Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/01/2022

Thất bại với đường lưỡi bò, Trung Quốc giải thích gì về "Tứ Sa" ?

Hoàng Việt

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 đã công bố một báo cáo trong đó đưa ra những lập luận pháp lý bác bỏ những yêu sách sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông (1) . Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt với báo cáo này. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Trung Quốc dường như đang hướng đến một lập luận pháp lý mới, thay cho lập luận mà họ đặt tên là "đường 9 đoạn", để củng cố những yêu sách chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông. 

dlb1

Bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông - AFP

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah phát biểu mới đây lưu ý rằng Bắc Kinh hiện "không nhắc đến 'đường 9 đoạn", mà tập trung nhiều hơn để biện minh về cái mà họ gọi là "Tứ Sa". Ông Saifuddin Abdullah nói rằng các nước ASEAN cũng đã nhận ra sự thay đổi này trong cách lập luận của Bắc Kinh và yêu sách này "thậm chí nguy hiểm hơn" yêu sách cũ (2). 

Nguồn gốc của "Tứ Sa"

Cùng với sự "trỗi dậy" của mình, Tập Cận Bình muốn hiện thực hoá "giấc mộng Trung Hoa" để biến Trung Quốc trở thành siêu cường duy nhất thống trị thế giới. Muốn làm được vậy, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển. Mà muốn trở thành cường quốc biển, Biển Đông sẽ là cửa ngõ đầu tiên mà Trung Quốc phải giành lấy. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

Tuy nhiên, để tìm cách độc chiếm biển Đông, Trung Quốc phải tìm cho được một cơ sở pháp lý nào đó, nhưng Trung Quốc lại không thể có cơ sở pháp lý vững chắc được. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã cố gắng "phát hiện" "cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò" dựa trên một bản đồ được xuất bản nội bộ của chính quyền Tưởng Giới Thạch từ năm 1948 (3). Trong bản đồ đó đường chữ "U" hay "đường lưỡi bò" này được thể hiện bao trùm xung quanh cả bốn nhóm thực thể lớn trên biển Đông, bao gồm : quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa). Bốn nhóm thực thể này được Bắc Kinh gọi là "Nam Hải Chư đảo".

Theo các học giả người Hoa thì có bốn cách giải thích về "đường lưỡi bò," bao gồm : i) Đây là đường thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này ; ii) Đây là đường biên giới quốc gia trên biển ; iii) Đây là đường thể hiện liên quan đến lịch sử (quyền lịch sử hoặc vùng nước lịch sử) ; iv) Đây là đường thể hiện phân định biển trong tương lai.

Một trong những cách giải thích về tính chất pháp lý của "đường lưỡi bò" là thể hiện "quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với vùng nước và các thực thể bên trong đường này. Trong khi trình bày lập luận tại Toà Trọng tài quốc tế, phía Philippines đã phát hiện ra lập luận chủ yếu cho "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là thể hiện "quyền lịch sử" của họ đối với Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là bên đầu tiên đưa ra cách giải thích này. Cách giải thích đầu tiên như vậy bắt đầu từ Đài Loan năm 1993. Một học giả Đài Loan là Phó Côn Thành tự nhận là tác giả của ý tưởng này, sau đó ông ta đã được mời sang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc, và Bắc Kinh đã sử dụng cách giải thích này (4).

Trong Phán quyết biển Đông năm 2016 của Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì Toà trọng tài đã bác bỏ cách giải thích đây là yêu sách về "quyền lịch sử" của Trung Quốc.

Chính phủ Đài Loan đã từng chính thức tuyên bố xem các vùng nước trong "Đường lưỡi bò" là vùng nước lịch sử của mình vào năm 1993 khi ban hành Hướng dẫn Chính sách Biển Đông. Tuy nhiên, đến năm 2005, Hướng dẫn này bị bãi bỏ. Kể từ đó, Đài Loan đã không còn nhắc tới "vùng nước lịch sử" trong các văn bản và tuyên bố chính thức của mình nữa.

Trong Phán quyết, Tòa Trọng tài cũng đã làm sáng tỏ các khái niệm "quyền lịch sử", "danh nghĩa lịch sử", "vịnh lịch sử" và "vùng nước lịch sử" và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Và mặc dù đây là các khái niệm riêng biệt nhưng giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ. Vì thế, khi Toà trọng tài bác bỏ "quyền lịch sử" vì không có bằng chứng cho thấy người Trung Quốc là người duy nhất đánh cá trên vùng biển này, và các quy định của UNCLOS phải được ưu tiên hơn tất cả các quyền khác, trong đó "có quyền lịch sử". Chính vì vậy, khi "quyền lịch sử" bị bác bỏ, điều đó đồng nghĩa với việc giải thích đây là đường thể hiện "vùng nước lịch sử" cũng đồng thời bị bác bỏ.

Một cách giải thích khác về "đường lưỡi bò" là đường biên giới quốc gia trên biển. Một học giả Đài Loan là Trần Thuần Nhất có nhận xét : "Lý thuyết này tương đối yếu vì nó không có cơ sở pháp lý phù hợp theo luật biển" (5).

Trước đây, một trong những luận điểm của các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng "đường lưỡi bò" được vẽ tùy tiện, không có tọa độ để xác định và là một đường đứt khúc nên không thể hiện được là một đường biên giới nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc lại tung ra thông tin về việc tìm thấy một bản đồ "hình chữ U" nhưng liền nét và được xuất bản từ năm 1951 (6).

Tuy nhiên, trong lúc tranh luận, các luật sư của Philippines đã chứng minh trước Hội đồng trọng tài là cách giải thích "đường lưỡi bò" là đường biên giới quốc gia trên biển là không hợp lý. Chính trong các tuyên bố của mình, các giới chức Trung Quốc đã tự phủ nhận đây là đường biên giới quốc gia, bởi vì Trung Quốc luôn khẳng định tôn trọng quyền tự do hải hành và tự do hàng không bên trong đường này. Chính vì thế, theo quy định của luật quốc tế, không thể có chuyện tự do hải hành và tự do hàng không bên trong khu vực biển thuộc chủ quyền quốc gia được (7). Mặc dù Toà không đề cập tới vấn đề này trong Phán quyết, nhưng Toà đã tỏ ra đồng ý với lập luận này của Philippines.

Điều đó cho thấy, cách giải thích "đường lưỡi bò" là đường biên giới trên biển không thể đứng vững, cho dù nó là "đứt đoạn" hay "liền nét."

Lý thuyết "Tứ Sa"

Thất bại pháp lý trước Phán quyết Biển Đông năm 2016, từ năm 2017, các học giả Trung Quốc này lại đưa ra một học thuyết mới, cụ thể là khái niệm "Tứ Sa" về Biển Đông. Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Pratas, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Bãi ngầm Mcclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm trên là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.

Như vậy, trong bốn cách giải thích về "đường lưỡi bò", thì hai cách giải thích đã bị vô hiệu hoá bởi Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc, đó là giải thích về "quyền lịch sử" và "đường biên giới quốc gia". Chỉ còn lại hai cách giải thích, đó là đường này thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này, và cách giải thích đây là "đường phân định biển trong tương lai". Đường phân định biển trong tương lai chỉ là một cách nói để xoa dịu, sẽ không "trợ giúp" cho chỗ thiếu về "nguỵ trang pháp lý" của Trung Quốc đối với tham vọng độc chiếm biển Đông. Vì thế, Trung Quốc chỉ còn một cách giải thích duy nhất, đó là yêu sách chủ quyền với tất cả các nhóm đảo và các thực thể bên trong đường này.

Lập luận này đương nhiên là không có cơ sở pháp lý, bởi vì :

- Việt Nam cũng đòi chủ quyền toàn bộ tại Hoàng Sa và Trường Sa, chưa kể một số quốc gia khác cũng cho là một số cấu trúc thuộc Trường Sa cũng thuộc chủ quyền của họ. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép Hoàng Sa năm 1974 cùng một số cấu trúc tại Trường Sa từ 1988 trở đi là trái với quy định không sử dụng vũ lực trong điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng LHQ.

- Trong Phán quyết Trọng tài về biển Đông năm 2016, Toà đã giải thích rõ điều 121 UNCLOS và theo đó, không có thực thể nào thuộc Trường Sa đáp ứng điều kiện là đảo. Vì vậy, đối với các thực thể đáp ứng là đá thì chỉ có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh, và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho đá đó. Đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm thì không thể có vùng biển kèm theo được. Chính vì vậy, trong Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã phản đối điều này. Điều này cho thấy sự vi phạm của Trung Quốc khi đưa ra lập luận các thực thể trên biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Theo nguyên tắc quan trọng trong luật biển quốc tế "đất thống trị biển" thì các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền được, mà trong các thực thể thuộc Hoàng Sa, Trường Sa có rất nhiều các thực thể có tính chất tự nhiên là như vậy. Do đó, lập luận của Trung Quốc dựa vào chủ quyền của các cấu trúc này để yêu sách các vùng nước và thềm lục địa kèm theo là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế và UNCLOS.

- Mặc dù trong Phán quyết biển Đông năm 2016, Toà đã nêu rõ, các quyền về lịch sử đối với vùng nước bên trong "đường lưỡi bò" này không có cơ sở trong luật quốc tế, và các quy định của UNCLOS đối với các thành viên tham gia UNCLOS phải được ưu tiên. Nhưng vì muốn chống lại Phán quyết này nên Trung Quốc vẫn bất chấp pháp luật và thực tế để nhắc lại các yêu sách dưới dạng "quyền lịch sử", "quyền và lợi ích được thực hiện trong lịch sử".

Học thuyết về "Tứ Sa" của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã bị giới khoa học quốc tế phản đối và chỉ trích gay gắt (8).

Kết luận

Đến đây thì chúng ta có thể thấy, Tứ Sa hay "đường lưỡi bò" đều không khác nhau. Đó chỉ là những cách diễn giải khác nhau cho âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc mà thôi. Nhưng bởi vì "đường lưỡi bò" đã bị Toà trọng tài bác bỏ, cho nên Trung Quốc muốn tìm cách "khoác tấm áo mới lên cho một tham vọng cũ", nên họ tìm cách đưa ra những cách giải thích mập mờ, hòng tìm cách biện minh cho tham vọng của mình.

Hoàng Việt

Nguồn : RFA, 27/01/2022

Tham khảo :

1. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2022/01/LIS150-SCS.pdf

2. https://www.rfa.org/english/news/china/malaysia-southchinasea-01182022151031.html#.YefJ8yoT_LE.twitter

3. Xem :

- Li Jin Ming and Li De Xia , The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea : A NoteOcean Development & International Law, 34:287–295, 2003, trang 289 ; 

- Yann Huei Song and Peter Kien HongYu, China's "historic waters" in the South China Sea : an analysis from Taiwan, American Asian Review Vol. 12, N. 4, Winter, 1994 (pp. 83-101) ; 

- Zou Keyyuan, Law of the sea in East Asia, Routledge, 2005, trang. 49.

4. Bill Hayton, The modern creation of China’s "historic rights" claim in the South China Sea, Asian Affair, Volume 49, 2018, Issue 3, 

5. Chun I Chen, Legal Aspects of the ROC’s Position on the U-Shaped Line

6. http://www.scmp.com/news/china/society/article/2141323/chinas-claims-south-china-sea-proposed-continuous-boundary-first

7. Bút lục phiên tòa ngày thứ nhất, trang 36

8. https://www.lawfareblog.com/south-china-sea-and-chinas-four-sha-claim-new-legal-theory-same-bad-argument

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Việt
Read 293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)