Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tiếng Việt đang méo mó theo cách hiểu mang định hướng chính trị của nhiệm kỳ Đảng ?

ten1

Phân biệt "đại học" và "trường đại học"

Ý kiến tiếp theo đây là của Phó Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Lê Giang, nguyên Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Khởi nguồn của từ "đại học" ra đời vào thập niên 1990

Trong quá trình phát triển của đại học, để tăng cường sức mạnh, tính độc lập, sáng tạo, đột phá của giáo dục đại học, năm 1996 hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ra đời. Mỗi đại học này là sự ghép lại của nhiều trường đại học như : đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và một số trường thành viên khác. Từ đó trong giấy tờ có sự phân biệt giữa "đại học" là từ chỉ cơ sở có quy mô lớn, tập hợp nhiều "trường đại học" với "trường đại học" là các trường thành viên của "đại học", hoặc các trường đại học độc lập trực thuộc bộ.

Ít năm sau có ba trường đại học vùng ra đời : đại học Thái Nguyên, đại học Huế, đại học Đà Nẵng.

Từ "đại học" hay "trường đại học" chỉ là sự phân biệt của tiếng Việt, chứ tiếng Anh đều là University. Mô hình "đại học" này học theo mô hình Hoa Kỳ, Châu Âu vì ở đó có nhiều University thuộc một University lớn hơn. Đơn cử như University of California người ta thường dịch là "Hệ thống đại học" hay "Viện đại học" vì ở dưới có nhiều trường thành viên như : UC Berkeley, UC Merced, UC San Francisco…

Dù học theo mô hình Hệ thống/ Viện đại học nhưng tiếng Việt không dùng sự phân biệt "Hệ thống/ Viện đại học" với "trường đại học" mà dùng "đại học" với "trường đại học" để phân biệt. Sự phân biệt "đại học" (lớn) với "trường đại học" (nhỏ) là sự phân biệt giả tạo (cách nói của ngôn ngữ học) có tính duy ý chí, cưỡng bức, vì không có truyền thống trong tiếng Việt, có thể coi nó như một trường hợp dùng từ sai hay lỗi tiếng Việt.

Vì sao ? Thông thường từ "đại học" có 2 nghĩa :

Thứ nhất là cấp học : tiểu học, trung học, đại học…

Thứ hai : Cơ sở giáo dục dạy học, tức là trường đại học được nói gọn lại. Ví dụ : trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng giống như đại học Bách Khoa Hà Nội, tương tự : trường đại học Khoa học Huế – đại học Khoa học Huế, trường đại học Cần Thơ – đại học Cần Thơ.

Không ai phân biệt "đại học" với "trường đại học". Cho đến tận hôm nay, sau gần 30 năm xã hội vẫn còn rất nhiều người không biết có sự phân biệt đó.

Do đó, chuyện "trường đại học Bách khoa Hà Nội" bỗng chốc có quyết định trở thành "đại học Bách khoa Hà Nội", đã đẩy sự bất cập trong phân biệt "trường đại học" với "đại học" lên đỉnh điểm, khiến dư luận đưa ra nhiều thắc mắc.

Từ đó nhiều ý kiến đề cập đến những "lỗi dùng từ" như "Bộ Giáo dục và Đào tạo" thì thừa chữ "và Đào tạo", vì Giáo dục nào mà không đào tạo hay đào tạo nào mà không qua giáo dục ? Ít ai biết cái đuôi ấy là dấu tích của việc ghép Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp vào, vì dẫu ghép vào nó vẫn không muốn bị mất dấu hẳn !

"Đại học" cần phải thay đổi để làm gương cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Sự đối lập giả tạo giữa "đại học" (lớn) và "trường đại học" (nhỏ) cần phải chấm dứt.

Nhưng phân biệt bằng cách nào ? Phó Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Hồng Cổn có đề nghị phân biệt đại học (lớn) với học viện (nhỏ, chuyên ngành). Như vậy thì hàng loạt các trường phải đổi tên : "trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn" thành : "học viện Khoa học xã hội và Nhân văn", tương tự : học viện Khoa học tự nhiên, học viện Y Khoa, học viện Luật… Đây là điều tối kỵ vì danh tiếng của các đại học là rất quan trọng, không thể bỗng chốc mất đi được.

Theo tôi, nên dùng từ VIỆN ĐẠI HỌC thay cho ĐẠI HỌC, còn các "trường đại học" hay các "đại học" không còn phân biệt nữa. "Viện Đại học" ra đời khi thành lập Viện Đại học Đông Dương năm 1906, sau đó được dùng rộng rãi trong hệ thống giáo dục đại học miền Nam từ 1954 đến 1975.

Ví dụ :

Viện Đại học Sài Gòn có nhiều phân khoa, hay cũng gọi là trường đại học như : Khoa học Đại học đường, trường đại học Văn khoa Sài Gòn, trường đại học Y khoa Sài Gòn, trường đại học Kiến trúc Sài Gòn… Các phân khoa/ trường thành viên có đây đủ quyền như một trường đại học.

Viện Đại học Huế có nhiều phân khoa, tức là các trường đại học, như : trường đại học Sư phạm, trường đại học Y Khoa, trường đại học Luật khoa…

Nếu thay đổi như thế, chúng ta sẽ trả từ "đại học", "trường đại học" đúng nghĩa của nó là một cấp học hay/ và một cơ sở đào tạo đại học.

Trường đại học Y khoa hay đại học Y khoa, trường đại học Bách Khoa và đại học Bách khoa… là như nhau. Như vậy chỉ có mấy đại học mới ra đời cần phải đổi tên thôi như : Đại học Quốc gia Hà Nội thành Viện Đại học Quốc gia Hà Nội, tương tự : Viện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Nẵng… Còn trường đại học Bách khoa Hà Nội có muốn thành Viện Đại học Bách khoa Hà Nội hay không thì tùy. Như thế sẽ không còn chuyện khôi hài : trường đại học Bách Khoa Hà Nội thành đại học Bách khoa Hà Nội nữa.

Bộ Giáo dục nên đi trước trong việc chuẩn hóa chữ nghĩa. Danh chính thì ngôn thuận. Tên gọi không chỉ là danh từ mà còn phản ánh tư duy.

Việc thay đổi cũng là bình thường trong quá trình phát triển. Việc học các từ có sẵn hợp lý trong tiếng Việt dù thời Pháp thuộc hay miền Nam trước 1975 cũng là bình thường, vì dù ở thời nào thì cũng là tiếng Việt, từ nào đúng, hay thì học, từ nào dùng sai thì bỏ. Đơn cử "trường cấp I, II, III" như cách nói của miền Bắc trước 1975 đã thành "trường tiểu học, trung học" (cơ sở, phổ thông) như cách nói thời Pháp thuộc hay miền Nam trước 1975.

Việc thay đổi ấy sẽ khiến cho danh từ có tính hệ thống, tránh nhầm lẫn, tránh được một trường hợp tạo từ sai, và đó là cách nêu gương bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Đề nghị tiếp theo : Từ đây trở đi việc tạo ra các từ mới phải có một hội đồng chuyên môn quyết định và phải hỏi ý kiến dư luận rộng rãi nếu chuyện ấy liên quan đến nhiều người, chứ không thể là ý kiến bất chợt của một vài vị quản lý hành chính nào đó dù có bằng cấp nhưng không có trình độ tiếng Việt tốt được.

Quốc hội chỉ thông qua về mặt chủ trương, còn chọn danh từ nào thì phải do hội đồng ấy quyết định. Đó cũng là cách khiến cho các cơ quan công quyền không bị xã hội đàm tiếu, giữ được sự tôn nghiêm và tôn trọng của xã hội.

Nguồn : VNTB, 26/12/2023

Additional Info

  • Author VNTB
Published in Văn hóa

Trường đại học hay đại học : vấn đề danh xưng và chất lượng !

RFA, 13/12/2022

Vấn đề Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách Khoa Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành Đại học UEH gây xôn xao dư luận trong những ngày qua tại Việt Nam.

daihoc01

Bảng tên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại cơ sở chính ở quận 3. Ảnh : Mạnh Tùng

Anh Đỗ Trọng Hoàng, tân sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự hoang mang trước sự việc này :

"Mình cũng hơi khó hiểu, mấy người bạn của mình cũng vậy, cũng không hiểu. Không biết hai thứ ("trường đại học" và "đại học") khác nhau ra sao, trước giờ thì mình cũng chỉ nghĩ là một thứ. Nghe qua thì mình nghĩ là trường thuộc trường, nói chung là khó hiểu".

Chia sẻ qua email với phóng viên Á Châu Tự Do, một giảng viên đang công tác tại một trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về hai khái niệm "trường đại học" và "đại học" :

"Hai khái niệm này ở Việt Nam và nước ngoài đã được phân biệt từ lâu. Sự việc này như một cách các trường tự "nâng cấp" nếu chỉ dừng lại ở mặt hình thức khi chúng ta chưa biết được sự thay đổi nội tại từ chất lượng đào tạo, mô hình hoạt động, hình thức tổ chức... rõ ràng thì chưa thể khẳng định đây là phát triển trong hệ thống giáo dục, cụ thể là sự phát triển của trường. Nhưng lại vô tình làm mọi người hoang mang trong cách gọi tên, cách thức tổ chức mô hình giáo dục".

Theo Luật giáo dục đại học 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, hai khái niệm vừa nêu là hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của luật này.

Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định luật này ; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Điều này cho thấy trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành) nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao gồm các trường đại học.

Cùng với anh anh Hoàng, một phụ huynh có con đang theo học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ ý kiến khi nghe thông tin liên quan :

"Nói chung là người ta (Nhà nước) làm sao thì mình phải theo thôi. Mình theo học chương trình, trường của người ta thì phải tuân thủ rồi. Thấy quy định, quy chế của mấy trường cũng thay đổi liên tục, phải chịu thôi. Chỉ mong chất lượng dạy tốt là được, ra trường có cái bằng đi xin việc tốt là được".

Theo quy định, điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học là : đạt công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học ; có ít nhất ba trường trực thuộc, ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên.

Đồng thời cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Người giảng viên đạihọc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm về vấn đề trường đại học trở thành đại học :

"Để trở thành đại học cũng không phải là dễ nhưng với tình hình các trường nhanh chóng đạt tiêu chuẩn để trở thành đại học thì cũng nên xem xét lại quy định hoặc nâng cao tiêu chí đánh giá thực lực trong khi các trường chưa có một bước tiến nào thực sự đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục, cải tiến trong phương thức, mô hình giảng dạy. Xa hơn nữa là khi đã trở thành đại học thì cũng phải duy trì những tiêu chí đó xuyên suốt để có một chất lượng đào tạo bền và vững".

Đầu tháng 7.2021, Trường Đại học Cần Thơ cũng có chủ trương phát triển thành đại học gồm bốn trường thành viên. Tương tự, trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề ra chiến lược phát triển theo mô hình một đại học với 4 trường thành viên, trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng có đề án gửi Bộ Y tế về việc phát triển thành Đại học Sức khỏe.

Cùng với đó, một số trường cũng có chiến lược thành lập các trường thành viên hoặc có hướng phát triển trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực như trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Kinh tế quốc dân, trường Đại học Ngoại thương.

Câu chuyện chuyển đổi "trường đại học’ thành "đại học’ xảy ra vào khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, có bằng cử nhân ra trường nhưng không thể kiếm được một việc làm phù hợp với chuyên môi.

Nguồn : RFA, 13/12/2022

****************************

Trường học là gì ?

Mai Lan, VNTB, 11/12/2022

Lâu nay, trường học được hiểu là một cơ quan được lập ra nhằm giáo dục cho học sinh dưới sự giám sát của giáo viên. Hầu hết các quốc gia đều có hệ thống giáo dục tiêu chuẩn, hầu hết là bắt buộc. Trong các hệ thống này, học sinh thường trải qua các loại trường khác nhau, tùy nơi tên gọi trường có thể khác nhau nhưng chủ yếu gồm trường tiểu học và trường trung học. Mẫu giáo và nhà trẻ là các giai đoạn trước khi vào trường học.

daihoc1

Theo từ điển tiếng Việt, "trường học" là danh từ, nơi tiến hành việc giảng dạy, đào tạo toàn diện hay một lĩnh vực chuyên môn nào đó cho các loại học sinh. Ảnh minh họa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh (USSH)

Ngày nay, ngoài các nhà trường truyền thống còn có trường học tại nhà và trường học trực tuyến. Trong tiếng Việt, trường học còn có thể bao gồm cả trường cao đẳng, trường đại học và các cơ sở giáo dục khác.

Ở Việt Nam còn có "trường giáo dưỡng" là loại hình trường đặc biệt dành cho các thanh thiếu niên phạm tội. Trong trường, các học sinh này được học văn hóa, được dạy nghề, giáo dục đạo đức để có thể ra trường, về địa phương sau một vài năm. Các năm trước, các trường loại này do Bộ Công an Việt Nam quản lý, nhưng bây giờ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.

Cũng là trường học do chính quyền tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, có tên "trung tâm giáo dục thường xuyên", được hiểu là nơi phổ cập giáo dục cho tất cả các lứa tuổi. Trước đây người ta còn gọi là hệ "Bổ túc văn hóa" thường dạy vào ban đêm với các trụ sở là trường học phổ thông.

Trước khi có Luật Giáo dục đại học phiên bản sửa đổi, bổ sung năm 2018, ở Việt Nam khi viết tên gọi "trường đại học X". hay "đại học X". thì nó cùng nghĩa là nơi giáo dục bậc đại học.

Tuy nhiên sau đó, tại Điều 4 Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, định nghĩa như sau :

"Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này ; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung".

Theo đó trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành.

"Đại học" là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn "trường đại học" có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập, hoặc là thành viên của một đại học vùng, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học.

Điều này có nghĩa về hình thức theo cách diễn giải của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, thì đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm các trường đại học.

Tuy nhiên cách hiểu trên một lần nữa lại có vẻ chệch choạc cũng về diễn giải luật từ sự việc của Quyết định 1512/QĐ-TTg ngày 02-12-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo nội dung quyết định, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm "Một Bách khoa Hà Nội".

Như vậy, chưa bàn chi tiết về "trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực – còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành", với cụ thể ở "Đại học Bách khoa Hà Nội" cho thấy việc phân biệt của Điều 4 Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, dường như rất cần được tu chỉnh thêm lần nữa ở phiên bản 2023 chẳng hạn, để đúng từ điển tiếng Việt hơn trong cách sử dụng và cách hiểu về danh từ "trường học".

Nói thêm, cách viết trên văn bản luật và văn bản hành chính, rằng "Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh" – "Đại học Quốc gia Hà Nội" là khó hiểu, vì có thể hiểu "Thành phố Hồ Chí Minh" – "Hà Nội" là một chỉ danh địa lý ; cũng có thể hiểu đó là đại học có tên "Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh" – "Quốc gia Hà Nội" ( ? !).

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 11/12/2022

************************

Rối : trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học

Phạm Lê Đoan, VNTB, 07/12/2022

Đại học Bách Khoa vẫn là trường Đại học Bách Khoa, nhưng không phải là trường Đại học Bách Khoa

Lưu ý thêm ở đây về cách viết hoa để thấy rối và đánh đố ngữ nghĩa ra sao.

daihoc1

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo quy định hiện hành, đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc. Đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành khác nhau. Người đứng đầu đại học là giám đốc, khác với trường đại học người đứng đầu là hiệu trưởng.

So với trường đại học, cơ sở đại học có cơ hội nhiều hơn trong việc xây dựng cơ chế đào tạo linh hoạt, tạo cơ hội nhiều hơn cho người học, có vị thế cao hơn trong đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Như vậy, với tin Trường Đại học Bách Khoa vừa được chuyển thành Đại học Bách Khoa, có nghĩa là Đại học Bách Khoa vẫn là trường Đại học Bách Khoa, nhưng không phải là trường Đại học Bách Khoa. Bởi theo Luật Giáo dục đại học : Đại học gồm nhiều trường đại học. Còn trường đại học thì chỉ là trường đại học mà không phải là đại học.

Vì thế Đại học Bách Khoa vẫn là Bách Khoa cũ, nhưng không phải là trường đại học Bách Khoa cũ dù vẫn đào tạo đại học bách khoa như cũ. Bằng của Đại học Bách Khoa không phải là bằng tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa mà là bằng tốt nghiệp đại học Bách Khoa ở Bách Khoa.

Nếu vẫn chưa hiểu thì đại khái là trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học. Bằng tốt nghiệp trường đại học không phải là tốt nghiệp Đại học nhưng vẫn là tốt nghiệp đại học.

Nôm na, là ‘sinh viên’ gái Đại học Bách Khoa không phải là ‘sinh viên’ gái trường Đại học Bách Khoa, dù vẫn học ở đại học Bách Khoa.

Việc chuyển ngữ cũng khó hơn. Ví dụ như đại học Quốc gia Hà Nội đã là một "University" thì bên dưới không thể có các "University" được, phải là các "College", "Institute" hay "School" nằm bên trong.

daihoc2

Bàn luận về vấn đề này ở Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, ghi nhận ý kiến chung, về mặt ngôn ngữ thì "đại học" và "trường đại học" không có khác biệt. Tuy nhiên, bộ Giáo dục và đào tạo hiện tại đang có sự phân biệt "trường đại học" và một bậc cao hơn là "đại học vùng", chẳng hạn, đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đại học Vinh, đại học Huế, đại học Đà Nẵng… với nhiều trường đại học thành phần.

Tức là "đại học" bao gồm nhiều "trường đại học" trực thuộc Bộ. Điều này cũng đang khiến giới khoa học băn khoăn.

Trước kia, loại hình trường mà hiện nay gọi là "đại học" được gọi là "viện đại học". Đó là cách gọi được thừa hưởng dòng chảy lịch sử từ thời viện đại học Đông Dương, là một đại học đa lĩnh vực. Hồi đó, có cả viện đại học Sài Gòn, viện đại học Huế, viện đại học Cần Thơ…

Lúc còn đương chức, bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu rằng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh phải đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, con dấu của "trường" Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh không có chữ "trường" ở phía trước.

Việc đổi tên này, theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến là chỉ để tuân thủ các quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung 2018, chẳng hề liên quan việc nâng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường như một số ý kiến gán ghép việc đổi tên trường với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Như vậy, chất lượng giáo dục không đến từ cái tên mà nó được đánh giá từ nỗ lực của cả một đội ngũ tập thể. Nhưng, cái tên cũng gây ra nhiều rắc rối từ việc thêm hoặc bớt một chữ "trường" như phát biểu của Bộ trưởng Y tế tại lễ khai giảng năm học 2019- 2020 của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị thay tên gọi "Đại học" bằng thuật ngữ "Viện đại học".

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau : theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng) ; theo sứ mệnh (viện đại học quốc gia, viện đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương, trường đại học tư thục,…) ; theo đẳng cấp (trường đại học nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng) ; theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở) ; theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, dân lập).

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 07/12/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt, Mai Lan, Phạm Lê Đoan
Published in Diễn đàn