Lời giới thiệu : Việt Nam hiện tại chưa có Luật biểu tình, mặc dù hiến pháp cho phép biểu tình. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".
Xuống đường đòi quyền công dân - Ảnh minh họa
Trong phiên họp Quốc hội ngày 26/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt một câu hỏi và yêu cầu được trả lời rõ ràng, minh, đó là "Luật biểu tình lùi đến bao giờ ?". Theo bà Kim Thúy, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội.
Rõ ràng đây là một câu hỏi khó, những người có trách nhiệm soạn thảo Luật biểu tình đã tỏ ra bối rối và giải thích linh tinh. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói : "Dự án này đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này vì vẫn còn ý kiến khác nhau trên nhiều vấn đề quan trọng, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình".
Không đồng tình với cách giải thích này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng xây dựng Luật biểu tình là không khó, bởi đã được Hiến pháp quy định từ năm 1946. Xây dựng Luật biểu tình là để người dân dễ dàng thực hiện quyền công dân của mình một cách minh bạch, đồng thời cũng chống lại những người lợi dụng quyền biểu tình để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Thật ra lý do của sự trì hoãn này là ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã giao cho Bộ Công an (những người không có chức năng làm luật) soạn thảo Luật biểu tình chứ không phải Bộ Tư pháp. Chức năng của công an là giữ gìn an ninh trật tự, đàn áp và trấn áp biểu tình, do đó Luật biểu tình có thể sẽ không bao giờ được ra đời nếu Bộ Công an vẫn tiếp tục được giao quyền soạn thảo.
Nhưng cho dù có muốn hay không muốn ra Luật biểu tình, chính quyền cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục ngăn chặn mãi mãi những cuộc xuống đường tự phát của người dân đòi quyền sống, đòi cải thiện đời sống hay phản đối những ức hiếp của Trung Quốc về quyền lợi và an ninh lãnh thổ Việt Nam.
Chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả những suy tư về quyền biểu tình và quyền được phát biểu của người dân Việt Nam trong những năm qua tư của Trần Quốc Việt. (Nguyễn Văn Huy)
-------------------------
Sáng Chủ nhật ngày 11/5/2014, biểu tình đã đồng loạt nổ ra tại cả ba miền Việt Nam để phản đối hành động Trung Quốc đưa giàn khoan ra gần quần đảo Hoàng Sa. Báo chí trong nước đưa tin có hàng nghìn người tham gia.
Ngày của Lịch sử
Ngày Chủ Nhật này là ngày xuống đường phản đối Trung Quốc. Là ngày xuống đường đòi tự do cho người yêu nước. Là ngày đòi hỏi nhà nước phải thực sự chấm dứt tình trạng Trung quốc từng bước xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử sánh bước với chúng ta, lịch sử hò reo với chúng ta, lịch sử hiện ra trong ánh mắt của mỗi người trong chúng ta. Lịch sử bàng bạc trong khí trời, nắng gió, cảnh vật, và con người quanh chúng ta vào ngày này.
Ngày hôm nay chúng ta viết sử bằng bước chân mạnh mẽ của mình, bằng tiếng thét vang trời của mình trên đường phố dù chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ lọt thỏm trên phố xá đông người thờ ơ.
Ngày hôm qua chúng ta không được học lịch sử đích thực, thì ngày hôm nay chúng ta tự học và viết tiếp trang sử tồn tại của dân tộc qua hành động biểu tượng thiêng liêng tối thiểu : cất lên tiếng nói khẳng định chúng ta là Người Việt.
Chúng ta không cần biết chế độ toan tính những gì. Chúng ta chỉ biết chúng ta là người Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng tự ngàn đời được truyền lại : luôn luôn chống lại mọi mưu toan xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc.
Hôm nay chúng ta còn tiếng nói, còn khuôn mặt, còn tính cách, còn văn hóa, còn món ăn đặc trưng của người Việt Nam là nhờ sự hy sinh của hàng ngàn thế hệ đã không ngừng làm thất bại bao cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nếu không có những hy sinh vô cùng tận này của họ thì ngày hôm nay chúng ta không cần xuống đường vì chúng ta đã là người Trung Quốc tự lâu rồi. "Chúng ta học lịch sử không phải để biết cách hành xử hay biết cách thành công, mà để biết chúng ta là ai" (1).
Và câu hỏi chúng ta là ai sẽ được trả lời chung trên các đường phố Hà Nội và Sài Gòn.
Chúng ta hãy nhớ lời của Martin Luther King : "Chúng ta bắt đầu chết vào ngày chúng ta im lặng về những điều quan trọng".
Cố lên các bạn ơi !
Chúng ta biết thời gian, địa điểm và cả thời tiết ngày Chủ Nhật.
Chúng ta biết lý do chính đáng của cuộc biểu tình chống sự xâm lược càng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.
Điều duy nhất chúng ta không biết là chính mình.
Chưa hẳn vì sợ mà chúng ta không xuống đường.
Chính sự vô cảm trói chân ta lại.
Thì hãy nhìn quanh mình-bao khuôn mặt Việt Nam.
Thì hãy nhìn dưới đất mình - bao dòng máu Việt Nam đã xối xuống để cho hôm nay ta được đứng trên đất Việt Nam.
Thì hãy nhìn vào lòng mình - ta là người Việt Nam mà.
Sợ là cơn mưa không ai tránh được.
Nhưng sợ tan rất nhanh trong rừng người quanh mình.
Vô cảm mới chính là lưỡi dao ta tự đâm vào tim tổ quốc.
Ta có quyền vô cảm 364 ngày nhưng ta không có quyền vô cảm vào ngày Chủ Nhật này.
Hãy xuống đường hỡi anh hỡi chị hỡi em
Hãy xuống đường hỡi cô hỡi chú hỡi bác
Hãy xuống đường hỡi ông hỡi bà
Hãy xuống đường hỡi tất cả những đứa con của Mẹ Việt Nam.
Người duy nhất ở nhà vào ngày Chủ Nhật là người đã chết.
Nhưng hồn họ sẽ đi bên cạnh chúng ta
Vô hình, lặng lẽ, thủy chung
Họ thì thầm trong làn gió
Cố lên các bạn ơi.
Chúng tôi muốn mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất Mẹ Việt Nam.
Chúng tôi không muốn đổi quốc tịch sau khi đã chết.
Vì chúng tôi cố lên các bạn ơi.
Người duy nhất ở nhà là người mẹ mới sinh con.
Nhưng tâm tưởng họ sẽ chạy theo ta
Để ký thác vào ta
Niềm mơ ước con họ sẽ lớn lên làm người Việt Nam
Vì con tôi cố lên các bạn ơi.
Đôi chân của bạn là niềm hy vọng
Của họ
Và
Của lịch sử Việt Nam !
Nếu chúng ta không xuống đường thì chúng ta mặc nhiên chấp nhận những tiếng vỗ tay của chế độ, và tương lai con cháu ta sẽ xếp hàng dài dài hai bên đường để vỗ tay, vẫy cờ, tặng hoa cho những tên thái thú Tập Cận Bình mới.
Tương lai Việt Nam ở trong tim bạn
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói như sau về thuế mới mà người dân Tây Tạng phải đóng sau khi nước họ bị Trung Quốc đô hộ.
"Một viên chức Trung Quốc đến thăm một làng Tây tạng. Khi ông đến, tất cả mọi người trong làng đều tập trung lại để chào đón ông, và họ vỗ tay rất nồng nhiệt. Mãn nguyện, ông hỏi một người dân trong đám đông là họ có hạnh phúc dưới chế độ mới.
"Vâng, rất hạnh phúc", người Tây tạng được hỏi trả lời.
"Quá tuyệt".
"Chỉ có điều chúng tôi không thích thuế mới này".
"Thuế mới ?"
"Dạ. Thuế vỗ tay. Mỗi lần có người Trung Quốc đến đây, tất cả chúng tôi đều phải ra đón chào và vỗ tay".
Ngày hôm nay nhà cầm quyền cộng sản sẽ vỗ tay nồng nhiệt chào đón gã hoàng đế xâm lược Tập Cận Bình trong các buổi lễ đón tiếp, trên đường phố, trong hội trường Quốc hội... Thuế vỗ tay hôm nay và ngày mai là vết nhơ không bao giờ rửa sạch được đối với họ và con cháu họ nhưng là sự sĩ nhục vô cùng lớn đối với lương tâm của tất cả những người Việt Nam yêu nước trong và ngoài nước.
Vì thế chúng ta phải xuống đường và phải tạo ra những cơn sóng âm thanh cuồng nộ và dồn dập nhằm át đi những tràng vỗ tay lạc lõng, đớn hèn của một chế độ đã và đang phủ phục trước Trung Quốc nhằm hy vọng bám vào quyền lực mà xây trên biết bao nhiêu tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Còn nếu chúng ta không xuống đường thì chúng ta mặc nhiên chấp nhận những tiếng vỗ tay của chế độ, và tương lai con cháu ta sẽ xếp hàng dài dài hai bên đường để vỗ tay, vẫy cờ, tặng hoa cho những tên thái thú Tập Cận Bình mới.
Nhưng bạn sợ bị đàn áp khi bạn xuống đường. Bạn sợ bị ghi vào sổ đen, bị gây ra rất nhiều phiền toái sau này về việc làm và sinh kế. Bạn lo tương lai con cái và gia đình sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn xuống đường và bị bắt. Tất cả những gì bạn nghĩ đều đúng. Nhưng bạn là người Việt Nam yêu nước mà nếu bạn không làm thì ai làm thay cho bạn. Và rồi sau này bạn trả lời sao trước con cái mình và trước linh hồn tổ tiên ở thế giới bên kia.
Bạn không xuống đường vì bạn nghĩ chẳng có hy vọng gì. Và thêm hay bớt một người tham gia cũng chẳng thay đổi gì. Bạn nghĩ sai vì dù chẳng hy vọng gì nhưng bạn phải nói vì bạn không thể nào vẫn im lặng khi nước của bạn bị xâm lược và đồng bào của bạn bị sát hại. Bạn phải xuống đường và hành xử theo lương tâm của mình vì bạn nói lên sự thật và vì bạn là công dân dù chỉ hạng công dân trên giấy tờ. Chúng ta biểu tình và chẳng đạt được kết quả gì, nhưng ít nhất chúng ta cũng khẳng định với kẻ xâm lược và thế giới rằng chúng tôi luôn luôn là những người Việt Nam yêu nước chính danh sẵn sàng đả đảo vang trời những tên xâm lược. Và nếu hàng ngàn người bày tỏ đồng loạt những thông điệp như thế những kẻ nội thù và ngoại thù tất phải run sợ thật sự. Còn nếu bạn không làm gì cả thì chắc chắn thực tại sẽ càng ngày càng tệ hơn, và tối nay và tối mai những tràng pháo tay chào đón Tập Cận Bình phát đi từ máy truyền hình trong nhà bạn sẽ làm ô nhiễm tâm hồn con cái bạn và làm tủi hổ vong linh người đã khuất trên bàn thờ gia đình.
Lịch sử Việt Nam là cuộc trường chinh bất tận chống giặc Phương Bắc. Cuộc trường chinh ấy không vì bạn mà gián đoạn để rồi đẩy Việt Nam rơi vào hàng trăm năm Bắc Thuộc kiểu mới. Nhưng nếu bạn tham gia thì dòng chảy lịch sử ấy sẽ tăng thêm một giọt nước của sức mạnh nữa và dân tộc ta thêm một giây phút tồn tại trong tư thế đứng thẳng hào hùng.
Có hai quy luật thông thường nhân loại đã rút ra từ những cuộc đấu tranh : nếu bạn không hành động vì sợ khủng bố và trấn áp thì bạn đã thua rồi; nếu bạn tham gia đấu tranh chỉ khi bạn chắc chắn chiến thắng thì bạn đã đầu hàng rồi. Tất cả chúng ta, bao gồm bạn, không được thua hay đầu hàng trước kẻ thù mà tổ tiên nghìn đời của chúng ta đã bao phen chiến thắng oanh liệt.
Tương lai Việt Nam trong tim bạn. Tương lai Việt Nam trên đôi chân bạn. Ngày hôm nay đôi chân bạn đưa bạn đến những nơi mang tên hai bậc anh hùng và anh thư của Việt Nam-Hoàng Diệu và Hai Bà Trưng. Như vậy hồn thiêng lịch sử đứng về phía bạn. Tại những nơi này trái tim Việt Nam nghìn đời nhập vào trái tim bạn để hòa cùng với muôn triệu trái tim Việt Nam cá nhân khác hiện diện ở đấy và trên toàn thế giới để hô vang kinh thiên động địa tiếng đả đảo Tập Cận Bình và những tên tay sai khấu đầu như sâu mọn trước y. Tiếng vỗ tay mừng kẻ xâm lược sẽ bị trơ trẽn và tan biến như bọt bèo trước những cơn sóng phẫn nộ của lòng dân đã bắt dầu dâng lên mạnh mẽ và đồng loạt từ Hà Nội đến Sài Gòn. Bạn là giọt nước tạo thành những cơn sóng nhấn chìm kẻ thù nếu bạn sát cánh hôm nay với bao đồng bào trên đường phố. Bạn là hiện thân của tương lai Việt Nam tự do và độc lập nếu bạn lên đường theo tiếng gọi của trái tim lịch sử vẫn còn đập sau hơn bốn ngàn năm.
Chị Trần Thị Hồng Minh (Khoa Nội nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cả gia đình chỉ bám viu vào đồng lương ít ỏi. Chị cho biết những tháng được nhận 50% lương cơ bản chỉ được hơn 2 triệu 1 tháng cộng với phụ cấp ngành nhận tổng hơn 3 triệu. Nhưng 2 tháng gần đây thì không nhận được đồng lương nào. (Ảnh báo Lao Động online, 21/03/2022)
Hãy xuống đường hôm nay để tránh giá treo cổ ngày mai
Hãy xuống đường đồng loạt và liên tục dưới bóng sắc phục, dùi cui, và nắm đấm hôm nay còn hơn để con cháu ta phải xuống đường dưới họng súng Thiên An Môn và giá treo cổ của Trung Cộng ngày mai.
Hãy đi "bão" trong đêm nay để phản kháng bằng biển âm thanh cuồng nộ cơn bão Bắc Thuộc sắp tràn vào đất liền Việt Nam vào rạng sáng ngày mai.
Chúng ta không phải là những con thú cam chịu xếp hàng đi vào lò sát sinh Hán hóa. Tinh cha Việt Nam huyết mẹ Việt Nam sinh thành nên ta. Hãy đừng làm hoen ố dòng sông tinh huyết Việt Nam luân lưu muôn đời qua hơn bốn ngàn năm lịch sử ấy khi ta hôm nay im lặng chỉ để được để yên thân và cúi mặt xuống với bao lo toan đời thường mà phó mặc cho tổ quốc và bao thế hệ sau ta phải chịu cảnh lăng trì thảm khốc toàn diện về mọi phương diện dưới bàn tay của kẻ đô hộ tàn bạo.
Thế giới có hàng trăm nước nhưng chỉ có một nước Việt Nam. Mất nước rồi chốn nào ta quay về, mặt mũi nào ta nhìn người ngoài lúc còn sống, hồn nào ta đối mặt với cha ông ở thế giới bên kia. Tủi nhục của kẻ nô lệ mất quê hương sẽ vô bờ bến. Con cháu ta dưới bóng roi vọt và trong cơn mưa nước mắt tuyệt vọng cũng sẽ trách chúng ta vô bờ bến.
Hãy tin vào sức bật Việt Nam và linh hồn Việt Nam bất diệt tiềm ẩn trong ta. Hãy noi gương hàng ngàn thế hệ tiền nhân để hôm nay ta hãy vượt qua mọi sợ hãi và tạm gác mọi sự qua bên để cùng nhau nắm tay đoàn kết muôn người như một để bảo vệ Việt Nam đang lâm nguy.
Sự tồn vong của Việt Nam là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người Việt. Vì thế mỗi người hãy lên tiếng mãnh liệt, hãy xuống đường thật đông thật mãnh liệt như sóng thần để chặn đứng tức thì nguy cơ họa xâm ngay trước mặt trước khi quá muộn.
Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm trong tay tôi, tay anh, tay chị, tay em, tay ông bà cha mẹ.
Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm ở đôi chân xuống đường của tất cả mọi người con của Mẹ Việt Nam với tiếng thét lay động lịch sử, sông núi, và hồn người : "Việt Nam muôn năm... muôn năm... muôn năm".
Biểu tình chống hủy diệt môi trường. Hình từ AFP
Phải xuống đường đến cùng trên con đường Sự thật và Đấu tranh
Chúng ta hãy đối mặt với sự thật để nhận diện tương lai. Sự thật ấy là Luật Đặc khu là sự khởi đầu của quá trình Hán hóa Việt Nam.
Nhiều người nhận ra sự thật nhưng không dám đối mặt với sự thật. Còn đa số không quan tâm và coi như không có gì xảy ra. Họ gợi cho ta nhớ lại lời được cho là của Đức Phật :
"Chỉ có hai sai lầm ta có thể mắc phải trên con đường đi đến sự thật; không đi đến cùng, và không bắt đầu đi".
Không đi đến cùng để khỏi đối mặt với lương tâm, trách nhiệm, và hy sinh. Không bắt đầu đi là còn chìm đắm trong sợ hãi và vô cảm.
Con đường duy nhất để xóa bỏ Luật Đặc khu là con đường toàn dân cùng xuống đường liên tục trong tinh thần bất bạo động. Xuống đường là sẵn sàng chờ đợi sự đàn áp và lao tù tất yếu. Tinh thần bất bạo động là tinh thần mà Martin Luther King kêu gọi :
"Phản kháng bất bạo động là chấp nhận đau khổ mà không trả thù, chấp nhận những cú đánh của đối thủ mà không đánh trả. "Dòng sông máu có thể phải chảy trước khi chúng ta đạt được tự do, nhưng nó phải là máu của chúng ta". Gandhi nói với đồng bào ông. Người phản kháng bất bạo động sẵn sàng chấp nhận bạo lực nếu cần thiết, nhưng không bao giờ gây ra bạo lực. Họ không tìm cách lẩn tránh nhà tù. Nếu đi tù là cần thiết, thì họ đi vào tù "như chú rể đi vào phòng cô dâu"."
Con đường đến tự do là con đường đến sự thật mà đa số phải đi đến cùng để nhận thức rồi để hành động trên tinh thần bất bạo động đến cùng. Con đường như thế chính là con đường tất cả mọi người đồng lòng cùng nhau chép nên trang sử mới tinh khôi rạng rỡ của quê hương bằng nét bút can đảm và dòng mực máu của tất cả mọi người.
Vũ khí xuống đường của người xuống đường là sự thật và tinh thần bất bạo động cộng với dòng máu yêu nước của muôn đời. Và có thể thêm đóa hoa để cắm lên hàng rào kẽm gai hay tặng cho người đồng hành ngã xuống trước dùi cui.
Biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn ngày 04/11/2015. Facebook
Tập Cận Bình đến Việt Nam và hành động của chúng ta
Nhà cầm quyền cộng sản đã khai màn chiến dịch đàn áp khốc liệt nhằm tiêu diệt từ trong trứng nước những ý định của những người yêu nước muốn biểu thị tinh thần yêu nước ngàn đời qua việc tổ chức các hành động phản đối chuyến vi hành của Tập Cận Bình đến Việt Nam. Hai mươi mốt phát đại bác và quốc yến chào đón y ở Mỹ, và y ngồi sóng đôi với nữ hoàng Anh trên cỗ xe ngựa lộng lẫy giữa những kỵ binh hoàng gia rực rỡ trong cuộc đón tiếp rất trọng thể ở Anh. Nhưng Việt Nam là nơi chúng ta phải lột truồng tất cả các lớp vàng son và hào nhoáng thế giới đã dát lên người y để cho tất cả mọi người thấy trước mặt họ chỉ là gã hoàng đế xâm lược mới đang nối tiếp bước chân của bao vương triều Trung Quốc trên con đường quyết tâm đô hộ Việt Nam. Dàn chào y ở đất nước hình chữ S này là biển ánh mắt căm thù và âm thanh cuồng nộ sôi sục của tất cả tinh thần yêu nước nồng cháy và ý chí bất khuất của hơn bốn ngàn năm lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Thông điệp truyền đi phải rõ ràng. Trung Quốc đã và đang nuốt trọn biển Đông, đã chiếm biển đảo, đã ngoạm lấy những vùng đất biên giới, đã hiện diện nhiều nơi như những tô giới Tàu ở Việt Nam, và cuối cùng sẽ xâm lược và đồng hóa Việt Nam. Phần quan trọng nhất của thông điệp của chúng ta gởi cho họ Tập là mày hãy cút xéo về nước và đừng mơ tưởng đến cuộc Bắc thuộc khác và hãy nhớ rằng lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng dòng máu yêu nước tự ngàn xưa ấy vẫn chảy thầm lặng trong lòng mọi người Việt Nam.
Từ yêu nước và tràn đầy nhiệt huyết chúng ta sẽ nghĩ ra muôn vàn cách biêu riếu y khắp nơi từ chỗ công cộng đến chốn riêng tư, từ trên mạng xuống đường phố. Yêu nước sẽ khiến cho chúng ta sáng tạo những cách thể hiện phản kháng phong phú và độc đáo. Nếu chúng ta không thể nào hành động tập thể thì hãy hành động cá nhân. Phải đả đảo, phải khoan cắt bê tông tên Tập Cận Bình trong từng con hẻm, trên lòng đường, trên những vách tường, trên mạng. Việt Nam phải dậy sóng trong thời gian y đặt chân trên đất nước đã thấm đẫm những dòng máu nóng của rất nhiều thế hệ cha ông đã đổ xuống để hôm nay chúng ta vẫn hiện hữu tập thể như dân tộc Việt duy nhất trên hành tinh này.
Nhà cầm quyền nhất định đàn áp dữ dội bất cứ cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào trong tuần tới, nhưng họ sẽ không thể nào bịt miệng được tất cả những tiếng nói yêu nước đồng loạt của tất cả các công dân. Chúng ta phải thắng trong cuộc chiến một tuần này với tên Tập Cận Bình. Tuần tới chúng ta phải đứng lên làm người Việt Nam yêu nước để cảnh cáo họ Tập, để nhắc cho y và đồng bọn nhớ lại những bài học lịch sử đau đớn.
Trong cuộc chiến đấu bất bạo động sắp đến này chúng ta phải khơi dậy và tung ra toàn bộ sức mạnh tiềm tàng của trí tuệ, lịch sử và chính nghĩa để chống lại bạo quyền hèn với giặc ác với dân và bọn xâm lược mà đại diện là gã Tập Cận Bình. Linh hồn của muôn ức triệu người Việt đã khuất sẽ sát cánh vô hình bên chúng ta, khích lệ chúng ta thực thi quyền yêu nước và quyền sinh tồn tự nhiên tồn tại trước tất cả mọi chế độ. Chúng ta phải thắng!
Biểu tình phản đối chính sách hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông
Hãy đi về nơi ấy
Trong tác phẩm Hai Bà Trưng, nhà ái quốc Nguyễn An Ninh viết như sau :
"Đời người giống như canh bạc. Canh bạc chỉ có hai cửa : thắng và thua. Đời người cũng chỉ có hai cửa : sống và chế t; thiện và ác. Nếu ta không chọn, nếu ta không quyết chí theo con đường của mình, kết cục ta sẽ vẫn phải đi qua một trong hai cánh cửa ấy để đến danh dự và ô nhục, cao cả hay hèn nhát. Tuy nhiên có sự khác biệt. Đối với kẻ đánh bài, cứ giữ nguyên những quân bài làm "nhà" có nghĩa là thua. Còn với ta, con đường đưa đến chiến thắng là hãy quyết tâm sống và làm theo lẽ phải" (2).
Hai Bà Trưng đã bước qua cửa danh dự và cao cả này để mở đầu lịch sử cuộc trường chinh bất tận chống giặc ngoại xâm Trung Quốc. Noi gương Hai Bà, những bậc anh hùng và anh thư của bao thế hệ sau đã đi qua cánh cửa đời người ấy để đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chúng ta không phải là người thừa hưởng di sản của họ. Chúng ta chỉ gìn giữ và bồi đắp thêm vào di sản ấy để trao lại cho những thế hệ sau chúng ta. Chúng ta không có quyền làm hao hụt hay hoen ố di sản lịch sử vô giá của rất nhiều thế hệ tổ tiên đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bồi đắp nên.
Di sản nước Việt Nam chung ấy hôm nay đã bị xâm phạm thô bạo. Mũi khoan Trung Quốc đâm vào lòng biển chúng ta cũng là mũi khoan đâm vào từng mạch máu và từng thớ thần kinh trong lương tâm của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước.
Cho nên dù muốn hay không chúng ta phải xuống đường vì chúng ta phải có trách nhiệm với những thế hệ sau. Ngày Chủ Nhật này chúng ta hãy rời cửa nhà riêng của mình để bước vào cửa chung lịch sử đã vinh danh : danh dự và cao cả. Việt Nam đã và đang tồn tại hơn bốn ngàn năm chính vì rất nhiều người anh hùng hữu danh và vô danh đã đi qua cánh cửa lịch sử này.
Dòng suối chảy xa đến đâu cũng nhớ đến cội nguồn của nó (3). Mấy ngày hôm nay bất kể ngày và đêm mỗi khi tỉnh thức và cả trong giấc ngủ dòng suối lịch sử ấy sao cứ vỗ hoài vào lòng người điệp khúc : đừng làm tủi lòng lịch sử, đừng phụ công lao lịch sử. Hồn lịch sử phảng phất trong tâm tưởng ta như thúc giục ta phải hành động, phải có trách nhiệm trước sự sinh tồn của quê hương.
Câu trả lời là hãy đi về nơi tất cả các dòng suối khởi đi từ cội nguồn chung ấy tụ về. Nơi ấy chúng ta sẽ sát cánh bên nhau, bước chung bên nhau, hô vang bên nhau và cùng nhau thực hiện trách nhiệm tối thiểu của những người gìn giữ di sản được truyền lại từ ngàn đời. Nơi ấy chúng ta thắp lên nén hương lòng cho những người đã nằm xuống để Việt Nam không phải quỳ xuống trước giặc ngoại xâm và hiệp thông tinh thần với biết bao nhiêu người yêu nước đương thời đã khuất hay đang bị giam cầm.
Bạn ơi, bạn hãy chọn đi về nơi ấy - nơi của những người
Bạn ơi, bạn hãy chọn cánh cửa của đời mình làm sao để cho cánh cửa Việt Nam mở ra tươi sáng cho muôn ngàn đời sau.
Một cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội năm 2016
Hãy xuống đường vì lương tâm mình
Sống dưới chế độ toàn trị đối với đại đa số mọi người là chọn thỏa hiệp và im lặng. Thỏa hiệp và im lặng cho bản thân và cho gia đình từ ngày này sang ngày khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuối đường dài thỏa hiệp bất tận ấy là cá nhân được tồn tại ngày càng mong manh giữa môi trường sống tinh thần, văn minh và tự nhiên ngày càng nhiễm độc và lụi tàn.
Thỏa hiệp và im lặng ấy đồng nghĩa với chờ đợi ngày mai tươi sáng mà không bao giờ đến khi đa số chọn đứng bên lề, với ảo vọng mà ta cứ tưởng là hy vọng về sự tất yếu của lịch sử rằng rồi cuối cùng thiện thắng ác và ánh sáng thắng bóng tối.
Đại đa số ấy chính là chúng ta - những kẻ đứng bên lề cuộc đấu tranh tập thể và sự lên tiếng tập thể trước bao cái ác rành rành của bạo quyền.
Vì sự thỏa hiệp và im lặng ấy lịch sử Việt Nam từ hậu bán thế kỷ hai mươi đến nay là những núi xương sông máu trải dài trên khắp nước từ cải cách ruộng đất đến cuộc nội chiến với hàng triệu người chết đến bao tội ác cộng sản thời hậu chiến. Dưới ánh sáng của lương tâm và đạo lý muôn đời những kẻ gây ra tội ác ấy được coi như là đã chết trước khi họ thật sự chết. Nhưng những kẻ chọn thỏa hiệp và im lặng trước tội ác của họ phải chịu trách nhiệm trước lương tâm mình và trước những thế hệ sau. Vì, xét cho cùng, qua thỏa hiệp và im lặng trước cái ác, chúng ta hạ mình xuống như là những đồng phạm ngang hàng với những kẻ thủ ác.
Nhà văn-triết gia Mỹ Ayn Rand khẳng định như sau về sự thỏa hiệp và đạo đức :
"Không thể nào có thỏa hiệp về những nguyên tắc đạo đức. "Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thực phẩm và thuốc độc, chỉ cái chết có thể thắng. Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thiện và ác, chỉ cái ác có thể có lợi". (Atlas Shrugged).
Lần sau nếu ta muốn hỏi : "Phải chăng cuộc sống không cần thỏa hiệp ?" thì hãy chuyển câu hỏi ấy sang câu hỏi khác mang ý nghĩa thật sự : "Phải chăng cuộc sống cần từ bỏ điều đúng và thiện cho điều giả dối và ác ?". Câu trả lời là rằng đấy chính là điều cuộc sống cấm- nếu ta hoàn toàn không muốn đạt đến những năm dài tra tấn trong sự tự hủy diệt từ từ".
Chúng ta không thể đứng bên lề và im lặng mãi trước cái ác trước mặt mình. Lòng nhân ái và lương tâm thúc giục chúng ta phải lên tiếng dù kết quả có được hay không. Vì thế, ngày chủ nhật này chúng ta hãy xuống đường không chỉ vì hàng trăm ngàn con cá đáng thương bị giết chết hay vì hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sinh kế vì thảm họa môi trường ngày đang lan rộng hay để giữ gìn biển cả cho mình và thế hệ sau mà còn chính vì để cứu lương tâm thiên phú đã bị hoen ố ít nhiều của chúng ta.
Trần Quốc Việt
(10/06/2022)
Chú thích :
(1) Lời của triết gia Leszek Kolakowski
(2) Tác phẩm Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh, Saigon, 1928, trang 45. Đoạn trích dẫn được người viết bài này dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt.
(3) Ngạn ngữ Châu Phi.