Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính quyền Nghi Sơn đang khủng bố tinh thần dân chúng

Hùng – Sơn, VNTB, 02/11/2023

Ông Mai Sỹ Lân, phó chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, khẳng định những thông tin trên mạng xã hội, tổ chức phản động lan truyền về việc chính quyền địa phương cưỡng chế và đàn áp người dân phản đối xây dựng ở cảng Long Sơn là bịa đặt.

nghison1

Chính quyền Nghi Sơn dường như đang muốn chính trị hóa vụ việc đơn giản là người dân phản ứng khi bị triệt đường sinh kế bằng nghề biển truyền thống

Chính quyền Nghi Sơn dường như đang muốn đẩy vấn đề lên ở mức của một nghi án màu sắc chính trị trong vụ việc đơn giản là người dân phản ứng khi bị triệt đường sinh kế bằng nghề biển truyền thống (*).

Để tránh bị chụp mũ "tổ chức phản động", nhóm thực hiện bài viết này căn cứ vào luật pháp hiện hành để phản hồi ý kiến cực đoan trên của ông Mai Sỹ Lân.

Khủng bố tinh thần dân chúng

Trước hết, luật Hiến pháp bảo hộ người dân ở xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa về các quyền tự do biểu đạt chính kiến, quyền biểu tình. Thế nhưng ngay từ khởi đầu, chính quyền đã cố tình hình sự hóa những hành vi thuộc quyền dân sự Hiến định đó thành án hình sự cùng hàng loạt đe dọa qua báo chí, cho thấy chính quyền thị xã Nghi Sơn đang có dấu hiệu khủng bố tinh thần người dân, bịt miệng dân chủ ; và lẽ đương nhiên qua đó cho thấy là vi Hiến.

Pháp luật hình sự quy định, một hành vi sẽ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các biểu hiện sau đây : Tạo ra những thông tin không đúng sự thực và loan truyền các thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin không đúng sự thực. Tuy không tự đưa ra các thông tin không đúng sự thực nhưng có hành vi loan truyền thông tin sai do người khác tạo ra, mặc dù biết rõ đó là những thông tin sai sự thực.

Cụ thể, nhóm người dân ở xã Hải Hà đã phải cùng nhau tuần hành trên một số tuyến đường ở Nghi Sơn, dẫn đến cản trở giao thông, là nhằm thu hút sự chú ý của công luận về nguyện vọng được mưu sinh bằng nghề biển của cha ông để lại. Họ không nhằm mục đích gây rối, vì nguyện vọng mưu sinh là họ đang bày tỏ ‘đệ đơn’ với chính quyền, nên lẽ thường tình, trong tình cảnh đó họ không hề có tâm lý của việc chống đối chính quyền.

Chỉ vài tiếng đồng hồ ngay sau cuộc tuần hành đó, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã khởi tố vụ án hình sự, và qua hệ thống báo chí nhà nước, chính quyền đã đưa ra tất cả thông tin nhằm phục vụ mục đích của yêu cầu ở một án hình sự. Người dân không có bất kỳ kênh truyền thông nào mang tính độc lập để lên tiếng biện giải.

Chính trị hóa thay vì… "Dân vận khéo"

Vẫn chưa dừng lại. Khi mạng xã hội vào cuộc với những góc nhìn phân tích trong áp lực của Luật an ninh mạng, của đe dọa điều luật hình sự 331, thì phía chính quyền lại tiếp tục theo hướng "chính trị hóa", khi cho rằng các ý kiến trái chiều với chính quyền đều đến từ "tổ chức phản động" ; tức chính quyền – cụ thể ở đây là ông Mai Sỹ Lân đang chiêu trò "tâm lý chiến" được quy định tại điều luật hình sự 117.1.c.

Nếu người viết cũng được quyền suy diễn tương tự của chiêu trò "tâm lý chiến" như ông Mai Sỹ Lân chẳng hạn, thì với những gì đang diễn ra ở thị xã Nghi Sơn trong vụ người dân phản đối dự án cảng container Long Sơn, cho thấy công tác dân vận của Đảng đang bị vô hiệu hóa bởi những đảng viên lãnh đạo ở địa phương này.

Xin được trao đổi bằng ngôn từ quen thuộc của những đảng viên với các đồng chí ở Nghi Sơn.

"Dân vận" là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 15/10/1949 dưới bút danh X.Y.Z đăng trên báo Sự thật, số 120. Đây là thời điểm có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến (*)

"Dân vận khéo" không thể chỉ là một chiều từ trên xuống mà là hai chiều. Phải lắng nghe, phản hồi, đối thoại, khuyến khích sự đóng góp ý kiến, sáng kiến của dân. "Dân vận khéo" là làm cho dân thấy quyền lợi, nghĩa vụ, thấy lợi ích hài hòa, triển khai những việc làm thiết thực gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân. "Dân vận khéo" là chia sẻ được nỗi niềm, bức xúc của dân, động viên sức dân, góp thành lực lượng toàn dân thực hiện khát vọng dân giàu, nước mạnh…

Với người dân xã Hải Hà, Nghi Sơn, một khi họ vẫn tiếp tục phản đối, thì đó là vì họ chưa thuyết phục trước lý lẽ của chính quyền, tức "dân vận" ở đây có vấn đề. Nếu chọn hình sự hóa, tức "dân vận" bằng súng đạn, tù đầy, thì dễ đưa đến tức nước vỡ bờ ; khi đó xem chừng chuyện "chống chính quyền nhân dân" đến từ chính quyền Nghi Sơn của giọt nước tràn ly – điều mà cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã khuyến cáo từ năm 2019 : "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi".

Hùng – Sơn

Nguồn : VNTB, 02/11/023

Tham khảo :

(*) https://baothanhhoa.vn/.../bac-bo-thong-tin.../198707.htm

(**) https://dangcongsan.vn/.../gioi-thieu-bai-bao-dan-van...

*************************

Công an Nghi Sơn hình sự hóa một hành vi vi phạm hành chính

Cát Tường, VNTB, 31/10/2023

Công an thị xã Nghi Sơn đã nhanh chóng hình sự hóa, khởi tố, đe dọa, trấn áp những người tham gia biểu tình tại Nghi Sơn sáng 23/10/2023.

nghison1

Người dân vẫn tụ tập đông người ở bến số 3 để phản đối việc xây cảng

Việc người dân biểu tình phản đối dự án Cảng container Long Sơn ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lẽ ra chỉ phải đối mặt với xử phạt hành chính về chuyện… "biểu tình chưa có giấy phép".

Đàng này, công an thị xã Nghi Sơn đã nhanh chóng hình sự hóa, khởi tố và… xét nhà với hàng loạt đe dọa, trấn áp luôn cả những đứa trẻ vị thành niên đã tham gia vào cuộc tuần hành trên đường phố Nghi Sơn hôm sáng 23-10/2023.

Phạt hành chính thay vì đe dọa xử tù

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký ; tức khi ấy sẽ là "biểu tình có giấy phép".

Nếu biểu tình mà… thiếu "giấy phép" thì căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng như sau :

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này ;

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng ;

+ Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng ;

+ Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương ; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác ;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :

+ Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương ;

Theo đó, các hành vi biểu tình gây rối trật tự công cộng có thể chịu mức phạt đến 8.000.000 đồng.

Trách nhiệm hình sự khi nào ?

Biểu tình trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 như sau :

Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm :

a) Có tổ chức ;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách ;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng ;

d) Xúi giục người khác gây rối ;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng ;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, nếu người có hành vi biểu tình mà có hành vi đập phá hủy hoại tài sản của tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017) như sau :

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm :

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm ;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội ;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm :

a) Có tổ chức ;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng ;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia ;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác ;

đ) Để che giấu tội phạm khác ;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại ;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu người biểu tình có mục đích chống chính quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội phá rối an ninh tại Điều 118 Bộ luật Hình sự 2015 và Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 114 Bộ luật Hình sự 2015 như sau :

Tội phá rối an ninh

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, tùy vào từng trường hợp biểu tình cụ thể sẽ có hình thức xử phạt khác nhau phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Thay lời kết

Tình tiết vụ người dân tụ tập phản đối dự án xây dựng Cảng container Long Sơn ở tỉnh Thanh Hóa, tính đến hiện tại cho thấy xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, thì chưa có dấu hiệu về hình sự.

Việc nhà chức trách Thanh Hóa đã cố tình hình sự hóa mang tính trấn áp, cho thấy dường chừng muốn đe dọa nói chung về bất kỳ tiếng nói phản kháng nào của dân chúng về chính sách mà địa phương này đã đưa ra cả trong tương lai.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 31/10/2023

***************************

Công an Thanh Hóa bắt giữ hàng chục người dân phản đối Dự án Cảng Container Long Sơn

RFA, 31/10/2023

Tiếng kêu than khóc của hàng chục người phụ nữ hòa cùng tiếng kêu cứu của nam giới vang lên ở khu vực thi công số 3 của Dự án Cảng Container Long Sơn hôm thứ ba 31/10/2023.

nghison2

Bãi biển Hải Hà trước khi người dân bị trấn áp sáng ngày 31/10/2023 - Báo Thanh Niên

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa ngay từ sáng sớm đã điều động hàng trăm cảnh sát cơ động trấn áp bắt giữ nhiều người dân ở xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn để chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng.

Sự việc xảy ra sau nhiều ngày các cư dân địa phương biểu tình và cử người canh gác bãi biển nhằm không cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn thi công trước khi chính quyền địa phương có giải pháp thoả đáng trong việc đền bù, tái định cư cũng như đảm bảo bờ bãi cho tàu thuyền của họ ra vào.

Hình ảnh video người dân cung cấp cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị cùi cui và khiên chắn. Ít nhất một người đàn ông bị thương ở đầu và quần áo có nhiều vết máu.

Một người dân Hải Hà không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 31/10 :

"Vào khoảng 4 giờ sáng, hàng trăm cảnh sát cơ động được điều động xuống hiện trường và đẩy người dân chúng tôi ra khỏi bãi biển.

Khi chúng tôi không chịu đi thì cảnh sát cơ động dùng dùi cui đánh đập chúng tôi. Nhiều người bị thương ở đầu và chân tay. Họ còn bắt nhiều người và đưa đi khỏi hiện trường".

Một người dân khác có mặt ở hiện trường khi việc trấn áp xảy ra, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh :

"Có hơn 10 người bị đánh sứt đầu hoặc xây xước chân tay còn số người bị bắt là 16. Họ bị đưa đi lên Công an thị xã Nghi Sơn.

Bà con định kéo nhau đi đòi người thì bị công an chặn đường ngay từ đầu làng.

Hiện người dân đã bị đẩy lui khỏi bãi biển và công nhân của Công ty Long Sơn thi công san lấp mặt bằng. Chúng tôi đã thua chính quyền trong việc giữ bãi làm kế sinh nhai".

Một người dân khác cho biết cơ quan chức năng đã sử dụng máy phá sóng để hạn chế người dân phát tán hình ảnh về vụ trấn áp. Công an cũng ngăn cấm người dân dùng điện thoại để quay phim.

Để kiểm chứng thông tin người dân cung cấp, chúng tôi có gọi điện cho Công an thị xã Nghi Sơn và Công an tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, hai người trực máy của hai cơ quan này từ chối trả lời về vụ việc và yêu cầu phóng viên tới cơ quan cùng với giấy giới thiệu để được cung cấp thông tin.

Báo Thanh Hóa online của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa ngày 31/10 đưa tin lực lượng công an tỉnh này phối hợp với chính quyền thị xã Nghi Sơn và xã Hải Hà đã "triển khai phương án đảm bảo thi công bến số 3, Cảng container Long Sơn để nhà thầu thi công thực hiện dự án đúng tiến độ".

Bản tin cũng cho biết trong sáng cùng ngày do "một bộ phận người dân xã Hải Hà tiếp tục có các hành vi gây cản trở thi công" nên lực lượng chức năng đã "tạm giữ một số đối tượng để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật".

Bản tin không nói rõ có bao nhiêu người bị bắt giữ và cũng không tường thuật về việc nhiều người dân bị thương vì cảnh sát cơ động đánh.

Trước đó, vào ngày 23/10, Công an thị xã Nghi Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" sau khi có khoảng 300 người dân xã Hải Hà, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã biểu tình trên tỉnh lộ 513 để phản đối dự án. Công an địa phương cho rằng cuộc biểu tình này gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực.

Nhiều người dân vẫn tập trung ở bãi biển Hải Hà cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn cản chủ đầu tư- Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn thi công dự án có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng cho dù công an địa phương triệu tập một số người lên đồn công an để buộc họ phải viết cam kết không tham gia tụ tập ở khu vực thi công.

Trong ngày 29/10, Công an Nghi Sơn đã tổ chức khám xét khẩn cấp nhà của một ngư dân tham gia biểu tình- chị Cao Thị Lĩnh, nói là thu giữ tài liệu kích động người dân chống đối dự án. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết tài liệu mà phía công an thu giữ được chỉ là sổ tay ghi chép người dân đóng góp tiền ăn trong thời gian tham gia giữ bãi biển.

Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, được thiết kế xây dựng trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc triển khai xây dựng dự án vào thời điểm này là rất cần thiết nhằm hình thành, phát triển khu vực cảng container chuyên dụng đầu tiên tại Cảng Nghi Sơn.

Bến số 3 của dự án được cho là sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió, đồng thời tạo thành vùng nước, diện tích khoảng 10 ha phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.

Dự án cũng được cho là góp phần tăng nguồn thu cho Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà, cùng nhân lực trong, ngoài tỉnh. Tuy vậy, một số người dân khẳng định họ không hề được hỏi ý kiến về dự án mặc dù là đối tượng chịu tác động.

Hải Hà là xã có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu. Có hơn 400 hộ dân làm ngư nghiệp với gần 450 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Xã này nằm giữa các dự án công nghiệp như nhà máy xi-măng, nhà máy nhiệt điện, cảng than, và nhà máy thép.

Nguồn : RFA, 31/10/2023

***************************

Biểu tình và cố tình gây rối : cần luật hóa

Hoài Nguyễn - Thới Bình, VNTB, 31/10/2023

Một số cá nhân liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng tại Nghi Sơn bị triệu tập, làm việc với công an.

bieutinh1

Người dân tụ tập đông người sáng 23/10 trên tỉnh lộ 513, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh : Thị ủy Nghi Sơn cung cấp

Người dân ích lợi gì khi đi kiếm chuyện gây rối với chính quyền ?

Nguồn tin từ nhà chức trách cho biết Công an thị xã Nghi Sơn "tiếp tục triệu tập và làm việc với một số cá nhân để làm rõ các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, kích động người dân thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn".

Phía công an cho rằng "gây rối trật tự công cộng", trong khi người dân cho rằng đây là "quyền biểu tình Hiến định".

Cả hai đều có cái lý riêng dẫn đến nhiều tranh luận về pháp lý khi mà đến tận hôm nay, Hà Nội vẫn chưa luật hóa quyền biểu tình được nêu ở Điều 25 của luật Hiến pháp 2013.

Nhà chức trách lập luận cho hành vi gây rối trật tự công cộng : việc hàng trăm người dân tụ tập, mang theo băng-rôn, biểu ngữ, hò hét phản đối việc xây dựng bến số 3, Cảng container Long Sơn, đã đi bộ ra tỉnh lộ 513 từ xã Hải Hà, qua xã Hải Thượng, Hải Yến gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trên dọc tuyến tỉnh lộ 513, kéo dài khoảng 1km, trong thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 45 phút cùng ngày.

Từ nhận định trên cho thấy ở đây cái gọi là "động cơ gây án" chính là người dân cảm thấy mối nguy ngày càng gần hơn của việc mất quyền lao động cho sinh kế - một quyền cũng được Hiến định tại "Điều 34. Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội", và "Điều 35.1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc".

Chắn chắn ở đây ngay từ lúc chuẩn bị cho việc biểu tình, không một người dân nào có tâm lý, hay tâm trạng là "chống chính quyền", mà chỉ bày tỏ yêu cầu về những lo lắng của người bản xứ khi mối đe dọa ngày càng gần của mất quyền mưu sinh bằng nghề truyền thống của cha ông.

Không luật hóa mới là nguyên nhân đưa đến "gây rối"

Cựu phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cựu Bí thư Thị ủy Sầm Sơn từng phát biểu vầy ở nghị trường vào chiều 26-5/2014 – trích : "Biểu tình là quyền con người phổ quát của nhân loại, đã được Hiến pháp nước ta quy định từ năm 1946 đến nay. Biểu tình là một trong các nhu cầu của cuộc sống.

Chúng ta thường thấy các vụ tụ tập đông người, đó là những nông dân đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của họ về đất đai, công nhân tụ tập đông người khi quyền lợi của họ bị xâm hại, có phải đó là những cuộc biểu tình không ? Và cho đến các cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc vừa qua thì càng thấy rõ là cần Luật biểu tình".

Theo đại biểu Nam, việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người hay biểu tình đều có nguy cơ bị lợi dụng và thực tế đã bị lợi dụng trong nhiều vụ việc để chống đối Nhà nước, chống lại chế độ, gây nhiều hậu quả xấu, đặc biệt là những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra vừa qua như ở Bình Dương, Hà Tĩnh.

"Yêu cầu khách quan đòi hỏi thực tiễn phải xây dựng Luật biểu tình để phục vụ nhân dân và cũng là yêu cầu hết sức bức thiết để quản lý nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế" - ông Nam nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Nam, "Thủ tướng Chính phủ đã từng kiến nghị xây dựng Luật biểu tình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tôi nghĩ đây là một dự án luật có nhu cầu rất cấp thiết, ban hành được thì sẽ rất nhiều mặt có lợi, khả năng để xây dựng luật hoàn toàn có thể thực hiện được. Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được Nhân dân Luật biểu tình mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện".

Thế nhưng đến nay đã một nửa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đi qua, song vẫn không thấy Đảng ‘bật tín hiệu’ cho Quốc hội trả nợ Nhân dân về Luật biểu tình.

Hiện có bao nhiêu phiên bản Lê Nam ở nghị trường ?

Có lẽ cần "chi tiết" hơn về nguyên do bức xúc cho chuyện cần có Luật biểu tình của ông Lê Nam.

Lê Nam xuất thân là một kiểm sát viên. Lần nọ Lê Nam được cử làm Trưởng đoàn kiểm tra 14 về một vụ khuất tất ở một công ty thương mại của tỉnh Thanh Hóa. Oái oăm là lãnh đạo Viện kiểm sát nhất mực chống lưng cho công ty thương mại này và… Lê Nam cùng những đồng nghiệp trẻ trong đoàn phải ‘chạy cầu cứu’ tận Hà Nội. Báo chí vào cuộc…

Sau vụ này, Lê Nam chuyển công tác về Tổ thư ký của UBND tỉnh Thanh Hóa. Rồi nghe tin Lê Nam ở vị thế Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Rồi cũng bẵng đi một thời gian, lại nghe và mừng cho Lê Nam chững chạc tiếp ở cương vị Bí thư Thị ủy Sầm Sơn.

Mọi chuyện liên quan về biểu tình bắt đầu từ đây. Ấy là cái hồi giải phóng mặt bằng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nổ súng chết người. Rồi tiểu thương chợ Bỉm Sơn bãi thị…

"...Hơn lúc nào hết nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao.

Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ ràng buộc về trách nhiệm, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân" – trích phát biểu của đại biểu Lê Nam tại phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, ngày 28-3/2016.

Hoài Nguyễn – Thới Bình

Nguồn : VNTB, 31/10/2023

Published in Diễn đàn

Nửa tháng nay, thông tin về biểu tình khắp Trung Quốc (1) ít nhiều đã tới được với người dân Việt Nam, dù chỉ có lác đác vài báo quốc doanh đưa tin rồi vội vã rút xuống và ngưng hẳn từ 28/11/2022.

bieutinh1

Công an và an ninh giải tán những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012 (minh họa) - AFP

Nhưng đến lượt Mông Cổ kế bên, đất nước từng là bạn bè xã hội chủ nghĩa với VN, mới xảy ra biểu tình lớn có phần còn nghiêm trọng hơn, xô xát với cảnh sát, xông cả vào tòa nhà Chính phủ, thì lại được các báo đưa tin nhanh chóng, rất chi tiết (2).

Chủ tịch "sẩy miệng" ?

Từ đó, chợt nhớ tới… cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Khi còn đang trong tù, tháng 7/2018, đọc báo ở nhà gửi vào, tôi hơi giật mình thấy tin báo Tuổi trẻ Online bị đình bản ba tháng, phạt 220 triệu đồng (3). Nhưng giật mình không đơn giản là chuyện kiểu tai nạn nghề nghiệp đó, mà là bởi có liền mấy điều khác thường trong nội dung bản tin.

Thứ nhất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lại có câu nói "lạ" với cử tri là ông "đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này". Trong ròng rã ruốt mấy năm trước đó, có vẻ như các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thống nhất "lùi vô thời hạn" việc trình Quốc hội thông qua dự Luật Biểu tình rồi cơ mà.

Thứ hai, sao báo đưa tin như vậy mà lại bị phạt vạ. Vì tôi rất biết, với một vấn đề hết sức quan trọng đó, với một nguyên thủ quốc gia, thì mỗi phát ngôn đều phải được báo nắm chắc, phóng viên đưa tin đều phải có ghi âm, thậm chí ghi hình, làm sao có chuyện bịa đặt, nhầm lẫn được.

Thứ ba, khi mổ xẻ hình phạt, thấy rõ vụ "bịa đặt" lời Chủ tịch nước có vẻ "tày đình" mà chỉ bị phạt có 50 triệu đồng thôi, còn 170 triệu đồng và đình bản ba tháng là hình phạt cho một "tội" khác. Từ đây, càng dễ nảy sinh câu hỏi, phải chăng Tuổi trẻ chỉ có cái "tội" là nhanh nhảu đưa tin "lạ" mà không biết bẩm báo xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng ?

Đồng thời, có một dấu hỏi nữa. Trước đó, theo dõi báo chí, truyền hình, tôi đã phỏng đoán ông Chủ tịch nước đang có vấn đề về sức khỏe. Như vậy, rất có thể khi tiếp xúc cử tri, ông bị nhầm lẫn nào đó, bị quên là vấn đề này đã thống nhất "đình lại" từ cấp rất cao rồi. Hoặc, biết là mình bệnh trọng, sẽ không qua khỏi, nên ông muốn để lại cái gì đó đẹp đẽ về mình trong mắt hậu thế.

Gian nan, bí ẩn dự luật

Suốt nhiều năm trước, khi điều hành trang Ba Sàm (cũ), tôi vẫn theo dõi và đưa tin thường xuyên về tiến trình dự thảo, rồi chuẩn bị đưa trình Quốc hội thông qua Luật Biểu tình. Số phận của nó hẩm hiu không khác mấy với dự thảo Luật về Hội.

Nhìn ngược lên tới Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lần nào ra phiên bản mới cũng đều khẳng định biểu tình là một trong những quyền sơ đẳng của người dân, gần nhất là Hiến pháp 2013.

Còn ngược thời gian thì đều thấy bao năm tranh đấu với thực dân Pháp, Đảng Lao động Việt Nam (tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam) đều tố cáo thực dân phong kiến không cho người dân được hưởng những quyền tự do như biểu tình, báo chí, lập hội… Thế thì hà cớ gì mà họ lại cản dân mình một khi đã có chính quyền vững mạnh trong tay.

Còn về luật, không những báo chí, mà nhiều vị lãnh đạo rất cao của Đảng, Nhà nước đều tỏ ra sốt ruột muốn Quốc hội sớm thông qua dự luật Biểu tình.

Tạm bắt đầu từ giữa năm 2014, báo chí đưa tin hồ hởi, rằng : Cuối năm 2015 thông qua Luật biểu tình (4). Nhưng đến cuối năm 2014, lại đã thấy tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Yêu cầu không được rút dự luật biểu tình (5). Vậy thì ai muốn "rút" ? Đó là "Bộ Công an xin rút dự án luật Biểu tình khỏi chương trình làm luật năm 2015 do "nhạy cảm, phức tạp" nhưng Thủ tướng yêu cầu phải có đủ cơ sở, lý lẽ thuyết phục". Thế rồi có lẽ Chính phủ đã được Bộ Công an "thuyết phục", nên tới tháng 2 năm 2016, Chủ tịch Quốc hội lại phải nghiêm khắc nhắc nhở Chính phủ, rằng xin lùi Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc (6). Nhưng chỉ dăm tháng sau, đã có tin : Lại lùi vô thời hạn... Luật Biểu tình (7). Không chỉ cái tựa, mà mở đầu bài báo cũng thêm câu đau đớn "Khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần".

Như thế để thấy cái tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát ngôn như ở trên là "lạ" đến thế nào.

Vẫn chưa hết gian nan, hai năm sau phát ngôn của Chủ tịch nước, 18 tháng sau khi ông qua đời, Bộ Công an vẫn đề nghị "lùi thời gian trình sự thảo Luật Biểu tình" (8).

"Xa xỉ" hơn Trung Quốc

Phải nói vậy đối với hai chữ "biểu tình", bởi vì theo dõi diễn biến những ngày qua, người dân Trung Quốc trên hàng chục tỉnh thành đã biểu tình rầm rộ phản đối chính sách Zero Covid. Kết cục là chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu có chỉ đạo nới lỏng chế độ kiểm soát dịch, nghĩa là nhân nhượng với người biểu tình (9). Trong khi đó thì ở Việt Nam, duy chỉ việc đưa tin đó thôi mà báo chí quốc doanh cũng không được, không dám. Đến khi Trung Quốc nới lỏng chính sách, báo Việt Nam cũng phải lặp lại cách lý giải của Trung Quốc, còn không dám nhắc đến chữ "biểu tình", mà gọi nó là "những căng thẳng trong nước". Thật đại xa xỉ cho hai chữ "biểu tình" chứ còn gì nữa.

Đã có những bình luận phán đoán về hiện tượng trên, dường như gồm hai lý do chính : lo ngại hiệu ứng domino lan truyền tới Việt Nam và không muốn làm mếch lòng "bạn vàng", nhất là đúng ngay sau khi Tổng bí thư Trọng mới sang đó nhận Huân chương Hữu nghị.

Nay lại mới có biểu tình lớn ở Mông Cổ, việc báo chí được đưa tin thoải mái cũng góp phần lý giải thêm hai lý do đó. Dễ hiểu, đâu phải sợ "mếch lòng" người bạn xã hội chủ nghĩa cũ nhỏ bé. Và cũng dễ hiểu thêm, rằng họ đâu còn là xứ cộng sản nữa, mà biểu tình ở những xứ theo "tư bản giãy chết" thì tội gì không đưa tin ; nó còn góp thêm niềm tin cho dân chúng Việt là cứ lìa bỏ cộng sản thì ắt "đại loạn" thôi.

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Nguồn : RFA, 07/12/2022

Tham khảo :

(1) "Cách mạng giấy trắng" : Trung Quốc mộng của Tập đang biến thành ác mộng

(2) Hàng nghìn người Mông Cổ biểu tình để phản đối lạm phát và nạn hối lộ

(3) Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng, phạt 220 triệu đồng

(4) Cuối năm 2015 thông qua Luật biểu tình

(5) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : Yêu cầu không được rút dự luật biểu tình

(6) Chủ tịch Quốc hội : Xin lùi Luật Biểu tình là thiếu nghiêm túc

(7) Lại lùi vô thời hạn... Luật Biểu tình

(8) Bộ Công an nói về Luật Biểu tình, người Trung Quốc 'lập xóm'

(9) Trung Quốc phát tín hiệu điều chỉnh chiến lược Zero Covid

Published in Diễn đàn

Lời giới thiệu : Việt Nam hiện tại chưa có Luật biểu tình, mặc dù hiến pháp cho phép biểu tình. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

bieutinh1

Xuống đường đòi quyền công dân - Ảnh minh họa

Trong phiên họp Quốc hội ngày 26/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt một câu hỏi và yêu cầu được trả lời rõ ràng, minh, đó là "Luật biểu tình lùi đến bao giờ ?". Theo bà Kim Thúy, biểu tình là quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, việc xây dựng Luật biểu tình là trách nhiệm của Quốc hội.

Rõ ràng đây là một câu hỏi khó, những người có trách nhiệm soạn thảo Luật biểu tình đã tỏ ra bối rối và giải thích linh tinh. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói : "Dự án này đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này vì vẫn còn ý kiến khác nhau trên nhiều vấn đề quan trọng, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình".

Không đồng tình với cách giải thích này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng xây dựng Luật biểu tình là không khó, bởi đã được Hiến pháp quy định từ năm 1946. Xây dựng Luật biểu tình là để người dân dễ dàng thực hiện quyền công dân của mình một cách minh bạch, đồng thời cũng chống lại những người lợi dụng quyền biểu tình để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Thật ra lý do của sự trì hoãn này là ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã giao cho Bộ Công an (những người không có chức năng làm luật) soạn thảo Luật biểu tình chứ không phải Bộ Tư pháp. Chức năng của công an là giữ gìn an ninh trật tự, đàn áp và trấn áp biểu tình, do đó Luật biểu tình có thể sẽ không bao giờ được ra đời nếu Bộ Công an vẫn tiếp tục được giao quyền soạn thảo.

Nhưng cho dù có muốn hay không muốn ra Luật biểu tình, chính quyền cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục ngăn chặn mãi mãi những cuộc xuống đường tự phát của người dân đòi quyền sống, đòi cải thiện đời sống hay phản đối những ức hiếp của Trung Quốc về quyền lợi và an ninh lãnh thổ Việt Nam.

Chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả những suy tư về quyền biểu tình và quyền được phát biểu của người dân Việt Nam trong những năm qua tư của Trần Quốc Việt. (Nguyễn Văn Huy)

-------------------------

bieutinh2

Sáng Chủ nhật ngày 11/5/2014, biểu tình đã đồng loạt nổ ra tại cả ba miền Việt Nam để phản đối hành động Trung Quốc đưa giàn khoan ra gần quần đảo Hoàng Sa. Báo chí trong nước đưa tin có hàng nghìn người tham gia.

Ngày của Lịch sử 

Ngày Chủ Nhật này là ngày xuống đường phản đối Trung Quốc. Là ngày xuống đường đòi tự do cho người yêu nước. Là ngày đòi hỏi nhà nước phải thực sự chấm dứt tình trạng Trung quốc từng bước xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử sánh bước với chúng ta, lịch sử hò reo với chúng ta, lịch sử hiện ra trong ánh mắt của mỗi người trong chúng ta. Lịch sử bàng bạc trong khí trời, nắng gió, cảnh vật, và con người quanh chúng ta vào ngày này. 

Ngày hôm nay chúng ta viết sử bằng bước chân mạnh mẽ của mình, bằng tiếng thét vang trời của mình trên đường phố dù chúng ta chỉ là một nhóm nhỏ lọt thỏm trên phố xá đông người thờ ơ.

Ngày hôm qua chúng ta không được học lịch sử đích thực, thì ngày hôm nay chúng ta tự học và viết tiếp trang sử tồn tại của dân tộc qua hành động biểu tượng thiêng liêng tối thiểu : cất lên tiếng nói khẳng định chúng ta là Người Việt. 

Chúng ta không cần biết chế độ toan tính những gì. Chúng ta chỉ biết chúng ta là người Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng tự ngàn đời được truyền lại : luôn luôn chống lại mọi mưu toan xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc. 

Hôm nay chúng ta còn tiếng nói, còn khuôn mặt, còn tính cách, còn văn hóa, còn món ăn đặc trưng của người Việt Nam là nhờ sự hy sinh của hàng ngàn thế hệ đã không ngừng làm thất bại bao cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nếu không có những hy sinh vô cùng tận này của họ thì ngày hôm nay chúng ta không cần xuống đường vì chúng ta đã là người Trung Quốc tự lâu rồi. "Chúng ta học lịch sử không phải để biết cách hành xử hay biết cách thành công, mà để biết chúng ta là ai" (1).

Và câu hỏi chúng ta là ai sẽ được trả lời chung trên các đường phố Hà Nội và Sài Gòn.

Chúng ta hãy nhớ lời của Martin Luther King : "Chúng ta bắt đầu chết vào ngày chúng ta im lặng về những điều quan trọng".

Cố lên các bạn ơi !

Chúng ta biết thời gian, địa điểm và cả thời tiết ngày Chủ Nhật.

Chúng ta biết lý do chính đáng của cuộc biểu tình chống sự xâm lược càng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc.

Điều duy nhất chúng ta không biết là chính mình.

Chưa hẳn vì sợ mà chúng ta không xuống đường.

Chính sự vô cảm trói chân ta lại.

Thì hãy nhìn quanh mình-bao khuôn mặt Việt Nam.

Thì hãy nhìn dưới đất mình - bao dòng máu Việt Nam đã xối xuống để cho hôm nay ta được đứng trên đất Việt Nam.

Thì hãy nhìn vào lòng mình - ta là người Việt Nam mà.

Sợ là cơn mưa không ai tránh được. 

Nhưng sợ tan rất nhanh trong rừng người quanh mình.

Vô cảm mới chính là lưỡi dao ta tự đâm vào tim tổ quốc.

Ta có quyền vô cảm 364 ngày nhưng ta không có quyền vô cảm vào ngày Chủ Nhật này. 

Hãy xuống đường hỡi anh hỡi chị hỡi em

Hãy xuống đường hỡi cô hỡi chú hỡi bác

Hãy xuống đường hỡi ông hỡi bà

Hãy xuống đường hỡi tất cả những đứa con của Mẹ Việt Nam.

Người duy nhất ở nhà vào ngày Chủ Nhật là người đã chết.

Nhưng hồn họ sẽ đi bên cạnh chúng ta

Vô hình, lặng lẽ, thủy chung

Họ thì thầm trong làn gió

Cố lên các bạn ơi.

Chúng tôi muốn mãi mãi yên nghỉ dưới lòng đất Mẹ Việt Nam.

Chúng tôi không muốn đổi quốc tịch sau khi đã chết.

Vì chúng tôi cố lên các bạn ơi.

Người duy nhất ở nhà là người mẹ mới sinh con.

Nhưng tâm tưởng họ sẽ chạy theo ta

Để ký thác vào ta

Niềm mơ ước con họ sẽ lớn lên làm người Việt Nam

Vì con tôi cố lên các bạn ơi. 

Đôi chân của bạn là niềm hy vọng

Của họ

Của lịch sử Việt Nam !

bieutinh8

Nếu chúng ta không xuống đường thì chúng ta mặc nhiên chấp nhận những tiếng vỗ tay của chế độ, và tương lai con cháu ta sẽ xếp hàng dài dài hai bên đường để vỗ tay, vẫy cờ, tặng hoa cho những tên thái thú Tập Cận Bình mới. 

Tương lai Việt Nam ở trong tim bạn

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói như sau về thuế mới mà người dân Tây Tạng phải đóng sau khi nước họ bị Trung Quốc đô hộ. 

"Một viên chức Trung Quốc đến thăm một làng Tây tạng. Khi ông đến, tất cả mọi người trong làng đều tập trung lại để chào đón ông, và họ vỗ tay rất nồng nhiệt. Mãn nguyện, ông hỏi một người dân trong đám đông là họ có hạnh phúc dưới chế độ mới. 

"Vâng, rất hạnh phúc", người Tây tạng được hỏi trả lời. 

"Quá tuyệt". 

"Chỉ có điều chúng tôi không thích thuế mới này". 

"Thuế mới ?" 

"Dạ. Thuế vỗ tay. Mỗi lần có người Trung Quốc đến đây, tất cả chúng tôi đều phải ra đón chào và vỗ tay". 

Ngày hôm nay nhà cầm quyền cộng sản sẽ vỗ tay nồng nhiệt chào đón gã hoàng đế xâm lược Tập Cận Bình trong các buổi lễ đón tiếp, trên đường phố, trong hội trường Quốc hội... Thuế vỗ tay hôm nay và ngày mai là vết nhơ không bao giờ rửa sạch được đối với họ và con cháu họ nhưng là sự sĩ nhục vô cùng lớn đối với lương tâm của tất cả những người Việt Nam yêu nước trong và ngoài nước. 

Vì thế chúng ta phải xuống đường và phải tạo ra những cơn sóng âm thanh cuồng nộ và dồn dập nhằm át đi những tràng vỗ tay lạc lõng, đớn hèn của một chế độ đã và đang phủ phục trước Trung Quốc nhằm hy vọng bám vào quyền lực mà xây trên biết bao nhiêu tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Còn nếu chúng ta không xuống đường thì chúng ta mặc nhiên chấp nhận những tiếng vỗ tay của chế độ, và tương lai con cháu ta sẽ xếp hàng dài dài hai bên đường để vỗ tay, vẫy cờ, tặng hoa cho những tên thái thú Tập Cận Bình mới. 

Nhưng bạn sợ bị đàn áp khi bạn xuống đường. Bạn sợ bị ghi vào sổ đen, bị gây ra rất nhiều phiền toái sau này về việc làm và sinh kế. Bạn lo tương lai con cái và gia đình sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn xuống đường và bị bắt. Tất cả những gì bạn nghĩ đều đúng. Nhưng bạn là người Việt Nam yêu nước mà nếu bạn không làm thì ai làm thay cho bạn. Và rồi sau này bạn trả lời sao trước con cái mình và trước linh hồn tổ tiên ở thế giới bên kia. 

Bạn không xuống đường vì bạn nghĩ chẳng có hy vọng gì. Và thêm hay bớt một người tham gia cũng chẳng thay đổi gì. Bạn nghĩ sai vì dù chẳng hy vọng gì nhưng bạn phải nói vì bạn không thể nào vẫn im lặng khi nước của bạn bị xâm lược và đồng bào của bạn bị sát hại. Bạn phải xuống đường và hành xử theo lương tâm của mình vì bạn nói lên sự thật và vì bạn là công dân dù chỉ hạng công dân trên giấy tờ. Chúng ta biểu tình và chẳng đạt được kết quả gì, nhưng ít nhất chúng ta cũng khẳng định với kẻ xâm lược và thế giới rằng chúng tôi luôn luôn là những người Việt Nam yêu nước chính danh sẵn sàng đả đảo vang trời những tên xâm lược. Và nếu hàng ngàn người bày tỏ đồng loạt những thông điệp như thế những kẻ nội thù và ngoại thù tất phải run sợ thật sự. Còn nếu bạn không làm gì cả thì chắc chắn thực tại sẽ càng ngày càng tệ hơn, và tối nay và tối mai những tràng pháo tay chào đón Tập Cận Bình phát đi từ máy truyền hình trong nhà bạn sẽ làm ô nhiễm tâm hồn con cái bạn và làm tủi hổ vong linh người đã khuất trên bàn thờ gia đình. 

Lịch sử Việt Nam là cuộc trường chinh bất tận chống giặc Phương Bắc. Cuộc trường chinh ấy không vì bạn mà gián đoạn để rồi đẩy Việt Nam rơi vào hàng trăm năm Bắc Thuộc kiểu mới. Nhưng nếu bạn tham gia thì dòng chảy lịch sử ấy sẽ tăng thêm một giọt nước của sức mạnh nữa và dân tộc ta thêm một giây phút tồn tại trong tư thế đứng thẳng hào hùng. 

Có hai quy luật thông thường nhân loại đã rút ra từ những cuộc đấu tranh : nếu bạn không hành động vì sợ khủng bố và trấn áp thì bạn đã thua rồi; nếu bạn tham gia đấu tranh chỉ khi bạn chắc chắn chiến thắng thì bạn đã đầu hàng rồi. Tất cả chúng ta, bao gồm bạn, không được thua hay đầu hàng trước kẻ thù mà tổ tiên nghìn đời của chúng ta đã bao phen chiến thắng oanh liệt. 

Tương lai Việt Nam trong tim bạn. Tương lai Việt Nam trên đôi chân bạn. Ngày hôm nay đôi chân bạn đưa bạn đến những nơi mang tên hai bậc anh hùng và anh thư của Việt Nam-Hoàng Diệu và Hai Bà Trưng. Như vậy hồn thiêng lịch sử đứng về phía bạn. Tại những nơi này trái tim Việt Nam nghìn đời nhập vào trái tim bạn để hòa cùng với muôn triệu trái tim Việt Nam cá nhân khác hiện diện ở đấy và trên toàn thế giới để hô vang kinh thiên động địa tiếng đả đảo Tập Cận Bình và những tên tay sai khấu đầu như sâu mọn trước y. Tiếng vỗ tay mừng kẻ xâm lược sẽ bị trơ trẽn và tan biến như bọt bèo trước những cơn sóng phẫn nộ của lòng dân đã bắt dầu dâng lên mạnh mẽ và đồng loạt từ Hà Nội đến Sài Gòn. Bạn là giọt nước tạo thành những cơn sóng nhấn chìm kẻ thù nếu bạn sát cánh hôm nay với bao đồng bào trên đường phố. Bạn là hiện thân của tương lai Việt Nam tự do và độc lập nếu bạn lên đường theo tiếng gọi của trái tim lịch sử vẫn còn đập sau hơn bốn ngàn năm.

bieutinh3

Chị Trần Thị Hồng Minh (Khoa Nội nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cả gia đình chỉ bám viu vào đồng lương ít ỏi. Chị cho biết những tháng được nhận 50% lương cơ bản chỉ được hơn 2 triệu 1 tháng cộng với phụ cấp ngành nhận tổng hơn 3 triệu. Nhưng 2 tháng gần đây thì không nhận được đồng lương nào. (Ảnh báo Lao Động online, 21/03/2022)

Hãy xuống đường hôm nay để tránh giá treo cổ ngày mai

Hãy xuống đường đồng loạt và liên tục dưới bóng sắc phục, dùi cui, và nắm đấm hôm nay còn hơn để con cháu ta phải xuống đường dưới họng súng Thiên An Môn và giá treo cổ của Trung Cộng ngày mai. 

Hãy đi "bão" trong đêm nay để phản kháng bằng biển âm thanh cuồng nộ cơn bão Bắc Thuộc sắp tràn vào đất liền Việt Nam vào rạng sáng ngày mai.

Chúng ta không phải là những con thú cam chịu xếp hàng đi vào lò sát sinh Hán hóa. Tinh cha Việt Nam huyết mẹ Việt Nam sinh thành nên ta. Hãy đừng làm hoen ố dòng sông tinh huyết Việt Nam luân lưu muôn đời qua hơn bốn ngàn năm lịch sử ấy khi ta hôm nay im lặng chỉ để được để yên thân và cúi mặt xuống với bao lo toan đời thường mà phó mặc cho tổ quốc và bao thế hệ sau ta phải chịu cảnh lăng trì thảm khốc toàn diện về mọi phương diện dưới bàn tay của kẻ đô hộ tàn bạo. 

Thế giới có hàng trăm nước nhưng chỉ có một nước Việt Nam. Mất nước rồi chốn nào ta quay về, mặt mũi nào ta nhìn người ngoài lúc còn sống, hồn nào ta đối mặt với cha ông ở thế giới bên kia. Tủi nhục của kẻ nô lệ mất quê hương sẽ vô bờ bến. Con cháu ta dưới bóng roi vọt và trong cơn mưa nước mắt tuyệt vọng cũng sẽ trách chúng ta vô bờ bến. 

Hãy tin vào sức bật Việt Nam và linh hồn Việt Nam bất diệt tiềm ẩn trong ta. Hãy noi gương hàng ngàn thế hệ tiền nhân để hôm nay ta hãy vượt qua mọi sợ hãi và tạm gác mọi sự qua bên để cùng nhau nắm tay đoàn kết muôn người như một để bảo vệ Việt Nam đang lâm nguy. 

Sự tồn vong của Việt Nam là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người Việt. Vì thế mỗi người hãy lên tiếng mãnh liệt, hãy xuống đường thật đông thật mãnh liệt như sóng thần để chặn đứng tức thì nguy cơ họa xâm ngay trước mặt trước khi quá muộn. 

Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm trong tay tôi, tay anh, tay chị, tay em, tay ông bà cha mẹ. 

Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm ở đôi chân xuống đường của tất cả mọi người con của Mẹ Việt Nam với tiếng thét lay động lịch sử, sông núi, và hồn người : "Việt Nam muôn năm... muôn năm... muôn năm". 

bieutinh4

Biểu tình chống hủy diệt môi trường. Hình từ AFP

Phải xuống đường đến cùng trên con đường Sự thật và Đấu tranh 

Chúng ta hãy đối mặt với sự thật để nhận diện tương lai. Sự thật ấy là Luật Đặc khu là sự khởi đầu của quá trình Hán hóa Việt Nam. 

Nhiều người nhận ra sự thật nhưng không dám đối mặt với sự thật. Còn đa số không quan tâm và coi như không có gì xảy ra. Họ gợi cho ta nhớ lại lời được cho là của Đức Phật : 

"Chỉ có hai sai lầm ta có thể mắc phải trên con đường đi đến sự thật; không đi đến cùng, và không bắt đầu đi".

Không đi đến cùng để khỏi đối mặt với lương tâm, trách nhiệm, và hy sinh. Không bắt đầu đi là còn chìm đắm trong sợ hãi và vô cảm. 

Con đường duy nhất để xóa bỏ Luật Đặc khu là con đường toàn dân cùng xuống đường liên tục trong tinh thần bất bạo động. Xuống đường là sẵn sàng chờ đợi sự đàn áp và lao tù tất yếu. Tinh thần bất bạo động là tinh thần mà Martin Luther King kêu gọi : 

"Phản kháng bất bạo động là chấp nhận đau khổ mà không trả thù, chấp nhận những cú đánh của đối thủ mà không đánh trả. "Dòng sông máu có thể phải chảy trước khi chúng ta đạt được tự do, nhưng nó phải là máu của chúng ta". Gandhi nói với đồng bào ông. Người phản kháng bất bạo động sẵn sàng chấp nhận bạo lực nếu cần thiết, nhưng không bao giờ gây ra bạo lực. Họ không tìm cách lẩn tránh nhà tù. Nếu đi tù là cần thiết, thì họ đi vào tù "như chú rể đi vào phòng cô dâu"." 

Con đường đến tự do là con đường đến sự thật mà đa số phải đi đến cùng để nhận thức rồi để hành động trên tinh thần bất bạo động đến cùng. Con đường như thế chính là con đường tất cả mọi người đồng lòng cùng nhau chép nên trang sử mới tinh khôi rạng rỡ của quê hương bằng nét bút can đảm và dòng mực máu của tất cả mọi người. 

Vũ khí xuống đường của người xuống đường là sự thật và tinh thần bất bạo động cộng với dòng máu yêu nước của muôn đời. Và có thể thêm đóa hoa để cắm lên hàng rào kẽm gai hay tặng cho người đồng hành ngã xuống trước dùi cui. 

bieutinh5

Biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn ngày 04/11/2015. Facebook

Tập Cận Bình đến Việt Nam và hành động của chúng ta 

Nhà cầm quyền cộng sản đã khai màn chiến dịch đàn áp khốc liệt nhằm tiêu diệt từ trong trứng nước những ý định của những người yêu nước muốn biểu thị tinh thần yêu nước ngàn đời qua việc tổ chức các hành động phản đối chuyến vi hành của Tập Cận Bình đến Việt Nam. Hai mươi mốt phát đại bác và quốc yến chào đón y ở Mỹ, và y ngồi sóng đôi với nữ hoàng Anh trên cỗ xe ngựa lộng lẫy giữa những kỵ binh hoàng gia rực rỡ trong cuộc đón tiếp rất trọng thể ở Anh. Nhưng Việt Nam là nơi chúng ta phải lột truồng tất cả các lớp vàng son và hào nhoáng thế giới đã dát lên người y để cho tất cả mọi người thấy trước mặt họ chỉ là gã hoàng đế xâm lược mới đang nối tiếp bước chân của bao vương triều Trung Quốc trên con đường quyết tâm đô hộ Việt Nam. Dàn chào y ở đất nước hình chữ S này là biển ánh mắt căm thù và âm thanh cuồng nộ sôi sục của tất cả tinh thần yêu nước nồng cháy và ý chí bất khuất của hơn bốn ngàn năm lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Thông điệp truyền đi phải rõ ràng. Trung Quốc đã và đang nuốt trọn biển Đông, đã chiếm biển đảo, đã ngoạm lấy những vùng đất biên giới, đã hiện diện nhiều nơi như những tô giới Tàu ở Việt Nam, và cuối cùng sẽ xâm lược và đồng hóa Việt Nam. Phần quan trọng nhất của thông điệp của chúng ta gởi cho họ Tập là mày hãy cút xéo về nước và đừng mơ tưởng đến cuộc Bắc thuộc khác và hãy nhớ rằng lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng dòng máu yêu nước tự ngàn xưa ấy vẫn chảy thầm lặng trong lòng mọi người Việt Nam.

Từ yêu nước và tràn đầy nhiệt huyết chúng ta sẽ nghĩ ra muôn vàn cách biêu riếu y khắp nơi từ chỗ công cộng đến chốn riêng tư, từ trên mạng xuống đường phố. Yêu nước sẽ khiến cho chúng ta sáng tạo những cách thể hiện phản kháng phong phú và độc đáo. Nếu chúng ta không thể nào hành động tập thể thì hãy hành động cá nhân. Phải đả đảo, phải khoan cắt bê tông tên Tập Cận Bình trong từng con hẻm, trên lòng đường, trên những vách tường, trên mạng. Việt Nam phải dậy sóng trong thời gian y đặt chân trên đất nước đã thấm đẫm những dòng máu nóng của rất nhiều thế hệ cha ông đã đổ xuống để hôm nay chúng ta vẫn hiện hữu tập thể như dân tộc Việt duy nhất trên hành tinh này.

Nhà cầm quyền nhất định đàn áp dữ dội bất cứ cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào trong tuần tới, nhưng họ sẽ không thể nào bịt miệng được tất cả những tiếng nói yêu nước đồng loạt của tất cả các công dân. Chúng ta phải thắng trong cuộc chiến một tuần này với tên Tập Cận Bình. Tuần tới chúng ta phải đứng lên làm người Việt Nam yêu nước để cảnh cáo họ Tập, để nhắc cho y và đồng bọn nhớ lại những bài học lịch sử đau đớn.

Trong cuộc chiến đấu bất bạo động sắp đến này chúng ta phải khơi dậy và tung ra toàn bộ sức mạnh tiềm tàng của trí tuệ, lịch sử và chính nghĩa để chống lại bạo quyền hèn với giặc ác với dân và bọn xâm lược mà đại diện là gã Tập Cận Bình. Linh hồn của muôn ức triệu người Việt đã khuất sẽ sát cánh vô hình bên chúng ta, khích lệ chúng ta thực thi quyền yêu nước và quyền sinh tồn tự nhiên tồn tại trước tất cả mọi chế độ. Chúng ta phải thắng!

bieutinh6

Biểu tình phản đối chính sách hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông

Hãy đi về nơi ấy

Trong tác phẩm Hai Bà Trưng, nhà ái quốc Nguyễn An Ninh viết như sau : 

"Đời người giống như canh bạc. Canh bạc chỉ có hai cửa : thắng và thua. Đời người cũng chỉ có hai cửa : sống và chế t; thiện và ác. Nếu ta không chọn, nếu ta không quyết chí theo con đường của mình, kết cục ta sẽ vẫn phải đi qua một trong hai cánh cửa ấy để đến danh dự và ô nhục, cao cả hay hèn nhát. Tuy nhiên có sự khác biệt. Đối với kẻ đánh bài, cứ giữ nguyên những quân bài làm "nhà" có nghĩa là thua. Còn với ta, con đường đưa đến chiến thắng là hãy quyết tâm sống và làm theo lẽ phải" (2).

Hai Bà Trưng đã bước qua cửa danh dự và cao cả này để mở đầu lịch sử cuộc trường chinh bất tận chống giặc ngoại xâm Trung Quốc. Noi gương Hai Bà, những bậc anh hùng và anh thư của bao thế hệ sau đã đi qua cánh cửa đời người ấy để đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chúng ta không phải là người thừa hưởng di sản của họ. Chúng ta chỉ gìn giữ và bồi đắp thêm vào di sản ấy để trao lại cho những thế hệ sau chúng ta. Chúng ta không có quyền làm hao hụt hay hoen ố di sản lịch sử vô giá của rất nhiều thế hệ tổ tiên đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bồi đắp nên.

Di sản nước Việt Nam chung ấy hôm nay đã bị xâm phạm thô bạo. Mũi khoan Trung Quốc đâm vào lòng biển chúng ta cũng là mũi khoan đâm vào từng mạch máu và từng thớ thần kinh trong lương tâm của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước.

Cho nên dù muốn hay không chúng ta phải xuống đường vì chúng ta phải có trách nhiệm với những thế hệ sau. Ngày Chủ Nhật này chúng ta hãy rời cửa nhà riêng của mình để bước vào cửa chung lịch sử đã vinh danh : danh dự và cao cả. Việt Nam đã và đang tồn tại hơn bốn ngàn năm chính vì rất nhiều người anh hùng hữu danh và vô danh đã đi qua cánh cửa lịch sử này.

Dòng suối chảy xa đến đâu cũng nhớ đến cội nguồn của nó (3). Mấy ngày hôm nay bất kể ngày và đêm mỗi khi tỉnh thức và cả trong giấc ngủ dòng suối lịch sử ấy sao cứ vỗ hoài vào lòng người điệp khúc : đừng làm tủi lòng lịch sử, đừng phụ công lao lịch sử. Hồn lịch sử phảng phất trong tâm tưởng ta như thúc giục ta phải hành động, phải có trách nhiệm trước sự sinh tồn của quê hương.

Câu trả lời là hãy đi về nơi tất cả các dòng suối khởi đi từ cội nguồn chung ấy tụ về. Nơi ấy chúng ta sẽ sát cánh bên nhau, bước chung bên nhau, hô vang bên nhau và cùng nhau thực hiện trách nhiệm tối thiểu của những người gìn giữ di sản được truyền lại từ ngàn đời. Nơi ấy chúng ta thắp lên nén hương lòng cho những người đã nằm xuống để Việt Nam không phải quỳ xuống trước giặc ngoại xâm và hiệp thông tinh thần với biết bao nhiêu người yêu nước đương thời đã khuất hay đang bị giam cầm.

Bạn ơi, bạn hãy chọn đi về nơi ấy - nơi của những người

Bạn ơi, bạn hãy chọn cánh cửa của đời mình làm sao để cho cánh cửa Việt Nam mở ra tươi sáng cho muôn ngàn đời sau.

bieutinh7

Một cuộc biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội năm 2016

Hãy xuống đường vì lương tâm mình

Sống dưới chế độ toàn trị đối với đại đa số mọi người là chọn thỏa hiệp và im lặng. Thỏa hiệp và im lặng cho bản thân và cho gia đình từ ngày này sang ngày khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuối đường dài thỏa hiệp bất tận ấy là cá nhân được tồn tại ngày càng mong manh giữa môi trường sống tinh thần, văn minh và tự nhiên ngày càng nhiễm độc và lụi tàn.

Thỏa hiệp và im lặng ấy đồng nghĩa với chờ đợi ngày mai tươi sáng mà không bao giờ đến khi đa số chọn đứng bên lề, với ảo vọng mà ta cứ tưởng là hy vọng về sự tất yếu của lịch sử rằng rồi cuối cùng thiện thắng ác và ánh sáng thắng bóng tối.

Đại đa số ấy chính là chúng ta - những kẻ đứng bên lề cuộc đấu tranh tập thể và sự lên tiếng tập thể trước bao cái ác rành rành của bạo quyền.

Vì sự thỏa hiệp và im lặng ấy lịch sử Việt Nam từ hậu bán thế kỷ hai mươi đến nay là những núi xương sông máu trải dài trên khắp nước từ cải cách ruộng đất đến cuộc nội chiến với hàng triệu người chết đến bao tội ác cộng sản thời hậu chiến. Dưới ánh sáng của lương tâm và đạo lý muôn đời những kẻ gây ra tội ác ấy được coi như là đã chết trước khi họ thật sự chết. Nhưng những kẻ chọn thỏa hiệp và im lặng trước tội ác của họ phải chịu trách nhiệm trước lương tâm mình và trước những thế hệ sau. Vì, xét cho cùng, qua thỏa hiệp và im lặng trước cái ác, chúng ta hạ mình xuống như là những đồng phạm ngang hàng với những kẻ thủ ác.

Nhà văn-triết gia Mỹ Ayn Rand khẳng định như sau về sự thỏa hiệp và đạo đức :

"Không thể nào có thỏa hiệp về những nguyên tắc đạo đức. "Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thực phẩm và thuốc độc, chỉ cái chết có thể thắng. Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thiện và ác, chỉ cái ác có thể có lợi". (Atlas Shrugged).

Lần sau nếu ta muốn hỏi : "Phải chăng cuộc sống không cần thỏa hiệp ?" thì hãy chuyển câu hỏi ấy sang câu hỏi khác mang ý nghĩa thật sự : "Phải chăng cuộc sống cần từ bỏ điều đúng và thiện cho điều giả dối và ác ?". Câu trả lời là rằng đấy chính là điều cuộc sống cấm- nếu ta hoàn toàn không muốn đạt đến những năm dài tra tấn trong sự tự hủy diệt từ từ".

Chúng ta không thể đứng bên lề và im lặng mãi trước cái ác trước mặt mình. Lòng nhân ái và lương tâm thúc giục chúng ta phải lên tiếng dù kết quả có được hay không. Vì thế, ngày chủ nhật này chúng ta hãy xuống đường không chỉ vì hàng trăm ngàn con cá đáng thương bị giết chết hay vì hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sinh kế vì thảm họa môi trường ngày đang lan rộng hay để giữ gìn biển cả cho mình và thế hệ sau mà còn chính vì để cứu lương tâm thiên phú đã bị hoen ố ít nhiều của chúng ta.

Trần Quốc Việt

(10/06/2022)

Chú thích :

(1) Lời của triết gia Leszek Kolakowski

(2) Tác phẩm Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh, Saigon, 1928, trang 45. Đoạn trích dẫn được người viết bài này dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt.

(3) Ngạn ngữ Châu Phi.

Published in Diễn đàn

Người biểu tình chiếm Quốc hội, sự kiện cuối nhiệm kỳ 'tổng thống nổi dậy' Trump

Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách "tổng thống của nhân dân", với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.

quochoi1

Người ủng hộ tổng thống Donald Trump biểu tình đông đảo trước tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington ngày 06/01/2021.  AP - Jose Luis Magana

Sự kiện người biểu tình ủng hộ tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp Hồng Kông là hai đề tài chính được các báo Pháp bàn luận hôm 07/01/2021. Vì lệch giờ nên diễn biến ở Mỹ chủ yếu được các tờ báo Paris tường thuật trực tiếp suốt đêm trên mạng, chỉ có hai tờ kịp đưa lên trang bìa. Libération đăng ảnh hai dân biểu Mỹ đang dìu nhau chạy khỏi phòng họp với dòng tựa "Trump, chiến lược hỗn loạn",còn Le Figaro chạy tựa "Nền dân chủ rạn vỡ" với ảnh lớp lớp người biểu tình bao quanh điện Capitol.

Sự kiện lịch sử : Người biểu tình tràn vào Quốc hội Mỹ đang họp

Trang web của các báo đều có những bài phóng sự tường thuật chi tiết về cuộc chiếm lĩnh Quốc hội của những người ủng hộ tổng thống Trump. Trước đó một hôm, họ đã đến từ mọi miền đất nước, bằng máy bay, bằng xe hơi hay xe buýt. Các khách sạn đều kín chỗ. Hôm sau ngay từ sáng sớm, mặc cho bầu trời xám xịt với những cơn gió lạnh buốt ở thủ đô nước Mỹ, họ tập hợp lại để nghe bài diễn văn của Donald Trump và đến chiều thì hướng về điện Capitol, được ngăn chận bằng một hàng rào an ninh – rốt cuộc đã cho thấy quá mỏng.

Đám đông đội nói đỏ in chữ MAGA (Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), mang cờ có hình tổng thống Trump hô vang "USA ! USA ! USA !", "Hãy chấm dứt cướp đoạt bầu cử !"…Sau vài tiếng đồng hồ, họ dần dần tiến vào được Quốc hội. Một số ít đập phá, trong khi đám đông – có người già lẫn người trẻ, nam cũng như nữ, thậm chí có cả trẻ em – nói chung là ôn hòa, tự coi là "những người cách mạng".Tất cả lối ra đều bị chận, những ai bên trong đều bị kẹt trước biển người bên ngoài.

Hơi cay, rồi những phát súng… hỗn loạn đã diễn ra. Ông Trump kêu gọi"Go home" nhưng theo các báo là quá trễ. Lệnh giới nghiêm từ 18 giờ (nửa đêm theo giờ Pháp, 6 giờ sáng Việt Nam) được đưa ra. Vệ binh quốc gia được điều đến, kết thúc vụ chiếm đóng. "Những người kháng chiến"cuối cùng giải tán trên đường phố của một thủ đô vắng lặng.

Tổng thống Mỹ đầu tiên tố cáo gian lận bầu cử

Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định một trong những phương diện đáng khâm phục của dân chủ Mỹ là truyền thống chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ 230 năm qua. Tuy có đôi lần rối loạn như sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy hay vụ từ chức của ông Richard Nixon, nhưng trật tự Hiến pháp luôn được tôn trọng. Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thời hiện đại công khai tố cáo gian lận bầu cử.

Vị tổng thống Cộng Hòa hoàn toàn đúng khi đòi kiểm lại phiếu trước kết quả sát nút và kiện ra tòa, đó là quyền của ông. Nhưng khi gây áp lực lên các dân biểu, thượng nghị sĩ trong đảng và thúc đẩy người ủng hộ tiến về Washington, ông đã đi quá lố, theo Le Figaro.

Thật ra hồi năm 2000, sau năm tuần lễ tranh chấp về phiếu bầu và cả tư pháp, ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore mới chịu "chấp nhận" quyết định của Tối cao Pháp viện, nhận thất bại trước George W. Bush. Còn Donald Trump hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử vẫn nhất quyết không công nhận kết quả.

Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách "tổng thống của nhân dân", với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.

Le Monde cho rằng Donald Trump tự giam hãm trong ảo ảnh trước làn sóng người ủng hộ luôn đông đảo, tờ báo gọi đây là "vụ phá hoại cuối cùng"của ông Trump, "tổng thống có khuynh hướng nổi dậy".

Đại thanh trừng ở Hồng Kông

Chủ đề Hồng Kông chiếm rất nhiều trang trên các báo hôm nay. Libération chơi chữ với hàng tựa lớn "Hồng Kông, bước đại nhảy vọt thanh trừng" và dành bốn trang trong cho việc Bắc Kinh "giáng búa tạ vào nền dân chủ".

Việc 1.000 cảnh sát được huy động hôm qua để bắt giam 53 người gồm cựu dân biểu, nhà báo, nhà đấu tranh, luật sư mà mùa hè vừa qua đã tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đối lập, được tờ báo thiên tả gọi là "cuộc bố ráp vào dân chủ". Những người ôn hòa này bị kết tội vi phạm luật an ninh. Mẻ lưới được tung ra vào lúc thế giới đang chú tâm đến cuộc bầu cử quan trọng ở Georgia và Bruxelles đúc kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, chế độ Bắc Kinh đã đè bẹp những gì còn có thể được gọi là đối lập chính trị, đe dọa xã hội dân sự tại vùng đất mà nay không còn ai có thể gọi là "bán tự trị". Đồng thời Bắc Kinh ngăn cản không cho những nhà quan sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra về nguồn gốc con virus corona, và kết án tử hình một đại gia vì tham nhũng. Thông điệp rất rõ ràng : năm 2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng cộng sản muốn solo một mình một chợ, nhất quyết không khoan nhượng.

Thông điệp ngạo mạn của Đảng cộng sản Trung Quốc 100 tuổi

Bài xã luận của Libération nhấn mạnh đó là một "Thông điệp ngạo mạn". Năm 2021 khởi đầu cũng giống như 2020 với sự ngạo nghễ của Bắc Kinh : Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tôn trọng các cam kết quốc tế.

Năm ngoái, đó là về bổn phận phải tỏ ra minh bạch lập tức trong trường hợp khủng hoảng dịch tễ. Còn lần này là lời hứa tôn trọng tự do và các quyền căn bản của người dân Hồng Kông, trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký với Anh năm 1997 về "một đất nước, hai chế độ".

Có lẽ đã đến lúc Pháp phải nhắc nhở Tập Cận Bình về những lới cam đoan "tôn trọng quyền tự trị cao độ, Nhà nước pháp quyền, nhân quyền và các quyền tự do căn bản" ở Hồng Kông. Cuộc bố ráp Hồng Kông diễn ra chỉ một tuần sau khi thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký một thỏa thuận nguyên tắc quan trọng về đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc. Tổng thống Macron ca ngợi "đối thoại được tăng cường và tái cân bằng" giữa đôi bên, nhưng tờ báo thiên tả đặt câu hỏi phải chăng chỉ là đối thoại ? Hãy hình dung ra những gi còn sót lại của một nền dân chủ giả hiệu ở Hồng Kông, một khi thỏa thuận được Nghị Viện Châu Âu thông qua, mà đây là công cụ gây áp lực duy nhất của Châu Âu đối với Trung Quốc.

Nghị sĩ Châu Âu cảnh giác trước Bắc Kinh

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, bà Marie-Pierre Védrenne, thành viên Ủy ban Ngoại thương của Nghị Viện Châu Âu nhận định, không nên bất cẩn "ký khống" với Trung Quốc.

Tuy Liên Hiệp Châu Âu tự khen ngợi là nhân tố quốc tế đầu tiên thành công trong việc đưa nhân quyền vào một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng văn bản không bao gồm những ràng buộc về tư pháp để bảo đảm việc thực hiện những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn để giải quyết bất đồng, thỏa thuận dự kiến có sự tham gia của xã hội dân sự với các nhóm chuyên gia trong việc thành lập các cơ quan trọng tài. Nhưng tư cách các đại diện của "xã hội dân sự" ở Trung Quốc thì rất đáng ngờ.

Theo nghị sĩ Védrenne, trước những gì đang diễn ra ở Hồng Kông và việc ngăn chận đoàn chuyên gia y tế đến điều tra về con virus ở Vũ Hán, Châu Âu không nên tin tưởng mù quáng vào Trung Quốc. Cần phải đạt được những cam kết mang tính ràng buộc và lịch trình rất cụ thể để buộc Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Đồng thời cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, thậm chí lập ra cơ chế trừng phạt để buộc Bắc Kinh phải thực hiện những gì đã cam đoan trên giấy tờ.

Bà cho biết rất nhiều nghị sĩ Châu Âu quan ngại về thỏa thuận này, kể cả trong nhóm Renew của bà vốn chủ trương tự do và thúc đẩy thương mại. Nhất là việc ký kết trước thời điểm chuyển tiếp chính quyền tại Hoa Kỳ khiến nhiều nghị sĩ bức xúc. Tại sao lại phải vội vã trong khi chính phủ mới ở Washington sẵn lòng hợp tác với Châu Âu để lập một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc ?

Từ Biển Đông đến khí hậu : Hành động của Trung Quốc luôn đi ngược với lời nói

Chuyên gia François Godement của Viện Montaigne nhấn mạnh trên Libération, không nên tin vào những lời hứa hão của Trung Quốc, đồng thời vạch ra những lỗ hổng trong chính sách của Châu Âu đối với Bắc Kinh.

Thẳng tay đàn áp Hồng Kông, Trung Quốc đã ngang nhiên xé bỏ thỏa thuận năm 1997. Nhưng không chỉ có thế, mà thực tế ngày càng trái ngược với những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn việc bác bỏ phán quyết trọng tài về Biển Đông, hay tuyên bố của Tập Cận Bình trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc là đến năm 2060 sẽ không phát thải carbon. Trong khi Trung Quốc tiêu thụ 4,3 tỉ tấn than đá/năm, kế hoạch 5 năm sắp tới thông báo "ở dưới mức 5 tỉ tấn/năm" từ nay đến 2026, có nghĩa là tự cho phép gia tăng tiêu thụ !

Với Bắc Kinh, nếu việc cam kết không được đàm phán cho đến dấu phẩy cuối cùng, thì cũng như không. Trong thỏa thuận đầu tư, Bắc Kinh chỉ hứa hẹn "bắt tay vào việc để phê chuẩn" Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Khó có thể hy vọng những trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ bị dẹp vì ký kết với Châu Âu. Một chuyên gia Trung Quốc còn giải thích "không thể đòi hỏi những điều bất khả". Thế mà Châu Âu lại tự hài lòng về một lời hứa nhẹ như bông.

Theo chuyên gia Godement, Châu Âu hoàn toàn không hiểu chế độ Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận luật quốc tế đứng trên luật quốc gia. Sự cứng rắn chỉ mới bắt đầu, và tình hình Tân Cương chỉ là một khía cạnh bi thảm nhất. Châu Âu tố cáo quan điểm của chính quyền Donald Trump, trong khi ông Trump đã đáp trả ở mức cao nhất qua việc trừng phạt cá nhân các quan chức Bắc Kinh, còn Châu Âu lại đi ký một thỏa thuận thương mại, thật vô cùng tai tiếng. Chuyên gia này cho rằng càng hội nhập, buôn bán với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng bị lệ thuộc vào Bắc Kinh, một chế độ độc tài và hung hăng.

Thụy My

Published in Quốc tế

Thái Lan : Học sinh trung học biểu tình ở Bangkok đòi cải cách trường học và xã hội

Thùy Dương, RFI, 22/11/2020

Phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ ở Thái Lan kêu gọi lực lượng xuống đường biểu tình vào ngày 25/11/2020. Nhiều lãnh đạo phong trào cảnh báo chính quyền là ngày này "sẽ mở ra một thời kỳ mới cho các cuộc tranh đấu" của họ.

thailan1

Trong cuộc biểu tình tại Bangkok, một số học sinh hóa trang thành khủng long, một phép ẩn dụ ám chỉ giới chính trị Thái Lan già nua thủ cựu mà họ muốn loại trừ.  AP - Sakchai Lalit

Trong khi chính quyền Thái Lan kêu gọi những người tham gia phong trào đấu tranh bình tĩnh lại, trong ngày hôm qua 21/11, hàng ngàn, hàng chục ngàn học sinh đã xuống đường yêu cầu cải cách trường học và xã hội, ủng hộ phong trào đấu tranh của giới sinh viên Thái Lan.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

"Bãi bỏ quy định học sinh phải mặc đồng phục đến trường và để tóc ngắn, bỏ quy định học sinh phải cúi rạp người trước các giáo viên... Đây là một vài trong số các yêu sách cải cách đặc biệt mà học sinh trung học đưa ra.

Là một phần quan trong trong lực lượng biểu tình của phong trào sinh viên, các học sinh trung học đã được tôi luyện từ khi phong trào đấu tranh của giới sinh viên bắt đầu cách nay vài tháng. Hôm qua, sau khi các thủ tục pháp lý được khởi động nhắm vào hai người đứng đầu phong trào vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên vì họ đã tham gia các cuộc biểu tình, nhiều học sinh trung học đã tập trung trước trụ sở bộ Giáo Dục ở Bangkok.

Nhiều người mặc những bộ đồng phục tiêu biểu cho các trường trung học Thái Lan. Một số học sinh giương biểu ngữ và cầm micro hát vang, một số khác hóa trang thành khủng long và thiên thạch. Đối với họ, đây là một hình ảnh ẩn dụ về thế hệ mới ở Thái Lan, những người sẽ quét sạch giới cầm quyền già nua thủ cựu. Trong phong trào đấu tranh của học sinh trung học, các nữ sinh có vị trí nổi trội".

Thùy Dương

************************

Thái Lan : Chính quyền dọa dùng "tất cả" luật lệ sẵn có để chống biểu tình

Trọng Nghĩa, RFI, 19/11/2020

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha hôm 19/11/2020 tuyên bố là "tất cả các bộ luật, tất cả các điều khoản" sẽ được sử dụng đối với những người biểu tình "vi phạm luật pháp". Tuyên bố của thủ tướng Thái Lan đã khiến giới lãnh đạo phong trào biểu tình lo ngại luật chống khi quân thuộc loại khắc nghiệt nhất thế giới sẽ được áp dụng để đàn áp đối lập.

thailan1

Những người biểu tình đòi dân chủ giơ cao "ba ngón tay" (biểu tượng của phong trào phản kháng), và hát quốc ca Thái Lan trước Siam Paragon, một khu trung tâm thương mại, Bangkok, ngày 20/10/2020. AP/Sakchai Lalit

Trong một bản thông cáo, thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã báo động là "tình hình không được cải thiện" và "có nguy cơ bạo lực leo thang". Theo ông, nếu không được giải quyết, tình trạng này có thể gây hại cho "đất nước và chế độ quân chủ thân yêu". Thủ tướng Thái Lan tuy nhiên không nói rõ là liệu Điều 112 của bộ Luật Hình Sự, cấm xúc phạm chế độ quân chủ có được áp dụng trở lại hay không. Hồi đầu năm, ông Prayuth đã nói rằng điều luật đó tạm thời không được sử dụng, theo yêu cầu của quốc vương Maha Vajiralongkorn.

Tuyên bố của ông Prayuth được đưa ra một hôm sau khi hàng nghìn người biểu tình đã ném sơn vào trụ sở cảnh sát Thái Lan, để phản đối việc lực lượng an ninh sử dụng vòi rồng và hơi cay đàn áp khiến hàng chục người bị thương. Một số người biểu tình còn phun sơn vẽ grafiti chống chế độ quân chủ. 

Theo hãng tin Anh Reuters, các cuộc biểu tình là thách thức lớn nhất đối với giới quyền thế đang lãnh đạo Thái Lan, và đã phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời bằng cách chỉ trích chế độ quân chủ, một hành động mà theo luật "chống khi quân" hiện hành có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Đối với nhà hoạt động Thái Lan Tanawat Wongchai, tuyên bố của thủ tướng Thái Lan có thể có nghĩa là chính quyền "muốn sử dụng Điều 112 để bắt giữ các nhà lãnh đạo biểu tình".

Việc viện đến công cụ pháp lý khắc nghiệt này cũng là mong muốn của một bộ phận dân chúng Thái Lan rất gắn bó với chế độ quân chủ. Trên mạng xã hội, một số người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã kêu gọi áp dụng Điều 112 để trừng trị những người bị cho là đã xúc phạm chế độ quân chủ. Theo ghi nhận của Reuters, trong những tháng gần đây, hàng chục người biểu tình, bao gồm nhiều lãnh tụ đấu tranh, đã bị bắt giữ với nhiều tội danh, mặc dù không phải vì tội chỉ trích chế độ quân chủ.

Trọng Nghĩa

***********************

Thái Lan : Phong trào dân chủ tiếp tục xuống đường

Thanh Hà, RFI, 18/11/2020

Một ngày sau cuộc tập hợp của hàng chục ngàn người tại thủ đô Bangkok và đã xảy ra xung đột với cảnh sát, hôm nay 18/11/2020 phong trào phản kháng Thái Lan tiếp tục kêu gọi xuống đường. Cùng lúc, Quốc Hội biểu quyết về lộ trình sửa đổi một số điều khoản trong bản Hiến Pháp.

thailan0

Cảnh sát triển khai phương tiện chuẩn bị đối phó với người biểu tình chống chính phủ gần trụ sở Nghị Viện Thái Lan, tại Bangkok, ngày 17/11/2020.  AP - Sakchai Lalit

Yêu sách của phong trào phản kháng Thái Lan vẫn là đòi tập đoàn quân sự trao trả quyền lực cho xã hội dân sự, đòi thủ tướng Chan Ô Cha phải từ chức và giới hạn quyền lực của nhà vua. Một trong số các nhà lãnh đạo của phe đòi dân chủ Thái Lan được AFP trích dẫn cho rằng "cuộc đấu tranh đã rẽ sang một khúc quanh mới, không còn chỗ cho các giải pháp thỏa hiệp". Về phía chính phủ, phó thủ tướng Prawit Wongsuwan hôm nay kêu gọi các lực lượng an ninh "bảo vệ người tuần hành, cho dù họ thuộc phe nào đi chăng nữa".

Hôm 17/11/2020, cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng và hơi cay giải tán đám đông tập hợp trước trụ sở Quốc Hội, nơi dự án cải tổ Hiến Pháp đang được thảo luận. Xung đột làm ít nhất 55 người bị thương.

Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên Carol Isoux tường thuật về cuộc xuống đường rầm rộ của phe đòi dân chủ Thái Lan vào chiều tối qua :

"Không khí ngột ngạt đến khó thở tại khu vực chung quanh tòa nhà Quốc Hội Thái Lan. Hàng trăm quả lựu đan cay ném về phía người biểu tình. Số này tự vệ với những phương tiện sẵn có như đeo kính bơi, pha nước với kem đánh răng để làm dịu cay mắt. Một vài nhóm nhỏ cứ vài tiếng đồng hồ lại thay phiên nhau bước lên tuyến đầu. Nhiều chiếc xe cứu thương đưa nạn nhân vào các bệnh viện gần nhất dưới tiếng vỗ tay của đám đông.

MiAn, một thanh niên đang theo học ngành y tá đến đây giúp đỡ mọi người, anh đứng ở phía sau đoàn biểu tình và nói : "Giờ đây, quả bóng đang ở bên sân của chính phủ. Có hàng trăm dân biểu … Họ phải làm việc chứ. Nếu như đòi hỏi của chúng tôi là chính phủ phải từ chức và tổ chức bầu cử được thỏa mãn, thì chúng tôi sẵn sàng chấm dứt tất cả các biểu tình. Nhưng dường như phía chính phủ chỉ biết dùng bạo lực và luôn luôn là bạo lực để đáp lại những yêu sách của người biểu tình. Họ chỉ biết làm có thế thôi".

Các va chạm đối đầu đã bắt đầu từ chiều qua với các nhóm Áo Vàng thuộc thành phần bảo hoàng cực đoan. Phe này chống đối cải tổ Hiến Pháp thu hẹp quyền hạn của nhà vua. Đây là một trong những đòi hỏi chính của phong trào sinh viên. Cảnh tượng đối đầu giữa phe bảo hoàng và những người ủng hộ cải cách làm người ta liên tưởng đến những gì đã diễn ra trước cuộc đảo chính hồi năm 2014".

Thanh Hà

Published in Châu Á

Donald Trump tố cáo Trung Quốc "siết cổ" Hong Kong. Thế rồi ông lại đe dọa sử dụng quân đội chống lại những người biểu tình ở Mỹ (*)

Những cuộc biểu tình rầm rộ và những hành động cuồng nộ đầy bạo động trên khắp nước Mỹ trông giống hệt như những cảnh nổi bật kéo dài hàng tháng ở Hong Kong.

napdan1

Những cuộc biểu tình chống sự tàn bạo của cảnh sát và bất bình đẳng chủng tộc bùng ra khắp nơi ở Mỹ. (Reuters : Eduardo Munoz)

Những biểu tượng của chính phủ, như các trụ sở cảnh sát và tòa nhà chính phủ, đã bị giật sập và đốt cháy.

Tuy nhiên, mặc dù trong căn bản cội rễ của sự phn nộ tại Hoa Kỳ khác với nguyên nhân (dẫn đến những cuộc biểu tình) của người dân Hong Kong, động lực thúc đẩy phong trào (ở Hoa Kỳ và Hong Kong) lại giống nhau : đòi hỏi công lý cho mọi người !

Các nhà lãnh đạo trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, đã không ngừng lên án những hành động tàn bạo của cảnh sát Hong Kong đối với những người biểu tình đòi dân chủ.

T nhiều tháng qua của năm trước, hàng triệu người đã lo lắng theo dõi, họ dự báo rằng Bắc Kinh sẽ đưa quân đội (Giải phóng quân nhân dân/People's Liberation Army-PLA) đến đàn áp các cuộc biểu tình rập theo khuôn mẫu cuộc tàn sát tại Thiên An Môn (hồi tháng 6 năm 1989).

Điều đó đã không xảy ra.

Năm ngoái, tôi đã có mặt trong giới truyền thông để theo dõi trong lo sợ khi cuộc biểu tình ôn hòa đầu tiên bên ngoài trụ sở của Hội đồng lập pháp Hong Kong bị nhận chìm trong hơi cay.

Những cuộc biểu tình đã trở nên ngày càng bạo động và hủy hoại trong hàng tháng trời sau khi thế hệ trẻ nhận thấy không còn có cách nào để giữ lại thành phố của họ. Chính vì vậy mà họ tìm cách phá hủy các cơ sở kinh doanh đã từng mang lại quá nhiều thịnh vượng cho Trung Quốc.

napdan2

Người biểu tình chống chính phủ Hongkong đã bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ trong các cuộc biểu tình. (Reuters : Tyrone Siu)

Mặc dù người Mỹ gốc Châu Phi đã từng là đối tượng của sự tàn bạo của cảnh sát tại Hoa Kỳ, nhưng người dân tại Mỹ và tại khắp nơi trên thế giới đều không nghĩ sẽ có một sự đáp trả mạnh tay như thế trên một vùng đất của tự do.

Tại Hoa Kỳ, quyền phản đối của công dân được bảo vệ theo tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình, mặc dù bùng phát do chính sự tàn bạo của cảnh sát, trong nhiều trường hợp đã bị trấn áp càng bạo lực hơn.

Lãnh đạo quốc gia cần phải xoa dịu các mối căng thẳng

Tôi đến Hong Kong lần thứ ba khi cảnh sát bắn loạt đạn đầu tiên vào một người biểu tình. Điều này chỉ xảy ra sau năm tháng bất ổn.

napdan3

Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông lo ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào các quyền tự do đã được bảo đảm cho Hồng Kông theo nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống". (Reuters : Tyrone Siu)

Trong hai tuần lễ liền, đã có ít nhất 11 người bị giết chết trong những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Và đã có ít nhất 10.000 người bị bắt giữ, hơn tổng số những người bị giam giữ trong những cuộc biểu tình hồi năm ngoái tại Hong Kong.

Có lẽ thật là ngây ngô để nghĩ rằng sự việc rồi ra sẽ bị lên án nặng nề trong một quốc gia mà việc sở hữu súng đạn là chuyện thường tình và được đánh giá cao cùng với việc cảnh sát có vũ trang, vốn được bảo vệ một cách chặt chẽ bởi các nghiệp đoàn sử dụng bạo lực.

Để xoa dịu các mối căng thẳng, cấp lãnh đạo quốc gia cần phải hiểu được thế nào là nỗi lo âu, bày tỏ thiện cảm và nhìn nhận sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống vốn đang ám ảnh các cơ quan công lực thi hành luật pháp.

Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump lại chụp lên đầu những người biểu tình cái mũ "côn đồ" rồi còn cảnh cáo trong một "tuýt" rằng "khi có cướp của thì sẽ có súng nổ".

Vào giữa lúc hỗn loạn đang tràn lan và các thành phố bị đốt phá không chỉ vì cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis, mà còn vì tình trạng bất bình đẳng chủng tộc đã kéo dài hàng trăm năm, Tổng thống Trump lại tước đoạt khỏi Hong Kong những đặc ân về thương mại.

Ông tuyên bố rằng Hong Kong "không còn đủ khả năng tự trị" trước Trung Hoa lục địa và gọi những luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt là một "thảm kịch" cho các quyền tự do của Hong Kong.

Vậy mà chỉ vài ngày sau đó, ông lại đe dọa đưa quân đội đến đàn áp chính người dân của mình để chấm dứt các cuộc biểu tình trên đất nước của mình.

Trong một bài diễn văn truyền hình cho toàn quốc, Tổng thống Trump tuyên bố ông là tổng thống của "luật pháp và trật tự" và cảnh cáo các thống đốc tiểu bang phải "khống chế các đường phố", bằng không ông sẽ đưa quân đội đến "để nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ".

napdan4

Người biểu tình đã bị xua đuổi để nhường đường cho Tổng thống Trump đi bộ đến Nhà thờ St John. (Reuters : Jim Bourg)

Thế rồi, trong một khoảnh khắc được tính toán để biểu dương sức mạnh và quyền lực, ông rời nơi trú ẩn an toàn trong Tòa Bạch Ôc để đến chụp một bức ảnh bên ngoài Nhà thờ St John, với quyển Kinh Thánh cầm trên tay.

Với sự canh phòng của ông, thủ đô Hoa Kỳ, vốn được rất nhiều người trên khắp thế giới xem như một biểu tượng của thế giới tự do, nay đã biến thành một pháo đài được trang bị tận răng.

Cung cách các lực lượng cảnh sát thi hành nghĩa vụ của họ để bảo vệ luật pháp và trật tự trong những ngày trước và sau đó đã gợi lên những suy nghĩ tương tự.

Dường như không màng đến những thước phim về những hành động của họ được điện thoại di động ghi lại và tin tưởng rằng luật pháp sẽ bảo vệ họ nên cảnh sát thường xuyên sử dụng dùi cui, lựu đạn cay và đạn mã tử đối với những người biểu tình.

Tại Atlanta, Tiểu bang Georgia, sáu cảnh sát viên đã bị buộc tội sau khi cảnh sát đã lôi 2 người ra khỏi xe của họ, ném họ xuống đất và dùng súng điện bắn vào người họ.

Tại Buffalo, Tiểu bang New York, một cụ già 75 tuổi bị nứt sọ vì bị cảnh sát xô ngã xuống đất. Sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố rằng cụ già này có dính líu đến tổ chức tả khuynh Antifa (phong trào chống Phát-xít) và sự té ngã của ông là một sự "dàn dựng".

Cách đối phó của Hoa Kỳ phản ảnh thái độ của Bắc Kinh đối với Hong Kong

Các phát ngôn viên của chính phủ và các cơ quan truyền thông quốc doanh Trung Quốc đã tung ra những cuộc tấn công chống lại chính phủ Mỹ. Họ cho phát tán những đoạn phim cho thấy cảnh sát Hong Kong đã biết "tự chế" nếu so sánh với các hành động đã được nhìn thấy tại Hoa Kỳ. Những thước phim có chú thích "Cảnh sát Hong Kong đã tự chế như thế nào !" đã được truyền đi trên trang mạng Weibo, một trang mạng giống như Twitter.

Khi một số cuộc biểu tình tại Mỹ trở nên bạo động, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Ánh, liền tấn công Washington. Trên trang mạng Twitter, bà Ánh viết : "Tôi không thở được", để đối lại một "tuýt" của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Morgan Ortagus, khi ông này phê bình chính phủ Trung Quốc về chính sách của họ đối với Hong Kong.

napdan5

Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng bình xịt hơi cay vào người biểu tình trong các cuộc biểu tình phản đối luật pháp an ninh quốc gia của Bắc Kinh tại Hồng Kông. (AP : Kim Cheung)

Truyền thông cũng trở thành đối tượng của sự xách nhiễu của cảnh sát. Mặc dù việc sử dụng bạo lực và bạo động gia tăng ở Hong Kong, các cơ quan truyền thông của Phương Tây vẫn được tự do đi lại và thu thập hình ảnh của hiện trường đang diễn ra trước mắt chúng tôi, kể cả những hành động tàn bạo của cảnh sát. Trong nhiều dịp, chúng tôi đã được những người biểu tình hoan nghênh và bảo vệ. Họ cám ơn chúng tôi vì nói cho thế giới biết chuyện của họ. Đây là thứ tự do mà tôi cũng đã trông đợi sẽ có ở Hoa Kỳ.

napdan6

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã kêu gọi Donald Trump giúp đỡ và yêu cầu cảnh sát ngừng sử dụng hơi cay. (AP : Ng Han Guan)

Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói rằng "có sự khác biệt giữa đất nước chúng ta và nhiều nước độc tài khác, bởi vì khi một điều như thế xảy ra, chúng tôi sẽ cho điều tra". Ông còn nói thêm : "Người dân của chúng ta phản đối. Họ đòi hỏi chính phủ của họ phải cải thiện. Và chúng tôi đứng về phía những người phản đối". Nhưng cũng trong cùng buổi nói chuyện, ông O’Brien lại tố cáo những phần tử cực đoan và đổ lỗi cho những kẻ gây rối từ bên ngoài đang khích động sự rối loạn trong những cuộc biểu tình.

Đây cũng chính là bài bản mà Bắc Kinh đã từng sử dụng để giải thích về tình trạng bất ổn tại Hong Kong. Trong nhiều tháng, báo chí Phương Tây, cũng như các viên chức của chính phủ Mỹ, đã xem hành động mạnh tay của các lực lượng an ninh tại Hong kong như là một trong những yếu tố dẫn đến những cuộc biểu tình. Tuy nhiên, khi những cảnh người biểu tình và các ký giả bị cảnh sát hành hung tràn ngập các trang mạng xã hội, thì chính phủ và những người ủng hộ Tổng thống Trump lại không nhìn những sự kiện này cùng một cái nhìn như thế.

napdan7

Trump đe dọa sẽ đưa quân đội đến chấm dứt các cuộc biểu tình của người dân trên chính đất nước của mình. (Reuters : Tom Brenner)

Nhiều cựu tướng lãnh và nhân vật cấp cao trong quân đội đã công khai lên án việc tổng thống Trump đe dọa sử dụng quân đội. Mặc dù có vô số bằng chứng cho thấy cảnh sát sử dụng bạo lực, trong 2 tuần lễ qua vẫn có nhiều khoảnh khắc cho thấy các nhân viên công lực đứng về phía những người biểu tình : họ quỳ gối và khoác tay cùng tiến bước với những người biểu tình.

Thật quá lắm rồi !

Sự sôi sục và phẫn nộ bùng phát khi phong trào này mới khai sinh đã tan biến dần khiến cho nhiều người tự hỏi liệu nó có còn đủ sự hăng say và sức mạnh để tiếp tục không.

Ông Floyd không phải là người da đen đầu tiên chết dưới tay cảnh sát, nhưng lần này xem ra khác. Một người thuộc phong trào Tranh đấu cho Tự do có mặt trong cuộc biểu tình tại thủ đô Washington nói : "Xem một người đang chết trên truyền hình toàn quốc và theo dõi tất cả 8 phút 46 giây quả là một điều khủng khiếp. Điều này không thể xảy ra nữa".

napdan8

Hàng ngàn người biểu tình đã tràn ra đường để phản đối cái chết của George Floyd. (AP : Elaine Thompson)

Sự ủng hộ ngày càng vững chắc, lan rộng và đa diện. Những cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn nước Mỹ, trong tất cả 50 tiểu bang và tại thủ đô Washington, qui tụ nhiều người thuộc mọi tuổi tác, màu da và giai cấp. Một người biểu tình tên là Zeus nói : "Chúng tôi chỉ xin chính phủ đối xử với chúng tôi như những con người. Đây không phải là điều chúng tôi muốn thấy xảy ra cho thế hệ tương lai của chúng tôi".

Một cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy mức ủng hộ của người Mỹ dành cho phong trào "Black Lives Matter" đã lên đến 53 phần trăm, tức tăng 11 phần trăm kể từ khi Ahmaud Arbery bị giết chết hồi tháng Hai vừa qua.

Lần nay, các chính quyền địa phương và các thành phố xem ra cũng sẵn sàng hơn để tỏ rõ lập trường. Họ ủng hộ những lời kêu gọi hãy giải tán cảnh sát hay cắt giảm việc tài trợ cho cảnh sát để dành cho những chương trình đối phó với những bất bình đẳng chủng tộc.

Những phong trào bắt nguồn từ quần chúng do giới trẻ và những người thuộc thế hệ Z khởi xướng đang lên tiếng nói "thôi đã quá đủ rồi" và kêu gọi thay đổi.

Năng lực và sự kiên trì của những người biểu tình ở Hong Kong phần lớn xuất phát từ giới trẻ. Họ biết rằng lãnh thổ của họ sẽ bị Trung Quốc cai trị xuyên suốt cuộc sống của họ. Họ không có gì để mất. Theo đúng nghĩa, họ chiến đấu cho chính tương lai của họ.

Cái chết của ông Floyd đã trở thành một giây phút lịch sử phơi bày những bất bình đẳng thâm căn cố đế mà đại dịch Covid-19 là một điển hình.

Cũng rất giống với người dân Hong Kong, ở đây (Hoa Kỳ) thế hệ tương lai cũng đang kêu gào phải chấm dứt ngay (những bất bình đẳng).

Trách nhiệm của phong trào này là bảo đảm rằng ông Floyd đã không chết đi một cách vô ích, mà trở thành xúc tác cho một sự thay đổi thật sự.

Kathryn Diss

Nguyên tác : Donald Trump accused China of "Smothering" Hong Kong. Then he threatened US protesters with military action, abc.net.au, 14/06/2020

Chu Văn chuyển ngữ

(16/06/2020)

Chú thích :

(*) Đây là nguyên văn của tựa đề của bài viết, người dịch đặt lại tiêu đề cho ngắn gọn để dễ trình bày

Kathryn Diss là thông tín viên của Đài ABC Úc Đại Lợi tại Bắc Mỹ

Published in Diễn đàn

Vì sao biểu tình phản kháng bùng khắp sau cái chết của người da đen George Floyd ?

Ngày 25/05/2020, một vụ can thiệp của cảnh sát gây ra cái chết công dân Mỹ da đen George Floyd, tại bang Minnesota. Kể từ đó đến nay, biểu tình bùng lên khắp nước Mỹ, với bạo động tại một số nơi bất chấp thiết quân luật. Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Phạm Trần, từ Washington, giải thích những lý do khiến phong trào phản kháng lan rộng khắp nước Mỹ.

floy1

Biểu tình ôn hòa đòi công lý sau cái chết của người da đen George Floyd do bạo lực cảnh sát tại Minneapolis, cạnh nhà Quốc Hội Mỹ, Washington, ngày 03/06/2020. Reuters - Jonathan Ernst

Phong trào phản kháng quy mô đang diễn ra tại Mỹ phản đối nạn bạo hành cảnh sát và kỳ thị chủng tội nhắc lại các cuộc bạo động lớn hồi năm 1992, sau khi tòa án Mỹ tha bổng các cảnh sát đã bắn chết một người da đen ở Los Angeles, và gần đây hơn là các cuộc biểu tình tiếp theo cái chết của một người thanh niên da đen 17 tuổi ở Ferguson (bang Missouri) năm 2014. Tuy nhiên, phong trào phản kháng hiện nay, với tốc độ lan rộng nhanh chóng, với sự tham gia của rất nhiều người da trắng, kể cả cảnh sát trong hàng ngũ các cuộc biểu tình ôn hòa, được nhiều nhà quan sát đánh giá là sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đương đại. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, ngày 03/06/2020, nhà báo Phạm Trần - bên cạnh khủng hoảng đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, nạn bạo hành cảnh sát, những đối xử bất công về luật pháp giữa Nhà nước và người dân, đặc biệt với người da mầu và người thuộc các nhóm thiểu số - đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò đổ thêm dầu vào lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump, gộp chung những người biểu tình ôn hòa với những kẻ phá phách, cướp bóc vào cùng một rọ, khi lên án nạn "khủng bố nội địa". Ông Donald Trump, thay vì đảm đương vai trò của một nguyên thủ của nước Mỹ, có "những phát biểu hướng đến toàn dân", "những giải pháp cụ thể", trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng như hiện nay, thì lại chỉ có những động thái "phô trương sức mạnh", tập trung xây dựng hình ảnh "riêng cho cá nhân, vì mục tiêu tranh cử". 

***

RFI : Xin ông cho biết nhận định chung của ông về phong trào phản kháng sau cái chết của người da đen George Floyd đang diễn ra.

Phạm Trần : Trước hết là có sự thù nghịch giữa những người dân và lực lượng cảnh sát, vì cảnh sát đôi khi đã dùng những biện pháp quá mạnh đưa đến cái chết cho người dân. Mặc dù, những người dân đó không có phạm những cái tội mà đến nỗi phải bị trừng phạt, nhất là sau khi họ đã bị bắt, bị còng tay. 

Anh George Floyd, 46 tuổi, người da mầu này đã bị một người cảnh sát da trắng đè lên cổ gần mười phút đồng hồ, bất chấp việc anh ta nói là không thể thở được. Hành động đó đã đưa đến cái chết của George Floyd, và từ cái chết này, khơi lại những vết thương trong lịch sử nước Mỹ, về vấn đề dân quyền, về kỳ thị chủng tộc. Chúng ta thấy đây là căn bệnh của xã hội Hoa Kỳ. Bất cứ vụ tai nạn nào gây ra chết người cho những người da mầu, hoặc những người thiểu số, thì những vết thương đó lại bùng phát trở lại, làm cho người dân hết sức bất mãn. 

RFI : Có nhiều vụ tương tự xẩy ra trong quá khứ gần đây, tại sao vụ cái chết của George Floyd lại dẫn đến một cuộc phản kháng dữ dội như vậy ?

Phạm Trần : Việc đầu tiên là hình ảnh của ông cảnh sát da trắng đó đạp chân lên cổ của người nạn nhân George Floyd đó quá lâu. Báo chí và đài truyền hình đã chiếu đi, chiếu lại trong nhiều tiếng đồng hồ. Hình ảnh đó tạo ra sự bất mãn không những đối với người da mầu, và kể cả người da trắng. Bởi vì người da trắng nhiều khi cũng là nạn nhân của bạo hành cảnh sát. Cảnh sát đôi khi quá trớn, có những hành động thiếu suy nghĩ làm tổn thương đến danh dự, cũng như là mạng sống của người dân Hoa Kỳ nói chung, người da mầu nói riêng. 

Sở dĩ vụ này bùng phát lên có hai lý do chính. Thứ nhất là trong tình trạng nước Mỹ, cũng như toàn thế giới đang phải đối phó với nạn dịch Covid-19, mà tiếng bình dân gọi là "nạn dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc", người dân đã rất là sợ hãi, đã thất nghiệp, và nhiều người đã lâm vào cảnh sống hết sức khó khăn. Cho nên, khi xẩy ra một vụ gây tổn thương xã hội như thế này sự tức giận của người dân bùng lên cộng với vấn đề kinh tế, cộng với vấn đề thất nghiệp, cộng với vấn đề không được đối xử công bằng trong luật pháp giữa người dân và Nhà nước nói chung, và lực lượng cảnh sát nói riêng. Và đặc biệt là giữa các tòa án, do các quan tòa người da trắng chủ tọa, đối với những nạn nhân da mầu hoặc người thiểu số. 

Tất cả những điều này nói chung lại là thảm cảnh của xã hội Hoa Kỳ, bị dồn nén quá lâu, chưa có những giải pháp cụ thể từ phía Nhà nước. Thành ra tất cả mọi chuyện đổ vào một lúc và bùng phát lên trong xã hội Hoa Kỳ là như thế. 

RFI : Có người đặt câu hỏi là chính quyền cũng đã thừa nhận cảnh sát có phạm tội. Vậy điều gì có thể giải thích cho việc tại sao các cuộc phản kháng vẫn tiếp tục, thưa ông ? 

Phạm Trần : Có hai vấn đề. Thứ nhất là người ta đang còn bất mãn là tại sao ba người cảnh sát chưa bị bắt và chưa bị truy tố gì cả. Tuy nhiên, đằng sau đó lại có những việc làm của chính quyền trung ương, tức của ông tổng thống Donald Trump. Ông Donald Trump đã không lên truyền hình để nói chuyện với người dân sau khi đã nổ ra những cuộc biểu tình liên tục ở nước Mỹ (nhiều cố vấn, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc Hội đã muốn tổng thống trực tiếp nói chuyện với người dân Mỹ, theo nhà báo Phạm Trần). 

Ông Trump đã coi tất cả những chuyện đó rồi. Mặc dù ông ấy có đưa ra lời tuyên bố chia buồn với gia đình nạn nhân đó, và cũng có những cử chỉ nhã nhặn, và cho rằng việc đó không nên để xẩy ra, và ông ấy cũng thể hiện là không hài lòng, tuy nhiên ông ấy lại nhắc lại một lời tuyên bố, đưa ra năm 1967, của một viên cảnh sát trưởng ở bang Florida, trong thời gian đó đang có những cuộc đấu tranh dân quyền giữa người da mầu và người da trắng ở khắp nước Mỹ. Ông ty trưởng cảnh sát đó đã nói rằng : "Khi bạo động bắt đầu, thì tiếng súng cũng bắt đầu nổ".

Câu nói đó làm cho người da đen bị tổn thương. Không cần biết mạng của những người đi biểu tình như thế nào ? Họ có phải là những người biểu tình hay không, hay người gây bạo động ? Liệu có phân biệt là chỉ có một thiểu số bạo động nào đó mà thôi không ? 

Hơn nữa ông Donald Trump lại gọi những người đi biểu tình là "những quân khủng bố nội địa" và "những thành phần du đãng". Những lời nói đó là những lời xúc phạm chung cho tất cả những người đi biểu tình, người ta không hài lòng về những lời vơ đũa cả nắm của một ông tổng thống. 

Cho đến giờ này, ông Donald Trump vẫn không muốn lên truyền hình, ngược lại, ông ấy có những cử chỉ, hành động phô trương các quyền cá nhân của ông ấy. Tỉ dụ như trong cuộc biểu tình tại Washington DC, hôm thứ Sáu 29/05, ông ấy tuyên bố sẽ sử dụng lực lượng quân đội để dẹp bỏ các cuộc biểu tình, và ngay lúc đó ra lệnh cho cảnh sát dẹp đoàn biểu tình, dù là họ không có hành động bạo động gì, họ chỉ biểu tình ôn hòa, đòi hỏi pháp luật trừng trị các viên chức cảnh sát, do các hành động vô nhân đạo. Việc tổng thống yêu cầu dẹp biểu tình hóa ra chỉ để dẹp đường cho đoàn của tổng thống đi từ tòa Bạch Ốc sang một thánh đường kế bên. Và ông đến bên thánh đường đó chỉ để giơ một cuốn Thánh Kinh lên để người chụp ảnh, truyền hình, có thế thôi ! Không hề có tuyên bố nào về người da mầu bị sát hại, về các cuộc biểu tình. Thành ra người ta cho đó là một hành động cá nhân của ông ấy. Sau đó chính vị phụ trách nhà thờ, giám mục của Giáo hội này đã lên tiếng phản đối việc tổng thống sử dụng ngôi nhà thờ để "làm bàn đạp chính trị", xây dựng hình ảnh chính trị, vì mục tiêu tranh cử. 

Tóm lại, trong bối cảnh có nhiều bất công xã hội truyền từ đời chính quyền này sang chính quyền khác chưa được giải quyết, đặc biệt đối với người thuộc các nhóm thiểu số nói chung, người da mầu nói riêng, chính quyền đương thời thay vì đưa ra những lời ôn hòa, các giải pháp cụ thể, thì lại đưa ra những lời lẽ như có vẻ thách đố, phô trương sức mạnh chống lại người biểu tình, không cần biết họ ôn hòa hay không. Đây là điều rất bất lợi cho Hoa Kỳ. 

RFI : Xin ông cho biết suy nghĩ của ông về những diễn biến có thể tới đây của phong trào phản kháng này, căn cứ trên tình hình hiện nay.

Phạm Trần : Thật sự là mình chưa biết nó sẽ đi về đâu. Nhưng có một điều chắc chắn là, tôi đã nhìn thấy, là chính quyền trung ương của ông tổng thống Donald Trump không có một chính sách rõ rệt để ổn định tình hình bây giờ. Nhưng phần lớn những cuộc bạo động ngay đêm ngày hôm qua (02/06/2020) đã giảm thiểu rất nhiều. Những người đi biểu tình họ đòi hỏi pháp luật, đòi những người có tội phải được xử rõ ràng. Những người nạn nhân phải được đền bù, được bảo vệ.

Nếu những cuộc biểu tình ôn hòa mà cứ tiếp tục như thế này thì sẽ còn kéo dài. Vì cộng thêm vào những bực tức về hành động của cảnh sát, còn có tình trạng thất nghiệp ở Mỹ vì tình trạng dịch Vũ Hán, vì những vấn đề công ăn việc làm, có nhiều người không có tiền để trả tiền thuê nhà… 

Từ giờ cho đến tháng Bảy, tức là chỉ còn một tháng nữa thôi là cuộc vận động tranh cử bắt đầu. Và nếu biểu tình ở nước Mỹ, tình hình kinh tế tiếp tục sa sút, vụ án George Floyd chưa kết thúc, thì tất nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Bây giờ các hãng thăm dò dư luận của Hoa Kỳ hôm nay đồng loạt phổ biến kết quả điều tra : sự ủng hộ đối với ông Donald Trump chỉ còn 40%, ngược lại ông cựu phó tổng thống Joe Biden, từ 53% đến 54%, tức là hơn ông Donald Trump nhiều. Tôi cho rằng những việc xảy ra hiện giờ, dù muốn dù không ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử năm nay. 

RFI xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần

Trọng Thành thực hiện

Nguồn : RFI, 04/06/2020

Published in Diễn đàn

Từ Chile qua Lebanon đến Hong Kong

Sẽ không quá lời khi nói rằng các cuộc biểu tình đã quét qua mọi Châu lục vào năm 2019, bởi vì ngay cả Nam Cực cũng có một cuộc biểu tình trong năm nay.

bieutinh1

Một người biểu tình bị bắt giữ ở Moscow hồi tháng 8. Mua hè này đã có nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Nga yêu cầu bầu cử tự do.

Các vị tổng thống tại vị quá lâu ở Sudan, Algeria và Bolivia đã buộc phải từ chức sau các cuộc biểu tình. Tình trạng bất ổn bạo lực ở Iran, Ấn Độ và Hong Kong tiếp tục diễn ra vào tháng 12 và có nguy cơ sẽ tiếp tục kéo sang 2020.

BBC sẽ điểm lại ba phong trào gây tiếng vang nhất năm 2019. Một số người biểu tình đã chia sẻ lý do tại sao họ làm như vậy - và những gì đã thay đổi.

Lebanon : Chuyện gì đã xảy ra ?

- Lebanon đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và gần một phần ba người dân sống dưới mức nghèo khổ.

- Vào tháng 10, giá trị đồng bảng Lebanon giảm và chính phủ áp thuế mới lên thuốc lá, xăng dầu và thậm chí cả các cuộc gọi thoại trên các ứng dụng như WhatsApp, và đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối.

- Thủ tướng Saad Hariri đã từ chức, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, với các cuộc đụng độ dữ dội diễn ra vào tháng 12.

Tại sao tôi biểu tình ?

từ Nour Myra Jeha, sinh viên, 17 tuổi

Tôi và bạn bè muốn có một phong trào ngay cả trước khi những cuộc biểu tình này xảy ra. Chúng tôi có những thực trạng kinh tế và xã hội nghiêm trọng ở đây, và chúng tôi muốn mọi người có thời gian chú ý và hành động.

Lebanon là một quốc gia có những tôn giáo và giáo phái đối đầu với nhau, vì vậy rất khó để tự mình bắt đầu một cái gì đó. Chúng tôi là một nhóm thiểu số. Nhưng một cú hích nhỏ đã đến khi chính phủ đánh phí lên các cuộc gọi trên WhatsApp. Ở Lebanon, WhatsApp rất phổ biến bởi nhiều người không có tiền trả cước điện thoại cho các cuộc gọi bình thường.

bieutinh2

Nour (giữa) biểu tình trước Bộ Giáo dục Lebanon

Một ngày nọ, Bộ trưởng Bộ giáo dục đang ở trong khu vực của các cuộc biểu tình, và mọi người bắt đầu biểu tình xung quanh chiếc xe của ông ta, và những người bảo vệ của ông ta bước ra khỏi xe và bắt đầu nổ súng [không ai bị giết]. Đó là khi người dân cảm thấy như thế là quá đủ. Mọi người bắt đầu nhận ra các chính trị gia thực sự nghĩ gì về chúng tôi.

Ngày hôm sau, tôi và bạn bè xuống đường. Chúng tôi bắt đầu gọi nó là một cuộc cách mạng. Vào ngày đó, Lebanon đã bỏ các vấn đề tôn giáo sang một bên. Một trong những vấn đề lớn nhất của Lebanon là toàn bộ hệ thống chính trị của chúng tôi đã bị quyết định bởi tôn giáo [Lebanon công nhận 18 cộng đồng tôn giáo và ba cơ quan chính trị chính được chia cho ba cộng đồng lớn nhất]. Nhưng đêm đó, tất cả người dân Lebanon đã đoàn kết. Thật sự cũng khá kinh ngạc. Chúng tôi nhận thấy nhiều người ở thế hệ trước cũng ở đó. Đó là khi chúng tôi biết có một sự thay đổi đang xảy ra.

Chúng tôi muốn một chính phủ gồm các nhà kỹ trị chứ không phải các chính trị gia, những người đã làm chúng tôi thất vọng hết lần này đến lần khác. Và chúng tôi muốn tuổi bầu cử là 18 chứ không phải 21. Chúng tôi không hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi trong một tháng, hai tháng. Nhưng nếu chúng tôi bỏ cuộc, mọi công sức vất vả của chúng tôi sẽ đổ sông đổ bể.

Tôi đang xin đi du học. Trước đây, tôi không biết liệu tôi có muốn quay lại không, nhưng bây giờ tôi chắc chắn 100% là tôi sẽ làm. Tôi muốn biết làm thế nào một xã hội với các quy tắc tốt hơn có thể hoạt động, và học hỏi từ họ và quay trở lại.

Chile : Chuyện gì đã xảy ra ?

- Các cuộc biểu tình bùng phát bởi sự gia tăng giá vé tàu điện ngầm vào tháng 10, một quyết định sau đó đã bị đảo ngược

- Nhưng các cuộc biểu tình sau đó trở thành một sự bất mãn về những vấn đề như chi phí sinh hoạt và bất bình đẳng, lên đến đỉnh điểm khi một triệu người đã diễu hành ở Santiago

- Ít nhất 26 người đã thiệt mạng và Liên Hợp Quốc đã lên án các phản ứng của cảnh sát và quân đội

Tại sao tôi biểu tình ?

từ Daniela Benavides, giáo viên Tiếng Anh, 38 tuổi

Tuần đầu tiên, tôi xuống đường vì có quân đội trên đường phố nên tôi muốn xem. Bạn thường thấy cảnh sát, nhưng quân đội, với súng máy, đó là một kịch bản hoàn toàn khác.

Ngày đầu tiên, tôi đi vì muốn chụp ảnh. Tôi có thể thấy nhiều người ở đó biểu tình, đối mặt với quân đội. [Chile từng bị cai trị bởi một chế độ độc tài quân sự trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 1990].

bieutinh3

Daniela (thứ 3 từ phải sang) và các diễn viên khác trong một vở kịch lên án bạo lực đối với người biểu tình, một số mù mắt vì đạn cao su

Ngày hôm sau, tôi xuống đường vì tôi cảm thấy mình cần phải là một phần của phong trào này, vì tôi ủng hộ tất cả các yêu cầu, bởi vì tôi đã thấy sự bất bình đẳng nơi tôi làm việc. Chúng ta cần thay đổi hệ thống này. Nhiều người đang đau khổ. Bất kỳ người nào, bất kỳ công dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này đều phải có cơ hội về học vấn, sức khỏe, điều kiện sống phù hợp, lương hưu.

Hầu hết các sinh viên của tôi nói rằng đây là một khoảnh khắc rất buồn cho họ, nhưng họ muốn được chiến đấu. Họ đã sống cả đời như thế này. Họ biết thế nào là không có tiền đi khám bệnh. Hoặc nếu không có tiền, họ sẽ không thể đi học.

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là cuộc biểu tình lớn nhất vào thứ Sáu 25/10. Có hơn 1,2 triệu người đã tham gia. Bạn có thể thấy nhiều gia đình, học sinh, trẻ em, mọi người đều ở đó vì chúng tôi cần phải làm gì đó và cho thế giới thấy mọi thứ không hoàn hảo. Chile craptó - Chile thức tỉnh. Bạn có thể thấy ngày hôm đó. Mọi người ở đó vừa hát, vừa đi cùng nhau. Nó thực sự, thực sự tuyệt vời.

Khi tôi thấy rất nhiều người bị cảnh sát làm bị thương, tôi đã tắt tivi. Quá sức chịu đựng của tôi. Không phải là tôi muốn sống trong bong bóng màu hồng của riêng mình. Nhưng nên bạn muốn tâm lý khỏe mạnh, bạn cần phải ngừng xem tất cả những thứ này.

Tôi vẫn đi biểu tình nhưng sau một giờ, hai giờ, tôi rời đi. Chúng tôi cần phải cẩn thận. Bạn không biết bạn sẽ bị cảnh sát bắn trúng hoặc bị trúng phải một quả bom xăng lúc nào.

theo cuộc phỏng vấn của Tom Garmeson của BBC Monitoring.

Hong Kong : Chuyện gì đã xảy ra ?

- Biểu tình bắt đầu vào tháng 6 về một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục

- Dự luật này sau đó bị rút bỏ nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, khi những người biểu tình đưa ra năm yêu cầu chính

- Có thời điểm, hàng trăm ngàn người đã xuất hiện trên đường phố Hong Kong. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục.

Tại sao tôi biểu tình ?

từ Helen (*), 30 tuổi

Tôi đã ở đó khi phong trào Dù vàng diễn ra. Nhưng lần này tôi cảm thấy nó rất khác.

Rất nhiều người đã rất thất vọng về Phong trào Dù vàng năm 2014. Lần này, chúng tôi cảm thấy nó như là một sự hồi sinh của 5 năm trước. Rất nhiều người tôi gặp đã nói rằng nếu [cải cách] không xảy ra, chúng tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó và chúng tôi sẽ phải chấp nhận sống như thế. Vì vậy đây chính là cơ hội để thay đổi.

Trong một thời gian, tôi nghĩ rằng phong trào sẽ chết. Nhưng cái cách mọi người bị đối xử tàn bạo hơn trước - chúng tôi bị bắn hơi cay trong khi không hề ở gần tiền tuyến, khiến nhiều người rất tức giận.

Rất nhiều lần trong suốt sáu tháng qua tôi đã lo sợ phong trào sẽ tàn lụi dần và kể từ khi cuộc bầu cử quận [khi các nhóm ủng hộ dân chủ chiếm được lợi thế chưa từng có vào tháng 11], mọi thứ đã dịu xuống. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ dừng lại sớm như vậy. Nhiều người tiếp tục biến mất, nhiều người tiếp tục bị bắt. Và những người trẻ tuổi vẫn đang tiếp tục đấu tranh, đó là điều không thể tin được.

Đó là một sự kiện đau thương mà chỉ đến bây giờ, sau khi tôi rời Hong Kong, tôi mới cảm thấy bình thường hơn một chút. Tôi bị bủa vây bởi tin tức, và tôi có một nhóm trên Telegram mà tôi đã phải tắt tiếng. Nhưng cứ mỗi giờ, tôi vẫn kiểm tra tin tức.

Tôi khá bi quan về việc [những yêu cầu được đáp ứng]. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ có được quyền bầu cử phổ thông. Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép nó xảy ra. Nhưng một phần trong tôi vẫn hy vọng một số nhu cầu sẽ được đáp ứng. Nó sẽ không bao giờ là một chiến thắng đầy đủ. Nhưng chiến thắng nhỏ vẫn tính.

Roland Hughes

Nguồn : BBC tiếng Việt, 22/12/2019

(*) Không sử dụng tên thật vì lo sợ bị trả đũa

Published in Diễn đàn
samedi, 30 novembre 2019 16:11

Kiên quyết đối mặt

Kể từ khi Hạ Viện Hoa Kỳ chuyển hai dự luật về Hồng Kông đến Tòa Bạch Ốc để chờ Tổng thống Trump ký ban hành thành luật, nhiều người đã dự đoán và lo ngại rằng ông Trump sẽ phủ quyết hai dự luật này để ưu tiên cho việc đạt được một thỏa thuận về thương mại với Trung Quốc đang vào hồi khó khăn, gay cấn.

kienquyet1

Dân chúng Hồng Kông tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ. (Photo by Chris McGrath/Getty Images)

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu từ hơn 1 năm nay, đã gây nên nhiều sóng gió trong quan hệ giữa hai cường quốc, giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nền kinh tế thế giới vì thế cũng đã bị những ảnh hưởng, biến động rất lớn bởi cuộc chiến này.

Hẳn nhiên, trong một cuộc chiến, chẳng bên nào là chiến thắng tuyệt đối và dù có thắng cuộc, thì bên chiến thắng vẫn phải chấp nhận những mất mát, đau thương là điều dễ hiểu. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Hoa Kỳ cũng phải hứng chịu những hậu quả nhất định nhất là những khó khăn trước mắt trong các hoạt động kinh tế, xuất-nhập cảng và các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng xấu.

Đối mặt với thực tế cuộc sống người dân, cử tri Hoa Kỳ, khi mùa tranh cử, vận động đang đến gần, những khó khăn này đã ngày càng trở thành một áp lực rất lớn cho ông Trump, một ứng cử viên của nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Mặt khác, cuộc điều tra, luận tội của đảng Dân Chủ đang tạo gây sứt mẻ uy tín, và đe dọa tương lai của chức vụ Tổng thống mà ông Trump đang nắm giữ.

Về đối ngoại, kể từ khi lưỡng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua với đa số tuyệt đối, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận đến mức tối đa. Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ, và người phát ngôn Trung Quốc lên tiếng phản đối với những lời đe dọa liên tục nhằm ngăn chặn việc Tổng thống Trump ký ban hành dự luật này : "Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ, và Mỹ sẽ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả".

Đáp lại, Tổng thống Trump vẫn cứ úp mở : "Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình. Chúng tôi đang trong giai đoạn đấu tranh cuối cùng của một thỏa thuận rất quan trọng – có thể nói là một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất từ trước đến nay. Nó đang rất tốt". Và : "Nhưng đồng thời, chúng tôi muốn thấy mọi thứ diễn ra tốt đẹp ở Hồng Kông và tôi nghĩ nó sẽ như vậy. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Tập có thể làm được điều đó".

Tất cả những áp lực cùng lúc và cách hành xử bất quy tắc của Tổng thống hiện thời, đã tạo cho nên những sự nghi ngờ với cách hành động và thái độ của ông Trump. Nhiều người đã cho rằng, trước những áp lực đó, rất có thể ông Trump sẽ phủ quyết hai dự luật vì không muốn gây căng thẳng với Bắc Kinh nhằm đạt được một thỏa thuận về thương mại, lấy đó làm lợi thế cho cuộc chạy đua của mình vào Tòa Bạch Ốc sắp tới.

Thế nhưng, thực tế đã hoàn toàn trái ngược với nhiều dự đoán.

Ngày 27/11/2019, ông Trump đã ký ban hành hai dự luật. Ông phát biểu : "Tôi ký những dự luật này vì sự tôn trọng dành cho Chủ tịch Tập của Trung Quốc và người dân Hồng Kông. Chúng được ban hành với hy vọng rằng lãnh đạo và nghị viên Trung Quốc và Hồng Kông sẽ có thể giải quyết bất đồng giữa họ một cách thiện chí để đưa đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả".

Điều đó nghĩa là : Dù có mối quan hệ tốt đẹp với Tập Cận Bình, dù rất cần một kết quả tốt đẹp cho việc đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại, nhưng cần có những dự luật như vậy được ban hành, thì mới có thể hy vọng có thể giải quyết được vấn đề Hồng Kông đưa đến hòa bình, thịnh vượng lâu dài cho vùng đất từng là nhượng địa của Anh Quốc này.

Nói cách khác, là dù có thân mật với Tập, thì những đối tác như Tập, vẫn cần những ngón đòn thật đau mới có thể hy vọng có những thay đổi chứ không chỉ trông chờ vào những bày tỏ "thiện chí" hoặc những lời nói, lời hứa hẹn suông.

Đây là một đòn khá quyết liệt và mạnh mẽ của Tổng thống Trump đối với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là trong thời điểm nhạy cảm và khó khăn này.

Thái độ và hành động với Trung Quốc, cũng là một trong số ít vấn đề tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ trong chính phủ Hoa Kỳ.

Cần phải hiểu rằng với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối trong các cuộc bỏ phiếu vừa qua ở lưỡng viện Hoa Kỳ, thì ngay cả trong trường hợp Tổng thống Trump phủ quyết hai dự luật này, việc lưỡng viện Hoa Kỳ vẫn ủng hộ hai dự luật để trở thành luật chính thức là điều không khó xảy ra.

Thế nhưng, việc Tổng thống Trump nhanh chóng ký ban hành hai luật nói trên, đã nói lên thái độ của ông đối với Trung Quốc là không phải nói chỉ để mà nói.

Khỏi cần phải nói đến những phản ứng từ phía Trung Quốc, người ta cũng đoán biết được thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã giãy nảy lên "như đỉa phải vôi" ra sao.

Ngay lập tức, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và cho rằng : "Mỹ đã can thiệp nghiêm trọng vào công việc của Hồng Kông, can thiệp nghiêm trọng công việc nội bộ Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, là hành động bá quyền trắng trợn". Và "Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ và hậu quả của việc này hoàn toàn nằm ở phía Mỹ".

Ngược lại với thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh, người dân Hồng Kông sau khi nhận được tin này đã hết sức vui mừng và hân hoan, đồng loạt đổ ra các đường phố, chào đón sự kiện này và cảm ơn nước Mỹ.

Hơn nửa năm qua, những người dân Hồng Kông đã bất chấp tất cả mọi trò bẩn thỉu của nhà cầm quyền, đứng sau đó là hệ thống chính trị Bắc Kinh, đẩy những người đòi quyền lợi của mình đi từng bước đến một cuộc phản kháng tập thể khổng lồ.

Từ những cuộc biểu tình không lớn, cho đến những cuộc xuống đường với hàng triệu người tham gia. Từ những yêu sách ban đầu là rút ngay dự luật dẫn độ, cho đến những đòi hỏi cao hơn sau đó và kiên quyết không rút lại bất cứ điều nào trong 5 điều họ đòi hỏi.

Từ việc đối mặt với đám cảnh sát hăm dọa, cho đến đối mặt với vòi rồng, đám côn đồ rồi sau đó là bắt cóc, giết người và gần đây là súng đạn, bắt bớ hàng ngàn người…

Tất cả không làm cho người dân Hồng Kông nao núng và sợ hãi.

Bởi họ hiểu được những giá trị của tự do, hiểu những điều gì đang đe dọa không chỉ họ mà cả con cháu, nòi giống họ sau này nếu phải sống dưới ách cộng sản.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể đáp ứng những yêu cầu của người dân Hồng Kông. Điều này không phải vì quá khó khăn hay không thể chấp nhận một vài điều kiện người biểu tình đưa ra như trừng trị một số cảnh sát đã lạm quyền và tàn bạo hay thay thế Carrie Lam. Họ sẵn sàng thí mạng hàng ngàn người hoặc thay thế bằng một tay chân khác của mình.

Nhưng, việc người Hồng Kông đòi tự do, dân chủ là điều trọng yếu mà Đảng cộng sản Trung Quốc không thể chấp nhận bằng bất cứ giá nào.

Bởi việc người Hồng Kông đòi tự do, dân chủ là một việc quan trọng có tính chất sống còn đối với không chỉ Hồng Kông, mà còn là với cả Trung Hoa đại lục, với cả những phần đất đang nằm dưới sự cai trị độc tài của Đảng cộng sản Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng, hoặc những vùng đất mà Trung Quốc đang ve vuốt hoặc đe dọa như Đài Loan.

Điều mà chính quyền cộng sản Trung Quốc lo ngại và sợ hãi, là những ngọn lửa từ Hồng Kông sẽ không dừng lại ở vùng lãnh thổ này, mà có nguy cơ lan thành những đám cháy không thể nào dập tắt ở cánh rừng đại lục với hơn 1 tỷ người đều là nạn nhân của cộng sản.

Do vậy, việc ủng hộ người dân Hồng Kông đòi quyền tự do, dân chủ, chẳng khác mấy với việc ủng hộ việc hất cẳng chính quyền và Đảng cộng sản Trung Quốc. Và vì thế, sự hằn học, căm hận của nhà cầm quyền Bắc Kinh là không hề nhỏ, họ có thể làm bất cứ điều gì để trả đũa việc đó chứ không chỉ là cuộc chiến tranh thương mại.

Vì vậy, việc Tổng thống Trump nhanh chóng ký hai dự luật về Hồng Kông đã chứng tỏ thái độ của Mỹ : Kiên quyết đối mặt.

Và không chỉ những người dân Hồng Kông, mà cả rất nhiều người dân Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi trên thế giới, kể cả những người không mấy ưa ông Trump, cũng đều ủng hộ thái độ này của Tổng thống Mỹ. 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : Người Việt, 30/11/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc đưa tàu đến đón sinh viên về Hoa lục, Hồng Kông tiếp tục tê liệt (RFI, 14/11/2019)

Từ chiều hôm qua 13/11, nhiều sinh viên Trung Quốc đã rời Hồng Kông trở về Hoa lục, với sự trợ giúp của cảnh sát biển. Hồng Kông tiếp tục bị tê liệt từ hôm nay 14/11/2019 đến ngày mai : trường học đóng cửa, nhiều trạm xe điện ngầm ngưng hoạt động, nhiều tuyến đường chính bị phong tỏa.

hk1

Nhiều sinh viên Hồng Kông ngày 14/11/2019 cố thủ bên trong các trường đại học, với lương thực dự trữ và gạch đá, bom xăng để đối phó với sảnh sát. Reuters/Tyrone Siu

Sáng nay, cảnh sát lại sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình và các sinh viên đang chận lối vào đường hầm nối đảo Hồng Kông với Cửu Long (Kowloon). Hơi cay cũng được bắn ra gần trường đại học Bách Khoa, nơi người biểu tình được kêu gọi tập hợp. Sinh viên đã sáng chế ra các loại vũ khí mới để đối phó với cảnh sát, như các giàn ná lớn, cung tên, dùng vợt tennis đánh bật lại lựu đạn cay.

Hàng ngàn sinh viên vẫn cố thủ bên trong các trường đại học, chuẩn bị lương thực dự trữ và gạch đá, bom xăng để đối phó. AP dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết sinh viên chiếm 40% trong số 4.000 người bị câu lưu kể từ đầu phong trào phản kháng đến nay.

Trước tình hình căng thẳng, nhiều sinh viên Trung Quốc đã quay về Hoa lục. Cảnh sát biển điều một chiếc tàu đưa các sinh viên này hồi hương. Sinh viên một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy tại Hồng Kông được khuyến cáo nên về nước, Đài Loan mua vé máy bay cho 123 sinh viên trở về Đài Bắc tối qua.

Cũng trong tối hôm qua, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã họp gấp với các viên chức cao cấp, khiến người ta cho rằng chính quyền Hồng Kông sẽ có những biện pháp khẩn cấp để đối phó. Sáng nay, tài khoản Twitter của Global Times loan báo "sẽ ra lệnh giới nghiêm cuối tuần này", nhưng nửa giờ sau tin này đã bị xóa. Chính quyền Hồng Kông không trả lời các hãng thông tấn.

Từ đầu tuần, các vụ bạo động diễn ra trên khắp đặc khu, ảnh hưởng đến giao thông công cộng, nhất là tàu điện ngầm vốn mỗi ngày vận chuyển trên 4 triệu lượt người. Theo chính quyền, hôm qua có 70 người phải nhập viện, trong đó có hai trường hợp nguy kịch.

Người biểu tình sử dụng chiến thuật mới theo kiểu "trăm hoa đua nở" : mở những cuộc tấn công nhỏ ở nhiều nơi, bất kể giờ giấc, thay vì tập trung vào những ngày cuối tuần.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :

"Khẩu hiệu được phong trào đưa ra tối qua là mở ra thật nhiều mặt trận để làm phức tạp thêm công việc của cảnh sát. Tại khu phố chính của cảng cá Aberdeen thuộc đảo Hồng Kông, dưới ánh trăng rằm, khoảng vài trăm người có mặt trên những con đường đã bị chắn bằng chướng ngại vật. Họ nhìn theo những người biểu tình năng động nhất gỡ những viên gạch lề đường rồi mang đặt rải rác trên mặt lộ.

Jonas, 23 tuổi nói : Nhìn kìa, hiện giờ thì các bạn ấy đang đặt những vật cản như đã thấy ở ngã tư, nhưng cảnh sát ở cách đây không xa, họ có thể bất ngờ xuất hiện.

Và đúng là chỉ vài phút sau, khoảng 30 cảnh sát chống bạo động đã xông đến với dùi cui, đèn pin cực mạnh và đủ loại trang bị trên người, tuần tiễu khắp khu phố, đá văng các chướng ngại vật trên đường đi.

Nhưng cảnh sát vừa đi khỏi một chút, cư dân đã mắng chửi họ từ xa. Khi cảnh sát quay lại ngã tư mà họ mới có mặt cách đó 20 phút, thì bàn ghế, thùng rác bị xô đổ và đủ loại vật cản khác lại xuất hiện. Tuy nhiên, trò chơi cút bắt này có thể diễn biến xấu đi một cách nhanh chóng, như người bán hoa trên đây lo ngại.

Aberdeen đêm qua vẫn yên tĩnh, nhưng tình hình tệ hại hơn ở Tây Loan Hà (Sai Wan Ho) - nơi mà một cảnh sát đã rút súng bắn thẳng vào một người biểu tình 21 tuổi hôm thứ Hai ; và tại khu Vượng Giác (Mongkok), Prince Edward".

Báo chí nhà nước Trung Quốc tỏ ra cứng rắn. Global Times chạy tựa trang nhất "Các băng nhóm biến trường đại học thành vùng chiến sự theo kiểu Syria". Nhân Dân Nhật Báo kêu gọi có biện pháp mạnh, China Daily cáo buộc người biểu tình biến các trường đại học thành "cơ sở cách mạng".

Hôm nay, ngoại trưởng Úc Maryse Payne có động thái bất thường là kêu gọi cảnh sát Hồng Kông đáp trả "một cách chừng mực" đối với người biểu tình, và quan tâm đến đòi hỏi điều tra về bạo lực cảnh sát.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm qua yêu cầu chính quyền Hồng Kông chấm dứt "các hành động đàn áp", kêu gọi các quốc gia dân chủ ủng hộ phong trào đấu tranh ở Hồng Kông.

Trước đó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại cảnh báo Hoa Kỳ "không nên xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc", đòi hỏi các thượng nghị sĩ Mỹ chấm dứt cổ vũ cho dự luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông. Trên Twitter hôm nay, lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong dẫn lời thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết dự luật có thể được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua trước lễ Thanksgiving.

Thụy My

********************

Hồng Kông vẫn căng thẳng, chính quyền ra lệnh đóng cửa trường học (RFI, 14/11/2019)

Tình hình Hồng Kông sáng nay, 13/11/2019, vẫn hỗn loạn sau một đêm xung đột chưa từng thấy giữa người biểu tình phản kháng, sinh viên và cảnh sát tại một khu đại học.

hk2

Khung cảnh ở khu Trung Hoàn, Hồng Kông ngày 13/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Cảnh sát đã rút lui trong đêm. Sáng nay nhiều ga tàu điện đã phải đóng cửa, hàng chục tuyến xe buýt đã phải ngưng chạy, trong lúc xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều khu phố tại Hồng Kông.

Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy cho biết tình hình hiện tại :

Tại một số khu phố Hồng Kông, người dân khi thức dậy sáng nay có thể nghĩ rằng đã có một trận mưa gạch và mảnh vỡ đủ loại vào tối qua.

Các đại lộ ở khu phố Cửu Long - vùng rất đông dân cư, đối diện với đảo Hồng Kông trên phần đất liền - một số đường cao tốc bình thường rất đông xe buýt đưa người đi làm, cũng như trên nhiều đoạn của con đường duy nhất bao quanh Hồng Kông, tất cả đều đầy những mảnh vỡ đủ loại mà mục tiêu là để cản trở lưu thông.

Người ta có thể thấy nào là rào cản, cột đèn bị chặt gẫy, biển chỉ đường, nào là các loại hộp nhựa, thậm chí có cả đinh. Giao thông đã bị xáo trộn nghiêm trọng và một số đường hầm chính bị ngăn chận.

Vào giờ cơm trưa, hàng trăm nhân viên văn phòng, người đi đường, số đông không đeo mặt nạ, cũng đã tràn ra đường, trên các con đường khu Trung Hoàn, bày tỏ thái độ bực tức trước sự ngoan cố của chính quyền không chịu nhượng bộ, mà cũng không làm gì để đưa Hồng Kông thoát ra khỏi bế tắc hiện nay.

Những người cực đoan đã đập phá cửa kính của Ngân Hàng Viễn Thông, một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc.

Vào lúc tình hình cứ mỗi giờ mỗi xấu đi thêm, chính quyền Hồng Kông vừa thông báo đóng cửa các trường học vào ngày mai, thứ Năm.

Mai Vân

*****************

Khủng hoảng Hồng Kông : Phải chăng đã tới điểm không thể đảo ngược ? (RFI, 12/11/2019)

Một sinh viên Hồng Kông thiệt mạng, một thanh niên bị cảnh sát bắn trọng thương, một người ủng hộ Trung Quốc bị người biểu tình châm xăng đốt, cửa hàng Trung Quốc bị đập phá, truyền thông Bắc Kinh lại nói đến can thiệp quân sự trong khi Giáo hội Công giáo lo ngại xung đột leo thang và có thêm nạn nhân mới nếu chính quyền không nhượng bộ.

hk3

Người biểu tình Hồng Kông giương ảnh người sinh viên 22 tuổi, qua đời sau cuộc đụng độ với cảnh sát, Hồng Kông, 09/11/2019. Reuters/Tyrone Siu

Từ thứ Sáu tuần trước, sau cái chết của sinh viên Alex Chow vì thương tích nặng trong bối cảnh xung đột với cảnh sát, bạo lực tại Hồng Kông gia tăng một cách đáng ngại.

Trong tang lễ cũng như trong khuôn viên trường đại học của Alex Chow, xuất hiện những khẩu hiệu đòi trả thù. Hệ quả là lần đầu tiên từ khi phong trào chống dẫn độ biến thành việc chống Bắc Kinh chà đạp nguyên tắc "một nước hai chế độ", xảy ra nhiều vụ sinh viên Hoa lục bị sinh viên Hồng Kông hăm dọa.Theo AFP, căng thẳng được thấy rõ tại phần đông các trường đại học vào sáng thứ Ba. Trên những con đường dẫn về các trường đại học đều có người biểu tình chiếm lĩnh hoặc có các chướng ngại vật do các nhóm trẻ đeo mặt nạ hay khẩu trang dựng lên. Trường Bách Khoa náo loạn khi cảnh sát xông vào tìm bắt một nữ sinh viên tranh đấu. Vì lo sợ bị trả thù, nhiều sinh viên Hoa lục đã về nước cho dù mới tựu trường.

Trong lúc đó, nhiều khu phố của Hồng Kông bị tê liệt vì hàng loạt hoạt động "xung kích". Hệ thống chuyên chở công cộng gần như bị ngưng trệ trong ba ngày liên tiếp.

Sự kiện làm cho dân Hồng Kông tức giận nhất là vừa xong tang lễ Alex Chow, vào sáng thứ Hai đã xảy ra vụ cảnh sát rút súng bắn vào bụng một thanh niên biểu tình 21 tuổi. Đoạn băng video đã thúc đẩy đông đảo dân Hồng Kông xuống đường phản kháng. Một phụ nữ chia sẻ với RFI : "Phải chăng Trung Quốc muốn tái diễn cuộc thảm sát Thiên An Môn ?".

Vài giờ sau, một đoạn băng khác cho thấy một người đàn ông ủng hộ Bắc Kinh, sau một cuộc cãi vã, bị châm xăng đốt thành đuốc. Người bị bắn và người bị đốt đều đang được chăm sóc trong tình trạng hiểm nghèo.

Hôm nay, từng nhóm thanh niên đeo khẩu trang lại tiếp tục tấn công hàng quán do người Trung Quốc làm chủ, lập chướng ngại vật cản trở lưu thông trên đường phố và đường sắt. Tại khu Trung Hoàn, nơi tập trung các công ty quốc tế và cửa hiệu sang trọng, vào giờ nghỉ trưa, hàng ngàn nhân viên tham gia một cuộc "mít-tinh" đột phát với khẩu hiệu kêu gọi "Đấu tranh cho Tự Do, Ủng hộ Hồng Kông".

Tình hình Hồng Kông đi về đâu ?

Trước bầu không khí bạo lực này, các cường quốc Tây phương yêu cầu đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga "thỏa hiệp" với phong trào dân chủ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ lên án "bạo lực ở cả hai phía". Bộ Ngoại Giao Anh kêu gọi hai bên "đối thoại".

Tuy nhiên, Bắc Kinh, cũng như chính quyền đặc khu dường như vẫn từ chối nhượng bộ chính trị. Hôm thứ Hai, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khuyến cáo phe biểu tình "đừng mơ tưởng" có thể làm thay đổi chính trị.

Tại Bắc Kinh, hai tờ báo phản ảnh quan điểm của đảng cộng sản Trung Quốc đe dọa dùng biện pháp mạnh. Bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo cho là "cảnh sát Hồng Kông hành động chừng mực còn thẩm phán thì quá rộng lượng". Theo xu hướng này, Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi cảnh sát Hồng Kông "cần cứng rắn hơn" và có thể tin cậy vào "sự tiếp tay của lực lượng võ trang của Trung Quốc đóng tại Hồng Kông".

Máu sẽ đổ thêm ?

Giáo hội Công giáo Hông Kông, luôn hậu thuẫn dân chủ và nhân quyền, kêu gọi chính quyền lắng nghe yêu sách của phong trào dân chủ và làm sáng tỏ cái chết của Alex Chow. Trong một bài giảng, phụ tá tổng giám mục Joseph Hạ Chí Thành cảnh báo : "Trong một xã hội văn minh, không một người có lương tâm nào chấp nhận một nghi án như thế. Nếu sự thật không được phơi bày, tình hình Hồng Kông sẽ suy thoái thêm và sẽ có thêm nạn nhân trong tương lai".

Tú Anh

******************

Hồng Kông : Đại học bãi khóa, giao thông bị ngăn chận (RFI, 12/11/2019)

Sau một ngày bạo lực chưa từng thấy, với vụ một cảnh sát bắn thanh niên biểu tình và một người ủng hộ Bắc Kinh bị đốt cháy, hôm nay, 12/11/2019, tại Hồng Kông, giao thông công cộng tiếp tục bị xáo trộn, xung đột với cảnh sát tiếp diễn và giới sinh viên đại học bãi khóa.

hk4

Sinh viên biểu tình tại Đại học Trung văn, Hồng Kông, 12/11/2019. Reuters/Tyrone Siu

Lần đầu tiên từ khi xảy ra phong trào phản kháng mang sắc thái chống Trung Quốc, và nhất là sau cái chết của sinh viên Alex Chow, sinh viên Hoa lục du học tại Hồng Kông lo sợ bị trả thù.

Từ Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, thông tín viên Simon Leplatre tường thuật :

"Trong những ngày qua, khu cư xá Đại học Khoa học và Công nghệ học Hồng Kông có một sắc thái lạ lùng : chỗ này, từng nhóm sinh viên đội mũ, mặc áo rộng màu xám dự lễ tốt nghiệp, chỗ kia là tượng đài đầy hoa tưởng niệm sinh viên Alex Chow, cùng với những biểu ngữ viết trên tường kêu gọi trả thù cho "thánh tử đạo" đầu tiên của phong trào tranh đấu.

Trong bối cảnh này, giới sinh viên người Hoa lục không tránh khỏi lo âu. Một sinh viên chia sẻ với thông tín viên RFI : Đại học là nơi để học tập, là không gian của tự do, không liên can gì đến chính trị. Thế nhưng, vào thời điểm này, chúng tôi cảm thấy bất an, bởi vì có nhiều người sẽ tấn công và đập phá đại học theo sở thích của họ…

Thứ Sáu tuần trước, nhiều sinh viên Trung Quốc đã rời cư xá để về lại quê nhà ở Hoa lục trong khi chờ đợi tình hình lắng dịu.

Là dân tỉnh Quảng Đông, một sinh viên tên Lâm, cho biết anh nói cùng thứ tiếng với người Hồng Kông nhưng nhiều bạn học khác, chỉ nói tiếng quan thoại, nên rất lo sợ : Hầu hết sinh viên trong nhóm bạn của tôi đã về nhà bởi vì không nói tiếng Quảng Đông. Họ sợ ai đó phát hiện nguồn gốc Hoa lục của mình.

Khác biệt chính kiến giữa hai cộng đồng rất sâu rộng. Trong khi sinh viên Hồng Kông dấn thân vào phong trào tranh đấu, nhiều sinh viên Trung Quốc tỏ lòng ái quốc cho nên tranh luận thường dẫn đến cãi vã.

Một sinh viên Hồng Kông khuyến cáo : Nếu sinh viên Trung Quốc sợ, thì họ càng nên thảo luận thêm với chúng tôi. Bởi vì chúng tôi không phải lúc nào cũng tấn công và chỉ đánh người khi có lý do.

Sinh viên này cho biết thêm là anh có nhiều bạn học Hoa lục trong số những người có tinh thần cởi mở nhất".

Tú Anh

Published in Châu Á
Trang 1 đến 3