Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lời giới thiệu : Việt Nam hiện tại chưa có Luật biểu tình, mặc dù hiến pháp cho phép biểu tình. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

bieutinh1

Xuống đường đòi quyền công dân - Ảnh minh họa

Trong phiên họp Quốc hội ngày 26/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt một câu hỏi và yêu cầu được trả lời rõ ràng, minh, đó là "Luật biểu tình lùi đến bao giờ ?". Theo bà Kim Thúy, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội.

Rõ ràng đây là một câu hỏi khó, những người có trách nhiệm soạn thảo Luật biểu tình đã tỏ ra bối rối và giải thích linh tinh. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói : "Dự án này đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này vì vẫn còn ý kiến khác nhau trên nhiều vấn đề quan trọng, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình".

Không đồng tình với cách giải thích này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng xây dựng Luật biểu tình là không khó, bởi đã được Hiến pháp quy định từ năm 1946. Xây dựng Luật biểu tình là để người dân dễ dàng thực hiện quyền công dân của mình một cách minh bạch, đồng thời cũng chống lại những người lợi dụng quyền biểu tình để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Thật ra lý do của sự trì hoãn này là ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã giao cho Bộ Công an (những người không có chức năng làm luật) soạn thảo Luật biểu tình chứ không phải Bộ Tư pháp. Chức năng của công an là giữ gìn an ninh trật tự, đàn áp và trấn áp biểu tình, do đó Luật biểu tình có thể sẽ không bao giờ được ra đời nếu Bộ Công an vẫn tiếp tục được giao quyền soạn thảo.

Nhưng cho dù có muốn hay không muốn ra Luật biểu tình, chính quyền cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục ngăn chặn mãi mãi những cuộc xuống đường tự phát của người dân đòi quyền sống, đòi cải thiện đời sống hay phản đối những ức hiếp của Trung Quốc về quyền lợi và an ninh lãnh thổ Việt Nam.

Chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả những suy tư về quyền biểu tình và quyền được phát biểu của người dân Việt Nam trong những năm qua tư của Trần Quốc Việt. (Nguyễn Văn Huy)

-------------------------

bieutinh2

Sáng Chủ nhật ngày 11/5/2014, biểu tình đã đồng loạt nổ ra tại cả ba miền Việt Nam để phản đối hành động Trung Quốc đưa giàn khoan ra gần quần đảo Hoàng Sa. Báo chí trong nước đưa tin có hàng nghìn người tham gia.

Ngày của Lịch sử 

Ngày Chủ Nhật này là ngày xuống đường phản đối Trung Quốc. Là ngày xuống đường đòi tự do cho người yêu nước. Là ngày đòi hỏi nhà nước phải thực sự chấm dứt tình trạng Trung quốc từng bước xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử sánh bước với chúng ta, lịch sử hò reo với chúng ta, lịch sử hiện ra trong ánh mắt của mỗi người trong chúng ta. Lịch sử bàng bạc trong khí trời, nắng gió, cảnh vật, và con người quanh chúng ta vào ngày này. 

Ngày hôm nay chúng ta viết sử bằng bước chân mạnh mẽ của mình, bằng tiếng thét vang trời của mình trên đường phố dù chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ lọt thỏm trên phố xá đông người thờ ơ.

Ngày hôm qua chúng ta không được học lịch sử đích thực, thì ngày hôm nay chúng ta tự học và viết tiếp trang sử tồn tại của dân tộc qua hành động biểu tượng thiêng liêng tối thiểu : cất lên tiếng nói khẳng định chúng ta là Người Việt. 

Chúng ta không cần biết chế độ toan tính những gì. Chúng ta chỉ biết chúng ta là người Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng tự ngàn đời được truyền lại : luôn luôn chống lại mọi mưu toan xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc. 

Hôm nay chúng ta còn tiếng nói, còn khuôn mặt, còn tính cách, còn văn hóa, còn món ăn đặc trưng của người Việt Nam là nhờ sự hy sinh của hàng ngàn thế hệ đã không ngừng làm thất bại bao cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nếu không có những hy sinh vô cùng tận này của họ thì ngày hôm nay chúng ta không cần xuống đường vì chúng ta đã là người Trung Quốc tự lâu rồi. "Chúng ta học lịch sử không phải để biết cách hành xử hay biết cách thành công, mà để biết chúng ta là ai" (1).

Và câu hỏi chúng ta là ai sẽ được trả lời chung trên các đường phố Hà Nội và Sài Gòn.

Chúng ta hãy nhớ lời của Martin Luther King : "Chúng ta bắt đầu chết vào ngày chúng ta im lặng về những điều quan trọng".

Cố lên các bạn ơi !

Chúng ta biết thời gian, địa điểm và cả thời tiết ngày Chủ Nhật.

Chúng ta biết lý do chính đáng của cuộc biểu tình chống sự xâm lược càng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.

Điều duy nhất chúng ta không biết là chính mình.

Chưa hẳn vì sợ mà chúng ta không xuống đường.

Chính sự vô cảm trói chân ta lại.

Thì hãy nhìn quanh mình-bao khuôn mặt Việt Nam.

Thì hãy nhìn dưới đất mình - bao dòng máu Việt Nam đã xối xuống để cho hôm nay ta được đứng trên đất Việt Nam.

Thì hãy nhìn vào lòng mình - ta là người Việt Nam mà.

Sợ là cơn mưa không ai tránh được. 

Nhưng sợ tan rất nhanh trong rừng người quanh mình.

Vô cảm mới chính là lưỡi dao ta tự đâm vào tim tổ quốc.

Ta có quyền vô cảm 364 ngày nhưng ta không có quyền vô cảm vào ngày Chủ Nhật này. 

Hãy xuống đường hỡi anh hỡi chị hỡi em

Hãy xuống đường hỡi cô hỡi chú hỡi bác

Hãy xuống đường hỡi ông hỡi bà

Hãy xuống đường hỡi tất cả những đứa con của Mẹ Việt Nam.

Người duy nhất ở nhà vào ngày Chủ Nhật là người đã chết.

Nhưng hồn họ sẽ đi bên cạnh chúng ta

Vô hình, lặng lẽ, thủy chung

Họ thì thầm trong làn gió

Cố lên các bạn ơi.

Chúng tôi muốn mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất Mẹ Việt Nam.

Chúng tôi không muốn đổi quốc tịch sau khi đã chết.

Vì chúng tôi cố lên các bạn ơi.

Người duy nhất ở nhà là người mẹ mới sinh con.

Nhưng tâm tưởng họ sẽ chạy theo ta

Để ký thác vào ta

Niềm mơ ước con họ sẽ lớn lên làm người Việt Nam

Vì con tôi cố lên các bạn ơi. 

Đôi chân của bạn là niềm hy vọng

Của họ

Của lịch sử Việt Nam !

bieutinh8

Nếu chúng ta không xuống đường thì chúng ta mặc nhiên chấp nhận những tiếng vỗ tay của chế độ, và tương lai con cháu ta sẽ xếp hàng dài dài hai bên đường để vỗ tay, vẫy cờ, tặng hoa cho những tên thái thú Tập Cận Bình mới. 

Tương lai Việt Nam ở trong tim bạn

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói như sau về thuế mới mà người dân Tây Tạng phải đóng sau khi nước họ bị Trung Quốc đô hộ. 

"Một viên chức Trung Quốc đến thăm một làng Tây tạng. Khi ông đến, tất cả mọi người trong làng đều tập trung lại để chào đón ông, và họ vỗ tay rất nồng nhiệt. Mãn nguyện, ông hỏi một người dân trong đám đông là họ có hạnh phúc dưới chế độ mới. 

"Vâng, rất hạnh phúc", người Tây tạng được hỏi trả lời. 

"Quá tuyệt". 

"Chỉ có điều chúng tôi không thích thuế mới này". 

"Thuế mới ?" 

"Dạ. Thuế vỗ tay. Mỗi lần có người Trung Quốc đến đây, tất cả chúng tôi đều phải ra đón chào và vỗ tay". 

Ngày hôm nay nhà cầm quyền cộng sản sẽ vỗ tay nồng nhiệt chào đón gã hoàng đế xâm lược Tập Cận Bình trong các buổi lễ đón tiếp, trên đường phố, trong hội trường Quốc hội... Thuế vỗ tay hôm nay và ngày mai là vết nhơ không bao giờ rửa sạch được đối với họ và con cháu họ nhưng là sự sĩ nhục vô cùng lớn đối với lương tâm của tất cả những người Việt Nam yêu nước trong và ngoài nước. 

Vì thế chúng ta phải xuống đường và phải tạo ra những cơn sóng âm thanh cuồng nộ và dồn dập nhằm át đi những tràng vỗ tay lạc lõng, đớn hèn của một chế độ đã và đang phủ phục trước Trung Quốc nhằm hy vọng bám vào quyền lực mà xây trên biết bao nhiêu tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Còn nếu chúng ta không xuống đường thì chúng ta mặc nhiên chấp nhận những tiếng vỗ tay của chế độ, và tương lai con cháu ta sẽ xếp hàng dài dài hai bên đường để vỗ tay, vẫy cờ, tặng hoa cho những tên thái thú Tập Cận Bình mới. 

Nhưng bạn sợ bị đàn áp khi bạn xuống đường. Bạn sợ bị ghi vào sổ đen, bị gây ra rất nhiều phiền toái sau này về việc làm và sinh kế. Bạn lo tương lai con cái và gia đình sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn xuống đường và bị bắt. Tất cả những gì bạn nghĩ đều đúng. Nhưng bạn là người Việt Nam yêu nước mà nếu bạn không làm thì ai làm thay cho bạn. Và rồi sau này bạn trả lời sao trước con cái mình và trước linh hồn tổ tiên ở thế giới bên kia. 

Bạn không xuống đường vì bạn nghĩ chẳng có hy vọng gì. Và thêm hay bớt một người tham gia cũng chẳng thay đổi gì. Bạn nghĩ sai vì dù chẳng hy vọng gì nhưng bạn phải nói vì bạn không thể nào vẫn im lặng khi nước của bạn bị xâm lược và đồng bào của bạn bị sát hại. Bạn phải xuống đường và hành xử theo lương tâm của mình vì bạn nói lên sự thật và vì bạn là công dân dù chỉ hạng công dân trên giấy tờ. Chúng ta biểu tình và chẳng đạt được kết quả gì, nhưng ít nhất chúng ta cũng khẳng định với kẻ xâm lược và thế giới rằng chúng tôi luôn luôn là những người Việt Nam yêu nước chính danh sẵn sàng đả đảo vang trời những tên xâm lược. Và nếu hàng ngàn người bày tỏ đồng loạt những thông điệp như thế những kẻ nội thù và ngoại thù tất phải run sợ thật sự. Còn nếu bạn không làm gì cả thì chắc chắn thực tại sẽ càng ngày càng tệ hơn, và tối nay và tối mai những tràng pháo tay chào đón Tập Cận Bình phát đi từ máy truyền hình trong nhà bạn sẽ làm ô nhiễm tâm hồn con cái bạn và làm tủi hổ vong linh người đã khuất trên bàn thờ gia đình. 

Lịch sử Việt Nam là cuộc trường chinh bất tận chống giặc Phương Bắc. Cuộc trường chinh ấy không vì bạn mà gián đoạn để rồi đẩy Việt Nam rơi vào hàng trăm năm Bắc Thuộc kiểu mới. Nhưng nếu bạn tham gia thì dòng chảy lịch sử ấy sẽ tăng thêm một giọt nước của sức mạnh nữa và dân tộc ta thêm một giây phút tồn tại trong tư thế đứng thẳng hào hùng. 

Có hai quy luật thông thường nhân loại đã rút ra từ những cuộc đấu tranh : nếu bạn không hành động vì sợ khủng bố và trấn áp thì bạn đã thua rồi; nếu bạn tham gia đấu tranh chỉ khi bạn chắc chắn chiến thắng thì bạn đã đầu hàng rồi. Tất cả chúng ta, bao gồm bạn, không được thua hay đầu hàng trước kẻ thù mà tổ tiên nghìn đời của chúng ta đã bao phen chiến thắng oanh liệt. 

Tương lai Việt Nam trong tim bạn. Tương lai Việt Nam trên đôi chân bạn. Ngày hôm nay đôi chân bạn đưa bạn đến những nơi mang tên hai bậc anh hùng và anh thư của Việt Nam-Hoàng Diệu và Hai Bà Trưng. Như vậy hồn thiêng lịch sử đứng về phía bạn. Tại những nơi này trái tim Việt Nam nghìn đời nhập vào trái tim bạn để hòa cùng với muôn triệu trái tim Việt Nam cá nhân khác hiện diện ở đấy và trên toàn thế giới để hô vang kinh thiên động địa tiếng đả đảo Tập Cận Bình và những tên tay sai khấu đầu như sâu mọn trước y. Tiếng vỗ tay mừng kẻ xâm lược sẽ bị trơ trẽn và tan biến như bọt bèo trước những cơn sóng phẫn nộ của lòng dân đã bắt dầu dâng lên mạnh mẽ và đồng loạt từ Hà Nội đến Sài Gòn. Bạn là giọt nước tạo thành những cơn sóng nhấn chìm kẻ thù nếu bạn sát cánh hôm nay với bao đồng bào trên đường phố. Bạn là hiện thân của tương lai Việt Nam tự do và độc lập nếu bạn lên đường theo tiếng gọi của trái tim lịch sử vẫn còn đập sau hơn bốn ngàn năm.

bieutinh3

Chị Trần Thị Hồng Minh (Khoa Nội nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cả gia đình chỉ bám viu vào đồng lương ít ỏi. Chị cho biết những tháng được nhận 50% lương cơ bản chỉ được hơn 2 triệu 1 tháng cộng với phụ cấp ngành nhận tổng hơn 3 triệu. Nhưng 2 tháng gần đây thì không nhận được đồng lương nào. (Ảnh báo Lao Động online, 21/03/2022)

Hãy xuống đường hôm nay để tránh giá treo cổ ngày mai

Hãy xuống đường đồng loạt và liên tục dưới bóng sắc phục, dùi cui, và nắm đấm hôm nay còn hơn để con cháu ta phải xuống đường dưới họng súng Thiên An Môn và giá treo cổ của Trung Cộng ngày mai. 

Hãy đi "bão" trong đêm nay để phản kháng bằng biển âm thanh cuồng nộ cơn bão Bắc Thuộc sắp tràn vào đất liền Việt Nam vào rạng sáng ngày mai.

Chúng ta không phải là những con thú cam chịu xếp hàng đi vào lò sát sinh Hán hóa. Tinh cha Việt Nam huyết mẹ Việt Nam sinh thành nên ta. Hãy đừng làm hoen ố dòng sông tinh huyết Việt Nam luân lưu muôn đời qua hơn bốn ngàn năm lịch sử ấy khi ta hôm nay im lặng chỉ để được để yên thân và cúi mặt xuống với bao lo toan đời thường mà phó mặc cho tổ quốc và bao thế hệ sau ta phải chịu cảnh lăng trì thảm khốc toàn diện về mọi phương diện dưới bàn tay của kẻ đô hộ tàn bạo. 

Thế giới có hàng trăm nước nhưng chỉ có một nước Việt Nam. Mất nước rồi chốn nào ta quay về, mặt mũi nào ta nhìn người ngoài lúc còn sống, hồn nào ta đối mặt với cha ông ở thế giới bên kia. Tủi nhục của kẻ nô lệ mất quê hương sẽ vô bờ bến. Con cháu ta dưới bóng roi vọt và trong cơn mưa nước mắt tuyệt vọng cũng sẽ trách chúng ta vô bờ bến. 

Hãy tin vào sức bật Việt Nam và linh hồn Việt Nam bất diệt tiềm ẩn trong ta. Hãy noi gương hàng ngàn thế hệ tiền nhân để hôm nay ta hãy vượt qua mọi sợ hãi và tạm gác mọi sự qua bên để cùng nhau nắm tay đoàn kết muôn người như một để bảo vệ Việt Nam đang lâm nguy. 

Sự tồn vong của Việt Nam là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người Việt. Vì thế mỗi người hãy lên tiếng mãnh liệt, hãy xuống đường thật đông thật mãnh liệt như sóng thần để chặn đứng tức thì nguy cơ họa xâm ngay trước mặt trước khi quá muộn. 

Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm trong tay tôi, tay anh, tay chị, tay em, tay ông bà cha mẹ. 

Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm ở đôi chân xuống đường của tất cả mọi người con của Mẹ Việt Nam với tiếng thét lay động lịch sử, sông núi, và hồn người : "Việt Nam muôn năm... muôn năm... muôn năm". 

bieutinh4

Biểu tình chống hủy diệt môi trường. Hình từ AFP

Phải xuống đường đến cùng trên con đường Sự thật và Đấu tranh 

Chúng ta hãy đối mặt với sự thật để nhận diện tương lai. Sự thật ấy là Luật Đặc khu là sự khởi đầu của quá trình Hán hóa Việt Nam. 

Nhiều người nhận ra sự thật nhưng không dám đối mặt với sự thật. Còn đa số không quan tâm và coi như không có gì xảy ra. Họ gợi cho ta nhớ lại lời được cho là của Đức Phật : 

"Chỉ có hai sai lầm ta có thể mắc phải trên con đường đi đến sự thật; không đi đến cùng, và không bắt đầu đi".

Không đi đến cùng để khỏi đối mặt với lương tâm, trách nhiệm, và hy sinh. Không bắt đầu đi là còn chìm đắm trong sợ hãi và vô cảm. 

Con đường duy nhất để xóa bỏ Luật Đặc khu là con đường toàn dân cùng xuống đường liên tục trong tinh thần bất bạo động. Xuống đường là sẵn sàng chờ đợi sự đàn áp và lao tù tất yếu. Tinh thần bất bạo động là tinh thần mà Martin Luther King kêu gọi : 

"Phản kháng bất bạo động là chấp nhận đau khổ mà không trả thù, chấp nhận những cú đánh của đối thủ mà không đánh trả. "Dòng sông máu có thể phải chảy trước khi chúng ta đạt được tự do, nhưng nó phải là máu của chúng ta". Gandhi nói với đồng bào ông. Người phản kháng bất bạo động sẵn sàng chấp nhận bạo lực nếu cần thiết, nhưng không bao giờ gây ra bạo lực. Họ không tìm cách lẩn tránh nhà tù. Nếu đi tù là cần thiết, thì họ đi vào tù "như chú rể đi vào phòng cô dâu"." 

Con đường đến tự do là con đường đến sự thật mà đa số phải đi đến cùng để nhận thức rồi để hành động trên tinh thần bất bạo động đến cùng. Con đường như thế chính là con đường tất cả mọi người đồng lòng cùng nhau chép nên trang sử mới tinh khôi rạng rỡ của quê hương bằng nét bút can đảm và dòng mực máu của tất cả mọi người. 

Vũ khí xuống đường của người xuống đường là sự thật và tinh thần bất bạo động cộng với dòng máu yêu nước của muôn đời. Và có thể thêm đóa hoa để cắm lên hàng rào kẽm gai hay tặng cho người đồng hành ngã xuống trước dùi cui. 

bieutinh5

Biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn ngày 04/11/2015. Facebook

Tập Cận Bình đến Việt Nam và hành động của chúng ta 

Nhà cầm quyền cộng sản đã khai màn chiến dịch đàn áp khốc liệt nhằm tiêu diệt từ trong trứng nước những ý định của những người yêu nước muốn biểu thị tinh thần yêu nước ngàn đời qua việc tổ chức các hành động phản đối chuyến vi hành của Tập Cận Bình đến Việt Nam. Hai mươi mốt phát đại bác và quốc yến chào đón y ở Mỹ, và y ngồi sóng đôi với nữ hoàng Anh trên cỗ xe ngựa lộng lẫy giữa những kỵ binh hoàng gia rực rỡ trong cuộc đón tiếp rất trọng thể ở Anh. Nhưng Việt Nam là nơi chúng ta phải lột truồng tất cả các lớp vàng son và hào nhoáng thế giới đã dát lên người y để cho tất cả mọi người thấy trước mặt họ chỉ là gã hoàng đế xâm lược mới đang nối tiếp bước chân của bao vương triều Trung Quốc trên con đường quyết tâm đô hộ Việt Nam. Dàn chào y ở đất nước hình chữ S này là biển ánh mắt căm thù và âm thanh cuồng nộ sôi sục của tất cả tinh thần yêu nước nồng cháy và ý chí bất khuất của hơn bốn ngàn năm lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Thông điệp truyền đi phải rõ ràng. Trung Quốc đã và đang nuốt trọn biển Đông, đã chiếm biển đảo, đã ngoạm lấy những vùng đất biên giới, đã hiện diện nhiều nơi như những tô giới Tàu ở Việt Nam, và cuối cùng sẽ xâm lược và đồng hóa Việt Nam. Phần quan trọng nhất của thông điệp của chúng ta gởi cho họ Tập là mày hãy cút xéo về nước và đừng mơ tưởng đến cuộc Bắc thuộc khác và hãy nhớ rằng lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng dòng máu yêu nước tự ngàn xưa ấy vẫn chảy thầm lặng trong lòng mọi người Việt Nam.

Từ yêu nước và tràn đầy nhiệt huyết chúng ta sẽ nghĩ ra muôn vàn cách biêu riếu y khắp nơi từ chỗ công cộng đến chốn riêng tư, từ trên mạng xuống đường phố. Yêu nước sẽ khiến cho chúng ta sáng tạo những cách thể hiện phản kháng phong phú và độc đáo. Nếu chúng ta không thể nào hành động tập thể thì hãy hành động cá nhân. Phải đả đảo, phải khoan cắt bê tông tên Tập Cận Bình trong từng con hẻm, trên lòng đường, trên những vách tường, trên mạng. Việt Nam phải dậy sóng trong thời gian y đặt chân trên đất nước đã thấm đẫm những dòng máu nóng của rất nhiều thế hệ cha ông đã đổ xuống để hôm nay chúng ta vẫn hiện hữu tập thể như dân tộc Việt duy nhất trên hành tinh này.

Nhà cầm quyền nhất định đàn áp dữ dội bất cứ cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào trong tuần tới, nhưng họ sẽ không thể nào bịt miệng được tất cả những tiếng nói yêu nước đồng loạt của tất cả các công dân. Chúng ta phải thắng trong cuộc chiến một tuần này với tên Tập Cận Bình. Tuần tới chúng ta phải đứng lên làm người Việt Nam yêu nước để cảnh cáo họ Tập, để nhắc cho y và đồng bọn nhớ lại những bài học lịch sử đau đớn.

Trong cuộc chiến đấu bất bạo động sắp đến này chúng ta phải khơi dậy và tung ra toàn bộ sức mạnh tiềm tàng của trí tuệ, lịch sử và chính nghĩa để chống lại bạo quyền hèn với giặc ác với dân và bọn xâm lược mà đại diện là gã Tập Cận Bình. Linh hồn của muôn ức triệu người Việt đã khuất sẽ sát cánh vô hình bên chúng ta, khích lệ chúng ta thực thi quyền yêu nước và quyền sinh tồn tự nhiên tồn tại trước tất cả mọi chế độ. Chúng ta phải thắng!

bieutinh6

Biểu tình phản đối chính sách hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông

Hãy đi về nơi ấy

Trong tác phẩm Hai Bà Trưng, nhà ái quốc Nguyễn An Ninh viết như sau : 

"Đời người giống như canh bạc. Canh bạc chỉ có hai cửa : thắng và thua. Đời người cũng chỉ có hai cửa : sống và chế t; thiện và ác. Nếu ta không chọn, nếu ta không quyết chí theo con đường của mình, kết cục ta sẽ vẫn phải đi qua một trong hai cánh cửa ấy để đến danh dự và ô nhục, cao cả hay hèn nhát. Tuy nhiên có sự khác biệt. Đối với kẻ đánh bài, cứ giữ nguyên những quân bài làm "nhà" có nghĩa là thua. Còn với ta, con đường đưa đến chiến thắng là hãy quyết tâm sống và làm theo lẽ phải" (2).

Hai Bà Trưng đã bước qua cửa danh dự và cao cả này để mở đầu lịch sử cuộc trường chinh bất tận chống giặc ngoại xâm Trung Quốc. Noi gương Hai Bà, những bậc anh hùng và anh thư của bao thế hệ sau đã đi qua cánh cửa đời người ấy để đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chúng ta không phải là người thừa hưởng di sản của họ. Chúng ta chỉ gìn giữ và bồi đắp thêm vào di sản ấy để trao lại cho những thế hệ sau chúng ta. Chúng ta không có quyền làm hao hụt hay hoen ố di sản lịch sử vô giá của rất nhiều thế hệ tổ tiên đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bồi đắp nên.

Di sản nước Việt Nam chung ấy hôm nay đã bị xâm phạm thô bạo. Mũi khoan Trung Quốc đâm vào lòng biển chúng ta cũng là mũi khoan đâm vào từng mạch máu và từng thớ thần kinh trong lương tâm của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước.

Cho nên dù muốn hay không chúng ta phải xuống đường vì chúng ta phải có trách nhiệm với những thế hệ sau. Ngày Chủ Nhật này chúng ta hãy rời cửa nhà riêng của mình để bước vào cửa chung lịch sử đã vinh danh : danh dự và cao cả. Việt Nam đã và đang tồn tại hơn bốn ngàn năm chính vì rất nhiều người anh hùng hữu danh và vô danh đã đi qua cánh cửa lịch sử này.

Dòng suối chảy xa đến đâu cũng nhớ đến cội nguồn của nó (3). Mấy ngày hôm nay bất kể ngày và đêm mỗi khi tỉnh thức và cả trong giấc ngủ dòng suối lịch sử ấy sao cứ vỗ hoài vào lòng người điệp khúc : đừng làm tủi lòng lịch sử, đừng phụ công lao lịch sử. Hồn lịch sử phảng phất trong tâm tưởng ta như thúc giục ta phải hành động, phải có trách nhiệm trước sự sinh tồn của quê hương.

Câu trả lời là hãy đi về nơi tất cả các dòng suối khởi đi từ cội nguồn chung ấy tụ về. Nơi ấy chúng ta sẽ sát cánh bên nhau, bước chung bên nhau, hô vang bên nhau và cùng nhau thực hiện trách nhiệm tối thiểu của những người gìn giữ di sản được truyền lại từ ngàn đời. Nơi ấy chúng ta thắp lên nén hương lòng cho những người đã nằm xuống để Việt Nam không phải quỳ xuống trước giặc ngoại xâm và hiệp thông tinh thần với biết bao nhiêu người yêu nước đương thời đã khuất hay đang bị giam cầm.

Bạn ơi, bạn hãy chọn đi về nơi ấy - nơi của những người

Bạn ơi, bạn hãy chọn cánh cửa của đời mình làm sao để cho cánh cửa Việt Nam mở ra tươi sáng cho muôn ngàn đời sau.

bieutinh7

Một cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội năm 2016

Hãy xuống đường vì lương tâm mình

Sống dưới chế độ toàn trị đối với đại đa số mọi người là chọn thỏa hiệp và im lặng. Thỏa hiệp và im lặng cho bản thân và cho gia đình từ ngày này sang ngày khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuối đường dài thỏa hiệp bất tận ấy là cá nhân được tồn tại ngày càng mong manh giữa môi trường sống tinh thần, văn minh và tự nhiên ngày càng nhiễm độc và lụi tàn.

Thỏa hiệp và im lặng ấy đồng nghĩa với chờ đợi ngày mai tươi sáng mà không bao giờ đến khi đa số chọn đứng bên lề, với ảo vọng mà ta cứ tưởng là hy vọng về sự tất yếu của lịch sử rằng rồi cuối cùng thiện thắng ác và ánh sáng thắng bóng tối.

Đại đa số ấy chính là chúng ta - những kẻ đứng bên lề cuộc đấu tranh tập thể và sự lên tiếng tập thể trước bao cái ác rành rành của bạo quyền.

Vì sự thỏa hiệp và im lặng ấy lịch sử Việt Nam từ hậu bán thế kỷ hai mươi đến nay là những núi xương sông máu trải dài trên khắp nước từ cải cách ruộng đất đến cuộc nội chiến với hàng triệu người chết đến bao tội ác cộng sản thời hậu chiến. Dưới ánh sáng của lương tâm và đạo lý muôn đời những kẻ gây ra tội ác ấy được coi như là đã chết trước khi họ thật sự chết. Nhưng những kẻ chọn thỏa hiệp và im lặng trước tội ác của họ phải chịu trách nhiệm trước lương tâm mình và trước những thế hệ sau. Vì, xét cho cùng, qua thỏa hiệp và im lặng trước cái ác, chúng ta hạ mình xuống như là những đồng phạm ngang hàng với những kẻ thủ ác.

Nhà văn-triết gia Mỹ Ayn Rand khẳng định như sau về sự thỏa hiệp và đạo đức :

"Không thể nào có thỏa hiệp về những nguyên tắc đạo đức. "Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thực phẩm và thuốc độc, chỉ cái chết có thể thắng. Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thiện và ác, chỉ cái ác có thể có lợi". (Atlas Shrugged).

Lần sau nếu ta muốn hỏi : "Phải chăng cuộc sống không cần thỏa hiệp ?" thì hãy chuyển câu hỏi ấy sang câu hỏi khác mang ý nghĩa thật sự : "Phải chăng cuộc sống cần từ bỏ điều đúng và thiện cho điều giả dối và ác ?". Câu trả lời là rằng đấy chính là điều cuộc sống cấm- nếu ta hoàn toàn không muốn đạt đến những năm dài tra tấn trong sự tự hủy diệt từ từ".

Chúng ta không thể đứng bên lề và im lặng mãi trước cái ác trước mặt mình. Lòng nhân ái và lương tâm thúc giục chúng ta phải lên tiếng dù kết quả có được hay không. Vì thế, ngày chủ nhật này chúng ta hãy xuống đường không chỉ vì hàng trăm ngàn con cá đáng thương bị giết chết hay vì hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sinh kế vì thảm họa môi trường ngày đang lan rộng hay để giữ gìn biển cả cho mình và thế hệ sau mà còn chính vì để cứu lương tâm thiên phú đã bị hoen ố ít nhiều của chúng ta.

Trần Quốc Việt

(10/06/2022)

Chú thích :

(1) Lời của triết gia Leszek Kolakowski

(2) Tác phẩm Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh, Saigon, 1928, trang 45. Đoạn trích dẫn được người viết bài này dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt.

(3) Ngạn ngữ Châu Phi.

Published in Diễn đàn

Bản vẽ cho cuộc cách mạng 

Janine di Govanni, Financial Times, 18/03/2011

Vào tháng Mười năm 2000, với lòng khao khát được sống một cuộc sống dân chủ một nhóm sinh viên trường đại học tổng hợp Belgrade đã góp phần lật đổ ách cai trị của nhà độc tài khát máu nhất ở Châu Âu, Slobodan Milosevic. 

roadmap1

Ảnh hưởng lên họ là Gandhi, Martin Luther King, và công trình nghiên cứu của giáo sư đại học Mỹ và bậc thầy về phản kháng bất bạo động, Gene Sharp. Họ áp dụng những chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả : dùng điện thoại di động, khẩu hiệu và sự hài hước đường phố kiểu Monty Phython. Nhưng bí quyết của họ chính là phương pháp : đoàn kết, kế hoạch và tuân thủ bất bạo động. Dùng chiến thuật bộ ba này, họ đã đoàn kết được một nước Serbia vốn chia rẽ về chính trị để cùng nhau hợp tác cho mục tiêu chung. 

Những nhà hoạt động dân chủ huyền thoại này -những người gọi mình là Otpor, tiếng Serbia nghĩa là "phản kháng"- đã qua thời sinh viên và cũng qua thời ngồi trong quán cà phê "châm chọc chính quyền". Hôm nay nhiều người trong số họ thành nghị sĩ ; nhiều người khác là bộ trưởng. Nhưng một số người trong nhóm sinh viên ngày xưa ấy tiếp tục lập ra Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng, còn thường gọi là Canvas, một tổ chức hướng dẫn các nhà hoạt động dân chủ trên khắp thế giới cách thức lật đổ thành công chế độ độc tài. 

Cuộc cách mạng của lớp trẻ Serbia đã trở thành tiêu chuẩn mẫu mực cho cuộc đấu tranh ôn hòa bất bạo động. Canvas chỉ làm việc với những nhóm không có lịch sử bạo động : chẳng hạn, họ từ chối làm việc với Hamas hay Hizbollah. Nhưng họ coi Georgia, Ukraine và Maldives (nơi họ giúp các nhà bất đồng chính kiến chấm dứt 30 năm cai trị của Maumoon Abdul Gayoom) là những câu chuyện thành công, và làm việc với các nhà hoạt động dân chủ từ gần 50 quốc gia, bao gồm Iran, Zimbabwe, Miến Điện, Venezuela, Belarus và, gần đây, Tunisia và Ai Cập. 

Canvas được điều hành bởi đôi bạn thân nhất từ những ngày Otpor, Srdja Popovic, 38 tuổi, và Slobodan Djinovic, 36 tuổi. Khó có ai nghĩ rằng họ là cặp bài trùng. Popovic là người cao gầy và rụt rè, được đào tạo thành nhà sinh vật học nước ngọt :"Cá mập bơi khi nó ngủ, nếu nó ngừng bơi, nó chết", anh nói".Cá mập chỉ bơi tới. Ta phải làm sao cho các cuộc cách mạng không ngừng tiến lên". 

Djinovic từng là cựu cầu thủ bóng rỗ, điển trai, có bằng thạc sĩ về quan hệ quốc tế ở phân khoa Luật pháp và Ngoại giao Fletcher tại Mỹ, có vẻ tự chủ và tự tin. Anh thành lập công ty cung cấp dịch vụ internet không dây đầu tiên ở Serbia và có thể trở thành trùm Silicon Valley ở Serbia nếu anh muốn, nhưng thay vì thế anh cho phân nửa tiền kiếm được để duy trì Canvas (Nửa kia được các tổ chức phi chính phủ và Liên hiệp Quốc tài trợ). "Tôi có thể là đại gia cỡ như thế diện côm lê, lui tới các câu lạc bộ như mong muốn của mẹ tôi và vợ, " Djinovic thổ lộ", nhưng tôi không thể như thế. Sau khi nhìn thấy và làm được điều chúng tôi đã làm". 

Giống như đa phần những người thuộc thế hệ Otpor, đôi bạn lớn lên trong thời Tito thanh bình ngày xưa, thời "chủ nghĩa xã hội nhẹ" khi họ mặc quần jean xanh, uống Coca-Cola và có những chuyến du lịch sang Hy Lạp. Khi các cuộc chiến tranh khốc liệt ở Nam Tư bắt đầu vào năm 1991 họ ở vào lứa tuổi 18 và 16, độ tuổi đủ chín chắn để biết họ phải cần loại bỏ Milosevich. Ngày nay, họ muốn đem kiến thức của mình truyền bá ra khắp thế giới. 

Hoài bão này được thực hiện với đội ngũ gồm "bốn người rưỡi", hàng chục giảng viên trên khắp thế giới và một văn phòng ở đường Gandhiova (theo tên Ghandi) ở đô thị Belgrade Mới. Người ngồi trong góc phòng là nhân viên Canvas vừa mới trở về sau chuyến đi đến Tunisia thu thập dữ liệu để nhằm giúp đỡ những nhà lãnh đạo mới trong thời kỳ quá độ sau Ben Ali. Djinovic đi lại trong văn phòng, vừa ăn sandwich vừa nói về việc nhắm vào các trụ yếu trong xã hội để giật sập các chính quyền độc tài. Có người nào đấy đang nói về Mohamed Adel, nhà hoạt động dân chủ Ai Cập thuộc tổ chức Ngày 6 tháng Tư, người đã đến Belgrade để theo học với nhóm Canvas vào năm 2009. Trong phòng có bảng trắng liệt kê những nơi họ đang nhắm đến kế tiếp, và từ đâu đó phát ra trầm lắng tiếng nhạc của băng nhạc Talking Heads. 

Tưởng chừng như ta đang ở trong một quán cà phê ở Seattle chứ không ở trong văn phòng nhộn nhịp của những nhà cách mạng. Tôi hỏi họ làm thế nào họ đã báo tin từ nơi tí tẹo này đến Quảng trường Tahrir ? Tại sao những người ở tận Yemen và Algeria đang nói về họ ? 

"Khi mọi người nghe tin những người Serbia đến", Popovic cười",họ muốn gặp chúng tôi, họ muốn biết làm thế nào chúng tôi thành công. Chúng tôi có thể kể họ nghe những gì đã thành công đối với chúng tôi, những gì đã không thành công ở Georgia, những gì đã thành công ở Ukraine. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm chia sẽ kiến thức của mình". 

Anh nói đùa rằng anh thấy mình như nhân vật Frodo trong tác phẩm Chúa tể của những chiếc nhẫn : "Tôi không đòi là mình phải có chiếc Nhẫn nhưng khi tôi có nó chúng tôi phải giao nó", anh nói đùa với vẻ mặt trang nghiêm. Trong căn hộ của mình ở Belgrade, Popovic có một nơi "thờ phụng" tác giả J. R. R. Tolkien và một chiếc Nhẫn vàng tương tự móc vào sợi dây chuyền - hình tượng của anh về một thế giới dân chủ. Chiếc nhẫn nằm trong ly uống rượu bám đầy bụi dưới tấm bản đồ Middle-earth. " Tolkien có viết một câu rất hay", anh nhắp rakija, loại rượu Serb mạnh được ưa chuộng, và nói". Ngay cả những người nhỏ bé nhất cũng có thể thay đổi thế giới". 

Slobodan Homen, một cựu thành viên Otpor khác mà cuộc đời đã mãi mãi thay đổi sau khi dấn thân vào phong trào, đã rời nhóm và gia nhập chính quyền đương thời dưới sự lãnh đạo của tổng thống Boris Tadic với cương vị thứ trưởng bộ tư pháp. 

"À, những ngày hạnh phúc tươi sáng của Otpor", Homen cười và uống một hơi Coke Zero. Homen không giống như bất kỳ bộ trưởng nào tôi đã có dịp gặp. Anh đeo bông tai kim cương, áo sơ mi nhàu nát, không cà vạt và hút thuốc Marlboro Lights trong tòa nhà công cộng mà ghi rõ ràng "Không hút thuốc" (theo luật, tiền phạt nặng). Đây chính gần như là thái độ "thách thức quyền lực" đã lật đổ Milosevich. 

Vào thời ấy, chính người mẹ khá giả của Homen đã cho Otpor mượn căn hộ của bà ở trung tâm Belgrade khi phong trào thiếu sự tổ chức ban đầu phát triển từ một nhóm nhỏ những người bạn lên đến gần 70.000 người. Luôn bị cảnh sát theo dõi và đánh đập, bọn trẻ Otpor làm việc 12 giờ mỗi ngày, và sống chủ yếu nhờ cà phê và thuốc lá. 

"Mục tiêu chính của chúng tôi", Homen hồi tưởng", là phải chỉ cho dân chúng biết rằng họ có thể thay đổi chế độ. Ban đầu chúng tôi làm cho Milosevich lo sợ. Từ đấy chúng tôi tiến đến lật đổ chế độ". Họ dùng đồng thời một loạt những công cụ tiếp thị tài tình- từ lô gô nắm đấm nổi danh trước đây của Otpor giờ được dùng cho Canvas, những khẩu hiệu độc đáo của họ, những cách quảng cáo mới mẻ tân thời trên ti vi -và đến các chiến thuật đường phố, chẳng hạn vào ngày nhật thực toàn phần họ đặt một kính viễn vọng rất lớn và cho người ta thấy khuôn mặt của Milosevich cùng với khẩu hiệu " Đời y tàn rồi !".

Homen thú nhận rằng họ không bao giờ thực sự tin họ có thể thành công - nhưng họ đã thành công. "Nhờ thành công nên hôm nay tôi tin rằng trách nhiệm của chúng tôi là phải đi khắp nơi trên thế giới để khích lệ mọi người qua tấm gương của mình", Homen nói. " Nhưng tuỳ thuộc vào chế độ của mỗi nhân dân. Mỗi khu vực đều khác nhau". 

Sau khi tôi rời văn phòng của Homen, tôi đi gặp người thiết kế lô gô nắm đấm. Cũng ngày hôm ấy tôi nhìn thấy trên báo bức hình chụp một người phụ nữ Ai Cập mang nắm đấm Otpo đi quanh Quảng trường Tahrir, và tôi hỏi Duda Petrovich, bây giờ 37 tuổi và cha của hai con, anh cảm tưởng ra sao khi đã tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ như thế. 

"Tôi nào có ngờ nó sẽ trở thành quan trọng đến như vậy", anh vừa nói vừa dụi tàn thuốc và đưa tay với lấy điếu khác. "Tôi vẽ nó không phải vì lý tưởng, mà vì tôi yêu cô gái trong nhóm Otpor người đã nhờ tôi vẽ". Không ai dấn thân vào cách mạng vì tiền hay danh vọng. Petrovich đã không đăng ký bản quyền thiết kế nắm đấm của anh, hiện nay hình ảnh ấy đang rao bán trên các trang mạng ở Mỹ, được in trên áo, trên ly tách, áp phích". 

"Tôi làm biếng kiện cáo", anh tâm sự. "Hơn nữa tôi vẽ nó cho các bạn thân nhất của mình. Và bây giờ hình ảnh ấy được dùng để tranh đấu cho tự do. Ai đời lại đi tính tiền chuyện ấy". 

Giống như những người tôi có dịp trò chuyện, Petrovich cho biết Otpor đã thay đổi đời mình". Trước đây ở Serbia mọi thứ đều thê lương u ám. Nào chiến tranh, lạm phát, nào bị trừng phạt", anh nói". Rồi bất ngờ bỗng dưng xuất hiện sinh lực này. Thật là một câu chuyện đẹp. Một câu chuyện của đời mình". 

Tôi cũng nhớ những ngày chiến thắng ấy. Tôi đến phi trường Belgrade vào lúc cao điểm của các cuộc biểu tình và mở điện thoại di động. Hiện lên là tin nhắn về Milosevich -Gotov je- đời y tàn rồi. Tôi bật cười vì tôi biết tin nhắn từ bọn nhóc Otpor. Nửa giờ sau tôi nhận hơn 10 tin nhắn nữa, vẫn cùng nội dung. Gotov je. 

Nhóm trẻ cũng nhận thức rằng họ có thời cơ -thường đánh dấu thời điểm xuất hiện của bất kỳ cuộc cách mạng nào. Thời cơ ấy có thể là giá dầu tăng vọt, thiên tai hay vụ ám sát khiến quần chúng do phẫn nộ mà sát cánh với nhau. Trong trường hợp của họ, Milosevich kêu gọi tổ chức bầu cử. Hàng loạt các cuộc đình công lớn diễn ra sau đó. 

Sau khi họ buộc Milosevich rời bỏ quyền lực, các nhà lãnh đạo Otpor nhận được những lời kêu gọi mong được giúp đỡ từ các nhà hoạt động dân chủ ở nhiều nước khác. Nhưng cuối cùng trong vai trò đảng chính trị Otpor tàn lụi dần, nên Djinovic và Popovic quyết định thành lập Canvas, xem nó như là một tổ chức giáo dục 

Công việc giảng dạy của họ như sau : các nhà hoạt động dân chủ sẽ nghe tiếng Canvas ("Đây là một thế giới nhỏ, thế giới của đấu tranh bất bạo động", một nhân viên nhận xét) và đến Belgrade. Vào năm 2009, Mohamed Adel đang hoạt động với phong trào ngày 6 tháng 4 ở Cairo, nhưng cảm thấy bế tắc. Anh đã xem cuốn băng lậu Đánh Gục Nhà độc tài, một cuốn phim tài liệu thực hiện vào năm 2001 mô tả cuộc đấu tranh của Otpor, liền liên lạc với những người Serbia. Anh theo học vài tuần ở Belgrade vào tháng Tư năm 2009, học xử dụng "biểu đồ quyền lực" (do Djinovic nghĩ ra) để tìm ra điểm yếu trong chính quyền (trong trường hợp Ai Cập, điểm yếu ấy là quân đội), làm thế nào nhắm vào truyền thông và các thể chế khác, và làm thế nào để đối phó lại bằng bất bạo động. 

Khi Adel về lại Cairo, anh mang theo nhiều cuốn phim Đánh Gục Nhà độc tài kèm phụ đề tiếng Ả rập, cùng nhiều sách giáo khoa Canvas. Rồi anh phổ biến rộng rãi ra. Ngay trước khi Mubarak sụp đổ, truyền đơn mà nội chủ yếu dựa theo những điều giảng dạy của Canvas được in ra ở Cairo, nội dung chính là, như Popovic chỉ ra, "kết thân với cảnh sát và duy trì sự tuân thủ bất bạo động". 

"Gandhi phải mất 30 năm để lật đổ chế độ ; chúng tôi mất 10 năm ; người Tunisia mất một tháng rưỡi ; và người Ai Cập mất 19 ngày", Popovic nói. "Đây quả thật là trận đánh thần tốc của dân chủ". 

Sau đó trong ngày hôm ấy, chúng tôi đến trường đại học tổng hợp Belgrade để thăm quan phân khoa họ đang thiết lập nơi những sinh viên sau đại học có thể theo học để lấy bằng thạc sĩ về môn chiến lược và các phương pháp thay đổi xã hội bằng bất bạo động. Popovic, giáo sư thỉnh giảng ở đấy, đưa tôi đến truờng trong chiếc xe Mercedes màu xanh ngổn ngang đồ đạc mang biển số 007. 

Một chị bạn kể tôi nghe chị mới đây thấy Popovic tại buổi tiệc sinh nhật của một người bạn và suốt buổi tối ở đấy anh cứ ngồi trước ti vi theo dõi các cuộc biểu tình ở Ai Cập với nụ cười nở rộng trên mặt. Anh nói với tôi một khi thành công là thành công thật sự. 

Nhưng đấy là sự chọn lựa nghề nghiệp không bình thường : nhà cách mạng. Lúc bị kẹt trong dòng xe cộ dày dặc thường lệ, tôi hỏi anh tại sao anh đeo đuổi nghề cách mạng ấy, tại sao dành một phần ba của năm lặn lội đến tận những nơi xa xăm để giảng dạy những nhà hoạt động dân chủ. Là người trong gia đình có cha mẹ làm nghề báo, anh từng tâm sự khi lớn lên anh đã muốn đi vòng quanh thế giới để thực hiện những bộ phim về cá. Trái với thường lệ anh trầm tư một lát trong khi suy nghĩ câu trả lời. 

"Làm việc với các nhà hoạt động dân chủ là công việc tốt đẹp nhất trên hành tinh, " anh đáp". Những người này sẵn sàng chấp nhận biết bao rủi ro -họ không nghĩ về bản thân, mà nghĩ về cuộc đời của con cái họ hay cuộc đời của những thế hệ tương lai..". Anh cắt ngang hai xe khi anh chạy vào làn đường cao tốc. " Tôi không thể nói cho chị hiểu được tôi yêu công việc này biết bao nhiêu. Thấy những người chuyển từ sợ hãi sang say mê, từ tuyệt vọng sang quyết tâm ...thật tuyệt vời". 

Làm thế nào lật đổ nhà độc tài một cách ôn hòa

Năm lời khuyên của Canvas : 

1. Hãy nghiên cứu kỹ, tức phân tích những trụ ủng hộ ta muốn kéo về phía ta ("những trụ" ở đây có nghĩa là những thể chế và tổ chức rất quan trọng cho sự thay đổi xã hội bằng bất bạo động). 

2. Đề ra một viễn kiến rõ ràng cùng với chiến lược cho cuộc đấu tranh -đừng lắng nghe lời khuyên từ nước ngoài. 

3. Xây dựng sự đoàn kết trong phong trào - đoàn kết về mục đích, đoàn kết trong nhân dân, và đoàn kết trong tổ chức. 

4. Duy trì sự tuân thủ bất bạo động - một hành động bạo động thôi có thể làm mất đi uy tín của cuộc đấu tranh. 

5. Luôn luôn ở thế tấn công, hãy chọn những trận đánh ta có thể thắng và chắc chắn ta biết khi nào và làm thế nào công bố chiến thắng.

Janine di Govanni

Nguyên tác : "Blueprint for a revolution", Financial Times, 18/03/2011.

Trần Quốc Việt dịch

***********************

Những bài học quý giá từ cuộc cách mạng của tuổi trẻ Serbia

Bryan Farrell & Eric Stoner, Wagingnonviolence, 5/10/2010

Cách đây mười năm, vào ngày 5 tháng Mười năm 2000, hàng trăm ngàn người biểu tình Serbia đã tràn ra các đường phố ở Belgrade và tiến qua các lực lượng an ninh thờ ơ để chiếm lĩnh tòa nhà Quốc hội, từ đấy kết liễu thành công chế độ độc tài của Slobodan Milosovic. Hành động ấy là hành động cuối cùng của cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hai năm trời dưới sự lãnh đạo của phong trào của tuổi trẻ mang tên Otpor, hay "Phản kháng", và nắm đấm biểu tượng của phong trào đã mở đường tiến đến các cuộc bầu cử tự do và nền dân chủ mới giành được. 

roadmap2

Một trong những nhà lãnh đạo của phong trào này là Srdja Popovic 27 tuổi, người được bầu vào Quốc hội Serbia sau khi Milosovic bị lật đổ. Năm 2004, Popovic rời bỏ chính trường để lập ra Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng (CANVAS) ở Belgrade, một tổ chức đào tạo các nhà hoạt động dân chủ ở hàng chục nước trên khắp thế giới- từ những người đã tham gia trong các phong trào dân chủ thành công tại Ukraine và Maldives đến những cuộc đấu tranh đang diễn ra tại Miến Điện và Iran. 

Mới đây chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Popovic và hỏi anh về vai trò mà hài hước đã đóng trong cuộc đấu tranh chống lại Milosovic, làm thế nào họ có thể thu phục được lực lượng an ninh đáng sợ và về các phương diện nào Otpor vẫn tồn tại đến ngày nay. 

Hỏi : Tại sao quan trọng cuộc phản kháng Milosovic phải là bất bạo động ? 

Srdja Popovic : Sự tuân thủ bất bạo động là một trong những nguyên tắc thành công chính trong công cuộc đấu tranh bất bạo động. Một khi bạo động nổ ra, phong trào sẽ mất số lượng, mất đà và mất sự tin tưởng - gây tổn hại đến các mục tiêu chung. Rất quan trọng là những người Serbia, vốn bị coi là "bạo động" trong thập niên 1990, phải chứng tỏ cho mình và cho thế giới thấy chúng tôi thừa khả năng để thay đổi chính quyền một cách văn minh, qua các cuộc bầu cử và bảo vệ các kết quả bầu cử một cách ôn hòa. 

Hơn nữa, nếu ta nhìn vào cuộc nghiên cứu rất hay của Freedom House được công bố trong năm 2005 có tên "Làm thế nào giành được tự do", cuộc nghiên cứu này phân tích những cuộc thay đổi chính trị trong vòng 35 năm của thế kỷ vừa qua - một số cuộc thay đổi chính trị bằng phương tiện bạo động, một số bằng phương tiện bất bạo động. Cuộc nghiên cứu chứng minh rõ ràng những cuộc thay đổi chính trị đạt được nhờ đấu tranh bất bạo động rất có thể sẽ bảo đảm nhân quyền, dân chủ và ổn định chính trị lâu dài. 

Hỏi : Sự sáng tạo và hài hước quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh làm sụp đổ Slobodan Milosevic ? 

Srdja Popovic : Tuyệt đối quan trọng. Hài hước và châm biếm, nhãn hiệu của Otpor, đã có thể tạo ra thông điệp tích cực, hấp dẫn lượng khán giả lớn nhất có thể, làm cho các đối thủ của chúng tôi - những quan chức chán ngắt và cổ hủ ấy - trông ngu ngốc và lố bịch. Quan trọng nhất, nó phá tan sợ hãi và khích lệ xã hội Serbia vốn mệt mỏi, thất vọng, và thờ ơ vào cuối thập niên 1990. 

Hỏi : Diện mạo và hình ảnh của phong trào quan trọng như thế nào để tránh được sự chỉ trích từ chế độ và các phương tiện truyền thông ? 

Srdja Popovic : Những kẻ định hướng dư luận nói "nhận thức là hiện thực", mà rõ ràng không sai lắm. Vì đã lường trước chuyện những người tuyên truyền cho chế độ sẽ cố mô tả Otpor là "những tên lính đánh thuê của Tây Phương", "những kẻ không yêu nước" và "bọn phản bội cánh hữu", ngay từ đầu trong quá trình đấu tranh chúng tôi đã có thể chuẩn bị cho sự vu cáo này. Chúng tôi dùng nắm đấm, một biểu tượng thiên tả từ thời cộng sản xa xưa của thế hệ ông bà chúng tôi, những khẩu hiệu yêu nước đúng đắn, những khuôn mặt trẻ trung trong sáng luôn luôn đi hàng đầu cho Otpor, vốn tương tự những gì MLK thực hiện trong các cuộc tuần hành ở Nashville. Chế độ đã tốn rất nhiều thời gian nhằm thuyết phục công chúng rằng chúng tôi thật ra còn xấu xa hơn cả bọn khủng bố thực sự, nhưng nhìn thấy những khuôn mặt trong sáng trẻ trung mặc áo phông Otpor đã làm cho sự vu cáo trông lố bịch và, cuối cùng, nó rõ ràng còn hại ngược lại chính họ. 

Hỏi : Làm thế nào Otpor đã thu phục được cảnh sát và lực lượng an ninh ? Sự thuyết phục đóng vai trò gì trong cuộc phản kháng dân sự ? 

Srdja Popovic : Điều cốt lõi cho các phong trào bất bạo động là phải kéo được mọi người ra khỏi các trụ cột quyền lực như cảnh sát và quân đội, thay vì đẩyhọ đến các trụ cột ấy và thay vì tỏ ra đe dọa và hiếu chiến. Otpor học được bài học này từ các cuộc xuống đường của sinh viên vào năm 1966 và 1977, nhưng cũng học được từ Gandhi. Vì thế, ngay từ đầu, chúng tôi đã hành xử một cách rất thân thiết như thể anh em với cảnh sát và quân đội, chúng tôi mang hoa và bánh ngọt đến tặng họ, thay vì la hét hay ném đá. Mô hình này đã thành công trên khắp thế giới tại những nơi như Georgia và Ukraine. Một khi ta hiểu rằng "cảnh sát chỉ là những người dưới bộ đồng phục cảnh sát" thì nhận thức của ta thay đổi và sự thuyết phục sẽ diễn ra. 

Hỏi : Cấu trúc lãnh đạo của Otpor khác với các phong trào bất bạo động khác như thế nào ? 

Srdja Popovic : Đó là "lãnh đạo tập thể" với cấu trúc của cuộc vận động "chính trị/bầu cử" mà rất hiệu quả trong việc thực hiện các quyết định. Lãnh đạo cũng hoàn toàn phân cấp, tạo ra nhiều lớp lãnh đạo để nếu 10 đến 15 người lãnh đạo cao nhất bị bắt, thì guồng máy phong trào to lớn không vì thế mà ngừng hoạt động. Cấu trúc như thế cũng cho các thành viên trẻ và mới gia nhập có cơ hội để công khai bày tỏ ý kiến thẳng thắn với tư cách "các nhà lãnh đạo của Otpor". 

Hỏi : Phải chăng việc NATO ném bom Serbia đã làm Milosevich suy yếu và dù sao cũng làm cho phong trào bất bạo động can đảm hơn ? 

Srdja Popovic : Tấn công một quốc gia từ bên ngoài luôn luôn khiến nhân dân tập hợp lại quanh lãnh đạo. Điều đó đã xảy ra khi NATO ném bom Serbia trong năm 1999, rõ ràng càng làm Milosevich mạnh thêm. Nếu ta nhìn số lượng người ủng hộ George W. Bush, ta sẽ thấy số lượng người ủng hộ ông tăng cao nhất ngay sau vụ 11 tháng 9. Cho nên bất kỳ ai trong chính quyền Mỹ nghĩ ném bom Serbia sẽ làm suy yếu Milosevich là hoàn toàn sai. Rốt cuộc ném bom chỉ làm tổn thương quốc gia và dân thường. Còn tệ hơn nữa, Milosevich lấy cớ ấy để tấn công và tiêu diệt bất kỳ nhóm đối lập nào còn sót lại trong tình trạng khẩn cấp (Lệnh thiết quân luật được ban ra trong lúc bom rơi !). Nhà báo và biên tập viên nổi tiếng Slavko Curuvija bị giết ngay trước nhà ông sau khi bị tố cáo công khai "hợp tác với những kẻ ném bom Serbia". Nhà chính trị đối lập Zoran Djindjic và phần lớn lãnh đạo Otpor bị mật vụ đe dọa đánh đập đã phải trốn ra khỏi nước. Bài học ở đây là "dân chủ không đến từ nắp xe tăng". 

Hỏi : Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Otpor quan trọng như thế nào cho sự thành công của phong trào và anh có khuyên các tổ chức bất bạo động khác nhận tài trợ từ chính quyền Mỹ hay từ các cơ quan được chính quyền tài trợ ? 

Srdja Popovic : Vai trò của Phương Tây ở Balkans có mặt sáng và mặt tối, nên tôi nghĩ những vấn đề này nên được xét riêng rẽ. Đúng, Mỹ và Liên Âu đã giúp đối lập Serbia về tiền bạc và vật chất trong những năm cuối cùng của thập niên 90. Quan trọng nhất, họ giúp về các phương tiện truyền thông tự do và đào tạo những nhân viên giám sát bầu cử. Họ cũng cung cấp dầu để sưởi ấm cho các công dân ở các đô thị do đối lập quản lý. Nhưng cũng chính "những nhà dân chủ Tây Phương" này ủng hộ Milosevic vào trước hiệp ước hòa bình Dayton năm 1995 ở Bosnia và ban hành luật cấm vận kinh tế vào năm 1992, mà gần như tiêu diệt giai cấp trung lưu ở Serbia và cho phép Milosevic và đồng minh của y trong cảnh sát và tội phạm có tổ chức nắm chắc sự kiểm soát hơn nữa. Các nhà ngoại giao Phương Tây cố gắng quản lý đối lập Serbia một cách quá tỉ mỉ và chi tiết, từ đấy đưa đến sự phân tán. Do cách hành xử như thế, trong suốt nhiều năm trời cộng đồng quốc tế là một phần của vấn đề thay vì một phần của giải pháp. Phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để sửa chữa điều đó. 

Mặt khác, ta không được đánh giá thấp vai trò của nỗ lực đấu tranh cho dân chủ của Mỹ trên khắp thế giới, với tư cách là siêu cường dân chủ hàng đầu. Bài học từ Serbia -như tổ chức của tôi, Trung tâm Chiến lược Bất bạo động Ứng dụng (Centre for Applied Nonviolent Action and Strategies - CANVAS), nhìn thấy- là ta cần cố gắng có được càng nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài. Nếu ta muốn có các cuộc cách mạng thành công, ta cần đưa những người nước ngoài, như các nhà ngoại giao và những người gọi là "các chuyên gia", ra khỏi cuộc đấu tranh của chúng ta và không để họ tham gia vào quá trình ra những quyết định quan trọng. Nhưng kiến thức và kỹ thuật có thể có lợi, điều này chúng tôi biết nhờ chia sẻ kiến thức cùng kinh nghiệm với nhiều nhà hoạt động dân chủ trên khắp thế giới, trong đó có những người Georgia, Ukraine, Lebanon, và Maldives (kể tên những người đã thành công trong cuộc đấu tranh cho sự thay đổi), cũng như những người Zimbabwe, Miến Điện, Iran, và Venezuela (những người mà cuộc đấu tranh của họ ta vẫn còn thấy rõ trên khắp địa cầu). Mỗi lần chúng tôi nhận câu hỏi này lời khuyên của chúng tôi vẫn trước sau như một : chính quyền nước ngoài không có bạn, chỉ có quyền lợi. Vì vậy hãy cố gắng có nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài, nhận kiến thức và tiền bạc và vật chất từ những ai muốn giúp và dùng nó cho sứ mạng của phong trào của ta. Nhưng coi chừng những lời khuyên chính trị của họ vì những cuộc cách mạng thành công đều là những cuộc cách mạng hình thành từ trong nước, được thiết kế và được thực hiện theo đấy bởi những người địa phương trong nước nào đấy. 

Hỏi : Sau cách mạng phong trào đã làm gì để chính quyền mới chịu trách nhiệm ? 

Srdja Popovic : Otpor có một vai trò "người theo dõi" rất quan trọng sau cách mạng. Nó phát động hai chiến dịch quan trọng (Tháng Mười Một năm 2000 và mùa hè 2001) buộc chính quyền mới chịu trách nhiệm, đòi hỏi những cải cách dân chủ và bài trừ tham nhũng. Ít được biết đến là vai trò của phong trào rộng lớn nhằm chuẩn bị dư luận cho việc bắt giam cựu tổng thống Milosevic và giải giao y cho Tòa án Hague. Tên của chiến dịch, khởi động từ tháng Ba và đầu tháng Tư trước khi ông ta bị bắt giam, là "HẮN CÓ TỘI !". Đây là thời điểm rất quan trọng vì thủ tướng Serbia mới can đảm Zoran Djindjic vào lúc đó hầu như đơn độc trong nhiệm vụ cần thiết nhưng rất "mất lòng dân" này. Tất cả những điều này chứng minh rằng tự thân một cuộc cách mạng dân chủ hóa thật sự vẫn không đủ. Tiếp theo sau đó ta cần xây dựng khả năng và củng cố các thể chế dân chủ để đạt đến một xã hội dân chủ. Serbia may mắn đã đạt đến xã hội dân chủ, và đôi khi tôi nghĩ các quốc gia khác như Georgia thật sự đang thiếu phần nào sự ủng hộ "hậu chấn thương" từ các phong trào bất bạo động chính của họ và từ các nước dân chủ trên thế giới. 

Hỏi : Ý nghĩa của Otpor hiện nay trên thế giới là gì và anh thấy nó tồn tại như thế nào trên thế giới ngày nay ? 

Srdja Popovic : Otpor và cuộc cách mạng bất bạo động đã thật sự trở thành hàng hiệu có thể nhận ra trên khắp thế giới. Ta có thể thấy những trường hợp thành công của các phong trào tương tự ở Georgia (2003), Ukraine (2004), Lebanon (2006) và xa tận Maldives (2008). Ta sẽ thấy vẫn các biểu tượng và sự giống nhau về hình ảnh ở Ai Cập và Kenya. Ta sẽ thấy các nhà sư Phật giáo đi đầu trong cuộc Cách mạng màu Vàng Nghệ (Saffron Revolution) được khích lệ từ bộ phim Đánh Gục Nhà độc tài. Ta sẽ thấy những phong trào dựa trên chiến lược tương tự ở Vennezuela và Việt Nam. Ta sẽ thấy sách và phim được phân phát rộng rãi ở Cuba và Iran. Có vẻ như tư tưởng và mô hình "cách mạng bất bạo động" đã khích lệ nhiều người và trong số họ có một số đã thực hiện thành công những chiến thuật thông minh và sáng tạo một phần nhờ bộ phim Đánh Gục Nhà độc tài, và những bộ sách bao gồm "Cuộc đấu tranh bất bạo động : 50 điểm cốt yếu", và phần rất lớn nhờ vào lòng can đảm và quan tâm của các nhà hoạt động dân chủ địa phương trên toàn thế giới. Điều đó làm cho chúng tôi tự hào vì chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng mỗi người nam hay nữ trên thế giới này đều có đầy đủ quyền mà cũng có bổn phận ủng hộ nhân quyền và dân chủ. 

Bryan Farrell and Eric Stoner

Nguyên tác : Bringing down Serbia’s dictator, 10 years later : A conversation with Srdja Popovic, Wagingnonviolence, 5/10/2010. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

*************************

Phản kháng bất bạo động và "nhu đạo chính trị"

Hugo Dixon, Reuters, 13/04/2011

Luân Đôn (Reuters) - Các tác phẩm của Gene Sharp bàn về cách dùng những kỹ thuật bất bạo động để lật đổ các chế độ độc tài thường được cho là có ảnh hưởng rất lớn đến những nhà hoạt động lãnh đạo chiến dịch chống lại Hosni Mubarak ở Ai Cập.

roadmap3

Học giả người Mỹ 83 tuổi này chưa từng bao giờ gặp hay nói chuyện với những người đứng đằng sau cuộc nổi dậy thành công ấy. Nhưng ông có quan điểm vững chắc về chuyện đã diễn ra ở Ai Cập và đang diễn ra ở những nơi khác tại Trung Đông. Đầu tiên và quan trọng nhất, ông nhấn mạnh đến sự chuẩn bị và kỷ luật. Những người phản kháng Ai Cập đã chuẩn bị từ trước còn người Libya thì không, Sharp nói trong cuộc phỏng vấn một giờ đồng hồ qua điện thoại từ Boston, nơi ông điều hành Viện Albert Einstein, tổ chức phi lợi nhuận đề cao việc nghiên cứu và xử dụng phương pháp bất bạo động trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới.

Kỷ luật nghĩa là vẫn tiếp tục bất bạo động bất chấp tàn bạo và khiêu khích. "Đôi khi những người dùng kỹ thuật bất bạo động không hiểu rõ những phương pháp này", Sharp nói, ông đã viết nhiều sách về lịch sử các cuộc đấu tranh bất bạo động, trong đó có hai cuốn sách về Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. "Họ cứ nghĩ nếu họ tránh dùng bạo lực thì đối phương họ cũng sẽ tránh dùng bạo lực".

Hoàn toàn ngược lại, Sharp lập luận. Chế độ càng chuyên chế, thì ta lại càng phải tin chắc nó sẽ dùng đến bạo lực. Một phần vì bạo lực ở trong DNA của nó ; những cũng vì nó cố ý dùng bạo lực để khiêu khích sự đáp trả, biết rằng điều này sẽ củng cố nền tảng quyền lực của nó".

Mặt khác, nếu những người phản kháng có thể duy trì phương pháp bất bạo động thì sự tàn bạo của chế độ sẽ sẽ hại ngược lại chính nó. Sharp gọi điều này là "nhu đạo chính trị". Các cuộc tàn sát phá hoại sự ủng hộ của tất cả mọi người ngoại trừ thành phần cứng rắn nhất trong nhóm những kẻ thân cận của nhà độc tài. Quân lính và cảnh sát thấy khó lòng mà bắn hạ những người dân thường ôn hòa. Điểm ngoặc trong cuộc cách mạng Ai Cập là khi quân đội tuyên bố họ sẽ không bắn vào đám đông ở Quãng trường Tahrir.

Sharp nói nhu đạo chính trị có thể được áp dụng trong những hoàn cảnh mà đặc biệt có vẻ không thể nào thành công - chẳng hạn, Na Uy trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi chế độ bù nhìn của Vidkun Quisling đưa những giáo viên nào từ chối đề cao các lý thuyết Quốc Xã đến các trại tập trung, thêm những cuộc biểu tình mới nổ ra. Rốt cuộc, các giáo viên được thả ra.

Sai lầm quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh bất bạo động là dùng đến chính bạo lực. Đây không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề hiệu quả. Một trường hợp kinh điển, Sharp nêu ra bằng chứng, là những cuộc biểu tình chống Nga Sa Hoàng Nicholas II vào năm 1905. Sau khi hàng trăm người bị giết hay bị thương trong cuộc tuần hành ôn hòa đến Cung điện mùa Đông, quân đội sắp sửa nổi loạn vì binh lính không muốn đổ máu thêm nữa. Nhưng quân đội lại sát cánh bên nhau sau khi những người Bolsevik dùng đến bạo lực, theo Sharp, và dòng họ Romanov còn trị vì thêm 12 năm nữa.

Sharp tin chính sai lầm như thế đã phạm phải ở Libya. Vào lúc khởi đầu cuộc cách mạng, nhiều người trong quân đội của Gadaffi đã gia nhập sự nghiệp của quân phiến loạn, đặc biệt ở thành phố lớn thứ hai Benghazi. Tốt là quân đội không còn đáng tin cậy nữa, ông nói, nhưng xấu là nhiều người lính đã quay đầu súng ngược trở lại. Điều ấy đã cho phép chế độ đang sụp đổ lại sát cánh bên nhau. Lý tưởng mà nói, những người lính bất mãn ấy lẽ ra nên ngồi trong đồn đình công.

Nhưng phải chăng những người biểu tình Libya sẽ không bị tàn sát nếu họ giá như không dùng đến bạo lực ? Chẳng hạn, điều này đã xảy ra ở Yemen, nơi 52 người biểu tình chống chính quyền đã bị những kẻ bắn tỉa thường phục giết chết ở thủ đô vào ngày 18 tháng Ba ; và ở Syria, nơi ít nhất 37 người biểu tình bị sát hại vào ngày 23 tháng Ba ở thành phố Derra ở miền nam.

Câu trả lời của Sharp là "có lẽ bị tàn sát". Nhưng ông cho rằng nhu cầu chấp nhận thương vong trong các cuộc đấu tranh bất bạo động không khác trong các cuộc đấu tranh bạo động ; và khi ta bị thương vong, trong cả hai trường hợp, thật cần thiết là phải duy trì kỷ luật. Để thực hiện thành công cuộc đấu tranh bất bạo động, ta phải vượt qua được sợ hãi.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta không được huấn luyện giống như những nhà cách mạng Ai Cập và vì thế không thể nào duy trì kỷ luật trước những cuộc tấn công tàn bạo ? Sharp nói ta không nên bắt đầu cuộc đấu tranh mà ta không có khả năng kiên trì đến cùng. Tốt hơn thà là bắt đầu với những chiến dịch nhỏ hơn cho tới khi ta trở nên thành thục hơn và kỷ luật hơn, như đã diễn ra ở Ai Cập, trước khi ta cố gắng lật đổ cả chế độ.

Tuy nhiên, Sharp thừa nhận thật khó cho những người phản kháng ở một nơi nào đấy trong thế giới Ả rập ngồi yên khi cả vùng đang dậy sóng. Ông nói thêm đôi khi ta có thể thắng mà không cần đến kỷ luật và huấn luyện : ông chỉ ra những cuộc nổi dậy bất bạo động ở El Salvador và Guatemala vào năm 1944. Nhưng cách như thế đầy rủi ro.

Sharp cũng nói vấn đề sinh tử là những người phản kháng không nên cố găng đi tắt trên con đường đến tự do bằng cách nhờ vào sự can thiệp từ bên ngoài. Lý do một phần là cộng đồng quốc tế đều có những việc riêng phải làm của họ. Nhưng cũng vì "chiến thắng giành được bởi những người ở thực địa là cực kỳ quan trọng cho tương lai. Họ phải trân quý chiến thắng ấy". Nếu ta nhờ người khác mang lại cho ta tự do của chính ta, ta sẽ không vượt qua được sợ hãi. Rồi ta lại càng dễ dàng rơi vào ách của nhà độc tài khác. Ông nghĩ điều đó sẽ không đúng với những nhà cách mạng Ai Cập - những người ông rất vui mừng được gặp.

Hugo Dixon

Nguyên tác : Non-violent protest and "political jujitsu", Reuters, 13/04/2011

Trần Quốc Việt dịch

***********************

Cách mạng phải có tổ chức

Hugo Dixon, Reuters Magazine, 29/6/2012 

Hãy bắt đầu từ nguyên tắc căn bản nhất : Không có phong trào nào có thể lật đổ nổi chế độ vững như bàn thạch trừ phi phong trào có chiến lược. Chiến lược này nhất thiết đòi hỏi phải phân tích một cách hệ thống những điểm yếu của đối phương, vạch ra kế hoạch làm đối phương suy yếu dần, đồng thời đoán trước cuộc đấu tranh có thể diễn ra theo chiều hướng nàoĐể hình thành được chiến lược như thế, phong trào cần có sự lãnh đạo. Và để theo đuổi chiến lược như thế qua những thời kỳ khó khăn trong tương lai - khi những cuộc biểu tình bất bạo động có thể bị đáp lại bằng bạo lực - phong trào phải cần có sự đoàn kết.

roadmap4

Một người biểu tình đứng trước một chướng ngại vật đang bốc cháy trong cuộc biểu tình ở Cairo ngày 28 tháng 1 năm 2011. Reuters / Goran Tomasevic

*

Phải chăng có thể là những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy được đánh giá quá cao ? Theo sau Mùa Xuân Ả rập, phong trào Chiếm Phố Wall, và những cuộc vùng lên khác của dân chúng trên khắp thế giới chống lại các chế độ độc tài và thối nát, các nhà phân tích địa chính trị đang hỏi những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của sự lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh như thế. Loại lãnh đạo nào cần thiết trong các cuộc nổi dậy bất bạo động ? Và trong thời đại số này, phải chăng những cuộc nổi dậy cũng phải cần có người lãnh đạo ? 

Câu trả lời lãng mạn là các cuộc đấu tranh bất bạo động không còn cần đến nhà lãnh đạo có tầm thu hút lớn - những cuộc đấu tranh này có thể xuất hiện tức thời khi nhân dân bị áp bức đồng loạt nổi dậy và liên lạc với nhau qua Facebook và Twitter. Người ta cho rằng sự thiếu tổ chức hay thiếu tầng lớp lãnh đạo này rất thích hợp với các mục tiêu của những phong trào như thế. Nơi nào những người nổi dậy đấu tranh cho nền pháp trị dân chủ, nơi ấy chẳng ai nên sai bảo ai. Hơn nữa, cái được coi là thiếu sự lãnh đạo ấy còn có lợi ích phụ ở chỗ nhà cầm quyền không thể nào tiêu diệt được phong trào bằng cách vây bắt những người cầm đầu. Ta không thể chém bay đầu nếu không có đầu. 

Cách đây một năm, theo sau chiến thắng nức lòng của cuộc cách mạng Ai Cập, cuộc cách mạng điển hình ấy đã có tiếng vang xa. Nhưng Mùa Xuân Ả rập không trôi qua êm đềm. Libya phải trải qua cuộc đấu tranh dài và đẫm máu mới lật đổ được Đại tá Muammar Gaddafi, còn Syria càng ngày càng bị hút sâu vào cuộc nội chiến. Ngay cả Ai Cập cũng không còn là chiến thắng trọn vẹn đối với những nhà cách mạng Facebook : Huynh đệ Hồi giáo, vốn có tầng lớp lãnh đạo truyền thống hơn và tôn trọng tổ chức, hoàn toàn sẵn sàng giật lấy thành quả của phong trào dân chúng chiếm đóng Quảng trường Tahrir. 

Không còn tức giận suông nữa

"Đây là cuộc chiến tranh bằng các phương tiện khác", Robert Helvey, cựu đại tá Mỹ chuyên nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động và huấn luyện các nhà hoạt động dân chủ về những phương pháp đấu tranh bất bạo động, nói. "Nếu ta có ý định muốn tiến hành đấu tranh bất bạo động thì mọi người cần phải thống nhất với nhau". Những nhà phân tích sáng suốt nhất về các phong trào bất bạo động gần đây đều không bao giờ tin những phong trào này có nhiều cơ may thành công trừ phi họ có sự lãnh đạo, đoàn kết, và chiến lược. 

Hãy bắt đầu từ nguyên tắc căn bản nhất : Không có phong trào nào có thể lật đổ nổi chế độ vững như bàn thạch trừ phi phong trào có chiến lược. Chiến lược này nhất thiết đòi hỏi phải phân tích một cách hệ thống những điểm yếu của đối phương, vạch ra kế hoạch làm đối phương suy yếu dần, đồng thời đoán trước cuộc đấu tranh có thể diễn ra theo chiều hướng nàoĐể hình thành được chiến lược như thế, phong trào cần có sự lãnh đạo. Và để theo đuổi chiến lược như thế qua những thời kỳ khó khăn trong tương lai - khi những cuộc biểu tình bất bạo động có thể bị đáp lại bằng bạo lực - phong trào phải cần có sự đoàn kếtSrdja Popovic, lãnh đạo của Otpor, nhóm sinh viên Serbia đã góp phần lật đổ chế độ độc tài của Slobodan Milosevich vào năm 2000, bây giờ hướng dẫn các nhà hoạt động dân chủ cách thức tổ chức những phong trào tương tự. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết, và cho họ biết một trong những lý do giúp Otpor thắng được Milosevic là nhờ Otpor thuyết phục các nhóm nhà chính trị không nên tranh cãi vặt với nhau nữa mà hãy đoàn kết lại để ủng hộ một ứng cử viên duy nhất. 

Lãnh đạo phải vạch ra kế hoạch cho từng giai đoạn đấu tranh khác nhau. Helvey nói thường có ba giai đoạnlật đổ chế độ ; thành lập chính phủ dân chủ, hay có thể chính phủ lâm thời ; và rồi bảo vệ chính phủ non trẻ chống lại các cuộc đảo chánh. Ông chỉ ra rằng tuy sinh viên Ai Cập lật đổ được Hosni Mubarak, nhưng họ không có kế hoạch tiếp theo ngay sau đó, cho nên Huynh Đệ Hồi Giáo nhảy vào nắm quyền. Sinh viên đã thắng trận chiến quan trọng, nhưng kẻ khác đã cướp lấy phần thưởng từ trên tay họ. 

Vấn đề ở Ai Cập đã vượt quá giai đoạn thay đổi chế độ, nhưng đa số các phong trào thậm chí vẫn còn đấu tranh để đạt đến giai đoạn đầu tiên này. Một lần nữa, đó là thường do thiếu sự lãnh đạo tài ba. Gene Sharp, giáo sư đại học ở Boston đã nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động trong hơn 60 năm qua, khẳng định thật là điên rồ khi cho rằng ta không cần những người lãnh đạo. Lịch sử chứng minh lập luận này ; không có nhiều và có lẽ cũng chẳng có những cuộc đấu tranh bất bạo động nào không có người lãnh đạo mà lại thành công, theo lời Adam Roberts, giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế ở đại học Oxford. Phong trào chiếm đóng phố Wall có thể là trường hợp minh họa điều này. Lúc đầu danh tiếng của phong trào nổi lên như cồn nhưng những người tham gia phong trào dường như không có bất kỳ chiến lược nào ngoài chuyện dựng lều ở những nơi công cộng, nên dần dần công chúng chẳng còn quan tâm đến. Cuộc cách mạng Syria đang diễn ra là trường hợp khác về những nguy hiểm của cuộc nổi dậy mà không có chiến lược tốt. Những nhà hoạt động dân chủ ở đấy dường như không có bất kỳ kế hoạch hành động nào khi chế độ của tổng thống Bashar al-Assad phản công lại bằng tra tấn, giam cầm, và thảm sát- mặc dù phản ứng tàn bạo của chế độ là điều có thể tiên đoán được. 

Các nhà hoạt động dân chủ Syria đã phạm phải một sai lầm khác về chiến lược : lúc đầu họ quá nhấn mạnh đến các cuộc biểu tình chống chế độ, mặc dù những cuộc biểu tình công khai rất quan trọng trong các phong trào cách mạng, nhưng những người biểu tình trực diện như thế dễ bị trấn áp tàn bạo. Những chiến thuật thay thế biểu tình, như tẩy chay và đình công, có thể là phương cách tốt hơn để thách thức chế độ trong khi duy trì mức độ thương vong của ta thấp. Muốn như thế phải cần có lãnh đạo để phối hợp hoạt động dựa theo chiến lược đó. Công bằng mà nói, những nhà hoạt động dân chủ ở Syria không thể nào tổ chức hay thậm chí liên lạc được với bất kỳ nhóm nào lớn hơn những chi bộ nhỏ vì ngay khi họ liều lĩnh ra mặt đấu tranh, họ liền bị bắt, bị tra tấn hay bị sát hại. Sau hàng tháng trời bị chế độ đánh tơi tả, chính những nhà hoạt động dân chủ Syria ngày càng quay sang đấu tranh bằng bạo lực. 

Những nhà tuyên truyền và những nhà chiến lược

Loại lãnh đạo nào cần thiết để duy trì cuộc cách mạng bất bạo động ? Vì những cuộc cách mạng các mạng xã hội không có người đứng đầu dường như chắc chắn bị thất bại, nên người ta dễ bị quyến rũ sang đối cực khác - nhà lãnh đạo phi thường có tầm thu hút lớn. Lịch sử dường như mĩm cười với chiến thuật này : phong trào độc lập ở Ấn Độ có Mohandas Gandhi ; phong trào dân quyền ở Mỹ có Martin Luther King, phong trào chống Apartheid có Nelson Mandela. Gần đây hơn, Aung San Suu Kyi là khuôn mặt cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài ở Miến Điện, và Anna Hazare nhà lãnh đạo phong trào chống tham nhũng ở Ấn Độ. Toàn là những nhà lãnh đạo khích lệ. 

"Khi ta tổ chức cuộc cách mạng, lãnh đạo lôi cuốn có ảnh hưởng rất thuận lợi đến sự thành công của phong trào", Helvey nói. Thật may mắn khi có nhà lãnh đạo mạnh biết tập hợp mọi người lại và biết làm cho mọi người quyết tâm hành động theo kế hoạch. "Ta không thể nào có dân chủ khi tiến hành chiến tranh", ông giải thích. "Một khi quyết định đã thông qua, mọi người phải thực hiện theo quyết định". 

Tuy nhiên, thật sai lầm khi vội vàng kết luận rằng sự lãnh đạo thành công phải xuất phát từ nhân vật có ảnh hưởng nhất. Đội ngũ lãnh đạo có nhiều ưu thế hơn : phong trào vẫn tồn tại nếu bất kỳ nhà lãnh đạo nào bị bắt hay bị sát hại ; phong trào có thể ngăn chặn nhà lãnh đạo trở nên quá tự phụ hay thậm chí biến thành nhà độc tài mới, và lãnh đạo tập thể ấy có thể nảy sinh ra nhiều ý tưởng mới lạ, vì những ý tưởng mới có thể không được lan truyền nếu có nhà lãnh đạo có quá nhiều quyền lực. 

Vả lại, không phải tất cả những phong trào chúng ta nghĩ do những nhà lãnh đạo có tầm thu hút lớn đứng đầu đều đặt dưới sự lãnh đạo của một người duy nhất. Thường có vài nhà lãnh đạo khích lệ. Hãy nghĩ về sự kết hợp giữa Jawaharlal Nehru và Gandhi ở Ấn Độ ; hay Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko trong cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004-2005. Ngay cả khi có một nhà lãnh đạo mạnh duy nhất, người đó có lẽ không có tất cả những phẩm chất cần thiết để đưa cuộc đấu tranh đến kết thúc thắng lợi. Các phong trào cần cả các nhà tuyên truyền xuất sắc và những nhà chiến lược sáng suốt. Trong rất ít trường hợp - chẳng hạn như trường hợp của Gandhi, người vừa là nhà lãnh đạo có nhiệt huyết vừa là nhà chiến lược bẩm sinh - cả hai phẩm chất đều có ở một người. 

Trường hợp ngược lại thì điển hình hơn. Ví dụ, tài diễn thuyết xuất sắc của Martin Luther King kết hợp với thiên tài chiến thuật của Bayard Rustin, theo ông Roberts. Rustin từng sang Ấn Độ vào năm 1948 để học những bài học tranh đấu của Gandhi, đã truyền đạt lại cho King nhiều điều hay về cuộc đấu tranh bất bạo động. (Một trong những lời khuyên của ông : Không bao giờ làm điều gì hai lần). 

Cao học về bất bạo động ?

Phải chăng có thể dạy người ta cách tổ chức cuộc cách mạng bất bạo động ? Đối với chiến tranh truyền thống, có các trường võ bị -chẳng hạn West Point ở Hoa Kỳ và Sandhurst ở Anh- chuyên dạy các chiến lược tác chiến. Sau khi được đào tạo ở trường võ bị, các sĩ quan trẻ lúc đó được nhận vào tập sự để nghiên cứu các chiến dịch quân sự cho các chỉ huy cấp cao. Không có trường dạy bất bạo đông tương đương với Sandhurst, nhưng vẫn có những cố gắng để đào tạo những nhà lãnh đạo cho các cuộc đấu tranh bất bạo động. Trong suốt phong trào chống Apartheid, những nhà lãnh đạo trẻ được đào tạo ở Phoenix Settlement của Gandhi gần Durban. Viện nghiên cứu Albert Einstein của Sharp tổ chức những lớp học về đấu tranh phản kháng, cũng như Trung Tâm Ứng Dụng Bất Bạo Động (CANVAS) mới của Popovic đã đào tạo các nhà hoạt động dân chủ ở vài nước, trong đó có Ai Cập, Ukraine, và Georgia. 

Cũng có một vài lớp ở đại học. Một lớp là chương trình sau đại học về chiến lược và phương pháp thay đổi xã hội bất bạo động do CANVAS lập ra ở Đại học Belgrade. Lớp khác là giáo dục cao cấp về xung đột bất bạo động của Fletcher Summer Institute thuộc đại học Tufts ở Boston. 

Càng ngày cũng càng có nhiều giáo sư đại học nghiên cứu về lĩnh vực này. Sách và các bài viết của họ dần dần đang đến tay các nhà hoạt động dân chủ ở những nơi cuộc đấu tranh thực sự diễn ra, và những cuốn sách ấy đang nói với họ điều này : Để chiến thắng trong cuộc đấu tranh bất bạo động ta phải có sự lãnh đạo và chiến lược vững vàng. Theo thời gian những sáng kiến như thế sẽ đưa những kiến thức liên quan đến càng ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo mới xuất hiện để giúp họ trở thành những chiến sĩ bất bạo động giỏi hơn. Cho nên sự chia sẻ kiến thức ấy có lẽ khiến cho cuộc nổi dậy bất bạo động kế tiếp sẽ không chỉ lật đổ nhà độc tài, mà sẽ thay thế y bằng chính quyền dân chủ khả thi. 

Hugo Dixon

Nguyên tác : "The revolution will be organized", Reuters Magazine, 29/6/2012 

Trần Quốc Việt dịch

Published in Tư liệu