Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì sao Việt Nam phải thông báo kết quả Đại hội 13 cho Trung Quốc ?

Diễm Thi, RFA, 14/04/2021

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 năm 2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Bốn vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 đã được chính thức thông qua gồm : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ; Thủ tướng Phạm Minh Chính ; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

bactrieu1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đcộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội năm 2017- AFP

Hôm 12 tháng 4 năm 2021, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam tới Đảng cộng sản Trung Quốc.

Chủ trì Hội nghị phía Trung Quốc có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Tống Đào. Các cơ quan Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng tham dự Hội nghị.

Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2014 nhận xét về việc này :

"Đây là chuyện bình thường vì từ trước đến nay, trong các chế độ cộng sản với nhau, người giữ chức vụ Trưởng ban đối ngoại Trung ương Việt Nam đều có thông báo cho Đảng cộng sản Lào, Campuchia, Trung Quốc Nói chung là các đảng anh em. Ngược lại phía họ cũng thế. Trước kia họ qua tận nơi để thông báo kết quả đại hội. Bây giờ có Covid nên họ thông báo qua internet. Đấy là thủ tục bình thường của các kỳ đại hội. Không phải đây là lần đầu tiên.

cộng sản Việt Nam họ rất khôn. Trước khi thông báo cho Đảng cộng sản Trung Quốc thì họ đã thông báo cho Đảng cộng sản Lào, là nước nhỏ, để tránh tiếng là nhiều người nghĩ Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc, là đàn em Trung Quốc".

Tại Hội nghị, ông Lê Hoài Trung thông báo những nét khái quát về kết quả Đại hội 13 và những nội dung chính của văn kiện Đại hội 13 trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, người quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước nhận định :

"Hai đảng thống nhất với nhau từ năm 1949 là bên nào tổ chức đại hội đảng xong thì thông báo cho đảng bên kia biết, chứ không phải chỉ từ phía Việt Nam đâu. Bởi hai đảng có một cái tên giống nhau là Đảng cộng sản.

Chỉ như thế thôi chứ Đảng cộng sản Trung Quốc không phải là anh của Đảng cộng sản Việt Nam, và ngược lại. Tôn chỉ của cả hai đảng dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin nhưng về bản chất thì nó không còn là Đảng cộng sản nữa mà nó chỉ còn lại cái cơ cấu tổ chức chính quyền và tổ chức đảng thôi. Nó bỏ hết những nguyên tắc về chuyên chính vô sản rồi. Còn mỗi một nguyên tắc là ‘tập trung dân chủ’ thì họ lái sang kiểu toàn trị. Tập trung dân chủ toàn trị. Hiện nay các đảng dân chủ xã hội ở Bắc Âu, ở Pháp, ở Anh cũng theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng họ là dân chủ đa đảng".

Về đường lối đối ngoại, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

bactrieu2

Các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chụp hình tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP

Việt Nam ngày càng có quan hệ sâu rộng với Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị từ những năm đầu thế kỷ 21. Cả hai nước đều được lãnh đạo bởi chế độ cộng sản và quan hệ mật thiết theo kiểu "môi hở răng lạnh".

Năm 1991, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra "16 chữ vàng" xác định đường hướng phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới là "Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan". Nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh, được diễn dịch là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Bên cạnh đó là khẩu hiệu "4 tốt" gồm "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định :

"Trước đây người ta vẫn nói Việt Nam và Trung Quốc là đảng anh em, nhưng từ lâu lắm rồi không còn anh em nữa. Lúc cao trào nhất là sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 thì phía Trung Quốc nói ‘bốn tốt mười sáu chữ vàng’. Bây giờ chả ai nói nữa.

Đó là cái kiểu dùng chữ của Trung Quốc. Việt Nam nghe thì để đấy, cái gì có lợi thì Việt Nam tôn trọng. Việt Nam đi theo đường lối đối ngoại được công bố rất rõ từ năm 1991 là quan hệ tốt với tất cả mọi nước, là một. Thứ hai là không để quan hệ song phương ảnh hưởng đến các quan hệ khác. Tức là đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở các bên tôn trọng nhau về mặt thể chế chính trị, về mặt chủ quyền quốc gia và lợi ích quốc gia".

Trước khi Đảng cộng sản Việt Nam thông báo kết quả Đại hội 13 đến Đảng cộng sản Trung Quốc, hôm 1 tháng 4 năm 2021, Việt Nam đã thực hiện việc tương tự đến Đảng nhân dân Cách mạng Lào, cũng qua hình thức Hội nghị trực tuyến.

Tại hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định Ðại hội đã thành công tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, là dấu mốc quan trọng mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Sounthone Xayachack, đánh giá cao việc thông báo kết quả này. Coi đó là thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và sự hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt.

Theo một số nhà quan sát, để ‘xoa dịu’ dân, một số lãnh đạo Việt Nam mới nhậm chức trước khi đi thăm Trung Quốc thì sẽ đi thăm Lào hoặc Campuchia trước.

Còn với các nước cộng sản với nhau, khi đưa tin nguyên thủ các nước này thăm chính thức Việt Nam, thì dù cũng đăng trên trang nhất các báo, nội dung và ảnh của Chủ tịch Trung Quốc, Cu Ba, Lào hay Tổng thống Nga cũng dài hơn vài dòng và ảnh cũng to hơn so với tin và ảnh về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Nguồn : RFA, 15/04/2021

*************************

Vì sao đảng em phải ‘báo cáo’ với đảng anh ?

Nguyễn Nam, VNTB, 14/04/2021

Ngày 12/4, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta  với Đảng cộng sản Trung Quốc.

bactrieu3

Có quy định nào ràng buộc phía Việt Nam phải thực hiện việc báo cáo các công việc nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam cho Đảng cộng sản Trung Quốc tường tận ?

Chủ trì hội nghị phía Trung Quốc là ông Tống Đào, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, cùng nhiều đại diện lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan hữu quan của Việt Nam, các cơ quan Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng tham dự Hội nghị.

Tin tức cho biết, "Đồng chí Lê Hoài Trung khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, bền vững với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam".

Ở chiều ngược lại, "Đồng chí Tống Đào cảm ơn và đánh giá cao việc Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức thông báo kết quả Đại hội XIII cho Đảng cộng sản Trung Quốc ; một lần nữa chúc mừng thành công của Đại hội ; nhấn mạnh lại việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã sớm gửi Điện mừng tới Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc".

Thắc mắc của người đọc báo : có quy định nào ràng buộc phía Việt Nam phải thực hiện việc báo cáo các công việc nội bộ đảng cộng sản Việt Nam cho đảng cộng sản Trung Quốc tường tận hay không ?

Việc "đánh giá cao việc Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức thông báo kết quả Đại hội XIII cho Đảng cộng sản Trung Quốc" – theo lời của ông Tống Đào, đưa đến cảm giác kiểu cung cách chư hầu thần phục triều đình phương Bắc như thời Bắc thuộc.

Tân Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn mới đây đã nói với báo chí rằng, "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy các nước trong cộng đồng quốc tế với tinh thần hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi".

Vậy thì trong số ‘bạn – đối tác tin cậy’ đó, phải chăng "ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam" được tái khẳng định công khai đó là Trung Quốc ? Và nếu điều này là đúng, vậy thì cần giải thích thế nào về nội dung bản tin tiếp theo đây :

"Sau lần tiếp cận thứ 10 (ngày 10/3) tới các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực Lô 06.1 và Lô 05.2, Hải cảnh 5304  đã di chuyển về đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa từ ngày 14/3 và chỉ quay trở lại vùng biển Việt Nam vào ngày 19/3.

Ngay trong đêm 19/3, sáng 20/3, Hải cảnh 5304 đã tiếp cận khu vực giàn khai thác tại mỏ Lan Tây và mỏ Hải Thạch (lần thứ 8) sau đó tiếp tục tục tiến hành thêm 8 lần tiếp cận các khu vực này trong các ngày 22/3 (lần thứ 9), 25/3 (lần thứ 10), 27/3 (lần thứ 11), 30/3 (lần thứ 12), 2/4/2021 (lần thứ 13), 5/4 (lần thứ 14), 7/4 (lần thứ 15), 9/4 (lần thứ 16) và 11/4 (lần thứ 17) với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác mỏ khí Lan Tây từ 1 đến 2 hải lý và mỏ Hải Thạch từ 1-3 hải lý.

Trong đó, ngày 27/3 và 5/4, Hải cảnh 5304 đã tiếp cận rất gần đến kho chứa dầu nổi tại mỏ Hải Thạch. Ngoài ra, ngày 5 và 6/4, tàu chấp pháp Trung Quốc cũng đã tiếp cận gần các mỏ Lan Đỏ và Phong Lan Dại với khoảng cách đến giếng LD-1P, LD-2P (thuộc mỏ Lan Đỏ) có thể chỉ khoảng 200 mét và giếng PLDCC-1X khoảng 800 mét".

Một học giả bình : "Mấy bữa nay có một nước lớn ‘ham chiến tranh’ đang khiêu khích ở Biển Đông, và một nước lớn khác thấy mấy nước nhỏ ‘im ắng’ quá nên cũng đem tàu chiến vô biển ấy, chắn ngang hải trình tàu chiến của nước lớn kia, rồi gác chân ngồi coi thế sự xoay vần tới đâu. Và đây là bức ảnh nóng  từ qua tới nay, chụp cú gác chân ngồi coi thế sự đó".

bactrieu4

Tư lệnh Briggs trông rất thoải mái khi ngồi gác chân, quan sát tàu Liêu Ninh cách đó vài nghìn mét trong khi cấp phó ngồi cạnh.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 14/04/2021

Published in Diễn đàn

Nêu tên Trung Quốc còn không dám thì làm sao dám kiện Trung Quốc !

hai1

Toàn cảnh Hội thảo lý luận lần thứ XV giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc trong hai ngày 21 và 22/07/2019. Ảnh : Lương Tuấn/PV TTXVN tại Trung Quốc

Ngay sau phát ngôn "Việt Nam có thể phải nghĩ tới các lựa chọn khác" ngoài đàm phán của quan chức Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung tại một cuộc tọa đàm về Biển Đông ở Hà Nội vào tháng 11 năm 2019 mà được xem như bắt đầu hé miệng về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc, niềm hy vọng nhỏ nhoi này đã bị dập tắt bởi một lần nữa, trong nhiều lần kể từ khi tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính và vùng biển Việt Nam từ tháng 7 năm 2019, toàn bộ cấp trên của Lê Hoài Trung đã ‘câm như thóc’ khi không dám nhắc tới Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc.

"Cha ông ta, những bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn, gian khổ" - Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc nói vu vơ khi trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm 7 tháng 11 năm 2019.

Nhưng Phúc vẫn kiên định không hé môi về Bãi Tư Chính, càng không dám đả động gì tới cái tên Trung Quốc.

Ngay trước đó tại Hội nghị cấp cao ASEAN 35 vào tháng 11 năm 2019 ở Thái Lan, Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ "nêu rõ vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN", nhưng vẫn không một từ dám đả động đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc. Hệ lụy tất yếu là sau đó đã chẳng có bất kỳ ý kiến nào từ các nước trong ASEAN bày tỏ ‘ủng hộ Việt Nam’, bất chấp Việt Nam sắp trở thành chủ tịch luân phiên của khối này vào năm 2020.

Thói câm nín khiếp nhược toàn diện của giới chóp bu Việt Nam còn tặng cho Trung Quốc những món quà lớn về mặt ngoại giao quốc tế : tại Hội Nghị Các Bộ trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019, bất chấp phía Việt Nam đã tìm cách vận động các quốc gia ASEAN để phản đối xâm phạm Bãi Tư Chính nói riêng và rộng hơn là Biển Đông, tuyên bố của Hội nghị đã chỉ đề cập khá chung chung và "quan ngại" về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.

Trong khi toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Về thực chất, Bắc Kinh đã đạt được thắng lợi bước đầu khi dần biến Bãi Tư Chính từ ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ thành ‘khu vực tranh chấp’, trước khi nhốt thẳng cánh vùng biển dồi dào dầu khí phục vụ ngân sách nuôi đảng này vào ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc’. Còn với quốc tế, cái cảnh những con tàu mang tên Hải Dương quần đảo ở Bãi Tư Chính và còn có thể áp sát đất liền Việt Nam đã trở nên nhàm chán. Càng nhàm chán hơn khi gã chủ nhà câm như hến mà không dám kêu cứu khi bị kẻ cướp xông vào nhà.

Không những thế, giới quan chức đớn hèn của ‘đảng em’ vẫn rúc mặt vào chính sách ‘Ba Không’ gậy ông đập lưng ông, kể cả một ‘Không’ nữa là ‘Không kiện Trung Quốc, để rốt cuộc trở thành kẻ cô độc tận cùng trên trường quốc tế, nhưng lại cực kỳ xung sát trên mặt trận ‘hèn với giặc, ác với dân’, sẵn sàng đàn áp dã man bất kỳ người dân nào ra mặt biểu tình chống Trung Quốc.

Nêu tên Trung Quốc còn không dám thì làm sao dám kiện Trung Quốc !

Cứ tình cảnh khốn quẫn và rúc mặt vào đất như thế này thì còn lâu ‘đảng em’ mới dám kiện ‘đảng anh’ !

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/11/2019

Published in Diễn đàn
dimanche, 17 septembre 2017 08:50

Lòng trung thành hiếm có

Người Việt Nam có nhiều đức tính thường được nhắc đến như là cần cù, nhẫn nại, hiếu học nhưng tính "trung thành" thì hầu như không bao giờ nghe ai nhắc đến như là một đức tính của người Việt Nam.

trungthanh0

Không bao giờ nghe ai nhắc đến "trung thành" như là một đức tính của người Việt Nam

Lịch sử Việt Nam không thiếu điển tích, trường hợp bầy tôi giết vua, trung thần bị vua giết, bạn bè, gia đình lừa gạt lẫn nhau. Nhiều cuộc đảo chánh, truất phế đã xảy ra trong miền Nam Việt Nam từ 1954 đến năm 1975 mà nhiều người còn sống hôm nay đã là nhân chứng và còn nhớ.

Người Việt Nam vẫn trung thành trong nhiều trường hợp đến khi phải phản bội. Là người Việt, đụng chạm với đời trong một thời gian, nghiệm ra thực cảnh là lòng trung thành hiếm thấy nên mọi người tự cảnh giác với mọi người và xã hội vẫn hoạt động bình thường trong tinh thần biết người biết ta.

Tuy nhiên có một ngoại lệ nổi bật. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn rất mực trung thành với Trung Quốc trải qua nhiều thập niên, xuyên qua hai thế kỷ, qua nhiều thế hệ, nhiều đời lãnh tụ, và bất chấp mọi thăng trầm kinh tế, chính trị và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam xua dân tộc vào chiến tranh vì lòng trung thành với Trung Quốc. Khi Trung Quốc thực hiện xâm lăng biển đảo của Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trung thành với Bắc Kinh.

CHINA-BEIJING-XI JINPING-VIETNAM-NGUYEN PHU TRONG-TALKS (CN)

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn rất mực trung thành với Trung Quốc

Thường người dân Việt Nam không tin những gì cộng sản Việt Nam nói nhưng lời hứa "không ở hai lòng" của đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh năm 2013 hoàn toàn có thể tin được. Thực tế chứng minh rằng họ thành thật. Trung Quốc đang nắm nhiều quyền lực kinh tế và chính trị của Việt Nam. Chẳng những chủ quyền ngoài biển đã mất mà chủ quyền trên đất liền cũng bị xâm hại. Mọi lời nói hay hành động chống lại Trung Quốc đều bị cấm đoán và đàn áp là một biện minh hùng hồn cho lòng trung thành của Đảng Cộng sản Việt Nam với Trung Quốc.

Chúng ta hãy giải mã động lực nào khiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với Trung Quốc đến nổi phải bị dân chúng chửi rủa nhục nhã vẫn trung thành là sao ? Một là vì quyền lợi cá nhân. Họ phải trung thành để hưởng lợi. Xét ra Trung Quốc không phải là nước thích cho tiền thuộc hạ. Vài ngàn kilo cá, hải sản, nông sản của Việt Nam Trung Quốc vẫn cướp kia mà. Có cơ sở để tin rằng chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải mang tiền, vàng, tài nguyên và gái đẹp nộp cho Trung Quốc như các triều đại vua chúa ngày xưa nộp cống cho thiên triều Minh, Thanh. Bất trung với Trung Quốc Đảng Cộng sản Việt Nam có thể chọn con đường không làm nàng hầu, họ sẽ có vị trí cao hơn và thành công nhiều hơn về cả ba lãnh vực danh dự, tiền và quyền. Họ không làm thế.

Lý do nào khác khiến Đảng Cộng sản Việt Nam chọn con đường trung thành với Trung Quốc bất chấp sĩ diện ? Có thể họ muốn bảo vệ chủ nghĩa mác-lênin và cộng sản. Nhưng trên thực tế chủ nghĩa này cũng đã không còn nữa. Nó đã bị khai tử trên 20 năm tại những quốc gia sản sinh ra nó. Chính người cộng sản Việt Nam cũng không còn ai tin vào chủ nghĩa mác-lênin. Vậy thì cũng không phải lý do muốn bảo vệ chủ nghĩa.

Lịch sử Việt Nam vẫn ghi rõ những trường hợp bất trung trong một khía cạnh nào đó lại được khen một cách gián tiếp là biết "thời cơ" và khôn ngoan quyền biến. Chúng ta chỉ chê trách những kẻ phản bội nếu kẻ ấy giết chết người sa cơ ngã ngựa. Ngoại lệ Đảng Cộng sản Việt Nam tuyệt đối trung thành với nước Trung Quốc xâm lăng quê hương, cướp biển đảo, giết hại giống nòi, làm nhục tổ tiên thì là "động cơ" gì đây ?

Không còn kết luận nào khác là tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam là những người NGU.

Úc, 17/09/2017

Võ Thanh Liêm

Published in Quan điểm