ thảo luận điều gì ? Một mặt trận thống nhất phản đối các tuyên bố của Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Liệu các quốc gia Biển Đông có đủ "can đảm" để đối mặt điều này ? Tuy nhiên, có thể có các cuộc đàm phán về việc nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, chia sẻ các phương pháp hữu hiệu nhất và thậm chí là tổng hợp thông tin tình báo (4).
Còn nếu những quốc gia được mời không hồi đáp hoặc không tham dự, điều đó chẳng khác nào một chiến thắng cho Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tăng cường chiến lược "chia để trị" của họ để tiếp tục làm suy yếu sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề này.
Chính vì vậy, đây cũng là dịp mà các quốc gia Biển Đông, cần phải thể hiện và tận dụng sức mạnh của sự đoàn kết để có thể cùng nhau chống lại được sự đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Mai Hải Oanh
Nguồn : RFA, 20/01/2022
Tham khảo :
1. https://www.benarnews.org/english/news/indonesian/indonesia-china-south-china-sea-12282021153333.html
3. https://www.chathamhouse.org/2022/01/new-alignments-are-looming-south-china-sea